Truyện ngắn của PHẠM QUỲNH LOAN
Những chùm hoa bưởi đầu mùa vừa chúm chím, thoảng hương dịu nhẹ trong tiết xuân se lạnh, giống bưởi chuẩn Đại Minh ngọt mát, ngon mềm, nổi tiếng vùng Tây Bắc này, có vẻ như báo hiệu một mùa bội thu. Miên mủm mỉm cười và choàng thêm chiếc khăn voan mỏng, nhanh chóng bước lên xe cậu con trai đợi sẵn.
Đã thành tiền lệ, cứ ngày rằm tháng giêng là mẹ con cô lại chỉnh tề khăn gói ra thị trấn Yên Bình, nơi tượng đài thắp hương cho chồng- cho cha cùng 117 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, khi thi công xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà... Rồi leo 365 bậc đá lên núi Hoàng Thi thỉnh cầu nơi cửa Phật linh thiêng, được hòa vào dòng người hành hương và dự các lễ hội truyền thống như lễ rước cá, bơi thuyền, ném còn, đẩy gậy... hít thở không khí trong lành và thả hồn bên hồ Thác xanh trong.
Năm nay, điều đặc biệt khiến Miên phấn chấn chính là ngoài các chương trình ấn định thì buổi tối, ngay dưới chân núi Hoàng Thi- Hội Văn học nghệ thuật tỉnh kết hợp phòng Văn hóa huyện Yên Bình, tổ chức đêm thơ Nguyên Tiêu với chủ đề: "Sông núi trên vai"... Hai mẹ con cô được ban tổ chức mời ngồi phía trên, bên trái cánh gà.
Lần đầu được dự đêm thơ của một Hội chuyên nghiệp, lại ở nơi trang trọng, phong cảnh hữu tình thế này tránh sao khỏi bồi hồi xúc động. Miên nghe như nuốt từng lời, như hòa vào tiếng trống, tiếng lòng suốt gần 2 giờ đồng hồ không chớp mắt...
Nữ MC xinh đẹp vẫn giọng nói truyền cảm:
- Thưa quí vị, kết thúc chương trình, chắc chắc sẽ là một nhân vật đặc biệt, một nhà thơ đặc biệt mà chúng tôi mời lên sân khấu.
MC nam tiếp lời:
- Anh là một cán bộ, người con của vùng hồ Thác Bà, đã một thời tham gia xây dựng thủy điện, một cựu chiến binh trên chiến trường Nam Bộ rồi chiến trường Căm Pu Chia... nay xa quê lâu ngày trở lại. Xin mời nhà thơ Minh Đan!
Sau tràng pháo tay nổ ran, tiếng Người thơ như rút ruột nhập đồng, những câu thơ rung ngân: "Người vẫn hằng mong/ Ta luôn chờ đợi/ Yên Bình Nguyên Tiêu trống hội đổ dồn/ Mắt chan mắt/ Xuân chan xuân mê mải/ Người thả lên trời/ Câu thơ tháng ba chắt hương thơm từ bưởi/ Ngan ngát chạm cao xanh/ Ta gieo vào đất/ Câu thơ trở trăn lọc mặn từ sông chát chua từ đá/ Núi cựa mình cong lệch nỗi đa đoan/ Chảy đi sông… đừng giọt mắt giận hờn/ Xuyến Chi ngày nào còn treo sương cuối bãi?"... Miên mê đi trong tiếng thơ như nhập đồng của nhà thơ quân đội. Thơ cùng người và kỷ niệm xưa ùa về làm tim cô thổn thức. Mưa! Mưa xuân gầy guộc hay nước mắt ướt nhòe trên má, có gì đó rất lạ mà quen, quen lắm... Miên dụi mắt nhìn quanh thì Cường, cậu con trai đã rời ghế, tặng hoa nhà thơ Minh Đan, họ đang ôm chặt nhau trên sân khấu, cứ như hai người thân lâu ngày gặp lại...
*
Tốt nghiệp khóa sư phạm cấp tốc, Miên và Hải được phân công về giảng dạy cùng một điểm trường của xã, đôi bạn vừa thân nhau vừa được coi là hoa khôi của lớp. Miên có khuôn mặt tròn trịa, đôi mắt mở to, đôn hậu, dịu dàng và chịu khó. Còn Hải lanh lợi, tháo vát, hóm hỉnh đến tinh quái...
Cuộc sống của hai cô giáo trẻ thật nhiều vất vả, căn phòng dựng tạm, mùi cỏ tranh lợp mái còn ngai ngái, vách nứa liêu siêu núp sâu trong khe núi, lớp học sơ tán cũng liền kề...
Năm 1972 giặc Mỹ tiếp tục điên cuồng bắn phá thị xã Yên Bái lần thứ 2. Thác Bà gồng mình với công trình đồ sộ, ngăn dòng sông Chảy, xây dựng nhà máy thủy điện lớn hàng đầu miền Bắc, công trình trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị... trở thành mục tiêu trọng điểm đế quốc Mỹ đánh phá. Những trận mưa bom ngày đêm trút xuống vùng hồ. Không chỉ khó khăn chồng chất mà sự nguy hiểm, tàn khốc luôn rình rập con người sống nơi đây.
Dạy học ở xã lân cận nên các cô luôn phải căng mình, nghe kẻng báo động là lập tức đưa các em xuống hầm trú ẩn, có ngày mưa lòng hầm lửng nước, quần sắn móng lợn lội bì bõm, những em nhỏ yếu ớt thì cõng chạy cho kịp. Vất vả nhưng đổi lại Miên được gần Khánh, người đàn ông cận kề trong suốt những ngày chập chững tập làm cô giáo, người đã gieo vào lòng cô ngọn lửa yêu thương, đã khiến tim cô thổn thức, phập phồng, nhớ mong…
Công việc của Khánh còn gian nan và nguy hiểm hơn nhiều, vận động di dân giải phóng lòng hồ, đắp đập be bờ ngăn dòng sông Chảy, vật lộn với con người, với sóng nước thiên nhiên đã là một thử thách không nhỏ. Việc xây dựng nhà máy lúc này không chỉ làm việc bằng hai mà đòi hỏi mỗi cán bộ, người dân là một chiến sĩ thực thụ...
Một buổi chiều, cơn mưa rào tháng tư bất chợt, công trường tạm dừng thi công, Khánh tranh thủ đạp xe về phía núi thăm cô giáo, trên ghi đông chiếc xe thống nhất, treo sẵn giỏ cá vừa câu, định bụng nấu bữa tối thịnh soạn cho cả ba người nơi lán trại.
Mưa dịu dần chỉ còn phảng phất mấy hạt nhỏ li ti xiên ngang, chiếc xe cà tàng nhảy lò cò trên những ổ gà, ổ voi mà Khánh vẫn muốn tăng tốc nhanh hơn nữa.
- Anh Khánh!- Bất chợt tiếng Miên gọi vọng.
Khánh dừng xe, thì ra Miên đang hái rau dại ven đường, cả sọt đầy những ngọn xanh mơn mởn, đôi má ửng hồng, tay ôm bó hoa cánh trắng, nhụy vàng được buộc bằng cọng cỏ đuôi gà...
- Hoa gì đây cô giáo?
- Xuyến Chi anh ạ, khi có mưa ngọn Xuyến Chi mọc non xanh tua tủa, hái về luộc qua rồi xào tỏi, ăn bùi và ngon lắm, loài cây dại bất tử này nơi nào cũng sống, xanh tốt. Đến bom Mỹ cuồng ngông cũng cúi đầu chào thua...
- Ồ, xinh xắn và kiên cường như cô giáo Miên nhỉ.
- Không chịu đâu, gì chứ giống Xuyến Chi để người ta cô đơn cả đời sao?
Một chút nũng nịu, giận hờn nom Miên càng quyến rũ, nữ tính dịu dàng và đáng yêu hơn. Khánh nháy mắt tinh nghịch:
- Nhưng lỡ có gã si tình lại mê mẩn Xuyến Chi thì sao nhỉ? Mà Hải đâu? Miên đi một mình thế này không an toàn, con gái chân yếu tay mềm nhỡ khi địch ném bom...
Chưa dứt lời thì tiếng kẻng báo động dồn dập, rồi tiếng máy bay địch gầm rú như xé toạc bầu trời. Khánh quẳng vội xe, dắt Miên chạy vào hầm trú ẩn sát gốc cây, căn hầm chữ A giữa hộc đá lớn. Trời đã nhá nhem tối nên trong hầm chỉ lờ mờ ánh sáng, từng tốp máy bay F-105 nhào lộn điên cuồng, chưa khi nào Miên thấy bọn giặc bắn phá dữ dội đến thế, những tia chớp nhập nhoằng sáng lóe, rồi tiếng nổ lay chuyển mặt đất, căn hầm rung lên bần bật. Theo quán tính cả Miên và Khánh đều xích lại gần nhau, máy bay vẫn lượn từng chập ngang đầu, Khánh quàng tay ôm chặt Miên vào lòng như muốn truyền thêm sức mạnh, muốn che chở cho cô. Lần đầu tiên họ cảm nhận rõ hơi ấm và da thịt của nhau…
Một hồi lâu, tiếng loa phóng thanh báo hiệu máy bay địch đã đi xa, trả lại sự bình yên cho bầu trời, mặt đất thì mưa lại ập đến.
- Sắp đến ngày giỗ Tổ, năm nào cũng mưa to, mưa rửa đền anh nhỉ? Giọng Miên nhỏ nhẹ
- Phải, vua Hùng linh lắm, nhất định sẽ phù hộ cho dân mình đánh thắng Mỹ nhanh thôi
- Đền Mẫu trên núi Hoàng Thi này cũng rất thiêng, nghe nói nhân dân lập đền thờ công chúa Minh Đạt xinh đẹp tài ba, con gái vua Hùng Vương thứ 18 đã có công chấn ải vùng hạ lưu sông Chảy...
- Công chúa đương nhiên xinh, nhưng vẫn về sau nàng công chúa "Xuyến Chi" của anh...
- Á... á... Cái anh này...
- Suỵt!- Khánh đưa tay che miệng Miên ra hiệu im lặng.
Miên mở tròn đôi mắt ướt long lanh:
- Sao vậy?
- Khẽ thôi kẻo thằng giặc lái nó quay lại, nó nghe thấy, nó mò vào hang bắt công chúa mang đi...
Miên không nhịn được cười, cô cười giòn tan, trong veo, quên cả đói, lạnh và nỗi sợ đạn bom...
* * *
Những buổi nghỉ cuối tuần hiếm hoi, Khánh dành cả cho điểm trường sơ tán, giúp cô giáo các công việc cần bàn tay đàn ông, những bữa cơm vui vẻ ăm ắp tiếng cười của 3 người bên ánh đèn dầu lờ mờ đã hằn trong ký ức. Khánh xuất hiện không chỉ Miên mà Hải cũng rất vui, họ gắn bó, giúp đỡ động viên nhau trong hoàn cảnh khắc nghiệt là lẽ tất nhiên...
Nay Miên tới nhà dân, dạy kèm học sinh nghỉ lâu ngày vì đau bệnh. Không tiện từ chối bữa tối mà phụ huynh đã dọn sẵn, vì vậy về đến điểm trường cũng hơi muộn. Cửa phòng khép hờ, ánh đèn dầu khêu nhỏ... chắc là Hải đang soạn bài. Miên nhón chân thật khẽ, với bẻ cọng lau dài bên đường, định bụng luồn thổi tắt đèn trêu Hải. Vừa liếc mắt tìm lỗ hổng, Miên lịm người khi thấy Hải và Khánh ôm nhau ngủ trên giường, chiếc giường tre hằng ngày hai đứa vẫn nằm chung và từng coi nhau như ruột thịt, vậy mà...
Miên đi... cô đi trong vô thức, đi trong đêm đen, trong bom rơi, thác đổ, đi lạc cõi người... Tới khi trời tang tảng sáng, cô xuống sông Chảy vục nước rửa mặt. Dòng nước chảy xiết và những bông cỏ Xuyến Chi vô tư, kiên cường giữa bạt ngàn mây núi đã nhắc nhở, tiếp thêm sức mạnh cho cô. Xốc lại tinh thần Miên lặng lẽ trở về trường...
Hải đon đả cầm tay Miên:
- Mày đi đâu cả đêm không về tao lo quá!
Không đợi Miên trả lời Hải tiếp liền:
- Chiều tối qua anh Khánh đến chơi, anh ấy mệt nên ngủ lại, vừa về xong...
- Vậy hả...- Miên hững hờ
- Ừ, anh ấy vẫn mang cá hồ Thác đến cho bọn mình như mọi khi, còn phần mày đây này.
Thấy Miên không phản ứng gì, không tỏ thái độ, Hải vờ như không biết tình cảm của Miên và Khánh, tiếp tục thao thao:
- Tao và Khánh yêu nhau, mày thấy thế nào?
- Đẹp đôi, xin chúc mừng!
- Mày đúng là đứa bạn tốt và hiểu tao nhất đấy Miên ạ. Cảm ơn mày nhiều...
Miên làm việc nhiều hơn, ra khỏi nhà nhiều hơn, cô lang thang vào dân dạy kèm cho học trò còn yếu, giúp dân xay thóc giã gạo ngoài giờ lên lớp, cốt để tránh xa Hải và Khánh... Hy vọng thời gian sẽ xóa đi mọi vết thương lòng. Rồi một ngày không xa Miên thấy cơ thể mình khác lạ, linh cảm cho biết kết quả của cái đêm trong hầm trú ẩn, đã để lại một hình hài đang lớn dần, cô không muốn khóc mà nước mắt lăn dài, không muốn đau mà như ai cứa.
Biết phải làm gì bây giờ, mới hai mươi tuổi mà sắp làm mẹ đơn thân ư? Chỉ đôi ba tháng nữa cái bụng lớn dần lên, người ta sẽ ì xèo về đứa không chồng mà chửa, rằng cô giáo mà mất nết thì sao dạy được học trò, rồi rất có thể nhà trường sẽ kiểm điểm, yêu cầu khai ra cha đứa trẻ là ai?... Đầu óc quay cuồng, chao đảo như muốn nổ tung... Miên hận mình, căm ghét kẻ bội tình, cô chỉ muốn hét thật to, muốn chạy trốn. Mà chạy đâu bây giờ? Trời ơi! Trong cái xã miền núi cỏn con này, ai chả biết cô giáo Miên, hình ảnh mẫu mực cho học sinh của trường… cô sẽ sống sao đây, về quê ư? Bằng bôi tro chát trấu vào mặt cha mẹ… Hình ảnh kẻ bội tình lù lù hiện ra trước mắt, khiến Miên nghiến răng ken két, vành môi bật máu. Cô như kẻ bấn loạn tâm thần lao đi trong vô thức… Chợt hồ nước mênh mông giữa trưa vắng, Miên lao mình trèo lên tảng đá lớn, mắt nhắm nghiền, miệng lẩm nhẩm: Bố mẹ ơi, hãy tha lỗi cho con!
- Miên! Miên ơi, đợi đã...
Nhanh như cắt, miệng hét, chân nhảy lên bờ đá đỡ gọn Miên trong vòng tay săn chắc. Người đàn ông kịp thời cứu cô ấy là kĩ sư Huy, từ miền xuôi lên xây dựng nhà máy.
Huy dìu Miên đến gốc cây sung chi chít quả, rồi đỡ cô ngồi xuống
- Cuộc đời này còn nhiều nhiều tốt đẹp, bao người ngoài kia ngày đêm giành giật sự sống. Sao lại nghĩ quẩn thế cô giáo?
Miên im lặng, nước mắt vẫn ngân ngấn. Huy tiếp:
- Đừng ngại, Huy để ý cô giáo từ lần gặp đầu tiên, đã rất cảm mến và luôn dõi theo em... Thằng Khánh nó phản bội em ư?
- Sao anh biết?- Chạm nọc, Miên ấp úng cất lời.
- Anh chỉ nhìn và suy luận... Hãy tĩnh tâm lại và kể mọi chuyện cho anh nghe nào, gì rồi cũng có cách. Nhưng nhất định không phải là tự vẫn...
Một người thì thương thầm nhớ trộm từ lâu, một người thì đúng là "chết đuối vớ được cọc". Họ nắm chặt tay nhau và chẳng bao lâu một đám cưới đơn giản, gọn nhẹ trong khe núi đã diễn ra, trước sự chứng kiến của hai bên cơ quan, làng xã.
Có lần Miên hỏi:
- Đẹp trai, tài năng, lại là người thủ đô như anh Huy, vậy mà sao trước kia anh lại thiếu tự tin?
Huy ôm Miên trong nồng nàn hơi thở:
- Anh bị quai bị chạy hậu năm 13 tuổi, nghĩ mình không thể có con... Vậy mà giờ đây anh sắp được làm bố, điều mà tưởng như không thể, thì ra ông Trời không nỡ lấy đi của ai tất cả.
Họ đã sống với nhau tháng ngày hạnh phúc, nâng niu trân trọng, bổ trợ nhau bằng cả tình yêu thương và sự biết ơn...
Giặc Mỹ lại tiếp tục bắn phá, chúng điên cuồng như muốn san phẳng vùng hồ, trong một đêm không trăng, không sao, từng tốp máy bay Mỹ trút bom như trải thảm, những tiếng nổ chát chúa kéo dài. Một sự thật khủng khiếp, đau lòng, đất trời không dung… Trong cái đêm kinh hoàng ấy cướp đi gần 100 sinh mạng- những chiến sĩ bảo vệ và xây dựng nhà máy thủy điện Thác Bà đã vĩnh viện nằm lại, trong đó có Huy.
Miên chết lặng người ôm xác chồng gào khóc thảm thiết, nước mắt cạn kiệt, mà sao ông Trời lại bất công với cô đến vậy? Đứa con trong bụng Miên còn chưa kịp chào đời. Xót xa cho Huy, cho mình, cho đứa con tội nghiệp mới vài tháng tuổi nơi bào thai mẹ đã hai lần mất cha…
Cuối năm 1972, bị thua đau trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc buộc đế quốc Mỹ phải ngừng bắn phá và ký hiệp định Pari đầu năm 1973, cả vùng hồ mở hội vui mừng, được sống trong tự do, hòa bình thì cô đã trở thành bà quả phụ, vợ liệt sĩ. Miên được chuyển hẳn về trung tâm xã Đại Minh, một mình vượt cạn sinh bé Cường trong căn nhà nhỏ, nơi bà con và chính quyền dựng tạm, bao bọc, chở che cho hai mẹ con cô.
Cường càng lớn càng giống bố, khỏe mạnh, thông minh và đặc biệt gương mặt thanh tú. Được sự chăm sóc, yêu thương của mẹ, sự giúp đỡ của chính quyền xã và huyện Yên Bình, Cường đã tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, trở thành một kỹ sư ngành Điện chững chạc, nối nghiệp cha bên lòng hồ xanh trong…
* * *
Đêm thơ Nguyên Tiêu khép lại, có gì đó như thực như mơ. Miên bồng bềnh lục tìm ký ức thì Cường nắm tay gọi:
- Ta về thôi mẹ.
Chợt tỉnh, Miên lặng lẽ lên xe mà mắt vẫn dõi nhìn khắp vùng hồ như tìm kiếm điều gì…
- Mẹ này, con đã hơn 30 tuổi cưới vợ đến nơi rồi. Hay là mẹ lấy chồng đi?
Miên giật thót mình, sao bỗng dưng hôm nay Cường lạ thế:
- Mẹ già, ai còn muốn lấy mẹ nữa, vả lại mẹ cũng quen rồi, thấy con trưởng thành là mẹ mãn nguyện.
- Con muốn đám cưới của mình có cả cha lẫn mẹ... Nhớ có lần mẹ hứa khi nào con chịu lấy vợ thì mẹ sẽ lấy chồng. Mẹ, mẹ trả lời đi... Cường được thể tấn công.
- Ừ, mẹ nhớ...
- Hay là mẹ con mình tổ chức chung đám cưới nhỉ, cả nhà đều vui. Mà không, cả huyện đều vui mới đúng…
Miên bật cười:
- Chờ đến ngày đó thì con trai mẹ ế vợ mất!
- Không có việc gì khó, chỉ sợ mẹ con mình không đồng lòng, để con thử làm ông mai mát tay nhé?… À, nhà thơ Minh Đan có quà tặng mẹ con mình này. Mẹ đọc trước rồi kể con nghe!
Miên nhìn con trai trưởng thành, hóm hỉnh, đáng yêu, lòng cô bồi hồi xúc động. Òa! Một cuốn Tiểu thuyết có tựa đề: "LẶNG LẼ XUYẾN CHI".
Miên không ngủ, cô tò mò và chăm chú đọc:
"Tôi gọi em là Xuyến Chi, vì đêm ấy trong vòng tay tôi, hương Xuyến Chi vương thơm trên ngực áo, hương cỏ ngai ngái ấy theo tôi đi khắp nẻo đường chiến chinh, đến đâu tôi cũng gặp em bung nở, mỉm cười động viên, khích lệ, chở che và cả oán thán, giận hờn"...
Kỷ niệm hơn 30 năm ùa về căng lồng ngực, nhảy nhót, mơ hồ. Hai mắt cay xè, Miên tiếp tục nuốt từng câu chữ:
"Một ngày, đột nhiên em lảng tránh, tôi lặn lội đi tìm, càng tìm em càng tránh. Tôi như người mất hồn, như không phải tôi, rồi nhanh như chớp em lấy chồng. Tim tôi quặn thắt, vụn vỡ, lẽ ra tôi phải chạy đến ngăn đám cưới lại, nắm chặt tay em, nhìn sâu vào đôi mắt to tròn, đen láy của em và hỏi cho ra nhẽ: Tại sao?... Thì tôi lại im lặng, y như người nhận án tử mà không biết mình phạm tội gì...
Tôi tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu, đi qua các chiến trường khốc liệt, bao năm qua đồng đội tôi người nằm lại, đứa trở về, tôi may mắn vẹn nguyên, có điều đầu hai thứ tóc vẫn độc thân. Như con chim bị thương thấy cành cong cũng sợ…
Rồi một hôm vô tình trong sự vô tình, được biết người đàn ông em vội vã kết hôn bị viêm tinh hoàn năm 13 tuổi. Chợt câu hỏi lóe lên trong đầu: Vậy cha của con em là ai? Tôi sực tỉnh, lặng lẽ men theo các mắt xích lần hồi về quá vãng...
Kim trong bọc lâu ngày lòi ra, bài toán khó mấy rồi cũng tìm được lời giải, tấm vải màn bí ẩn, chiếc chìa khóa tàng hình mấy chục năm qua thật không ngờ là Hải, Hải đã cố tình dựng nên tấm bi kịch cho cả tôi và em: Tối ấy, Hải đưa tôi cốc nước pha sẵn thuốc ngủ, tôi vô tư nốc một hơi cạn đáy, để rồi… Trời ơi! Sự ích kỷ ghen ghét đố kỵ đã đẩy con người ta mất đi bản ngã. Một nghịch lý thật trớ trêu, ta vẫn hô vang khẩu hiệu: Nêu cao tinh thần cảnh giác với đế quốc xâm lăng, vậy mà ta lại quá chủ quan”…
Miên lặng người như không tin ở mắt mình, mặc cho những giọt chát mặn lăn nhòe trên má, trên sách, cô miên man không biết đâu thực đâu mơ, thì tiếng Cường lay gọi:
- Mẹ dậy ăn sáng nhé, nay cơ quan nhiều việc con đi làm sớm.
Miên giật mình tỉnh thức, tia nắng mở ngày nhảy múa qua khe cửa.
Lập cập bước ra phòng khách, Miên sựng người: Bó hoa Xuyến Chi tươi tắn buộc cọng cỏ gà, cắm trang trọng trong chiếc bình cổ và mảnh giấy nhỏ còn thơm mùi mực: “Có những điều tưởng chừng như nhỏ bé/ Có những lời thương nhớ vốc đầy tay/Cánh trắng Xuyến Chi hãy lật mới trang ngày/ Một mỉm cười lau khô dòng nước mắt”…
P.Q.L
Tin khác