Tư tưởng Hồ Chí Minh – Ngọn đuốc soi đường cho dân tộc ta đi

Nam Hà

Năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu viễn dương ra đi tìm đường cứu nước. Qua bốn châu lục với 28 quốc gia, chứng kiến sự bóc lột tàn bạo của thực dân và nỗi cực khổ của người dân các nước thuộc địa, khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp càng hun đúc thêm bầu nhiệt huyết. Và “Luận cương về các vấn đề thuộc địa và dân tộc” của Lênin đã đến với Nguyễn Tất Thành. “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ. Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.Từ đó Nguyễn Tất Thành hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Và từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa nghiên cứu lý luận Mác- Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Rồi ngày 3/2/1930 (tại Hồng Kông), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (bí danh hoạt động của Nguyễn Tất Thành) Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã quyết định thống nhất các tổ chức cộng sản ở nước ta thành một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là một bước ngoặt lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về tổ chức và đường lối của cách mạng Việt Nam. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng. Cũng từ đó cách mạng trong nước phát triển mạnh mẽ khắp từ Bắc vào Nam: Xô viết Nghệ Tĩnh, Khởi nghĩa Nam Kỳ, Mặt trận Việt Minh… và cao trào là Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Rồi công cuộc đấu tranh giải phóng, bảo vệ đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh cũng được khẳng định hơn bao giờ hết kể từ thời khắc Bác về nước năm 1941 trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng.

Thế nên từ lâu hình ảnh lãnh tụ sống trong lòng nhân dân, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi đến miền ngược đâu đâu cũng gọi Người là Cụ Hồ, Bác Hồ, Cha già dân tộc… (Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ- Tố Hữu). Bao câu chuyện cảm động về người dân lưu giữ hình ảnh, kỷ vật của Bác như thứ gia bảo không chỉ cho mình mà còn cho muôn đời con cháu mai sau. Tôi còn nhớ khi đọc tập truyện ký “Sống như Anh” của nhà văn Trần Đình Vân viết về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi có đoạn anh đập vỡ cái máy Ri coóc đơ ghi lời tên chiêu hồi xuyên tạc về miền Bắc và Bác Hồ: “Tôi không những đập tan cái Ri coóc đơ mà nếu thằng chó đẻ đó đứng ở đây tôi sẽ đập bể sọ nó ngay. Nó dám nói xấu miền Bắc, nó dám chạm đến Hồ Chủ Tịch”. Thì ra con người bình dị là Bác dẫu không hề đề cao cá nhân nhưng tấm lòng yêu nước, thương dân cao cả tự nó đã tạo thần tượng. Nhiều địa phương người dân lập đền thờ Bác, đúng nghĩa “Thương dân dân lập đền thờ” là vậy. Và càng tự hào khi không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức UNESCO tại Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 24, năm 1987 tại Pháp ra Nghị quyết số 24C/18.65 vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.

Ngày 2 tháng 9 năm 1969, Người về với thế giới người hiền Mác, Lênin. Điếu vǎn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại lễ truy điệu nhấn mạnh “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Tài sản Người để lại ngoài lòng yêu nước thương dân còn bản Di chúc và Tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị to lớn, toàn diện; là cống hiến vô giá về lý luận được thực tiễn cách mạng Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX chứng thực. Đó là “một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin  vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta” như văn kiện Đại hội IX (4/2001) của Đảng khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh không những có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn góp phần tích cực trong các bước tiến của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đây là nhân tố không thể thiếu trong tư duy và hành động của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thể kỷ qua. Cùng với chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, nhân dân ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội của toàn dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam".

Tuy nhiên, hiện nay các thế lực thù địch, phản động vẫn luôn không ngừng ráo riết thực hiện các âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Một trong những âm mưu nguy hiểm ấy chính là chúng tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng- chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng không chỉ phủ định chủ nghĩa Mác- Lênin mà còn phủ nhận cả tư tưởng Hồ Chí Minh, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng những thủ đoạn vô cùng tinh vi và thâm độc. Nhiều phương thức, thủ đoạn được sử dụng, trong đó tập trung vào một số phương thức hoạt động cơ bản như: Thông qua internet, mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Các tổ chức phản động lưu vong như: “Việt Tân”, “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”… cũng đã lập hơn 400 trang web, blog, hàng chục tạp chí, tờ báo, nhà xuất bản; hơn 60 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, như VPR, VOA, RFI… lập ra các diễn đàn để tuyên truyền, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh. Những kẻ tự xưng là yêu nước, dân chủ và cả những người “có tiếng nói phản biện" ở trong và ngoài nước đã không chỉ bịa đặt, bôi đen một số thông tin về đời tư Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm hạ bệ thần tượng mà còn xuyên tạc và phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ không từ bất cứ thủ đoạn nào để bôi xấu và tìm cách đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác- Lênin; tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác- Lênin. Họ cho rằng việc Hồ Chí Minh vận dụng chủ nghĩa Mác- Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam là sai lầm, là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước; tư tưởng Hồ Chí Minh là tư biện, lý thuyết, giáo điều, sao chép, máy móc chủ nghĩa Mác- Lênin đã lỗi thời, đã bị xóa bỏ nên không phù hợp với thực tiễn hiện nay, bởi thế cần từ bỏ nó… Rồi họ cũng triệt để lợi dụng, khoét sâu những thiếu sót trong thực hiện quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và các vụ việc tiêu cực, tham nhũng xảy ra để tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng. Âm mưu ấy không gì khác là nhằm tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi nguồn gốc lý luận chủ yếu và quyết định bản chất là chủ nghĩa Mác- Lênin, tiến tới phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận nền tảng tư tưởng lý luận, cương lĩnh, đường lối của Đảng. Từ đó làm tha hóa về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhân dân; xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta xác định “Kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng” nhằm xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh. Vì vậy, việc học tập, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh là cần thiết để bồi dưỡng, củng cố cho cán bộ, đảng viên lập trường, quan điểm cách mạng trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối với báo chí và các cơ quan truyền thông thì việc tích cực đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái là việc làm cần thiết để bảo vệ chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh- nền tảng tư tưởng của Đảng.

 

N.H

Các tin khác:

1-5 of 21<  1  2  3  4  5  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter