• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Khi dịch bệnh 'bước vào' văn học thế giới
Ngày xuất bản: 25/03/2020 7:50:03 SA

Ở thời điểm cả thế giới đang phải ứng phó với đại dịch Covid-19, nhiều người đã đọc lại những tác phẩm văn học từng gây ấn tượng mạnh về đề tài dịch bệnh.

 Bệnh đổ mồ hôi

Trong Wolf Hall, tác phẩm đoạt giải Booker năm 2009, nhà văn Hilary Mantel đã mô tả chi tiết về căn bệnh đổ mồ hôi, một căn bệnh bí ẩn nảy sinh trong triều đại Tudor của Anh.

Thực tế, căn bệnh này xuất hiện trùng với sự khởi đầu của triều đại Henry VII. Sau này, người ta cho rằng Hoàng tử Arthur đã “chịu thua” trước căn bệnh này. Những chi tiết đó đã được tái hiện trong cuốn tiểu thuyết của Mantel, khi hoàng tử trẻ Henry kết hôn với góa phụ của người anh trai quá cố của mình và chỉ hủy bỏ cuộc hôn nhân khi cô không sinh được quý tử thừa kế, khiến nước Anh chia rẽ với Roma.

Trong Wolf Hall, Thomas Cromwell là nhân vật chính. Vợ và các con của Cromwell nhiễm bệnh. Khi Cromwell chia tay vợ vào buổi sáng, cô đang ngủ nhưng khăn trải giường thì ẩm ướt. Khi Cromwell trở về vào buổi tối, ngôi nhà tràn ngập “mùi hương của các loại thảo mộc mà họ đang đốt nhằm đối phố với căn bệnh truyền nhiễm”. Vợ Cromwell đã không còn ngủ lịm đi và anh hy vọng rằng nếu sống sót qua đêm đó cô sẽ bình phục. Nhưng càng đến sáng cô càng yếu dần. Cromwell phải đóng cửa ngôi nhà của gia đình mình để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh…

 

Bìa cuốn “Wolf Hall”.

Cho đến nay, nguyên nhân thực sự của căn bệnh này vẫn chưa được biết. Người mắc sốt rét cũng có triệu chứng gần giống như vậy nhưng không diễn ra dữ dội như căn bệnh đổ mồ hôi. Bệnh tái phát trong suốt thế kỷ 16 và bùng phát khủng khiếp vào năm 1528, trước khi biến mất sau năm 1578.

Theo bác sĩ John Caius, người chứng kiến đợt bùng phát cuối cùng vào năm 1578, các triệu chứng đầu tiên của căn bệnh đổ mồ hồi này gắn với việc run lên vì rét, đau đầu và đau chân tay, sau đó đổ mồ hôi, khát nước và mê sảng. Cuối cùng, bệnh nhân sẽ kiệt sức, suy sụp và buồn ngủ. Một số trong những triệu chứng này giống với bệnh dịch hạch, nhưng không có triệu chứng sưng tấy hoặc biến màu da. Cái chết có thể xảy ra trong vài giờ với người mắc bệnh.

Bệnh dịch hạch

Năm 1665, nhân loại thế giới phải hứng chịu bệnh dịch hạch với khoảng 100.000 người chết, tương đương khoảng 15% dân số London thời điểm đó. Và năm 1722 nhà văn Daniel Defoe đã tung ra cuốn A Journal Of The Plague Year.

 

Thực tế, khi bệnh dịch hạch bùng phát, Defoe mới 5 tuổi. Nhà văn viết cuốn sách này dựa vào một cuốn nhật ký do người chú của mình lưu giữ. Defoe cố gắng hết sức để tạo ấn tượng về tính chân thực, đưa số liệu thực tế vào tác phẩm của mình. Do vậy, thật dễ dàng để biết lí do tại sao A Journal Of The Plague Year được coi là một tác phẩm có tính chân thực cao.

Nhân vật chính trong cuốn truyện của Defoe chọn ở lại thành phố khi căn bệnh đang bùng phát và theo dõi cảnh số người chết tăng lên ở các giáo xứ xung quanh. Anh ta “tràn đầy những suy nghĩ nghiêm túc về sự khốn khổ đang xảy ra trong thành phố và thảm cảnh của những người sẽ bị bỏ lại”.

Đáng nói, A Journal Of The Plague Year được quan tâm trở lại vào năm 1919, khi Australia bị đại dịch cúm “Spanish Flu”. Một tờ báo trích in cuốn sách như một nguồn thông tin tham khảo về cách tránh lây nhiễm.

Ngoài ra, một đợt bùng phát của căn bệnh dịch hạch, tại thành phố Oran của Algeria vào năm 1849 cũng được cho là đã truyền cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết The Plague của Albert Camus.

Cúm “Spanish Flu”

“Cái chết có quá nhiều cánh cửa để đẩy lui sự sống” - John Fletcher từng viết. Và trong cuốn Life After Life (2013) của Kate Atkinson, các nhân vật quả thật đã bị đẩy ra khỏi cuộc đời bằng những cánh cửa như vậy.

Cuốn tiểu thuyết có cấu trúc khác thường, lặp đi lặp lại các phiên bản khác nhau trong cuộc đời của nhân vật chính Ursula Todd, sinh ngày 11/2/1910. Trong phiên bản đầu tiên, cô bị chết non do dây rốn siết cổ. Trong những lần lặp lại sau này, cô chết khi còn nhỏ - chết đuối dưới biển. Sau đó, cô trở thành nạn nhân của “Spanish Flu” năm 1918. 

Trong cuốn sách, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong, như chết đuối, thai chết lưu. Nhưng, cái chết đáng sợ nhất là “Spanish Flu”, dịch bệnh có thật và từng lan khắp thế giới hồi năm 1918. Trong sách, các triệu chứng thường gặp của căn bệnh là da biến màu, chảy máu từ tai, mũi và mắt. Khám nghiệm tử thi cho thấy phổi của nạn nhân bị tổn thương. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc căn bệnh này, đặc biệt là độ tuổi từ 18 - 25.

Giống như bất cứ loại cúm nào, khi virus lây lan nhanh chóng trong đám đông, nhiều thành phố đã cấm các cuộc tụ hội công cộng. Và gia đình Ursula đã tránh xa các lễ kỷ niệm ở London, nhưng đứa con trai nhỏ của cô vẫn chết trong nạn dịch.

Viêm não Lethargica

Viêm não lethargica (Encephalitis lethargica), còn được gọi là bệnh buồn ngủ khiến nạn nhân rơi vào trạng thái hôn mê. Các triệu chứng khác bao gồm các vấn đề về giọng nói, co thắt cơ bắp và thay đổi hành vi bao gồm rối loạn tâm thần.

Mặc dù các trường hợp đầu tiên được báo cáo vào khoảng năm 1915, nhưng phần lớn dịch bệnh này xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 1918 đến năm 1926. Nguyên nhân gây bệnh đến giờ vẫn còn bí ẩn. Các giả thuyết hiện nay cho thấy rằng viêm não Lethargica có thể là nguyên nhân của một phản ứng miễn dịch đối với các nhiễm trùng cổ họng. Thực tế, các phương pháp điều trị vẫn được phát triển trong suốt nửa thế kỉ sau khi dịch bệnh này xảy ra, dù hiệu quả của nó khá thấp.

 

Bìa cuốn “Umbrella”.

Trong cuốn Awakenings xuất bản năm 1973, nhà tâm lý học Oliver Sacks đã viết về căn bệnh này. Và ông được tái hiện trong cuốn tiểu thuyết Umbrella (2012) của Will Self, từng lọt vào vòng chung tuyển giải Booker. Nhân vật trung tâm của cuốn sách là Tiến sĩ Zack Busner, một nhà tâm lý học ở thập niên 1970. Bệnh nhân của anh là Audrey Death, một công nhân đã mắc căn bệnh này vào năm 1918 và từ đó đã rơi vào tình trạng hôn mê.

Trong Umbrella, dường như không biết gì về thế giới bên ngoài, Audrey và những người mắc bệnh không ngừng lặp lại những hành động dường như vô nghĩa, làm các động tác đánh máy hoặc thực hiện các nhiệm vụ trên dây chuyền sản xuất. Tiến sĩ Busner phải học cách giao tiếp với bệnh nhân bằng cách quay phim và phân tích những hành động lặp đi lặp lại của họ.

Theo nguồn: Văn nghệ Quân đội

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter