Tự bạch- sự mở lòng của nhà văn

PGS-TS Nguyễn Hằng Phương

 

Nhà văn, thường gắn với lời tự bạch, bút danh, chữ ký, bút tích, nhiều khi cả tự truyện hay cảm xúc tản văn nữa. Mỗi ngôn ngữ ấy, đi liền với đời cầm bút, hoặc thời cầm bút của họ. Các văn nghệ sỹ chuyên ngành khác (Âm nhạc, Mỹ thuật, Biểu diễn, Nhiếp ảnh …) cũng có những tự thuật theo nghĩa rộng như vậy dù không nhiều, và không sâu xa. Còn với nhà văn, đó là sự mở lòng của họ. Mỗi động tác trên, dù muốn hay không, vẫn được bạn đọc để tâm theo dõi, thậm trí, cắt nghĩa, lý giải, mổ xẻ từ ngữ, tranh cãi câu chữ, đưa lên diễn đàn… nhất là với các nhà văn từng gây dấu ấn. Đây cũng là sự thiện cảm và ưu ái của bạn đọc, của công chúng đối với văn sĩ. Hà Lâm Kỳ, nhà văn dân tộc Tày (quê ở xã Đại Lịch, Văn Chấn, Yên Bái) không nằm ngoài nhóm tác giả trên.

Tâm sự văn chương.

Nhìn chung, các nhà văn (từ chỉ chung cho giới văn chương) ít ai quan tâm đến thuật ngữ "tự bạch". Vì với họ, không cần biết, và thực sự cũng không cần thiết. Khi đã là văn chương thì để người đọc tự hiểu, tự phán xét, tác giả bộc lộ hay can thiệp, nhiều khi lại là điều dở. Ấy thế nhưng có lúc nhà văn phải làm theo một đòi hỏi nào đó, một yêu cầu chính đáng nào đó như sự kết nối thân thiện để bạn đọc bước lên cây cầu tác giả, đi vào tác phẩm. Bài này nhắc đến ở đây đôi lời "tự bạch" (theo nghĩa rộng) của nhà văn Hà Lâm Kỳ dựa trên một số cuốn sách mà chúng tôi có được.

Trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại do Hội Nhà văn chủ biên, NXB Hội Nhà văn xuất bản năm 2007 nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết trong lời giới thiệu: "Ở đây, mỗi nhà văn, cùng với một tấm ảnh nhỏ, hoặc một ký hoạ chân dung, được giới thiệu qua các phần: thân nhân, hoạt động xã hội- nghề nghiệp, các tác phẩm được xuất bản, các giải thưởng văn học đã được ghi nhận; và cuối cùng là những lời tâm sự, lời tự bạch (đôi khi là những lời bình giá của bạn đọc được tóm tắt lại).

Trên "nền" đề dẫn đó, Hà Lâm Kỳ "Suy nghĩ về nghề văn: Sinh thời, nhà thơ Nông Quốc Chấn dặn tôi: Mình là người miền núi, mình nên viết về miền núi, về dân tộc. Viết được nhiều, được ít, đều quý. Miễn sao, những gì làm ra, phải giúp ích cho đồng bào mình. Nghe theo lời ông, tôi học đòi viết cho thiếu nhi miền núi. Vẫn biết rằng, chưa thành công, nhưng chắc chắn tôi sẽ không rời bút. Hàng triệu trẻ em vùng cao, dân tộc, còn đó". (Nguồn: Nhà văn Việt Nam hiện đại - NXB Hội Nhà văn, 2007. Trang 503).

Nhắc lại lời tự bạch trên, nhà văn Hà Lâm Kỳ cho biết: Tháng 7 năm 1997, Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo ở Sa Pa, chủ đề, sáng tác về miền núi dân tộc. Nhà văn có bài tham luận sáng tác cho thiếu nhi. Giờ giải lao, nhà thơ Nông Quốc Chấn Chủ tịch Hội, cũng là chủ trì Hội thảo có lời hoan nghênh bài viết ngắn gọn, đi đúng vấn đề mà Hội đặt ra. Hà Lâm Kỳ phân tâm chủ đề miền núi dân tộc quá rộng lớn nên chỉ dám tham luận về đối tượng thiếu nhi. Trầm ngâm giây lát nhà thơ vỗ vai tác giả Hà Lâm Kỳ, người mà ông tin cậy đứng ra giới thiệu kết nạp Hội Nhà văn năm 1993 và nói những lời vừa như tâm sự, vừa như định hướng trên đây. Nhà thơ Nông Quốc Chấn tên thật là Nông Văn Quỳnh sinh năm 1923, quê ở Cao Bằng, lão thành cách mạng. Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông mất đột ngột năm 2002. Nhà văn Hà Lâm Kỳ mở đầu lời bạch (năm 2007) với từ "Sinh thời" còn như một sự trọng nghĩa tri ân. Nhà văn Hà Lâm Kỳ kể:

Năm 1998, đang học thêm chuyên ngành Bảo tàng ở Đại học Văn hoá Hà Nội. Sáng chủ nhật đến "Phố Nhà binh" Mai Hắc Đế thăm Đại tá nhà văn Xuân Thiều người cùng đi Trại sáng tác Đại lải bốn năm trước, bất ngờ gặp Nhà văn Nam Hà Chi hội trưởng Chi hội nhà văn Quân đội. Nam Hà cười cười, bảo: "May quá, chưa biết liên hệ bằng cách nào thì chú đến!" Rồi ông giao luôn tờ kê khai, hẹn hai ngày nộp". Chiều hôm sau, tôi mải miết đạp xe trở lại Lý Nam Đế. Đại tá Nhà văn Nam Hà, và Đại tá Nhà văn Dương Duy Ngữ đọc xong. Dương Duy Ngữ khen: "Lời bạch hay!". Chỉ mấy tháng sau bộ sách Tổng tập Nhà văn Quân đội ra mắt bạn đọc, trong số 245 nhà văn áo lính, có tên "Hà Lâm Kỳ. I. tác giả- Tác phẩm. II. Tự bạch:

Ngày tôi lên đường nhập ngũ, mẹ tôi bước xuống cầu thang nhà sàn vừa khóc vừa dặn: "Con đi, làmnên cái hay cho mẹ, làm nên cái khỏe cho bố". Khi ra tới cổng, một người làng đến tiễn, lại bảo: Chết thì cho xanh cỏ, sống thì cho đỏ ngực, cháu nhé. Tôi lặng lẽ nhận cái túi thổ cẩm của người chị gái rồi cúi chào hai cúi.

Tháng 10 năm 1974 tôi gửi bài thơ mấy câu lên báo Tây Nguyên và được in trên trang nhất:

Mùa mưa hai đứa hai nơi

Mùa khô hai đứa hai trời xa nhau

Vào mùa cùng một ước ao

Được đì chiến dịch, được vào tung thâm

Khi ấy tôi chỉ là một người yêu thích văn chương.Tôi thầm ơn quân đội, ơn những năm tháng mặc áo lính chiến trường. Chưa ghi được gì nhiều về chiến tranh, đó vẫn là món nợ lớn với quê hương, với đồng bào mình, củamột nhà văn dân tộc thiểu số.

Vâng, tôi chưa ghi được gì nhiều về hai cuộc kháng chiến. Cầu mong những người viết giữa thế kỷ và cuối thế kỷ 21 tiếp tục nói lên cái vĩ đại của cuộc chiến tranh giữ nướcnày. (Nguồn: Tổng tập Nhà văn Quân đội. Kỷ yếu và tác phẩm. NXB Quân đội 1999. Trang 167).

Tháng 3/2005 NXB Từ điển Bách khoa mời Hà Lâm Kỳ cộng tác trang kỷ yếu cho một cuốn sách. Biên tập viên, nhà văn Vân Thanh gọi điện dặn thêm, "Lời bạch mang sắc thái miền núi dân tộc để tác phẩm có thể còn dịch ra nước ngoài". Ngẫm nghĩ cả tháng trời, rồi "Tự bạch" cũng được gửi về Nhà xuất bản đúng hạn.

"Bố mẹ tôi năm 2005 này đều đã ở tuổi 96 nhưng vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn. Cách đây mười năm, phải rời ngôi nhà sàn lợp cọ ở làng Khe Liền (xã Đại Lịch) ra thành phố sống với các con. Bố tôi khóc, nói: Đi thì đi nhưng bố mẹ không bỏ làng bản được đâu! Truyện dài "Làng nhỏ" của tôi được bắt mạch từ câu chuyện ấy.

Và bố mẹ, chị dâu, chị gái; rồi làng xóm, rồi bạn bè thuở chăn trâu cứ lần lượt xuất hiện với tư cách nhân vật làng quê chân đất, hài hoà với khe suối, với chim thú cây cỏ.

Tôi nghĩ nếu mỗi người viết được một cái gì đó về quê hương để lại cho trẻ em thì chắc quê hương sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí lớp trẻ cho dù chúng lớn lên đi xa".

Các tác giả biên soạn nhận xét: Hà Lâm Kỳ là một trong số ít tác giả viết nhiều về thiếu nhi các dân tộc thiểu số. Anh có vốn sống khá phong phú nên hầu hết các tác phẩm viết cho thiếu nhi của anh mang được sắc thái văn hoá dân tộc. (Nguồn: Tác giả Văn học thiếu nhi Việt Nam. NXB Từ điển bách khoa. Hà Nội, 2006. Trang 427).

Nhà văn Hà Lâm Kỳ được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam tháng 1/1996. Ông kể: Lần đầu tiên "Chạm ngõ" Nhà văn là tháng 12/1985 được Hội Văn nghệ tỉnh Hoàng Liên Sơn chọn cử đi dự Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ Nhất tại Hà Nội. Năm 1992 truyện dài đầu tay "Kỷ vật cuối cùng" đoạt giải C Hội Nhà văn Việt Nam. Theo gợi ý của nhà thơ Nông Quốc Chấn, Chủ tịch Hội đồng văn học các dân tộc thiểu số, và nhà thơ Phạm Hổ, Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn. Ngày 15/10/1993 ông làm đơn xin vào Hội được đích thân nhà thơ Nông Quốc Chấn, và nhà thơ Ngọc Bái Chủ tịch Hội văn nghệ Hoàng Liên Sơn giới thiệu. Năm 1993 rồi năm 1994, ông đều không đủ số phiếu cần thiết để vượt qua. Năm 1995, đợt bỏ phiếu xét kết nạp đầu tháng 12, Hà Lâm Kỳ quá bán cùng với Trần Hùng, Nguyễn Thị Thu Huệ, Pờ Sào Mìn, Trần Thiên Hương, Phan Thị Vàng Anh… nhưng phải đến ngày 14 tháng 1 năm 1996 Tổng thư ký Hội Nhà văn- Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm mới ký quyết định kết nạp. Ngay từ đầu năm đó, ông được thông báo chuẩn bị một trang kỷ yếu cho cuốn sách "Nhà văn Việt Nam hiện đại" nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957- 1997), và đây là lời "Tự bạch" khai bút đầu tiên của nhà văn.

"Khi tôi lẫm chẫm, mẹ tôi bảo: Con bám theo hàng hiên mà tập đi! Còn chị thì vắt dây đa lên lưng vừa cõng vừa hát: Nhà sàn có cầu thang, bố dặn đừng làm nó mục, đầu hồi, cái máng dẫn nước, lối vào nhà, rửa chân.

Lớn lên một chút nữa, mẹ lại bảo: Con phải biết đọc, biết viết để còn ghi lại những chuyện cổ tích mẹ kể. Chị lại nhắc:- Em ạ, lên nương thắt dao phải thắt cả ớp, lấy củi phải lấy cả đóm. Chị còn nói: làng mình như cái dải áo chàm, ba con dao quăng là hết thôi.

Những sáng tác dầu tay của tôi được gợi ra, nhen nhóm và hình thành từ đấy. Tôi chắc sẽ suốt đời viết về đề tài miền núi và ước sao tất cả những gì trên đất miền núi kia sẽ trở thành những nhân vật thật sống động, thật hồn nhiên trong mỗi tác phẩm của mình". (Nguồn tự bạch: Nhà văn Việt Nam hiện đại. NXB Hội Nhà văn 1997. Trang 353).

Tự bạch cho cuốn sách do Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam chủ biên, nhà văn Hà Lâm Kỳ thổ lộ sự chiêm nghiệm ân nghĩa:

"Trở thành người lớn từ trẻ con. Bây giờ mới có điều kiện ngẫm nghĩ về ngày xưa, ngẫm nghĩ về những kỷ niệm và kỷ vật, về mỗi nét hoa văn, về từng vuông thổ cẩm, và cả về cái làng nhỏ đã nuôi mình.

Tôi viết, và còn viết nhiều cho thanh thiếu nhi miền núi, dân tộc; mối duyên nợ ấy, cũng là để phần nào trả được ơn". (Nguồn: Nhà văn dân tộc thiểu số Việt Nam. Đời Và Văn. NXB Văn hoá dân tộc, 2000. Trang 316).

Cũng có những tự bạch rất gọn, dường như chỉ một thông điệp nhanh của tác giả. Cuốn sách "Nhà văn Việt Nam hiện đại" năm 2004, ở danh mục "Hà Lâm Kỳ- Tác giả, tác phẩm", ông đã mượn câu trả lời phỏng vấn chương trình phát thanh thanh thiếu nhi của Đài Tiếng nói Việt Nam thay cho mình:

"Viết được cho thiếu nhi là điều rất khó, tôi luôn nghĩ rằng, phải là tác phẩm mang cái tâm, và sự định hướng". (Nguồn: Nhà văn Việt Nam hiện đại- Kỷ yếu. NXB Hội Nhà văn, 2010).

Với nhà văn Hà Lâm Kỳ, lời bạch không chỉ là tâm sự nghề nghiệp văn chương như nhà thơ Hữu Thỉnh nói, mà có khi mạnh mẽ hơn, hàm chứa cả một thái độ, một giá trị nhân văn. Mạch lời bạch này nhà văn thường đặt ở vị trí trang trọng nhất ngay trong tác phẩm của mình, và là sự tự nguyện có ý thức chứ không theo một sự "đặt hàng" nào. Chẳng hạn, Truyện dài "Kỷ vật cuối cùng" (NXB Kim Đồng 1991, tái bản 2008). Lời bạch: Tặng các em tôi. Truyện vừa "Làng nhỏ" (NXB Kim Đồng 2013), Lời bạch: Tặng Làng Khe Liền yêu dấu. Bộ tiểu thuyếtCánh cung đỏ (NXB Hội Nhà văn 2017, NXB Quân dội 2019). Lời bạch là hai câu thơ đề tựa: Làng sinh tôi trong khói lửa chiến tranh/ Tôi nặng nợ với Làng trăm năm không trả hết. Và bộ tiểu thuyết "Thủ lĩnh Rừng già" (NXB Quân đội 2021) nhà văn mượn lời Bác Hồ thay lời tự bạch: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Ở thể loại thơ, đôi khi cũng có lời tự bạch. Bài thơ "Đi rừng" (Sáng tác 1982. In trong tập "Xôn xao rừng lá", NXB Thanh niên, 1992):Vào rừng chẳng biết lối ra/ Thấy cấy nốc nác tưởng là vàng tâm. Bài thơ "Tình bạn" in trong tập thơ Lời riêng, NXB Thanh niên, 2009:Rồi mùa toóc giạ rơm khô/ Bạn về quê bạn biết nơi mô mà tìm.Bài thơ "Cái tiếng". Lời riêng. NXB Thanh niên, 2009 lại mượn câu thành ngữ Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa,  làm lời bạch của tác giả.

Ở thể truyện ngắn. Lời bạch lại chứa đựng một ngôn ngữ cốt truyện, có không gian, có sự cắt nghĩa ngắn gọn nhất ở nội dung và ý tưởng, như trường hợp truyện ngắn Con trai Bà Chúa Nả:

Quê tôi (xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) là một vùng miền núi phía Tây sông Hồng có người Kinh từ Phú Thọ di cư lên cách đây 6- 7 thế kỷ, và họ đã hòa nhập trở thành người Tày người Mường địa phương.

Dựa theo sự lưu truyền đó, tôi viết truyện Con trai Bà Chúa Nả để trước hết tỏ lòng với tổ tiên. Sau nữa muốn gửi đến người dân quê tôi, rằng, chúng ta, tất cả đều là con cháu Vua Hùng Đất Việt, hãy biết giữ gìn sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc như Tổ tiên ta ngày xưa đã giữ". (Nguồn: Tuyển tập truyện ngắn Việt Nam 1954- 2005. NXB Công an nhân dân 2005. Trang 57).

Và ở truyện thiếu nhi đầu tay "Chú Cuội đi đâu":

Tôi vào làng Văn bắt đầu từ việc làm thơ, và in rải rác từ những năm 74-75. Nhưng không nghĩ cái đêm Trung thu năm 1985 ấy, khi tôi ngồi ở hiên nhà nhìn hai cô con gái (Ngọc và Hằng, 6 tuổi và 4 tuổi) cùng chú mèo con ngây thơ đùa nghịch dưới ánh trăng rằm, tôi nhớ đến câu truyện dân gian "Thằng Cuội...” thế là tôi xoáy vào viết "Chú Cuội đi đâu ", và viết xong ngay. Hôm sau gửi báo Hoàng Liên sơn (nay là báo Yên Bái). Báo đăng. Trung thu năm sau gửi báo Nhi đồng và cũng được in trang trọng có kèm minh họa.

"Chú Cuội đi đâu" chắc chưa hoàn toàn là truyện ngắn, nhưng ít nhiều cũng có chút"chuyện" cho trẻ em.

Từ đấy tôi thích viết cho thiếu nhi. (Nguồn: Tuyển tập truyện ngắn đầu tay, NXB Thanh niên 1996).

Bút danh

Với những người cầm bút, bút danh không thể thiếu. Cố nhiên ở mỗi người ứng với mỗi thời kỳ và sở thích của họ. Bút danh (Không phải bí danh), làm nên tên tuổi nhà văn và theo họ suốt cuộc đời. Nhưng cũng có tác giả chỉ nhất thời. Nhà văn Hà Lâm Kỳ sử dụng bút danh mà ông tự nhận là "thất thường" có lẽ do nhiều yếu tố trong đó có yếu tố "kỷ niệm".

Giở lại các cuốn "Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại" các năm 1997, 2000, 2007, 2015 hay nhiều cuốn tuyển tập khác của các Nhà xuất bản có tên "Nhà văn Hà Lâm Kỳ" trong danh mục. Hầu hết chỉ ghi một bút danh trong trích ngang tác phẩm: "Vi Hà". nhà văn giải thích, bút danh "Vi Hà" xuất hiện khoảng 1995, 1996 sau buổi bất ngờ gặp lại thầy giáo cũ- nhà văn Vi Hồng, sau 15 năm xa cách. mang ơn người thầy từng có hai thời điểm làm chủ nhiệm lớp Văn (1971 và 1977, trước khi nhập ngũ, và sau khi ông từ chiến trường về Đại học Sư phạm Việt Bắc tiếp tục học Đại học), mà cũng là người định hướng, nâng đỡ ông trở thành nhà văn Việt Nam (tháng 12/1995). Từ ơn nghĩa ấy, Hà Lâm Kỳ ghép họ của thầy với họ của mình thành "Vi Hà", và coi đó là bút danh chính thức trên văn đàn.

Những năm 90 và 2000, Hà Lâm Kỳ hay viết cho các nhà báo ở trung ương, ông ký các bút danh: "Phương Thuý" (ghép từ tên đệm của hai con gái: Hà Phương Ngọc, Hà Thuý Hằng), "Vũ Hà" (họ của mẹ- Vũ, với họ của cha- Hà). Nếu là chụp ảnh và ghi chú thích, ông thường sử dụng bút danh "Hà Lâm". Họ và tên đệm. Cũng đôi khi có bài viết ngắn gửi in báo, không muốn lặp lại tên mình, Hà Lâm Kỳ lấy một bút danh mang tính cảm hứng nhưng vẫn ghi rõ ràng chính danh để toà soạn tiện liên hệ.

"Với mình, bút danh không chỉ kỷ niệm sâu sắc, còn là tư cách nhà văn, gắn bó với tên tuổi trong giấy khai sinh, bởi đó là tình yêu của cha mẹ, mình phấn đấu và phải có trách nhiệm trước tên tuổi ấy". Nhà văn Hà Lâm Kỳ cười cười như muốn khép lại câu chuyện Bút danh.

Chữ ký

Cũng như nhiều người, ngoài danh hiệu nhà văn Việt Nam, Hà Lâm Kỳ còn là một công dân gắn liền với cương vị xã hội mà ở đó chữ ký nằm trong quyền kiểm soát của pháp luật. Ông trò chuyện, trước thời điểm 2008, chữ ký của mình chỉ thể hiện một từ, đó là tên ông. Từ ngày Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái, ông đăng ký lại chữ ký, đã chọn ba âm tiết để có thể hiểu đủ cả họ, đệm, và tên người, như thể kỷ niệm cuộc "vật lộn" 8 năm trời đưa Trường từ một cơ sở trung cấp nghệ thuật yếu kém, trở thành Trường Cao đẳng. Chữ ký này thành bản ký chính thức mỗi khi liên quan đến tác giả và tác phẩm.

Chẳng hạn: Ký lưu giữ bản quyền tác giả, ký tặng sách, tác phẩm của mình, tặng ảnh (chân dung), ký liên quan đến công trình nghiên cứu. Khi dùng trong các văn bản hành chính, cũng là chữ ký ba âm tiết này. Năm 2009 Tạp chí Hồn Việt chủ trương sưu tập Bộ chữ ký của  các nhà văn thành danh, xem đấy là "tài sản" cần được bảo tồn. Nhà văn Hà Lâm Kỳ đã ký chữ ký có 3 âm tiết. Hồn Việt đã rải rác in bút tích và chữ ký của một số nhà văn. Khi làm Kỷ yếu Hội Nhà văn năm 2010, thường trực Hội và Nhà xuất bản Hội Nhà văn yêu cầu mỗi tác giả đăng ký một chữ ký thường dùng cho văn chương đặt trong khung vuông sau lời tự bạch. nhà văn Hà lâm Kỳ dùng chữ ký có ba âm tiết theo thứ tự L, H, K (tạm hiểu: Lâm- Hà- Kỳ).

Bút tích

Nhà văn Hà Lâm Kỳ rất coi trọng bút tích. Ông bảo các cụ xưa dạy "Bút sa, gà chết" là muốn nói đến cái chứng cớ để lại cho người sau xem xét, với mình, lưu lại bút tích là một phần của chứng cớ, khẳng định cái mình làm ra!"  Nên, ngoài các cuốn sổ tay ghi chép tư liệu, có cuốn đã lưu trên 50, 60 năm như "Nhật ký hành quân đi B" (1972), tập "Thơ ghi ở chiến trường", thư viết về cho bố mẹ ghi ngày tại Đường Chín- Nam Lào, rồi Đơn xin vào Hội Nhà văn, Bản giới thiệu đề nghị kết nạp vào Hội Nhà văn của thơ Nông Quốc Chấn, Thư của nhà văn Vi Hồng…

Năm 1991 khởi thảo cuốn truyện dài Kỷ vật cuối cùng (tên bản thảo là Áo chàm chân núi), viết hết mười tập giấy kẻ vở học sinh, viết đi viết lại ba lần. Nhà xuất bản Kim Đồng in xong, được Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1992, tác giả nghĩ không cần giữ thế là huỷ tập bản thảo. Đến giờ ông vẫn thấy tiếc mà viết lại thì không nên. Rút kinh nghiệm, năm 1994 tại Nhà sáng tác Đại Lải, sửa chữa xong truyện dài Gió rừng thông (khi in, NXB Văn hoá dân tộc đề nghị đổi tên là Gió Mù Cang). Nhà văn đã kịp lưu lại bản viết tay cuối cùng và giữ gìn cho đến nay. Từ đấy tất cả bản thảo từ truyện vừa trở lên, gần đây là hai bộ tiểu thuyết: Cánh cung đỏ, và Thủ lĩnh Rừng già, Nhà văn Hà Lâm Kỳ lưu ngay vào "hộp tài liệu", xem đấy như văn bản gốc và là tư liệu gốc quý giá nhất trong đời viết văn. Đây là đoạn văn trong truyện ngắn Suối làng, không còn lưu được bút tích, ông đắn đo, có nên khôi phục?

"Tôi đi công tác lâu ngày mới về làng, lần về này vác theo cả máy camera để cố ghi lại những hình ảnh thời thơ ấu. Nhưng ống kính biết đưa vào đâu? Khe Diêm, khe Chao, khe Đồng Ràng, khe Vặn đều đã trơ đất đá. Vực Đằm trở thành ao nước tù; Bản Vặm Pũ ngày trước bây giờ có đẹp hơn, chỉ tiếc những mái nhà sàn lợp bằng ván thông có từ hàng trăm năm, giờ đây thay bằng tấm prô-ximăng. Xót xa hơn, con suối lớn, không hiểu sao nay người làng lại quen gọi là con ngòi? Vâng, con ngòi! Chắc nó cũng không thể bị xoá tên vì mươi năm gần đây thường xuất hiện những trận lũ quét, lũ ống khủng khiếp.Nhưng nếu cứ gọi là suối Then như ngày trước thì trẻ con trong làng không đứa nào thừa nhận. Chúng nó bảo: Suối Then là từ đời ông bà, còn bây gi gọi khác!

Tôi không biết lí giải với bọn trẻ thế nào, chỉ nghĩ rằng nhất định có ngày suối làng sẽ lại là con suối trẻ trung, khoẻ mạnh của cả làng Then".

Lao động nhà văn, thứ lao động nhọc nhằn, ngẫm từng con chữ, nhặt từng con chữ. Nó chỉ có thể tạo thành quả khi tác giả thực sự đam mê và nghiêm túc, biết tích cóp và xử lý khối tài sản tích cóp được, chuyển tải nó trên một cây cầu thông điệp không có sẵn. Với những nhà văn biết trân trọng giá trị văn chương và sức lao động của mình thì tất cả những gì khổ công suy nghĩ, nhặt nhạnh và tạo ra sản phẩm ấy, đều rất đáng được tôn vinh, bởi đó là nét đẹp văn hoá của họ - Nhà văn Việt Nam.

Tôi có may mắn được làm người cùng quê xã Đại Lịch với nhà văn Hà Lâm Kỳ (Ở vị thế em dâu). Ngày anh ở bộ đội về, học tiếp khoa văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, chúng tôi cùng học thầy Vi Hồng (1976- 1979). Lĩnh vực khoa học, anh đi theo con đường sáng tác văn học, còn tôi, nghiên cứu văn hoá, nên tôi hiểu anh cả về con người và bút pháp. Bài viết này chỉ là đôi lời cảm nhận tản mạn về anh- nhà văn của quê hương Yên Bái qua những dòng "tự bạch" mà tôi được biết, đôi khi cũng được cùng trò chuyện những câu chuyện bên lề tác phẩm. Với nhà văn, đó chỉ là "Phút thoáng qua" (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú). Nhưng với người làm nghiên cứu "tác giả- tác phẩm", nhiều khi đấy lại là những tư liệu quý, rất quý.

 

N.H.P

 



([*]) Nhà giáo ưu tú. Nguyên Chủ nhiệm Khoa Văn, ĐHSP thuộc Đại học Thái Nguyên.

Các tin khác:

1-5 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter