HẠNH PHÚC TỰ MÌNH LÀM NÊN

Bút ký của HÀ LÂM KỲ

 

Ký ức

Năm 1944, mới 9 tuổi, bà Hoàng Thị Thuận làng Đồng Mè, xã Đại Lịch, bỗng chốc trở nên độc thân sống trong căn nhà lá xiêu vẹo. Ông bác ruột đông con không thể cáng đáng thêm đứa cháu. Một người hàng xóm, ông Hà Văn Niên, thương tình đón về, cô bé Thuận mồ côi cả cha lẫn mẹ, trở thành con nuôi của ông bà. Nhưng gia đình ông Niên cũng nghèo rớt. Ngày ngày mấy chị em đi lấy măng, bắt ốc kiếm bữa. Thuận lớn nhất, làm chị cả, thêm việc quản lý hướng dẫn mấy em.

Cách mạng Tháng Tám, gia đình được chia ruộng, chị em Thuận tự biết việc mà ngày đêm lao động cùng bố mẹ. Pháp quay trở lại (tháng 10/1947), Đại Lịch thành tâm điểm càn quét của giặc. Là con gái, Thuận lo đủ điều giúp bố mẹ nuôi. Cả quê hương kháng chiến, Thuận trở thành "Thiếu nhi du kích", công việc là cảnh giác, phát hiện giặc đến, hay có kẻ dò la tình hình thì báo nhanh cho người lớn đánh mõ báo động. Rồi cả nhà tản cư ra Lem Cọ (xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình ngày nay) bố ở lại quê, mẹ nuôi đau yếu triền miên, Thuận cáng đáng việc gia đình nơi đất lạ, làm thuê đủ chuyện nuôi mấy miệng ăn. Văn Chấn được giải phóng (tháng 10/1952), mẹ con gồng gánh hồi cư, cuộc phát hoang làm nhà, trồng khoai sắn, rồi vào vụ chiêm Xuân. Đôi bàn tay con gái nhỏ nhắn nhưng đủ sức tự lập đã lôi cuốn thanh niên làng vào những việc lớn sau kháng chiến. Làng trong, có chàng trai, Nguyễn Văn Thùy, cũng từng là thiếu nhi du kích, tính tình "lành như đất", lại khéo chân tay. Đám bạn tán dong thế nào khiến Thùy- Thuận thấy nhớ nhau sau mỗi lần lao động đổi công. Rồi một ngày, Thuận về làng trong- làng Khe Liền, làm dâu. May mắn, chị dâu cả Hà Thị Chuyên từng là vợ chưa cưới mấy năm trước của liệt sĩ Hoàng Văn Thọ (Sau này liệt sĩ được truy tặng danh hiệu Anh hùng), thấu hiểu tình cảnh kháng chiến hy sinh mất mát của mỗi gia đình, nên chị em Thuận khéo trở thành nòng cốt cho Tổ hội phụ nữ bản Liền trong những năm đầu thành lập Hợp tác xã. Anh Thùy được huyện (Văn Chấn) điều về giữ chân chủ nhiệm Hợp tác. Nhà nghèo, con đông, anh chị đưa ra định hướng "tự mình làm ra". Không ngờ phương châm, tự tin kiên nhẫn ấy của gia đình chị Thuận từ cuối những năm 60 trở thành sự chú ý của bà con người Tày giữa rẻo nông thôn miền núi xa cách, lạc hậu. Năm 1982, ông Nguyễn Văn Thùy đương chức Bí thư Đảng ủy xã, qua đời đột ngột, bà Thuận suy sụp, nhưng đã nhanh chóng lấy lại sự ổn định để làm chỗ dựa cho tám người con. Thời bao cấp, lại qua ba cuộc chiến tranh nơi căn nhà sàn vách nứa chống chếnh lúc giông bão, bà Thuận chạy ăn từng bữa cho cả nhà nhưng vẫn thúc giục các con đi học trường xã. Sự chẳng đừng, người con cả Nguyễn Thế Vinh đang làm giáo viên cấp 1 tại huyện Mù Cang Chải, phải bỏ nghề, trở về hỗ trợ mẹ lao động nuôi em. Tần tảo chịu đựng, rồi cũng đến ngày, đất nước… đổi mới.

Tự mình làm nên

Nguyễn Thế Vinh được học cao nhất nhà dù chỉ là trung cấp sư phạm, nhưng rất sớm nhận ra ý chí "tự mình làm ra" của cha mẹ thời gian khó. Vinh suy nghĩ, ý tưởng của người cha khi ông làm Bí thư Đảng ủy xã thời bao cấp: Quê mình nhiều rãnh khe bờ suối, tận dụng chỗ đất đầu thừa đuôi thẹo ấy mà cấy lúa trồng màu, cũng đỡ đói! Mấy anh em Vinh đi tìm những miếng đất sườn đồi bỏ hoang, phát dọn rộng hơn. Vụ ngô, vụ sắn, rồi vụ lúa nương thu về. Cả làng nhìn nhau làm theo. Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Hà Đình Ngự vốn là kỹ sư nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn cánh thanh niên về kĩ thuật chăm sóc. Tự phát "bung ra" đó, chỉ ít năm sau đúng với chủ trương "khoán 10" của Nhà nước. Đầu những năm 90, làng Khe Liền của người Tày, làng Khe Lày của người Kinh Thái Bình mới định cư, tạm đủ ăn trước tất cả các xã trong vùng. Nguyễn Thế Vinh được bầu làm Đội trưởng rồi Trưởng thôn (1987- 2003), tám người con của bà Thuận, mỗi người đã có một khu vườn đồi để rồi sau này "mọc" lên tám cơ ngơi theo mô hình V.A.C, sinh thái khá bắt mắt. Trưởng thôn Nguyễn Thế Vinh dẫn dắt bản làng gắn chặt với chủ trương trồng rừng của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã và Lâm trường Ngòi Lao. Vậy là ruộng hai vụ, chăn nuôi, và trồng rừng trở thành mục tiêu lớn mà gia đình Nguyễn Thế Vinh lặng lẽ đi trước ngay từ những ngày đầu "đổi mới" ở địa phương trong đó phải kể đến sự góp sức của vợ- chị Lò Thị Lịch, em trai Nguyễn Thế Viên (sau này là Thượng tá Công an tỉnh Lai Châu), em gái Nguyễn Thị Lợi sau này là giáo viên...! “Chùa” Đại gia đình bà Hoàng Thị Thuận đã quây quần giữa bà con thôn xã theo đúng lời dặn dò của người chồng, người cha quá cố: Sống tốt với trong nhà ngoài xóm, tự mình làm ra, sẽ có của ăn của để!

Trưởng thôn Nguyễn Thế Vinh nghĩ, hộ dân nào rồi cũng có mảnh đồi góc ruộng "khoáng sản", chắc chắn sẽ có va chạm kể cả anh em nhà. Bởi khi V.A.C hình thành rộng rãi, gia súc sẽ thả rông, nguồn nước cũng ô nhiễm, cây cối sâu bệnh tràn lan... Vinh đề xuất với Chi bộ đưa chỉ tiêu "tình làng nghĩa xóm" vào nghị quyết, bắt buộc đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu. Ngày đó, cuối những năm 90, phong trào xây dựng "Làng văn hóa" đã hình thành nhưng chưa phải xã nào cũng nhận diện được. Trưởng thôn Nguyễn Thế Vinh đọc trên Báo Yên Bái thấy bản Ao Luông xã Sơn A có nhiều cách nghĩ cách làm hay mà khâm phục nhất là người Mường ở đây đã xây dựng được nghĩa tình làng xóm, tệ nạn xã hội xuất hiện khắp nơi nhưng Ao Luông vẫn giữ vững. Nguyễn Thế Vinh bàn trong gia đình rồi quả quyết bất kể tình cảnh thế nào, anh em cũng phải nương tựa vào nhau và giúp nhau làm ăn chính đáng. Nghĩ thì đơn giản, nhưng với một vùng quê miền núi trong xu thế kinh tế thị trường, xã hội đầy biến động và níu kéo, không tạo dựng được trụ cột gia đình, sẽ khó giữ, khó vững. Hôm nay, nghĩa là sau 25 năm cuộc bàn luận gia đình ấy, bà hoàng Thị Thuận bước sang tuổi 87, mười sáu người con, trai gái dâu rể giỏi giang, nhân cách giữ cộng đồng thôn xã. Mấy chục cháu chắt trong đó có 10 người bằng cấp cử nhân, năm người trong lực lượng vũ trang, không một ai vướng vào tệ nạn hoặc làm sai chính sách, bà Thuận vẫn chỉ có giấy chứng nhận học xong lớp Bình dân học vụ, trai cả Nguyễn Thế Vinh cũng là bằng trung cấp sư phạm hoàn chỉnh. Vậy mà, trụ "tứ đại đồng đường" này vẫn là điều ước muốn có được của nhiều hộ dân Đại Lịch. Cái trụ không ngai vàng làm nên mái ấm của một đại gia đình nông thôn bình dân giữa thời thị trường và hội nhập.

Đường đi trong nông thôn mới

Tiếp tôi nơi trang trọng trong ngôi nhà sàn to rộng, bậc cao niên Hoàng Thị Thuận xưng chị:

- Ngày anh Thùy mất, chị tưởng đổ gục, đàn con nheo nhóc, ruộng vườn đã ít lại cằn khô, giờ chưa giầu nhưng có của ăn của để, các con cháu đều yên ấm. Tất cả nhờ vợ chồng Vinh! Bà cụ nói thêm: Thế là hạnh phúc lắm, tự tay làm ra cả thôi chú ạ, nông dân cứ khẽ bảo nhau, nghe nhau là làm được, chứ còn, ai chẳng muốn đi "làm to", muốn giầu nhanh!

Qua anh Vinh, tôi hình dung tám cơ ngươi bề thế của tám người con của cụ bà. Nhà, vườn, ao, chuồng! Còn rừng, nếu cộng lại, có tới hàng chục ha rừng trồng: Quế, keo, bạch đàn, bồ đề. Phần lớn là phương thức hợp đồng liên kết với Lâm trường. Riêng đồi vườn thì khá chật vật. Những năm 90, cây chè là nguồn thu nhập sau lúa. Nông trường chè Trần Phú chuyển hướng, chè vườn nhà không còn thích hợp, chỉ tiêu dùng tại địa phương. Cấp trên khuyến khích trồng cà phê, nhưng rồi chặt bỏ! Trồng cam, quýt ngọt, sai chĩu quả mà không ai thu mua chế biến. Chuyển sang cây bưởi diễn, rồi cây mắc ca... Cứ thử nghiệm, rồi lại thử nghiệm, kỹ thuật đã có trang mạng, nhưng thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết thì chịu! Nguồn thu thành tấm thành món hôm nay vẫn là trồng rừng, cây quế, cây keo, song song với cây lúa, với vườn, ao, chuồng. Lấy ngắn nuôi dài. Cứ tự lực, tự tin, tích cóp, cũng có của để dành...! Anh chị Vinh- Lịch cười.

Tôi cũng đã biết, dăm năm nay "Nông thôn mới" ở Đại Lịch đi đúng hướng và khá hiệu quả. Ngoài việc nhà nhà giảm được nghèo, là trật tự an ninh, là đường bê tông và điện đường chiếu sáng liên thôn, trẻ em ra lớp, chăm sóc sức khỏe, Văn hóa- Thể thao. Nhưng trước nhất là lòng tin và sự đoàn kết cộng đồng. Thành quả tập thể thôn bản có được hôm nay, phải chăng nó đã nhen nhóm từ mấy chục năm trước? Nhen nhóm từ những "tế bào xã hội" như gia đình cụ bà Hoàng Thị Thuận và lớp kế tiếp như vợ chồng anh Vinh, anh Quân, anh Giang, rồi cháu Quang, cháu Điệp... Các thế hệ con cháu của cụ.

Tôi đem câu chuyện gia đình cụ Thuận, anh Vinh, trò chuyện với ông Hà Đình Nghĩa- Chủ tịch Hội Người cao tuổi Đại Lịch, nguyên Bí thư Đảng ủy xã. Ông Nghĩa nhận định: Từ ngày "Đổi mới", rất nhiều hộ gia đình khấm khá hẳn lên, nhưng một đại gia đình mà trọn vẹn được như nhà anh Vinh thì quả là một sự kỳ công của nhiều thế hệ.

Tôi nghĩ lời ông Cựu Bí thư xã, có cơ sở, vì làm giầu đã khó, nhưng một gia đình bốn thế hệ đang rất hạnh phúc nhờ xây dựng được những giá trị văn hóa từ mỗi thành viên, còn khó hơn nhiều.

Tháng 4/2022

                                                                                                               

Các tin khác:

1-5 of 29<  1  2  3  4  5  6  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter