Sứ mệnh của nhà văn trong cuộc chiến chống tham nhũng

Vanvn- Tham nhũng là “ giặc nội xâm” đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của mỗi quốc gia mà cả thế giới đang quan tâm, nhiều chế độ đã bị sụp đổ vì tham nhũng, nhiều quốc gia rơi vào nghèo đói, kém phát triển vì tham nhũng.

Nhà văn Vũ Đảm

Ngay từ khi Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời năm 1945,  Chủ tịch  Hồ Chí Minh đã lên án những biểu hiện của sự tha hóa quyền lực Nhà nước trong không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Người luôn coi tham ô, lãng phí và quan liêu là ba kẻ thù hết sức nguy hiểm, Người viết: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ”. Trong ba kẻ thù trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng tham ô mà ngày nay ta gọi là tham nhũng  là kẻ thù nguy hiểm nhất, bởi đó là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Nó nguy hiểm đến mức mà Người từng xếp căn bệnh này ngang hàng với tội phản quốc. Năm 1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Người nói: “Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam, Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”.

Trong  công cuộc phòng chống tham nhũng, vai trò lãnh đạo của Đảng là hết sức quan trọng, nó quyết định sự thành bại của phòng chống tham nhũng. Đại hội X, Đảng  xác định, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội và cần thành lập các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và địa phương đủ mạnh, có thực quyền, hoạt động có hiệu quả.

Ngày  1 tháng 2 năm 2013, Bộ chính trị đã ra quyết định số 162-QĐ/TW  thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau gần 10 năm đời, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã làm một cuộc tổng tấn công  vào tham nhũng và lập được được những thành tựu to lớn.

Thực tế cho thấy tham nhũng thường rơi vào những kẻ có chức có quyền, chức to thì tham nhũng to, chức nhỏ thì tham nhũng nhỏ, chúng hay lợi dụng danh nghĩa  Đảng để tạo vỏ bọc, vùng cấm thực hiện hành vi tham nhũng và che giấu, chạy tội nhưng chúng không thể che dấu được nhân dân. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong việc xử lý các vụ án tham nhũng. Việc  đưa ra xét xử công khai vụ án Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông ; Trương Minh Tuấn đương kim Bộ trưởng  Bộ Thông tin & truyền thông và một loạt cán bộ cao cấp  của Đảng và Nhà nước,  các tướng lĩnh quân đội, công an đã cho thấy công cuộc chống tham nhũng của Đảng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ . Càng là lãnh đạo cao cấp thì càng phải xử lý nghiêm minh để răn đe, làm gương cho kẻ khác đây chính là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc chống tham ô lãng phí, tiêu cực  những hay còn gọi là tham nhũng ngày nay.

Cách đây 70 năm. Đó là vào ngày 5.9.1950 ở thị xã Thái Nguyên – Thủ đô kháng chiến, Tòa án binh tối cao đã mở phiên tòa đặc biệt, xét xử vụ án đặc biệt. Có 03 bị cáo hầu tòa là nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và đồng bọn can tội: “Biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”

Vụ án được phát hiện từ bức thư của nhà thơ Đoàn Phú Tứ, đại biểu Quốc hội khóa 1 gửi lên Hồ Chủ Tịch. Nội dung bức thư như sau: “Gần đây, Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu đã gây nhiều dư luận bất bình trong anh em quân đội, Châu đã dùng quyền lực “ban phát” ăn mặc, nên Châu đã giở trò ăn cắp (công quỹ), cứ mỗi cái màn cấp cho bộ đội Châu ăn bớt 2 tấc vải xô, nên cứ ngồi lên là đầu chạm đình màn. Còn áo trấn thủ, Châu ăn cắp bông lót rồi độn bao tải vào, nhiều người biết đấy nhưng không dám ho he.

Cháu (nhà thơ Đoàn Phú Tứ) và một Đoàn nhà văn đi thăm bộ đội vừa đi chiến đấu trở về, cháu đã khóc nấc lên khi thấy thương binh thiếu thuốc men, bông băng, hầu như hết chiến sỹ đều rách rưới, võ vàng (vì) đói rét, chỉ còn mắt với răng mà mùa đông rét buốt ở chiến khu lạnh lắm, lạnh tới mức nước đóng băng. Cháu được Trần Dụ Châu mời dự tiệc cưới của cán bộ dưới quyền tổ chức ngay ở chiến khu .Trên những dãy bàn dài tít tắp (bày tiệc cưới) xếp kín chim quay, gà tần, vây bóng, giò chả, nấm hương, thịt bò thui, rượu tây, cốc thủy tinh sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng, hoa Ngọc Hà dưới Hà Nội cũng kịp đưa lên, ban nhạc “Cảnh Thân” được mời từ Khu Ba lên tấu nhạc réo rắt, Trần Dụ Châu mặc quân phục Đại tá cưỡi ngựa hồng, súng lục “côn bát” đến dự…”.

Hồ Chủ Tịch đã trao bức thư của nhà thơ cho Thiếu tướng Trần Tử Bình đang là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Quân đội, Người nói: “Đây là bức thư của một nhà thơ gửi cho Bác, Bác đã đọc kỹ lá thư và rất đau lòng”, rồi Bác giao cho Thiếu tướng chỉ đạo điều tra làm rõ vụ việc để xử lý.

Công tác thanh tra vụ tiêu cực ở Cục Quân nhu được tiến hành khẩn trương, thu thập đủ tài liệu chứng cứ từ Khu Bốn trở ra, Khu Ba gửi lên – Trần Dụ Châu hiện nguyên hình là một tên gian hùng, trác táng, phản bội lại lòng tin của Đảng, của Bác, quân đội và nhân dân.

Trước sự thật đau lòng này, Bác Hồ dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”.

Trần Dụ Châu đã bị Tòa án binh tối cao phạt án “tử hình”, đồng thời bị tước quân hàm Đại tá theo công lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 02 đồng bọn của Châu, mỗi tên bị phạt án tù 10 năm.

Tử tù Trần Dụ Châu gửi đơn lên Hồ Chủ tịch xin tha tội chết. Ngày làm việc với đồng chí Trần Đăng Ninh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cung cấp, xét lá đơn của tử tù, Bác chỉ cho đồng chí Ninh thấy một cây xoan đang héo lá, úa ngọn và hỏi lý do tại sao cây xoan sắp chết?

– Dạ, thưa Bác vì thân cây đã bị sâu đục một lỗ rất to, chảy hết nhựa…

– Thế theo chú muốn cứu cây ta phải làm gì?

– Dạ, thưa Bác phải bắt, giết hết những con sâu đó đi.

Bác gật đầu, nói “Chú nói đúng, với loài sâu mọt đục khoét nhân dân cũng thế, nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”.

Hồ Chủ tịch đã bác đơn xin tha tội chết của Trần Dụ Châu để khẳng định với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân rằng bất cứ kẻ nào tham ô, hủ bại dù là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội cũng bị xét xử nghiêm minh trước pháp luật.

Muốn phòng chống tham nhũng tốt, muốn lấy lại được niềm tin trong nhân dân thì trước hết  Đảng phải gương mẫu, trong sạch. Đảng đã triển khai và thực hiện có bài bản, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, kiên quyết chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Tất cả những kẻ tham nhũng, tha hóa, tiêu cực trong Đảng phải được xử lý nghiêm minh để làm gương  do vậy mà Đảng đã  chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. Và một điều hết sức quan trọng nữa phải dựa và nhân dân. Không một quốc gia nào muốn tồn tại và phát triển lại không dựa vào nhân dân. Trong công cuộc kháng chiến chông thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng đã dựa vào lòng yêu nước, sự hy sinh cao cả  của nhân dân  để dành được độc lập- tự do cho dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo về đất nước, sức mạnh của nhân dân là sức mạnh to lớn để Đảng tiến hành công cuộc đổi mới. Và trong công cuộc phòng chống tham nhũng đầy khó khăn, gian khổ hiện nay, Đảng luôn dựa vào dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dân biết nhiều việc mà Đảng và Nhà nước không biết, dân có nghìn tai, nghìn mắt, cái kim trong bọc dân cũng biết”. Trong cuộc sống, những ông quan tham nào giàu có bất chính, xây biệt phủ, chiếm giữ nhiều mảnh đất vàng, ăn chơi sa đọa; những tổ chức, cá nhân nào tiêu cực, nhũng nhiễu dân thì quần chúng nhân dân đều biết hết. Họ tố giác với các cơ quan chức năng với báo chí về hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên. Họ bảo vệ, che chở  những cán bộ chân chính, người  tốt, việc tốt.

Ngay cả những người nông dân vốn hiền lành, chất phác, ngày đêm chăm chỉ với  đồng ruộng cũng không đứng ngoài cuộc trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Ở  thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có  hai nông dân là  ông  Nguyễn Tiến Lãng (sinh năm 1938) và ông Nguyễn Công Uẩn (sinh năm 1937  đã dũng cảm gửi đơn tới Bộ LĐ-TB&XH tố cáo hàng trăm đối tượng ở huyện Thuận Thành làm giả giấy tờ xác nhận là người có công để trục lợi. Hai ông bị nhiều đối tượng đe dọa đến tính mạng và người thân trong gia đình nhưng các ông vẫn không chùn bước. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, phát hiện và đình chỉ trợ cấp cho 2.745 đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 150 tỷ đồng, có 24 người bị xử lý hình sự.

Sau đó Bộ Thương binh & Lao động xã hội đã  tổng rà soát 60.000 hồ sơ ở các quân khu, địa bàn thì phát hiện có khoảng 1.800 trường hợp hưởng sai chính sách (chiếm 0,09%). Đây là vấn đề thời gian qua gây nhiều nhức nhối, bất bình trong nhân dân, đặc biệt là những người có công.

Phòng chống tham nhũng là vấn đề sống còn hiện nay của đất nước ta, đó là một chiến đầy gian nan, thử thách và có cả sự hy sinh; cùng với nhân dân, các Nhà văn cũng tham chiến mạnh mẽ, đã có rất nhiều những bài viết, phóng sự, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết về tham nhũng, tiêu cực. Bao kẻ tham nhũng, tiêu cực  đã phải vào tù hoặc run sợ trước ngòi bút của Nhà văn. Bút ký “ Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Nhà văn Phùng Gia Lộc đăng trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đã chả từng gây chấn động dư luận và làm khiếp sợ bao ông quan huyện, quan xã hà hiếp, bóc lột người nông dân đó sao!

VŨ ĐẢM

Theo Vanvn.vn

 

Các tin khác:

1-5 of 81<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter