• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Đề cương về văn hóa Việt Nam với sự thành lập các tổ chức Hội văn hóa, văn nghệ
Ngày xuất bản: 27/03/2023 8:50:07 SA

PGS.TS. NGUYỄN NGỌC THIỆN

 

I. Những quan điểm cơ bản của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943)

Đề cương về văn hóa Việt Nam là một tài liệu ngắn gọn, chỉ trong 1500 chữ mà tập trung trình bày những vấn đề cơ bản, then chốt nhất của văn hóa Việt Nam dưới ánh sáng của quan điểm Mác- Lênin. Trong 5 phần của Đề cương, những quan điểm cơ bản đó được nêu ra trong phần I: Cách đặt vấn đề, phần IV: Cách mạng văn hóa Việt Nam, và phần V: Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương, chiếm gần 2/3 nội dung của Đề cương.

1. Trước hết, về khái niệm “văn hóa”, Đề cương xác định “Phạm vi vấn đề văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật”

Cho đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 200 định nghĩa về văn hóa trong đó đều nhấn mạnh: nói văn hóa là nói tới con người, nói tới việc phát huy, vun trồng những năng lực, bản chất của con người nhằm hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội. Do đó khái niệm văn hóa chứa đựng bản chất nhân văn, nhân bản. Cơ sở của mọi hoạt động văn hóa là khát vọng hướng tới cái chân, cái thiện, cái mỹ. Thường người ta chia văn hóa thành hai lĩnh vực: văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Tuy vậy, sự phân chia đó cũng chỉ có ý nghĩa tương đối. Cái gọi là văn hóa vật chất hay văn hóa vật thể thực ra là vật thể hóa các giá trị tinh thần.

Vậy, văn hóa là hoạt động tinh thần, hướng tới việc tạo lập ra những giá trị chân, thiện, mỹ. Hội tụ tổng thể các hoạt động trên phương diện văn hóa của con người, tạo nên một thế giới thứ hai do con người tạo ra nhằm nuôi dưỡng con người- một thế giới tồn tại song song với thế giới vật chất, khách quan, tự nhiên. Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước, đã cho thấy một quan niệm rõ ràng về văn hóa như sau:

“Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó đều là văn hóa”(1).

Ở đây, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trước hết đến khu vực chứa đựng những giá trị tinh thần của văn hóa như ngôn ngữ, khoa học, văn học, nghệ thuật…

Ra đời trong bối cảnh của cuộc đấu tranh chống lại những tư tưởng lạc hậu, phản động về văn hóa, những khuynh hướng ngăn cản tiến bộ, ngu dân, mù quáng, hẹp hòi hoặc quá trớn, Đề cương đã tập trung nhằm vào khu vực luôn luôn nổi lên những vấn đề bức xúc của đời sống văn hóa- khu vực chứa đựng những giá trị tinh thần của cuộc sống con người: tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Về điểm này, đồng chí Trường Chinh đã lý giải như sau: “Đó là lĩnh vực phản ánh toàn bộ đời sống xã hội vào ý thức của con người, thể hiện phong phú trên các mặt: tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Văn hóa luôn luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội”(2).

2. Từ chỗ xác định phạm vi của văn hóa như trên- tức lĩnh vực thể hiện những giá trị căn cốt của nền tảng tinh thần của đời sống con người, thì theo quan điểm Mácxít- Lêninnít, văn hóa thuộc thượng tầng kiến trúc của xã hội, chịu sự ảnh hưởng qua lại với hạ tầng cơ sở của xã hội, tức nền tảng kinh tế và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy. Mặt khác văn hóa cũng có quan hệ mật thiết với chính trị.

“Cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị)”. Tuy nhiên “những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bây giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau”.

Tóm lại mối quan hệ giữa kinh tế- văn hóa (hạ tầng cơ sở- kiến trúc thượng tầng) qua các yếu tố của kiến trúc thượng tầng (chính trị- văn hóa) được trình bày theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác- Lênin, cho thấy vị trí của từng yếu tố và sự tương tác lẫn nhau giữa chúng như một quy luật khách quan, tất yếu.

3. Kinh tế, chính trị, văn hóa là ba mặt trận của cách mạng, ở đó người cộng sản phải hoạt động, giữ vai trò lãnh đạo, thực hiện đồng bộ những cuộc cách mạng trên từng lĩnh vực, để hoàn thành các mục tiêu của cách mạng.

4. Về cuộc cách mạng văn hóa Việt Nam/ Đông Dương hiện tại và tương lai

Đề cương khẳng định:- Cuộc cách mạng văn hóa phải dựa vào cách mạng dân tộc giải phóng mới có điều kiện phát triển, phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo mới có thể hoàn thành.

- Mục tiêu trước mắt của cách mạng văn hóa Đông Dương trong điều kiện cách mạng dân tộc giải phóng là gây dựng nền văn hóa dân chủ mới, dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung.

Mục tiêu lâu dài của cách mạng văn hóa Đông Dương là văn hóa xã hội chủ nghĩa trong điều kiện tiến lên thực hiện cách mạng xã hội (chủ nghĩa) ở Đông Dương.

5. Nền văn hóa dân chủ mới mà Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương xây dựng trong cách mạng dân tộc giải phóng hiện nay phải đảm bảo đồng thời 3 nguyên tắc: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Mặt khác phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa phi Mác xít: bảo thủ, chiết trung, lập d, bi quan, thần bí, duy tâm, trotkit quá trớn…

Về những công việc phải làm cho cuộc vận động văn hóa mới, Đề cương nhấn mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh về tư tưởng, học thuật, về tiếng nói và chữ viết, và công tác tổ chức tập hợp lực lượng các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ để thống nhất mọi hoạt động văn hóa tiến bộ dưới quyền lãnh đạo của Đảng vô sản Mác xít.

Trên đây là 5 vấn đề thuộc quan điểm tư tưởng và nguyên tắc, phương thức vận động đấu tranh xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, do Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, đã đặt những nền tảng vững chắc cho đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng để tiếp tục giữ vững và phát triển trong những giai đoạn sau, từng bước tiến tới mục tiêu cuối cùng: xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa.

II. Mặt trận văn hóa thống nhất với sự ra đời, hoạt động của các tổ chức Hội văn hóa, văn nghệ.

1. Hội Văn hóa cứu quốc (1943- 1947)

Chủ trương thành lập các tổ chức quần chúng tham gia mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) được đặt ra trong Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5/1941) dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Theo đó, là sự ra đời của các tổ chức Hội: Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc…

Nhà văn Như Phong trong Hồi ức đã nhớ lại thời kỳ này như sau: “Trong Mặt trận Việt Minh, có Đảng ta, có những đảng phái khác, có những tổ chức quần chúng của các giới, các tầng lớp… Riêng về giới văn hóa, mới đầu Đảng định cho tổ chức các Hội văn nhân cứu quốc, giáo viên cứu quốc…, nhưng sau thấy những người hoạt động văn hóa về cơ bản có những tính cách giống nhau, có những quyền lợi chung về tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, lại có một nguyện vọng chung sâu xa nhất là muốn được đóng góp vào một nền văn hóa chân chính của dân tộc, nên đổi lại dự định, đặt ra một tổ chức chung cho cả giới là Văn hóa cứu quốc”(3).

Sau khi Đề cương về văn hóa Việt Nam được Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua (2/1943), Đảng xúc tiến việc thành lập các tổ, nhóm văn hóa cứu quốc, tập hợp các nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ yêu nước, có cảm tình với cách mạng, quán triệt tinh thần và nội dung của Đề cương, lợi dụng tất cả các khả năng hoạt động: bí mật, công khai, bán công khai viết bài phê bình, sáng tác, tranh luận trên báo chí đấu tranh chống những khuynh hướng văn nghệ tiêu cực, lạc hậu, phản động, tuyên truyền cho tư tưởng, sáng tác văn nghệ tiến bộ, cách mạng, hướng con người vượt thoát khỏi những bế tắc, ngột ngạt của xã hội đương thời, vươn tới ánh sáng chân trời mới đang rộng mở, tương lai tốt đẹp của nền văn hóa mới dân tộc, khoa học, đại chúng.

Tích cực tham gia vào tổ chức Hội văn hóa cứu quốc hoặc có cảm tình với Hội văn hóa cứu quốc, là các văn nghệ sĩ, trí thức tên tuổi.

Hội văn hóa cứu quốc ủng hộ, cử cán bộ phối hợp chặt chẽ với Hội Truyền bá chữ quốc ngữ (thành lập từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ, do các nhân sĩ, trí thức chủ xướng), để xóa bỏ tình trạng mù chữ, thất học, nâng cao dân trí người Việt, chống lại những thủ đoạn ngu dân thâm độc của chính quyền thực dân, phát xít.

Nhìn lại giai đoạn hoạt động bí mật của Văn hóa cứu quốc, về mặt sáng tác, đã xuất hiện những tác phẩm có giá trị lâu bền, như Vũ Như Tô (kịch của Nguyễn Huy Tưởng), Sống mòn (tiểu thuyết của Nam Cao), một số truyện ngắn của Nguyên Hồng, Tô Hoài, thơ của Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Tiến quân ca (nhạc, Văn Cao), Diệt phát xít (nhạc, Nguyễn Đình Thi), Du kích ca (nhạc, Đỗ Nhuận)…

Trên văn đàn công khai Văn học khái luận (chuyên luận của Đặng Thai Mai) là công trình lý luận văn học chịu ảnh hưởng của Đề cương, viết theo lập trường của quan điểm văn học Mác xít.

Sang đầu năm 1945, Hội văn hóa cứu quốc xúc tiến việc xuất bản cơ quan ngôn luận của Hội là tạp chí Tiên Phong. Số 1 tạp chí đã sắp xếp bài vở xong, chuẩn bị đưa in thì nổ ra Cách mạng tháng 8, nên tạp chí đến tháng 12/1945 mới xuất bản số đầu và kéo dài xuất bản đến số 24, số cuối, tháng 12/1946.

Trong hơn 1 năm xuất bản đều đặn ra hàng tháng sau ngày độc lập khi Văn hóa cứu quốc hoạt động công khai, tạp chí Tiên Phong đã góp phần đáng kể đăng tải các bài sáng tác, nghị luận, cập nhật những vấn đề lý luận văn hóa- văn nghệ đặt ra sau ngày cách mạng thành công, phản ánh sự đổi thay lớn lao của đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới độc lập, tự do và những cố gắng của giới trí thức văn hóa, văn nghệ sĩ đồng hành cùng nhân dân, xây dựng nền văn hóa mới thuộc về nhân dân, do nhân dân làm chủ trong sáng tạo và hưởng thụ.

Sau Cách mạng tháng 8 cho đến khi kết thúc hoạt động (đầu năm 1947) tổ chức Hội văn hóa cứu quốc đã mở rộng về mặt tổ chức tới các địa phương, cơ sở thuộc 3 miền Bắc- Trung- Nam, tiến hành họp Đại hội Văn hóa cứu quốc (10/1946) tại Hà Nội. Đại hội họp trong 3 ngày, thu hút trên 80 đại biểu thuộc 3 miền thảo luận vấn đề sáng tác, tổ chức và bầu Ban Chấp hành 14 người do nhà văn Đặng Thai Mai làm Chủ tịch, nhà phê bình Hoài Thanh làm Tổng thư ký.

Những hoạt động đáng kể của Hội Văn hóa cứu quốc trong những năm đầu sau Cách mạng tháng 8 là cổ động cho phong trào Bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt (cùng với chống giặc ngoại xâm, giặc đói), vận động quốc dân, đồng bào hưởng ứng thực hành “Đời sống mới”, từ bỏ hủ tục, nếp sống cũ lạc hậu, thực thi lối sống mới văn minh, tiến bộ- như Hồ Chủ tịch kêu gọi.

Lúc này, Hội Văn hóa cứu quốc là thành viên của mặt trận dân tộc thống nhất mới tên là Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) do Đảng chủ trương thành lập.

Hội Văn hóa cứu quốc là thành viên chủ chốt, xúc tiến các hoạt động tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất họp tại Hà Nội ngày 24.11.1946, có tham dự của hơn 200 đại biểu. Hồ Chủ tịch đã đến khai mạc và nói chuyện tại Hội nghị, khẳng định: Văn hóa phải lãnh đạo quốc dân, soi đường cho quốc dân đi. Do tình hình khẩn trương kháng chiến chống Pháp, Hội nghị chỉ họp trong 1 ngày, buổi chiều Hội nghị bầu Ủy ban văn hóa toàn quốc.

Bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, cơ quan văn hóa cứu quốc, từ cuối 1946, đầu năm 1947, chuyển theo các cơ quan Trung ương lên chiến khu Việt Bắc, hoàn thành lịch sử của mình, chấm dứt hoạt động, phù hợp với tình hình mới và yêu cầu của kháng chiến; được thay thế bởi Hội Văn hóa Việt Nam (1948- 1950) và Hội Văn nghệ Việt Nam (1948- nay).

2. Hội Văn hóa Việt Nam (1948- 1950)

Trong bối cảnh mới của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập và tự do, ý tưởng thành lập Hội Văn hóa Việt Nam được hình thành trong Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), nhưng do hoàn cảnh thời cuộc, Hội nghị chỉ họp trong 1 ngày để kịp trở về địa phương triển khai công việc kháng chiến chống thực dân Pháp, nên hội nghị chỉ đủ thời gian để bầu một Ủy ban văn hóa toàn quốc để tiếp tục công việc vận động xây dựng văn hóa mới, chờ dịp triệu tập một hội nghị lần thứ hai sau(4). Ủy ban văn hóa toàn quốc do Hội nghị bầu ra gồm 19 ủy viên (15 ủy viên chính thức, 4 ủy viên dự khuyết).

Phải đợi đến 2 năm sau, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 2 họp tại căn cứ địa kháng chiến ở Việt Bắc, trong 5 ngày từ 16 đến 20/7/1948, với hơn 200 đại biểu các nhà văn hóa, trí thức khoa học, giáo dục, văn nghệ sĩ… đến dự, đã chính thức thành lập Hội Văn hóa Việt Nam. Hồ Chủ tịch được bầu là Hội trưởng danh dự. Ban Chấp hành Hội Văn hóa Việt Nam gồm 22 vị đại biểu cho các lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn học nghệ thuật, là:

Hội trưởng: Đặng Thai Mai; Tổng Thư ký: Hoài Thanh, cùng các ủy viên khác đại diện cho ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục, văn học, nghệ thuật.

Hội Văn hóa Việt Nam là một tổ chức văn hóa mới thuộc Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam. Nó bao gồm những tổ chức và cá nhân những người làm công tác văn hóa (chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp) thiết tha yêu nước, tích cực tham gia kháng chiến, trung thành với dân tộc và nhân dân, tán thành và ủng hộ dân chủ, thực hiện đại đoàn kết, thống nhất hành động, đem tài năng và tâm lực phục vụ Tổ quốc, có sự phân công, hợp tác, nâng đỡ, khuyến khích lẫn nhau, thực hiện “kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến” như Hồ Chủ tịch kêu gọi, xây dựng văn hóa dân chủ mới Việt Nam theo hai yêu cầu: dân tộc độc lập và dân chủ tự do(5).

Trong hoàn cảnh kháng chiến còn nhiều khó khăn, Hội Văn hóa Việt Nam đã tích cực triển khai các công tác như: xóa nạn mù chữ, mở rộng bình dân học vụ lên bổ túc văn hóa, gây phong trào học tập rầm rộ ở khắp các vùng miền, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ công tác văn hóa, triển lãm các công trình văn hóa mới sáng tạo, động viên phong trào thi đua ái quốc sáng chế, phát minh khoa học, kỹ thuật, thực hiện chương trình giáo dục mới, mở rộng các tổ chức văn hóa cơ sở là Đoàn văn hóa kháng chiến tại các khu vực, địa phương, liên khu, tạo các điều kiện cho các nhà văn hóa thâm nhập đời sống kháng chiến, gắn bó với nhân dân, giao lưu trao đổi quan hệ nghề nghiệp với các tổ chức, cá nhân nhà văn hóa quốc tế có cảm tình, ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Hai năm sau ngày thành lập Hội Văn hóa Việt Nam, ngày 26 và 27/7/1950, tại Việt Bắc, tại cuộc họp mặt văn hóa, văn nghệ năm 1950 có đông đủ các nhà khoa học, giáo dục, văn nghệ sĩ, nhà văn Hoài Thanh, Tổng Thư ký Hội Văn hóa Việt Nam đã báo cáo khái quát tình hình văn hóa hai năm qua, ghi nhận nền văn hóa mới trong kháng chiến đã thực sự trở thành nền văn hóa mới của nhân dân. Chương trình giáo dục mới đã hình thành với các bậc học từ bình dân đến bổ túc, phổ thông… rầm rộ khắp các địa phương. Trong khoa học và văn nghệ, những người lao động trí óc, nghiệp dư và chuyên nghiệp, say mê hào hứng sáng tạo,  sáng tác phục vụ kháng chiến, đáp ứng yêu cầu khẩn trương của thực tiễn đời sống sản xuất và chiến đấu, đời sống tinh thần của quần chúng.

Nhà văn nhận định: Phong trào văn hóa nhân dân lớn lên đang đòi hỏi một tổ chức mới về văn hóa. Tổ chức cũ là Hội Văn hóa Việt Nam không còn đủ sức rộng lớn, đủ hiệu quả so với phong trào hiện thời.

Các đại biểu dự họp đã thảo luận về đề xuất trên, đi đến thỏa thuận: Văn hóa nhân dân là công trình xây dựng chung của nhân dân, do nhà nước nhân dân tổ chức, công cuộc vận động văn hóa trong nhân dân do quốc gia gánh vác và huy động toàn dân tham gia. Những người làm công tác văn hóa chuyên nghiệp sẽ dần dần tập hợp và làm việc trong những cơ quan văn hóa của nhà nước. Còn các đoàn thể những người làm công tác văn hóa vẫn sẽ tồn tại để giúp đỡ chính quyền, các hội nghị văn hóa được triệu tập sẽ là những dịp gặp gỡ, trao đổi, phối hợp, tổng kết kinh nghiệm duy trì hoạt động của mỗi bên(6).

Sau Hội nghị nói trên, Hội Văn hóa Việt Nam với tư cách là tổ chức Hội quần chúng đã kết thúc hoạt động của mình, bởi không đủ sức ôm trùm, bao quát những hoạt động phong phú thuộc các lĩnh vực rộng lớn của đời sống văn hóa xã hội, nhường vị trí quản lý văn hóa cho cơ quan của nhà nước để phù hợp hơn, hiệu quả hơn.

3. Hội Văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam)

Để tiến tới thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, một quá trình vận động và chuẩn bị kỹ càng đã được xúc tiến trong vòng 1 năm: bầu Ban chấp hành lâm thời của Hội (6 người) do nhà lý luận- phê bình Hoài Thanh làm Tổng Thư ký (7/1947); ra Tạp chí Văn nghệ là cơ quan ngôn luận của Hội với số đầu tiên (3/1948) do Tố Hữu làm Thư ký Tòa soạn; Dự thảo Điều lệ của Hội (4/1948), triển khai các công việc tiến tới Hội nghị văn nghệ toàn quốc…

Tại Hội nghị văn nghệ toàn quốc họp trong 3 ngày (25 đến 27/7/1948), tiếp liền sau Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 2 (họp trước đó từ 16 đến 20/7/1948), đã chính thức thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, bầu Ban Chấp hành của Hội gồm 17 người, do nhà văn Nguyễn Tuân làm Tổng Thư ký, nhà thơ Tố Hữu làm Phó Tổng Thư ký, Võ Đức Diên, Ngô Quang Châu, Xuân Diệu làm Ủy viên Thường vụ. Các ủy viên chấp hành là đại biểu của các ngành mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc, đại biểu của các khu vực, miền vùng trong cả nước.

Trong hội nghị văn nghệ này cũng thành lập các tổ chức là tiền thân của các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành sau này: Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, Đoàn Sân khấu Việt Nam, cùng với Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam đã thành lập trước (4/1948) và sau đó là Đoàn Nhiếp ảnh Việt Nam (11/1949).

Cùng nhịp với hoạt động thường kỳ của Tạp chí Văn nghệ, Hội Văn nghệ Việt Nam đã triển khai thành lập các cơ quan chức năng, phụ trách các lĩnh vực công tác về xuất bản, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài như: nhà xuất bản Văn nghệ, Trường Văn nghệ nhân dân, Xưởng họa, Trường Mỹ thuật Việt Bắc, Trường Âm nhạc Việt Bắc…

Ở các địa phương và liên khu, các chi hội văn nghệ cũng lần lượt ra đời, hoạt động phối hợp gắn bó với Hội Văn nghệ Việt Nam ở Trung ương: Hội Văn nghệ Liên khu Việt Bắc, Hội Văn nghệ khu III, khu IV, khu V, khu VI, Hội Văn nghệ Nam Bộ, Văn nghệ Thừa Thiên- Huế…

Trong Thông đạt về Hội nghị văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất, Hội Văn nghệ Việt Nam đã chỉ rõ: văn nghệ cần gắn bó thiết thực với công cuộc kháng chiến kiến quốc, văn nghệ sĩ đồng cam cộng khổ gần gũi, đi sâu vào quần chúng, phấn đấu xây dựng tác phẩm kết tinh thời đại, phản ánh muôn mặt và chân thật đời sống kháng chiến, phục vụ nhu cầu sáng tác, thưởng thức văn nghệ mới của đông đảo quần chúng(7).

Từ đó đến nay đã tròn 75 năm!

Hội Văn nghệ Việt Nam đã 3 lần đổi tên để phù hợp với quy mô tổ chức: Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 - 1957); Hội Liên hiệp Văn học- nghệ thuật Việt Nam (1957- 1995); Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (1995- nay)… trước sau là thành viên chủ chốt của mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam: Mặt trận Liên Việt (1946- 1954), Mặt trận Tổ quốc (1955 đến nay).

Theo đà lớn lên của sự nghiệp văn hóa, văn nghệ dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức văn học nghệ thuật Việt Nam thống nhất giờ đây đã có quy mô hoàn thiện, đầy đủ, bao gồm 10 Hội văn nghệ chuyên ngành ở Trung ương (thuộc các lĩnh vực: Văn học, Mỹ thuật, Sân khấu, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Điện ảnh, Kiến trúc, Múa, Văn nghệ dân gian, Văn nghệ các dân tộc thiểu số) cùng 63 Hội văn học- nghệ thuật ở khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc với hơn 40.000 hội viên thuộc 5 thế hệ văn nghệ sĩ xuất thân là con em các dân tộc thuộc cộng đồng đại gia đình các dân tộc ở Việt Nam.

Về cơ quan ngôn luận, từ chỗ chỉ có duy nhất tạp chí Tiên Phong rồi tạp chí Văn nghệ trong thời kỳ đầu, đến nay mạng lưới báo chí, truyền thông của giới văn nghệ đã bao phủ rộng khắp với 74 cơ quan ngôn luận báo chí in và báo chí điện tử từ Trung ương đến địa phương, cơ sở, tập hợp hàng trăm văn nghệ sĩ đồng thời là nhà báo, hàng nghìn cộng tác viên văn nghệ sĩ trong Hội và ngoài Hội, là diễn đàn của toàn thể giới văn nghệ sĩ Việt Nam tham gia xây dựng đất nước, chung sức chung lòng, kiến tạo văn hóa- văn nghệ dân tộc theo đường lối văn hóa- văn nghệ của Đảng; phổ cập, quảng bá những tác phẩm văn học- nghệ thuật có chất lượng đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa, văn học nghệ thuật của quần chúng nhân dân ngày càng được nâng cao về trình độ và năng lực tiếp nhận nghệ thuật; phát hiện, đào tạo bồi dưỡng các tài năng trẻ, mới…

Nhìn lại 80 năm qua, gắn bó đồng hành với sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc, liên hệ chặt chẽ với đời sống các tầng lớp nhân dân, giới văn học nghệ thuật đã không quản hi sinh, gian khổ, tâm huyết phát huy lòng yêu nước, đoàn kết đội ngũ những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa- nghệ thuật, tận tụy đem hết tài năng, sức lực, cống hiến sáng tạo những tác phẩm xứng đáng, trong đó có những tác phẩm tầm cỡ của những tài năng lớn, ghi dấu ấn vẻ vang của thời đại hào hùng trong lịch sử dân tộc, khám phá, góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra của đời sống xã hội và cuộc sống của con người; xây dựng đời sống văn hóa mới, lành mạnh, đề cao phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, nhân cách cao đẹp của con người Việt Nam, hội nhập với văn hóa, văn minh nhân loại yêu hòa bình, chuộng công lý, thân thiện và tiến bộ.

Văn nghệ Việt Nam, bộ phận quan trọng của văn hóa Việt Nam, như Bác Hồ chỉ rõ, sẽ tiếp tục làm tốt sứ mệnh vẻ vang “soi đường cho quốc dân đi”, bởi “tiền đồ dân tộc ta rất vẻ vang, tiền đồ nghệ thuật ta rất rộng rãi”(8).

N.N.T

 


(1) Hồ Chí Minh- Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.,1995, tập 3, tr.431.

(2) Trường Chinh- “Diễn văn nhân dịp Kỷ niệm lần thứ 40 ngày ra đời của Đề cương về cách mạng văn hóa Việt Nam”/ Bốn mươi năm Đề cương văn hóa Việt Nam, Nxb. Sự thật, H.,1985, tr.12.

(3) Như Phong- “Hoạt động của Hội văn hóa cứu quốc”, Trong: Một chặng đường văn hóa, Nxb. Tác phẩm mới, H.,1985, tr.62.

(4) P.V.- “Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, 24.11.1946”, Trong: Sưu tập trọn bộ Tiên Phong 1945- 1946, tập 2, Nxb. Hội Nhà văn, H., 1997, tr.931.

(5) Trường Chinh- Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (in lần thứ hai), Nxb. Sự thật, H., 1974, tr.77 - 84.

(6) A.N. - “Những cuộc họp văn hóa, văn nghệ ở Việt Bắc đầu tháng Tám”, Trong: Sưu tập Văn nghệ 1948 - 1954, tập III: 1950, Nxb. Văn học, H., 1999, tr. 603 - 607.

(7) “Thông đạt của Hội Văn nghệ Việt Nam về hội nghị văn nghệ toàn quốc”, Trong: Sưu tập Văn nghệ 1948 - 1954, tập I: 1948, Nxb. Văn học, H., 1998, tr.239.

(8) Hồ Chí Minh - Về công tác văn hóa, văn nghệ, Nxb. Sự thật, H., 1971, tr.72, tr.20.

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter