Sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của đồng bào các dân tộc huyện Yên Bình

QUANG ANH

 

Yên Bình là vùng đất giàu đẹp, có truyền thống lịch sử và văn hoá lâu đời mang đậm bản sắc vùng sông Chảy, được nhân dân các dân tộc trân trọng giữ gìn và phát huy. Với những đặc trưng, sắc thái riêng trong tập quán, sinh hoạt truyền thống của mình, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã tạo nên một cộng đồng thống nhất; tạo nên một nền văn hóa đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc. Nhắc đến Yên Bình, người ta có thể nhớ tới điệu hát Ái Dung, tới những tập tục độc đáo trong lễ mừng cơm mới, lễ cấp sắc của người Dao quần trắng; nhớ đến Làu Slam cùng những câu hát Sịnh ca của dân tộc Cao Lan; điệu Khắp coọi, hát quan làng, trường ca Khảm hải của người Tày....

Trong số các sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của các dân tộc ở Yên Bình, có thể kể đến Lễ mừng sinh nhật của người Nùng An. Yên Bình có 2 tộc người Nùng chủ yếu là Nùng An và Nùng Phủ. Khác với các dân tộc khác, người Nùng An chỉ thường tổ chức lễ sinh nhật lần đầu khi đã đủ 60 tuổi trở lên. Đồng bào quan niệm, từ tuổi này trở đi là tuổi “lên lão”, đời người bước vào ngưỡng cửa thứ hai của kiếp luân hồi sinh, lão, bệnh, tử. Bởi là lễ sinh nhật đầu tiên nên buổi lễ được tổ chức khá lớn, thường được tiến hành một ngày một đêm. Trong lễ sinh nhật, thầy cúng sẽ làm lễ cúng cầu an cho người được tổ chức mừng sinh nhật và toàn thể gia đình. Là một lễ sinh nhật, song buổi lễ là một sự kiện, một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của một người, bởi vậy luôn được người Nùng xem trọng. Bước vào buổi lễ, không chỉ người được tổ chức sinh nhật mà tất cả các thành viên trong gia đình đều rất háo hức, phấn chấn chờ đợi. Mọi người chuẩn bị cho mình những bộ trang phục đẹp nhất. Chủ nhà mặc áo chàm mới nhuộm, phụ nữ đeo đồ trang sức bằng bạc, nam giới mặc áo chàm cổ tròn may nhiều túi, quần xéo ống rộng. Những bữa cơm thân mật được tổ chức đan xen với các nghi thức cúng, có thể kéo dài từ sáng sớm tới tận đêm khuya. Trong các bữa tiệc, thanh niên vui vẻ hát “Co lau” (hát đối) bên mâm rượu hoặc bên khay trà. “Co lau” là một sinh hoạt văn nghệ dân gian truyền thống của đồng bào Nùng. Những câu hát về tình yêu đôi lứa, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, nhớ về cố hương và những lời chúc mạnh khoẻ làm ăn phát đạt, hạnh phúc, đôi khi còn là những lời tỏ tình sẽ được nam nữ thanh niên hát đối đáp cho đến khi tiệc tàn. Lễ mừng sinh nhật không chỉ là một buổi tiệc mừng, mà còn là dịp giao lưu, gặp gỡ bạn bè, họ hàng và hoạt động văn hoá cộng đồng, mang tính giáo dục nhân văn sâu sắc của đồng bào. Ngày nay, buổi lễ không còn bó hẹp trong cộng đồng người Nùng An mà khách mời còn được mở rộng cả người Kinh, người Tày, người Dao… Riêng người Tày và người Nùng có tục kết “bạn tồng”(tương tự như anh em kết nghĩa của người Kinh), cho nên những người “bạn tồng” khi đến mừng sinh nhật cũng sẽ làm nghĩa vụ đóng góp như con cái trong gia đình. Sau lễ mừng sinh nhật đầu tiên này, khách được mời sẽ nhớ ngày, tháng để chủ động đến dự và chúc mừng mà không cần chủ nhà phải mời lại vào những năm tiếp theo.

 Tục thờ cúng Bàn Vương là một tín ngưỡng dân gian mang tính đặc trưng điển hình của dân tộc Dao nói chung và người Dao ở huyện Yên Bình nói riêng. Bàn Vương là người đứng đầu 12 dòng họ Dao, khoẻ mạnh, trường thọ tới 800 tuổi. Vì vậy, các dòng họ người Dao ở khắp nơi đều coi Bàn Vương là ông Tổ của mình. Tục thờ cúng Bàn Vương ngoài ý nghĩa ghi nhớ công ơn tổ tiên, truyền thống dòng họ, còn có ý thức phương thuật cầu mong phép thiêng tổ tiên che chở để con cháu được bình yên, khoẻ mạnh trong cuộc sống. Trong tục thờ cúng Bàn Vương, dân tộc Dao đã tổ chức Tết nhảy “Nhiàng chầm đao” luyện binh tướng (âm binh), bảo vệ cuộc sống. Lễ cúng Bàn Vương là sinh hoạt gia đình, được tổ chức trong tháng Chạp, trước Tết Nguyên đán. Người Dao tổ chức cúng Bàn Vương theo chu kỳ 3 năm một lần; 2 kỳ tổ chức bình thường và kỳ thứ 3 tổ chức lễ lớn trong 2 ngày 2 đêm. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn. Nó hướng con người luôn nhớ đến nguồn cội, là sợi dây liên kết cộng đồng người Dao trong mối quan hệ dòng họ, làng bản, tạo nên sức mạnh để bảo vệ và xây dựng cuộc sống.

Hát ví (Xịnh ca) là một trong những sinh hoạt văn hóa đặc sắc và giá trị nhất trong kho tàng văn nghệ dân gian của dân tộc Cao Lan ở huyện Yên Bình. Hát Xịnh ca hay còn gọi là hát Xướng cọ đã có từ rất xa xưa, tương truyền do nàng Làu Slam (nàng Lưu Tam) sáng tạo ra. Theo quan niệm của người Cao Lan, những bài hát của nàng Làu Slam được lưu truyền nhiều đời trong dân gian. Về sau có chữ, họ chép lại thành từng tập để hát trong những dịp hội hè, vui xuân. Mỗi tập sách là một đêm hát ví. Người xưa truyền rằng, sách thơ của nàng Làu Slam có thể hát trong 36 ngày đêm không hết. Nàng trở thành vị chúa thơ ca (hay nữ thần, nữ thánh thơ ca) của đồng bào Cao Lan. Mỗi lần vui xuân hát ví, mở đầu hội hát, người Cao Lan lại hát mời hồn chúa thơ ca Làu Slam về nhập cuộc và sau mỗi cuộc hát lại có những câu hát tiễn nàng đi. Trải qua thời gian, Xịnh ca đã gắn bó chặt chẽ với đời sống, được xem như cái hồn của người Cao Lan. Ngôn từ trong Xịnh ca không chỉ là hình thức, là chất liệu nghệ thuật mà còn là tâm huyết và tài năng của đồng bào. Là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, những cuộc hát Xịnh ca được diễn ra ở mọi nơi, mọi dịp vui, hội hè, lễ tết hay lao động thường ngày. Mặc dù ít có nhạc đệm, chủ yếu hát do sự ứng phó với tình huống, hoàn cảnh và đối đáp với bạn hát nhưng Xịnh ca vẫn tuân theo chủ đề nhất định và có rất nhiều chủ đề như hát vào bản, hát chào năm mới, du dương ca, hát chúc phụng, hát mời thần ca hát.... Khi hát cũng có những quy định nghiêm ngặt về trang phục và nghi thức. Ngày nay, để gìn giữ và lưu truyền những làn điệu Xịnh ca, người Cao Lan ở Yên Bình đã có nhiều lớp học Xịnh ca do các nghệ nhân dân gian truyền dạy. Người Cao Lan luôn tự hào và coi Xịnh ca là sản phẩm trí tuệ, văn hóa lâu đời nhất của dân tộc mình, cho nên các thế hệ từ già đến trẻ luôn có ý thức giữ gìn và phát triển sinh hoạt văn hóa độc đáo này.

Hát Pụt Khảm hải (Vượt biển) là một thể loại hát tín ngưỡng của dân tộc Tày, Nùng ở Yên Bình. Người Tày vốn giỏi tính tẩu, phong slư, hát lượn, hát coọi, hát khắp, hát Pụt (còn gọi là hát pựt). Nếu các làn điệu dân ca khác nghiêng về trữ tình, tình yêu, thường hát trong các cuộc mở hội hè, đình đám thì hát Pụt Khảm Hải (Vượt biển) lại như một loại văn tế hát trong dịp cầu phúc, do thầy cúng vừa đọc vừa hát, vừa diễn xướng theo một làn điệu buồn thương da diết của cộng đồng các dân tộc Tày- Nùng. Hát Pụt của người Tày cổ thường được hát trong các dịp “cát sự” kỳ yên, chấn trạch, hát lên nhà mới, cúng vía, cúng đầu năm hoặc khi một người được cấp lên đèn làm thầy cúng… Nghệ nhân hát thường là thầy cúng hoặc người am hiểu về văn hoá truyền thống, có trí nhớ tốt, có thể một mình hát suốt đêm, thậm chí là mấy đêm cho cộng đồng nghe mà không cần giở sách. Trong các buổi lễ, hát Pụt thường được bắt đầu vào khoảng 11, 12 giờ đêm đến 1, 2 giờ sáng hôm sau. Người làm Pụt vừa hát vừa diễn trò Khảm hải (Vượt biển). Khi bắt đầu hát, một cô gái trẻ sẽ giúp nhà chủ đến phục vụ ông (bà) Pụt đi thắp hương, đốt đèn, bầy các mâm bánh, thịt lên bàn thờ. Ở vùng hồ Thác Bà, trong những dịp đầu xuân hay những ngày đẹp trời, người Tày còn trao truyền cho con cháu bằng các “cuộc luyện tập vượt biển” để duy trì hát Pụt Khảm hải, để giáo dục các thế hệ ghi nhớ câu chuyện bi thương đầy nước mắt của các Sa Dạ, Sa Dồng trong hành trình vượt biển; đồng thời phải hết lòng thương yêu nhau, chớ hàm hồ nghi kỵ, chớ đối xử tàn nhẫn với nhau, đẩy nhau vào đường cùng như các Sa Dạ, Sa Dồng. Họ cũng luyện tập cho con cháu ngay từ nhỏ có lòng dũng cảm, gan dạ để sẵn sàng vượt qua bể khổ, vượt qua những khó khăn thử thách của cuộc đời như các Sa Dạ, Sa Dồng khi vượt qua biển ma, biển khổ ở cõi âm. Qua những làn điệu và lời hát buồn thương da diết, nhưng lại cho thấy ý nghĩa giáo dục sâu sắc mà từ trong sâu thẳm lời ca Pụt Khảm hải, người Tày đã khéo léo truyền lại cho các thế hệ sau. Ngoài hát Pụt, người Tày còn có hát Then do những người thuộc các làn điệu Then (bà Then) thực hiện trong các nghi lễ cúng tế như: Đưa hồn người chết về với tổ tiên, cầu an, xin được có con nối dõi tông đường, cấp sắc v.v… với các bài hát Then như: Thống đẳm, Pang khoăn, Cầu hoa, Cấp sắc…

Tục cấp sắc là một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng độc đáo và tiêu biểu đã có từ lâu đời của người Dao. Được cấp sắc là điều bắt buộc đối với nam giới tuổi từ 13 đến 15. Bởi chỉ khi được cấp sắc, người con trai mới được thần thánh công nhận, có thể làm thầy cúng và được cấp âm binh; khi chết hồn mới về đoàn tụ với tổ tiên, có giấy đi đường về cõi âm không bị đầy đoạ ở âm phủ, được công nhận là con cháu Bàn Vương. Được cấp sắc là được thờ cúng tổ tiên, được xã hội coi là người lớn, chưa được cấp sắc chỉ là trẻ con, không thống lĩnh được âm binh của gia đình, chúng sẽ làm loạn nguy hại cho vận mệnh con cháu, dòng họ. Được cấp sắc, làm ăn mới may mắn, thuận lợi, dòng họ phát triển. Gọi là lễ cấp sắc vì trong lễ này, thầy cúng cấp cho người thụ lễ một hay hai đạo sắc. Các đạo sắc đều giống nhau, thường là các tờ giấy bản dán ghép lại khổ khoảng 80cm x 50cm. Đạo sắc được người thụ lễ giữ rất cẩn thận. Trước khi làm lễ, người thụ lễ phải thông qua các thủ tục nhận thầy cúng. Bản đạo sắc có ghi rõ tên tuổi người được cấp sắc, ngày và nơi cấp sắc, do ai cấp cho; được viết thành 2 bản, người được cấp giữ 1 bản, còn 1 bản đọc trước dàn cúng rồi đốt (nộp cho ma). Khi người được cấp sắc chết, đốt làm giấy đi đường sang thế giới bên kia và hỏi đáp 10 điều thề nguyện, điều răn để được công nhận là con cháu của Bàn Vương, của tổ tiên.

Ngoài tục cấp sắc, người Dao quần trắng ở huyện Yên Bình còn có tục cúng “nám moan” (lễ ra mùa)- một trong những nghi lễ quan trọng nhất vào dịp đầu năm mới. Lễ “nám moan” thường được tổ chức vào ngày 2/2 âm lịch hàng năm. Văn tế trong nghi lễ là thỉnh cầu thần linh, thổ địa phù hộ cho mưa thuận gió hòa, con người khoẻ mạnh, làm ăn thuận lợi; thỉnh cầu Tướng quân, một nhân vật huyền thoại giúp nhân dân an hưởng thái bình, hạnh phúc. Lễ cúng được diễn ra trong thời gian ngắn (thường chỉ trong nửa buổi sáng). Sau khi cúng xong, Giáp trưởng (nay là Trưởng thôn, Trưởng bản) cùng mọi người cắm bùa “Pâu” ở đầu giáp (thôn), giữa giáp và cuối giáp, rồi kéo nhau về đình ăn cỗ và cùng bàn bạc công việc mùa vụ mới. Kết thúc buổi lễ, Giáp trưởng lấy thóc trên mâm cúng, chia cho mỗi nhà một nắm mang về trộn với thóc giống của nhà mình để trồng cấy trong mùa vụ mới. Người Dao quần trắng tin rằng, những hạt thóc giống trong lễ cúng sẽ đem lại cho họ mùa màng tươi tốt, cây lúa trĩu bông, không bị thất bát, hạn hán, sâu bệnh..., và họ sẽ có được một năm no ấm, hạnh phúc. Buổi lễ có nội dung ngắn gọn, không có nhiều nghi lễ phức tạp, rườm rà, nhưng ý nghĩa thì giống như lễ cầu mùa của người Tày, người Nùng và nhiều dân tộc khác.

Cùng với người Kinh, đồng bào Cao Lan ở huyện Yên Bình ăn tết cổ truyền “Kên nen” trùng với dịp tết Nguyên đán. Ngoài những lễ thức và phong tục, tập quán chung của văn hoá Việt Nam, tết “Kên nen” của đồng bào Cao Lan còn có nhiều nét riêng biệt, đặc sắc, không pha lẫn với dân tộc khác. “Kên Nen” là tết lớn và quan trọng nhất trong năm của đồng bào Cao Lan. Trước đây, tết thường bắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng năm sau, nhưng ngày nay bà con đã rút ngắn thời gian ăn tết giống như người Kinh và nhiều dân tộc khác. Ngày 30 tết là ngày quan trọng và đặc biệt nhất trong năm nên mọi công việc chuẩn bị như trang hoàng, quét dọn nhà cửa, sắm sửa các mâm cúng, bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị lương thực, thực phẩm phải được thực hiện khẩn trương và hoàn tất. Nhà nhà gói bánh chưng, mổ lợn, dùng giấy đỏ cắt thành hình trang trí dán vào bàn thờ tổ tiên, cổng, cửa nhà, tất cả các vật dụng như cối xay, giã gạo, cây cối lâu năm... Theo quan niệm của đồng bào, giấy đỏ báo hiệu mùa xuân về, tượng trưng cho sự tốt lành sẽ đến trong năm mới, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh và có tác dụng xua đuổi ma quỷ, chim thú, sâu bọ phá hoại cây cối, mùa màng. Bữa cơm tất niên được các gia đình chuẩn bị rất cầu kỳ, tươm tất để dâng cúng tổ tiên và liên hoan quây quần đông đủ cả gia đình. Ngày mùng 1 tết, chủ nhà và con trai lớn đi chúc tết còn phụ nữ ở nhà làm cơm đãi khách. Từ ngày mùng 2, các gia đình tổ chức hát Xịnh ca. Các cuộc hát diễn ra từ nhà này sang nhà khác, từ ngày này sang ngày khác cho đến khi hết tết.

Ngoài các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian trên, đồng bào các dân tộc ở Yên Bình còn có nhiều sinh hoạt văn hóa cộng đồng và lễ hội độc đáo như tết nhảy, tục nhảy lửa của người Dao; hội đình làng, hội khai đèn, hội đám chay, hội Dềnh của người Cao Lan; lễ hội Tỏn phi then, hội cốm của người Tày, hội Lồng tồng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Giáy, Dao... Mỗi lễ hội mang bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc, hội tụ lại thành sắc màu văn hóa đa dạng, phong phú và đặc trưng của cả một vùng sông Chảy.

                                                                                                            Q.A

 

Các tin khác:

1-5 of 40<  1  2  3  4  5  6  7  8  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter