Chơi quay ngày Tết của đồng bào Mông

THANH CHI

Trong số các trò chơi dân gian trong những dịp tết đến xuân về, trò chơi đánh quay được xem như một món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mông ở các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Năm nào cũng vậy, để có cho mình 1 đến 2 con quay mới, chuẩn bị cho những cuộc thi đấu quay trong những ngày đầu xuân, từ những ngày giáp Tết, thanh niên trong bản lại vào rừng kiếm cây gỗ tốt về để chế tác Tù lu (con quay- chiếc cù). Sau khi lựa chọn được loại gỗ cứng, ông gọt đẽo tròn tỉ mỉ, đầu dưới thu nhỏ dần thành nhọn, đầu trên như quả chanh cắt lát hoặc dạng bán cầu. Nói về cách làm con quay, ông Chư cho biết: “Để làm được con quay tốt thì mình cần kiếm được gỗ cứng, gỗ chuẩn, mài dao thật sắc để đẽo, gọt tỉ mỉ, cân đối con quay, như thế quay mới quay tít, quay lâu. Đồng thời, không bị lệch đường bay khi ném từ xa”. Con quay của người Mông ở Mù Cang Chải thường có đường kính từ 7- 10cm, nặng khoảng 300- 500g. Để con quay quay tít, ngoài độ cứng, chắc của con quay thì dây quay hết sức quan trọng. Dây quay muốn tốt cần có độ chắc và mềm. Đánh quay là trò chơi dành cho nam giới, từ các em nhỏ đến những người trung tuổi. Với hình thức thi quay tít và chọi quay, trò chơi thường được tổ chức vào những dịp lễ, tết hay lễ hội đầu xuân mới.

Trò chơi đánh quay được diễn ra trên nền đất rộng và bằng phẳng, hoặc có thể chơi quay trên tấm gỗ rộng. Ở hình thức thi quay tít, một vòng tròn được vạch trên đất, mọi người đứng dàn hàng ngang ở vạch thi đấu. Những con quay lao vút vào vòng quay, con quay nào quay lâu nhất sẽ là con quay chiến thắng. Còn ở thi chọi quay- một hình thức thi thu hút người chơi, người xem nhiều hơn cả, lượt chơi đầu tiên cả 2 đội xuống quay cùng lúc, bên nào quay được ít hơn thì lượt 2 phải xuống quay trước, bên còn lại phải tìm cách chọi trúng con quay của đối thủ khiến nó ngừng quay mới được tính điểm. Mỗi con quay trên tay của các chàng trai Mông khỏe  mạnh được đánh ra, bổ xuống như trời giáng, làm cho chiếc quay của đối phương bay đi khá xa rồi dừng quay trong giây lát. Chơi đánh quay, ai cũng mong cho con quay của mình quay được lâu, tít hơn các con quay khác. Còn người xem thì chăm chú dõi theo và không ngừng reo hò, cổ vũ, tạo nên không khí náo nhiệt, tươi vui trong ngày đầu xuân.

            Là môn thể thao truyền thống của dân tộc, lâu nay trò chơi đánh quay chỉ là trò chơi giao lưu trong bản và giữa các bản với nhau vào dịp lễ hội. Nhưng mùa xuân năm nay, huyện Mù Cang Chải đã nâng lên thành Giải đánh quay để thanh niên và nhân dân ở các bản làng được cùng về tụ hội, giao lưu với nhau, hướng tới đưa môn đánh quay trở thành môn thể thao thi đấu chuyên nghiệp, từ đó nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát triển trò chơi dân gian đặc sắc thể hiện tinh thần thượng võ của đồng bào Mông, cũng là đẩy mạnh hoạt động du lịch của địa phương. Trò chơi đánh quay lần đầu tiên được đẩy quy mô lên thành giải đấu của cấp huyện đã góp phần tạo sân chơi cho bà con trong dịp tết đến xuân về, cũng là hoạt động thiết thực động viên khích lệ cộng đồng nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.

Trò chơi đánh quay của đồng bào Mông không chỉ thể hiện được sức mạnh, độ khéo léo, chính xác cao, phán đoán tốt và sự điêu luyện của đôi tay người đàn ông, mà còn gửi gắm biết bao ước nguyện, khát vọng trong mùa xuân mới- một mùa xuân ấm no, hạnh phúc, đủ đầy. Đồng thời, thể hiện tình đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, phát huy sức mạnh của mỗi cá nhân và tập thể trong việc xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

                                                                                   T.C

 

 

Chú thích ảnh: Chơi đánh quay là một nét văn hóa thể thao độc đáo của đồng bào Mông Mù Cang Chải mỗi khi Tết đến xuân về.

Các tin khác:

1-5 of 39<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter