Xây dựng Đảng mạnh từ gốc - thực tiễn sinh động của Yên Bái - Bài 1: Mạnh từ mỗi tế bào của Đảng

Tổ chức cơ sở Đảng là nơi nắm vững, lãnh đạo, bảo đảm cho mọi hoạt động ở cơ sở theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nư­ớc; đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở là “gốc rễ” của “thân cây hệ thống chính trị” bám vào "mảnh đất" thực tiễn và lòng dân.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên (Yên Bái) thăm, kiểm tra mô hình trồng dâu, nuôi tằm ở thôn Lan Đình, xã Việt Thành

Thực tiễn công tác xây dựng Đảng tại Yên Bái cho thấy, làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ và tổ chức cơ sở đảng là nhân tố đặc biệt quan trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng được giao.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh Yên Bái chủ trương xây dựng Đảng vững mạnh từ gốc; ưu tiên mọi nguồn lực hướng về cơ sở, tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng bằng chính việc giáo dục, rèn giũa đảng viên và xây dựng chi bộ tốt.

Chi bộ tốt là do đảng viên tốt

Trưa thứ bảy, nắng như đổ lửa nhưng đồng chí Trịnh Xuân Thành, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Văn Chấn vẫn thực hiện cuộc hành trình về thôn Vàng Ngần như lời hứa của anh với đồng bào trước đó. Đi trên cung đường quen thuộc, hương quế thơm nồng khiến anh Thành xốn xang, kể lại ký ức về một thời gắn bó với mảnh đất Vàng Ngần thuộc xã Suối Quyền (Văn Chấn, Yên Bái).

Ngày 20-7-2018, Vàng Ngần hứng chịu sự tàn phá của cơn bão số 3, gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản nhân dân. Khi ấy, đồng chí Trịnh Xuân Thành đang là Bí thư Đảng ủy xã Suối Quyền. 

"Ngày 20-7, cơn bão số 3 quét qua Vàng Ngần thì đến sáng 22-7, tôi mới tiếp cận được địa bàn. Cảnh tượng đập vào mắt là hình ảnh trưởng bản, đảng viên Triệu Văn Lý đang chỉ đạo, phân công người dân đến từng nhà bị sập đổ để dọn dẹp đất đá, di chuyển tài sản. Nhìn thấy thế, tôi mới an tâm phần nào, vì trên thôn vẫn có các đồng chí đảng viên”- anh Thành kể.

Đến Vàng Ngần, được trực tiếp hàn huyên với Triệu Văn Lý mới hiểu nhiều hơn về câu chuyện mà đồng chí Trịnh Xuân Thành vừa kể. Lần ấy, gia đình Lý cũng bị ảnh hưởng nặng bởi bão lũ, nhưng anh và các thành viên trong gia đình lại chủ động đến giúp những hộ dân khác trong thôn.

Nghe đến đây, chúng tôi hỏi: "Sao Lý không ở nhà khắc phục sạt lở đất mà lại đi giúp người khác?". Tưởng câu hỏi sẽ gây khó cho một đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số, nào ngờ Lý cười vang: "Khi ấy, nhà mình bị nhẹ hơn nhà người khác. Hơn nữa, mình là đảng viên nên phải có trách nhiệm lo cho dân”.

Nghĩ là làm, chỉ một thời gian ngắn sau bão lũ, đảng viên Lý cùng người dân Vàng Ngần khôi phục được hơn 10km đường giao thông; dựng lại nhà cho 5 hộ dân bị sập hoàn toàn, di dời khẩn cấp 9 hộ; thu hoạch 5ha ruộng lúa nước; góp hơn 30 triệu đồng và 350 ngày công để dựng lại điểm trường mầm non Vàng Ngần bị sập đổ do cơn bão số 3.

Lần này về Vàng Ngần, để gặp được Triệu Văn Lý, chúng tôi phải chờ anh kết thúc một cuộc họp ở nhà văn hóa thôn. Nội dung buổi họp là nhằm triển khai nhiệm vụ vận động người dân tham gia hiến đất để làm Tỉnh lộ 175 nối từ thị xã Nghĩa Lộ đến nút giao IC 14-cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Để nêu gương, gia đình anh Lý quyết định chặt hơn 3.000m2 quế đang độ thu hoạch để hiến đất làm đường.

Cùng chúng tôi về Vàng Ngần hôm đó, đồng chí Hoàng Mạnh Hà, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái nêu quan điểm: "Chỉ cần mỗi thôn, bản có một hoặc vài đảng viên tốt như Triệu Văn Lý thì chắc chắn, những miền quê nghèo sẽ có tín hiệu mới và triển vọng phát triển đi lên. Trên thực tế, ngành tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh đã và đang nỗ lực xây dựng những hạt nhân lãnh đạo-hạt nhân đoàn kết-hạt nhân văn hóa ngay từ các thôn, bản”.

Cũng trong cơn bão số 3 năm 2018, đồng chí Ngô Văn Minh, Bí thư Chi bộ thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng (Văn Yên, Yên Bái), không quản ngại nguy hiểm khảo sát tình hình địa bàn, rồi vận động bà con bị trôi nhà, sập nhà về điểm trường học nhằm bảo đảm an toàn. Tiếp đó, Bí thư Minh tự xát 2 tạ thóc, bỏ tiền mua 12 thùng mỳ tôm và vận động những người không bị thiệt hại sau lũ cùng góp thóc, ngô, quần áo để hỗ trợ, cứu đói những gia đình gặp nạn... 

Sau đó, Bí thư chi bộ thôn Bản Lùng còn hiến đồi ngô với diện tích khoảng hơn 2.000m2; đồng thời, vận động những người trồng ngô cùng rẻo đất tự nguyện hiến đất, được 70 nền tái định cư. Nhờ vậy, chỉ sau cơn bão 4 tháng, công tác tái định cư cho nhân dân ở Bản Lùng đã ổn định. Từ một thôn bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, đến năm 2021, Bản Lùng đã về đích nông thôn mới!

Những bí thư chi bộ, đảng viên tiêu biểu như vừa kể trên ở Đảng bộ tỉnh Yên Bái không hiếm. Trong cuộc làm việc với đoàn công tác Báo Quân đội nhân dân, đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái kể về hàng chục trường hợp đảng viên như thế.

Qua nhiều câu chuyện, với những tên người, tên chi bộ, tên thôn, bản rất khó nhớ, song lại có một điểm chung cực kỳ dễ nhớ và đáng quý-ấy là sự cống hiến, dấn thân hết mình cho tổ chức, cho quê hương của các đảng viên ở cơ sở.

Ấn tượng về trí nhớ của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, chúng tôi đặt câu hỏi: "Tại sao anh có thể "điểm mặt, nhớ tên” từng đảng viên như thế?”. Anh Duy trả lời ngay: "Vì mình đi cơ sở nhiều và vì mình quan tâm đến từng đảng viên cụ thể. Mình nghĩ, muốn có tổ chức đảng vững mạnh, chúng ta phải bắt đầu từ việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện để có những đảng viên tốt trước đã”.

Với tinh thần đó, trong thời gian qua, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo xây dựng đội ngũ đảng viên. Trong đó, chú trọng giáo dục, rèn luyện tư cách, phẩm chất, đạo đức cách mạng cho từng cán bộ, đảng viên.

Tỉnh ủy Yên Bái đồng thời coi trọng công tác phát triển đảng viên; quản lý, rèn luyện đảng viên; chú trọng việc xây dựng và nhân rộng điển hình đảng viên; kết hợp giữa khen thưởng, tôn vinh đảng viên tiêu biểu xuất sắc với xử lý kỷ luật Đảng nghiêm minh, kịp thời sàng lọc, thanh lọc những thành phần không còn xứng đáng với danh hiệu đảng viên.

Quan điểm và cách làm của Tỉnh ủy Yên Bái là nguyên nhân gốc rễ, giúp đảng bộ địa phương xây dựng được đội ngũ đảng viên không ngừng tăng lên về số lượng và nâng cao về chất lượng. Trong số gần 60.000 đảng viên thì phần lớn là những hạt nhân tâm huyết, trách nhiệm, có quyết tâm và khát vọng cống hiến xây dựng quê hương giàu đẹp.

Hơn thế, do đặc thù của vùng đất đi lên từ gian khó, đội ngũ đảng viên đa phần trưởng thành từ thực tiễn cơ sở, gắn bó với đồng bào, lại được sự giáo dục, rèn luyện của tổ chức nên đều nhận thức rõ trách nhiệm phải nêu gương và hành động. Đặc biệt, với chiến lược và tầm nhìn đúng đắn, thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Yên Bái chủ trương phát triển Đảng và xây dựng hạt nhân đảng viên là người dân tộc thiểu số, với hơn 22.000 đảng viên trong cộng đồng 30 dân tộc cùng sinh sống. Đây là những hạt nhân cơ sở, tuy trình độ, năng lực có mặt còn hạn chế nhưng phẩm chất và tâm huyết của họ thì lúc nào cũng căng tràn tinh thần cống hiến.

Tạo điều kiện cho đảng viên phấn đấu, trưởng thành, các cấp đã làm tốt việc định hướng, hỗ trợ, đồng hành; chú trọng nhân rộng điển hình để nêu gương trong toàn đảng bộ, chi bộ. Hiện tại, ở 1.364 thôn, bản, tổ dân phố trong toàn tỉnh đều có chi bộ đảng lãnh đạo và hầu hết ở các chi bộ đều xây dựng thành công những nhân tố tích cực-những đảng viên mẫu mực, đồng thời là người có uy tín trong cộng đồng.

Chính đội ngũ này tạo sức lan tỏa tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết cống hiến, tạo nên cao trào phấn đấu trở thành đảng viên tốt, góp phần xây dựng chi bộ tốt, tổ chức cơ sở đảng vững mạnh.

Chi bộ tốt - Đảng bộ mạnh

Nằm bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, cánh đồng dâu của thôn Lan Đình, xã Việt Thành (Trấn Yên, Yên Bái) bập bềnh trong gió sớm như những con sóng xanh mềm mại chạy dài bất tận. Đưa chúng tôi đi tham quan cánh đồng dâu có diện tích khoảng 93ha, đồng chí Trần Văn Huấn, 65 tuổi, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Lan Đình vanh vách kể lại hành trình đến với cây dâu của người dân địa phương.

Đồng chí Triệu Văn Lý và cán bộ huyện Văn Chấn (Yên Bái) thăm Trường Mẫu giáo thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn

 

Năm 2001, đồng chí Lê Văn Tạo, khi đó là Bí thư Huyện ủy Trấn Yên đưa cây dâu về đất bãi ven sông. Nhiều người giãy nảy, rồi chất vấn: "Tại sao lại bỏ lúa trồng dâu?” và chỉ có khoảng 20 hộ tham gia phát triển loại cây vốn dĩ chưa từng có trong khái niệm canh tác của người dân bản địa.

Do đã nghiên cứu kỹ và nhận rõ tiềm năng của cây dâu tằm ở vùng đất bãi nên cấp ủy, chính quyền địa phương kiên trì vận động bà con. Cách làm thuyết phục nhất là chi ủy, chi bộ thôn động viên gia đình đảng viên nào có ruộng thì tiên phong trồng dâu. Hưởng ứng chủ trương đó, nhiều đảng viên đã xung kích đi đầu trong nghiên cứu, phát triển trồng dâu, nuôi tằm.

Tiêu biểu là đảng viên Nguyễn Thế Ngữ, tham gia "làm mẫu” trồng dâu, nuôi tằm cách đây hơn 20 năm cho đến tận bây giờ. Hiện tại, dù đã 72 tuổi nhưng ngày ngày, đảng viên Ngữ vẫn cần mẫn trên cánh đồng dâu, vừa canh tác sản xuất, vừa tích cực hướng dẫn, nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả này đến với các hộ dân.

Bằng sự nêu gương của đảng viên trong chi bộ, cộng với sự hỗ trợ, đồng hành của đội ngũ cán bộ tỉnh, huyện, xã, đến nay, thôn Lan Đình có 105/121 hộ dân trồng dâu; gần 100% diện tích đất được sử dụng cho loại cây này. Lan Đình trở thành điển hình phát triển kinh tế, là mô hình sáng tạo, mang đến sự giàu có, ấm no, sung túc cho nhân dân.

Trong quá trình đó, Đảng bộ tỉnh, mà trực tiếp là các cấp ủy sớm có chủ trương lãnh đạo chính quyền hỗ trợ người dân giống dâu, xây dựng nhà nuôi tằm, giá tằm, né gỗ ô vuông để tằm nhả tơ nhằm giảm nhân công lao động, tăng năng suất và giá thành bởi chất lượng tơ được nâng cao.

Hiện tại, ước tính mỗi héc-ta dâu tằm phát triển tốt mang lại cho người dân Lan Đình khoảng 250 triệu đồng/năm. Chỉ về phía những ngôi nhà tầng khang trang, đồng chí Trần Văn Huấn phấn khởi: "Có được cơ ngơi và diện mạo quê hương như bây giờ đều là thành quả từ quá trình trồng dâu, nuôi tằm của người dân nơi đây”.

Còn với chúng tôi, câu chuyện bên bãi dâu Lan Đình là minh chứng sinh động cho năng lực lãnh đạo các nhiệm vụ nói chung, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nói riêng ở địa phương của các tổ chức đảng; khẳng định rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung cho quê hương và nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên nơi đây.

 

Tương tự, câu chuyện đi lên từ khốn khó của thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên cũng minh chứng cho vai trò hạt nhân lãnh đạo của chi bộ thôn, sự nêu gương xung kích vì dân của cán bộ, đảng viên ở cơ sở.

Theo đồng chí Phạm Xuân Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Ca, thôn Khuôn Bổ thành lập năm 2001 theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để giúp các nhóm đồng bào dân tộc Mông đang sống từ di canh, di cư sang định canh, định cư.

Bởi vậy, Khuôn Bổ gặp rất nhiều khó khăn về đường sá đi lại; tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 30%; khoảng 14% người dân không biết chữ và 10% không biết tiếng phổ thông; đồng bào còn nặng nề với các hủ tục lạc hậu cả về nếp sống đến sản xuất kinh tế...

Để giúp Khuôn Bổ đi lên, những ngày đầu đưa bà con về định cư, Huyện ủy Trấn Yên phân công 90 đồng chí là bí thư chi bộ và trưởng các thôn trong huyện về ở với từng gia đình để cùng người dân làm nền nhà xi măng, nhà vệ sinh tự tiêu và hướng dẫn bà con chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế.

Chính nhờ sự chăm lo của tổ chức đảng, Khuôn Bổ từng bước định hình và phát triển đi lên. Đồng chí Tráng Thị Nhà, Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Bổ phấn khởi cho biết: Đến nay, thôn đã đạt 10/10 tiêu chí xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thôn có gần 90 hộ thì có tới 80% số hộ kinh tế khá, nhiều hộ làm kinh tế giỏi, thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Năm 2018, thu nhập bình quân trong thôn đạt 30 triệu đồng/người/năm (không còn hộ đói, hộ nghèo giảm xuống dưới 10%); năm 2020, đã đạt 40,1 triệu đồng/người/năm và năm 2021, thu nhập 46 triệu đồng/người/năm.

Anh Tráng A Vàng-một hộ điển hình trong phát triển kinh tế của thôn bày tỏ: "Từ nghèo đói, gia đình không chỉ đủ ăn mà còn sắm được nhiều vật dụng có giá trị, tất cả là nhờ chi bộ lãnh đạo, nhờ các đồng chí cán bộ, đảng viên ở tỉnh, huyện quan tâm, hướng dẫn. Người dân chúng tôi suốt đời biết ơn!”.

Những ngày tiến hành khảo sát ở Đảng bộ tỉnh Yên Bái, đến với địa bàn của khoảng 30 thôn, bản nơi rẻo cao cửa ngõ Tây Bắc, chúng tôi đều đón nhận những câu chuyện hay, ấn tượng về việc phát huy cao độ sức lãnh đạo, chỉ đạo của các chi bộ thôn, bản trong phát triển kinh tế, tạo nên những miền quê với nhiều sản phẩm, sản vật có thương hiệu nức tiếng gần xa, như: Quế Văn Yên, măng Bát Độ, măng sặt Nghĩa Lộ, chè Shan Tuyết Suối Giàng, nếp xôi Tú Lệ, gà đen, vịt bầu Lâm Thượng...

Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, các chi bộ còn giỏi lãnh đạo phát triển du lịch; kết nối, tạo nên các chuỗi sản xuất khép kín; giỏi lãnh đạo khắc phục thiên tai, thích ứng với môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu của mỗi miền đất; lãnh đạo làm tốt việc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, lãng phí từ cơ sở; đổi mới phương pháp, tác phong công tác, xây dựng đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử, phục vụ nhân dân...

Ở Đảng bộ tỉnh Yên Bái, gần như tất cả loại hình tổ chức cơ sở đảng, loại hình chi bộ (trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; chi bộ trong doanh nghiệp; chi bộ trong lực lượng vũ trang; chi bộ thôn, bản, tổ dân phố...) đều phát huy tốt vai trò, vị trí, bám sát chức năng lãnh đạo, hoàn thành các nhiệm vụ. Nhờ có hệ thống "tế bào cơ sở” vững mạnh mà Đảng bộ tỉnh Yên Bái luôn lãnh đạo địa phương hoàn thành và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết hằng năm và trong từng nhiệm kỳ.

Đó là nguyên nhân giải thích vì sao, tuy là địa phương không có nhiều lợi thế, thậm chí có những hạn chế nhất định về điều kiện địa hình, vị trí địa lý, song những năm qua, Yên Bái đã đạt được những kết quả phát triển ấn tượng.

Riêng năm 2021, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,11%, xếp thứ 2/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc; xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đó là cơ sở vững chắc để Yên Bái đi tới mục tiêu xây dựng vùng đất nơi cửa ngõ Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững, với những mục tiêu, chỉ tiêu rất cao, theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.

Đảng bộ tỉnh Yên Bái có 12 Đảng bộ trực thuộc, với 498 tổ chức cơ sở đảng, trong đó: Loại hình xã là 150, phường là 13, thị trấn 10; loại hình cơ quan hành chính: 103, đơn vị sự nghiệp: 96, doanh nghiệp: 76, quân sự-công an: 50. Có 2.745 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở...

 

Theo Ban tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, hầu hết các tổ chức cơ sở đảng đều đủ năng lực lãnh đạo hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trị; một số tổ chức cơ sở đảng thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết liệt lãnh đạo địa phương phát triển bứt phá. 

 

(còn nữa)

(Theo QĐND)

 

Các tin khác:

1-5 of 22<  1  2  3  4  5  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter