Xây dựng Đảng mạnh từ gốc - Thực tiễn sinh động của Yên Bái - Bài 4: Quyết liệt “tái cấu trúc” tổ chức Đảng

Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng một cách chắc chắn, bền vững, Đảng bộ tỉnh Yên Bái chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo, nhất là việc ban hành và hiện thực hóa nghị quyết lãnh đạo các cấp; đồng thời quyết liệt tinh gọn bộ máy, “tái cấu trúc” đối với từng tổ chức cơ sở đảng.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính ở xã Yên Thái, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái

>>Bài 1: Mạnh từ mỗi tế bào của Đảng

>>Bài 2: Đi trước về tư duy, quyết liệt trong hành động

>>Bài 3: "Trọng cơ sở” bằng cách làm sáng tạo


Phác dáng "đường đi của nghị quyết”

Đến với Yên Bái, ngoài những ấn tượng về hệ thống giao thông được đầu tư, phát triển mạnh mẽ, kết nối cửa ngõ Tây Bắc với các địa phương trong chuỗi phát triển kinh tế Vùng, chúng tôi còn đặc biệt bị thu hút bởi một "con đường” mới lạ-đó là "đường đi của nghị quyết” mà đội ngũ cán bộ, đảng viên nơi đây thường hay nhắc tới.

Ấy là con đường của tư duy và sự hoạch định bởi tổ chức đảng, nhằm xác định hướng đi, cung đường, quãng đường, lộ trình, tiến độ, đối tượng theo dõi, giám sát và nhất là xác định chủ thể vận hành, chịu trách nhiệm đầu-cuối để quán triệt, triển khai, thực hiện thắng lợi một nghị quyết.

Theo đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, để thuận lợi đi trên con đường ấy, thì việc quan trọng hàng đầu là phải làm tốt công tác chuẩn bị cho mỗi hành trình. Có nghĩa, công tác chuẩn bị phải cẩn trọng, chu đáo ngay từ khâu xây dựng, ban hành nghị quyết. Tinh thần chung của các cấp ủy thuộc Đảng bộ tỉnh Yên Bái là không nhất thiết nghị quyết lãnh đạo phải hay, mà quan trọng hơn là phải thật sát, đúng với thực tiễn. 

Qua khảo sát 4/4 đảng bộ địa phương và 3 đảng bộ cơ quan (ban, sở, ngành) trực thuộc Đảng bộ tỉnh Yên Bái cho thấy bài học kinh nghiệm thấm thía là: Để có nghị quyết đúng, trúng thì cấp ủy đảng phải nắm, hiểu và biết rõ thực tiễn (nhất là cơ sở) đang thiếu gì, đang cần gì, muốn có gì; lòng dân có thuận không; điều kiện hiện thực nghị quyết có bảo đảm không. Chính vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải kết hợp chặt chẽ giữa cặp phạm trù "ý Đảng, lòng dân” với "lòng dân, ý Đảng” trong hoạch định đường lối, chủ trương lãnh đạo ở tất cả các cấp. Thậm chí, trong nhiều trường hợp phải đặt "lòng dân” lên trên "ý Đảng”, lấy "lòng dân” làm căn cứ để xác lập "ý Đảng”.

Lý giải về vấn đề này, đồng chí Hoàng Việt, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Chấn cho rằng, hiện nay vẫn còn rất nhiều nghị quyết, văn bản có nội dung khá chung chung, chỉ là sự cộng gộp của những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo có tính chất lôgic (văn bản) mà thiếu chất liệu thực tiễn, do đó khi triển khai, tổ chức cơ sở đảng gặp không ít khó khăn vì giữa "nội dung nghị quyết” với "thực tế cuộc sống” còn một khoảng cách quá xa!

Để giải quyết thực tế đó, nhiều ý kiến của đội ngũ cán bộ chủ chốt tỉnh Yên Bái cho rằng phải nhất quán triệt để "hai chiều của nghị quyết”. Có nghĩa, muốn đưa được "nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, thì trước hết chủ thể soạn thảo nghị quyết phải "đưa được cuộc sống vào nghị quyết”.

Ví dụ như việc Tỉnh ủy Yên Bái chủ trương xây dựng "Sổ tay điện tử đảng viên” nhằm thực hiện mục tiêu "số hóa” trên lĩnh vực hành chính Đảng, thì cơ quan chức năng-trực tiếp là Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Thông tin-Truyền thông đã làm tốt công tác khảo sát; lắng nghe sự ủng hộ của các cấp đến mức nào, đánh giá khả năng hiện thực chủ trương; thấy rõ cả những yếu tố thuận lợi và khó khăn để mỗi giải pháp được xác định đều sát với thực tiễn; kích hoạt sự năng động, sáng tạo và tạo động lực hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ số hóa bằng tinh thần: Có thể, chúng ta xuất phát sau, nhưng chúng ta sẽ về trước.

Quá trình triển khai nghị quyết, Tỉnh ủy Yên Bái yêu cầu các cấp ủy phải đồng thời làm tốt công tác đánh giá mức độ hoàn thành các chủ trương, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể qua từng giai đoạn thực hiện. Đồng chí Mai Mộng Tuân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Chấn nêu chính kiến: "Nếu không chủ động chỉ đạo, tổ chức họp, yêu cầu các cơ quan chức năng báo cáo tiến độ, kết quả hoàn thành qua từng tháng, quý, thì việc đánh giá kết quả triển khai nghị quyết rất khó lượng hóa. Vì có nhiều nghị quyết, nhiều chủ trương, mà cứ để nó trôi đi, thì không tài nào hình dung được chúng ta đang ở đâu, đạt đến mức nào, kết quả ra sao. Bởi vậy, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành các cấp thuộc Đảng bộ huyện Văn Chấn luôn chú trọng việc đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết một cách chủ động, thường xuyên, nền nếp theo tháng, quý, chứ không chờ đến khi có chỉ đạo của cấp trên, hoặc là phải phụ thuộc vào các hoạt động sơ kết, tổng kết theo lối mòn”.

Việc đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết không chỉ thuộc trách nhiệm của cấp ủy đảng ở cơ sở, mà ngay từ đầu Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã phân công rõ trách nhiệm theo dõi và chịu trách nhiệm đối với từng đồng chí ủy viên thường vụ, tỉnh ủy viên; giao các sở, ban, ngành chịu trách nhiệm tổng hợp, nắm bắt kết quả triển khai, thực hiện nghị quyết để tham mưu cho cấp thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm đưa nghị quyết vào cuộc sống. 

Nói về vấn đề này, đồng chí Chu Đình Ngữ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định: "Những người đứng đầu của tỉnh và cấp ủy các cấp được giao nhiệm vụ phụ trách các lĩnh vực, ngành, địa phương, có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, giúp đỡ và chịu trách nhiệm về kết quả hoàn thành nhiệm vụ ở lĩnh vực ấy, ngành ấy, địa phương ấy. Không có chuyện địa bàn phụ trách kém mà cán bộ hoàn thành nhiệm vụ. Không có chuyện cán bộ được khen thưởng, biểu dương nếu đầu mối phụ trách không được khen thưởng. Không có chuyện "thông cảm” khi anh không nắm chắc được tiến độ, chất lượng thực hiện các đầu việc được tổ chức phân công...”.

Trước thực tế có nhiều nghị quyết, văn bản cùng lúc được triển khai, đảng bộ một số huyện, thị xã, thành phố ở Yên Bái hiện nay có cách làm khá mới là "lược hóa nghị quyết” và rút ngắn đường đi của nghị quyết. Điểm sáng tạo ở chỗ, các cấp ủy biết lựa chọn nội dung cần thiết gắn với địa phương, có thể "lược hóa” nghị quyết thành các nội dung dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thực hiện; hoặc kết hợp tinh thần của một số nghị quyết vào một văn bản cụ thể. Tất nhiên, phần việc này đòi hỏi công sức, trí tuệ và sự dấn thân của cán bộ nếu không muốn tinh thần nghị quyết bị méo mó, nội dung bị rơi rớt, thiếu toàn diện. 

Đồng chí Hoàng Việt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Chấn chia sẻ kinh nghiệm: "Thường thì chúng tôi gộp nội hàm và tinh thần cơ bản của các nghị quyết có tính chất tương đồng (hoặc cùng thời điểm) thành một "nghị quyết dùng chung”, với các đề mục khác nhau, xác định rõ chỉ tiêu, chỉ rõ phương thức lãnh đạo, triển khai cho cơ sở thực hiện”.

Để lượng hóa nghị quyết các cấp, ở đảng bộ các huyện, xã có xu hướng quy con số phần trăm (%) về con số thực trên thực tế gắn với địa bàn. Ví như, nghị quyết Trung ương hoặc cấp tỉnh xác định phải giảm 5% hộ nghèo/năm thì về đến cấp huyện, cấp xã phải cụ thể 5% ấy tương ứng với bao nhiêu hộ trên địa bàn; thực hiện số lượng ấy bằng cách nào; phân cho những người nào phụ trách, đầu mối nào thực hiện để bảo đảm mọi chỉ tiêu được hoàn thành. 

Thực tế cho thấy, đây là cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các cấp dễ quán triệt, vận dụng, biết rõ đầu việc cần tập trung sức lãnh đạo. Đây cũng là lời giải khắc phục tình trạng "trăm chủ trương đổ đầu cơ sở”, gây lúng túng và làm giảm hiệu lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng.

Trong chuyến khảo sát tại Yên Bái, đội ngũ cán bộ cơ sở kiến nghị các cấp nên hạn chế việc ban hành nghị quyết một cách tràn lan; nhất là khắc phục ngay các biểu hiện nghị quyết chồng lên nghị quyết, chủ trương "giẫm" lên chủ trương; đẩy lùi các hiện tượng học tập nghị quyết thiếu thực chất theo kiểu nghị quyết về lãnh đạo phát triển kinh tế biển lại triển khai học tập ở các địa bàn miền núi...

Đẩy mạnh tinh giản và "cấu trúc lại”

Để nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, những năm qua, các cấp ủy đảng ở Yên Bái chú trọng nghiên cứu, kịp thời kiện toàn, sắp xếp, hoàn hiện mô hình các chi bộ trực thuộc đảng ủy ở xã, phường, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.... bảo đảm phát huy vai trò lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ.

Lý giải về phần việc này, đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái đúc rút: "Bộ máy mà quá to lớn thì chẳng khác gì một người khổng lồ vận động chậm chạp, ì ạch và tất yếu sinh ra tắc trách, yếu kém. Mặc khác, khi đã nhất quán tinh giản hệ thống chính trị thì việc tinh giản tổ chức trong Đảng cần phải được làm trước, làm mẫu, làm thực chất. Khi tổ chức đảng được tinh, gọn, mạnh thì mới lãnh đạo hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Với quan điểm đó, sau sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng, từ năm 2010 đến nay, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã giảm được 332 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở (từ 3.060 chi bộ xuống còn 2.728 chi bộ). Trong đó, số chi bộ trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn giảm 432; khối hành chính giảm 25 chi bộ; khối doanh nghiệp giảm 40 chi bộ... Tất nhiên, phần việc này không phải là sự cộng gộp, sáp nhập cơ học, mà là sự cân đối toàn diện về nhiều phương diện, bảo đảm cho tổ chức cơ sở đảng được tinh giản một cách khoa học; kết nên một "cơ thể Đảng” khỏe mạnh, thanh thoát, đủ sức lãnh đạo hoàn thành các nhiệm vụ ở cơ sở.

Một kết quả khá ấn tượng nữa là Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo làm tốt việc tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của các mô hình mới về chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất việc giải thể các mô hình chi bộ sinh hoạt không phù hợp với thực tiễn (chi bộ cơ quan; chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn) bảo đảm theo đúng quy định. 

"Khi giải thể chi bộ cơ quan, chi bộ quân sự chính là cách chúng ta đưa đảng viên là công chức, cán bộ, dân quân, tự vệ... về sinh hoạt ở chi bộ khu dân cư. Đó là cách tăng cường nhân lực chất lượng cao cho cơ sở, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cho các chi bộ khu dân cư. Thực tiễn cho thấy, hướng đi này là hoàn toàn đúng đắn”, đồng chí Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái nhận xét.

Thế nhưng tinh giản không đồng nhất với việc cố gắng cắt giảm số lượng tổ chức đảng, mà là sự cân đối lại, "tái cơ cấu” các khu vực, loại hình tổ chức đảng cho phù hợp với thực tiễn mới. Quan điểm của Tỉnh ủy Yên Bái là nơi không cần thiết, dư thừa thì quyết liệt cắt bớt, cắt bỏ để bộ máy linh hoạt, tinh gọn; nhưng chỗ nào cần thành lập mới, phát triển về số lượng thì dồn sức lãnh đạo cho bằng được. Ví như việc phát triển đảng trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Từ năm 2010 đến nay, số tổ chức cơ sở đảng trong khu vực này tăng thêm 27 tổ chức (từ 10 lên 37 tổ chức cơ sở đảng). Nhờ đó, năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng ở khu vực này được tăng lên.

Để xác định rõ nơi nào cần tăng, chỗ nào cần giảm, làm cơ sở cân đối, kiến tạo nên hệ thống tổ chức đảng ngày càng hoàn thiện, ăn khớp, nhịp nhàng, hiệu lực, hiệu quả, Đảng bộ tỉnh Yên Bái làm tốt việc phân loại các loại hình tổ chức đảng và tổ chức đảng ở các loại hình cơ quan đơn vị, như: Loại hình chi bộ thôn, loại hình chi bộ bản, loại hình chi bộ tổ dân phố, loại hình chi bộ cơ quan hành chính, loại hình chi bộ đơn vị sự nghiệp, loại hình chi bộ doanh nghiệp, chi bộ quân sự, chi bộ công an... 

Đối với các loại hình có tính đặc thù, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời ban hành quy định hoặc chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn cụ thể về chức năng, nhiệm vụ để làm căn cứ xây dựng quy chế làm việc; xác định rõ những khu vực, loại hình cần tập trung lãnh đạo tinh giản theo cả hai xu hướng: Tăng và giảm.

Liên quan đến việc tinh giản hệ thống tổ chức cơ sở đảng, Yên Bái còn nhất quán đẩy mạnh việc làm mới và "tái cấu trúc” bên trong mỗi tổ chức đảng; chú trọng việc chấn chỉnh, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng, thường xuyên rà soát, sàng lọc đảng viên, kịp thời đưa ra khỏi Đảng những cá nhân không đủ tư cách đảng viên. Đặc biệt, việc thi hành tổ chức đảng được tiến hành nghiêm túc, triệt để. Từ năm 2016-2020, các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 14 tổ chức đảng, trong đó: khiển trách 13 tổ chức đảng (4 tổ chức cơ sở đảng, 9 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở); cảnh cáo một tổ chức cơ sở đảng.

Ở Yên Bái, tư duy tinh giản tổ chức đảng được cho là đồng nghĩa với việc làm mới lại từng tổ chức, nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nhất là cấp chi bộ với những tiêu chí cao hơn theo mô hình tổ chức đảng kiểu mẫu. 

Hướng đến mục tiêu đó, Tỉnh ủy Yên Bái triển khai Đề án số 07-ĐA/TU ngày 28-2-2022 về "Xây dựng chi bộ kiểu mẫu trong Đảng bộ tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, chi bộ kiểu mẫu là chi bộ có quá trình phấn đấu, giữ ổn định, có sự tiêu biểu, vượt trội, là mô hình mẫu về mọi mặt trong lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Việc xây dựng các chi bộ kiểu mẫu dựa trên 7 tiêu chí chung, trong đó tiêu chí đặt ra khá cao, với 5 năm liền được đánh giá, xếp loại chất lượng "Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; trong đó có 3 năm xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”...

Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh Yên Bái cũng xác định tiêu chí chi bộ kiểu mẫu đối với mỗi loại hình chi bộ, như: Chi bộ trong các cơ quan hành chính và trong các đơn vị sự nghiệp: 4 tiêu chí; chi bộ trong doanh nghiệp và chi bộ trong LLVT: 5 tiêu chí; chi bộ ở thôn, bản, tổ dân phố: 8 tiêu chí. Yên Bái đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng, duy trì từ 4% trở lên số chi bộ kiểu mẫu trong tổng số chi bộ của toàn đảng bộ.

Một trong những giải pháp mới, bước đầu "thu gặt” kết quả tích cực, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở Đảng bộ tỉnh Yên Bái là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cải cách hành chính Đảng, thúc đẩy việc tinh giản biên chế trong cơ quan Đảng và tinh gọn hệ thống tổ chức đảng. 

Nói về vấn đề này, đồng chí Hoàng Minh Tiến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái cho biết: "Công nghệ thông tin sẽ giúp hoạt động học tập, sinh hoạt của tổ chức đảng đi vào nền nếp một cách thực chất, tiết kiệm, tối giản...”. Đơn cử như việc ứng dụng "Sổ tay điện tử đảng viên” theo chủ trương của Tỉnh ủy Yên Bái sẽ giúp mỗi đảng viên có thể chấm điểm, đánh giá chất lượng từng cuộc họp, hội nghị của tổ chức đảng; hỗ trợ đắc lực cho việc học tập online, trao đổi kinh nghiệm công tác, nghiệp vụ xây dựng Đảng...

Đồng chí Tạ Văn Long, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái: "Đảng bộ Yên Bái đang nghiêm túc nhìn lại bức tranh tổng quan của quá trình tinh giản, xây dựng hệ thống chính trị nói chung, tổ chức đảng nói riêng trong thời gian qua. Sắp tới, việc nghiên cứu, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm sẽ là căn cứ hoạch định chủ trương, giải pháp mới nhằm "tái cấu trúc” hệ thống tổ chức đảng một cách đồng bộ, khoa học; giúp mỗi tổ chức đảng vững mạnh ngay từ cơ sở, kết nên tập thể Đảng bộ tỉnh Yên Bái thật sự trong sạch vững mạnh, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

(còn nữa)

 

(Theo QĐND)

 

 

Các tin khác:

1-5 of 21<  1  2  3  4  5  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter