Văn học của người Việt ở hải ngoại: Sợi dây gắn kết với quê hương

Khoảng hơn 20 năm nay, cùng với sự đa dạng của văn học trong nước, những tác phẩm văn học của người Việt sáng tác ở hải ngoại cũng đã góp phần làm nên một diện mạo văn học Việt sau thời kỳ đổi mới.

Những năm gần đây, nhiều tác phẩm văn học của người Việt được dịch, xuất bản ở Việt Nam và được bạn đọc trong nước đón nhận. Điều đó đã chứng minh rằng, văn học chính là sợi dây gắn kết với quê hương của tác giả. Và ở chiều ngược lại, độc giả trong nước cũng sẵn sàng đón nhận những tác phẩm có giá trị của những người con đất Việt xa xứ.

Linda Lê – Như trong ký ức!

Ngày 29.5 vừa qua, Nhã Nam và Viện Pháp đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm “Linda Lê – Như trong ký ức” để tưởng nhớ nữ nhà văn gốc Việt nổi tiếng Linda Lê vừa ra đi đột ngột hôm 9.5 tại Paris. Những dấu ấn về cuộc đời, tác phẩm của nhà văn Linda Lê đã được các diễn giả, độc giả cùng trao đổi.

Linda Lê là một tài năng độc đáo trên văn đàn Pháp, được giới phê bình Pháp đánh giá là “phù thủy trong sáng tạo ngôn từ”. Các tác phẩm của bà có sự giao thoa giữa nhiều chủ đề: lưu vong, nỗi mất mát cô đơn, mối quan hệ trong gia đình và những tổn thương thời thơ ấu đeo đẳng cuộc sống của người trưởng thành.

Bà từng nhận nhiều giải thưởng văn học danh giá như: Giải Vocation (1990), Giải Renaissance de la nouvelle (1993), Giải Fénéon (1997), Giải Wepler (2010). Năm 2019, bà nhận Giải thưởng Prince Pierre de Monaco, ghi nhận sự nghiệp sáng tác tại đất Pháp của bà. Năm 2012, cuốn tiểu thuyết “Sóng ngầm” của Linda Lê được xem là một trong những tác phẩm giá trị nhất của mùa văn học Pháp năm ấy và lọt vào danh sách 4 đề cử chung kết Giải Goncourt – giải thưởng văn chương danh giá bậc nhất của Pháp.

Nhà văn Linda Lê (1963 – 2022).

 

Linda Lê sinh năm 1963 tại Đà Lạt, theo mẹ có quốc tịch Pháp sang Pháp sinh sống, học tập từ năm 1977 trong khi người cha vẫn ở lại Việt Nam. Bà có vài lần hiếm hoi trở về Việt Nam và khá kín tiếng, trong đó có lần trở về khi người cha qua đời vào năm 1995 mà chưa thực hiện được lời hứa đoàn tụ. Có lẽ chính vì nỗi đau mất mát chia lìa này mà hình ảnh về cái chết của người cha đã trở đi trở lại nhiều lần trong những tác phẩm của bà và trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Rời Việt Nam khi đã 14 tuổi – độ tuổi có thể hoàn toàn làm chủ ngôn ngữ tiếng Việt bản xứ của mình, nhưng toàn bộ sự nghiệp sáng tác của bà gồm 25 tác phẩm đã xuất bản (có tài liệu ghi là 27) đều được sáng tác bằng tiếng Pháp và đã được dịch ra một số ngôn ngữ khác của châu Âu.

Điều đáng mừng là, trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, khá nhiều tác phẩm của bà được giới thiệu đến độc giả quê nhà qua các đơn vị xuất bản như Nhã Nam, Tao Đàn, Domino Books… Trong đó, Nhã Nam là đơn vị đi tiên phong khi dịch và xuất bản một số tác phẩm tiêu biểu của bà tại Việt Nam từ khá sớm như: “Lại chơi với lửa” (dịch giả Hồ Thanh Vân, 2009), “Vu khống” (dịch giả Nguyễn Quốc Long, 2010), “Thư chết” (dịch giả Bùi Thu Thủy, 2013) và “Sóng ngầm” (dịch giả Hồ Thanh Vân – Bùi Thu Thủy, 2018).

Tại buổi tọa đàm “Linda Lê – Như trong ký ức”, PGS. TS Ngô Văn Giá – một trong số rất ít người Việt trong nước từng có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn Linda Lê kể lại rằng: dù cuộc gặp gỡ với nhà văn Linda Lê đã từ rất lâu, nhưng ông vẫn không quên được những ấn tượng đặc biệt về bà. “Linda Lê vận đồ màu đen, với mái tóc đen bóng, với đôi mắt mở to như được “chạm khắc” lên gương mặt sáng đài các và bà đặc biệt kiệm lời. Bà đã chọn tiếng Pháp để thể hiện trọn vẹn những tác phẩm của mình như một cách tiếp cận với công chúng Pháp và châu Âu và đi vào văn chương thế giới. Trong các tiểu thuyết của bà luôn đẩy nhân vật vào các tình huống giằng xé nội tâm, căng thẳng về cả tinh thần và thể xác, áp dụng sự truy sát ngôn từ đạt đến mức độ mạo hiểm, quyết liệt. Chính vì thế, Linda Lê và văn chương của bà vẫn còn là điều gì đó khá bí ẩn đối với đa số chúng ta!”.

Trong bài trả lời phỏng vấn rất hiếm hoi mà bà đã thực hiện với nhà văn Vũ Hồi Nguyên (năm 2010), bà đã nói: “Tôi đã hy sinh khá nhiều thứ cho văn chương, và điều ấy đã đưa đến những lạc hướng. Tôi trở lại được qua việc viết văn. Đối với tôi viết và sống là đồng hành. Tôi không nghĩ thế là không biết điều, ngược lại tôi có cảm tưởng cần thiết phải yêu điều mình làm với nỗi đam mê của tuổi trẻ, và tự cho mình cuốn hút vào những cơn lốc nội tâm…”.

Quả thật, nhà văn Linda Lê cho đến khi qua đời vẫn là một ẩn số đối với độc giả Việt Nam. Người ta nói rằng, văn chương của bà không phù hợp với những nơi được ca tụng và bà thường xuyên lảng tránh truyền thông. Giờ thì, người ta chẳng còn cách nào để tiếp cận và hiểu được Linda Lê nữa, ngoài việc tìm đọc các tác phẩm của bà.

Dòng văn học của người Việt ở hải ngoại

Dòng văn học của người Việt ở hải ngoại hay còn có khái niệm gọi là “văn học di dân” với cuộc dịch chuyển ra ngoài biên giới của người Việt đa số sau 1975 đã dần hình thành nên một đội ngũ người sáng tác “hoài hương”. Nhiều tác giả vẫn sáng tác bằng tiếng Việt, trong đó có một số tác giả đã chuyển sang viết bằng tiếng Anh hay một ngoại ngữ khác và đã xuất hiện thế hệ người Việt ở nước ngoài sáng tác hoàn toàn bằng tiếng Pháp như Linda Lê hay viết hoàn toàn bằng tiếng Anh như trường hợp của Ocean Vương. Họ đã giành được những thành công nhất định, ghi dấu ấn tên tuổi của mình trong lĩnh vực sáng tác ở đất nước sở tại mà họ sinh sống.

Poster buổi tọa đàm “Linda Lê – Như trong ký ức” diễn ra tại Hà Nội ngày 29-5 do Nhã Nam và Viện Pháp tổ chức.

Chắc hẳn nhiều độc giả Việt đã quen với các tác phẩm của nhà văn Thuận (sinh sống tại Pháp) với những tác phẩm được phát hành cả ở Pháp lẫn Việt Nam như “Chinatown”, “Paris 11 tháng 8”, “T mất tích”, “Vân Vy”, “Thang máy Sài Gòn”, “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư”… Trong đó, tác phẩm “Paris 11 tháng 8” từng được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2005).

Cho đến nay, mới chỉ có 2 nhà văn hải ngoại được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam đó chính là Thuận và nhà văn Đoàn Minh Phượng với tác phẩm “Và khi tro bụi” (Giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2007 ở hạng mục văn xuôi) như một sự ghi nhận những đóng góp của nhà văn người Việt xa xứ. Nhà văn Đoàn Minh Phượng còn có những tác phẩm khác được chú ý như “Tội lỗi hồn nhiên”, “Đốt cỏ ngày đồng”, “Tiếng Kiều đồng vọng”…

Một tác giả người Việt ở hải ngoại khác cũng chiếm được cảm tình của nhiều độc giả trong nước cũng như người Việt ở nước ngoài, đó là nhà văn Kiệt Tấn với các tác phẩm tiêu biểu như “Thương nàng bấy nhiêu”, “Lớp lớp phù sa”, “Đi trong thành phố có nắng”, “Nghe mưa”… Tác phẩm của Kiệt Tấn khắc sâu nỗi nhớ thương quê nhà đồng thời như những bài tụng ca vẻ đẹp của người phụ nữ đã chiếm được cảm tình của nhiều bạn đọc.

Thời gian qua, có một cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Việt gây được sự chú ý với quốc tế, đó chính là cuốn “The Mountains Sing” của Nguyễn Phan Quế Mai. Được tác giả viết bằng tiếng Anh và xuất hiện lần đầu tại Mỹ vào tháng 3.2020, đến nay đã được dịch ra 12 ngôn ngữ khác nhau như tiếng Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italy, Thụy Điển, Croatia… và đã được trao những giải thưởng uy tín.

Hiện tại, độc giả Việt đang tò mò mong tác phẩm “The Mountains Sing” với phiên bản tiếng Việt của Nguyễn Phan Quế Mai sẽ sớm được xuất bản tại Việt Nam. Nhà thơ cũng tiết lộ rằng, chị đang tiếp tục sáng tác một tiểu thuyết bằng tiếng Anh nữa và năm 2023 tới đây, tiểu thuyết “Dust Child” (Bụi đời) của chị sẽ tiếp tục được NXB Algonquin Books ấn hành.

Có thể nhận thấy một điều khá chắc chắn rằng, viết văn là một cách tích cực để các tác giả, những người con đất Việt xa xứ kết nối với quê hương của họ. Những đóng góp của các tác giả ở hải ngoại rõ ràng đã làm cho “thực đơn đọc” của độc giả trong nước trở nên phong phú, đa dạng và nhiều màu sắc hơn. Nó cũng đồng thời thể hiện sự “cởi mở” của đời sống văn chương trong nước, sự trân trọng đối với sáng tác của người Việt ở nước ngoài và cao cả nhất đó là tư tưởng “văn chương không có biên giới và xóa nhòa mọi khoảng cách địa lý!”.

NGUYỆT HÀ/VNCA

 

 

Các tin khác:

1-5 of 90<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter