35 năm chặng đường thăng trầm của Nhà xuất bản Mỹ thuật

 35 năm chặng đường thăng trầm của Nhà xuất bản Mỹ thuật

Đầu năm 2009 tôi về công tác ở Tạp chí Mỹ thuật (TCMT ), khi đó TCMT đã hơn 30 tuổi và Nhà xuất bản Mỹ thuật (NXBMT) hơn 20 tuổi. Ban đầu tôi nhận nhiệm vụ làm Phó Tổng Biên tập TCMT, cuối năm 2009 làm Tổng Biên tập sau khi nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Hùng nghỉ hưu. Trước đó tôi làm xuất bản, nhưng viết lách và cộng tác khá nhiều với các báo nên cũng ăn nhập vào việc làm tạp chí luôn. Đặc biệt bộ máy nhân sự của TCMT gọn nhẹ, luôn có Hội Mỹ thuật Việt Nam (HMTVN) hỗ trợ, lo lương cho cán bộ công nhân viên, đồng thời mua mỗi số Tạp chí số lượng không nhỏ để giúp quay vòng hoạt động cho các số tiếp theo, bên cạnh đó vẫn duy trì liên kết với Tạp chí Mỹ thuật và đời sống phía nam để thêm thu nhập.

Nhìn lại quá trình hoạt động từ ngày thành lập, TCMT và NXBMT có nhiều duyên nợ với nhau, , 2 đơn vị luôn có trụ sở làm việc cùng một địa chỉ, luôn cùng sinh hoạt chung trong tổ Công Đoàn và sinh hoạt cùng chi bộ Đảng. Đôi khi các cán bộ chủ chốt lại kiêm nhiệm cho nhau. Có thời Tổng biên tập TCMT Hoàng Công Luận kiêm làm Phó giám đốc NXBMT, họa sĩ Trương Hạnh cũng có thời kỳ vừa làm Giám đốc NXBMT kiêm làm Phó Tổng biên tập TCMT; bà Nguyễn Minh Chi có thời gian dài làm kế toán trưởng cho cả 2 đơn vị này.

Bằng khen của Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật TW tặng NXBMT năm 2021

Giám đốc NXBMT, Giám đốc NXB Văn học và Giám đốc NXB Sân khấu nhận bằng khen năm 2021

NXBMT thành lập năm 1987, sau TCMT 10 năm, Nguyên Tổng Thư ký HMTVN- họa sĩ Dương Viên đã có công xây dựng và làm các thủ tục thành lập NXBMT. Giám đốc đầu tiên của NXBMT là họa sĩ Đặng Đức Sinh, tiếp đến là họa sĩ Trương Hạnh, rồi tới họa sĩ Cồ Thanh Đam, và từ năm 2010 đến nay là tôi đảm nhiệm. Trong cuốn “Mỹ thuật Hà Nội thế kỷ 20” của Nguyên Chủ tịch HMTVN- họa sĩ Trần Khánh Chương có bài “Từ sách Mỹ thuật đến Nhà xuất bản Mỹ thuật” nêu khá kỹ về quá trình thành lập NXBMT và thành tích 20 năm của NXB kể từ ngày thành lập đến năm 2007. Rất nhiều khó khăn cũng như thành tích đã được nêu trong đó: ban đầu NXBMT chỉ in được 21 đầu sách, sau 15 năm (1987-2002) đã in được 1315 đầu sách, đã có nhiều sách được giải thưởng, đặc biệt năm 1996 NXBMT cùng TCMT đã vinh dự được nhà nước trao tặng nhận Huân chương Lao động hạng 3.

Từ năm 2003 đến năm 2010 phải nói là giai đoạn xã hội hóa nhiều ngành, trong đó có xuất bản, vì thế nhiều cơ chế thay đổi. Không may, thời kỳ này giám đốc NXBMT Trương Hạnh rồi đến giám đốc Cồ Thanh Đam nối tiếp nhau mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời khi còn đương chức, nên mọi hoạt động trong nhà xuất bản thời kỳ đó gặp nhiều khó khăn, chỉ cầm chừng.

Chụp ảnh tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Nhà xuất bản Mỹ thuật (1987-2017)

Gian trưng bày sách của Nhà xuất bản Mỹ thuật trong Triển lãm Sách Việt Nam 2019

Tháng 06 năm 2010, sau khi Giám đốc NXBMT Cồ Thanh Đam mất được một tuần, Chủ tịch HMTVN Trần Khánh Chương gặp tôi và phân công tôi kiêm nhiệm phụ trách luôn cả NXBMT bởi không có ai cầm lái thì NXBMT sẽ đi về đâu và cán bộ công nhân viên trong nhà xuất bản biết thu xếp thế nào?. Tôi nói với ông Chủ tịch “sẽ nhận giúp 3 tháng, chờ người thay chính thức”. Khoảng 3 tuần sau ông Chủ tịch gọi tôi sang và thông báo: “Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông đã có quyết định cho Đặng Thị Bích Ngân kiêm làm Giám đốc NXBMT, và được hưởng một khoản phụ cấp gần 500.000đ/1 tháng”, vậy là như “ván đã đóng thuyền”, biết từ chối thế nào đây. Tôi vừa dời “làng” xuất bản nên biết rõ tình hình xuất bản trong cả nước lúc bấy giờ rất khó khăn. Đối với NXBMT lại khó khăn hơn bởi Giám đốc Cồ Thanh Đam trước khi mất không kịp bàn giao gì, quỹ lương khi tôi tiếp quản không đủ trả cán bộ công nhân viên trong tháng đầu. Tài sản trong NXBMT không có gì đáng giá ngoài chiếc ô tô Nubira 4 chỗ cũ kỹ đã hết khấu hao sử dụng. Tôi bàn với anh em và kế toán trưởng, quyết định thanh lý chiếc ô tô cũ để trước mắt có tiền trả lương cho cán bộ công nhân viên, sau đó bắt đầu lại mọi việc, từ tổ chức đến chuyên môn.

Vào việc, tôi cùng anh em trong NXBMT tự tìm lại các tài liệu gốc, tiếp thu lại những gì mà nhà xuất bản đã có, sắp xếp lại nhân sự trong các phòng ban sao cho phù hợp, mở rộng hợp tác xuất bản, liên kết với nhiều đối tác để tạo công ăn việc làm cho anh em và dần dần tăng thêm nguồn thu để chi phí cho mọi hoạt động của NXB, trả đủ lương và đóng bảo hiểm cho cán bộ công nhân viên theo đúng Luật Lao động. NXBMT nhỏ, cán bộ công nhân viên ít nên mọi người phải kiêm nhiệm công việc sao cho guồng quay của NXB hiệu quả nhất. Đang cố gắng với mọi hoạt động thì năm 2013 lại vướng vào công việc của Xí nghiệp in Mỹ thuật (XNIMT) do cố Giám đốc NXBMT Trương Hạnh thành lập năm 2003. Qua 10 năm hoạt động mà XNIMT thường xuyên bị thua lỗ, không có khả năng trả đủ lương và bảo hiểm cho cán bộ công nhân viên. Bản thân ông Vũ Ngọc Khánh -giám đốc Xí nghiệp in cũng không có khả năng trả lương cho chính mình trong suốt cả năm trời. XNIMT còn nhiều khoản nợ, riêng nợ Nhà xuất bản Mỹ thuật vốn đầu tư là 540 triệu. Vậy là tôi lại phải đương đầu giải quyết các vấn đề trên khi ông Vũ Ngọc Khánh về hưu. Thời kỳ ấy đầu óc tôi lúc nào cũng căng như dây đàn, đọc ngấu nghiến các luật doanh nghiệp để tự giải quyết từng bước bởi không có tài chính để thuê luật sư. Cuối cùng tôi quyết định làm thủ tục sáp nhập XNIMT về NXBMT, mọi việc được báo cáo lên Ban Thường vụ HMTVN và được sự đồng thuận của các cấp có thẩm quyền. Khi sáp nhập, NXBMT còn phải nộp thuế cho XNI hơn 100 triệu đồng, và cho đến nay vẫn kiếm tiền để trả những khoản nợ do XNI MT còn tồn lại.

Buổi giới thiệu sách mới của Nhà xuất bản Mỹ thuật năm 2020

 

Buổi giới thiệu sách “Thuyết màu của J.W.Goethe của Nhà xuất bản Mỹ thuật năm 2022

 

Vui Tết thiếu nhi cùng các con cháu của cán bộ Hội Mỹ thuật Việt Nam

Năm 2013, do tình hình xuất bản trong cả nước đang đi xuống, nhiều vấn đề phát sinh, nhà nước đã đưa ra một số Nghị định và Thông tư phục vụ cho ngành xuất bản. Đặc biệt, Nghị định 195/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật xuất bản quy định: Trụ sở của nhà xuất bản phải có diện tích từ 200 mét vuông sử dụng trở lên; Cơ quan chủ quản và nhà xuất bản phải đảm bảo kinh phí hằng năm ít nhất 05 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ xuất bản theo tôn chỉ mục đích của nhà xuất bản, và Điều 25, yêu cầu tất cả các nhà xuất bản phải xin Cấp đổi giấy phép trong hoạt động xuất bản dựa vào các tiêu chí và yêu cầu mà Nghị định 195 đã nêu.

Nếu chiểu theo Nghị định 195/2013/NĐ-CP thì NXBMT chắc chắn phải đóng cửa vì hằng năm cơ quan chủ quản và nhà xuất bản không thể có ít nhất 05 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ xuất bản. Nếu đóng cửa thì cán bộ công nhân viên trong nhà xuất bản sẽ ra sao?. Tôi báo cáo tình hình với Chủ tịch HMTVN Trần Khánh Chương, ông vẫn muốn duy trì mọi hoạt động của nhà xuất bản vì không thể để cán bộ công nhân viên trong NXBMT thất nghiệp được. Vậy là lại tìm chiến thuật vay mượn, và phương thức sao cho đủ các tiêu chí để xin được cấp lại giấy phép hoạt động xuất bản như các nhà xuất bản khác. Lúc bấy giờ còn lo cử cán bộ biên tập đi tập huấn và theo khóa học của Cục Xuất bản để lấy chứng chỉ hành nghề Biên tập cho đúng nghị định yêu cầu. Bên cạnh đó lo mua sắm thêm máy tính để trang bị cho các phòng đủ điều kiện làm việc trong bối cảnh mới.

Tập thể cán bộ Nhà Xuất bản Mỹ thuật chụp ảnh lưu niệm trong chuyến du lịch hè năm 2019

Cả chặng đường dài 35 năm, nếu không kể các sự kiện trên thì ít ai có thể thấu hiểu các khó khăn nối tiếp khó khăn của NXBMT, thế nhưng với nhiều nỗ lực của anh chị em trong nhà xuất bản, nhìn lại từ ngày mới thành lập chỉ có 21 đầu sách, đến giai đoạn 1987-2002 có 1315 đầu sách với hàng trăm văn hóa phẩm thì từ năm 2010 đến nay, NXBMT cũng tự hào bởi số đầu sách đã lên tới hơn 13000 đầu, gấp gần 10 lần giai đoạn trước và hàng vạn văn hóa phẩm như lịch, tranh đơn, bưu thiếp đã được ra mắt độc giả. NXBMT cũng rất vui khi nhiều năm được đánh giá là nơi xuất bản nhiều sách về Mỹ thuật đẹp nhất nước. Chúng tôi đã được nhận nhiều huy chương, bằng khen do Bộ Văn hóa Thông tin và Hội Mỹ thuật trao tặng. Đặc biệt trong các hội chợ sách hoặc các cuộc triển lãm sách luôn có mặt sách của NXBMT. Nhiều cuốn sách được đánh giá cao và nhận được nhiều giải vàng, bạc và đồng trong các cuộc thi “Sách đẹp sách hay” và gần đây là các cuộc thi “Sách Quốc gia Việt Nam”. Ví dụ: Giải vàng các cuốn: “Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam được giải thưởng Hồ Chí Minh & giải thưởng Nhà nước” (năm 2010); “Từ điển Mỹ thuật phổ thông” (năm 2013); Họa sĩ Lê Trí Dũng (năm 2014); Họa sĩ Phạm Luận (năm 2015)… ; Giải bạc các cuốn như: “ Mỹ thuật Việt Nam đương đại”(năm 2009); “Tranh Đông Hồ” (năm 2011); “Đồ họa cổ Việt Nam” (năm 2012); Gốm Việt Nam kỹ thuật và nghệ thuật (năm 2014); Nữ nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (2015); “Trường Mỹ thuật Đông Dương lịch sử và nghệ thuật” (năm 2017); Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật (năm 2020)…và rất nhiều huy chương đồng cùng giải khuyến khích nữa. Năm 2019 và 2021, NXBMT được Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tặng bằng chứng nhận là “Đơn vị có nhiều tác phẩm có đóng góp quan trọng trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.”

Điều tôi cũng muốn đề cập tới là NXBMT thường xuyên tặng sách cho trẻ em nghèo ở vùng sâu vùng xa và hàng năm gửi biếu 50 lịch blooc cho các chiến sĩ ngoài hải đảo. Với nhân sự không đông, anh em trong NXBMT luôn giúp đỡ nhau trong công việc và hỏi thăm nhau khi ai đó gặp khó khăn. Rất vui là năm 2017, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập NXBMT, Công đoàn cùng chính quyền đã tổ chức lần đầu tiên cho cán bộ công nhân viên đi du lịch nước ngoài ở Thái Lan.
Cho đến nay, thương hiệu của NXBMT đã được nhiều đối tác biết đến và vẫn duy trì liên kết thường xuyên với các nhà sách cũng như một số tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa nói chung và mỹ thuật nói riêng. Hàng năm dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ HMTVN, NXBMT luôn có kế hoạch hoạt động ngắn hạn và dài hạn, hàng năm xây dựng dự án sách nhà nước đặt hàng để xin kinh phí của Bộ Tài chính hỗ trợ cho các cuốn có nội dung nhà nước yêu cầu. Vừa qua, do dịch Covid hoành hành, NXBMT cũng đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn để duy trì mọi hoạt động, đảm bảo lương và đóng bảo hiểm đủ cho anh em.
Nhìn lại chặng đường dài 35 năm, riêng tôi đã gắn bó với nơi đây hơn 12 năm. Còn nhiều điều có thể nói, còn nhiều kỷ niệm khắc ghi, xong tôi muốn cảm ơn những người đã góp công xây dựng cho NXBMT tồn tại đến ngày nay, cảm ơn đồng nghiệp đã hợp tác giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ, chúc mừng những thành tích mà NXBMT đã đạt được. Tôi biết phía trước còn nhiều thử thách, vẫn cần nhiều nỗ lực của tập thể anh chị em trong NXBMT và chờ đợi một tương lai tốt đẹp.

Đặng Thị Bích Ngân

Nguồn: Theo Tạp chí Mỹ thuật

 

Các tin khác:

61-65 of 97<  ...  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter