• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
“Thơ” giữa dòng đời
Ngày xuất bản: 17/10/2022 8:23:33 SA

Ký của MINH NGỌC

 

Với tôi chị là một người phụ nữ khá đặc biệt. Chị từng là cựu Thanh niên xung phong, chiến sĩ Trường Sơn và cũng là bộ đội của Đoàn 559. Người đàn bà nhỏ bé với quãng thanh xuân cống hiến cho quân đội, hết lòng phục vụ Tổ quốc, lăn lộn với cuộc sống mưu sinh, đánh vật với hai chữ “Duyên- Phận” giờ đã bước sang tuổi 70 ở một mình trong căn nhà giản dị, trong con hẻm sâu tút hút mà trước kia là ao lầy không có lối đi. Người đàn bà mà cái tên tưởng chừng như không liên quan đến người nhưng rồi càng nói chuyện càng thấy “Thơ” không chỉ là tên gọi mà còn là tâm hồn, là cái khiếu ngấm vào da thịt, là nguồn sức mạnh để chị vượt qua bao vất vả, sóng gió cuộc đời….

Chiến trường gian khổ

Ngày 27/9/1968, Nguyễn Thị Thơ người quê xã Tân Đức, Ba Vì, Hà Tây theo tiếng gọi của Trung ương đoàn, với tâm niệm “Hãy sống làm sao cho ra sống/ Để đất trời chìm, vũ trụ xanh”, làm đơn tình nguyện đi Thanh niên xung phong khi chưa đầy 17 tuổi. Được cấp trên chấp nhận, chị cùng đồng đội lên huyện tập trung học chính trị thêm 13 ngày rồi đi vào miền Trung.

Từ Ba Vì về đến Hà Nội, ngồi sau thùng xe che bạt kín mít, chị cùng đồng đội say xe hết loạt. Về ga Hàng Cỏ, không có tàu khách, cả đoàn phải lên tàu hàng. Lăn lóc, nôn mửa mãi đoàn cũng về đến ga Cầu Dát, Thanh Hóa tiếp tục hành trình hành quân bộ. Hôm nào binh trạm giao liên gần thì chỉ 12 giờ đêm đến nơi, đoàn được nghỉ đến sáng, thong thả nấu cơm ăn, tranh thủ tắm giặt đợi tầm 3, 4 giờ chiều người thì nấu cơm, người đi bẻ lá ngụy trang che lên ba lô thay cành đã héo, tối lại lên đường. Cứ thế đoàn hành quân bộ qua đồng bằng, trèo đèo, lội suối, xuyên rừng, vừa đi vừa dựa vào dân, đến đâu dân nuôi ăn, nhường chỗ nghỉ tại đó. Chị nhớ có lần đoàn nghỉ đêm tại gia đình chủ nhà có tuổi, bộ đội xung phong dải chiếu nằm đất nhưng ông cụ nhất quyết không nghe, mà bảo: “Các o, các chú cứ vào trong giường nằm để mai có sức mà đi tiếp. Tôi mệt hôm nay ngày mai tôi nghỉ, các o, các chú ngày mai còn phải hành quân”. Nói đi nói lại không được, anh em đành cảm ơn ân tình của cụ. “Tình quân dân như cá với nước”, nhờ thế mà quãng đường hành quân cứ ngắn dần, ngắn dần.

Sau hai chục ngày hành quân ròng rã, chị cùng đồng đội vào đến nơi tập kết tại Ga Tân Ấp- Quảng Bình. Hôm sau cả đại đội chuyển quân vào bờ Nam sông Ca Ta thuộc huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Mấy tháng đầu cả đại đội ở trong hang đá. Hang đá nằm trong khu vực lòng chảo, xung quanh có hang của người Vân Kiều, hang của bộ đội biên phòng, hang để lương thực, hang để đạn dược, thuốc nổ, vũ khí chiến đấu. Khi đại đội chuyển đến ở, trong hang có sẵn bộ giường, bàn của bộ đội chuyển đi. Công việc hàng ngày của đại đội là mở đường, làm giao thông đường bộ, đào rãnh, lấp hố bom, san gạt ổ gà, ổ voi, dọn đường, mở đường cho bộ đội hành quân. Với phương châm “Chỉ tắc giờ không được tắc ngày” nên bất kể bom đánh cả đơn vị vẫn sẵn sàng ra thông đường. Sau gần 3 tháng ở trong hang, sát Tết trên có lệnh chuyển ra ngoài làm lán trại ăn Tết, ai cũng vui mừng, phấn khởi. Nhưng không hiểu do nhiều ngày ở trong hang đá hay vì một lý do nào khác mà khi ra ngoài, trên 20 người trong đơn vị có biểu hiện như người bị tâm thầm. Người thì nửa đêm nhảy ùm xuống suối tắm giữa cái rét cắt da cắt thịt, người thì giữa đêm tối bỏ trốn chui lên rừng ngồi, chui vào bụi gai bụi rậm, cả đại đội đốt đuốc đi tìm mà không được. Có người bảo chắc do sợ mà bỏ trốn nhưng không, đơn vị giải quyết cho về nhưng các chiến sĩ đó nhất quyết không về. Năm 1969, trên ra quyết định chuyển quân ra ngoài ga Tân Ấp, nơi có địa hình bằng phẳng, thoáng đãng, xung quanh là đồi sim. Mấy anh em mắc bệnh tâm thần dần dần cũng khỏi hết. Sau ăn Tết năm 1970, đại đội chuyển quân vào tuyến trong qua Long Đại vào đường 10 trực thuộc Binh trạm 25, nơi đoàn 559 có đường ống xăng dầu tại trọng điểm cầu cáp treo Long Đại, ngọn của con sông Long Đại, mùa khô thì đắp đá cho ô tô đi đường ngầm, mùa mưa phải đi cầu treo. Khu vực nào đường kém thì đại đội lại chuyển vào, thành ra đơn vị cứ di chuyển dần từ kilomet 18 vào đến kilomet 32. Chị nhớ mãi hình ảnh thị xã Quảng Bình bấy giờ, tan hoang, đổ nát, không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn, chỉ có gạch vỡ và cột trụ còn trơ lại. Chị Thơ cũng như bao người lính khác dần quen với hy sinh, gian khổ, quen với những trạng thái cảm xúc hỗn độn. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn, hạnh phúc xen lẫn đau thương, mất mát với các chị là chuyện thường nơi chiến trận.

Cuộc sống chiến trường không chỉ sinh tử gần kề mà ngay cả sinh hoạt hàng ngày cũng vô cùng gian khổ, đặc biệt với giới nữ. Nước sinh hoạt lúc nào cũng khan hiếm, nhất là chị em những ngày đến tháng. Xà phòng không có để dùng, không có gì để giặt xô màn cho sạch sẽ. Thương chị em, các anh cùng đơn vị phải lấy ống bơ thịt hộp loại 1 cân, dùi hai bên làm quai sách để chị em mỗi lần thay chỉ giũ qua rồi bỏ vào trong ống bơ, nhờ chị Hoa, chị Hiền người dân tộc Mường đi kiếm những thân cây, loại quả có tác dụng làm sạch, đập dập ra cho vào ngâm, sau đó vần vào bếp nóng cho sôi rồi ngâm đến hôm sau giặt mới sạch. Có lúc vải xô cũng không có đủ, chị em phải tận dụng vỏ bao tải gạo của Trung Quốc có láng nhựa, đem ngâm nước nóng rồi bóc nhựa đi, giặt sạch khâu quần nhỏ, làm vải xô. Việc tắm cũng lắm gian truân. Có những điểm đóng quân cách nguồn nước đến 2- 3 cây số, cả khu đóng quân chỉ có cái giếng nhỏ đủ nước phục vụ nhà bếp và đánh răng, rửa mặt, còn tắm phải đi ra suối. Trời mùa hè nắng như thiêu như đốt, cuốc bộ mấy cây số đi tắm lúc về lại bẩn nguyên. Đã vậy ăn uống lại kham khổ, rau thiếu trầm trọng. Bữa nào cũng rau tàu bay, cây chuối rừng, lá lốt, hiếm hoi mới mua được ít rau muống cải thiện nhưng khi vào đến nơi cầm rũ một cái lá rụng hết chỉ còn nguyên cẫng, cho vào đun lấy nước húp thì nước cứ đen xì. Nhiều ngày sống trong rừng ẩm ướt thiếu ánh sáng, mùa mưa, mưa tối ngày, quần áo chẳng có nhiều lại dầy cộp, lúc nào cũng ẩm ướt thành ra cả đại đội thay nhau ghẻ lở, hắc lào. Lúc làm thì gãi cành cạnh, trưa giải lao cả đơn vị tranh thủ ăn vội ăn vàng rồi khêu ghẻ cho nhau. Chị bảo: “Khêu mãi cũng quen. Cứ lần trên da theo đường trắng trắng, đến chỗ đỏ đỏ, hơi mòng lên, lấy kim khêu lên được ngay con ghẻ tròn vo, trắng trắng như con màn mạt gà, để lên móng tay miết tách một cái. Sướng đời”. Chị cười: “Còn chưa kể sốt rét. Có khi cả đại đội sốt rét không còn người khiêng đi viện được nữa, bệnh viện phải cử y sĩ về điều trị tại chỗ. Đại đội toàn thanh niên mà bị sốt rét rồi thì chân tay run lẩy bẩy đi đứng không vững, tóc tai rụng hết, da mặt đã đen nhẻm vì nắng lửa gió Lào cộng thêm sốt rét, thiếu máu chuyển thành vàng kệch nom khiếp lắm. Có chị người yêu đến thăm không dám gặp, lấy khăn che mặt quay vào tường nằm khóc”. Soi gương, nhìn chẳng ra mình, mặc dù mới học hết lớp 5, nhưng với tâm hồn nhạy cảm, yêu văn thơ, chị Thơ mượn câu chữ để khuây khỏa tâm hồn. Chị thốt lên: “Còn đâu đôi mắt hạt huyền/ Môi hồng má lúm chính chuyên hôm nào… Cuộc đời ta một áng mây/ Một cơn gió thổi tan bay mất rồi…”. Ốm đau, bệnh tật, lòng chị lại ngân lên nỗi nhớ mẹ, nhớ quê. Chị cầm bút viết nhưng không dám gửi, chỉ sợ mẹ đọc được lại khóc. “Mẹ ơi/ Mẹ có thấy con đường dài dài mãi/ Đôi chân con đã đi mỏi quá rồi/ Vai mang nặng con trông đường ái ngại/ Mẹ thương ơi biết đi nữa hay thôi/ Đêm năm canh con thao thức ngậm ngùi/ Rừng Trường Sơn con nằm nơi trống lạnh/ Mưa trút nước, mưa ngày đêm không tạnh/ Nắng chang chang nắng cháy thịt không thôi/ Trăng vừa lên đã bị khuất núi rồi/ Cả tâm hồn đắm chìm trong đêm tối/ Gió miền biên nhường gió Lào hút thổi/ Ra xe tăng đôi môi cũng thêm thâm…”. Nhưng với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, không sợ hi sinh, không sợ gian khổ, chị Thơ cùng đồng đội luôn vững vàng chiến đấu, vượt qua mưa bom, bão đạn. Những hôm dở giời nghe tiếng tắc kè kêu, nghe chị em thì thầm “nó kêu: mất đời, hết đời, mất về đấy”, chị nổi hứng viết mấy câu thơ để xua đi nỗi sợ hãi: “Nước trong xanh chảy quanh hòn đá trắng/ Ta ngồi đây gió lặng ánh trăng rằm/ Con tắc kè kêu như muốn phân trần/ Sống nơi đây ngàn cân treo sợi tóc/ Tắc kè kia cần chi mày phải nhắc/ Cùng với ta những lời ca châm chọc/ Tắc kè- hết về- mất đời- hay mất đầu/ Chữ “ngờ” kia ta cần chi phải học”. Những vần thơ chị viết đã góp phần cổ vũ tinh thần, tạo thêm khí thế cho đơn vị: “Mười quả bom rơi, trăm quả bom rơi/ Mĩ chiếm sao được biển trời chúng ta/ Trăm chiếc thần sấm, ngàn chiếc con ma/ Làm sao thắng được dân ta anh hùng”.

Và khốc liệt

Sáng ngày 1/5/1970, một buổi sáng đặc biệt. Lâu lắm rồi đơn vị chị không được cải thiện bữa tươi thì vừa hay gặp bộ đội Pháo bắn được con voi, cho đơn vị hai gánh thịt về nấu liên hoan. Giờ tan tầm buổi trưa, nhà bếp đã nấu xong xuôi, mấy anh con trai đã tranh thủ miếng một miếng hai, mấy chị em còn tắm rửa chưa kịp ăn miếng nào thì bom Mĩ thả trúng đơn vị, 03 người hi sinh tại chỗ, 01 người bị thương. Nỗi đau khiến cả đơn vị không bao giờ quên chính là trong số 3 người hi sinh hôm ấy có hai người yêu nhau là anh Trận quê mãi tận Phú Xuyên và chị Thoa, người con gái duy nhất trong gia đình nghèo xã Đường Lâm- Ba Vì. Mới tối hôm trước hai anh chị còn dạy hát cho nhau, hôm sau đã nằm vật lên nhau mà chết. Anh Trận trúng bom bi ngã vật ra tắt thở, chị Thoa tưởng anh Trận còn sống gọi “Anh Trận ơi cứu em với” rồi cố bò về phía anh Trận. Nhưng chị vừa kịp ôm vào xác anh thì cũng gục xuống. Người bị thương còn lại, 1 tháng sau cũng hi sinh. Đến sau này khi đất nước đã hòa bình cũng chỉ tìm thấy mộ hai người, còn hai người vẫn là những liệt sĩ vô danh… Những điểm đơn vị đi qua, đóng quân đều là những trọng điểm. Chứng kiến cảnh đồng đội cùng đơn vị hi sinh đã vô cùng đau xót nhưng càng đau xót hơn khi thấy đồng đội các đơn vị khác vĩnh viễn nằm trong lòng đất mẹ mà không được toàn thây. Những lần đơn vị chị được lệnh đi ứng cứu, mấy anh em thấy cắm biển “có người chết” liền hô nhau đào nhưng khi đào lên chỉ thấy mỗi cái đùi, đành lấp đất lại. Qua hầm chữ A để tránh bom, thấy đất rã ra, mùi hôi thối bốc nồng nặc, ròi bọ chui lên biết ngay có người chết, mấy anh em đành lấy xẻng đắp đất lên rồi cắm hương cầu cho linh hồn bạn siêu thoát. Ngay tại khu ngã ba đi vào đường 10, nơi thanh niên xung phung, bộ đội thường nghỉ chân tếu táo, bom Mĩ thả liên tục, nhiều người chết đến nỗi cái tên Ngã ba Vịt trời phải đổi thành Ngã ba Âm phủ…

Tình đồng đội

 Đối diện với mưa bom, bão đạn, hiểm nguy, chết chóc nhưng những người lính Thanh niên xung phong lúc nào cũng lạc quan, yêu đời, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Lính 5 đồng một tháng, phụ nữ được 5 đồng rưỡi, có khi cả quý chưa được nhận lương nhưng không một ai đòi hỏi. Có ai được nghỉ phép thì cả đơn vị lại dồn tiền, có hào nào đưa tất cho nhau, ai không nhận là trách, là khóc. Lúc ốm đau thì lo lắng, chăm sóc nhau như người nhà, lúc khỏe thì vừa làm nhiệm vụ, vừa sinh hoạt văn nghệ lại vừa tham gia bổ túc văn hóa, học chữ. Đám con gái 17, 18 trẻ trung, yêu đời nghịch ngợm ngoài những lúc làm việc thì tếu táo, trêu đùa. Những ngày hành quân đường rừng, vừa đói, vừa mệt, các anh chị em cùng cất tiếng hò để xua tan mệt mỏi. Gặp mấy anh bộ đội ngược chiều hành quân, các chị bấm nhau cất tiếng hò: “Ơ... hò... Thuyền than mà đậu bến than/ Thấy anh vất vả cơ hàn em thương”. Các anh nghe tiếng, liền đối lại: “Ơ... hò... Thuyền chi lái đậu bến chi/ Anh không vất vả lấy gì nuôi con?”. Các cô bên này lại tếu: “Hò… ơi… Thương anh chẳng biết để đâu/ Để cánh tay áo gối đầu năm canh”. Nhiều khi nghịch các chị lại hò: “Ơ... hò... Gặp anh chẳng nhẽ chẳng chào/ Hỏi anh anh ở nơi nào anh ơi?”. Tếu nhất là khi bộ đội khu ba gặp bộ đội khu bốn. Thoáng thấy bóng các anh khu ba, chị em khu bốn hò vang: “Hò… ơi… Hết nước mới phải nghiêng thùng/ Hết trai khu bốn mới dùng khu ba”. Các anh khu ba cũng không vừa, liền đối lại: “Hò… ơi… Con gái khu bốn thì trắng như trì/ Chồng gọi thì hí, kêu chi rứa hầy?/ Con gái khu ba thì xấu như tranh/ Chồng gọi thì dạ, thưa anh bảo gì?”. Giữa rừng vắng những tiếng hò bâng quơ cất lên lại có tiếng hò đáp trả, những tiếng cười khúc khích xóa tan sự tĩnh lặng, mệt mỏi trên đường hành quân. Những lúc như thế trong lòng chị Thơ luôn hi vọng tiếng hò sẽ giúp chị gặp được anh trai, gặp được em Lịch con chú Bái, em họ bố hoặc không cũng giúp chị gặp được đồng hương. Nhưng chiến tranh ác liệt, không ai biết trước được điều gì, suốt quãng đường hành quân và thời gian tham gia quân ngũ ước mơ đó của chị vẫn không thành hiện thực. Mãi sau này lúc xuất ngũ, chị mới chấp nhận được thực tế ngày tiễn anh trai nhập ngũ cũng là lần cuối cùng anh em chị được gặp nhau.

Tết năm 1972, chị cùng các chị em được phân công làm thịt ngỗng ăn sang canh. Nấu nướng xong xuôi mà chưa đến giờ ra hội trường hái hoa dân chủ, mấy chị em lại rủ nhau hát nhạc vàng. Hát xong mấy chị em thi nhau khóc tu tu, thấy thế chính trị viên đại đội yêu cầu chị cùng anh Vui, anh Quynh lên hội trường cùng nhau kể chuyện ba hoa để xua tan bầu không khí ủ dột. Người thì kể chuyện có con trâu khổng lồ, hai đứa trẻ ngồi hai đầu sừng thổi sáo không nhìn thấy nhau, người kể chuyện quả bí ngô to chục người khiêng chiếm hết cả đường, người phải đi xuống ruộng làm mọi người cười nghiêng ngả. Riêng chị Thơ kể chuyện con ghẻ cái khổng lồ, một chân của nó ắp đầy cả đoàn tàu 36 toa khiến cả đại đội cười hét lên “Cái Thơ khoác lác”…

Vài tháng sau, Mĩ đánh bom vào đơn vị ở km 32, mọi người chui vào hầm tránh bom. A của chị hôm ấy còn có một lớp học. Chị không phải học nên chui tụt vào trong. Bom ném làm hầm sập, kẹt xuống. Thấy một anh con trai ôm đầu khóc váng lên “Bu ơi, con chết thôi, con không về được với bu đâu”, chị Sáu người Thái Bình vừa đen vừa béo vỗ tay đánh đét, trợn mắt quát: “Câm ngay. Tôi tuyên bố nhé, giờ phút này thằng nào cười thì được, thằng nào khóc tôi đấm cho vỡ mồm”, lập tức anh chàng con một im tịt không dám khóc thêm tiếng nào. Riêng chị Thơ vốn bị viêm dây thần kinh liên sườn, không chịu nổi sức ép phải trườn trên đầu mọi người bò ra ngoài. Vừa ra đến nơi thì có còi của thủ trưởng cho phép sơ tán. Do sức khỏe yếu, sau đó chị được điều đi an dưỡng. Trước khi đi, chị Tần cùng đơn vị dúi vào tay chị 10 đồng bảo chị cầm đi đường. Nhìn bạn gầy gò, tiều tụy chị Thơ nhất định không cầm. Chị Tần thấy vậy khóc tu tu bảo “Mày chê tao tiền ít hay thế nào mà mày không cầm?”. Chị đành phải nói thật: “Mày cũng ốm yếu, cứ giữ lấy để sau này khi nào được đi an dưỡng hoặc về phép còn dùng”. Chị Tần cất 5 đồng vào túi, còn lại nhét vào tay chị Thơ. Cả hai chị em cứ thế ôm nhau khóc…

Duyên- Phận

Nói đến Lính Trường Sơn là nói đến sốt rét, bản thân chị cũng không tránh khỏi nhưng rồi cũng từ câu chuyện sốt rét mà hai chữ “Duyên- Phận” cứ từ đó vận vào chị…

Thời gian nhập ngũ chị cũng thầm thương một đồng đội cùng đi với nhau, người khác xã cùng huyện. Anh Quyền cao ráo, dáng người thư sinh, khéo ăn khéo nói. Trong thời gian ở hang, do đã học hết lớp 10 nên anh được điều chuyển sang làm giáo viên dạy các đơn vị bạn Hà Tĩnh, Quảng Bình cách chỗ chị đóng quân hơn 10 cây số. Cứ cuối tuần về đơn vị thì anh gặp chị hoặc trong các sinh hoạt chung của tổng đội anh chị được gặp nhau, tình cảm cứ nảy nở dần. Lúc ấy kỷ luật quân đội rất nghiêm, trong 3 năm nghĩa vụ không được yêu, ngoài 3 năm được yêu nhưng phải báo cáo tổ chức đoàng hoàng. Mãi đến năm 1970 chị mới chính thức nhận lời yêu anh nhưng chưa được bao lâu thì đơn vị chị có lệnh chuyển quân. Trước đêm chuyển quân, anh đến thăm chị, cũng chỉ kịp đặt lên má chị nụ hôn vội vàng. Những cánh thư nối liền hai trái tim thanh xuân cùng chung một nhịp đập. Những câu thơ chân tình mộc mạc của anh cứ ngấm dần, ngấm dần rồi in vào tâm trí chị: “Anh yêu em vì có em anh thấy/ Vợi đi muôn vàn nỗi đau buồn/ Có em như những ngày có nắng/ Như đứng giữa khơi xa anh thấy một con thuyền/… Giữa khơi xa anh muốn làm thuyền/ Em làm gió cho buồm căng thuyền lướt/ Bay bay đi tới những đảo thần tiên/ Sống hạnh phúc ấm êm đầy mộng ước/ Hay em là cành dương buổi tối/ Đêm trăng lên anh là gió bay về/ Nô giỡn bên em cho trăng sao hờn dỗi/ Cho bớt nỗi buồn cho tan cảnh tái tê..”.

Cuối năm 1970, một buổi chiều muộn, vừa ăn được bát cơm thì bỗng nhiên mắt chị trợn lên, rồi ngất xỉu, hai người đỡ hai bên khiêng chị vào nhà. Lúc tỉnh dậy đã 9 giờ tối, chị thấy chị em cùng đơn vị khóc như mưa. Sáng hôm sau chị được chuyển ra viện ngoài điều trị. Chị Thơ cùng 18 đồng chí khác bị sốt rét nhưng bệnh sốt rét của chị không giống như những người khác, cứ sốt li bì, chân tay mềm nhũn, phải nằm viện ròng rã hai tháng trời, mái tóc xanh dầy dài quá mông rụng gần hết, người gầy đét, đi phải chống gậy. Đến khi chị xuất viện thì đơn vị đã chuyển quân vượt đỉnh Trường Sơn xa đến hơn 40 cây số tiếp quản đơn vị 446, chị ở lại nhập cùng đơn vị mới, hòm thư thay đổi nên chị và anh Quyền thất lạc nhau. Suốt thời gian ấy trong lòng chị chỉ có anh, ai có ý định tình cảm chị cũng bảo đã có nơi có chốn.

Anh Quyền sau thời gian nghĩa vụ được điều ra Bắc tiếp tục học, người yêu thì không liên lạc được, về nhà thì bị gia đình thúc ép nên đã chấp nhận lấy một người cùng xã cho bố mẹ yên lòng. Còn chị, hết thời gian đi nghĩa vụ, nhận được thư chị gái giục về đỡ gia đình, chị Thơ quyết định không đi công tác, cũng không đi học mà về quê. Gia đình chị bấy giờ quá khó khăn, bố bị tai biến, em dì bị đi kiết tưởng chết, anh trai đi bộ đội bặt tin, chị khoác ba lô về quê nguyện làm tròn bổn phận của một người con. Năm 1972, được xuất ngũ, chị vội về Ba Vì tìm anh nhưng đúng vào hôm anh ăn hỏi. Nhìn người phụ nữ thấp bé, cũ người, nước da mai mái sóng đôi cùng anh lòng chị buồn vô hạn nhưng đã lỡ nhịp chị đành im lặng rút lui. Sau cuộc gặp bất ngờ ấy anh cùng chú ruột có đến thăm nhà chị với ý định nối lại nhưng sự cố không hay lại xảy đến. Nhà chị nằm trên bãi nổi, bốn bề là nước, nước lở đến đâu dân lại di cư bớt về Ba Vì đến đó, thành ra ban đầu là xã, sau ít dần chỉ còn là thôn. Chú anh bị bệnh động kinh, còn bố chị thì bị tai biến mắc chứng méo mồm, đi lệch một bên lại không kiểm soát được cảm xúc. Hôm ấy giữa trưa nắng chang chang, anh và chú ruột đến nơi, do đường xá xa xôi vất vả, lại đói mệt chú anh lên cơn động kinh co giật ngay giữa nhà. Bố chị nhìn thấy thì lên cơn cười, cứ cười sằng sặc, vừa cười vừa xì hơi không giữ lại được. Qua cơn động kinh, ông chú thấy thế thì tối sầm mặt mũi bắt cháu đi về mặc bố chị khó nhọc thanh minh rằng ông không cố ý chỉ là do bệnh tật. Từ ấy không thấy anh liên lạc lại. Mấy tháng sau gia đình lại nhận được tin báo tử của anh trai chị. Nỗi buồn chồng chất. Năm ấy, mới hai mươi tuổi nhưng lúc bấy giờ Thanh niên xung phong rất khó lấy chồng, chị thuộc diện hình thức khá mới có người hỏi. Chị đành kết hôn cùng một người đàn ông ngang tuổi bên Lâm Thao, Phú Thọ, đang theo học Trung cấp xây dựng. Nhà đông anh em, ông Vượng lấy chị để có người làm. Hai người khác nhau về tâm tình, tính cách, cố gắng lắm chị cũng ở cùng được 8 năm rồi chia tay khi đã có với nhau 3 đứa con nhưng mất hai con trai chỉ còn một mụn con gái. Bố mẹ chị đã cùng nhau về miền cực lạc khi đều bước sang tuổi 63. Không điểm tựa, không nơi bấu víu, chị chán trường đốt tất cả những cuốn nhật ký, những cuốn sổ tay ghi chép cùng không biết bao nhiêu bài thơ chị viết trong thời gian đi bộ đội. Ngày quyết định ly hôn chị để tất lại tài sản cùng đứa con gái 3 tuổi ra đi với hai bàn tay trắng lên làm ăn mãi trên Văn Bàn, Lào Cai. Gặp ông Phương, vốn từng làm hiệu trưởng của trường cấp I, gặp sự cố bỏ việc đi buôn bán, dáng người thư sinh, ăn nói có duyên, mọi người gán ghép chị lại xiêu lòng. Biết ông đã một đời vợ, ba con, mới chỉ nộp đơn ly hôn lên xã mà chưa ra tòa nhưng chị vẫn quyết định dọn về ở cùng ông để cùng nhau làm ăn, buôn bán, bởi chị nghĩ đàn bà một thân một mình nơi buôn bán này không tài nào trụ được, lời ong tiếng ve đã đành, lại còn kẻ xấu, kẻ ác đâu có để chị yên. Nhưng cuộc đời chưa bao giờ thôi thử thách chị. Không vũ phu, ích kỷ, bạc mồm như người chồng trước nhưng ông Phương lại cờ bạc, rượu chè, trai gái. Vốn con gái dưới xuôi chịu thương chịu khó, tháo vát, nhanh nhẹn, quán nhà chị lúc nào cũng tấp nập người mua hàng, đổi hàng. Tiền chị kiếm được không hề ít nhưng chị kiếm được bao nhiêu thì ông lại mang đi bấy nhiêu. Suốt ngày lo chạy nợ, loáng cái lại có người đến đòi nợ. Có những năm 28 tết, chủ nợ đến đòi chị không có tiền trả đành để họ xiết đồ. Cả gian nhà thoáng chốc sạch trơn chỉ còn lại vài cân gạo nếp ăn tết. Chị khóc không thành tiếng, ông Phương thề thốt xin chừa nhưng rồi đâu lại vào đấy. Người chị quắt lại, gầy hơn cả thời đi bộ đội, làm đường giữa thiếu thốn, dưới bom rơi, đạn nổ. Nhiều lúc cùng cực, chị cùn lên viết thơ trách đời, trách người rồi lại trách mình. Chị khóc chán rồi lại cười. Chị tự động viên mình: “Có phải chăng ta đã quen rồi/ Đắng, cay, chua, chát nuốt cứ trôi/ Như tình đời đau thương rồi uất hận/ Vẫn y nguyên như một chuyến thuyền xuôi”…

Hai vợ chồng chẳng có con chung, cuộc đời chị vật lộn với những mưu sinh. Mỗi lần trả xong một món nợ của chồng chị mừng như trả được nợ của mình. Bao đận to tiếng, ông Phương bỏ đi rồi lại về, chị vẫn chấp nhận. Chị cứ nghĩ cái số mình nó thế phải chịu, biết làm thế nào, vả lại ngoài những lúc chơi bời, cờ bạc ông vẫn tôn trọng, tình cảm với chị, người nói kẻ nghe. Ở với nhau được hai mươi năm thì chồng chị mất vì ung thư phổi sau khi rút nốt của chị chút tiền bạc và sức lực cuối cùng. Lúc ấy chị cũng vừa 50 tuổi…

Mãi sau này chị mới biết năm chị bỏ ông Vượng, chồng trước cũng là năm vợ anh Quyền, người yêu cũ của chị mất sau khi sinh đứa thứ hai. Chị và anh, hai người yêu nhau cùng cảnh lỡ làng nhưng ông trời không cho gặp lại nhau mà đẩy chị đến với ông Phương, để cuộc đời chị khổ càng thêm khổ.

Tâm nguyện cuối

Thoắt cái đã 54 năm kể từ khi đồng chí Nguyễn Thị Thơ, quân nhân của đơn vị 9430, công tác tại C442CT10 Ban Xây dựng 67 được xuất ngũ. Giờ tóc chị đã bạc, lưng đã còng, không lương, không chế độ, sức khỏe giảm nhiều nhưng thảnh thơi trong gian nhà cấp 4, sát phía sau là nhà vợ chồng con gái ruột. Con gái chị lên ở cùng chị từ ngày chị chuyển về Yên Bái. Chị lo chồng con rồi cắt đất, làm nhà cho con ở. Chị tâm niệm, hết thời gian chiến đấu ở Trường Sơn giờ còn sống về được thế này là may mắn lắm rồi. Ngày nhập ngũ, cả đại đội trên 150 người, sau 50 năm gặp lại, còn chưa nổi một nửa. Khu đất vợ chồng chị ở ngày xưa heo hút, xung quanh là ao chuôm, không có lối đi, giờ đường bê tông chạy qua được 20 mét mặt đường, chị cắt một nửa cho 3 người con riêng của anh Phương, một nửa cho mẹ con chị. Mặc dù đất cát cũng do một tay chị mua nhưng chị luôn nghĩ con chồng cũng như con mình. Chị bảo, sống quý ở cái tình. Vì thế mà đến giờ chị và bà cả của ông Phương vẫn thường xuyên gặp nhau, coi nhau như chị em ruột thịt. Các con của ông Phương đều ngoan ngoãn, trưởng thành, luôn tôn trọng chị như mẹ đẻ, nhà có công to việc lớn vẫn qua lại, to nhỏ, bàn bạc. Mọi việc với chị xem như là mãn nguyện. Điều chị day dứt nhất đến nay vẫn là cả nhà có 3 người đi bộ đội, nhưng chỉ mình chị trở về. Anh trai chị và đứa cháu con chị gái cả vĩnh viễn nằm lại chiến trường đến nay vẫn chưa tìm được mộ, chỉ biết rằng hai cậu cháu nằm lại nơi mặt trận phía Nam…

Mỗi lần nhắc đến những kỷ niệm buồn, những điều cay đắng, chị lại cười một tràng giòn tan. Dường như đã từng trải qua mưa bom, bão đạn, đối mặt với chết chóc hi sinh, với chị mọi việc không còn gì là khủng khiếp nữa…

Trò chuyện với chị dưới cái nắng hanh hao của chiều thu tháng chín, lòng tôi trùng lại. Nhìn chị, tôi như thấy bà, thấy mẹ, thấy chị, thấy hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam khiêm nhường, giản dị, cả cuộc đời hi sinh, vất vả nhưng luôn kiên cường vươn lên để vượt qua và lạc quan sống …

M.N

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter