• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Bí thư Tỉnh ủy vùng lũ quyét
Ngày xuất bản: 04/02/2021 7:34:22 SA

Nhà văn Võ Bá Cường 

Mưa dữ dội, gió gào như dứt tóc anh, cây cối đổ ào ào. Trước mặt không còn đường đi, chỉ có nước táp bờ trắng non, trắng núi. Bỗng quả đồi phía sau lưng bị sạt xuống kéo theo hàng vạn mét khối đất như mông con ngựa mới bị khoét đi một mảng đỏ lòm. Nó không kịp cất tiếng “hí hoét” gọi người đến cứu.

Cả đoàn người cứu nạn cứu hộ dừng lại, không ai bảo ai, vuốt mặt nước mưa để ngước nhìn quả đồi mới bị sạt mà sợ! Lo sợ không phải cho mình, mà cho dân làng Mảnh, mấy ngày nay vẫn bị chia cắt. Người chưa tới được? Chưa hết suy nghĩ về làng Mảnh. Quả đồi phía trước lại bị hớt đi, như người thợ hớt mái tóc rậm, cây cối nhà cửa mất tăm. Chỉ có nước và nước. Duy kêu lên “Chúng ta phải mở lối khác mà đi. Không thể đầu hàng lũ được”.

Một con chim sã cánh, rơi từ trên cây xuống. Đói, rét không đủ sức cất tiếng... Đỗ Đức Duy vội nắm lấy, vuốt nước lưng, đuôi, đầu mỏ chim như nựng con trẻ. Con chim dễ thương, anh ủ vào trong ống áo. Chân đạp lên chiếc kèo nhà cũ của người Mông, lũ vừa kéo ra đây…

Anh suýt trượt chân, gượng ngồi xuống hòn đá bên bờ suối. Những hòn đá tròn trọc lốc như đầu ông sư. Nhưng tôi cả quyết với các bạn rằng: mặt đá trơ nhám, vôn ngôn, thách thức hiên ngang chắn lối.

Duy ngồi ở đoạn suối Cóong Kéng. Con suối khá nguy hiểm, bình thường cá không đủ sức ngược dòng. Dân bản Thẩm Có (Suối Quyền) nghĩ tới chỗ đó mà sợ, không cho con cháu đi qua.

Duy hỏi Nguyễn Xuân Thành (Bí thư Suối Quyền) “Từ đây vào làng Mảnh còn bao xa?”

- Thưa Chủ tịch. Có lẽ hơn mười lăm cây số đường dốc.

Anh nhìn ngọn thác cao hơn mười mét đổ xuống lòng khe như chiếc mo cau. Nhìn lũ gào thét, có thể tưởng tượng nỗi đau của đồng bào. Anh nói trong hơi thở. Âm giọng không hề sợ sệt: “Muốn cứu được đồng bào, trước hết chúng ta phải an toàn”. Giọng anh như một mệnh lệnh, khác gì mệnh lệnh của Bí thư Khang Sùng Đô (1965) cho người Mèo hạ sơn. Bỗng dưng anh cằn nhằn với mấy chiến sĩ mở đường phía trước, vạc ngọn tre theo kiểu móng lợn nhọn hoắt, sợ người đi sau quệt phải. Anh kêu anh em quay lại vạc tre cho tày đầu quang lối.

Anh nhớ năm ngoái đi thăm bản người Mông. Trời mù, rét cóng. Cây đào đầu dốc khuơ trong sương lạnh cành lá đen thui, chưa cho lộc. Mới bước qua ngưỡng cửa, chủ nhà đánh mắt nhìn con gái đang ngồi ôm con, nó chạy ra chái nhà vác thêm cây củi Thông lùa vào bếp cho thơm. Cái bếp lửa ấy trên vách núi kia. Hôm nay đâu còn?

Anh đang đi tìm đến điểm hẹn của dân làng Mảnh. Đấy là sự sống còn của dân.

Tiếp cận với lũ quét lòng anh lại rung lên niềm cảm hứng yêu thương dân tộc. Anh trân trọng họ ở tính chân thật, dũng cảm như cây Tống Quá Sủ (cây sống nổi qua mùa đông) ở đầu dốc Giàng Pằng. Nhưng lũ thác năm nay đã cuốn đi tất cả? Sao không khỏi khóc? Mấy ngày rồi, anh cùng các đồng chí của mình nhai mỳ tôm sống, uống nước lọc, đến với đồng bào. Anh không sinh ra ở đất làng Mảnh, nhưng coi cái làng nhỏ nằm vắt vẻo trên lưng núi như mảnh hồn làng biển quê mình, quanh năm cũng đón nhiều trận bão tràn từ biển vào. “Coi núi như cha- Cỏ hoa như mẹ”. Anh đọc câu thơ ấy mỗi khi đu cây vượt suối.

Cả đội cứu hộ cứu nạn theo anh. Tự tay anh kiếm mấy cây củi khô vào hang đốt lên ngọn lửa giữa rừng. Ngọn lửa lúc đi cứu nạn được nhóm lên là ngọn lửa trí tuệ, bản lĩnh của người Đảng viên gặp lúc khó khăn nhất. Anh ngồi nhìn lửa cháy nhớ lại.

Cũng vào mùa thu năm 2015, ngày 11/10 lũ làm sập cầu Thia, cuốn đi cậu phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đang lúc cùng bạn tác nghiệp. Bạn chạy vào phía sau lau ống kính. Trong giây phút, nước hút đổ thân cầu, cuốn đi hẳn một khoang kéo theo nhà báo Đinh Hữu Dư xuống nước. Tiếng đổ cây cầu như quả bom giữa chiến dịch. Chia cắt một bên phường Cầu Thia, bên Phù Nham mất liên lạc. Hai vùng đất vốn gắn liền nhau, giờ thành riêng biệt. Duy cùng những người dân đứng trên cầu, nhìn lũ quét giận dữ mà động lòng. Sự mất mát đó ai cũng đau đớn, cúi rạp người xuống gọi Dư. Nhưng rồi tất cả phải đứng dậy vươn lên như tre sau bão. Năm ấy lũ cuốn chết 47 người. Anh mới từ Hà Nội chuyển lên đây chưa được bao hôm đã gặp lũ bão. Anh chưa hiểu tường tận về con người đất đai Yên Bái. Lúc như thế. Anh tự nhắc mình là may mắn được cọ sát với thực tế. Thành lập ban chỉ huy tiền phương ngay thị xã Nghĩa Lộ. Mỗi người một việc, còn anh đi tìm Đinh Hữu Dư. Người Đảng viên trẻ kết nạp tại trường.

Hôm Dư lên Yên Bái công tác, hai anh em gặp nhau. Cảm giác của Chủ tịch Duy “Dư thông minh, đức hạnh làm báo có nghề”. Trong tâm sự Duy được biết vì hoàn cảnh riêng Dư ở với bà nội. Lớn lên đi theo nghề báo.

Cuộc đời Dư nghèo khổ, thiệt phận. Dư xung phong lên miền núi vào mùa lũ quét để có những tư liệu quí về nhân dân. Vùng núi. Chẳng may… Duy coi Dư như một đứa em ruột mình vì nhiều lẽ.

Đi kiếm xác Đinh Hữu Dư, lúc đứng ở gốc cây si cổ thụ ven suối. Một số cán bộ cùng anh em nhà báo đều cất tiếng “Dư ơi! Em ở đâu. Về nhà đi”. Tiếng gọi đó hình như đã đến được với Đinh Hữu Dư. Ba hôm sau, xác Dư đã lập lờ nổi ở đầu cầu Văn Phú Yên Bái. Như vậy Dư đã theo thủy thần đi 100km mới chịu gặp lại người thân. Nhận tin, Chủ tịch Duy lao vội về đầu cầu Văn Phú để gặp người Đảng viên trẻ, người em của mình. Lúc gặp nhau ở cầu Văn Phú. Anh bạn Thông tấn xã Việt Nam cùng đi tác nghiệp với Dư đã kêu lên “Dư ơi! Anh sẽ mãi là cánh chim không mỏi trên bầu trời Tây Bắc”. Nhân dân mỗi người một nắm đất đắp mộ anh, những giọt nước mắt nối tiếp rơi trên quan tài anh. Dư là người “vô danh” nhưng không “hổ danh”. Chủ tịch Duy bảo “một cánh chim đã bay khắp vùng rừng Yên Bái. Nay ngừng lại”. Duy cử cán bộ Văn phòng Tỉnh đưa Dư về Ninh Bình gặp bà nội và nằm lại mảnh đất đã sinh ra người Đảng viên dũng cảm. Anh đứng nhìn chiếc quan tài chở Dư. Vái vọng hồn Dư về với quê hương…

Hồi tưởng mùa lũ năm trước. Khi Chủ tịch Duy mới chân ướt chân ráo về Yên Bái. Mấy năm, năm nào cũng lũ bão. Năm nào Duy cũng là người lính tiên phong trong đội cứu hộ, cứu nạn. Từ bé đến lớn Duy là người tự rèn đắp cho mình ý chí học tập thầm kín, để đắp lại sự mong mỏi của mẹ lúc trở dạ sinh con “Mong nó trở thành người tử tế”.

Trưởng thành, Duy phải chấp nhận cơ chế thị trường, anh bước ra đời bằng bản năng người có học, có hiểu biết chút ít văn hóa, để tồn tại trong mọi dục vọng con người “cả danh và lợi” đang gào thét xung quanh. Anh như người lính ra trận. Mặt trận và chiến sĩ đã chọn anh làm chỉ huy. Như cây lúa chọn vị Bộ trưởng, như phong trào đồng khởi chọn chị Ba Định làm Nữ Tướng. Sau này chị trở thành người Nữ Tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Như dân đã chọn Anh hùng Lương Đình Của.

Những cung bậc ấy Duy vượt qua. Tổ chức và cuộc sống đã chọn lựa anh vào hệ thống Nhà nước như nông dân chọn giống lúa trên đồng ruộng năm tấn của họ.

Cứ thế anh đi… không bóng cây Cơ Nia. Về đây, với một chức năng mới ở tỉnh vùng lũ. Anh đang đứng trong mọi sự thử thách và bể khổ của nhân dân. Mắt lúc nào cũng hướng về làng Mảnh bị nước non chia cắt, mù mịt, sương khuya, khí núi, không một ánh lửa. Anh biết dân giờ đang đi tìm cây chuối bóc bẹ lấy nõn cho con ăn.

Anh hỏi Chu Đình Ngữ (Bí thư Văn Chấn), Nguyễn Xuân Thành (Bí thư xã Suối Quyền) “Liệu đồng bào còn gạo để ăn không?”. Rồi lần nữa anh ngước lên dãy núi mờ mờ ảo ảo mù mịt mây dăng. Chỉ một giây lát thôi anh mới hiểu: “Tại sao vùng núi này dân gọi là Sủng Lủ (Khe Lũ)”. Anh tự giải thích lấy “cán bộ phải có năng lực nhưng phải có tầm văn hóa. Học trong dân gian, trong cuộc sống mới lãnh đạo được dân”.

Tư duy sâu rộng về văn hóa sẽ giúp anh đi tận cùng mọi ngõ ngách các vấn đề. Hôm đó anh chọn dân địa phương dẫn đường vào nơi khó nhất vì anh biết “lắng nghe” mặc dù đôi lúc cũng có những ý kiến trái ý mình, nhưng anh đâu “nóng gáy”.

Khi vượt hơn chục cây số vào làng Mảnh (Sùng Đô) anh trụ lại cùng Chu Đình Ngữ năm ngày để khắc phục hậu quả. Anh tâm sự với Ngữ “Chúng ta có “chút danh” không để “hổ danh” hãy ngồi xuống đất với dân ăn nõn chuối, lá rừng và nhai mì tôm sống cùng họ. Đừng vì “cái danh” mà tạo ra khoảng trống với dân. Mình đâu xuống dân mà về với dân, như con về với mẹ”.

Duy kể với mấy anh em đi cứu nạn. Lũ năm ngoái Duy lên xã Hát Lìu nơi xa nhất trên con đường độc đạo. Gặp hòn đá lớn mới đổ, xe không qua được muốn đi. Phải mở đường phá đá. Lúc này cần có bản lĩnh người Đảng viên; cộng với khả năng tư duy độc lập, mà không sai phạm về nguyên tắc dùng thuốc nổ. 

Đường thông. Gần sáng đến được Xà Hồ. Đã mấy ai đặt được chân đến. Dân ở đây ăn bốc. Cơm đổ lá chuối. Gặp được anh. Dân kêu to “Đảng đã đến rồi! Dân Xà Hồ, không sợ thần nước, thần núi ăn thịt nữa”.

Những ngày đầu về Yên Bái. Duy leo đèo, lội suối không nơi nào không đặt chân tới. Đi đến đâu, anh chọn xã xa nhất, khó nhất, anh ghi nhớ tên người, tên bản. Tên từng con suối. Anh về xã Chế Tạo (Mù Cang Chải) để xem dân sống ra sao? Anh hiểu con đường người Mèo đi heo hút, đi mãi, đi mãi, mà không đến xã.

Anh như cánh chim trong tuyết, tìm lửa trong mắt người. Tới được xã Chế Tạo. Trời khuya lắm. Mấy trăm dân sống rải rác trong các bản ngồi đón anh. Họ đã mổ con bò lấy thịt đãi khách. Duy đến vào ngày hội “Toàn dân đoàn kết”. Cuộc vui trong rét đậm, rét ngọt. Chỗ nào cũng đốt lửa.

Ngồi uống rượu với dân tới hai giờ sáng. Nghe dân nói “tiếng lòng- tiếng dân” đã thấu vào trái tim anh. Nào chuyện người ốm, người chết, chuyện đất đai, nhà cửa, trường học. Chuyện gì cũng như mới. Ông Sùng Vẳng Dơ đứng dựa cột ngắm thằng cán bộ từ xuôi lên, mắt nó, nụ cười nó. Thương quá! Hiền quá! Thấy vui cái bụng ông về nhà lấy chiếc chai nhựa, lau xúc sạch sẽ, rót đầy nửa lít mật ong, tìm cái nõ ngô đút chặt, lững thững đi qua mọi người. Thủng thẳng nói giữa hội trường. “Tao cho mày đấy. Mày là người tốt. Thơm như mật ong rừng vậy”.

Nhận quà của ông già Mông. Lòng đâu còn im lặng. Bởi nhiều ánh lửa, mây trắng Mù Cang Chải đằm sâu trong mắt anh.

Kỉ niệm miền rừng như thước phim quay chậm qua đầu. Bây giờ làng Mảnh lại gọi tên anh trong lũ bão. Họ bảo nhau: “Rồi đấy chúng mày xem. Thế nào thằng Duy cũng tìm cách vào đây”. Khi anh đặt chân vào đầu bản. Dân từ mái nhà trên cây nhảy xuống kêu “Nó đấy! Chủ tịch Duy đấy”!

Duy lặng lẽ nắm tay mọi người. Từ nhà nọ sang nhà kia, không bỏ sót một ai, chia mì tôm nước uống cho dân.

Làng Mảnh nằm dọc theo sườn núi Đề Tu. Chỉ có một khu đất rộng nằm lọp thỏm giữa hai sườn dốc rộng 5 ha. Dân làng Mảnh trồng lúa. Cuộc sống của 720 khẩu với 46 hộ đều nom vào đó. Giờ nước ngập trắng băng. Họ sống ra sao? Duy đứng đó cùng mối lo nghĩ với dân. Anh vội vã theo Bí thư Đoàn thanh niên A Bùa là người duy nhất tốt nghiệp đại học kinh tế ở làng Mảnh cùng đi tìm xác Vàng A Lâu bị vùi trong đất.

Từ rốn lũ ra. Tối ấy Chu Đình Ngữ ngồi lại với Chủ tịch tỉnh. Hai người cọ rửa bàn chân ngấm bùn. Uống ngụm trà nóng duỗi duỗi đôi chân mỏi. Đỗ Đức Duy nói:

“Về với dân, mới ngấm lời người xưa “Đừng dùng cái “thế” của lãnh đạo mà lên mặt với dân. Tìm người “hiền” quả khó. Bọn người hư hỏng tham lam chỗ nào chả gặp, nếu nhầm lẫn lại đưa nó lên ngồi ghế cao, hơn người có công, thực tài thì tai họa cho đất nước. Người xấu lúc yên ổn ham danh, gặp lúc tai họa không thấy họ. Muốn dùng được người tốt, trước nhất “Đảng ta phải có bàn tay sắt, nhưng phải sạch”. Câu nói đó của đồng chí lãnh đạo nào, cứ âm vang trong anh.

Đại hội Đảng lần thứ XIX của Yên Bái, Đỗ Đức Duy đã được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Đấy là dân chọn anh, phong trào trong các đồng bào dân tộc tìm anh. Bởi anh biết học tập cái đẹp của người Cộng sản. Trong lúc làm việc với các đồng chí cấp ủy, anh luôn nhấn mạnh “đừng coi mình là “ông vua” một vùng, mà là con dân. Đừng nghĩ mình luôn “sáng suốt” chỉ là học trò của dân. Hãy đi vào cánh cửa người xưa để lại “lấy dân làm gốc”. Đừng xa người trung, đừng gần kẻ nịnh. Không chuộng lối sinh hoạt “khoái chí”, ăn tiêu một đồng đều là tiền thuế của dân. Nhờ thế mới đạt được chữ “kiệm”. Những người Mác xít đầu tiên theo Bác, đều là người tri thức. Giữa tri thức và “ông quan” họ vẫn giữ một khoảng cách. Vì làm quan, có quyền, có chức, dễ quên nhiệm vụ. Kẻ sĩ là biết “liêm sỉ”.

Chúng ta đi chống lũ ăn mì tôm uống nước lọc, ngủ đất với dân. Vì thế dân nói được mọi chuyện, mình thấy tầm văn hóa, học thức của mình còn xa mới hiểu được đồng bào các dân tộc. Mình tham gia hội thảo, Hội Khuyến học- Hội Khoa học công nghệ- Hội Văn học nghệ thuật…để hiểu được giới trí thức. Hiểu họ, nghe họ mới có tư tưởng cùng tập thể cấp ủy thực hiện bằng được nghị quyết của Đảng bộ. Xanh- Hài hòa- Bản sắc và Hạnh phúc. Đấy là nét riêng thế mạnh của Yên Bái.          

 

                                                                                     V.B.C

            

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter