• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Người cùng tuổi
Ngày xuất bản: 29/06/2021 2:18:24 SA

Truyện ngắn của Phan Long Định

 

Tôi với Xuyến cùng tuổi, thậm chí chút nữa còn cùng ngày sinh. Thím tôi kể.  Hôm đó là mười bốn tháng chạp, thím cùng mẹ tôi và mẹ Xuyến đi chợ sắm tết. Thím rất lo khi đi chợ cùng hai người đàn bà bụng mang dạ chửa đã đến kỳ sinh nở. Sau phiên chợ ấy. Đến đêm thì sinh Xuyến và trưa hôm sau tôi cũng ra đời. Nhà cùng xóm lại cùng tuổi, tôi và Xuyến chơi thân với nhau từ tấm bé. Mọi người cứ chế tôi với Xuyến là hai vợ chồng, với câu cửa miệng “vợ chồng cùng tuổi, nằm duỗi mà ăn”. Lúc đầu tôi xấu hổ cãi lại, mọi người càng chế nhiều hơn. Nghe nhiều thành quen, tôi bỏ ngoài tai những câu chế diễu, thế là mọi người cũng bớt dần.

Gia cảnh chúng tôi cùng lam lũ ruộng đồng. Nhà Xuyến chỉ có hai mẹ con sống cùng với bà nội. Nghe kể bố Xuyến mất lúc chúng tôi mới được hai tuổi. Ông mất do sốt rét ác tính, sau đợt ông đi dân công hỏa tuyến ở Điện Biên về. Tôi thì ngoài chị gái còn thêm hai đứa em nữa. Thế nên Xuyến được chiều chuộng, từ quần áo đến đôi dép và những cái cặp tóc xinh xinh, thứ gì cũng mới. Phần tôi thì bố mẹ phải cật lực bươn trải mới có cho chị em tôi ngày ba bữa cơm độn sắn. Sung sướng là thế nhưng Xuyến lúc nào cũng ao ước mẹ nó đẻ cho một đứa em để được địu em như tôi. Nghe nó nói mà tôi thấy ớn đến tận mang tai. Nó biết đâu rằng nhiều hôm mải chơi nên bị em đái vào lưng áo, đến khi cởi địu ra thì cái vạt áo tôi đã khô cứng.

Xóm tôi đón trên chục hộ ở dưới xuôi lên xây dựng vùng kinh tế mới. Cả xóm giúp các gia đình dựng những ngôi nhỏ quanh chân đồi. Bỗng dưng một ông trong số đó dắt theo đứa bé gái đến ở nhà Xuyến. Một buổi trưa, bố tôi tủm tỉm cười và nói với mẹ:

- Hai người ấy rổ rá cạp lại, nhưng được đấy!

- Cũng còn khó khăn lắm- Mẹ tôi thở dài đáp. 

- “Vợ chồng cùng tuổi, nằm duỗi mà ăn”, các cụ chả nói thế từ xưa là gì?- Bố tôi trả lời, nhưng mẹ tôi hầu như chẳng mấy quan tâm.

Tôi láng máng hiểu chuyện. Nhiều hôm sau đó chúng tôi đi thả trâu mà thấy Xuyến cứ buồn rười rượi. Không kìm được thắc mắc, tôi hỏi:

- Mày làm sao thế Xuyến?

- Tao không cần ông ấy, tao không cần mẹ lấy chồng!-  Xuyến òa lên nức nở, nói với tôi qua hai hàng nước mắt.

- Nhưng…- Tôi ngần ngừ chưa biết nói thế nào thì Xuyến kể lể.

- Tao chỉ cần bà nội và mẹ thôi. Đằng này ông ấy dắt theo con Nga, đầu đầy chấy. Rồi bắt tao gọi ông ấy bằng bố, mà con Nga lại thành em gái tao nữa chứ… hu…hu...

- Ơ, thế lúc nào mày cũng ước có được đứa em, thì nay mày có con Nga đó thôi?- Tôi thật thà hỏi lại.

- Nhưng mà… phải là em do mẹ tao đẻ ra như em mày cơ- Xuyến tiếp tục hậm hực.

Biết không thể an ủi, mà cũng không còn lý lẽ gì để nói với Xuyến, tôi tần ngần buông một câu vô trách nhiệm “Kệ mày!” rồi chạy theo mấy đứa con trai đang đánh đáo, để Xuyến ngồi lại một mình khóc tức tưởi ở bờ ruộng.

Thế là Nga trở thành em gái của Xuyến từ ngày đó. Nga gầy gò, đen nhẻm, tóc lúc nào cũng rối bù xù, bộ quần áo vá chằng vá đụp, duy chỉ có đôi mắt là trong veo. Gặp bọn tôi, Nga thường rụt rè nấp sau lưng Xuyến. Tôi gặng hỏi, Nga cúi đầu mãi mới khẽ nói:

- Em bảy tuổi, mẹ em chết lúc em mới lên hai!

Nhìn mắt Nga ầng ậc nước, tôi chả dám hỏi thêm. Lại một điều trùng lặp, đó là Nga cũng cùng tuổi với em gái tôi. Em gái tôi vô cùng lười biếng, nó chả chịu trông em mà cứ chạy lông bông suốt ngày. Thành ra tôi vừa trông em, vừa quét nhà lại còn nấu cơm nữa. Có lần tôi tức mình bạt tai nó, chẳng biết nó ton hót thế nào với mẹ, làm tôi bị một trận đòn nên thân. Ngược lại, Nga tuy gầy gò nhưng rất chịu khó giúp Xuyến làm các công việc nhà. Một hôm tôi đi bắt cua ở đám ruộng lúa non mơn mởn, nhìn về phía bờ suối thấy thấp thoáng chị em Xuyến bên đám khoai nước. Chúng đang cắt cây khoai nước về nấu cám lợn. Cắt xong, Xuyến chất vào quang rồi bắt Nga gánh về. Còn Xuyến cầm cái liềm lẽo đẽo phía sau. Thân cây khoai nước cao lút đầu, nên chất vào quang gánh mà cứ trệt ra đất. Người Nga thấp bé, gánh khoai nước kéo lết trên mặt đất. Tôi vội chạy lại, nhìn thấy mặt Nga đầm đìa mồ hôi, thân người trành về phía trước tựa như con trâu kéo gỗ. Nga lại mặc cái quần lửng, bị nhựa khoai nước làm hai bắp chân ngứa đỏ ửng lên thành vầng. Thấy tôi đến, hai chị em Xuyến dừng lại. Nga vừa sụt sịt khóc và cúi xuống gãi hai bắp chân. Tôi ngạc nhiên hỏi Xuyến:

- Trời ơi, nó bé tí mà sao mày lại bắt nó gánh thế? 

Xuyến lên giọng của một bà cụ non, hầu như chả ăn nhập với câu hỏi của tôi:

- Khóc cái gì mà khóc chứ, còn bé không chịu khó mà làm, lớn lên chả biết việc gì, lấy chồng nhà chồng mới chửi cho!

- Khiếp! Sao mà Xuyến nói buồn cười thế?- Tôi thắc mắc.

- Chứ chả không à!

Biết không thể lay chuyển được Xuyến, nên tôi nói:

- Thôi! Tao gánh đỡ cho nó vậy!

- Không cần! Để cho nó làm!-  Xuyến dẩu môi lên với tôi.

Mặc cho Xuyến không đồng ý, tôi bước tới nhấc gánh đặt lên vai và lầm lũi bước đi.

Năm sau, mẹ Xuyến sinh được đứa em trai. Mẹ tôi cũng lại sinh thêm một em trai nữa. Thế là việc địu em lại được mẹ khoác lên đôi vai gầy gò của tôi. Tôi nghĩ chắc Xuyến cũng thích địu em lắm. Nhưng trái với suy nghĩ của tôi. Xuyến chỉ địu em được một lúc là kêu mỏi và đòi mẹ cởi địu ra. Mẹ Xuyến đang bận việc chưa kịp cởi, Xuyến bực mình cấu mạnh vào hai bên đùi cu Đạt làm nó khóc thét lên. Thế là mẹ Xuyến phải phủi tay, cởi địu ra cho nó. Nhìn đùi thằng bé nhiều nốt tím bầm, tôi hết sức xót xa. Tôi liền nói với Xuyến:

- Mày làm thế nó đau lắm đấy!

- Kệ! Nó là con của ông ấy, chả dây dưa gì đến tao- Xuyến tỉnh bơ trả lời.

- Mày ác lắm!-Tôi điên tiết quát vào mặt Xuyến.

Đạt lớn dần trong tình yêu thương của cha mẹ và mọi người, ngoại trừ Xuyến. Vì nó cùng tuổi với em trai tôi, lại hay được tôi bày cho chúng các trò chơi, nên nó rất thích đến nhà tôi chơi. Một buổi trưa, nó đứng lấp ló ở ngoài cửa gọi tôi:

- Anh Tân ơi, ra đây em bảo cái này.

Tôi chạy ra ngạc nhiên hỏi nó:

- Có chuyện gì sao em không vào nhà mà nói?

Đạt không nói gì mà kéo tôi ra đầu nhà với một vẻ hết sức bí mật. Nó thủ thỉ:

- Chuyện này em kể, anh không được nói với ai nhé.

- Ừ. Nói đi, anh sẽ bí mật- Tôi sốt ruột giục nó.

Nghe tôi nói thế, nhưng Đạt vẫn ngó quanh như sợ ai nghe trộm vậy. Nó hạ giọng thì thào:

- Anh Tân ơi! Tối hôm qua mẹ em tát cho chị Xuyến mấy cái nhé.

Tôi thoáng băn khoăn hỏi Đạt:

- Sao? Sao mẹ em lại đánh chị Xuyến?

- À, là… là… do chị Nga…

- Chị Nga làm sao ?- Tôi vồ vập hỏi.

- Chị Nga bị… bị chảy... chảy máu...  nên lấy trộm xô màn của chị Xuyến. Thế là chị Xuyến đánh chị Nga. Hôm nay mẹ em mua xô màn mới tinh cho chị Nga rồi. Anh Tân đừng nói với hai chị ấy là em kể cho anh biết nhé.

Nghe thằng bé ngây ngô kể và căn dặn, mặt tôi nóng ran lên. Nó nhìn tôi trân trân cho đến khi tôi gật đầu, nó mới chạy vụt về nhà.

Tôi vừa học xong cấp hai thì tình nguyện nhập ngũ. Hôm trước khi lên đường, chi đoàn tổ chức liên hoan văn nghệ đưa tiễn mấy anh em chúng tôi. Đang xem văn nghệ say sưa thì Xuyến đến bên cạnh tôi nói nhỏ:

- Tân ơi! Ra đằng kia mình có chuyện này muốn nói với cậu.

Xuyến nói và đi nhanh ra rặng tre um tùm phía bờ mương, tôi lững thững bước theo. Tiếc rẻ tiết mục văn nghệ, nên vừa đi theo Xuyến, tôi vừa ngoảnh lại. Xuyến cứ lủi thủi đi dọc bờ mương, đến khi không còn nghe tiếng hát tiếng đàn nữa mới đứng lại. Đang định hỏi xem có chuyện gì thì Xuyến nói:

- Tân ơi, trăng đẹp nhỉ.

Bởi từ chập tối, tôi hòa vào không khí của buổi liên hoan văn nghệ. Mải nghe những lời chúc tụng, nghe những bài hát hào hùng của đội văn nghệ chi đoàn. Hòa vào ánh sáng tưng bừng của ngọn đèn măng xông. Lúc này nghe Xuyến nói tôi mới để ý. Trăng đẹp thật. Ánh trăng lung linh huyền ảo trải khắp xóm làng làm cho bầu trời trong vắt như cao thêm. Nhưng điều mà tôi quan tâm lúc này không phải là ánh trăng, không phải là bầu trời lung linh kia, mà là bỗng dưng Xuyến lại gọi tôi tách ra khỏi đám đông. Chả lẽ là để ngắm trăng. Tôi miễn cưỡng trả lời Xuyến:

- Ừ đẹp lắm. Nhưng mà Xuyến gọi tôi ra đây có việc gì?

- Mai anh đi rồi!- Xuyến chậm rãi nói.

Từ tấm bé, tôi và Xuyến chỉ gọi nhau bằng mày, tao, cậu, tớ. Hôm nay bỗng dưng Xuyến gọi bằng anh. Tôi đâm lúng túng. Chợt tôi buột miệng:

- Anh?

- Vâng, mai anh đi rồi!- Xuyến vẫn cố ý nhắc lại.

- Thế thì sao?- Tôi sốt ruột hỏi lại.

Xuyến ngồi xuống bờ mương và nói:

- Thì anh cứ ngồi xuống đây đã.

Tôi tần ngần, ngồi xổm xuống cạnh Xuyến, chờ đợi. Mãi chẳng thấy Xuyến nói gì, tôi băn khoăn định hỏi lại lần nữa. Bỗng Xuyến ngồi sát lại và nắm lấy bàn tay tôi. Bị bất ngờ, tôi rụt tay lại như bị bỏng. Nhưng Xuyến càng nắm chặt tay tôi hơn. Tôi lắp bắp:

- Ớ… Xuyến… Xuyến làm gì vậy?

Lần đầu tiên trong đời có một người con gái chủ động nắm lấy bàn tay tôi. Mùi hương bưởi thoang thoảng tỏa ra từ người Xuyến. Hai bàn tay mềm mại, ấm nóng của Xuyến cứ miết vào lòng bàn tay thô ráp của tôi. Qua hơi thở nồng nàn, Xuyến nói mà tôi nghe như văng vẳng từ cõi xa xăm nào đó vọng lại:

- Anh Tân… em yêu… anh!

Tôi vẫn cố gắng gỡ tay mình ra, lóng ngóng thế nào chạm cả vào chỗ nhạy cảm trên người Xuyến. Nhưng Xuyến không hề có phản ứng gì. Tôi hết sức ngạc nhiên, đầu óc mụ đi, không thể tìm được câu trả lời Xuyến. Đã có lúc bọn con trai mới lớn chúng tôi túm năm, tụm ba bàn luận. Chúng tôi nói về đàn bà, về người sau này mình yêu thương rồi sẽ trở thành người vợ đảm đang, chúng tôi sẽ có với nhau những đứa con kháu khỉnh, đáng yêu. Thực ra đó toàn là những chuyện chúng tôi tưởng tượng ra chứ đã có đứa nào biết thực hư ra sao. Nay bỗng dưng thấy Xuyến nói vậy, tôi giật mạnh tay ra khỏi bàn tay Xuyến và nói một cách dứt khoát:

- Không!

- Sao? Em yêu anh thật mà!...- Xuyến vẫn hổn hển.

- Tôi … tôi chưa nghĩ đến điều đó!- Tôi trả lời Xuyến.

- Anh Tân…

- Xuyến ơi! Tôi đi không biết sống chết thế nào, chiến tranh mà.- Tôi lấy lại bình tĩnh trả lời Xuyến.

- Thế chả nhẽ chiến tranh thì người ta không có quyền được yêu nhau?

- Để hòa bình, nếu còn sống trở về sẽ tính sau!- Tôi trả lời một cách thật thà. 

Xuyến cúi xuống, cả hai cùng im lặng. Xuyến hít một hơi dài, đứng dậy, chạy vụt đi ném lại tôi một câu đầy tức tối:

- Ngốc! Anh ngốc lắm Tân ạ!

 Tôi ngồi thừ ra, cấu mạnh vào má mình. Vẫn đau. Tôi chợt nghĩ “không phải mình mơ, vậy mình vừa nói gì nhỉ”. Cảm giác tàn nhẫn xâm chiếm lòng tôi, mãi tôi mới uể oải đứng dậy.

Cả đêm ấy tôi không sao chợp mắt được. Cái thân hình thon, gọn, chắc nịch của Xuyến. Hai bàn tay mềm mại, ấm áp của Xuyến cứ vuốt ve bàn tay tôi. Giọng nói thiết tha, cái mùi thoang thoảng của hương bưởi trên tóc Xuyến cứ hiện lên trong tâm trí tôi. Tôi cứ lung mung nằm nghĩ “Xuyến yêu tôi ư? Nhưng tôi đã bao giờ nghĩ yêu Xuyến đâu? Tôi với Xuyến xưa nay vẫn là hai đứa bé cùng tuổi thôi mà, sao lại…”. Hôm sau, không thấy Xuyến đi tiễn. Tôi nghĩ như vậy lại càng may, vì nếu có mặt Xuyến không biết tôi sẽ phải nói thế nào nữa.

Tôi cũng gửi vài lá thư về cho Xuyến. Nhưng trong thư tôi không hề đả động đến chuyện Xuyến tỏ tình với tôi trước ngày nhập ngũ cả. Tôi vẫn chỉ coi Xuyến là bạn bè cùng tuổi mà thôi. Tôi trở về sau ngày miền Nam giải phóng. Người đầu tiên tôi gặp ở đầu làng lại là Xuyến. Xuyến xộc xệch, trên tay bế một đứa bé và dắt thêm một đứa tầm bốn tuổi. Tôi lúng túng chào, nhưng Xuyến không có vẻ gì là vồ vập. Hơi nhếch mép, Xuyến buông thõng một câu:

- Con tôi đấy, chào chú đi con!

Thằng bé nhìn tôi lạ lẫm, mãi nó mới chào tôi bằng giọng ngọng líu ngọng lô:

- Cháo… chào chú!

- Ừ. Cháu ngoan quá, chào cháu!- Tôi chào lại nó và cười, hạ cái ba lô xuống định lấy túi kẹo cho hai đứa bé thì Xuyến buông một câu cay nghiệt:

- Vẫn về được cơ à? Tưởng bỏ xác ở xó xỉnh nào rồi ấy chứ?- Rồi Xuyến lôi xềnh xệch thằng bé đi.

Tôi buông tay, cái ba lô rơi phịch xuống đất. Ngơ ngẩn nhìn theo mẹ con Xuyến. Không hiểu sao Xuyến lại nói với tôi những lời độc địa đến vậy. Đành rằng trước đây Xuyến nói yêu tôi, còn tôi thì chưa chuẩn bị tâm thế đón nhận tình cảm của Xuyến. Điều đó đâu đến nỗi Xuyến phải hận thù tôi đến mức như thế được.

Em gái tôi kể mỗi lần nhận thư tôi, Xuyến đều cho nó xem. Và Xuyến khóc nhiều lắm. Với thái độ hôm gặp tôi về làng, đã có lúc tôi muốn gặp Xuyến để nói rõ sự tình. Nhưng mỗi lần gặp là Xuyến lại tỏ thái độ hậm hực, nên tôi đành im lặng. Vả lại, Xuyến đã xây dựng gia đình. Người bạn đời của Xuyến lại là anh họ xa của tôi. Anh nhập ngũ trước tôi mấy năm, bị thương và được xuất ngũ về địa phương. Vợ chồng Xuyến đã có hai đứa con trai, tôi mừng cho họ mặc dù trong lòng vẫn thấy ngổn ngang như người mắc lỗi.

Ngày tôi với Nga làm đám cưới, Đạt đã là một thanh niên chững chạc. Em cứ chạy ra, chạy vào điều khiển tất cả các việc một cách suôn sẻ. Xuyến đến kéo tôi ra đầu nhà với vẻ giận dữ:

- Hóa ra là như thế, bây giờ thì tôi đã hiểu được tất cả. Vậy là các người đã trả thù tôi được rồi đấy, nhưng dù sao tôi cũng chúc mừng các người.

Một lần nữa tôi lại ngớ người vì ý nghĩ quái gở của Xuyến. Lúng túng mãi tôi mới hỏi lại Xuyến được một câu:

- Sao, sao Xuyến lại nói như thế?

- Sao à, anh hỏi chính anh ấy!

Rồi Xuyến nói rất nhiều, trong khi đầu óc tôi cứ ong ong. Tôi không biết sẽ phải trả lời Xuyến như thế nào cả. Đúng lúc đó, Nga xuất hiện phía sau tôi và nhẹ nhàng nói:

- Thôi, chị Xuyến, chúng em xin chị đấy!

- Đấy! Tôi biết ngay mà, mọi người đã có ý đồ với nhau cả rồi. Chỉ có tôi là khờ khạo không nhận ra thôi.

Xuyến cứ nói và sụt sịt khóc. Nga vội nói nhỏ với tôi:

- Thôi anh ạ, kệ chị ấy!- Nga nói và kéo tôi vào nhà.

Hai đứa con một gái một trai của tôi lần lượt ra đời. Vợ chồng tôi tất bật nuôi các con ăn học. Chúng biết thương bố mẹ nên ngoan ngoãn, chịu khó học hành và đều thi đỗ vào đại học. Hai đứa con trai Xuyến chỉ học hết phổ thông cơ sở thì ở nhà và đã xây dựng gia đình, đứa con gái út theo chúng bạn đi làm ở nhà máy may công nghiệp tận Thái Nguyên. Xây dựng gia đình cho hai con trai xong, vợ chồng Xuyến cho chúng ra ở riêng. Vợ tôi có lúc phân vân về chuyện đó. Tôi lại nghĩ chắc vợ chồng Xuyến muốn cho các con tự lập sớm, hơn nữa đất đai ngày càng eo hẹp. Nên việc cho các cháu ra ở riêng cũng là điều tốt. Thấy các cháu chịu thương chịu khó nên tôi cũng mừng cho chúng.

Tôi đi ăn cưới con thằng bạn xã bên, vừa đến nhà thì Đạt cũng đèo vợ tôi trên xe máy phóng vào sân. Đạt bước vào nhà đã oang oang không đầu không cuối:

- Gãy xương đùi. Mổ rồi. Thế mà cứ đòi ở nhà bó thuốc nam.

Nói xong Đạt ngồi vào bàn rót một cốc nước chè vối tu ừng ực. Vợ tôi nhẹ nhàng thuyết minh thêm:

- Chị Xuyến gánh phân ra ruộng, trượt chân ngã gãy đùi. Em với cậu Đạt và hai cháu gọi xe ô tô đưa lên bệnh viện tỉnh rồi. Không có bảo hiểm y tế nên cũng khá tốn kém đấy. Bây giờ chỉ trông chờ vào ít tiền trợ cấp thương tật của anh ấy thôi. Mà anh ấy vết thương cũ tái phát luôn.

- Gay go quá đấy anh ạ! Vợ chồng em với chị Nga và hai cháu gom góp vào được hơn năm triệu, thuê ô tô hết một triệu rưỡi còn tiền tiếp máu, tiền thuốc với bao nhiêu khoản nữa - Đạt lại nói oang oang.

Nghe hai người dãi bày, tôi nói với vợ:

- Thôi thế này! Em lấy sổ tiết kiệm của nhà mình đi rút lấy chục triệu, sáng mai đưa lên biếu chị ấy vậy.

Hôm sau tôi đèo vợ lên bệnh viện tỉnh, gặp hai đứa con Xuyến ngồi ở hàng ghế ở hành lang. Hai đứa bảo chúng tôi ngồi chờ, rồi thằng cháu cả nói:

- Khổ quá chú dì ạ, hôm qua khi hết thuốc mê, mẹ cháu tỉnh dậy là “khủng bố” chúng cháu cả đêm. Lúc nãy bác sỹ tiêm thuốc an thần nên mẹ cháu đang ngủ ạ.

- Sao thế, chắc mẹ cháu đau quá ấy mà- Tôi an ủi cháu.

- Vâng, nhưng cũng không hẳn là như thế, tính khí mẹ cháu chú còn lạ gì. Bình thường mẹ cháu còn hay cằn nhằn với chúng cháu, nay nằm một chỗ nên mẹ cháu mắng nhiếc chúng cháu thậm tệ chú ạ.

- Chú hiểu rồi. Ơ nhưng mà mọi khi các cháu cày cấy ruộng cho bố mẹ cháu cơ mà, sao mẹ cháu lại đi gánh phân?- Tôi thắc mắc hỏi hai đứa.

Nghe tôi hỏi, thằng em thở dài kể lể:

- Khổ quá, có gì đâu. Vụ trước hai anh em cháu vay tiền sắm được cái máy bừa, chúng cháu vẫn làm cho bố mẹ cháu đó thôi. Hôm nọ chúng cháu đã cày bừa cho một lượt rồi, quay ra đi làm thuê. Đang định sang tuần chở phân ra ruộng, bừa lượt nữa thì chúng cháu cấy cho. Có năm sào ruộng thôi mà, mạ cũng chuẩn bị rồi. Mẹ cháu cứ sốt ruột, rồi còn mắng chúng cháu là sợ bố mẹ cháu không thanh toán tiền công.

- Ừ! Chú hiểu rồi!- Tôi an ủi các cháu.

Xuất viện về gần ba tháng sau, Xuyến mới chống nạng đi xiêu vẹo quanh nhà được. Thế nên công việc mùa màng, thậm chí cả việc nhà Xuyến đều do vợ chồng tôi với vợ chồng Đạt và các cháu cáng đáng hết. Có lúc vợ tôi và vợ Đạt thay nhau ở hẳn nhà Xuyến để tiện chăm sóc cho chị.

Cánh đồng lúa chín vàng rực. Mấy anh em, chú cháu tôi thiết lập một tổ đổi công để thu hoạch cho nhanh. Biết tính Xuyến, chúng tôi bàn nhau gặt cho nhà anh chị trước. Vợ chồng Xuyến chỉ việc phơi phóng là xong. Buổi chiều hôm đó đến lượt nhà tôi, trong tiếng máy tuốt lúa ầm vang trên khoảng sân trước nhà, Xuyến lọc cọc chống nạng đến. Chúng tôi tắt máy nghỉ giải lao. Vợ tôi nhanh tay rót cốc nước mời Xuyến. Tôi nói:

- Thóc nhà chị phơi hai ngày là được rồi đấy, tý nữa bọn em sang đỡ anh chị thu vào hòm nhé.

- Vợ chồng tôi vừa thu xong rồi!- Xuyến trả lời.

Thế rồi Xuyến lần trong túi áo đưa cho tôi một nắm tiền lẻ được xếp gọn ghẽ. Xuyến nói:

- Bán được lứa lợn con, gửi chú dì năm triệu số còn lại cho anh chị khất đã nhé.

Tôi ngạc nhiên:

- Sao chị lại?

- Mới thu xếp được bấy nhiêu, thông cảm cho anh chị nhé. 

Đẩy số tiền về phía Xuyến, tôi dõng dạc nói:

- Chị hay quá nhỉ, chúng em đã nói với anh chị bao nhiêu lần rồi. Số tiền ấy là chúng em biếu anh chị mà. Chị em mình là người nhà với nhau, thấy chị gặp hoạn nạn thì bọn em giúp. Lọt sàng xuống nia chứ đi đâu mà thiệt. Thôi chị cất tiền đi.

Nghe tôi nói vậy Nga cũng lên tiếng:

- Đúng đấy chị ạ, vợ chồng em đã bàn kỹ với nhau rồi. Dù sao chúng em còn khỏe mạnh hơn anh chị. Chị cứ yên tâm bồi dưỡng sức khỏe, thế là chúng em vui rồi.

 Xuyến hỏi chúng tôi với vẻ ân hận:

- Thế ra mọi người không giận tôi à? Tôi có lỗi với mọi người nhiều quá!

Nhìn khóe mắt Xuyến ầng ậc nước, bỗng nhiên Nga bật lên một câu:

- Chị!

Xuyến nhìn khắp lượt mọi người vây quanh. Chúng tôi cùng mỉm cười trong không khí chan hòa đầy ấm cúng.

 

                                                                                 P. L. Đ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter