• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Giáo dục Mỹ thuật- Đời sống Mỹ Thuật- Dân trí Mỹ thuật: Nhìn lại đối thoại
Ngày xuất bản: 03/02/2020 2:18:14 SA

Nhà nghiên cứu phê bình Mỹ thuật: Lê Quốc Bảo

Giáo dục mỹ thuật- đời sống mỹ thuật- dân trí mỹ thuật luôn là một quan hệ biện chứng sinh ba. “Giáo dục mỹ thuật là nhằm xây dựng một đời sống thẩm mỹ ngày một tốt đẹp hơn và từ đó không ngừng nâng cao dân trí. Một khi chúng ta nói đến đời sống mỹ thuật thì không thể không nói đến dân trí mỹ thuật, giáo dục mỹ thuật và ngược lại. Chúng luôn là thước đo của nhau nhằm thẩm định giá trị và hiệu quả của giáo dục mỹ thuật cũng như đời sống mỹ thuật và dân trí mỹ thuật. Sự tiếp cận giáo dục mỹ thuật, đời sống mỹ thuật, dân trí mỹ thuật từ mối quan hệ sinh ba được coi như một quan niệm  và một phương pháp luận nghiên cứu chúng. Trước hết suy cho cùng “Mỹ thuật là nghệ thuật làm đẹp cho đời”, Cái đẹp luôn là “một yêu cầu sống”của con người. Ai cũng có thể thưởng thức cái đẹp, song để hiểu cái đẹp đến nơi, đến chốn thì chẳng đơn giản chút nào. Nhất là cái đẹp trong nghệ thuật khó mà đong đếm.

Đẹp là “một yêu cầu sống” đúng rồi! Đẹp còn là “một quan hệ”. Để hiểu cho được cái đẹp là một yêu cầu sống, một quan hệ, một giá trị, một quan niệm, không thể không thông qua kênh giáo dục nghệ thuật, không thể không thông qua kênh thông tin của các phương tiện truyền thông đa ngành, đại chúng. Có vậy mới hội đủ khả năng đối thoại đa chiều, dân chủ.

Bởi cái đẹp cũng như nghệ thuật luôn là một khái niệm mở. Hôm nay chúng ta định nghĩa, trao đổi, ngày mai chúng ta tiếp tục trao đổi, định nghĩa. Trong tương lai, con cháu chúng ta tiếp tục bàn về cái đẹp và nghệ thuật. Khó thay, chúng không bất biến mà luôn vận động và phát triển với cả lịch sử và thời đại.

Tác phẩm: Đợi- Chất liệu: in Lithorgraphi- Tác giả: Nguyễn Đình Thi

1. Đời sống mỹ thuật

Theo tôi, có thể khẳng định vị trí, vai trò của mỹ thuật trong đời sống xã hội. Ở đâu có đời sống con người, ở đó có nhu cầu mỹ thuật, nhu cầu cái đẹp. Mỹ thuật luôn đi sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống: ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, công tác, thậm chí cả vui chơi, giải trí. Tất cả luôn đòi hỏi một ứng xử đẹp.

Có một sự thực đáng buồn là cả gia đình, nhà trường và xã hội chưa thực sự quan tâm, giáo dục ứng xử đẹp về nhiều lĩnh vực của đời sống thường nhật. Chúng thực sự là cái nền, cái gốc góp phần giáo dục làm người.

Ăn như thế nào cho đẹp?

Như các cụ ta dạy: học ăn, học nói, học gói, học mở; ăn trông nồi, ngồi trông hướng… Ngày nay, chúng ta chưa thực sự chú ý dạy con em ngay từ nhỏ ăn như thế nào cho đẹp, mấy chục năm trước lấy nệ thời chiến cho qua. Ngày nay, hòa bình đã gần bốn chục năm, không thể không dạy trẻ ăn sao cho “đẹp”. Trách nhiệm này, trước hết thuộc về gia đình, sau mới đến nhà trường và xã hội.

Mặc như thế nào cho đẹp?

Thông thường, mỗi khi ra đường, đến lớp, đến trường, đến cơ quan… nhất là đi dự lễ hội, ai cũng muốn chọn cho mình bộ quần áo đẹp nhất.

Theo tôi, có một nguyên tắc mặc đẹp là mặc sao để phát huy được vẻ đẹp vốn có của cơ thể và hạn chế những nhược điểm cơ thể mỗi người. Tà áo dài của phụ nữ Việt Nam đã khoe được tất cả đường lượn, đường cong của thiếu nữ. Quan trọng hơn là mặc sao cho tương xứng với tâm hồn của dân tộc. Phụ nữ châu Âu thường mặc váy trễ cổ để khoe bộ ngực trần. Các cụ ta xưa cũng có cách khoe của mình, những chiếc váy yếm đào, yếm sồi, yếm trắng là những màu sắc bắt mắt, hấp dẫn trong bộ quần áo mớ ba, mớ bảy. Đó là một cách khoe kín đáo, duyên dáng của phụ nữ Việt Nam, tương xứng với tâm hồn cao đẹp của dân tộc.

Ở như thế nào cho đẹp?

Các cụ ta xưa có một triết lý sống “Thương gia hạ điền”, trên nhà, dưới ruộng vườn. Sống gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Các công trình kiến trúc cổ như đình, chùa thường đặt trong một không gian hoặc một thế núi hay thế sông, trước cánh đồng làng… chan hòa với thiên nhiên, mây trời, sông nước, nắng gió…  Một khi chúng ta sống ở những ngôi biệt thự, chung cư cao tầng thì chỉ còn cách đưa cây xanh vào các ban công, cửa sổ, phòng khách… chỉ gợi được đôi chút về lối sống của dân tộc luôn gắn bó với thiên nhiên mà thôi. Làm sao thú vị bằng ngôi nhà tranh ba gian hai chái, xung quanh là vườn tược, ao cá, bao quanh bởi lũy tre làng. Ngày nay, không ít người đã có nhà vườn để nghỉ cuối tuần, những căn thiệt thự đầy đủ tiện nghi, phù hợp với sở thích từng người, từng gia đình mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc. Tất nhiên không phải không có những căn nhà còn lộ rõ sự lố bịch, ngoại lai, khoe của…

Tôi mới điểm được 3 lĩnh vực của đời sống mỹ thuật, còn các lĩnh vực khác trong đời sống mỹ thuật chắc phải bàn vào dịp khác. Song chỉ 3 lĩnh vực thôi mà đã có nhiều bức xúc, bất cập chưa phù hợp với tâm hồn Việt.

Gia đình, nhà trường, xã hội không thể không thường xuyên quan tâm giáo dục mỹ thuật: ăn đẹp, mặc đẹp, ở đẹp và nhiều lĩnh vực khác của đời sống mỹ thuật.

2. Dân trí mỹ thuật!

Dân trí mỹ thuật là do giáo dục mỹ thuật mà có. Nó cũng có nhiều hình thức giáo dục, nhiều mức độ khác nhau từ tự học, tự giáo dục đến giáo dục theo các hệ thống đào tạo trường lớp.

Dân trí mỹ thuật là thước đo đời sống mỹ thuật, nó không quá trừu tượng mà được thể hiện sinh động trong đời sống mỹ thuật.

Cái thú chơi tranh vào mỗi dịp tết cổ truyền là một phong tục đẹp có truyền thống lâu đời. Từ thế kỷ 15 tranh khắc dân gian còn có tên gọi là tranh tết. Mỗi tết cổ truyền đều tương ứng với 1 trong 12 con giáp, tương ứng với tuổi đời của mỗi người, đậm triết lý nhân sinh phương Đông.

Các dân tộc ít người, dù có không biết đến khái niệm mỹ thuật, không có điều kiện được học tập nhưng lại tạo nên một bản sắc riêng về nghệ thuật trong trang trí, trang phục thổ cẩm đã thực sự làm phong phú tinh hoa nghệ thuật trang trí các dân tộc Việt Nam. Thú vị hơn là họ cứ làm đời này sang đời khác, hầu như các họa tiết trang trí đều quy thành hình kỷ hà. Đối với những ai học mỹ thuật muốn có một bố cục tốt, một hình tượng nghệ thuật đẹp, khi mới bước chân vào trường thường được các thầy dạy phải quy chúng thành hình kỷ hà trong xây dựng bố cục và hình tượng nghệ thuật. Hai con đường tìm đến chân lý đẹp- hình kỷ hà- trái chiều nhau.

Dân trí mỹ thuật không ngừng phát triển, nâng cao cùng với lịch sử dân tộc và thời đại, cùng với đời sống mỹ thuật mà chúng ta đang sống ở thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cái thú chơi tranh của dân tộc không dừng lại vào mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc: Trong một dịp làm chương trình truyền hình: “Cái thú chơi tranh…” với Ban Văn nghệ- Đài Truyền hình Việt Nam, tôi đã chứng kiến nhiều ngôi biệt thự, nhà chung cư cao tầng không chỉ treo một vài bức, có nhà tới hàng chục bức tranh… Công chúng yêu mỹ thuật thường xuyên tiếp xúc với tác giả, tác phẩm qua các triển lãm cá nhân và nhóm tác giả, nhất là các tác giả trẻ diễn ra liên tục. Nếu như trước đây các danh họa Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liêm, Nguyễn Sáng phải vào độ tuổi 70 Hội Mỹ thuật Việt Nam mới tổ chức cho mỗi tác giả một triển lãm cá nhân. Ngày nay triển lãm mỹ thuật khu vực và giải thưởng hàng năm của Hội Mỹ thuật Việt Nam đã thực sự đưa tác giả, tác phẩm đến các vùng sâu, vùng xa trên khắp mọi miền đất nước. Rồi các trại sáng tác điêu khắc quốc tế đã mở ra ở hơn 10 tỉnh thành. Những vườn tượng đã tô điểm cho không gian kiến trúc đô thị. Đối thoại trực tiếp với tác phẩm, tác giả là một hình thức nâng cao dân trí mỹ thuật tốt nhất.

Các lễ hội làng như ở đồng bằng Bắc Bộ, cồng chiêng Tây Nguyên, lễ hội dân tộc Chăm đều nổi trội những sắc màu riêng: đỏ- đen Tây Nguyên, đỏ- vàng đồng bằng Bắc Bộ, đỏ- trắng dân tộc Chăm. Đó là những nét tinh hoa của mỹ thuật truyền thống, đậm bản sắc dân tộc, góp phần giáo dục mỹ thuật và nâng cao dân trí mỹ thuật.

Trong bài viết nhỏ này, tôi mới điểm đôi nét về dân trí mỹ thuật, còn nhiều bất cập đặt ra cho giáo dục mỹ thuật.

3. Giáo dục mỹ thuật!

 Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục năm 2011- 2020. Phải đổi mới căn bản và toàn diện, trong đó có giáo dục mỹ thuật.

Trước hết, cần nhìn nhận rằng: giáo dục nghệ thuật nói chung và giáo dục mỹ thuật nói riêng cũng như dạy làm người. Giáo dục nghệ thuật là hình thức giáo dục mang tính toàn diện, nó hội đủ khả năng phát huy thẩm mỹ và tính nhân văn.

Đặc trưng của giáo dục nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng là bằng con đường tình cảm. Cảm thụ cái đẹp trong nghệ thuật là một hình thức nhận thức. Một hình thức tự giáo dục bị chinh phục bởi cái đẹp của nghệ thuật. Tự nguyện trở thành ‘tù binh” của nghệ thuật cho nên có sức sống bền bỉ nhất và tác động đến lối sống của mỗi người. Tất nhiên, giáo dục nghệ thuật có hai mặt của nó “tiếp xúc với tác phẩm đẹp thì tốt, tiếp xúc với tác phẩm xấu thì khó nên người”.

Giáo dục mỹ thuật có tính đặc thù của nó. Mỹ thuật là nghệ thuật thị giác, trăm nghe không bằng một thấy. Chỉ có đối thoại trực tiếp với tác giả, tác phẩm mỹ thuật hay thông qua các phương tiện nghe nhìn đại chúng tiếp xúc với tác giả, tác phẩm đó là con đường giáo dục nhận thức mỹ thuật hiệu quả nhất, con đường trực quan sinh động.

Danh họa Tô Ngọc Vân có viết “học hay không học”, mở ra cuộc tranh luận thẳng thắn trên báo Văn nghệ thời kháng chiến 9 năm đã khẳng định vai trò giáo dục mỹ thuật. Ông ghen tỵ với các nhà văn được sử dụng ngôn ngữ dân tộc trong đời sống thường nhật để sáng tác, còn họa sĩ phải dùng tiếng nói “hình sắc” là ngôn ngữ đặc thù của mỹ thuật. Cứ tưởng là cụ thể dễ hiểu… song, chẳng đơn giản chút nào. Ngay như một bức tranh phong cảnh đẹp về đồng quê Việt Nam cũng không thể lấy tiêu chí “trời xanh, mây trắng, lúa vàng” để thẩm định cái đẹp trong tranh. Hãy xem những bức tranh sơn mài đẹp, trong tranh trời, đất, non nước… có khi là sơn son đỏ chót, có khi là sơn then đen ngòm… Rồi còn nhiều chất liệu khác đã thực sự làm phong phú hình thức nghệ thuật.

Thông thường người ta xem tranh theo “cái thấy” không giống “cái thấy thì không đẹp”. Danh họa Picasso đã nói “Tôi vẽ theo cái hiểu, chứ không vẽ theo cái thấy”, “Tôi vẽ cùng với tự nhiên, chứ không vẽ theo tự nhiên”. Ông đã khẳng định vai trò của “cái hiểu”, vai trò của chủ thể sáng tạo.

Phải hiểu ngôn ngữ mỹ thuật mới sáng tác, thẩm định, hưởng thụ mỹ thuật tốt, phải bắt đầu từ những bài học vỡ lòng về mỹ thuật. Ngay như tranh, ảnh đều là nghệ thuật thị giác, nghệ thuật không gian. Vậy tranh khác gì ảnh?

Tranh chiếm không gian lồi, họa sĩ nhìn trực tiếp tự nhiên hiện thực. Còn ảnh là không gian phẳng, nhìn qua máy ảnh. Cũng vậy, cách chiếm lĩnh không gian khác nhau dẫn đến phân chia các loại hình mỹ thuật: Hội họa chiếm lĩnh không gian 3 chiều trên mọi mặt phẳng, trang trí chiếm lĩnh không gian 2 chiều trên một mặt phẳng, điêu khắc dùng khối chiếm lĩnh không gian 3 chiều. Chưa hết, hội họa còn chia ra nhiều thể loại tranh phong cảnh, tranh chân dung, tranh tĩnh vật, tranh sinh hoạt, tranh lịch sử chiến trận với nhiều chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, bột màu… Mỗi một thể loại, mỗi một chất liệu đều có ngôn ngữ đặc thù và vẻ đẹp riêng, luôn đòi hỏi người vẽ phải tinh thông ngôn ngữ, chất liệu, kỹ thuật. Điêu khắc, đồ họa, trang trí cũng có nhiều thể loại, chất liệu… Quả thật mênh mông quá!

Học mỹ thuật phải có hệ thống, khổ công như vậy, đến khi sáng tác, cảm thụ thì danh họa Tô Ngọc Vân lại dạy “đẹp tức là cảm xúc mạnh”, “không cần biết đến chuyện bếp núc” đã khẳng định vai trò của con đường tình cảm. Tất nhiên, không thể không học nên hiểu học để rồi quên đi mỗi khi sáng tác, cảm thụ thưởng thức mỹ thuật chủ yếu bằng con đường tự học, tự đào tạo, thường xuyên tiếp xúc với tác giả, tác phẩm tiêu biểu, đặc biệt không được phép lấy “cái thấy” làm thước đo giá trị mỹ thuật đẹp.

Tôi biết năm 2012 đội ngũ thầy cô dạy mỹ thuật ở các trường phổ thông cơ sở đã hiện diện ở các trường huyện, trường xã ở vùng sâu, vùng xa, Tây Nguyên, Tây Bắc- Việt Bắc. Không như trước đây chỉ dừng lại ở các thành phố lớn. Các giáo viên dạy mỹ thuật ở các trường phổ thông đã được nâng cấp có trình độ đại học sư phạm mỹ thuật, một đội ngũ đông đảo thầy cô ở cơ sở được coi là cái gốc, cái nền góp phần xây dựng đời sống mỹ thuật và nâng cao dân trí mỹ thuật. Một thành tựu của giáo dục mỹ thuật. Tất nhiên còn nhiều bất cập về đội ngũ, chương trình, sách giáo khoa và nhất là phương pháp giảng dạy mỹ thuật cho tuổi thơ. Không thể không đổi mới và cách tân…

Đã đến lúc chúng ta cần phổ cập và nâng cao thưởng thức mỹ thuật thường xuyên hơn. Phải biết tận dụng các phương tiện khoa học nghe nhìn làm công cụ giáo dục mỹ thuật. Bài viết này đã đặt ra một vấn đề quá lớn, vượt tầm của một người nên tôi mong được đối thoại rộng rãi nhằm góp phần xây dựng một mô hình giáo dục mỹ thuật. Đó là thiển ý của người viết.

 

                                                                                                 L.Q.B

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter