• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Văn nghệ sĩ Yên Bái với Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”
Ngày xuất bản: 01/07/2020 7:16:51 SA

Nguyễn Tâm 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm yêu thương, quý mến, trân trọng đối với văn học nghệ thuật cũng như với các thế hệ văn nghệ sĩ. Là người đã khai sinh ra nền văn nghệ cách mạng, Người chính là ngọn cờ đầu, là người chiến sĩ mở đường tiên phong trong sáng tạo văn học nghệ thuật cách mạng và bản thân là người cầm bút, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu, văn nghệ sĩ luôn luôn làm việc hết mình, miệt mài như con tằm nhả tơ để sáng tạo ra tác phẩm. Tiếp thu tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đồng thời để khẳng định giá trị văn hóa, sức sống trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm nổi bật giá trị, ý nghĩa to lớn, thiết thực của việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, nhiều năm qua Đảng ta đã có những chủ trương đường lối soi đường cho sự nghiệp văn học nghệ thuật phát triển. Những chủ trương đường lối đó được thể chế hoá, cụ thể hóa qua các nghị định, quyết định, và đặc biệt là qua Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng phát động.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lâu nay vốn đã trở thành một đề tài phong phú, nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận cho giới văn nghệ sĩ. Nhân cách, đạo đức của Người đã trở thành biểu tượng của lòng nhân ái, của độc lập tự do và hòa bình không chỉ cho Việt Nam. Chẳng thế mà Nhà thơ Cu Ba Phê-lich- Pita- Rô- đơ- ri- ghết đã có bài thơ nổi tiếng “Hồ Chí Minh- Tên Người là một niềm thơ” và tên Người còn vang lên trong những câu hát, lời ca, làm lay động tình cảm, tâm hồn của hàng triệu triệu trái tim người dân trên toàn thế giới. Cũng bởi thế mà lâu nay, sáng tác về chủ đề Học tập và làm theo Bác vốn không phải là chủ đề mới và sẽ không bao giờ là chủ đề cũ đối với văn nghệ sĩ cả nước nói chung và văn nghệ sĩ Yên Bái nói riêng.

Nhà văn Hà Lâm Kỳ nhận giải A Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề:

"Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh" giai đoạn 2018-2020

 

Xuất phát từ tình cảm yêu mến, kính trọng và biết ơn Bác, văn nghệ sĩ Yên Bái dù phần lớn chưa một lần được gặp Bác nhưng cũng đã có rất nhiều sáng tác về Bác, khắc họa sâu đậm hình tượng nghệ thuật sống động về một Vị lãnh tụ, một Anh hùng của dân tộc và một Danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới. Trong đó, có thể kể đến như tập truyện ký “Người ở nguồn” (xuất bản năm 1995, tái bản năm 2004) với 71 câu chuyện kể về Bác trong những tháng ngày hoạt động cách mạng ở Pác Bó, tập sách “Bác Hồ trong lòng người Yên Bái- Lào Cai” (2005) và rất nhiều ghi chép, truyện ngắn, thơ và chuyện kể sưu tầm về Bác của tác giả Hoàng Việt Quân; truyện ngắn cho thiếu nhi “Tấm ảnh Bác Hồ” (1994) của tác giả Quách Liêu, “Niềm vui của hoa Bjooc ca” (1995) của Hoàng Việt Quân; 2 tập thơ “Lời Bác rừng hoa” (2011), “Một thời để nhớ” (2013) và bài hồi ký “Một lần gặp Bác nhớ suốt đời” của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Đàm; tranh sơn dầu “Mừng ngày giải phóng miền Nam” của tác giả Trần Lâm năm 1975; tranh sơn dầu “Bác Hồ với các dân tộc Hoàng Liên Sơn” của tác giả Thanh Xuân; tranh cổ động “Ơn Bác- người Mèo có chữ” và tranh sơn dầu “Ấm áp tình thương” của Họa sĩ Quách Hùng; tranh kính đề can “Bác Hồ với văn học nghệ thuật” của tập thể giáo viên Mỹ thuật Trường Trung học Văn hóa nghệ thuật tỉnh (2003)…

Năm 2008, Trung ương Đảng khởi xướng phát động Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã không chỉ lan tỏa mạnh mẽ các phong trào học tập và làm theo Bác mà còn làm nóng thêm phong trào sáng tác và quảng bá các tác phẩm về chủ đề này. Tích cực sáng tác tham gia và hưởng ứng Cuộc vận động, ngay trong giai đoạn đầu tiên (2 năm 2008- 2009), văn nghệ sĩ Yên Bái đã có rất nhiều tác phẩm tham dự và đoạt nhiều giải thưởng. Trong đó, trường ca “Vầng trăng và cánh rừng” của Nhà thơ Ngọc Bái- một tác phẩm khắc họa đậm nét hình ảnh Bác Hồ ung dung, tự tại, sáng suốt trong chỉ đạo chiến lược cách mạng, có tâm hồn trong sáng và tấm lòng yêu thương con người bao la, rộng lớn trong suốt thời gian Người lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp ở chiến khu Việt Bắc đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng thưởng toàn quốc năm 2010 và đoạt giải A Cuộc vận động cấp tỉnh, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức trao giải tháng 9 năm 2009. Cũng trong giai đoạn này, nhiều văn nghệ sĩ của tỉnh đã có tác phẩm đoạt giải thưởng như tác giả Dương Nhâm đoạt giải A với ca khúc “Bác về một sớm mùa thu”; tác giả Vũ Chấn Nam đoạt giải B với tập thơ “Về Pác Bó” (2003); tác giả Vũ Quý đoạt giải B với chùm ba bài viết về Bác“Người dân Yên Bái kể chuyện về Bác Hồ”, “Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”, “Bài thơ hóa giải hận thù”; tác giả Hoàng Việt Quân với 02 tập sách viết về Bác, Họa sĩ Nguyễn Đình Thi với chùm tranh cổ động sáng tác về Bác Hồ, tác giả Vũ Bờ với hồi ký “Nhớ lời Bác dạy, NSNA Tuấn Nghĩa với nhóm ảnh “Thanh niên làm theo lời Bác” đồng đoạt giải C…

Từ Cuộc vận động ban đầu với tính chất như một sự khởi động, đến nay, Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã trải qua 6 giai đoạn và với mỗi giai đoạn lại được nâng tầm, mở rộng hơn cả về tính chất cũng như chủ đề cuộc thi. Có thể nói, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là một chủ đề vừa dễ lại vừa khó. Dễ là vì xưa nay ta vẫn biết, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác chưa bao giờ là những thứ cao siêu, xa vời mà nó giản dị, mộc mạc, gần gũi với đời thường như chính con người của Bác- một con người giản dị mà thanh cao, vĩ đại mà gần gũi, rất Việt Nam mà cũng rất nhân loại, nên ai cũng có thể học và làm theo. Nhưng học Bác như thế nào, sáng tác về Bác ra sao để có được những tác phẩm vừa phải hay, vượt qua được những “bức tượng đài nghệ thuật” mà các thế hệ đi trước đã tạo nên; lại vừa phải mới, có tính phát hiện lại là điều cực khó, nó đòi hỏi người cầm bút, văn nghệ sĩ phải đi vào đời sống thực tế để nhận diện, phản ánh được những điển hình, những nhân văn cao cả trong xã hội mênh mông rộng lớn này. Dẫu khó, song bằng niềm đam mê sáng tạo, lòng nhiệt tình và tình cảm đặc biệt dành cho Bác, trong hơn 10 năm qua, đã có hàng nghìn tác phẩm văn học, nghệ thuật của văn nghệ sĩ Yên Bái sáng tác về Bác Hồ và chủ đề học tập và làm theo Bác được công bố, ra mắt độc giả. Nhất là trong 4 năm trở lại đây, những tác phẩm sáng tác về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tham gia Cuộc vận động của văn nghệ sĩ Yên Bái ngày càng tăng cao cả về số lượng và chất lượng. Điều đó được minh chứng bởi hàng loạt các giải thưởng, tặng thưởng của Trung ương và cấp tỉnh ghi nhận, trao tặng. Năm 2018, với hơn 2.400 tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí tham gia Cuộc vận động đợt 1, giai đoạn 2016- 2020 cấp tỉnh; 137 tác phẩm được lựa chọn gửi đi tham dự cấp Trung ương thì kết quả, có 3 tác phẩm đoạt giải thưởng Trung ương, trong đó 02 giải dành cho văn học, nghệ thuật (tác phẩm ảnh nghệ thuật “Vượt khó trong học tập” của NSNA Vũ Chiến và tập bút ký “Những dấu chân qua” của tác giả Nguyễn Ngọc Yến đoạt giải Khuyến khích do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng); 22/33 tác phẩm văn học, nghệ thuật được Ban Tổ chức Cuộc vận động cấp tỉnh trao tặng giải thưởng, trong đó có 01 giải A (tác phẩm tranh cổ động “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” của Họa sĩ Nguyễn Đình Thi); 04 giải B (gồm ca khúc “Khát vọng Hồ Chí Minh” của Nhà thơ Ngọc Bái, tác phẩm ký “Dòng sông vẫn chảy” của tác giả Hoàng Kim Yến, tác phẩm ký “Nhớ lời Bác dạy” của tác giả Nguyễn Thị Tâm và tác phẩm ảnh nghệ thuật “Vượt khó trong học tập” của NSNA Vũ Chiến); cùng với đó là 06 tác phẩm đoạt giải C, 07 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích và tập thể Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Yên Bái được nhận Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Cuối năm 2019, Hội đồng sơ tuyển các tác phẩm tham dự Cuộc vận động của Hội Liên hiệp VHNT tỉnh đã tổng hợp, xét chọn được 10 tác phẩm tiêu biểu trong số hơn 360 tác phẩm tham dự để Ban tổ chức cấp tỉnh lựa chọn gửi về Trung ương xét giải. Và rồi, tin vui lớn truyền về từ sự kiện Lễ trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018- 2020 được Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tối ngày 13/5/2020. Yên Bái có tới 04 tác giả đoạt giải thưởng về sáng tác, 01 tập thể và 01 cá nhân được tặng thưởng về thành tích quảng bá tác phẩm, trong đó có tới 03 tác phẩm văn học của 03 văn nghệ sĩ là Nhà văn Hà Lâm Kỳ với tiểu thuyết “Cánh cung đỏ”, tác giả Hoàng Việt Quân với tập khảo cứu, biên soạn “Tìm trong dân gian” và Nhà văn Nguyễn Hiền Lương với tập truyện ký “Bản hùng ca Tây Bắc” lần lượt đoạt 03 giải thưởng lớn: A, B, C. Không riêng gì giới văn nghệ sĩ mà có lẽ tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân Yên Bái đều chung một niềm tự hào, xúc động khi nghe Ban tổ chức xướng tên và mời Nhà văn Hà Lâm Kỳ, tác giả Hoàng Việt Quân bước lên bục nhận thưởng. Giải thưởng cao quý mà các tác giả nhận được lần này không chỉ có giá trị, ý nghĩa tôn vinh thành quả lao động, sáng tạo của họ mà còn là nguồn cổ vũ, khích lệ tinh thần lớn lao đối với đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

Về tiểu thuyết “Cánh cung đỏ” của Nhà văn Hà Lâm Kỳ, chắc hẳn văn nghệ sĩ và độc giả Yên Bái rất rõ bởi tác phẩm mới được ra mắt hồi tháng 8/2019. Viết về đề tài Cách mạng và kháng chiến, với độ dài hơn 600 trang sách, Nhà văn Hà Lâm Kỳ đã dành hơn 20 năm cùng với sự công phu, tỉ mỉ của mình trong việc sưu tầm tư liệu lịch sử; chắt lọc, lựa chọn và kết hợp hài hòa giữa tính chân thực lịch sử với hư cấu, sáng tạo của văn học để khéo léo dựng lại bối cảnh lịch sử, trần thuật các diễn biến chính, phản ánh khá đầy đủ các sự kiện chính trị- quân sự lớn của Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp tại Yên Bái những năm 1942 đến 1954, mà ở trong đó có đến 60% sự kiện, không gian, thời gian, nhân vật là có thực. Ý tưởng thực hiện và hoàn thành bằng được “Cánh cung đỏ” của Nhà văn Hà Lâm Kỳ được hình thành kể từ sau lần ông may mắn gặp được một số vị lão thành cách mạng trong cuộc gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Tám thành công tại Yên Bái. Những câu chuyện xúc động được các vị lão thành kể trong buổi gặp mặt hôm ấy đã khiến Nhà văn trăn trở. Để rồi, từ ý tưởng viết một câu chuyện dài rồi đẩy lên thành tiểu thuyết, Nhà văn tâm nguyện một điều phải gắng viết làm sao để phản ánh được đầy đủ nhất, chân thực nhất diễn biến của cuộc cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã phải đổ biết bao xương máu để gây dựng và hoàn thành. Vốn là tình cảm đặc biệt dành để tri ân nhân dân các dân tộc Tây Bắc, trong đó có Yên Bái, Phú Thọ; tri ân các thế hệ cán bộ cách mạng, cán bộ kháng chiến, các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để có độc lập tự do hôm nay và hạnh phúc cho các thế hệ mai sau, nên khi tập tiểu thuyết ra đời, được công chúng, thân nhân của nhân vật và các địa phương- nơi từng diễn ra sự kiện hoan nghênh, Nhà văn đã không giấu nổi niềm vui, niềm hạnh phúc của một con người cả đời nặng lòng với văn chương, với quê hương. Niềm vui ấy như được nhân lên gấp bội khi tác phẩm tâm huyết của Nhà văn được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng giải thưởng cao quý từ Cuộc vận động lần này.

Còn nhắc đến tác giả Hoàng Việt Quân- một tác giả chuyên ngành Văn học được cho là có duyên viết về Bác Hồ bởi kho tư liệu quý đồ sộ và rất nhiều tác phẩm viết về Bác của ông. Vốn là người cần cù, tỉ mỉ, với lòng kính trọng, yêu mến Bác, từ ngày còn là sinh viên Khoa Ngữ văn- Đại học sư phạm Việt Bắc cho đến khoảng thời gian tham gia quân ngũ ở chiến trường, Hoàng Việt Quân đã luôn chú ý quan sát, thích thu thập, sưu tầm những câu chuyện về Bác. Để rồi, sau 25 năm ấp ủ, tập sách đầu tay “Người ở nguồn” đã được ra đời. Tiếp đó, trong quá trình công tác, Hoàng Việt Quân tiếp tục bỏ ra 10 năm lặn lội tìm đến bảo tàng, thư viện, thậm chí dò tìm đến từng nhân vật, nhân chứng để tra cứu, tìm hiểu những câu chuyện, tài liệu, thư từ, văn thơ của Bác viết về Yên Bái, Lào Cai và của người Yên Bái, Lào Cai viết về Bác. Và rồi tập sách “Bác Hồ trong lòng người Yên Bái - Lào Cai” ra đời một lần nữa thể hiện tấm lòng của Hoàng Việt Quân đối với Bác. Không chỉ sưu tầm, ghi chép, thu thập tất cả tư liệu về Bác mà Hoàng Việt Quân còn có niềm đam mê sưu tầm, thu thập tất cả những tư liệu quý về văn học nghệ thuật, văn hóa dân gian các dân tộc. Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm và coi trọng văn học dân gian. Bác từng ví những sáng tác của nhân dân trong dân gian như là những hòn ngọc quý. Tư tưởng của Người trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn học dân gian là rất rõ ràng, nhất là trong giai đoạn hiện nay việc bảo tồn, gìn giữ ấy càng trở nên thiết thực và đáng quý. Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong suốt mấy chục năm công tác, Hoàng Việt Quân đã dày công nghiên cứu, sưu tầm được rất nhiều tư liệu về văn hóa, văn học dân gian các dân tộc, cho ra đời nhiều tác phẩm có ý nghĩa và “Tìm trong dân gian” vừa được nhận giải B của Ban Tuyên giáo Trung ương là một trong số những tác phẩm ấy.

Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được phát động đến nay đã được 12 năm. Chặng đường ấy tuy không phải là ngắn, nhưng cũng không dài và chắc chắn sẽ không có điểm kết thúc bởi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là một việc làm lâu dài và là một đề tài vô cùng lớn. Tiếp nối những thành công có được từ đợt 1, Cuộc vận động cấp tỉnh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức giai đoạn 2016- 2020 và thành công lớn từ kết quả Cuộc vận động cấp Trung ương giai đoạn 2018- 2020 vừa diễn ra trong tháng 5 vừa qua, trong đợt 2 này đã có 363 tác phẩm văn học, nghệ thuật của 116 tác giả tham gia Cuộc vận động. Là đơn vị đầu mối, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh đã lựa chọn được 30 tác phẩm tiêu biểu, hoàn thiện hồ sơ trình lên Ban Tổ chức Cuộc vận động cấp tỉnh và hiện nay, Ban tổ chức đang gấp rút hoàn thiện công tác xét giải các tác phẩm để tổ chức trao giải, dự kiến vào dịp Đại hội thi đua yêu nước diễn ra vào tháng 8 tới đây. Kết quả trao thưởng thế nào, có bao nhiêu tác phẩm của các văn nghệ sĩ được trao giải lần này sẽ đều là kết quả đáng trân trọng, bởi đây sẽ không chỉ là sự động viên, cổ vũ cho những cố gắng, nỗ lực của văn nghệ sĩ Yên Bái mà còn khẳng định thêm một lần nữa giá trị văn hóa, sức sống trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; khẳng định sự tiếp nối của dòng chảy văn học nghệ thuật, báo chí cách mạng nước nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

                                                                                    N.T

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter