• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Chuyện của Thảo
Ngày xuất bản: 04/08/2022 8:59:17 SA

Truyện ngắn của NGỌC HÀ

 

Mường Khương là huyện duy nhất của tỉnh Lào Cai mà tôi chưa có dịp đến. Lần nữa mãi vì dịch, tranh thủ lúc thích ứng an toàn, tôi tự lái xe lên đóthăm thú vùng đất mới.

Một mình với chiếc máy ảnh, tôi lang thang ngắm cảnh vật và hình dung nơi đây 42 năm về trước là chiến trường đổ nát. Cảnh vật nơi nàykhông còn chút gì về dấu tích chiến tranh. Những công sở, dãy phố ở san sát, giống những thị tứ, thị trấn mà tôi đã đi qua. Tôi để xe ở một góc đường rồi đi bộ. Tránh một tốp thợ đang khiêng đồ vào một ngôi nhà mới xây đang trong giai đoạn hoàn thiện. Một người phụ nữ đang dùng vòi nước rửa cát bụi ngoài sân. Đập vào mắt tôi là bắp chân của chị có vết chàm to, đen kịt. Bất giác tôi linh cảm tới Thảo, người em họ ở quê cách đây mấy chục năm. Buột miệng tôi gọi:

- Thảo! Thảo phải không?

Người phụ nữ quay lại, tôi nhận ra đó là Thảo. Thảo ngỡ ngàng nhìn tôi. Tôi nói luôn:

- Chị là Loan, con bác bá Hưng Lương ở Xuân Thượng, Phú Thọ đây.

- Ôi chị Loan, chị đi đâu đến đây.

Thảo rối rít đưa tôi vào nhà nói:

- Ôi, đã mấy chục năm rồi em không gặp chị, chị giống chị Phượng và bá thật đấy. Giờ em nhớ ra rồi. Nhưng nếu vô tình gặp ngoài chợ là em không nhận ra đâu.

Tôi nói năm ngoái về quê viếng đám tang bác Dưỡng, tôi gặp thím Dĩnh mẹ của Thảo. Thím đã gần 90nhưng minh mẫn, vẫn nhớ tên tôi và hỏi thăm bố mẹ tôi.

Căn nhà của Thảo xây thật rộng, nội thất toàn đồ đắt tiền. Ngôi nhà đồ sộ, nổi trội giữa thị trấn huyện lỵ biên giới.

Vừa lúc ấy, một người đàn ông luống tuổi, cao gầy đi vào. Thảo giới thiệu với tôi:

-Đây là anh Chiến nhà em. Còn đây là chị Loan, con bác bá Hưng Lương ở quê anh ạ.

Chiến niềm nở chào tôi rồi xin phép đi lên với tốp thợ đang lắp đặt trên tầng.

Tiếng là họ hàng ở quê nhưng tôi ít thông tin về Thảo. Phần vì nhà tôi không ai còn ở quê. Bố mẹ tôi đã ra ở với đứa em cậu ngoài thành phố. Phần vì tôi không cùng trang lứa, có nhẽ là ít hơn Thảo đến năm, bảy tuổi gì đấy. Tôi nhớ khi tôi còn là trẻ con thì Thảo đã đi công tác rồi. Ấn tượng để tôi nhớ về Thảo đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy vết chàm đen ở chân Thảo, tôi đã rất sợ hãi, vì đã được nghe ai đó ác ý gọi là con “Thảo hủi”.

Gặp người họ hàng ở quê, Thảo vui lắm. Thảo giữ tôi ở lại ăn cơm. Thảo bộc bạch: Nhà em ở tít tịt trên này, chả mấy khi có họ hàng ở quê đến chơi. Thấy tôi ngạc nhiên trước ngôi nhà mới, Thảo cười vui nói:

- Nhà mấy đứa con anh Chiến xây cho chúng em đấy. Đồ đạc, nội thất tất tật nó chở từ Hà Nội lên. Vợ chồng em chỉ việc trông coi các tốp thợ và dọn dẹp linh tinh thôi.Thảo bỗng trùng giọng xuống:

-  Chị à, ai cũng bảo số em có hậu. Vất vả, nheo nhóc mãi giờ ba đứa chúng nó đều trưởng thành có công ăn việc làm và có nơi có chốn hết rồi. Dịp hè, Tết chúng nó đưa con về. Bọn nhỏ về đây như được rộng chân, sổ lồng đùa nghịch như quỷ. Lắm khi cũng thấy mệt nhưng vui chị ạ.

Nghe Thảo kể, tôi mới được biết về cuộc đời của Thảo.

Mười tám tuổi, trước cận kề chiến tranh biên giới, Thảo tham gia thanh niên xung phong mở đường chiến lược Hoàng Liên Sơn I. Thanh mảnh, trắng trẻo với khuôn mặt khả ái, Thảo trội nhất trong đám nữ thanh niên ấy. Song với vết chàm vừa to vừa đen lại có những túm lông như da thú ở bắp chân mỗi khi phải xắn quần khiến Thảo mặc cảm. Tích cực, chăm chỉ, Thảo đã được công nhận là kiện tướng của công trường.

Chiến tranh qua đi, Thảo chuyển về lâm trường làm công nhân. Lâm trường nơi Thảo công tác phần lớn là phụ nữ. Sát phòng tập thể của Thảo là vợ chồng ThủyChiến. Thủy làm y tá, Chiến làm lái xe của lâm trường. Gia đình Thủy Chiến có ba đứa con. Thằng lớn là Trung, hai đứa con gái nhỏ là Giang và Hà. Cùng cảnh quê ở xuôi, không có họ hàng thân thích ở gần nên mọi người trong khu tập thể quý và gẫn gũi nhau lắm. Chiến làm lái xe, Thủy làm y tá, vì công việchay vắng nhà nên bọn trẻ con nhà Thủy luôn quấn quýt bên Thảo. Cái Hà nhiều tối ngủ trên tay Thảo, khuya mẹ Thủy mới sang đón về.

Công cuộc đổi mới mở cửa của đất nước như một luồng gió. Ngoài việc lái xe của lâm trường, Chiến còn tranh thủ chở hàng thêm bên ngoài. Chiến giao du, quan hệ với nhiều người ngoài lâm trường hơn. Nhà Thủy thời điểm đóbắt đầu có tivi Samsung, đài cát xét, xe đạp Phượng Hoàng...Thủy mong sẽ tích lũy thêmđể mua nhà riêng.

Ngoảnh đi, ngoảnh lại, Thảo sắp bước sang tuổi băm mà vẫn chưa có người hẹn hò, đưa đón. Dịp đó, lâm trường tổ chức kết nghĩa với đơn vị bộ đội biên phòng. Chương trình giao lưu văn nghệgiữa hai đơn vịđưa Thảo quen Tuấn, một sĩ quan đẹp trai làm Phó trưởng đồn. Thảo và Tuấn song ca bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Tuy chỉ có ít thời gian luyện tập, song lúc diễn, giọng hát của Thảo và Tuấn khớp như đã hát cùng nhau nhiều rồi. Giọng hát ấm áp của Tuấn, ánh mắt đắm say của Tuấn khi Tuấn nắm tay Thảo hát câu: “Là tình yêu, anh gửi cho em, là tình yêu ta gửi cho nhau” khiến Thảo mê muội. Thảo đem lòng yêu đơn phương Tuấn. Thảo đâu tỉnh táo phân biệt rằng trên sân khấu và ngoài đời thường là khoảng cách rất xa. Những lần gặp lại Tuấn, Thảo không đủ can đảm bày tỏ tình cảm của mình. Cứ đêm về, Thảo lại chong chong thức, giọng hát ấm  áp của Tuấn văng vẳng bên tai. Toàn thân Thảo nóng rực mỗi khi Thảo nhớ tới lúc Tuấn nắm tay mình.

Rồi một ngày đông ấm áp, Tuấn ào đến phòng tìm Thảo. Thảo luống cuống pha nước, cứ rót mãi làm trào hết ra cả khay. Thấy Tuấn nhắc, Thảo đỏ dừ cả tai, hai tay như thừa thãi. Thảo tự nhủ gắng bình tâm, sẽ bày tỏ tình cảm với Tuấn lúc này.

Tuấn vô tư cười nói, lấy trong chiếc sắc cốt ra chiếc thiệp mời Thảo. Tuấn chuẩn bị lấy vợ. Vợ Tuấn là một cô giáo mới ra trường đã được phân công về trường cấp III thị xã. Thảo thấy lạnh tê tái, bẽ bàng khi nhận thiệp cưới từ tay Tuấn. Tuấn ra về với lời chào:

- Nhất định Thảo phải đến nhé, nhớ mời bạn trai đến cùng chia vui với anh.

Thảo đổ bệnh, người cứ xanh rớt, ăn uống gì cũng thấy miệng đắng ngắt. Thủy biết chuyện, an ủi động viên Thảo. Dần dần, Thảo cũng nguôi ngoai mà thầm mong một ngày nào đó sẽ gặp người đàn ông của đời mình.

Một ngày nghỉ, Thủy đi chợ nhưng không rõ lý do gì, vừa đi được một lúc rồi bỗng nhiên quay về. Thủy đẩy cửa bướcvàonhà chợt bắt gặp Chiến đang nằm co trên ghế hút thuốc phiện. Làn khói trắng mờ lan tỏa mùi thơm đặc trưng. Thủy hét lên một tiếng kinh hoàng. Chiến vẫn đang mơ màng trong cơn phê. Quẫn chí, Thủy mở nút can xăng ở góc nhà dội lên người, với chiếc bật lửa chạy ra cửa. Cả người Thủy bùng lên ngọn lửa dữ dội. Thảo đang ở trong phòng nghe tiếng hét chạy ra thì đã thấy Thủy quằn quại trong ngọn lửa.

Chiến bừng tỉnh cùng Thảo và hàng xóm dùng mọi thứ có thể để dập lửa, nhưng toàn thân Thủy đã co dúm, đen thui, khét lẹt. Lớp quần áo bết chặt vào cơ thể. Thủy chết trên đường đi xuống bệnh viện huyện cấp cứu. Sau cái chết của Thủy, Thảo bàng hoàng như nỗi đau mất người thân của mình. Thảo cũng không biết lý do gì khiến Thủy tìm đến cái chết một cách vội vã,đau đớnthế.

Bé Hà mới 13 tháng, nhiều đêm khát sữa khóc ngặt nghẽo. Mặc dù Chiến đã đón mẹ đẻ lên chăm sóc các cháu nhưng bà không sao dỗ nổi bé Hà. Thảo đã đón Hà sang ngủ, cho nó ngậm bầu vú tròn, trinh trắng của mình.  Bé Hà bện hơi Thảo không dứt được.

Ngày giỗ đầu của Thủy, Thảo sang nhà giúp Chiến làm mâm cơm cúng. Chiến cúi đầu trước bàn thờ Thủy, thú nhận lý do khiến Thủy tự tìm đến cái chết. Chiến hứa với vong linh Thủy, với Thảo sẽ đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”, toàn tâm, toàn ý chăm sóc gia đình.

Qua tháng năm, những đứa con của Chiến đã lớn. Thằng Trung trổ giò ra dáng thanh niên. Trung đã biết làm những việc của người đàn ông trong nhà, biết đỡ đần Thảo những việc nặng.

Tuổi thanh xuân của Thảo đã vụt trôi qua lúc nào không hay. Trên đôi má Thảo đã xuất hiện những đốm tàn nhang. Người Thảo đét dần, duy chỉ ánh mắt vẫn trong trẻo, nhân hậu.

Cảm động từ tấm lòng của Thảo, Chiến đem lòng yêu thương Thảo lúc nào không hay. Một số người trong lâm trườngtỏ ý gán ghépThảo và Chiến thành đôi. Nhưng Thảo cự tuyệt. Thảo chưa tin Chiến rũ bỏ được ma túy, liệu Chiến có mang được hạnh phúc đến cho Thảo hay không. Biết đâu, một ngày nào đó chuyện cũ lại lặp lại.

Thằng Trung đậu vào Đại học mỏ địa chất. Trung học giỏi, được bầu làm cán bộ lớp, Bí thư liên chi đoàn. Năm học thứ 3, một đoàn sinh viên do thầy trưởng khoa dẫn học sinh đi thực tập tại Lào Cai. Biết hoàn cảnh gia đình Trung,  thầy giáo Hiếu đã đến thăm. Thảo sang giúp làm cơm mời khách. Khi nghe Trung kể về tấm lòng nhân ái, yêu thương của Thảo dành cho mấy anh em của Trung, thầy Hiếu vô cùng xúc động.

Một lần trên đường đi học, Trung bị tai nạn khá nặng. Nghe tin, Thảo tình nguyệnthay Chiến về bệnh viện Việt - Đức chăm Trung. Nhìn cử chỉ và chứng kiến nỗi lo lắng của Thảo, những người xung quanh không ai hay biết Thảokhông phải là mẹ đẻ của Trung.

Thầy Hiếu thường xuyên đến thăm Trung và hỗ trợ Thảo vì Thảo chưa thạo đường ở Hà Nội. Vợ thầy Hiếu mất vì bạo bệnh đã 3 năm, các con thầy cũng đã lớn. Qua tiếp xúc, gần gũi và biết về hoàn cảnh của Thảo, thầy Hiếu đem lòng yêu thương Thảo, muốn Thảo làm bạn đời của mình nốt quãng đời còn lại. Một buổi tối, thầy Hiếu mời và đón Thảo về nhà. Trước lời cầu hôn của thầy Hiếu, tâm trạng Thảo khó diễn tả, vui, buồn lẫn lộn.Muộn mằn ở tuổi 40, Thảo chìm đắm, run rẩy trước nụ hôn của đàn ông.

Trung dần hồi phục và khỏe lại. Thảo trở về lâm trường. Gia đình thầy Hiếu dự kiến ngày lành, tháng tốt về quê xin phép họ hàng đón Thảo về làm vợ. Thêm một lần trong đời,  cho dù Thảo xao xuyến, rung động, say đắm trước tình yêu, song Thảo vẫn rụt rè, ngần ngại nói với thầy Hiếu để Thảo suy nghĩ thêm.

Biết Thảo chuẩn bị lấy chồng, Chiến buồn lắm. Chiến ân hận vô cùng vì những chuyện đã qua. Chiến biết, hạnh phúc không tự đến. Chiến đã để mất Thủy, giờ Chiến không thể mất Thảo.

Đêm cuối trước khi Thảo đi Hà Nội, trong giấc ngủ chập chờn,Thủy đã về bên Thảo. Cả người Thủy nóng rẫy, Thủy ôm lấy Thảo nói:

- Chị đã quá ích kỷ, đã không tha thứ cho Chiến, đã rũ bỏ trách nhiệm với các con. Thảo ơi, Thảo đã thay chị làm mẹ, giờ Thảo thay chị làm vợ anh Chiến nhé.

Thảo sực tỉnh, mồ hôi túa ra đầm đìa. Thảo ôm đầu ngồi cho đến gà gáy canh ba. Sớm, Thảo sang nhà Chiến, xin phép thắp hương cho Thủy rồi về Hà Nội. Bất giác, Chiến ôm ghì lấy Thảo riết róng:

- Thảo ơi, hãy ở lại với anh và các con. Anh và các con cần em.

Thảo mềm lòng. Thảo thấy Hà Nội sao xa xôi đến thế. Nơi thị trấn biên giới heo hút này đã trở nên gắn bó, thân thuộc với Thảo. Tình cảm Thảo dành cho ba đứa con Chiến ngày một dày, dày thêm. Thảo không nhỡ dứt. Và tình cảm của Chiến, hoàn cảnh của Chiến làm Thảo suy nghĩ lại. Chiến đã đoạn tuyệt với ma túy. Có Thảo, Chiến sẽ sống tốt hơn...

Thảo trăn trở viết thư cho thầy Hiếu: “Hãy tha lỗi cho em. Em biết anh cần em và em cũng cần hạnh phúc. Nhưng nơi này, em từ lâu đã có một gia đình mà bây giờ em mới nhận ra. Anh rồi cũng sẽ tìm được hạnh phúc xứng đáng...”

Thảo ở lại làm vợ Chiến từ ngày ấy. Vợ chồng Thảo chắt chiu mua được căn nhà. Khi thị trấn quy hoạch, san ủi, nhà của Thảo trở thành vị trí mặt đường. Thảo và Chiến lần lượt nghỉ hưu, mở một cái quán nho nhỏ bán tạp hóa. Chiến mua chiếc xe tải nhỏ, chạy thuê loanh quanh cũng không hết việc.

Trung giờ đã làm Tổng Giám đốc một Công ty lớn, vợ con đàng hoàng. Cái Giang, cái Hà cũng đã có việc làm ổn định, con cái đủ nếp, tẻ. Hễ có việc chúng lại đón Thảo về thành phố trông con, trông nhà cho chúng nó.

Đầu năm nay, Trung về xin phép bố mẹ Chiến Thảo, tháo dỡ ngôi nhà cũ để xây ngôi nhà mới. Trung muốn tuổi xế chiều, Thảo được tận hưởng hạnh phúc đuề huề bên con cháu. Cuộc đời của Thảo đã quá nhiều hy sinh, vất vả rồi.

Thảo đưa tôi lên phòng thờ thắp hương cho Thủy. Qua làn khói, ánh mắt Thủy tin cậy, dõi theo, phù hộ cho toàn gia luôn may mắn, bình an.

Tạm biệt gia đình Thảo, tôi trở về trong lòng trào lên niềm cảm phục về  tấm lòng nhân ái, tình yêu và sự hy sinh của Thảo. Hạnh phúc dẫu có muộn mằn nhưng cũng được đáp đền trọn vẹn. Câu chuyện về cuộc đời của Thảovới tôi như một dấu ấn sâu sắc nhất về quê hương yêu dấu.

                                                         

N.H

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter