Văn chương là cuộc gọi hợp đàn (Đọc Nguyễn Ngọc Thiện, Văn & Đời, NXB Hội Nhà văn Hà Nội 2021)

 Ma Văn Kháng

(Đọc Nguyễn Ngọc Thiện, Văn & Đời, NXB Hội Nhà văn Hà Nội 2021)

1. Quân tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân. Câu này là của Tăng tử, một học trò xuất sắc của Đức Khổng tử. Đại để ý tứ của câu này diễn nôm ra là: Người quân tử dùng văn chương để  tụ hội, kết giao bạn bè, hỗ trợ nhau  cùng phát triển.

Chẳng dám nhận mình là người quân tử,  chỉ là  hoạt động trong cùng một lĩnh vực văn hóa tinh thần, nhưng  cũng có thể nói, tụ hội,  kết nghĩa bạn bè là cái quy luật đã thành  nêp sống, thành văn của mấy anh em văn chương chúng tôi rồi. Tôi và PGS , TS Nguyễn Ngọc Thiện là thế ! Tình bạn thân thiết  giữa chúng tôi đã có từ lâu. Chứng cứ là gần đây nhất, cách đây chỉ độ nửa năm, khi bắt tay vào  khởi thảo công việc làm cuốn sách Văn và đời này, anh đã có ý mời tôi cùng đồng hành. Anh cùng làm cho vui nhé. Không tốn phí lắm đâu. Có gì tôi em sẽ  trợ giúp. Lời khích lệ mới cảm động làm sao! Chỉ tiếc tôi tuổi đã cao, đã quá hiểu thế nào là công việc trước tác, nên đành ngậm ngùi  chịu cảnh  lực bất tòng tâm.

Xa hơn thì chúng tôi quen thân nhau từ lúc nào nhỉ?  Lần giở ký ức, thì biết  rằng, bài viết đầu tiên của anh với tác phẩm của tôi đã xuất hiện từ cuối năm 1990, tức là đã hơn hai mươi năm trước. Còn hướng dẫn các học trò làm Luận văn Thạc sĩ về tác phẩm của tôi thì anh đã là người thầy của 20 nghiên cứu sinh, khởi thủy từ năm 2003 xa tít cách đây và  kéo dài cho đến năm 2018. Thế đấy, đời văn của tôi cho đến nay có 4 nghiên cứu sinh là Luận án Tiến sĩ. May mắn 3 trong số đó là được sự hướng dẫn của Nguyễn Ngọc Thiện.  Luận án đầu tiên là của Tiến sĩ Đỗ Phương Thảo nhan đề Nghệ thuật tự sự trong sáng tác của Ma Văn Kháng , bảo vệ năm 2007 tại Viện Văn học, đạt  kết quả giỏi. Luận án thứ 2 là của Tiến sĩ Lê Thị Lệ Thủy nhan đề Hồi ký Văn học của Nhà văn, bảo vệ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đạt kết quả xuất sắc, năm 2017. Phong cách tiểu thuyết Ma Văn Kháng là tên Luận án thứ 3 là của Tiến sĩ Dương Thanh Hương, bảo vệ năm 2018 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, đạt kết quả xuất sắc.

 Nói đến các Luận án Tiến sĩ, trong phạm vi chứng kiến của tôi, thì nói thật cho đến giờ, tôi vẫn bị ám ảnh vì cái cảm giác vô cùng kính nể về một công cuộc lao động trí óc nặng nhọc không thể kể xiết của các bạn nghiên cứu sinh. Bốn năm! Ít nhất là bốn năm dùi mài kinh sử. Bốn năm trời mê man phờ phạc cả người vì cả mấy vạn trang sách của đối tượng. Ăn với sách. Ngủ với sách. Chơi với sách. Mà nói về các cực nhọc của các nghiên cứu sinh là để nói đến  cáí vất vả còn hơn nữa trong lao động trí não của ông thầy, người hướng dẫn vạch đường. Công trình biết lấy chi cân! Vậy nên nếu tính ra, kể từ lúc Nguyễn Ngọc Thiện tiệm cận tác phẩm của tôi, để chỉ lối dẫn đường cho học trò của mình, thì tôi và anh đã quen hơi bén tiếng với nhau từ ít nhất là cuối thế kỷ trước rồi. Chả ai bắt anh phải chọn tác phẩm của tôi làm đối tượng nghiên cứu. Anh tự do tuyệt đối. Tôi cũng không chủ động yêu cầu. Vậy nên chỉ có thể nói là do đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, mà chúng tôi gần gụi nhau, trở nên thân thiết với nhau, nói rộng ra  là do cái duyên văn tự, cái duyên tiên thiên vững bền.  

2. Công việc văn chương vốn cực nhọc, trong đó, theo thiển nghĩ của tôi, sáng tác cực nhọc một, thì phê bình nghiên cứu còn cực nhọc gấp hai, gấp ba. Minh chứng đơn giản nhất là từ  quan niệm riêng của mình. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn năm 1963, được mời mà tôi đã đành phải khước từ, không dám  bước chân vào công việc của nhà nghiên cứu phê bình văn chương. Thêm nữa tôi có thực tiễn của tôi. Tính ra thì vì trách nhiệm với bạn bè và công việc nên  mấy năm qua cũng có viết được dăm bảy bài gọi là phê bình lý luận. Nhận viết mà ngại ngùng! Đọc cả mấy trăm trang sách của bạn bè đến mờ cả mắt, vắt óc ra được nghìn chữ mà mỗi hàng chữ là một lần run rẩy, như tự mình bóc trần mình ra, phơi mình ra trước công luận.

Phê bình nghiên cứu là định giá. Mình là cái gì, cầm cái thước đo nào mà dám định giá người khác? Định giá cho đúng đâu có đơn giản. Phải có bản lĩnh. Hay nói hay, dở nói dở. Thiên hạ có ai thích chê bai. Động chạm đâu có ít. Thiếu gì chuyện oán hận nhau suốt đời  vì một lời chê bai.Vậy là phải có bản lĩnh  dựa trên công tâm và can đảm. Mà muốn có công tâm thì trước hết phải trên tường thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu lòng người. Riêng đối với văn chương còn khó hơn. Khó lắm! Có được một bài phê bình hay khó lắm so với có được một áng văn miêu tả trần thuật, một bài thơ hay.

Năm 2009, tôi xuất bản cuốn tiểu thuyết Gặp gỡ ở La Pan Tẩn. Thế là tôi đã có bốn cuốn viết về đề tài miền núi. Tất nhiên, tôi thích cả 4 cuốn. Nhưng Nguyễn Ngọc Thiện chỉ chú ý đến ba cuốn Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải  Gặp gỡ ở La Pan Tẩn. Riêng cuốn Một mảnh trăng rừng, anh gần như bỏ quên, trong khi tôi rất thích nó từ chủ đề tới nội dung đặc điểm dân tộc tính. Trong bài viết về ba cuốn tiểu thuyết trên, anh khen cuốn Gặp gỡ ở La Pan Tẩn vận dụng thành công các thủ pháp nghệ thuật hiện đại. Còn cuốn Đồng bạc trắng hoa xòe , anh chê tôi có lúc còn chưa thoát khỏi nhược điểm của lối viết nhà văn là người toàn tri, biết tất. Tôi đành chịu nhận xét đánh giá của anh.  Cũng như tôi hoàn toàn chấp nhận đánh giá của các Luận văn, Luận án do anh hướng dẫn, về cái được cái chưa được, cái hay, cái dở của tôi. Tôi biết đó là ý kiến riêng của các bạn nghiên cứu sinh, tất nhiên tôi cũng hiểu, chúng cũng  mang dấu vết tư duy nghiêm túc tâm huyết, khoa học, có lý có tình của chính anh. Riêng về tôi, anh đã đọc cả vạn trang. Còn cả chục tác giả khác nữa. Mà đâu chỉ có đọc không thôi. Thế mới thật đáng kính nể cái sức làm việc phi thường của anh.

Thế đấy, chỉ cần nhìn khối lượng các bài viết phê bình và danh sách các Luận văn Thạc sĩ, Luận án Tiến sĩ mà anh hướng dẫn thành công, cũng là đủ  để thốt lên lời cảm phục. Là có thể nhận ra, anh là nhà phê bình lý luận hội đủ những phẩm chất quý giá nhất của nghề nghiệp. Anh yêu văn chương như một thiên tính. Anh theo đuổi nó một lòng một dạ say mê như với một tình nhân.  Anh có phẩm tính của một nghệ sĩ. Anh ham học và được đào tạo rất cơ bản Anh là một nhà khoa học cẩn trọng, nghiêm cẩn, chỉn chu, đức độ và khiêm nhường. Tôi vinh dự được là một trong các đối tượng nghiên cứu phê bình của anh. Tôi may mắn được hưởng trọn vẹn cái tài cái đức của anh!

3. Cuốn sách Nguyễn Ngọc Thiện- Văn và Đời phản ánh công sức lao động chữ nghĩa nhọc nhằn và hiệu quả mấy chục năm của anh. Cũng là nơi anh thể hiện tình yêu, niềm trân trọng của anh với cuộc đời, với văn chương. Anh là tác giả cả một khối lượng lớn những công trình sưu tầm nghiên cứu có giá trị. Đã có mấy người bỏ công sức ra, quan tâm làm việc này như anh! Anh yêu quý văn chương tới mức nâng niu văn chương như một báu vật. Nói thế vì trong tổng kê hoạt động văn học của anh, có cả một mảng sách nghiên cứu sưu tầm  hết sức công  phu. Lặn lội trong kho tàng văn học của ông cha, đào xới, chọn lọc, gạt đi lớp bụi thời gian, làm sáng lên các tinh hoa vĩnh cửu, công việc vừa đòi hỏi một tài năng xuyên thấu và một công năng lao động bền bỉ. Công việc vừa có ý nghĩa đóng góp một xác quyết có tính học thuật, vừa thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của anh, một nhà nghiên cứu khoa học nhân văn.

 4.  Văn chương dĩ hội hữu. Văn chương là chốn hợp đàn. Nguyễn Ngọc Thiện- Văn và Đời là bức chân dung anh thông qua nét bút của hàng trăm bạn bè. Nhà văn có nhiều bạn bè thật. Tất thẩy, cả trăm người, kể từ các bậc trưởng lão trong làng văn tới các bè bạn đồng nghiệp cùng trang lứa, các học trò, các bạn đọc, ai ai cũng một lòng quý mến trân trọng anh. Anh là người sống rất có tình.

Đọc đến đây, lại nhớ lần được đến thăm bà cụ thân sinh ra anh ở làng Kẻ Nành, quê hương của Hoàng hậu Ngọc Hân, vùng đất cổ của kinh thành Thăng Long xưa. Nhớ dàn hoa thiên lý xanh mát tỏa bóng trên vuông sân gạch. Nhớ lắm cả cái không khí âm âm tối, thơm hương trầu cay trong căn nhà, sau bà mẹ khăn nhung đẹp đoan trang, cổ điển, hiền hòa, sáng bóng những tấm bảng vàng    tôn vinh 5 đời khuyến học, tam đại phu thê,  Nhị quang. Một nền nếp gia phong có căn cơ sâu rễ bền gốc trong đạo nghĩa cổ truyền! Nhân bất học bất tri lý. Người có học là người có đức, là người sống thân ái với mọi người. Là người dễ được mọi người thích gần gụi, sẻ chia.

 PGS.TS, nhà văn, nhà báo, nhà lý luận Nguyễn Ngọc Thiện là người có tấm lòng thơm thảo với bạn bè. Tôi nghe nhiều người nói vậy. Nếu thế thì một lần nữa câu nói sau đây của người xưa là chính xác: Kết giao bằng hữu giữa những người quân tử thơm như hương quế thơm…

M.V.K

 

 

 

Các tin khác:

16-20 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter