• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Yên Bái- Sẵn sàng cho ngày hội lớn
Ngày xuất bản: 18/05/2021 2:33:32 SA

Là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp trong nhiệm kỳ mới, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 của cả nước nói chung và của Yên Bái nói riêng đã bước vào thực hiện bước thứ năm, cũng là bước cuối cùng của quy trình hiệp thương. Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, danh sách chính thức cho những người đủ tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp đã được lập, chuẩn bị công bố trước nhân dân. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Phùng Quang Huy- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái.

Phóng viên: Với vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) trong công tác Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND các cấp, xin đồng chí cho biết đến thời điểm hiện tại, công tác tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026; công tác giám sát việc bầu cử và phối hợp, tham gia cùng Ủy ban nhân dân, Thường trực HĐND để thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương đã được triển khai đến đâu?

Đồng chí Phùng Quang Huy: Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND có 98 điều thì có 40 điều quy định về vai trò, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam tham gia công tác bầu cử. Theo đó, đến thời điểm hiện tại Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã thực hiện cơ bản công tác của MTTQ các cấp trong bầu cử theo quy định, trong đó:

Công tác tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp tiến hành dân chủ, khách quan, công khai, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về bầu cử. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động phối hợp với Thường trực HĐND, Uỷ ban bầu cử cùng cấp thực hiện các bước hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND theo đúng quy định của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND. Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn đã phối hợp với UBND cùng cấp và các thôn, tổ dân phố trong tỉnh tổ chức 1.306 hội nghị với sự tham gia của trên 105 nghìn cử tri để lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp (Trong đó: 10 hội nghị đối với người ứng cử Đại biểu Quốc hội và 82 hội nghị đối với người ứng cử Đại biểu HĐND tỉnh). Các hội nghị ở nơi cư trú tổ chức đảm bảo đúng thời gian, thành phần, số lượng đại biểu; nội dung, thủ tục, trình tự theo đúng quy trình hướng dẫn của Trung ương và Ủy ban MTTQ tỉnh.

Đồng chí Phùng Quang Huy- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái.

 

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân cùng cấp để thành lập Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND. Theo đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021- 2026, Ủy ban Bầu cử tỉnh thành lập 03 tiểu ban (tiểu ban tuyên truyền; tiểu ban an ninh, trật tự an toàn xã hội và y tế; tiểu ban giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử ). Ban Thường vụ cấp huyện thành lập 9 Ban chỉ đạo, cấp ủy cấp xã thành lập 173 Ban chỉ đạo; thành lập 9 Ủy ban bầu cử Đại biểu HĐND cấp huyện, 173 Ủy ban Bầu cử Đại biểu HĐND cấp xã; thành lập 02 Ban bầu cử Đại biểu Quốc hội tại 02 đơn vị bầu cử, thành lập 15 Ban bầu cử Đại biểu HĐND tỉnh tại 15 đơn vị bầu cử; thành lập 60 Ban bầu cử Đại biểu HĐND cấp huyện tại 60 đơn vị bầu cử; thành lập 998 Ban bầu cử Đại biểu HĐND cấp xã tại 998 đơn vị bầu cử; Ủy ban nhân dân 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã phê chuẩn 1.154 khu vực bỏ phiếu; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã thành lập 1.154 Tổ bầu cử tương ứng với 1.154 khu vực bỏ phiếu bầu Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.

Về công tác giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ban hành kế hoạch và tổ chức giám sát (đợt 1) tại 9/9 huyện, thị, thành phố về công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy việc tổ chức các hội nghị hiệp thương tại các địa phương bảo đảm về thời gian, thành phần tham dự, nội dung hiệp thương thực hiện đúng trình tự, yêu cầu, tạo sự đồng thuận thống nhất cao, đảm bảo số lượng, cơ cấu, thành phần theo quy định. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương đã tổ chức hội nghị giới thiệu người ứng cử đảm bảo đúng quy trình, người được giới thiệu đều được tín nhiệm cao. Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp tiếp tục triển khai kế hoạch giám sát đợt 2 và đợt 3 theo quy định, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Phóng viên: Có thể nói, vấn đề mà cử tri quan tâm nhất trong tất cả các cuộc bầu cử là việc lựa chọn giới thiệu những người có đức, có tài để đưa vào danh sách bầu cử, xin đồng chí cho biết chất lượng, cơ cấu và thành phần của những người được hội nghị hiệp thương các cấp đã lựa chọn lần này?

Đồng chí Phùng Quang Huy: Công tác hiệp thương giới thiệu người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp được tiến hành theo Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND. Những người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX đều có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ, năng lực, uy tín. Bản thân và gia đình chấp hành tốt các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; Có mối quan hệ mật thiết với nhân dân; 100% cử tri có mặt tại các hội nghị cử tri nơi công tác cũng như nơi cư trú thể hiện sự tín nhiệm cao đối với các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV, Đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026.

Đến ngày 17/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, thống nhất lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV đối với 8 người, đảm bảo cơ cấu và thành phần theo luật định. Trong đó, dân tộc Kinh 01 người, dân tộc thiểu số 07 người; nữ 06 người; trẻ tuổi 06 người, ngoài Đảng 01 người, tái cử 01 người; thành phần: Khối Đảng 01 người, khối chính quyền 03 người, MTTQ 01 người, tổ chức thành viên Mặt trận: 03 người. Thống nhất lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái khóa XIX nhiệm kỳ 2021- 2026 gồm có 97 người đảm bảo cơ cấu và thành phần theo luật định. Trong đó: dân tộc thiểu số 39 người, chiếm 40,2%; nữ 34 người, chiếm 35,05%; trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) có 44 người, chiếm 45,36%; tôn giáo 02 người, chiếm 2,06%; ngoài Đảng 12 người, chiếm 12,36%. Thành phần: khối Đảng 25 người, khối chính quyền 47 người, Mặt trận 03 người, tổ chức thành viên Mặt trận 08 người, doanh nghiệp 02 người, tôn giáo 02 người, thành phần khác 10 người.

Phóng viên: So với các cuộc bầu cử trước, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 có những điểm gì mới?

Đồng chí Phùng Quang Huy: Trong công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 có một số điểm mới sau:

Điểm mới thứ nhất: Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc  hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 có 3 nội dung gồm:

- Quy định về thời gian đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND các cấp gửi văn bản điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND đến Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.

- Danh sách giới thiệu người ứng đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND phải bảo đảm số dư cần thiết để hội nghị xem xét, lựa chọn lập danh sách sơ bộ.

- Danh sách giới thiệu người ứng cử trình hội nghị hiệp thương lần thứ ba phải bảo đảm có số dư lớn hơn số dư quy định tại khoản 6 Điều 57 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND.

Điểm mới thứ hai: Việc giới thiệu người ứng cử và lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú đối với người được giới thiệu ứng cử.

Trường hợp người được dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị thì Ban lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức giới thiệu người khác.

Những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% số cử tri tham dự tại hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định. 

Phóng viên: Được biết, trong cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 thì tổ chức của HĐND các cấp có sự thay đổi so với nhiệm kỳ trước, vậy đồng chí cho biết những thay đổi đó là gì?

Đồng chí Phùng Quang Huy: Căn cứ Quy định của Luật số 47/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 22 tháng 11 năm 2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính Phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương. Quy định về tổ chức của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã nhiệm kỳ 2021- 2026 có sự thay đổi so với nhiệm kỳ 2016- 2021 về số lượng Đại biểu HĐND, số lượng cấp phó và cơ cấu của Thường trực HĐND. Cụ thể:

Về số lượng Đại biểu HĐND ở các cấp đều giảm so với nhiệm kỳ trước (Cấp tỉnh giảm 10 đại biểu, cấp huyện giảm 05 đại biểu, cấp xã giảm từ 5- 6 đại biểu)

Về cơ cấu thành phần của Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thay đổi như sau:

Đối với HĐND cấp tỉnh: Cơ cấu Thường trực HĐND tỉnh gồm: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các ủy viên là Trưởng các ban của HĐND cấp tỉnh (Không có chức danh Chánh văn phòng HĐND).

Về số lượng cấp phó: Trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có 01 Phó Chủ tịch HĐND; trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là Đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có 02 Phó Chủ tịch HĐND. Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Đối với HĐND cấp huyện: Thường trực HĐND cấp huyện gồm Chủ tịch HĐND, 01 Phó Chủ tịch HĐND (giảm 01 Phó Chủ tịch HĐND so với nhiệm kỳ trước) và các ủy viên là trưởng các ban của HĐND cấp huyện. Chủ tịch HĐND huyện có thể là Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện là Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Đối với HĐND cấp xã: Thường trực HĐND cấp xã gồm Chủ tịch HĐND, 01 Phó Chủ tịch HĐND và có thêm các ủy viên là trưởng ban của HĐND cấp xã. Phó Chủ tịch HĐND cấp xã là Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.

Phóng viên: Thời gian đến ngày bầu cử không còn nhiều, để cuộc bầu cử thành công, thực sự trở thành ngày hội của toàn dân thì trong thời gian tới MTTQ các cấp sẽ triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Đồng chí Phùng Quang Huy: Để góp phần vào thành công cuộc bầu cử, trong thời gian tới, MTTQ các cấp sẽ tiếp tục triển khai tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tập trung tuyền truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 là góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.

2. Tổ chức cho cử tri và nhân dân học tập nắm vững Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND để cử tri thấy rõ trách nhiệm, quyền hạn, tự mình tham gia bầu cử để lựa chọn người xứng đáng bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp, để ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026  thực sự là ngày hội của toàn dân.

 3. Xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để các ửng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV, ứng cử viên Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 vận động bầu cử.

 4. Tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát bầu cử theo kế hoạch. Tổ chức nắm bắt tình hình tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân để báo cáo cấp ủy, chính quyền. Kịp thời đấu tranh, phê phán bác bỏ các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, kích động, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 trên địa bàn tỉnh Yên Bái thành công.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

                                                                                           P.V

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter