NHÀ LÀ NƠI ĐỂ VỀ

Bút ký của DƯƠNG THU PHƯƠNG

 

Công việc của chúng tôi là đi và viết. Sau những buổi làm việc, sau những cuộc chuyện trò xã giao, câu hỏi nhiều nhất tôi nhận được là: “Nhà bạn ở đâu?”. Và những lúc như thế tôi thường vô thức trả lời rằng: “Nhà tôi ở khá xa, và vì dịch Covid đã gần năm nay tôi chưa được về nhà”. Bởi với tôi, nhà là nơi bình yên, là nơi sẻ chia và ở nơi đó, tôi vẫn là tôi nhưng là phiên bản hoàn mỹ nhất trong mắt của mọi người. Từ một khoảng thời gian rất xa nào đó trong quá khứ, trong tâm tưởng, cả khi chưa có khái niệm về gia đình hạnh phúc được cân đo, đong đếm bằng các chỉ số mà thỉnh thoảng vẫn là nguồn cơn của nhiều cuộc tranh luận thì chính chú, một lãnh đạo, một người tiền bối của tôi, giờ là hàng xóm lớn tuổi và những người trong gia đình chú đã dạy cho tôi điều đó “Nhà là nơi để về”.

Đến Yên Bình, nhắc đến gia đình chú có lẽ không ai không biết, vì ít nhất họ đã được nghe tên “gia đình chú Thuận An”, cách gọi của đa số nơi đây về gia đình cô chú bởi chú là Nguyễn Đức An và cô là Nguyễn Thị Thuận.

Tôi đến thăm chú vào một cuối tuần như đã hẹn, không chỉ vì công việc cuối năm bận rộn, khó sắp xếp thời gian mà phần lớn chính là tôi muốn được nhìn ngắm thật nhiều hình ảnh gia đình ấy ở thời điểm đông đủ nhất. Là lúc bà cụ hơn 93 tuổi ngồi trước hiên nhà, bỏm bẻm nhai trầu, nở nụ cười hằn những nếp gấp thời gian khi nhìn hai đứa chắt nô đùa trước sân, cãi nhau chí chóe, rồi lại chạy đến bên cụ đòi phân giải. Là lúc anh con trai cả chuyển những xe củi mới mua về chất vào nhà kho và sửa lại mái ngói hay chuồng lợn chuồng gà. Là lúc cô con dâu xới đất trồng thêm những loại rau mới cho đúng thời vụ. Là lúc cô, vợ của chú đang dọn dẹp, lau rửa các máng thức ăn gia súc, gia cầm; xem lại bếp núc, vườn tược và thu hoạch rau cho các bữa ăn hằng ngày.

Nhưng hôm nay khác hơn mọi ngày cuối tuần khác, cô con dâu đang đi thi hoàn thiện chương trình lớp Đại học và cô Thuận đang chủ trì buổi họp Hội phụ nữ thường kỳ vì cô là Chi hội Trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố số 10 “cũng muốn được nghỉ ngơi nhưng chưa ai cho nghỉ”, cô vẫn thường đùa như thế.

Tôi nói hết sức chân thành và ngưỡng mộ, thay lời giải thích vì sao hôm nay tôi có mặt ở đây. “Hiếm có một gia đình nào, ở thời điểm này, 4 thế hệ sống trong một căn nhà và duy trì một lối sống nề nếp như vậy”. Bởi tôi biết điều này không hề dễ dàng, đặc biệt là đối với con người đi qua nhiều khó khăn, trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử như gia đình cô chú.

Chú chậm rãi kể với tôi và lời kể như thước phim quay chậm, dần dần hiện ra. Ông bà sinh được 5 nguời con nhưng mỗi mình chú là con trai. Ngay từ bé đã được rèn dũa để trở thành người đàn ông mạnh mẽ, kiên cường, trụ cột. Theo lệnh tổng động viên, mặc dù không thuộc diện nhưng chú vẫn viết đơn xung phong đi bộ đội, tham gia vào đoàn quân Nam tiến để lên đường chống Mỹ cứu nước. Mến con người nhiệt tình, giàu tinh thần trách nhiệm, cống hiến, thương cảnh nhà neo người, năm 1979, cô giáo làng đã kết duyên với anh bộ đội ở xa. Rồi năm 1982, chú được chuyển ngành về công tác tại Huyện ủy Yên Bình, niềm vui nối tiếp niềm vui, vài tháng sau cô sinh hạ cậu con trai khỏe mạnh, kháu kỉnh. Ba năm sau, cô chú sinh cô con gái thứ hai. Đó là nguồn động lực để cô chú vượt qua muôn vàn khó khăn của một gia đình công chức, viên chức thời bao cấp. Với nhiều lần chuyển công tác của chú, hoàn thiện nhiều lớp bồi dưỡng chuyên ngành cho cô, rồi trải qua 7 lần chuyển chỗ ở, xây nhà mới. Đến lúc tạm thời ổn định, năm 1996 cô chú quyết định đón bố mẹ chú từ xã Hán Đà ra ở cùng tại tổ 10 thị trấn Yên Bình để tiện chăm sóc. Lúc đó, 2 cụ đã gần 70 tuổi.

“Và chính thức gia đình 3 thế hệ từ đó”. Tôi chen ngang vào câu chuyện. Chú vẫn cười như đọc được ý nghĩ trong lòng tôi. Lúc đó, hình như con người chỉ quan tâm đến việc làm sao để ăn no, mặc ấm, làm sao để chu toàn việc công, việc tư; làm sao để cha mẹ vợi bớt đi nỗi lo lắng, làm sao để con cái học hành nên không ai có thời gian quan tâm đến những khác biệt. Mọi người sống với nhau như một lẽ dĩ nhiên, như một điều không thể khác, nên chú cũng không ý thức về việc các thế hệ trong nhà. Để cô chú hoàn thành được công việc nhà nước: chú là phó chánh văn phòng, giám đốc nhà khách, rồi chuyển sang làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Công đoàn cơ quan Đảng huyện Yên Bình suốt hơn 20 năm; cô là cô giáo dạy vỡ lõng, rồi y tá xã, rồi nữ hộ sinh của bệnh viên huyện, phải liên tục làm việc, trực ca và nhận lời nhờ cậy của nhiều gia đình; để hai đứa trẻ được an toàn, được đến trường thì gia đình lúc đó là những người không chỉ là cùng huyết thống, sống dưới một mái nhà mà là sự nương tựa, hỗ trợ, chia sẻ, nâng đỡ lẫn nhau. Vật chất ít nhưng tinh thần nhiều. Tôi cảm nhận được vẻ xúc động trong giọng nói run run của người đàn ông ngoài 60 tuổi đang kể về những tháng năm xưa cũ của đời mình.

Cậu bé con, mới ngoài 6 tuổi, đã đứng đó một lúc, chờ cho ông nội hết câu chuyện lí nhí chào tôi và xin phép ông được cho đi đá bóng cùng nhóm bạn. Chú nhìn một lượt từ đầu đến chân, hỏi xem thằng bé đã ăn xúc xích và bánh mỳ bà để sẵn trên bàn chưa, xem chân đã đi giày và mặc đủ 2 lớp áo để có thể cởi ra khi nóng và mặc vào trên đường về để chống lạnh chưa, sau đó mới gật đầu đồng ý. Thằng bé nhảy chân sáo trên mặt sân và trong đôi mắt người ông nội đã nhìn ngắm cháu lớn lên từng ngày.

Bọn trẻ con có hay chơi thể thao không ạ?

Con người phải phát triển đầy đủ các đức, trí, thể, mỹ. Càng hiện đại, càng phải chú ý phát triển toàn diện. Bọn trẻ nhà chú từ con đến cháu đều được chú khuyến khích lao động và chơi thể thao phù hợp với lứa tuổi. Rất may là nhà chú ngay cạnh nhà văn hóa tổ. Tôi nhìn theo tay chú chỉ, nơi ngôi nhà mới khang trang, có sân chơi thể thao lợp mái vòm, có đủ nội quy sử dụng, chia theo giờ cho các môn cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn, khiêu vũ và tập yoga. Sân cỏ chơi bóng đá cũng nằm ngay bên cạnh.

Cũng gọi là có di truyền. Tôi vừa cười vừa nhìn lên giấy chứng nhận gia đình thể thao, giấy khen các giải cầu lông đang treo trên tường và nói với chú như vậy.

Bây giờ chú không còn chơi cầu lông nữa, cô chỉ chơi được bóng chuyền hơi nên chú cũng chuyển sang món đó để hai cô chú chơi cùng nhau cho có bạn.

Tôi trộm nghĩ trong đời mỗi người phụ nữ chỉ cần một lần được đối phương quan tâm như vậy, vì mình như thế đã đủ để hạnh phúc, còn với cô chú, sự vì nhau, nghĩ cho nhau đã đi suốt 42 năm nay.

Hà, cô con gái út của cô chú, hiện đang là giáo viên, với đầy đủ sự trưởng thành của cô gái ngoài 30, là mẹ của hai đứa trẻ, trong niềm xúc động và hạnh phúc nói với tôi, “anh, em em chưa bao giờ bị bố mẹ, ông bà đánh một roi, cũng chưa bao giờ nghe thấy bố mẹ em nói nhau một câu nặng lời như anh/tôi, cô/tôi, chưa nói đến mày/tao. Vậy nên nhiều lúc giận quá muốn đánh con, nghĩ đến bố mẹ, em giơ tay rồi bỏ tay xuống. Nhiều buổi bực ông chồng vô tâm, hay khi không tìm được tiếng nói chung, em chỉ muốn gào lên cho hả dạ nhưng ngay lúc đó ánh mắt của bố mẹ làm cho ngọn lửa ấy lụi dần”. Và tôi lựa chọn tin tưởng tuyệt đối vào những điều cô ấy chia sẻ vì tôi hiểu được sức ảnh hưởng của gia đình lớn đối với gia đình nhỏ của tôi về sau.

Bên mâm cơm 7 người ngồi quây quần, dù có người về muộn, hay đứa cháu đang mải chơi, bà cụ đã ngoài 90 tuổi vẫn nhất quyết đợi “phải được nhìn thấy con cháu đông đủ tôi mới thấy vui, ăn mới thấy ngon cô ạ”. Bà cụ minh mẫn và thông thái đến lạ. “Tôi già rồi, tôi sống trong phòng riêng khép kín để tiện sinh hoạt, cũng đỡ ảnh hưởng đến giờ nghỉ ngơi, học hành của con cháu, nhưng ăn thì nhất định phải ngồi chung, thế mới là gia đình chứ. Ông nhà tôi đã đi hai năm nay rồi, nếu không có bọn trẻ sớm hôm luôn bên cạnh chắc tôi cũng xin ông cho tôi theo cùng”.

Trong căn nhà rộng hơn 200m2 được bao quanh bởi khu vườn rộng khoảng 1500m2 với đầy đủ các loại cây ăn quả như bưởi, na, ổi, mít, hoa cây cảnh và các loại rau xanh cũng đủ làm cho tâm hồn trở nên thư thái sau những mệt mỏi căng thẳng.

Khác với những gia đình khác, bọn trẻ thường đóng chặt cửa phòng xem tivi điện thoại mỗi khi về đến nhà sau khi đã chào qua quýt mọi người, bọn trẻ con trong nhà chú lấy việc quãi thóc và ngô cho đàn bồ câu hơn 60 đôi, hơn 60 con gà, ngan, vịt và nhận chia nhau chăm sóc và thảo luận về đàn chó con là niềm vui thích.

Cô còn chỉ cho tôi xem những con lợn trắng hồng được nuôi nối nhau để cung cấp 50 đến 70 kg thịt lợn sạch hàng năm.

Khi tôi nói với chú rằng, một gia đình công chức kiểu mẫu với hai ông bà có lương hưu, người bố là kỹ sư tốt nghiệp đại học Bách khoa hiện đang làm quản lý đường thủy nội địa, mẹ là một giáo viên mà nhìn như gia đình nông dân thực thụ, chú biết là tôi đùa, nên không những không giận mà rất vui vẻ nói.

- Cô chú quan niệm, còn sức khỏe là mình còn lao động. Không phải ai cũng có may mắn là có được không gian rộng rãi như nhà mình. Lao động để được sống trong không gian xanh với cây lá, hoa cỏ; lao động để mình khỏe hơn, để cung cấp thực phẩm sạch cho gia đình và quan trọng hơn là mình làm gương dạy con cháu biết yêu lao động, sống có trách nhiệm, biết quan tâm sẻ chia, điều đó còn quan trọng hơn tiền bạc rất nhiều. Buổi chiều khi ông tưới vườn, bà hái rau, đó là khoảng thời gian ông bà giảng giải cho bọn trẻ con về giá trị dinh dưỡng của rau, về công sức chăm bón để có được những bữa ăn dinh dưỡng, về cách ghi nhớ và quan sát sự sinh trưởng của những vật sống mà không một sách vở nào có thể dạy chúng được. Cả gia đình cảm nhận được thức ăn nhà làm ra không những sạch sẽ mà còn gửi vào trong đó tình cảm, lòng yêu thương, sự quan tâm lẫn nhau. Nhìn ông cháu ở ngoài vườn rau, cháu khoe với ông về những thành tích đạt được, con bé chạm tay vào những chiếc lá xanh non, nâng niu không nỡ hái chúng, ông bà biết bọn trẻ biết yêu quý cây cỏ, trân trọng sức lao động, có xúc cảm với cả những điều nhỏ nhặt xung quanh. Ông bà dạy bọn trẻ làm việc với vườn tược cũng là một cách nghỉ ngơi và thư giãn, những người trong nhà gần gũi nhau hơn, là cách để gia đình chủ động với những mong muốn, sở thích của mình. Chú nói rằng, ông bà chăm chỉ lao động để con cháu thấy rằng mỗi một con người, dù ở lứa tuổi nào cũng phải tự lập, có trách nhiệm với bản thân không dựa dẫm, ỉ lại. Có lẽ vì thế mà không chỉ 2 người con, cả 4 người cháu trong gia đình đều lễ phép, chăm ngoan và học giỏi. Bạn lớn nhất hiện đang là học sinh lớp 6 của Trường chuyên Nguyễn Tất Thành.

Mỗi năm một lần, chúng tôi chính thức đến thăm gia đình cô chú theo diện đi thăm hỏi gia đình các lãnh đạo tiền nhiệm, nhưng chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận khoảng cách đó là một năm. Bà cụ, cô chú vẫn hồng hào khỏe mạnh như thế thậm chí là tươi vui hơn. Khi tôi hỏi xin bí quyết, cô cười, “nói bí quyết thì to tát quá. Không ai biết trước điều gì cả, nhưng đến thời điểm này, sau 42 năm về làm dâu, 12 năm duy trì mô hình gia đình tứ đại đồng đường mà không làm ai cảm thấy mệt mỏi chán nản có lẽ chút kinh nghiệm cô rút ra được giờ này chính là nhờ tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc đến từ các thành viên trong gia đình”. “Nhưng phải có người nắm giữ sợi dây ấy”. Tôi nói với cô vì muốn được hiểu hơn những lý giải này. “Tất nhiên mình là người lớn trong nhà, mình là người nối thế hệ, cô cũng là người có chuyên môn ngành y, vậy nên mình vừa biết cách làm, vừa giảng giải quan trọng nhất là con cháu nhìn vào mình để học theo. Tình yêu thương sẽ được ngấm từng chút, vun vén qua từng ngày. Chính vì sống nhiều thế hệ, ăn chung một mâm cơm, ngồi chung một bàn, người lớn tuổi thấy mình được quan tâm, như trẻ ra, người trẻ vì thế mà thấy có trách nhiệm hơn để về nhà đúng giờ, từ chối những lời mời cuộc hẹn không cần thiết, vì thế cuộc sống lành mạnh hơn, lâu dần tạo thành thói quen”.

Tôi biết, cô chú có một mảnh đất khác, đã mua nó cho vợ chồng cậu con trai cả ra ở riêng từ lúc mới cưới vợ nhưng cho đến bây giờ, sau hơn 10 năm về làm dâu, lúc nào được đề cập đến vấn đề này cô con dâu cũng vừa cười vừa nói: “Bố mẹ có đuổi chúng con cũng không đi”. Cô quay sang nói với tôi trong lúc mắt không rời bọn trẻ: “Em mong ước, cả đời bọn trẻ con sẽ được lớn lên hạnh phúc và an nhiên như vậy”. Tôi hiểu vì sao mà bọn trẻ con trong nhà khỏe mạnh, ngoan ngoãn, lễ phép và học giỏi.

Không hẹn mà gặp, khi chúng tôi đang có những câu chuyện thú vị bên ấm trà nóng thì đồng chí Tùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn đến thăm chơi và thông báo về việc chuẩn bị hồ sơ phục vụ đoàn kiểm tra công tác đảng của cấp trên, vì chú hiện đang là Bí thư Chi bộ tổ nhân dân số 10 của thị trấn Yên Bình.

Tôi biết anh từ trước, biết anh là người sâu sát với công việc, tôi xin phép trao đổi mới anh về cách đảng ủy triển khai kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh XIX, tiến độ Đảng ủy thị trấn anh chỉ đạo, khảo sát, đăng ký và xây dựng mô hình gia đình hạnh phúc? Anh nói với tôi, cách nói thân tình và giản dị của một người thường xuyên đi làm việc với dân và trò chuyện với bà con. Anh kể với tôi: Tôi vẫn hay nói với các đồng chí trong Đảng ủy, các bí thư chi bộ rằng: Nghị quyết đã học tập, kế hoạch đã triển khai nhưng để cụ thể hơn thế nào là gia đình hạnh phúc thì cứ đến nhà bác An Thuận sẽ rõ. Gia đình mà mọi người đều khỏe mạnh, được tạo điều kiện tốt nhất để học hành, phát triển bản thân, mọi người đều quan tâm, yêu thương nhau và cùng nhau duy trì xây dựng nếp nhà. Chúng tôi cùng cười như cách mọi người xác thực việc đã tìm được một điểm chung.

Đông đã về, mỗi buổi sáng tôi lại đứng ra trước nhà mình, nhìn làn khói mỏng bay lên từ đỉnh núi xa xa, nhớ về làn khói bếp nhớ về những buổi đoàn viên ngắn ngủi với gia đình tôi ở quê. Và bên kia con đường, tôi biết có một nơi, không cần biết đông lạnh, thu vàng lá rơi hay hè nóng bức oi ải, 4 mùa đối với gia đình đều là mùa đoàn viên. Bốn thế hệ trong gia đình ấy dẫu có 4 bốn cách nghĩ hay có đến 40 cách nghĩ thì tôi cũng tin rằng họ hạnh phúc, tự hào với gia đình của mình. Điều mong mỏi sau mỗi giờ đi làm, đi học là được nhanh chóng trở về bởi vì nơi đó đang có những con người chờ đợi họ.

 

D.T.P

 

 

Các tin khác:

1-5 of 29<  1  2  3  4  5  6  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter