• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Văn học nghệ thuật Yên Bái với việc nâng cao sắc thái văn hoá trong sáng tạo
Ngày xuất bản: 14/05/2020 3:40:09 CH

Nguyễn Hoàng

Cả nước hiện nay có trên 80 cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật trong tổng số hơn 850 cơ quan báo chí của cả nước. Tuy nhiên trước thực trạng hiện nay là người đọc ít hào hứng với các ấn phẩm báo chí văn nghệ, ta có thể nghĩ đến một vài nguyên nhân cơ bản sau:

Hiện nay ý thức giữ gìn và phát huy sắc thái văn hoá trong sáng tạo VHNT chưa thực sự có chỗ đứng vững chắc trong cộng đồng dân tộc và việc giữ gìn, phát huy đó còn mang tính “bao cấp”, dựa trên sự hỗ trợ của nhà nước là chính mà chưa khơi dậy, phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác của các chủ thể sáng tác.

Ngoài ra việc đầu tư cho hoạt động sáng tạo văn nghệ chưa thực sự cân xứng và việc nhận thức chưa thấu đáo về các giá trị văn hoá dân tộc đã dẫn đến hệ luỵ đó là sự ra đời của những sản phẩm văn hoá “Không giống ai”, không rõ bản sắc dân tộc…

 Thực trạng đó khiến ta băn khoăn, làm thế nào để khi cầm một cuốn báo, tạp chí văn nghệ trên tay, chưa cần xem trang bìa, chỉ lật giở xem qua nội dung bên trong ta phải biết ngay tờ báo, tạp chí đó là của địa phương nào? Và giải pháp nào thực sự hữu hiệu cho việc nâng cao sắc thái văn hoá trong sáng tạo VHNT địa phương giữa thời đại bùng nổ thông tin, tràn lan văn hoá đọc và chuẩn giá trị thẩm mĩ liên tục bị xê dịch?

Trước hết ta cần làm rõ hai cụm từ “Văn hoá” và “sáng tạo văn hoá”. Chúng ta vẫn hiểu văn hoá với hai phạm trù thông thường đó là văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể. Tuy nhiên nhìn nhận một cách sâu sắc thì con người mới chính là một sản phẩm văn hoá đặc biệt. Con người là chủ thể sáng tạo ra văn hoá nhưng chính con người cũng là chủ thể thể hiện văn hoá.

“Sáng tạo” đó là sự không ngừng tìm tòi cái mới nhưng không phải cái mới nào cũng được coi là sáng tạo. Cái mới ấy phải hữu ích. Theo đó “Sáng tạo VHNT” là sáng tạo những tác phẩm mới nhưng phải phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc nói chung và văn hoá từng vùng nói riêng, từ đó sẽ góp phần đưa dân tộc đó, địa phương đó phát triển.

Theo đó việc tìm ra giải pháp nhằm nâng cao sắc thái văn hoá trong sáng tạo VHNT từng vùng suy cho cùng chính là hướng về con người.

Trong thời gian tới để có thể nâng cao sắc thái văn hoá trong sáng tạo VHNT, thể hiện được những tinh hoa văn hóa của vùng đất mình đang sống thì điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất chính là chủ thể sáng tạo VHNT. Người sáng tạo VHNT phải thực sự am hiểu về văn hoá địa phương, có năng lực để đưa những am hiểu đó đến với độc giả thông qua các tác phẩm cụ thể. Tự thân những người sáng tạo phải năng học hỏi, nâng cao hiểu biết đồng thời “coi trọng” những người thực sự am hiểu về văn hoá địa phương, từ đó đẩy mạnh việc truyền dạy các giá trị văn hoá, di sản văn hoá từ các nghệ nhân cho các thế hệ trẻ theo hình thức tự phát (người này dạy cho người kia) hoặc chính quy (đào tạo, giảng dạy qua trường lớp), truyền tình yêu bản sắc văn hoá dân tộc cho thế hệ trẻ. Cơ quan thường trực các Hội địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hoá dân gian; ưu tiên đăng tải những tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của mỗi vùng đất, con người, để những phong tục tập quán, văn hoá địa phương luôn là nền tảng, là vốn để người đọc có thể hiểu rõ về những nét văn hoá mang sắc thái riêng biệt của mỗi vùng miền.

Khi đã có những tác phẩm VHNT mang đậm sắc thái văn hoá địa phương thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để đến được với công chúng, để việc “nâng cao” đó thực sự có hiệu quả? Ở đây ta nghĩ đến việc thể hiện nét độc đáo riêng của địa phương mình trong sáng tạo VHNT qua những ấn phẩm chuyên biệt. Cạnh đó là những hình thức quảng bá, công bố tác phẩm rộng rãi có tầm quy mô trong nước và ra ngoài thế giới thông qua các cuộc triển lãm, hội thảo, công bố tác phẩm được đầu tư công phu và kỹ lưỡng. Vấn đề cuối cùng vẫn là kinh phí đầu tư cho việc trang bị máy móc thiết bị tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, hỗ trợ kinh phí đi thực tế sáng tác cho các văn nghệ sĩ. Có vậy mới cho ra đời những tác phẩm chất lượng, phản ánh sâu sắc, sinh động đời sống văn hoá của địa phương.

Ý thức rõ điều đó, Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái luôn đổi mới trong công tác tham mưu, tổ chức các hoạt động VHNT; Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý, biên tập viên, phóng viên của tạp chí; Chú trọng đổi mới, nâng cao chất và lượng của các ấn phẩm (Tạp chí Văn nghệ Yên Bái, Văn nghệ Yên Bái vùng cao, Trang VHNT Yên Bái điện tử) thông qua các cuộc Hội thảo, tọa đàm; Tập trung tổ chức tốt các cuộc triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị tỉnh giao; Chủ động tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật trong tỉnh; Phối hợp với các Sở ban ngành mở các chuyên mục mới, tổ chức các cuộc thi đạt hiệu quả cao; Luôn chú trọng công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu tiếp tục phát triển mạnh mẽ nền VHNT Việt Nam trong thời kỳ mới thông qua việc: Cử các hội viên tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du tổ chức; Tham gia các trại sáng tác về VHNT do UBTQ Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam tổ chức; Tạo điều kiện cho các Chi hội chuyên ngành đi thực tế sáng tác tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Ninh Bình… từ đó các văn nghệ sĩ có cảm nhận riêng về cuộc sống, lấy cảm xúc để sáng tác những tác phẩm văn học, vẽ những bức tranh, chụp những bức ảnh thấm đẫm hơi thở cuộc sống, phản ánh một cách chân thực, sinh động cuộc sống con người tại địa phương.

Bên cạnh đó, công tác công bố, giới thiệu, quảng bá tác phẩm được Hội chú trọng thực hiện với nhiều hình thức, phù hợp với từng loại hình VHNT. Hiện nay Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái với 3 ấn phẩm đã mở ra các chuyên mục, chuyên ngành đăng tải nhiều tác phẩm tập trung phản ánh văn hoá địa phương qua các thể loại thơ, truyện ngắn, ký, tản văn, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc. Đặc biệt những tác phẩm song ngữ mang đậm tính dân tộc, trực tiếp đến với bạn đọc là đối tượng dân tộc thiểu số đã phát huy tác dụng tốt. Những chuyên mục như “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Yên Bái chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Thành phố Yên Bái hướng tới đô thị loại II”, “Đất và người Yên Bái”, “Yên Bái qua ống kính nghệ sĩ”… đã thu hút đông đảo hội viên, cộng tác viên tham gia với nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng, mang đậm dấu ấn vùng đất, con người Yên Bái. Song song với đó, Hội còn tổ chức các hoạt động triển lãm, trưng bày, hội thảo, tọa đàm nhằm giới thiệu tác phẩm của hội viên đến công chúng và người yêu VHNT cả nước. Công tác lý luận, phê bình VHNT có nhiều chuyển biến tích cực. Việc phân tích, đánh giá, định hướng hoạt động sáng tác văn nghệ, nâng cao các giá trị tư tưởng, thẩm mỹ của VHNT tác động tích cực đến nhu cầu, thị hiếu công chúng đã từng bước được nâng lên, nhằm từng bước phát triển VHNT Yên Bái một cách bền vững. Việc phát triển đội ngũ sáng tác, tăng cường lực lượng trẻ được chú trọng. Hoạt chuyên môn được phát triển thông qua một loạt hoạt động: Tổ chức ngày thơ hàng năm, ngày âm nhạc, nhiếp ảnh Việt Nam; sinh hoạt thơ hàng tháng… với nhiều lượt hội viên tham gia, công bố hàng nghìn tác phẩm VHNT đậm màu sắc Yên Bái.

Với trọng trách hướng bạn đọc đến với các giá trị chân- thiện- mỹ; góp phần ngày một nâng cao mặt bằng văn hóa xã hội; phát huy chức năng của nghệ thuật đó là khám phá, sáng tạo, thể nghiệm, dự báo...; Báo, tạp chí văn nghệ khẳng định vai trò không thể thiếu vắng trong đời sống xã hội. Việc tìm giải pháp để những sáng tạo VHNT mang đậm sắc thái dân tộc trở thành một trong những vấn đề cấp bách. Điều này đỏi hỏi sự chung tay vào cuộc của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện của địa phương và sự nỗ lực của cơ quan Thường trực Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh thành để có thể thực hiện tốt các đề án về phát triển VHNT trong giai đoạn tới, để báo chí văn nghệ thực sự gánh vác được trọng trách giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc của Nghị Quyết TW5 khóa 8 và đúng tinh thần Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục xây dựng và phát triển Văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”.

N.H

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter