Một văn kiện đặc biệt quan trọng

LTS: Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh Doanh nghiệp chụp ảnh và Chiếu bóng Việt Nam (15/3/1953- 15/3/2023), phóng viên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đã có cuộc trò chuyện với Nhà nghiên cứu Lý luận phê bình Nhiếp ảnh Vũ Huyến về sắc lệnh và truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam 70 năm qua. Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đăng toàn văn cuộc phỏng vấn.

 

PV: Với những người hoạt động nghề ảnh, ngày truyền thống là dịp để nhìn lại quá trình sáng tạo và phổ biến các sản phẩm văn nghệ đến quần chúng, cũng là dịp để cùng nhau hướng tới những công việc có ích, tác động tích cực vào xây dựng và phát triển nhiếp ảnh. Ông có ý kiến gì về giá trị bản Sắc lệnh do Chính phủ ký tháng 3/1953?

NSNA Vũ Huyến: Sắc lệnh 147/SL là Một trong những văn kiện tác động lớn tới sự hình thành và phát triển của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam. Là một bởi trước và sau đó đã có nhiều văn bản khác của Trung ương Đảng và Chính phủ nêu và chỉ đạo văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật, Nhiếp ảnh và Điện ảnh chỉ là hai lĩnh vực trong ngành văn học nghệ thuật. Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943), Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất (1946), Hội nghị văn hóa toàn quốc (1948), Sắc lệnh 147/SL (1953) và Hội nghị lần thứ 5 khóa VIII (năm 1995), Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021… là những sự kiện hết sức quan trọng của văn học nghệ thuật, tác động trực tiếp đến sự phát triển của nhiếp ảnh, điện ảnh.

PV: Vinh dự cho Nhiếp ảnh vì được Chính phủ, lại được Bác Hồ trực tiếp ký Sắc lệnh. Tôi chưa rõ vì sao các lĩnh vực văn nghệ khác như văn, thơ, nhạc, kiến trúc, hội họa lại chưa có vinh dự này?

NSNA Vũ Huyến: Các loại hình văn nghệ đều có giá trị, ảnh hưởng đến xã hội nhưng cách sáng tác và phổ biến tác phẩm có khác nhau. Nhiếp ảnh và Điện ảnh là loại hình văn hóa thị giác, dễ hiểu, dễ phổ biến đến người xem. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nơi cuộc sống thiếu thốn, khó khăn. Để nhanh đến với đông đảo người thì ảnh và chiếu phim, tranh cổ động… rất có hiệu quả. Bạn hãy hình dung là để có một cuốn truyện, một bức tranh, một bài hát, bản nhạc đến với người xem cần thời gian nhiều, tìm hiểu, khám phá, viết và suy ngẫm mới xong bản thảo, còn in ấn và đưa đến người đọc, người xem nữa. Tác phẩm hội họa cần có khung, tìm nơi treo và chỉ có 1 bản chứ không như nhiếp ảnh. Một sáng tác âm nhạc cần chọn người hát, nơi trình diễn… chứ đâu có nhanh như nhiếp ảnh, chỉ trong ngày là xong. Các sản phẩm ảnh trước năm 1953 đã có tác động rất lớn cho việc động viên nhân dân tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp.

PV: Ông có thể nêu rõ các bức ảnh, điện ảnh nổi tiếng trước khi Chính phủ ra Sắc lệnh 147/SL?

NSNA Vũ Huyến: Ảnh Nhân dân Hà Nội mít tinh ủng hộ Việt Minh tại Khu Đấu Xảo (Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô hiện nay) do Nguyễn Bá Khoản chụp năm 1938, các ảnh chụp về Khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập năm 1945 tại Ba Đình, Đoàn quân Nam tiến, các chiến sĩ bảo vệ Thủ đô năm 1946, các bộ phim: Bác Hồ tại Pa ri, Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu tại Hội nghị Phông- ten- nơ- blô (1946), phim Chiến thắng Mộc Hóa năm 1948, Chiến thắng Đông Khê (1950) do Vũ Năng An quay… là những tác phẩm tiêu biểu về sự đóng góp của Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam thời đầu chống Pháp.

Đây cũng là lý do để Chính phủ ra Sắc lệnh thành lập 2 doanh nghiệp Chiếu bóng và Chụp ảnh, một cơ quan văn hóa do Nhà nước quản lý. Tôi nhớ hồi đó tổng cộng có hơn 30 người do Nhà điện ảnh Phạm Văn Khoa phụ trách.

PV: Sắc lệnh 147/SL ngắn, gọn, nhưng xúc tích, có nội dung bao quát như ông nói?

NSNA Vũ Huyến: Trên 1 trang đánh máy, nêu nhiệm vụ chính cho Nhiếp ảnh và Điện ảnh là: a) Tuyên truyền chính sách, chủ trương của Chính phủ. b) Nêu gương tốt của quân dân Việt Nam trong kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. c) Giới thiệu đất nước bè bạn. d) Giáo dục đạo đức và văn hóa cho nhân dân.

Những nhiệm vụ lớn đó đã được văn nghệ, nhiếp ảnh thực hiện tốt từ 70 năm qua.

PV: Xin ông nêu những thành tựu lớn của Nhiếp ảnh qua 70 năm?

NSNA Vũ Huyến: Một là tập hợp, đoàn kết, xây dựng đội ngũ các nhà Nhiếp ảnh Việt Nam. Các thế hệ phấn đấu sáng tạo với mục đích vì sự nghiệp của Tổ quốc, bảo vệ và xây dựng cuộc sống mới. Năm 1945, lúc mới thành lập nước, số người chụp còn ít ỏi. Năm 1965, khi thành lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đại hội toàn thể cũng chỉ có 70 người. Bây giờ thì số hội viên của Trung ương đã hơn 1000, nếu kể cả Nhiếp ảnh các tỉnh, các ngành kinh tế, xã hội, văn hóa… khác thì chắc hàng chục ngàn người chụp.

Các thế hệ Nhiếp ảnh giúp nhau, học hỏi lẫn nhau, đoàn kết sáng tạo. Đây là nét đặc biệt của Nhiếp ảnh Việt Nam.

Thành tựu thứ 2 là đã tạo ra rất nhiều bức ảnh có giá trị lịch sử và văn hóa, đóng góp thiết thực cho cuộc đấu tranh giành độc lập, bảo vệ và thống nhất đất nước, nêu thành tựu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Rất nhiều ảnh đẹp của Việt Nam được giới thiệu ra quốc tế qua các cuộc thi ảnh nghệ thuật và báo chí. Rất nhiều sách ảnh, triển lãm ảnh được tổ chức hàng năm. Việt Nam là quốc gia sử dụng các thiết bị ảnh đa dạng và chiếm số lượng nhiều trên thế giới.

PV: Ông suy nghĩ gì về việc phát triển Nhiếp ảnh ở miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam?

NSNA Vũ Huyến: Nhiếp ảnh là loại hình sáng tạo và phổ biến có yêu cầu cao, nhiều về thiết bị luôn có sự đổi mới, thường chỉ phát triển ở những nơi có điều kiện sống đầy đủ. Vì thế vài chục năm trước đây, khi đất nước có chiến tranh, còn nghèo thì số người chụp ảnh báo chí, nghệ thuật còn quá ít. Chụp để chơi, nâng cao cuộc sống cá nhân và gia đình lại càng hiếm. Bây giờ thì khá hơn nhiều. Đất nước phát triển và sự chăm lo của Đảng, Nhà nước với văn nghệ càng tạo điều kiện cho việc chụp ảnh phát triển ở bất cứ nơi nào. Thu hình bằng điện thoại di động cũng là cách để ghi lại cuộc sống.

Tuy vậy, so với các đô thị lớn thì việc chụp ảnh, tạo ra tác phẩm tại các tỉnh miền núi, vùng dân tộc… còn khó khăn. Nhất là việc tổ chức trưng bày, hội thảo chuyện nghề… phụ thuộc vào kinh phí. Hoạt động Nhiếp ảnh ở các tỉnh miền núi cần có sự ủng hộ và giúp đỡ nhiều hơn của lãnh đạo các địa phương, sự giúp đỡ vô tư và thường xuyên của các hội chuyên ngành nghệ thuật. Tại Hội thảo VHNT các tỉnh miền núi năm 2023, tôi có ý kiến này. Tóm lại là “Cần có chính sách, đầu tư hỗ trợ rộng cho miền núi và vùng các dân tộc ít người”.

PV: Ông từng có dịp lên Yên Bái với những tư cách khác nhau, có nhận xét gì về nhiếp ảnh Yên Bái?

NSNA Vũ Huyến: Từ năm 1967 đến nay làm nghề báo tôi lên Yên Bái hàng chục lần nhưng tiếp xúc với nhiếp ảnh tỉnh ta không nhiều, chủ yếu là qua các liên hoan khu vực mà thôi. Yên Bái là địa phương “trẻ” so với nhiếp ảnh cả nước, với khu vực. Những năm 90, 2000 hầu như bỡ ngỡ nhưng vị trí bây giờ đã khác, rất khác. Đã vươn lên top đầu của khu vực rồi. Số hội viên trung ương chưa thật nhiều nhưng tay nghề chắc, cách tìm chọn đề tài, cách diễn đạt khá bài bản. Số hội viên Nhiếp ảnh do hội địa phương quản lý cũng có một số thành tích. Xây dựng một đơn vị sáng tạo nghệ thuật là quá trình, không nóng vội. Nhưng những gì Nhiếp ảnh Yên Bái đạt được vài năm gần đây là đáng nể nhờ sự nỗ lực của cả một tập thể đoàn kết mà người dẫn đầu hiểu nghề, tâm huyết lại có khả năng dẫn dắt, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền và xã hội là hết sức quan trọng.

 

 

THI NGUYỄN

                                                                                                       (Thực hiện)

 

Các tin khác:

1-5 of 19<  1  2  3  4  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter