Lý luận, phê bình tham gia điều chỉnh, định hướng Và đồng hành cùng sáng tạo văn học, nghệ thuật

NAM HÀ

 

Đồng hành cùng lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng hàng nghìn năm của dân tộc, văn học- nghệ thuật đã bền bỉ sáng tạo, bồi đắp bản sắc văn hóa và phẩm giá Việt Nam. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc trong thế kỷ XX, khi văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận và văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy thì văn học, nghệ thuật thực sự trở thành một “binh chủng đặc biệt” đóng góp tích cực vào công cuộc kháng chiến kiến quốc. Rồi suốt mấy chục năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ đã hòa mình vào thực tiễn phong phú, sinh động của sự nghiệp mới đất nước, chủ động đổi mới tư duy cũng như quan niệm nghệ thuật và hình thức biểu đạt. Tiếp tục dòng mạch chính là chủ nghĩa nhân văn và yêu nước, các văn nghệ sĩ đã sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao cổ vũ khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh; góp phầnxây dựng nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn con người Việt Nam, hướng tới các giá trị Chân- Thiện- Mỹ. Trong quá trình phát triển hết sức sôi động, phong phú và đa dạng của cuộc sống xuất hiện nhiều vấn đề còn rất mới lạ, đang biến động theo nhiều chiều hướng khác nhau đan xen giữa cái cũ và cái mới, giữa tiến bộ và lạc hậu, xấu và tốt, thật và giả… mà không phải ai, thời điểm nào cũng có thể phân biệt rạch ròi được. Hiện thực vốn luôn là nguồn cảm hứng cho văn nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nhưng cảm hứng ấy không giống nhau giữa các văn nghệ sĩ, nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố: cách tiếp cận, phương pháp, tài năng và cả lý tưởng xã hội cũng như cái tâm của người nghệ sĩ. Từ đó có thể thấy rằng nguồn gốc của tác phẩm văn học, nghệ thuật chính là hiện thực được phản ánh thông qua lăng kính chủ quan của tác giả, để rồi tác động trở lại cuộc sống thông qua sự tiếp nhận của người đọc, người xem. Là sản phẩm tinh thần, tác phẩm văn học, nghệ thuật sớm góp phần hình thành nên nhân cách con người, giúp “con người trở nên con người nhất”. Thế nên cũng không lạ khi có tác phẩm văn học, nghệ thuật lại tác dụng ngược đánh gục con người, không chỉ một mà có khi đến nhiều thế hệ nếu để mất niềm tin.

Là khoa học đồng thời là nghệ thuật, lý luận phê bình không đứng ngoài, đứng trên sáng tạo mà là thành tố hữu cơ của văn học, nghệ thuật. Nếu như lý luận tìm ra những đặc thù về văn học, nghệ thuật thì phê bình phải nghiên cứu lý luận và vận dụng vào đánh giá tác phẩm. Bởi vậy lý luận, phê bình có chức năng thẩm định, đánh giá tác phẩm, tác giả; phát hiện các giá trị, các quy luật, dự báo, phát hiện cái mới; tham gia điều chỉnh, định hướng cho sự vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật. Lý luận, phê bình và sáng tạo văn học, nghệ thuật bao giờ cũng đồng hành, tác động tương hỗ lẫn nhau để làm nên tiến trình văn học- nghệ thuật của một dân tộc. Hiện nay lý luận, phê bình mới chỉ đồng hành ở giai đoạn cuối cùng. Sáng tạo văn học- nghệ thuật đi trước, phê bình hình thành sau. Mặc dù đi sau sáng tác nhưng phê bình lại mang tính định hướng. Bởi vì thông qua sáng tác mà đúc kết lý luận và từ nghiên cứu lý luận để có cơ sở vận dụng vào sáng tác cũng như đánh giá tác phẩm. Khi cần nó là đèn tín hiệu báo nguy giúp chúng ta tránh những sai trái, những thiếu sót, khiếm khuyết trongquá trình sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nếu chúng ta làm tốt công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thì sẽ có hiệu quả tích cực đối với hoạt động sáng tác và tiếp nhận của những người thụ hưởng. Thời gian gần đây số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời ngày càng nhiều. Thêm nữa công chúng bị cuộc sống bộn bề cuốn hút, không có nhiều thời gian dành riêng cho tiếp nhận tác phẩm văn học- nghệ thuật nên lý luận phê bình là kênh thông tin hữu hiệu góp phần quảng bá. Thực tế cho thấy có tác phẩm khi mới ra đời (tác phẩm văn học, kịch, điện ảnh, hội họa…) chưa được người đọc, người xem chú ý nhưng khi xuất hiện một vài bài phê bình, nhất là tranh luận xung quanh vấn đề tác phẩm đặt ra thì lại tạo hiệu ứng kiếm tìm. Còn về tiếp nhận tác phẩm văn học, nghệ thuật hiện nay do trình độ hiểu biết của công chúng có khác nhau nên đôi khi nhận thức về một tác phẩm nào đó vẫn có sự lệch lạc. Rồi khi chịu tác động của kinh tế thị trường không tránh khỏi những tác phẩm “mì ăn liền” chất lượng nghệ thuật thấp. Người làm công tác lý luận phê bình với kiến thức đã được trang bị sẽ giúp bạn đọc hiểu đúng, hiểu sâu tác phẩm, góp phần định hướng dư luận và nâng cao thị hiếu thẩm mĩ cũng như văn hóa cho công chúng. Mặt khác, thông qua lý luận, phê bình cũng giúp người sáng tác hiểu rõ hơn công chúng, nhận ra mặt mạnh của mình để phát huy và hạn chế để khắc phục. Rồi khi xuất hiện một số trào lưu mới thì sáng tạo văn học, nghệ thuật luôn luôn cần có sự soi chiếu của lý luận. Vấn đề này đang đặt ra như một yêu cầu cấp thiết. Có thể nói lý luận phê bình tác động đến sáng tác, sáng tác là cơ sở để lý luận, phê bình tồn tại và phát triển. Chính vì vậy, hoạt động lý luận, phê bình không thể thiếu để song hành cùng sáng tác. Làm tốt công tác lý luận, phê bình văn học- nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng trong việc kích thích văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng cao. Một thực tế là tại các địa phương, số người tham gia sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay gia tăng do quá trình vận động và phát triển hội viên. Song lại có sự chênh lệch về trình độ hiểu biết chuyên ngành, kỹ thuật sáng tác. Công tác lý luận phê bình còn có trách nhiệm bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực sáng tạo để xây dựng đội ngũ đông mà chất lượng.

Trong sự nghiệp đổi mới gần bốn chục năm qua, dưới tác động của tư tưởng đổi mới, văn học nghệ thuật đã vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, tiếp tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu, trong đó có sự đóng góp quan trọng của công tác lý luận, phê bình. Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” ghi nhận “Công tác lý luận văn học, nghệ thuật có bước đổi mới, lý giải khoa học hơn quan hệ giữa văn học, nghệ thuật với chính trị, giữa hiện thực và nghệ thuật. Tư tưởng văn học, nghệ thuật truyền thống của cha ông đã được quan tâm nghiên cứu. Các thành tựu văn học, nghệ thuật thế kỷ XX được đánh giá lại thỏa đáng. Một số phương pháp nghiên cứu văn học, nghệ thuật phi truyền thống được vận dụng, bước đầu đem lại kết quả tốt. Phê bình văn học trong thời kỳ đổi mới có tác động tích cực đối với sáng tác, phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, tiến bộ trong hoạt động sáng tạo”. Tuy vậy, theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu về những hoạt động lý luận, phê bình văn học- nghệ thuật ở Trung ương và các địa phương hiện nay không phải không gặp những khó khăn, hạn chế nhất định. Hiện vẫn chỉ mới dừng lại ở nội dung nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp, nhận thức của nghệ sĩ, phát hiện những vấn đề mới trong sáng tác, nghiên cứu, biểu diễn... nên giá trị định hướng hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn học nghệ thuật chưa cao; trước hàng loạt sự kiện, hiện tượng nóng bỏng xuất hiện trong đời sống văn học, nghệ thuật nhiều khi phê bình còn lúng túng, thiếu nhạy bén chính trị và nghệ thuật, chưa phản ánh kịp thời, thậm chí còn mơ hồ trong nhận định, đánh giá và lý giải; hình thức tổ chức vẫn theo cách làm truyền thống, còn nặng về phong trào, dường như vẫn thiếu tính chuyên nghiệp nên chưa tạo nên những cuộc trao đổi cởi mở, chưa mở rộng và chưa dẫn dắt được công chúng thưởng thức văn học, nghệ thuật. Những hạn chế của công tác lý luận văn học, nghệ thuật hiện nay cũng được chỉ rõ trong Nghị quyết số 23-NQ/TW: “Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác. Lý luận văn nghệ và mĩ học mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó. Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm; văn hóa phê bình bị hạ thấp...”.

Để khắc phục tình trạng lý luận, phê bình đang có vẻ trầm lắng, chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình so với thực tiễn sáng tác rất sôi động, đa dạng, phong phú, thậm chí phức tạp cùng nguy cơ hiện hữu đang phải đối diện với sự “quay lưng” của giới sáng tác cùng công chúng văn nghệ. Nhiều cuộc hội thảo về vấn đề này đã được tổ chức; nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đã được mở nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình. Bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện, nền văn học- nghệ thuật nước nhà đang đứng trước những cơ hội to lớn và cả những thách thức gay gắt trong quá trình phát triển. Nhiệm vụ nâng cao tính lý luận, trình độ khoa học, trình độ thẩm mỹ, vốn hiểu biết thực tiễn sáng tác, thực tiễn cuộc sống nhằm đưa phê bình văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, đồng thời khắc phục những yếu kém kéo dài là rất cấp thiết. Để góp phần chấn hưng phê bình văn học- nghệ thuật Việt Nam hiện nay, một nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm là sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam hiện đại, khoa học đủ sức giải đáp những vấn đề đặt ra trong thực tiễn như Nghị quyết 23 và các văn kiện quan trọng của Đảng đã đề ra. Trong khi chờ đợi những bước chuyển mới về cơ chế, chính sách và điều kiện làm nghề, các nhà phê bình cần tiếp tục nuôi dưỡng và truyền giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo, phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình để từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật; góp phần cổ súy cho Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của Đảng đã được xác định tại Đại hội XIII là “Nâng cao vai trò của văn hoá, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách của con người Việt Nam, nhất là trong thế hệ trẻ. Bảo đảm quyền hưởng thụ, tự do sáng tạo trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật của mỗi người dân và cộng đồng”. Hiện nay, vấn đề đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn học- nghệ thuật lại càng cần những người làm công tác lý luận, phê bình phải có hiểu biết sâu rộng về lý luận văn nghệ Mác xít. Đồng thời nhanh chóng tiếp cận các trào lưu, khuynh hướng sáng tác, phê bình hiện đại để có cơ sở giải mã các hiện tượng văn học- nghệ thuật lệch lạc, tấn công lại sự chống phá, khẳng định vai trò, vị trí của văn nghệ Xã hội chủ nghĩa trong đời sống xã hội.

N.H

Các tin khác:

1-5 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter