• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Ký ức miền quê
Ngày xuất bản: 28/12/2022 3:17:38 SA

Truyện ngắn của THÚY HỢP

 

Vùng chiêm chũng quê tôi quanh năm lụt lội, chỉ cấy được một mùa lúa, còn vụ chiêm có cấy thì cũng phải giống lúa cao cây, vì nước mưa vào không có lối thoát, nước đọng vào ruộng lúa. Các cụ bảo, hình như trời sinh trời lại dưỡng thì phải, giống lúa gì mà nước cứ dâng cao đến đâu là cây lúa dài đến đó, tuy không có năng suất nhưng đến mùa lúa chín cán bộ xã báo cho các đội trưởng sản xuất của hợp tác xã gọi xã viên của mình đi gặt. Nhà nào, người nào có mủng thì trèo lên mủng gặt, còn người nào không có mủng thì lội đến thắt lưng người. Nhiều gia đình làm vài cây chuối, kẹp lại thành cái bè, cắt được nắm lúa lại đặt lên bè chuối, đầy bè thì kéo lên bờ. Những người đàn ông có sức khỏe mang xe cải tiến kéo về sân kho hợp tác xã, đập ngay kẻo lúa ướt sẽ mọc mầm. Những hôm cả người cả lúa nặng, mủng lại nhỏ nên lặn tùm cả người và lúa xuống nước. Cái mủng ông tôi đan bằng tre lột bánh tẻ, tròn, chỉ to bằng ba cái thúng cái to. Đan xong, ông mua quả nâu người ta mang từ trên rừng về bán, giã ra chát vào từng kẽ mủng, rồi sơn qua một lớp nhựa đường, để khô rồi ngâm cho mủng khỏi bị nóng vỡ nhựa. Ông tôi bảo: “Con gái còn trẻ mà ngày nào cũng ngâm mình dưới nước, không tốt rồi có bệnh ra” nên ông đan cho tôi một cái mủng ngồi gặt lúa, đỡ phần nào hay phần ấy.

Nhưng đến mùa đông lạnh như cắt thịt cũng phải ngâm mình trong bùn, nước đến cạp quần, cấy xong tối về đến nhà đốt đống lửa to cả nửa tiếng, người tôi vẫn run vì rét, cầm bát cơm không vững, nhiều hôm cầm đũa không thể gắp được cọng rau. Bố tôi đăm đăm nhìn con vẻ thương hại quay ra mắng cả mẹ tôi:

- Bảo mẹ nó cho nó đi học rồi sau này nó xin vào công nhân công trường làm cho đỡ khổ, để cho con bỏ học thử nhìn con có xót xa không?   

Mẹ tôi cắn răng không nói câu gì. Nỗi xót thương của mẹ, mẹ giấu trong lòng. Bố tôi là đàn ông, chỉ hiểu khái quát sơ qua những gì ông nhìn thấy, nỗi xót xa cũng vậy, bố tôi không hiểu hết cho mẹ tôi.

***

Bố tôi là công nhân hỏa tuyến vào những năm chống Pháp làm đường, rồi vận chuyển lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Thế rồi bố sốt rét liên miên đến nỗi liệt cả một bên người, đơn vị phải gửi bố vào một gia đình người dân tộc Tày, họ chữa thuốc và giúp đỡ, đến ngày giải phóng Điện Biên đơn vị mới vào đón bố về cho gia đình. Những năm sống với gia đình người Tày ở Điện Biên, bố tôi được gia đình bác Thọ người dân tộc Tày nuôi và chăm sóc chữa bệnh đến nơi đến chốn. Bác Thọ lên rừng hái thuốc Nam cho bố tôi hàng ngày uống. Bác xem bố tôi như người anh em trong nhà. Bố tôi thấy gia đình bác Thọ nhiệt tình quá nên cũng ngại. Bác Thọ nói với bố tôi:

- Các anh tận ở xuôi lên miền núi đánh Tây, đuổi giặc thay chúng tôi. Các anh phải nằm sương, gối đất ngoài rừng mưa gió lâu ngày thành bệnh. Chẳng lẽ  nhân dân chúng tôi không cưu mang được các anh hay sao? Anh cứ yên trí dưỡng bệnh kẻo khi nào giải phóng Điện Biên đơn vị anh vào đón anh về, mà anh vẫn lằm liệt là chúng tôi có tội với Đảng, với Chính phủ vì không có trách nhiệm với bộ đội đấy.              

Từ đó bố tôi yên tâm để gia đình bác điều trị cho đến ngày giải phóng Điện Biên. Sau đơn vị dân công hỏa tuyến của bố đến nhà bác Thọ đón bố về đơn vị, rồi bố tôi xin xuất ngũ. 

Bố tôi về nhà, ông bà nội và mẹ tôi lên tận Điện Biên cám ơn gia đình bác Thọ rồi mua thêm thuốc về nhà cho bố uống. Tuy đã khỏi, đi lại bình thường nhưng bố tôi chỉ làm quanh quẩn việc nhẹ trong nhà, đan cái rổ, cái rá, cái mủng, bán cho bà con. Hôm nào rảnh bố nấu cho mẹ con tôi bữa cơm tối, sợ mẹ con hay đi làm về muộn. Nhiều lúc nhìn bố yếu ớt đi lại khó nhọc mà thương, nhưng bố về được đến nhà là quý lắm rồi. Còn hơn các bác, các chú đi dân công cùng với bố, phải ở lại với núi rừng Điện Biên mãi mãi. Bố tôi bảo với anh em tôi:

- Bố về được đến nhà là do công lao của các cô các bác cùng đội dân công hỏa tuyến chăm lo những ngày bố ốm và nhờ bác Thọ chăm lo thuốc thang cho bố thì bố mới sống đến hôm nay. Cho nên các con phải cố gắng học cho giỏi dù no hay đói cũng phải học mà ra xã hội làm được việc gì giúp được nước, được dân thì tốt. Nếu không giúp được dân được nước thì cũng tự lo cho bản thân để xã hội lo cho người khác.

Rồi bố chỉ vào anh Tiến nói vui:

- Trời cho bố được hai đứa con, thật may có nếp có tẻ. Tiến là anh trai nên con phải chăm sóc nhiều cho em. Hai anh em dìu dắt nhau mà học. Đứa lớn dậy đứa bé học cho giỏi. Nếu vào được đại học bố sẽ bán cái nhà này lấy tiền cho các con ăn học.

Anh Tiến cầm tay bố nói:

- Con cám ơn bố mẹ đã sinh ra con. Anh em con được ăn học đến nơi đến chốn là anh em con mừng rồi. Bố vất vả vì nước vì dân, còn mẹ một mình lo cho anh em con được ăn học bằng người. Có lẽ bố không phải bán nhà đâu ạ. Con đã thi đỗ Đại học Thủy Lợi rồi, bố mẹ cứ yên tâm, con chỉ xin tiền nộp nhập học thôi. Lên đấy con tìm cách bố ạ. Hoặc là con sẽ làm gia sư hoặc ngoài giờ học, con kiếm việc làm thêm lấy tiền đóng góp, bố mẹ không phải lo đâu. Bố mẹ cứ yên tâm con là con bố, không làm điều gì để bố mẹ phải hổ thẹn vì con. 

   Biết tin anh Tiến đỗ đại học, tôi mừng quá chạy vào nhà ôm con lợn đất ra, nói với anh Tiến:

- Con lợn đất của em chưa béo nhưng có vẻ no rồi anh ạ. Tiền mở hàng từ tết năm ngoái, đến tết năm vừa rồi, thỉnh thoảng mẹ đi chợ về có những đồng xu lẻ, em xin mẹ cho nó ăn. Hôm trước em bắt được ít ốc nhồi và cá rô đồng, em bán luôn tại ruộng, được mấy đồng em cũng cho con lợn đất ăn…

Nói rồi tôi ngoảnh sang nói với bố để bố bớt lo: “Trong chuồng nhà mình còn con lợn to thế, chắc mẹ con chờ anh Tiến đỗ đại học, mẹ mới bán lấy tiền cho anh con nhập học. Thế là đâu vào đấy bố chẳng phải lo đâu”. Cũng vừa lúc mẹ tôi gồng gánh từ ngoài đồng về, một bên là ít bèo tấm về cho lợn, một bên gánh mấy bó rau muống mẹ cấy ngoài mương, thỉnh thoảng hái mang ra chợ bán, thêm thắt đồng muối, đồng mắm.

   Người nhà nông cứ thế như một vòng quay, lam lũ quanh năm lặn lội, chân chất thật thà, nhà ai cũng có hũ cà pháo nén mặn chát ăn quanh năm. Mùa hè ăn canh cua nấu rau đay mồng tơi với cà pháo nén chua, mùa đông thì ăn cà pháo nén chua với rau muống luộc hay rau cải luộc. Mẹ tôi đặt quang gánh xuống đất rồi hớt hải bảo tôi:

   - Hôm nay mẹ bắt được ít cua lột, con rửa sạch bỏ vào rang, nhưng con phải nhớ phi hành khô thơm mới cho cua đảo đều rồi cho thêm thìa mắm tép vừa ngấu, đảo cho cua chín bỏ ra ngay khỏi oi con ạ.

Tôi đang khoác tay vào cổ anh Tiến chưa kịp đứng lên thì anh Tiến bảo mẹ:

- Mẹ ơi, để con đạo diễn bữa cơm tối nay mẹ ạ. 

Tôi buột miệng nói to cho mẹ biết:

- Đúng rồi anh đạo diễn đi, mà phải đạo diễn từ nay đến vài ngày nữa. Lúc đi anh còn cầm trọn con lợn của mẹ lên đường ý chứ!

Anh Tiến nói đùa với tôi:

   - Có thể anh cầm trọn con lợn của mẹ đi, nhưng đến khi em học đại học anh lại cho em cầm trọn con lợn của anh mà không cần lợn của mẹ ý chứ?

Hai anh em tôi câu ra câu vào nói đùa với nhau, còn mẹ thì ngơ ngác. Mẹ hỏi anh Tiến:

- Sao lại cầm lợn của mẹ, hay là có người yêu rồi à?

Tôi và anh Tiến bưng miệng cười, còn mẹ tôi vẫn ngơ ngác nghe bố tôi kể chuyện của anh:

   - Nó nghe phong thanh đỗ Đại học Thủy Lợi rồi, nhưng mới nghe bạn bè phao tin, chưa có giấy báo về nên chưa dám công bố.

Mẹ tôi buông sảo bèo đánh bộp xuống đất, phủi tay vẻ mừng mừng, lo lo, mẹ hỏi anh Tiến:

- Tin con đỗ đại học chính xác chưa? 

Anh Tiến ôm mẹ, nói nhỏ để mẹ biết: 

   - Tin chính xác rồi mẹ ạ. Con đã cầm giấy báo, nhưng chưa dám nói rõ cho bố biết, con chỉ dạo nhạc sơ qua đánh động cho bố đỡ bất ngờ thôi, vì bố ốm đau mà con lại vào đại học bốn, năm năm, một khoản tiền không hề nhỏ, con nói ra sợ bố lo nghĩ lại sốc, nên con định cơm nước xong tâm sự với mẹ sau.

Mẹ tôi mắng yêu anh Tiến:  

- Con suy nghĩ quá đâm già trước tuổi, bố mẹ nào chẳng lo. Mà không nói thì trước sau bố con cũng biết. Tiền chuẩn bị cho con vào đại học mẹ đã có rồi, mới vào có đâu đóng đấy. Còn ăn thì mẹ xay cho ít gạo, mang rau cà đi, ăn được đến đâu lo đến đấy sau. 

Anh Tiến đăm đăm nhìn mẹ tôi. Anh thương mẹ lặn lội thân cò vì chồng vì con. Lúc này ông bà nội tôi tạm khỏe mạnh chưa đến nỗi phải cơm bưng nước rót mà chỉ còn trông tất vào tấm thân gày của mẹ. Anh Tiến thương mẹ đến cạn lòng.

Thương bố mẹ, nhiều lúc anh cảm thấy chán nản, nhưng không còn cách nào khác. Nhà có mấy sào ruộng cấy, mà không đi học ở nhà giúp mẹ cũng chỉ qua vụ rồi chẳng kiếm ra đồng nào. Anh lo tôi mỗi ngày một lớn, nào ăn, nào mặc, đua đòi như các bạn gái khác, rồi còn lúc hai ông bà nội về già lấy tiền đâu mà mẹ trang trải. Nghĩ như thế nên anh Tiến quyết định thi vào trường Đại học Thủy Lợi. Anh chỉ mong học xong Đại học Thủy Lợi, có kiến thức về cải thiện mương máng, đưa nước ra khi gặp mưa bão, tháo nước vào khi nắng hạn nẻ gốc lúa, người dân quê tôi đỡ phải ngâm mình dưới nước gặt lúa dài ngày. Anh Tiến nuôi hy vọng học xong sẽ trở về quê nhà khảo sát, tìm ra hướng thoát nước nội đồng cho quê hương.

Từ lúc biết tin, mẹ tôi cứ chạy đôn, chạy đáo, lúc thì sang hàng xóm mua cân lạc để anh lên Hà Nội làm thức ăn, lúc lại hỏi anh Tiến xem giấy bút có thiếu thì mẹ mua luôn, lúc lại tìm người mua lợn. Mẹ nuôi con lợn móng cái to tròn, ai đến cũng tấm tắc khen con lợn này mà mổ ra thì được nhiều mỡ lắm! Ai cũng vậy chỉ có đến tết thì mới được ăn thịt lợn thoải mái, chứ ngày thường mà nuôi con lợn nhiều mỡ ai cũng thích. Vì mỡ để sào nấu hàng ngày chứ mấy khi được ăn thịt đâu! Nên con lợn béo tròn của mẹ, ông bà thợ ba toa nào chả thích mua, mẹ mới ới một câu mà bà bụng phệ ba toa đã đến dòm lợn rồi trả giá bắt luôn. Tiền bà ba toa trả ngay tức khắc vì ngày mai anh Tiến đi học, chứ bình thường nuôi cả năm mới được con lợn, nhưng mấy ông bà ba toa tiêu hết lãi mới trả người nuôi lợn, có khi từ ngày bắt lợn đến ngày trả tiền có đến cả tháng trời.

Mẹ tôi cầm tiền lợn, vê tròn rồi dậy anh Tiến luồn vào cạp quần bảo “chỗ này chỉ có cái dải dút với tiền là nhìn thấy nhau thôi”, anh Tiến giẫy nảy:

- Con chỉ xin mấy đồng lúc mới lên trường thôi, còn lại bố mẹ để mua con lợn giống nuôi, lần sau con về con xin, chứ con mang đi hết cả vốn cả lãi thế này thì mẹ lấy tiền đâu mà mua lợn giống nữa. Còn tiền mua thức ăn thuốc thang cho bố, tiền đóng học phí cho em Tân, sắp phải đóng tiền học phí kỳ hai rồi.

Tôi đang ngồi trên cây ổi, cạnh bờ ao, tìm những quả mềm, không chát để anh Tiến mang lên Hà nội, lúc nào buồn nhớ nhà, thì anh Tiến mang ra ăn. Tôi nghe rõ anh Tiến bảo mẹ dành tiền cho tôi đi học. Tôi cứ mặc kệ, cho mẹ và anh Tiến thương thảo với nhau về chuyện tiền nong mang đi hay không. Nếu anh Tiến biết tôi nghỉ học thì anh Tiến cũng chưa chắc mà đi đại học, nên cứ để yên anh Tiến về trường rồi tôi sẽ nói với bố mẹ dù biết là bố mẹ sẽ khó mà chấp nhận bởi bố tôi vẫn bảo:

- Bố mẹ chẳng có gì cho các con. Bố mẹ cố gắng nuôi cho các con ăn học lấy kiến thức, sau này ra ngoài làm công trường hay nhà máy. Nếu giỏi, có thể giúp ích cho gia đình và xã hội, chứ tất cả chỉ ở nhà với vài sào lúa thế này thì nghèo đến bao giờ? 

Biết là thế, nhưng chỉ một mình mẹ gánh vác hết việc nhà việc đồng lại lo cho cả hai anh em ăn học thì thật khổ cho mẹ quá.

Chia tay anh Tiến về trường Đại học Thủy Lợi Hà Nội xong, tôi theo mẹ ra đồng như thường nhật. Nhổ mạ, gánh mạ, việc gì tôi cũng làm, nếu chưa biết thì tôi hỏi mẹ, hỏi các bác xã viên cùng làm, cho đến hết ngày tôi nghỉ hè là tôi đã làm thông thạo mọi việc như mẹ. Tay tôi thoăn thoắt cấy nhanh chẳng kém người nào trong tổ sản xuất của mẹ. Ai cũng bảo nhìn cháu Tân mới học cấy mà cứ như thợ cấy chuyên nghiệp, mẹ tôi tự hào nhìn con gái mẹ biết làm đồng chẳng kém gì lao động chính trong nhà. Ai nói đùa thì mẹ tôi lại nói át “Cháu còn bé, cháu còn đang đi học”. Tôi chỉ biết lặng im cho đến hết hè. Tối hôm ấy ăn cơm xong, mẹ tôi chuẩn bị một thúng khoai lang ngon và mấy nải chuối tiêu đang chín dở mới chặt buồng trên cây xuống mang đi bán. Tôi hỏi mẹ: “Mẹ mang chuối và cả thúng khoai ngon đi đâu đấy?”. Mẹ tôi tủm tỉm cười nói: 

- Biết cấy, biết cầy rồi định quên học ở nhà làm nông chắc?

Mẹ tôi lại nói tiếp:  

- Mẹ mang đi bán để mua sách bút cho con vào năm học mới chứ còn gì nữa.

Tôi chạy ra bưng thúng khoai xếp lại vào gậm giường rồi nói với mẹ:

- Con nghỉ học rồi.

Mẹ tôi đứng sững không nói được câu gì, tôi lại bưng nốt rổ chuối cất vào nóc chạn nói với mẹ:

   - Chuối này bổ lắm mẹ ạ, để ăn thôi. Ông bà và bố mẹ đã yếu, ai cũng cần chất bổ, mẹ mang ra chợ bán song mua thuốc về uống à, nhất là ông bà nội phải cần ăn chuối, dễ đại tiện, anh Tiến vẫn nói thế mà mẹ.

Mẹ tôi lặng im không nói câu gì rồi bà rơi nước mắt. Tôi chưa hiểu tôi có lỗi với mẹ ở chỗ nào nhưng mẹ sinh tôi ra rồi nuôi tôi cho đến lúc tôi lớn, chưa bao giờ tôi phải làm cho mẹ phải buồn, vậy mà hôm nay tôi đã làm mẹ khóc. Chẳng khác nào một nhát dao đâm vào tim tôi lúc này. Tôi chạy những bước thật nặng nề ra ôm chầm lấy mẹ và xin mẹ tha thứ, vì tôi mà mẹ phải khóc. Mẹ cố đẩy tôi ra, bảo: “Con lớn rồi, biết làm rồi nên tự động nghỉ học mà không cần bố mẹ tham gia”.

Tôi cũng khóc mà không dám nói cho mẹ biết là do hoàn cảnh gia đình, ông bà nội thì già, bố ốm quanh năm, còn anh Tiến học đại học chỉ một thân còm của mẹ gánh vác có nổi không? Nếu nói vì hoàn cảnh gia đình mà không đi học thì anh Tiến cũng không yên tâm mà học xong đại học; tôi chỉ dám nói với mẹ là con không muốn học nữa vì con đã có bằng cấp hai phổ thông rồi; con gái chỉ cần thế, vài năm ở với mẹ là con đi lấy chồng thôi, con không muốn học nữa. Mặc cho mẹ tôi xót xa, than vãn, một mực tôi xin nghỉ học. Rồi mẹ nhờ thầy giáo Hùng trong làng động viên tôi giúp mẹ. Thầy Hùng khuyên tôi tiếp tục đi học nhưng nghe tôi tâm sự hết hoàn cảnh gia đình thầy cũng thông cảm cho tôi. Tôi giấu không cho bố biết việc tôi nghỉ học, mẹ cũng lặng im, nhưng chẳng có gì qua được mắt bố. Tuy bố không nói ra nhưng lòng bố đau như cắt, bố bất lực. Không giúp gì được cho gia đình là một nỗi đau của bố, bố buồn ra mặt. Bố gọi mẹ tôi, nói riêng với mẹ:  

- Thôi đành mẹ nó ạ. Nó được ăn học bằng người là hạnh phúc nhất cho người làm cha làm mẹ, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, con nó biết hy sinh bản thân cho gia đình, ông bà bố mẹ cũng là đứa con có hiếu rồi. Tôi và mẹ nó cũng tự hào vì các con. Không phải thấy con nghỉ học vì gia đình mà tôi mừng đâu. Nhưng xét cho cùng con nó là người có suy nghĩ nhưng con nó nghĩ theo cách của nó, mẹ nó cũng đừng suy nghĩ quá.

Nghe bố động viên nên dù mẹ có không vui nhưng mẹ cũng không nói gì tôi nữa. Dù phải gác bút, vì hoàn cảnh gia đình, nhưng từng đêm tôi vẫn mang sách ra tự học và cứ tối chủ nhật tôi cùng bà con trong làng và những anh chị nam nữ không có điều kiện đến trường phổ thông cũng theo học lớp bổ túc. Sau giờ học anh em chia tay nhau theo lối xóm về nhà.

Nhớ ngày đầu đi học bổ túc, anh Thật xóm dưới cứ rụt rè xấu hổ, mặc cảm vì nhà nghèo không có tiền đến trường phổ thông phải học bổ túc. Ngồi bên thấy anh mặc cảm không nhìn ai ngoài cái bảng, tôi chủ động làm quen và động viên anh. Tôi cho anh biết tôi đã học hết cấp hai phổ thông nhưng vì điều kiện gia đình, ông bà nội đã già yếu, còn bố thì bệnh tật quanh năm, nên tôi cũng nghỉ học để theo học lớp bổ túc như anh có gì mà xấu hổ. Anh sợ chúng bạn cười. Từ hôm ấy tôi chủ động nói chuyện với anh, chữ nào anh không viết được tôi bắt tay anh tô từng chữ cái.  

   Cùng học một lớp bổ túc nhưng ba khối khác nhau, chỉ mình tôi học khối cấp ba, nên cô giáo giảng cho tôi làm và tôi tự học; còn một số người học để lấy giấy chứng nhận cấp một như anh Thật thì anh chỉ mong viết được mọi chữ để anh đi bộ đội còn viết thư gửi về thăm mẹ. Tôi nói với anh:

   - Nếu anh muốn viết được thư gửi về cho mẹ thì anh phải học hết cấp một. Lúc lấy giấy chứng nhận thì anh viết thư cả cho người yêu cũng được.

Anh Thật nói:

- Thanh niên thời buổi chiến tranh thế này, ở nhà ngày nào hay ngày ấy chứ, biết học đến lớp mấy đâu.

Nghe anh Thật nói cũng đúng.

Từ hôm ấy, tôi hẹn anh đến sớm hơn để dậy cho anh viết hết mọi chữ cái, rồi tôi kể cho cô giáo nghe về hoàn cảnh của anh Thật để cô giáo cho anh học thêm vào ngày thứ bảy hay các ngày trong tuần kẻo anh Thật đi bộ đội không biết viết chữ thì làm sao mà ghi thư báo cho gia đình được.

Cô giáo đồng ý và nhờ tôi những ngày lớp không học hoặc về nhà tôi hoặc nhà anh, dậy cho anh. Lúc đầu tôi cũng phân vân vì sợ tai tiếng. Tôi và anh một nam, một nữ tự dạy học cho nhau, nếu học ở nhà tôi thì cũng phải giải thích để bố mẹ biết; mà học ở nhà anh Thật thì sợ mẹ anh ấy hiểu lầm, mà học ở lớp thì chỉ có hai anh em đêm tối, xóm làng lại soi mói. Tôi đành nói cho mẹ biết hoàn cảnh của anh Thật, tôi cũng cho mẹ biết thời gian vừa qua tôi vẫn đi học bổ túc cùng mọi người trong xã. Mẹ tôi hiểu tôi là người hiếu học nhưng vì thương mẹ mà tôi nghỉ học nên mẹ dành thời gian cho tôi đi học và bố mẹ đồng ý để tôi dậy cho anh Thật tập viết. Thế là cứ mỗi buổi đi làm về ăn cơm tối xong anh lại sang nhà tôi. Ngày đầu tiên anh đến, anh thập thò đầu ở ngõ, thấy ai hàng xóm đi qua lúc thì anh chạy thật xa ra ngoài đường cái lớn, lúc thì anh chui vào bụi dậm, tránh mọi người nhìn thấy anh. Vài lần để ý, tôi chạy ra tận ngõ đón anh bảo sợ con cún nó cắn, nhà lại mất thời gian đi đuổi. Nhiều lần anh đi lại nhà tôi, con cún nhìn thấy anh nó quẫy đuôi mừng, quấn quýt lấy anh như người quen lâu ngày mới gặp. Rồi cũng từ hôm ấy, tối nào tôi và anh cũng chụm đầu vào nhau, trên cái bàn học nhỏ, bố tôi đóng cho tôi và anh Tiến ngồi học ngày trước.

Hai gian nhà dưới, một gian bên kia để đun nấu, còn gian bên này bố tôi đóng tạm cái bàn để ăn cơm và hai cái ghế dài bằng cây tre già nhỏ. Cái bàn ăn kê ở giữa và cái bàn học của tôi và anh Tiến bố tôi kê sát vách nhà, bên cửa sổ. Mùa hè mở cửa sổ ra, mùi nhãn nồng thơm ngọt, mấy cây đu đủ bố mới trồng đã cho trùm quả chín vàng, mùa đông đến, hương thơm của những buồng chuối tiêu chín cây tỏa vào thật dễ chịu. Anh em tôi đã ngồi đấy học cho đến ngày anh Tiến vào đại học và hôm nay tôi vẫn học và còn làm cô giáo bất đắc dĩ cho anh Thật. Thấm thoắt mà đã hơn một tháng rồi, anh đã viết được thành thạo mọi chữ. Nếu có thời gian dạy anh được hết ba tháng thì anh sẽ thạo cả đánh vần, thạo cả viết chữ. Mẹ tôi bảo:

- Thôi con ạ, đằng nào thì con cũng học, con cứ kèm cho anh ấy bao giờ viết thạo thì thôi. Cô giáo nhờ thì con giúp anh Thật đến nơi đến chốn. 

Mẹ tôi nói vậy tôi cũng yên tâm. Anh Thật đã viết chữ ghép vần, đọc thạo. Tôi định dạy cho anh cả những phép toán cộng trừ nhân chia đơn giản ở trường, mà mấy năm tôi được học từ cấp một đến cấp hai. Nhưng mới làm quen với con số được vài ngày thì cũng như mọi ngày anh đến nhà tôi. Anh đỡ chén nước trên tay mẹ tôi ngập ngừng hỏi “Em Tân đi vắng hả bác?”. Mẹ tôi chỉ ra ao rau muống ngoài mương bảo: “Rau muống tốt quá em nó đang hái, sáng mai bác đi chợ bán, cháu cứ uống nước chờ một lát Tân nó về ngay, gần xong rồi”. Anh Thật ngập ngừng nói với mẹ tôi, giọng anh như trùng xuống:

- Bác ạ, cháu có giấy báo nhập ngũ rồi. Mẹ cháu đang về ngoại ăn giỗ, sáng mai cháu xuống bà ngoại chào và đón mẹ cháu về, sợ không kịp nên cháu sang chào hai bác và em Tân luôn. 

Mẹ nghe anh Thật nói vẻ gấp nên cuống quýt chạy ra mương gọi tôi, còn anh Thật lại chạy theo mẹ tôi liên hồi nói: “Bác... Bác cứ về để cháu gặp Tân cũng được”. Ở dưới mương nhìn lên  thấy mẹ tôi và anh Thật cứ như hai người đuổi nhau, giằng co nhau cái gì tôi từ dưới mương rau muống chạy lên ôm chầm lấy mẹ. Mẹ tôi hớt hải vừa nói vừa chỉ vào anh Thật, lắp bắp nói chẳng ra câu:

-  Anh… Anh Thật.

Tôi hỏi  mẹ:

- Anh Thật làm sao?

Anh Thật chạy đến bên tôi nói nhỏ:

- Anh sắp nhập ngũ. Anh sang chào ông bà, hai bác và cám ơn em những ngày em dạy anh viết chữ. Bác bảo em đang hái rau, anh định ra chỗ em hái rau nhưng bác gái cứ chạy trước tìm em. Anh bảo bác để anh đi một mình nhưng bác gái cứ chạy, làm anh chạy sau ngại quá. 

Lời nói chân thành khiến mẹ tôi cảm động. Mẹ chào anh Thật và chúc anh lên đường gặp nhiều may mắn rồi mẹ ra về. Tôi và anh ngồi bên bờ mương dài xanh ngắt. Nắng vàng khuất dần sau lũy tre làng, hoàng hôn đang dần chuyển sang mầu tím. Hai bên bờ mương là cánh đồng lúa xanh đang thì con gái, dưới mương là ngững ngọn rau muống vươn lên trắng ngần. Tôi vẫn ngồi bên anh Thật như mỗi ngày tôi dậy anh viết chữ, nhưng sao từng câu nói của anh hôm nay cứ làm tôi xao xuyến. Trên trời đã xuất hiện những chùm sao nhấp nháy, anh chẳng thể nói lời chia tay còn tôi cũng như ai níu lại. Phải chăng đây là sợi dây vô hình, vấn vít thít chặt chúng tôi vào nhau. Không biết có phải thế không nhưng cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, tôi chào và nói với anh:

- Muộn rồi, anh phải về chuẩn bị chào hàng xóm thân cận rồi sáng mai còn đi đón mẹ sớm, em cũng phải về kẻo bố mẹ em mong.

Bất ngờ, anh nắm chặt tay tôi, bàn tay anh nóng bỏng. Anh lẳng lặng đặt vào tay tôi mảnh giấy. Về nhà tôi mở ra xem. Anh viết mộc mạc nhưng đầy ý nghĩa thương yêu:

“Tân, em yêu quý! Những ngày em dạy chữ cho anh, đến nay một thời gian không lâu lắm, nhưng anh đã biết đọc biết viết, và nét chữ đầu tiên này là kết quả sau những ngày vất vả em dạy chữ cho anh. Chữ anh viết chưa tròn trịa, đẹp như chữ mọi người, nhưng đây là những con chữ anh khao khát từ lâu. Khi nào đi nhập ngũ anh sẽ viết thư cho mẹ và viết thư cho người thân. Hôm nay là lá thư đầu tiên, nét chữ của anh nhưng lại là chữ của em, gửi tới em những lời cám ơn, yêu thương và chân thành nhất. Em đã biến ước mơ của anh thành sự thật. Chào em. Anh sẽ mang hình bóng em trong trái tim anh trên mọi nẻo đường. Anh! Người học sinh của em, trái tim anh luôn ở bên em. Ngô Viết Thật”.

Về đến nhà tôi buông đánh bịch gánh rau muống xuống sân nhà, rồi chạy vào buồng đọc đi, đọc lại lá thư anh viết, lòng tôi xôn xao vì niềm vui anh dành cho tôi, là kết quả sau những ngày tôi và anh chụm đầu vào bàn học. Nhớ lúc tôi nghe bụng anh sôi ùng ụng, tôi hỏi anh: “Anh có đói không”?. Anh tủm tỉm cười rồi trả lời tôi:

-  Anh ăn rồi.

Tôi lại tò mò hỏi anh: 

- Anh ăn cơm rồi mà bụng anh sôi thế?

Anh thật thà nói:

- Anh ăn cơm trưa rồi còn tối thì... mai mới ăn. Sáng anh ăn khoai đi làm, trưa mới được ăn cơm, tối còn bát cơm nguội, anh để dành cho mẹ.  

Tôi cảm động thương anh, nhưng tôi giấu cái thương, cái nhớ trong lòng, vì tôi và anh còn trẻ quá, anh một thanh niên mới lớn, còn tôi vẫn là cô thiếu nữ quê mùa. Nhiều lúc nghe bụng anh sôi tôi biết anh đói nhưng tôi chẳng có gì giúp được cho anh, vì nhà tôi cũng chẳng hơn gì, tôi là đàn bà, con gái, tôi chịu đựng đã quen. Tôi thắt cái dây rút cho chặt vào dù có đói bụng cũng không sôi. Nhưng suy cho cùng cũng chỉ vì chiến tranh khiến dân mình đói khổ. Các anh phải đi đánh đuổi bọn Mĩ xâm lược ra khỏi đất nước, bao giờ Nam Bắc một nhà thì ta mới có ngày no ấm. Tôi thầm hứa với lòng mình sẽ chờ đến ngày miền Nam giải phóng, chắc chắn anh sẽ trở về. 

***

Thấm thoắt anh Tiến đã học song Đại học Thủy Lợi. Nhưng lạ làm sao anh Tiến cũng làm đơn nhập ngũ nhưng không được tuyển vào bộ đội, hóa ra thi đỗ bằng tốt nghiệp Đại học Thủy Lợi anh được nhà nước cho sang học bên Nga hai năm. Biết anh được sang bên nước ngoài học tập, bố mẹ tôi mừng lắm. Ông bà ngoại tôi cứ chăm chăm nhìn anh tôi ca ngợi; bảo nó là cái phúc của dòng họ Nguyễn Hữu nhà mình.

   Cả họ làm mâm cơm cúng tổ tiên, để báo cáo với các cụ đã có anh Nguyễn Hữu Tiến được nhà nước Việt Nam cho sang tận Liên Xô xa xôi học tập và mang kiến thức về xây dựng nước nhà. Dòng họ Nguyễn Hữu làng tôi ăn cỗ không to lắm nhưng cũng linh đình, đủ lễ thành kính dâng lên trình tổ tiên dòng họ.

Anh Tiến xúc động trước tình cảm của mọi người trong họ dành cho mình. Anh cầm quả chuối chín nói với mọi người, cứ nhìn thấy chuối chín trứng quốc, dù cháu ở đâu thì cháu vẫn nhớ đến gia đình, ông bà bố mẹ cháu đã vun đắp cho cả hành trình cuộc đời anh em cháu. Bố mẹ cháu đã kê cái bàn học của hai anh em cạnh cửa, chỉ mở cửa sổ ra nếu ngoài vườn có buồng chuối chín là mùi thơm đã tỏa vào không gian chỗ anh em cháu học. Nhưng chỉ tiếc cho em Tân cháu nó quá lo xa và cũng là lo cho gánh nặng của bố mẹ, em nó nghỉ học sớm để dành kinh tế và thời gian cho cháu ăn học. Trước dòng họ Nguyễn Hữu làng mình, cháu hứa sẽ sang nước ngoài học để mang kiến thức về phục vụ nhân dân, phục vụ quê hương mình.

***

Sau những năm dài thương nhớ, mòn mỏi đợi chờ, thì anh Tiến tôi cũng đã về nước giữa những ngày đất nước đón tin vui miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nghe tin anh về nước tôi lên tận Hà Nội đón anh, nhưng chỉ gặp anh được mấy chục phút. Anh Tiến gửi quà cho ông bà, bố mẹ mỗi người một bộ quần áo, còn riêng tôi anh mua tặng một con búp bê biết nói biết cười rồi anh vào viện khoa học làm việc ngay.

Một mình tôi ôm khư khư con búp bê và sách túi quà của anh Tiến gửi về cho bố mẹ trên chuyến xe buýt rùng rình mà lòng rưng rưng khó tả, tủi thân lẫn vui buồn. Về đến nhà, ông bà bố mẹ tíu tít hỏi sao anh Tiến không về cùng. Say xe đến lộn mật xanh, mật vàng, tôi không còn sức trả lời các cụ nữa. Ông nội quay sang bảo bố mẹ tôi:  

- Nhà nước đào tạo nó trở thành nhà khoa học để về xây dựng quê hương. Bây giờ giải phóng rồi, cháu nó phải chứng tỏ kiến thức của mình. Trong thời bình này, để xây dựng nông thôn, nông nghiệp, lâm nghiệp còn lạc hậu thì nó phải ra sức mà lo cho nền khoa học tân tiến lên chứ.

Nghe ông nội nói đúng bố mẹ tôi im phăng phắc rồi bảo nhau cùng giữ gìn sức khỏe, để con nó yên tâm làm việc.

Còn tôi, sau khi học xong bổ túc cũng thi vào sư phạm, được xã đề bạt làm việc trong xã, tối thứ bảy chủ nhật vẫn đi dạy bổ túc cho những người trong thôn chưa kịp học. Tôi vẫn miệt mài đi làm, đi dạy trên con đường tôi và anh Thật từng đi học bổ túc hàng đêm.

Sau giải phóng đã nhiều ngày mà chưa thấy anh Thật ghi thư về. Mẹ anh và bao nhiêu người mong đợi, sốt ruột không biết anh Thật ở đâu. Có lúc tôi động viên mẹ anh cứ yên tâm rồi anh Thật sẽ trở về nhưng cứ nhìn mẹ anh lau nước mắt thì nước mắt tôi cũng rơi.  

Anh Thật ở đâu mà cứ biệt tăm như thế. Tôi đã khóc nhiều vì chờ đợi anh. Mãi đến tháng 7 năm 1975, anh mới trở về nhưng do bị thương nên anh phải vào viện điều trị. Đôi chân của anh không còn lành như trước nhưng tôi sẽ là chỗ dựa cho đôi chân của anh thêm vững vàng để cùng nhau bước tiếp trên đường đời.

 

                                                                                                      T.H

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter