Giới thiệu truyện ngắn đoạt giải Nhất của Nguyễn Hải Yến

Nguyễn Hải Yến. Sinh 1973. Quê quán: Hải Dương. Hiện là GV trường THCS Thị Trấn Gia Lộc- Hải Dương, Viết văn từ 2016.Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam 2019 với tập truyện ngắn "Quán Thủy Thần". Giải nhất cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Nhà văn và Tác phẩm với chùm hai truyện ngắn: "Hoa gạo đáy hồ" và "Cửa sông thiên đường".

 

Tác giả: Nguyễn Hải Yến

 

 

              Hoa Gạo đáy hồ

(Truyện ngắn đoạt giải nhất của Nguyễn Hải Yến)

Tôi trở mình quờ tay sang bên…

Lạnh ngắt…

Không thấy người…

Nhưng đám lá chuối dưới mặt chiếu vẫn đang bồng bềnh. Mùi lá khô vẫn quẩn quanh, man mát mùi nắng lẫn trong mùi heo may dìu dịu sót lại từ cuối mùa thu. Đêm ngoài kia vẫn chùng như võng nhưng bây giờ còn trĩu hẳn xuống vì gió. Có những viền ẩm và nồng, mảnh như hương đất sau vụ cấy lọt qua khe hở, đậu vào bậu cửa sổ khung tre. Hình như có tiếng dế bắt đầu riu riu dưới chân tường, trong đám lá dong ta. Con dế đang vỡ tiếng, vừa gáy vừa gại càng vào đầu cuống lá, thả chuỗi âm thanh vang nhẹ dần xuống góc vườn.

Đã qua bên này đêm. Sương rơi từ vồng hoa bưởi lẫn trong tiếng dế xuống mặt lá chưa mau và đằm tiếng nhưng mùi hương đất đã bắt đầu nồng. Mùi hương ngái và cay lẫn trong âm âm tán cây vườn nửa đêm về sáng hay sau mỗi cơn mưa, lâu lắm rồi mới thấy. Thế rồi tiếng dế im. Nối vào đó là tiếng bước chân vừa chạm xuống thềm. Có tiếng sóng lóc bóc đâu đó vỗ vào bờ nghiêng vạt sỏi. Hình như có cả tiếng chuông chùa quẩn trong tiếng sóng, đập vô hồi vào bờ rồi loang ngược ra xa…

“Sao em không ngủ nữa. Dậy làm gì?”.

Tôi giật mình nhìn sâu vào bóng tối. Hóa ra trong căn buồng nhỏ không phải chỉ còn một mình tôi. Chị Mai đang ngồi bó gối cuối giường, hướng mông lung về phía cửa.

“Em tưởng chị đi rồi?”. “Lẽ ra là thế. Nhưng hồi khuya chị nghe sóng nổi.”. “Cạnh hồ lớn. Tiếng sóng có gì lạ?” . “Không phải ! Sóng cuộn từ đáy hồ lên, từng đợt, nghe nặng và trầm chứ không mảnh như sóng trên mặt nước. Em thấy không?”. “Em chỉ biết là có sóng. Nhưng hình như có cả tiếng chuông chùa. Mà quanh đây làm gì có người ở. Đi suốt cả sáng qua chỉ thấy quán nhà mình.”. “Có em ạ ! Có làng mạc. Cả một ngôi chùa với hai cây gạo đôi trước cổng. Đêm qua nở hoa rồi đấy.” “Sao chị biết?”.  “Chị nghe tiếng chuông. Mỗi năm một lần, cứ đêm nào chuông báo, sóng sẽ lên từ đáy hồ, sáng ra là hoa gạo trôi về, tụ lại ngay đầu bến dưới kia…”. “Thế ngôi chùa và cây gạo ở đâu?”. “Ở làng chị… Đảo giữa hồ…”.

                                                ***

Hình như lúc ấy tôi định hỏi chị Mai điều gì đó nhưng chị ra dấu im lặng, ý bảo tôi lắng nghe. Ngoài kia, tiếng chuông vẫn buông từng giọt trầm nhưng trong, xen giữa tiếng rì rầm. “Hình như mưa chị ạ!”. “Từ nửa đêm cơ. Giờ tạnh rồi. Mưa ấm… Cây gạo đôi làng chị chỉ vài hôm thế này là bung tròn như lửa. Chị nhớ hội làng… Bọn thanh niên rước kiệu bay từ Đền Ông ra bến sông, qua chùa, bao giờ cũng dừng lại quay tròn quanh gốc gạo. Những lúc ấy hoa rơi ngập đất…”. “Thế bao giờ vào hội?”. “Sắp rồi! Nay mai thôi… Chị muốn về ngày chính hội để xem rước kiệu… Muốn lắm… Nhưng lâu rồi...”. “Sao thế chị? Làng trên đảo, giữa lòng hồ, có xa lắm đâu…”. “Làng vẫn chốn cũ nhưng lối vào thì mới. Người làng đi tứ xứ, năm nào mùa lễ hội cũng có ai đó phiêu dạt, lâu lắm mới tìm được đường về. Mấy chục năm sao rời vật đổi, lối xưa chỉ còn đến đây. Muốn vào đảo, phải lên thuyền, phải có người dẫn nếu không cứ quẩn quanh, lạc ngay giữa quê mình. Chị nghĩ thế… Rồi nấn ná...  Đến lúc vãn người, về được thì hội tàn. Với lại… nói thật… chị cũng muốn chờ người…”. “Chờ ai cơ?”. “Người yêu chị. Anh ấy không phải người làng nên càng không biết lối. Ngày chia tay chỉ hẹn mùa hoa…”.

Chị Mai bước xuống giường, lần tìm gì đó trên mặt chiếc bàn con. Ánh lửa diêm xòe lên trong mùi diêm thơm hắc. Ngọn đèn dầu buông quầng sáng vàng mờ soi bóng người lặng yên như bóng sáp. Có tiếng sột soạt nhẹ và khô. Rồi mùi thơm mát lạnh như sương nương theo một làn hương mỏng, dịu mà đằm chạm khẽ vào đêm. 

Mùi xuân trà ướp hương hoa bưởi…

“Mình uống trà em nhé!”.

Chị Mai ngẩng đầu lên nhìn tôi, ánh mắt lấp lánh buồn. Cánh cửa lách mở ra. Bên ngoài là quán. Lửa bắt đầu nhen. Chúng tôi ngồi đối diện với nhau bên chiếc bàn nhỏ, mặt bàn ghép bằng những thanh cật tre mướt rượt. Nắm củi khô chẻ mỏng ngún nhanh trong lò đất đặt trên cái bục gỗ cạnh bàn. Mùi khói thông thơm nồng theo tia lửa tỏa ra bốn phía. Với tay lấy cái rọ đan bằng dây chuối treo trên cột, chị cẩn trọng giở từng lớp lá khô, những ngón tay trắng mờ nhúm chút trà thả vào lòng chiếc ấm nhỏ, màu men đất tím thẫm ngả sang ánh tối có điểm một vệt trắng mờ cong như cánh hoa phía trên thân, sau khi đã tỉ mẩn tráng nước sôi cả trong lẫn ngoài…

Mấy hôm trước, ở một thành phố cách nơi này gần hai trăm cây số, tôi cũng tự tay pha trà hương bưởi trong chiếc ấm đất hệt như thế, mời một người đàn ông chưa từng xuất hiện ở quán bao giờ…

                                                ***

Sáng ấy mùa xuân nhưng lại có mưa rào. Cái mưa trái mùa sầm sập trên mái ngói ngôi nhà cổ sâu trong ngõ cách đê La Thành một đoạn cứ ào đến từng đợt, rồi lại nhẩn nha đi, gieo vào không gian trầm mặc những giọt buồn tê dại. Khách vắng. Cô bé nhân viên mặc chiếc váy suông đỏ, ngồi khuất sau quầy gỗ có đặt mấy chậu cây nhỏ lá xanh buông đôi chùm hoa li ti trắng lặng lẽ chỉnh thêm chút âm thanh đủ để bớt tiếng mưa đôi lúc lại vang dồn như rắc vụn sỏi cuội trên mái hiên: “Mưa vẫn mưa bay trên hàng lá nhỏ. Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua…”. Ngoài kia, sát khung cửa sổ, hàng dạ yến thảo vẫn nở hoa tím ướt lối vào.

Rồi bất chợt, chỗ bậc cầu thang gỗ giáp khóm tre cành xòa xuống ngang tầm tay với có tiếng bước chân. Một người đàn ông xuất hiện từ đâu đó, không phải giữa cơn mưa vì không thấy có bụi mưa trên tóc. “Chào cô! Tôi đi ngang qua nhà cũ. Xin phép ghé vào thăm.”. “Đây là nhà anh?”. “Đã từng cô ạ! Nhưng qua tay chủ khác lâu rồi…”.  Người đàn ông đưa những ngón tay gầy mê mẩn lướt trên thành lan can gỗ. “Ngày ấy tôi đi trời cũng sập sùi. Mấy chục năm mới quay về lại gặp ngày mưa. Mọi thứ vẫn nguyên như ngày xưa. Bụi tre, sàn gỗ, cửa ngõng bức bàn…Không ngờ cô ạ!”. “Em cũng thế! Không nghĩ giữa thành phố còn sót lại ngôi nhà cổ thế này. Chủ nhân giấu mặt chỉ đồng ý cho thuê khi biết em dùng nơi này làm quán Trà Ta. Với điều kiện phải giữ gìn nguyên trạng. Tất cả như cũ đấy anh…”.

          Người đàn ông lặng im lướt những ngón tay lên từng vân gỗ.

          Mưa vẫn lang thang từng đợt trước hiên nhà.

          Rất lâu sau anh mới quay trở lại, ngồi xuống bên chiếc bàn đối ẩm.

          “Em mời anh thưởng trà. Em có trà nhài. Mẻ đầu mùa đấy ạ!”. “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Ông nội và bố tôi là người mê trà, đặc biệt là trà bưởi. Tôi cũng thế. Cô có không?”. “Có ạ! Trà này em ướp suốt mùa xuân…”.

          Tôi đứng dậy đi về phía cuối hành lang. Cạnh khung cửa sổ song tiện có một cái tủ tường luôn khóa kín: “Trà hương bưởi phải được pha trong chiếc ấm này!”.

          Người đàn ông nhìn hút mắt vào chiếc hộp gỗ, những ngón tay run run chạm khẽ vào chiếc ấm đất, màu men tím thẫm ngả sang ánh tối rồi dừng lại ở vệt trắng mờ cong cong như cánh hoa khô.

“Làm sao cô có bộ ấm này?”

          “Chủ nhân ngôi nhà tặng em anh ạ. Nó chỉ dùng pha duy nhất một loại trà.”. “Đây là chiếc ấm đất Tử Sa nhưng pha thêm chút tro hoa bưởi. Có hai cái giống hệt nhau. Khi nung xong cả hai đều xuất hiện vệt trắng hình cánh bưởi ở chỗ này…”. “Sao anh biết?”. “Chuyện dài lắm… Vài câu không nói hết…”…

          … Tôi lên đường ngay sau buổi sáng mưa rào mùa xuân ấy. Đi tìm loại trà chỉ riêng có ở vùng lòng hồ. Trà xuân núi Ngọc ướp hương bưởi rừng thung Mây – cái trà theo lời người khách kể không chỉ thơm mùi hoa mà còn tròn nguyên vị sương của núi, nó chát đằm mà mượt như lụa, vừa nồng nàn hối hả như thời gian hữu hạn lại êm và ngọt, lửng lơ lững thững như khí xuân chưa muốn giao mùa…

Nếu muốn thực sự có Trà Việt tôi phải đi tìm người ấy…

                                                ***

Chị Mai nâng chén trên hai tay.

 “Mời em!”.

Trong bập bùng ánh lửa, tôi vẫn nhìn thấy màu trà xanh mát hơi ngả sang vàng, trong veo như hồ xuân mà lòng chén là đáy hồ còn đọng nguyên một cánh hoa trôi về nghỉ trong đáy nước. Mùi cỏ non thơm ngọt ngấm qua thành gốm vương trên những ngón tay.

“Xa xôi thế này sao em tìm được chị?” – tiếng chị Mai hỏi tôi qua làn khỏi mờ…

… Tôi đến ngã ba Cát Len vào lúc sẫm mặt người. Mưa lạnh. Dãy lều quán đóng cửa sớm chỉ còn duy nhất hàng tạp hóa dưới chân gốc đa sáng ánh đèn. Ngoài cô chủ đang thu dọn đồ, trong quán còn có một bà cụ già khoác trên vai cái bị cói căng phồng đang lúi húi lựa tìm gì đó. Nghe tôi hỏi, chủ quán dừng tay, chăm chú nhìn: “Em vào Thác Bà thăm đền Mẫu? Còn xa lắm. Không đi ngay được đâu.”. “Em hỏi đường vào núi Ngọc, thung Mây.”. “Thế em nhầm rồi. Cả vùng này không nơi nào có tên như thế!”. “Có chị ạ! Nhưng người ta bảo phải vào sâu trong lòng hồ…”. “Chị là người ở đây. Chẳng có chỗ nào ở vùng hồ này mà không biết. Không có đâu. Giờ tối rồi, em quay về phố tìm chỗ nghỉ, hỏi lại người ta xem. Không có tìm sao được… Mênh mông thế kia…”. Người phụ nữ vừa nói vừa hướng về phía trước. Rừng núi vào đêm đen sẫm mắt người.

Có tiếng động phía sau. Cụ bà đặt chai dầu hỏa, cái bóng đèn thủy tinh và mấy gói thuốc lá, thuốc lào lên mặt bàn rồi quay sang tôi: “Cô ở đâu đến mà hỏi Thung Mây, Núi Ngọc?”. “Con ở xa lắm. Bà có biết không bà?”. “Có biết! Tận  sâu trong kia.”. “Sao con ở đây mà không biết nhỉ? – cô chủ quán ngạc nhiên – Xa lắm hả bà?”. “Không xa nhưng khuất nẻo, không thuận đường. Từ ngày có khu du lịch ngoài kia không mấy người vào đấy nữa. Người trẻ không biết được đâu. Ở chỗ ấy không có gì vui cả, cô hỏi vào làm gì?”. “Con tìm người bà ạ!”. “Rừng xa núi vắng, ai ở đó mà tìm?”. “Con nghe kể về một cô gái chuyên ướp trà hoa rừng…”. “À! Trà Trầm tím. Trà Quế Hương. Đặc biệt là Trà xuân hương bưởi?”. “Đúng ạ! Sao bà biết?”. “Tôi quen cô ấy. Nhưng giờ tối rồi, không đi được đâu. Nếu muốn gặp thì về nhà tôi nghỉ tạm. Mai tôi dẫn…”.

Cô chủ quán nâng gói hàng trên hai tay đưa cho bà lão: “Con biếu bà. Chẳng đáng bao tiền. Lần sau bà đừng cho quà con nữa. Đường xa xách nặng tội lắm. Nhà con cũng ngóng bà suốt. Sợ lâu ngày nhỡ có chuyện gì.”. “Cứ yên tâm. Ta khỏe. Chỉ là không có việc gì thì không ra phố thôi. Hôm nay lấn quấn rồi mới đi nên hơi tối. Nhưng vì thế mới gặp cô em đây…”. “Thế mai bà đưa em ấy vào núi nhé! Có bà thì yên tâm rồi!”.

Tôi chào chủ quán rồi khoác ba lô theo bà lão đi về phía con đường mòn hun hút mỗi lúc một mịt mờ sương. Bàn tay với những ngón gầy nhăn nheo, ẩm lạnh hơi rừng chìa ra cho tôi nắm: “ Cô không quen đường, tối và trơn, cẩn thận kẻo ngã! Kéo thấp mũ xuống kẻo ướt mưa…”. “ Bà đưa con mang đồ giúp!”. “Có gì đâu. Nhẹ lắm. Cô đừng lo. Cố theo sát tôi nhé! Đi nhanh, về sớm nghỉ sớm. Mai còn xa…”.

Căn nhà nhỏ nằm ở bìa rừng chìm trong bóng tối. Không có ánh lửa. Không tiếng người. Cửa vẫn mở. Hai bên lối vào hai hàng cúc vạn thọ vẫn đang trổ hoa vì tôi ngửi thấy mùi hương hăng hắc thơm ngay dưới chân mình. Bếp nhóm lên, hơi ấm dâng đầy trong mùi khói. Bà lão đưa mấy bắp ngô cho tôi nướng rồi ngả cái sàng vẫn dựng bên vách liếp, thận trọng giở từng món đồ trong bị cói ra hong. Mấy bộ đồ bộ đội, thuốc lá, chiếc bật lửa và vài gói kẹo dồi.

          “Bà mua cho ai mà nhiều thế?”. “Cho ông nhà tôi đấy! Vài hôm nữa hội làng, tôi về quê. Ông ấy cũng thế!”. “Ông bà không ở cùng nhau?”. “Chúng tôi là vợ chồng Ngâu. Nhưng không gặp nhau ngày thất tịch mà gặp trong hội làng. Mấy mươi năm rồi đều thế. Con cái không có lại xa xôi cách rách sông đò, mỗi năm chỉ thấy nhau một lần nhưng thương nhau lắm cô ơi!”. “Sao ông bà không về cùng mà nương tựa. Xế chiều rồi còn được bao lâu nữa đâu…”. “Không phải cứ muốn là được cô ạ! Chuyện đời dài…”…

                                                ***

          “Đúng thế! Chuyện đời cứ không phải muốn là được.”.

          Chị Mai nhìn tôi ấp chén trà trong lòng tay, hỏi thêm: “Em thấy vị thế nào?”.

“Tròn đằm chị ạ! Được cả vị chát thanh, mát mà ngọt sâu. Cả nước xanh ánh vàng. Và nhất là nguyên hương hoa tươi. Em không làm được như thế. Trà của em chỉ có mùi hương khô.”. “Công phu lắm!  Hương bưởi chỉ hợp với trà xuân. Chị phải chờ mưa vài đợt cho sạch khí trời rồi đi từ chập tối. Lên tới đỉnh Ngọc tầm 2 giờ sáng, đấy là lúc nhựa lên ngập búp và lá ngậm đầy sương. Nhớ kéo búp tôm về phía mình mới ngắt, thả vào túi đeo trước ngực để trà ủ hơi người. Nhớ nhanh tay vì khi mặt trời mọc là cây xuống nhựa. Mà chỉ được hái ở sườn núi phía đông đẫm mặt trời lành, hái trong những ngày khô. Nhiều hôm đi thâu đêm, lên đến núi, gặp mưa là về tay không em ạ.”. “Thế nên hôm nay chị không vào núi?”. “Mưa qua đêm rồi ráo,  hoa bưởi sẽ nở nhiều. Quà của đất trời còn đợt này là vãn. Chị vào Thung Mây lấy hoa, mình ướp nốt mẻ trà sương. Không cần sớm lắm vì bình minh lên hoa mới mở cánh, mới ngậm sương và ngậm cả hương.”. “Em theo với!”. “Đường đi khó. Mùa này trơn. Không quen nguy hiểm. Chị đi nhanh về nhanh. Trà bưởi phải ướp lưng lửng sáng chứ đến trưa hương tan vào nắng mất rồi. Từ hôm nay người làng bắt đầu về, quán phải có người để đón. Cứ làm như chị dặn. Ai hỏi đường thì bảo chờ, sẽ có người dẫn tận nơi.”.

Chị Mai nhấp nốt chút trà trong lòng chén rồi khoác chiếc túi vài, nhấc cái dõng gỗ, mở cửa bước vào sương. Bóng người khuất nhanh chỉ còn tiếng vọng: “Nhớ chuẩn bị nước. Người về là có trà…”. Tôi quay vào chất củi thêm vào bếp, ngả cái mặt chõng tre, bày ít chén gốm,  chục bánh chuối rồi ngồi xuống vơ nắm dây chị Mai se sẵn tập đan rọ đựng trà. Chị bảo ở đây không có hộp, không túi nilong, trà cứ ướp đủ hương, bọc kĩ trong lá chuối khô, để vào rọ cũng đan bằng dây chuối, treo lên cột quán thì đến mấy tháng sau vẫn tròn vị, chả mốc bao giờ. Em bảo quán trà mở trong rừng thì bán cho ai hả? Cứ ở lại đây vài hôm thì biết… Toàn khách quen. Mà lại sành trà.

Có tiếng rì rầm ngoài cửa. Tốp khách đầu tiên bước vào, toàn là đàn ông, áo quần vương đầy sương lạnh. Nghe tôi chào, tất cả sững lại, nhìn chăm chú: “Cô ở đâu mà lại đến chỗ này?”.  Rồi rất tự nhiên, chẳng đợi  mời, họ ngồi xuống quanh mặt chõng: “Cô Mai của chúng tôi đâu?”…

Lửa trong lò bùng lên rừng rực. Nước bắt đầu sôi. Những người đàn ông lặng yên chờ đợi. Bọc lá chuối khô mở ra. Tôi chạm nhẹ những đầu ngón tay vào hương trà mát lạnh. Người đàn ông lớn tuổi nhất đón lấy siêu nước: “Cô cứ để chúng tôi tự hãm. Chúng tôi chỉ cần tay con gái chạm vào cho tròn vị trà xuân. Cô biết không, làng tôi toàn dân phiêu bạt. Mỗi năm chỉ mong lễ hội, về quê được uống trà hương bưởi một lần. Quán cô Mai neo ở đây là vì thế.”. “Vâng! Nhưng chị ấy bảo cũng còn để chờ người…”. “Kể cũng tội… Cứ hẹn hò… Mà năm nay cô đã ở đây rồi thì có về xem hội với chúng tôi không? Về đi cô! Về một lần cho biết. Về xem chúng tôi rước kiệu dọc bờ sông. Xem cây gạo đôi chỉ nở hoa sau tiếng chuông chùa khai hội. Xem hoa gạo chỉ rơi khi kiệu bay quay vòng quanh gốc. Những cái ấy chỉ làng tôi mới có… Những ngày này tất cả thức thâu đêm…”.

Những người khách áo quần đẫm sương, ghé quán thưởng trà buổi sáng mùa xuân ấy, cùng nâng chén trên tay, nhìn tôi chờ đợi: “Về với chúng tôi đi cô!”.

                                                ***

Người dẫn đường đưa tôi vào đảo để rong chơi lễ hội, không ai khác, lại chính là cụ bà hôm trước. Vẫn cái bị cói căng phồng trên vai, bà lúi húi giữ thuyền cho tôi xuống: “Em cẩn thận. Không phải dân sông nước. Ngã thì khổ!”.

Con thuyền nan quét sơn ta có mái vòm lợp cọ, phía trên ghim một tấm phên bằng cật tre. “Hồ lớn,  phải làm thế để phòng gió cả. Hôm nay trời đẹp quá! Em ngồi lên mũi thuyền mà nhìn cho thỏa. Đường vào làng tôi đẹp hơn cả cõi tiên!”.

Nắng bắt đầu lên. Nắng cuối xuân trong veo ngợp trong sắc xanh màu lá. Phía dưới kia là cả một nền trời ngọc bích lặng yên. Thuyền theo gió xuôi một đoạn, muôn nghìn đảo nấm hiện ra, rời rợi màu lá tràm in đáy nước. “Mùa này hồ cạn còn dễ tìm lối vào. Chứ nước lên, đảo chìm xuống, đi quen còn dễ lạc…”. “Sao làng mình không ra ngoài kia hả bà? Tiện mọi bề.”. “Thì cũng đi gần hết. Nhưng muôn đời gốc gác vẫn nằm đây. Đi đâu rồi cũng phải tìm về… Như tôi với ông nhà tôi ấy. Tôi kể em nghe. Ngày gặp ông ấy tôi mười tám tuổi. Mồ côi, đi ở cho người ta từ nhỏ, từng ấy tuổi mà vẫn chưa dậy thì, đầu cạo trọc, thô lố hai con mắt. Ông nhà tôi người bên Chẫu, sang bên này gặt thuê. Cùng cảnh nghèo, trông thấy nhau là thương. Mà mới chỉ hứa hẹn nên vợ nên chồng chứ đã được ở với nhau một ngày nào cho trọn nghĩa. Tôi vẫn theo thuyền chủ mang đồ rừng về xuôi. Ông ấy vẫn lang thang hết đồng Quân rồi sang Hợp Hòa, Phố Cát cày thuê cuốc mướn. Mỗi người một ngả, thi thoảng mới bắn được cái tin, nhờ anh em bạn bè hỏi xem có khỏe. Cũng định bụng dành dụm cố, cuối năm sắm sửa bộ quần áo rồi dẫn nhau về ra mắt họ hàng…”.

Bà cụ ngừng tay chèo nhìn đăm đăm xuống lòng hồ trong vắt. Hình như dưới đáy đang có sóng. Nước trên mặt hồ tĩnh như gương nhưng con thuyền thì bắt đầu chao như võng.

“Em cứ ngồi yên. Sóng này đánh dấu đường vào đảo. Mênh mông sông hồ, không phải ai cũng biết lối. Ở đây rành nhất chỉ còn tôi với cô Mai.”. “Chị cũng bảo con như thế. Ai lâu ngày mới về phải có người đưa.”. “Chỉ rộn rịp mấy hôm. Rồi hội tan. Lại bốn phương tứ tán. Chỉ còn nước với trời. Tôi ở phía ngoài kia, ai không biết đường thì dẫn. Cô Mai trong này chè nước đón đưa. Không rứt ra mà đi đâu được em ạ.”.

“Thế sao ông không về ở với bà?”.

Bà cụ cười hiền. Đôi tròng mắt phủ sương mờ ánh lên lấp lánh. Đã thương nhau ngàn dặm vẫn là thương. Chúng tôi xa nhau từ mùa xuân năm 1953. Sau tết, hàng bán chậm nên chuyến ấy dễ đến nửa tháng tôi mới được theo thuyền về. Trời tối lắm mà vẫn thấy nhà tôi chờ đầu bến với đôi quang thúng và cái tay nải khoác bên mình, vội vã xin phép chủ thuyền rồi giục nhà đi với tôi. Gánh nặng thế mà cứ cun cút phía trước, tôi phải chạy theo mãi đến tận cổng chùa mới kịp. Ông ấy cẩn thận đặt đôi thúng dưới mái tam quan cho khỏi sương, rồi trải tấm áo tơi bảo tôi ngồi xuống. Tôi thấy lạ lắm, gặng mãi mới nói nhà ở lại nhá, đêm nay tôi lên đường. Tôi đi đánh thằng Tây cho hết nghèo, cho nhà đỡ khổ. Rồi mở cái vỉ buồm trên mặt thúng bảo, tôi đi gặt, họ trả công bằng thóc, dồn lại được chỗ này để dành, cuối năm mình lo việc. Tôi sắm cho nhà cả bộ quần áo. Nhà cất đi, cuối năm vận cho nó đàng hoàng. Mà đừng khóc… Tôi đi, cuối năm hết giặc tôi về, dựng cái nhà, rồi mình ở. Có con, cứ đặt tên là Gạo, là Thóc, là Khoai để đời chúng nó không còn phải đói…

Đêm hôm ấy mưa phùn, lạnh lắm nhưng hoa gạo rụng nhiều cô ạ. Mái tam quan hắt ướt hết. Nhà tôi lấy áo tơi che đôi thúng thóc rồi ngồi bên ngoài chắn bớt hơi mưa. Mà rõ tội, chỉ có mỗi cái quần cộc với manh áo đụp, da thịt tím bầm. Ông ấy còn bảo nhà vẫn ước ao bao giờ có tiền, được đi chợ Ngà mua gói kẹo dồi về ăn cho thỏa. Tôi cũng chưa đi bao giờ nhưng gửi người mua cho nhà gói kẹo này, nhà cất đi ăn dần. Bao giờ về tôi đưa nhà đi hẳn một buổi chơi cho biết… Chúng tôi chỉ ngồi với nhau được một lúc rồi nhà tôi theo anh em xuống bến. Tôi cởi cái khăn trùm đầu quàng vào cổ ông ấy, bảo nhà đi mạnh giỏi, ngày chiến thắng tôi chờ ở bến sông này… Thế mà đi chuyến ấy đến tận khi hòa bình lập lại vẫn bặt tin. Tôi tìm hết Yên Bái sang cả Lào Cai – cứ nơi nào là căn cứ địa của Liên khu Việt Bắc là tìm. Người làng bảo ông ấy hi sinh. Đồng đất mênh mông, rừng sâu núi thẳm bao nhiêu người nằm lại như thế chứ phải đâu một người, thôi cứ lấy ngày đi làm ngày giỗ. Làng mình nhiều người làm thế cả. Tôi đành nghe theo… Mãi sau này mới biết hóa ra ông ấy ở ngay bên Phù Lưu. Cách có trăm cây số. Nhưng ông ấy bảo ở với đồng đội mấy chục năm, đất lạ hóa quê rồi nhà ạ, anh em quấn túm với nhau chốn này mình bỏ về không nỡ. Hay thế này, cứ mỗi năm ra giêng làng mình mở hội, tôi dắt anh em về thì vợ chồng mình gặp nhau… Nhà đừng nghĩ gì. Lúc nào tôi cũng thương nhà lắm… Đấy em xem! Nói như thế thì ai còn trách được. Mỗi năm gặp một lần, cũng chỉ lo cho nhau được bộ quần áo lành, vài bao thuốc cho anh em đồng đội. Và kiểu gì cũng phải ngồi thâu đêm dưới tam quan gốc gạo ăn cùng nhau một gói kẹo dồi…

Tôi nuốt nghẹn…

Bà cụ cũng lặng im…

Mái chèo vẫn nhịp nhàng khua giữa bốn bề yên tĩnh. Rồi bất chợt từ các đảo tràm xanh tròn như nấm xuất hiện những bóng thuyền. Lúc đầu còn lặng lẽ trôi như ảo ảnh. Sau rõ dần. Rồi nghe tiếng người xôn xao – những âm thanh nối vào nhau vang vang giữa mặt hồ như những tiếng chuông gõ trong lòng núi. “Người làng bắt đầu về rồi! Thuyền nhà Dương, nhà Hà, nhà Thanh… Họ đang chào em đấy!”.

Những con thuyền nan xoay tròn quanh chúng tôi, ngợp tiếng cười. Bà đưa cô về chơi hội? Năm nay làng mình có khách hả bà? Sắp về đến nơi rồi. Mọi người nghe thấy chuông chùa không? Bà với cô đi trước đi. Một năm rồi mới về, nhớ nhà quá bà ơi!

Những lá thuyền mở ra nhường lối cho chúng tôi. Phía trước sừng sững một đỉnh núi đá vôi, màu trắng bạc lấp lánh dưới mặt trời. “Núi Bạc kia rồi! Em nhìn thấy vách núi rỗng hình cái cổng vòm chưa?”. “Cổng vào đấy hả bà?”. “Ừ! Chỉ qua là đến!”.

Chúng tôi trôi qua lòng núi âm âm hơi đá, ẩm và lạnh.  Rồi làng đảo bất ngờ hiện ra trong tầm mắt, giữa trời nước trong veo. Hai cây gạo đôi rừng rực như hai ngọn đuốc, cao vượt hẳn lên cái nền xanh như ngọc của cây lá đương mùa. Bên mép nước đã kín những bóng người đứng chờ. Họ gọi nhau, vẫy nhau rối rít trong tiếng chuông chùa bắt đầu thong thả ngân từng tiếng rồi nương theo sóng lan mãi ra xa. Tiếng trống hội giục giã từng hồi. Rồi sắc màu hừng lên trong nắng. Những cô gái áo yếm lụa điều thắt lưng xanh. Những chàng trai áo đỏ khăn vàng. Những cụ bà, cụ ông sắc áo nâu trầm. Nắng lấp loáng hất ngược lên từ sóng, nhìn bọn trẻ con chạy chơi quanh gốc gạo chẳng biết chúng ở giữa nước hay trời. “Làng mình đẹp quá bà ơi! Con tưởng chỉ là làng đảo nhỏ, ai ngờ nó lớn thế này. Có cả đồng ruộng nữa kìa! Mênh mông quá!”. “Cả một vùng trù phú nhất đấy em. Cái tên ngày xưa gọi Lục Yên Châu là vì thế! Sâu vào trong kia còn là cánh đồng Quân, là Hợp Hòa, Phố Cát, là chùa Chẫu của làng Bạc, là chợ Ngọc, chợ Ngà. Em chơi hội xong nhớ ghé qua chợ, mua kẹo dồi. Xong thử ăn kèm với cánh hoa gạo nhé! Vừa ngọt, vừa nhan nhát chát. Quà quê của chúng tôi đấy.”. “Thế con đi hội được bao lâu hả bà?”. “Em cứ chơi cho thỏa. Tan hội hãy về. Cứ ra cổng chùa, chỗ gốc gạo, tôi với nhà tôi bao giờ cũng ở đấy. Bây giờ em lên đi! Mọi người chờ! Tôi đợi nhà tôi ở đây. Ông ấy và bạn bè chắc tí nữa mới về…”. “Bà ơi! Tiếng gì thế? Con nghe không rõ lắm. Hình như từ trong chùa vẳng ra.”. “Tiếng đọc kinh trong lễ cúng cô hồn. Mọi nơi đều cúng cô hồn cuối lễ, Nhưng làng tôi khác. Bao giờ cũng cúng trước, mời mọi người xa gần, quen lạ cùng về húp miếng cháo bồ đài. Ấm lòng rồi mới giong cờ khai hội…”.

Tôi bước theo dòng người đang hối hả từ mặt hồ lên. Tiếng rì rầm cứ rõ dần, đều đều rót vào tai, không lẫn trong muôn ngàn âm thanh khác: “Kính mời chư vị, khuất mặt khuất mày, kẻ lớn người nhỏ, thập loại cô hồn, các đảng âm binh, ngoài đường ngoài xá,  chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn…”.

 Tiếng trống hội bắt đầu rền vang, đập từng hồi trong ngực. Tiếng chuông chùa vẫn loang loang từng nhịp. Thuyền vẫn dồn về. Trai gái, trẻ già nối nhau lên từng đợt. Đủ các kiểu trang phục, đủ sắc màu…

Lại một đoàn thuyền vừa cập bến. Những người lính ba lô còn nguyên trên vai, áo trấn thủ bạc phai màu nắng. Người lính dẫn đầu giơ cao chiếc khăn vuông đen vẫy về phía trước: “Nhà ơi!”…

 Phía sâu trong kia bắt đầu tiếng hát, tiếng hò reo, tiếng loa tay gọi chuẩn bị vào lễ rước…

Kiệu đang nâng lên…

Ngàn ánh mắt đợi chờ…

                                      ***

Và trong ngàn người ấy tôi gặp lại một người…

Đó là khi chiều muộn. Sau cả một ngày rông dài mải mê với rước kiệu, với  đấu vật chọi gà, đánh quay đánh yến, tôi dừng chân bên quán lá dưới gốc đa chợ Ngà, cách bến sông một quãng đường đang chìm trong sương đất. Những người đàn bà còn nguyên áo khăn rước hội mời tôi: “Ăn đi em! Bánh chuối là đặc sản vùng này đấy! Vị đậm đà, ngọt mát mà thơm…”. Rồi quay sang nói chuyện với nhau về người đàn ông, không phải người vùng này, năm nào cũng về khi làng vào hội, chẳng đi chơi đâu cả, chỉ quanh quẩn bên gốc gạo, hết hội lại xuống thuyền lủi thủi một mình. Hỏi thì bảo chờ người. Rõ khổ! Bao nhiêu năm… Chờ với đợi… Năm nay anh ấy cũng vừa về…

Tôi nhìn theo tay chỉ. Đêm đã lên ngang mặt người. Không thể nhận ra ai khi người ấy chỉ còn là cái bóng mờ phía trước nhưng có một cái gì đó thúc giục tôi đứng lên, đi về phía bến sông.

Và tôi nhận ra anh – người đàn ông trong quán trà cổ giữa lòng thành phố. Anh gầy hơn, da xạm lại, từ chân lên tới đầu lạnh buốt hơi sương, chưa nhận ra tôi ngay vì nhầm tôi với cô chủ thuyền bên cạnh, hỏi sao không ở lại xem, mọi người vào trong đình hết, đêm nay còn thi thổi xôi và giã bánh dày. Cho đến khi tôi chào, hỏi anh vẫn khỏe, mới ngạc nhiên: “Sao em lại vào được tận trong này?”…

… Đêm yên tĩnh. Chúng tôi ngồi bên nhau trên bậc cấp mái tam quan, nhìn ra mặt hồ, nghe quanh mình rì rầm tiếng sóng. “Anh là người Hà Nội?”. “Đúng rồi! Nhưng tôi đi đã lâu…”. “Mọi người bảo năm nào anh cũng chờ ai đó?”. “Người ấy không về em ạ… Lâu lắm rồi…”.

Chúng tôi không nói thêm gì nữa. Cho đến tận khi nghe tiếng chuông chùa thong thả buông từng giọt. Hoa gạo bắt đầu rụng rải rác, rồi dầy dần lên quanh chỗ chúng tôi ngồi…

“Sao em vào được trong đây?”.

“Có người dẫn đường anh ạ! Đảo đẹp quá! Cả một vùng làng mạc ruộng đồng trù phú ở giữa lòng hồ. Em chưa từng biết đến.”. “Em đến đây bao giờ chưa?”. “Chưa lần nào. Nhưng lần này hết hội em sẽ đi. Em sẽ đến thăm cả nhà máy thủy điện Thác Bà.”. “Cũng gần đây thôi! Nhà máy thủy điện đầu tiên của miền Bắc, khởi công từ giữa mùa thu năm 1964 đấy em!”. “Sao anh biết?”. “Đó là một trong những công trình nghiên cứu của tôi… Tôi hiểu về nó như hiểu mình. Em biết không, để có được lòng hồ mênh mông bốn mùa xanh như thiên đường trên mặt đất thế này phải đánh đổi bằng nhiều thứ lắm.”.

“Đánh đổi bằng gì hả anh?”.

Người đàn ông quay lại lặng lẽ nhìn tôi: “Em có muốn biết không?”.

… Và thế là chúng tôi xuống bến…

Con thuyền im lặng trôi trong sương. Tiếng người đàn ông phía sau tôi vang lên mơ hồ như tiếng vọng từ mặt nước. Tôi sẽ đưa em đi thăm một nơi. Rất gần đây thôi. Em nhìn thấy chưa? Ngay phía trước…

Tôi ngẩng đầu lên. Trước mắt tôi là một dải đồi. Phía ấy không sương mà hình như có trăng vì tất cả đang sáng lên lấp lánh giữa ngàn lau xanh rời rợi một màu. Đài tưởng niệm “Tổ Quốc Ghi Công” cao vượt lên sừng sững. Những ngôi mộ ngang dọc thẳng hàng hướng mặt nhìn ra mênh mông lòng hồ.

“Đây là đâu hả anh?”. “Nghĩa trang liệt sĩ Thác Bà. Chắc em chưa biết. Họ nằm lại đây sau hơn mười năm xây dựng công trình. Em nhìn nhé, trong số này có đến gần một trăm người cùng ra đi vào một ngày mùa hè năm 1966 khi máy bay Mĩ ném bom hủy diệt công trường. Máu của họ, thịt xương của họ lẫn vào với đất, vào  những khối bê tông dưới đáy sâu kia để hôm nay thành trầm tích Thác Bà… Và tôi kể em nghe về câu chuyện tình của một chàng kĩ sư xây dựng người Hà Nội đang nằm kia với cô gái bán hàng dưới gốc gạo đôi ở bến sông làng Bạc. Người con gái ấy bán hàng nước nhưng không bán chè xanh, chè bồm mà chỉ bán trà hoa. Quán lúc nào cũng đông. Nhất là vào mùa xuân khi cô gái ướp trà hoa bưởi. Trà hái trên núi. Hoa bưởi dưới lòng thung. Nâng chén trà thấy đất trời mùa xuân ôm tròn trong lòng nước. Cô ấy từng nói với chàng trai em biết mai này nơi đây thành lòng hồ nên đã mang cây chè và giống bưởi rừng quê mình ươm lên tận những đỉnh núi xa. Dù sau này ở nơi đâu em cũng vẫn ướp trà hoa. Anh xong việc rồi về mình mở quán. Mùa hoa bưởi nở trên những cành cao anh lấy hộ em. Rồi anh đi hái trà sương trên núi…”.

Tôi chợt hiểu, quay lại, nhìn thẳng vào mắt người kể chuyện: “ Anh để em kể nốt. Rồi cô gái theo cuộc di dân lòng hồ thủy điện đi xa. Chàng trai ở lại với công trường. Họ chỉ gặp nhau đôi lần, dưới gốc gạo đôi cổng chùa làng Bạc khi lòng hồ chưa tích nước. Rồi chàng trai hi sinh, nằm lại nơi đây mà cô gái không biết, vẫn chờ… Cô gái ấy tên là Mai. Mở một quán trà hoa gần núi Ngọc. Có một chiếc ấm pha trà bằng đất Tử Sa có hình cánh hoa bưởi trắng trên thân…”.

                                                ***

Có tiếng chim họa mi hót đâu đây gọi tôi tỉnh giấc. Tôi mở mắt, thấy mình đang ngồi giữa nghĩa trang liệt sĩ Thác Bà – giữa những ngôi mộ lặng yên hướng mặt về phía mặt hồ xanh ngời lên trong nắng. Có một chiếc thuyền câu đang quay mũi đi về phía mênh mông. Cụ ông đổi tay chèo. Những giọt nước rơi lại mặt hồ lấp lánh như kim cương. Tôi khoác ba lô chạy theo cho con đi nhờ với. Thế cô đi đâu? Con về núi Bạc. Ta biết rồi. Cũng xa. Nhưng ta sẽ dẫn đến nơi… Ta là người ở đây, có gì là không biết. Thế ông biết ở đây loại trà nào ngon nhất? Trà sương. Ngày xưa vùng núi Yên Bình nhiều lắm. Sau này, người ta kể có một cô gái mang cây giống lên trồng tận dải núi cao phía đông lòng hồ, rồi nhân rộng mãi. Chuyện lâu lắm rồi…  Trà sương nổi tiếng vùng này…

Thuyền cứ đi đến lửng mặt trời thì núi Bạc hiện ra trong tầm mắt. Vẫn sáng rực lên trong nắng. Vẫn vách núi rỗng hình cổng vòm. Núi Bạc đây rồi, cô tìm gì giữa trời nước này? Ông đi qua cổng vòm cho con. Con về với hội…

Thuyền thoát qua lòng núi âm âm hơi đá. Chỉ thấy trời xanh trong đáy nước. Ông ơi, làng Bạc đâu rồi? Cả cánh đồng Quân, Hợp Hòa, Phố Cát. Cả chùa Chẫu,  cây gạo đôi bến sông và cả hội làng? Cô muốn tìm phải nhìn xuống. Tất cả ở dưới kia, sâu hơn năm mươi mét. Nhà cửa, thành quách, đền đài, những cánh đồng, những rừng lim hàng trăm năm tuổi, những chợ Ngọc, chợ Ngà… rồi Thác Ông, Thác Bà… Tất cả dưới đáy hồ cô ạ.

Tôi run run quỳ xuống sạp thuyền nhìn hút xuống bầu trời trong đáy nước. “Nhưng ông ơi! Con mới về thăm hội Bạc hôm qua… Nhiều người lắm… Một vùng mênh mông lắm…”. “Đúng rồi cô! Cả Yên Bình và một phần Lục Yên quê tôi xưa nổi tiếng bờ xôi ruộng mật chìm dưới ấy. Hơn năm mươi năm... Tôi vẫn nhớ bu tôi nún nán mãi rồi mới theo đoàn di dân trong chuyến cuối cùng. Gia tài mang theo chỉ là đôi quang gánh, hai đầu hai đứa em tôi. Bỏ lại tất cả cô ạ. Nhà cửa ruộng vườn, mồ mả tổ tiên. Ông bà tôi, thầy tôi nằm lại với bao nhiêu người khác. Dân làng bảo những gì chìm sâu trong đáy nước sẽ hóa Thần Hồ. Không chỉ con người mà cả cỏ cây cũng thế… Bao nhiêu năm người xưa tứ tán, chẳng biết sau này còn ai nhớ, về thắp nén hương chung cho ngày giỗ của làng…”. “Ngày giỗ nhằm ngày hội. Hôm qua rồi phải không ông? Trước khai hội bao giờ cũng có làm lễ cô hồn, mời người xa hớp cháo bồ đài cho ấm bụng… Ông yên tâm. Con nhớ. Sang năm con sẽ về. Cả bạn bè con nữa. Con sẽ kể cho họ nghe về Thác Bà - công trình thủy điện đầu tiên khởi đầu cho những công trình dời non lấp bể. Sẽ nhắc nhau rằng dưới đáy sâu mỗi lòng hồ thủy điện là ngàn năm trầm tích. Những người nằm lại, những người ra đi đều hiến dâng tất cả để hôm nay ta có núi sông này…”.

Màu trời vẫn thăm thẳm lặng im trong đáy nước. Rồi bất chợt tôi nghe từ đó vẳng lên những tiếng chuông chùa, tiếng kinh cầu, tiếng trống hội thúc dồn từng hồi náo nức, tiếng cười nói lao xao, tiếng bông gạo rơi trên nền đất ẩm hơi mưa. Rồi tiếng gọi cô ơi lạ quá, nhìn kìa!

Con thuyền nan chở tôi bị quây kín bằng hàng ngàn bông gạo đỏ cuống còn tươi nguyên màu nhựa. Những bông gạo vẫn tiếp tục nở lên từ dưới đáy hồ, đẩy về phía tôi chiếc hộp gỗ nhỏ, trong đựng một bộ ấm trà bằng đất Tử Sa…

                                             ***

Lại một mùa hoa bưởi khẽ chạm vào thành phố trong sớm mai giăng giăng mưa bụi. Trên chiếc bàn đối ẩm cạnh khung cửa gỗ, cành đào trong lọ gốm chưa phai màu. Hương mùi già từ chiếc ấm đất góc hành lang vẫn dịu dàng vương vấn khắp căn nhà cổ. Tôi lặng lẽ rải lớp hoa trắng vừa bung cánh ngậm đầy hương  lên lần trà mộc -  ướp mẻ trà hoa bưởi đầu tiên của mùa…

Ngoài kia bất chợt gió. Tiếng lá tre rì rào. Rồi lại có tiếng mưa, vẫn lắc rắc không đều như rắc vụn sỏi cuội trên mái hiên. Cô bé nhân viên cẩn trọng nhặt mớ nhụy bưởi xanh vào hộp gỗ để chuẩn bị cất tinh dầu. Rồi tiếng hát lại vang lên, đủ để át tiếng mưa: “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng. Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.”.

 Tôi đi về phía cánh tủ tường chìm sâu trong vách gỗ, mở chiếc hộp, chạm tay vào đôi ấm đất khắc hai cánh hoa khô, nghe đâu đó có tiếng thì thầm. Em vừa cùng bạn bè trở về sau một chuyến đi xa. Lòng hồ Thác Bà mùa xuân đẹp lắm phải không em?

Tôi quay lại, thấy chị Mai và người ấy ngồi cạnh nhau bên bàn đối ẩm. Cùng rạng rỡ cười. Về thăm nhau đúng mùa hoa bưởi. Em có mời chúng tôi một chén trà sương?   

 

Theo nguồn: Vanvn.net 

Các tin khác:

1-5 of 83<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter