• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Mãi mãi là con gái
Ngày xuất bản: 18/03/2021 3:07:24 SA

Truyện ngắn của Phan Định Long

Anh Lộc cưới chị Chiến. Nhà tôi giáp nhà anh Lộc bằng một hàng rào nứa thưa. Nhà chị Chiến ẩn mình phía đồi cọ, cũng chỉ cách có mấy đám ruộng. Cánh thanh niên xóm Đình được san sẻ làm hai để đỡ hai nhà chuẩn bị đám cưới. Mẹ giao cho tôi đỡ bên nhà anh Lộc, còn mẹ tôi giúp bên nhà chị Chiến. Đã thành lệ. Công việc của bọn con trai là làm thức ăn, chị em nữ thì giã gạo, nấu cơm, gánh nước. Chúng tôi đang vây quanh con lợn được cạo lông trắng hếu, vừa làm vừa tán tếu. Bỗng nhiên ông Thọ- bố anh Lộc rẽ đám trẻ con đi đến. Ông sốt ruột, than thở:

- Cái thằng Lộc đến là lạ, hẹn về mà giờ này vẫn chưa thấy đâu. Sắp tối rồi.

Chúng tôi ngừng tay, nhìn ông với vẻ mặt đầy lo âu. Tôi liền an ủi ông:

- Bác ơi! Anh ấy đang trên đường về mà. Lính không thể sai hẹn được đâu!

- Vâng bác ạ! Lính không thể sai hẹn được, nhất là về phép cưới vợ nữa chứ. Bác nhắc anh ấy nhiều là anh ấy bị hắt xì hơi đấy- Một đứa bạn nói vui làm bọn tôi cùng cười khúc khích.

Đúng lúc đó bác bưu tá xã phóng ào ào cái xe đạp có buộc mấy bông hoa nhựa xanh đỏ trước ghi đông vào sân, phanh kít lại, chẳng chào ai, miệng liến thoắng:

- Có điện khẩn! Có điện khẩn!

Thế rồi ông móc trong cái túi bạt to đeo bên hông xe ra một tờ giấy mỏng. Đưa hai tay run run đón tờ giấy từ ông bưu tá, ông Thọ nheo nheo mắt đọc một cách chậm chạp, mặt ông dần dần tái đi, môi ông giật giật:

- Thế này… là… là thế nào nhỉ?

Ông Thọ đi nhanh vào nhà. Tiếng ồn ào, chào nhau của khách khứa các nơi đổ về mỗi lúc một đông. Chúng tôi tiếp tục công việc. Một lúc sau, mẹ tôi tất tả chạy đến nói to:

- Thiện! Để đấy, vào nhà bầm bảo cái này!

- Nhưng con đang làm…- Tôi nói và chỉ tay vào con lợn cạo đang nằm trên mấy tàu lá chuối tươi.

- Thì cứ để đấy! Vào nhà bầm bảo cái này, nhanh lên!.

Nghe mẹ giục đến lần thứ hai, tôi đành theo bà vào nhà ông Thọ.

Thì ra theo đúng hẹn anh Lộc huấn luyện xong hôm nay sẽ được nghỉ phép về làm đám cưới. Nhưng đơn vị anh được lệnh hành quân gấp vào miền Nam chiến đấu. Anh đánh điện về cho gia đình hoãn đám cưới. Thế nhưng bức điện đến nhà đúng vào ngày cưới. Vậy là không thể hoãn được nữa. Các cụ đã bàn bạc với nhau chọn một thanh niên trong xóm thay cho chú rể. Vậy là các cụ đã chọn tôi là đứa thanh niên cao lớn hơn cả. Nghe mẹ bảo thế, mặt tôi nóng bừng, tôi chối đây đẩy. Tôi có cảm giác như mình bị ép lấy vợ. Mẹ gắt lên với tôi:

- Thằng này hay nhỉ, mày chỉ thay anh Lộc đi đón chị Chiến về là xong, có làm sao đâu nào.

Thế rồi mỗi người góp một câu làm tôi vô cùng bối rối. Tôi không thể từ chối được nữa. Mấy đứa thanh niên khoác lên người tôi bộ quần áo mới, bắt tôi đeo đôi dép nhựa Tiền phong trắng nữa. Vậy là tôi thay anh Lộc đi đón chị Chiến. Con đường bờ ruộng sang nhà chị Chiến ngày thường có mấy bước chân, sao mà hôm nay tôi thấy nó dài đến thế. Rồi hầu như tất cả các cặp mắt đều đổ dồn về phía mình, xuýt xoa bàn tán và cười nói ồn ào. Tôi gượng gạo, chẳng dám nhìn ai mà cứ cúi mặt xuống mãi. Bọn trẻ con chạy theo đoàn rước dâu, chúng thi nhau gào lên: “Cô dâu chú rể/ Đội rế lên đầu/ Đi qua đầu cầu/ Đánh rơi mất rế…”. “Cục tức” trong lòng tôi cứ nổi lên phừng phừng. Giá lúc khác thì tôi đã đá đít cho mỗi thằng một cái rồi chứ không phải nhẫn nhục như lúc này. Về đến nhà anh Lộc, chủ hôn bảo tôi dắt tay chị Chiến vào buồng. Tôi lóng ngóng, đưa tay run run về phía chị Chiến. Xong việc tôi tháo chạy ra phía cầu thang về thẳng nhà luôn. Bọn trẻ con, trong đó có cả hai thằng em tôi vẫn cứ chạy theo lải nhải: “Anh Thiện lấy vợ/ Anh Thiện chị Chiến/ Cô dâu chú rể…”. Tôi điên tiết chạy ào đến bạt tai cho mỗi đứa một cái làm chúng khóc ré lên gọi mẹ.

Bố tôi bị thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ, mảnh đạn vẫn nằm trong ngực. Khi phục viên về làng, bố tham gia công tác trên xã. Bố cưới mẹ và lần lượt bốn anh em chúng tôi ra đời. Ngày ấy cũng như bao gia đình khác, nhà tôi nghèo lắm. Công việc đồng áng chủ yếu chỉ một mình mẹ lo hết. Bố tôi ngoài việc thường trực trên xã, thỉnh thoảng mới ra đồng giúp mẹ được vài buổi. Thế rồi nhiều lần trái gió trở trời, vết thương tái phát. Ông cứ ôm ngực, mặt tái mét. Mẹ tôi giục bố nghỉ, nhưng qua cơn đau ông lại đeo sắc cốt lên xã làm việc.

Minh họa: Lê Trí Dũng

 

Là anh cả trong gia đình, tôi sớm ý thức được vai trò của mình với bố mẹ và các em. Nên khi học hết lớp bảy, tôi nhất quyết không đi học cấp ba nữa. Bố mẹ đã nhiều lần dỗ ngon, dỗ ngọt nhưng tôi không lay chuyển. Bố mẹ rất bực cũng đành bất lực trước sự ngang bướng của tôi. Thực tình thấy mấy đứa bạn dong duổi đi học cấp ba tôi thèm được như chúng lắm. Nhưng nhìn cảnh một mình mẹ tôi chà chã đến bạc tóc đi làm đồng mà bố thì vừa công tác trên xã, lại hay đau ốm. Chính vì vậy tôi đành chôn vùi mơ ước được cắp sách đến trường. Thế là tôi trở thành lao động phụ, hằng ngày tôi cúc cung theo mẹ đi làm hợp tác.

Chị Chiến được bầu làm đội phó kiêm kế toán đội sản xuất xóm Đình. Thấy chúng tôi là lao động phụ đi làm công nhật bị chiết từ hai đến ba điểm, chị thương lắm. Lý lẽ của bà đội trưởng đưa ra rằng lao động phụ không phải trừ công dân công, công ích, công xã hội nên phải chiết điểm chúng tôi. Có lần chị Chiến đấu tranh với bà đội trưởng:

- Tuy chúng nó là lao động phụ, nhưng mười lăm, mười sáu tuổi chúng làm còn khỏe hơn khối người lao động chính. Nếu chiết điểm của chúng nó như thế thì khác nào bắt chúng phải nộp các khoản như lao động chính.

- Cô là đội phó mà nói năng linh tinh thế à? Cô cứ làm tốt việc của mình đi, cả làng cả xã người ta đều tính thế hết đấy, cô bắt tôi phải làm thế nào hả?- Bà đội trưởng điên tiết vặc lại làm chị Chiến rơm rớm nước mắt.

Thế là chị chọn cho chúng tôi việc làm công khoán như vớt bèo về ủ phân, đào đắp mương, gặt lúa… sẽ không bị chiết điểm. Chúng tôi phấn khởi làm theo sự sắp xếp của chị. Họa hoằn lắm chúng tôi mới phải đi làm công nhật. Tình cảm chúng tôi với chị ngày càng gắn bó mật thiết. Đi đâu, làm gì đều có chị có em vui lắm. Những buổi trưa hè nóng bức, chúng tôi kéo đến ngồi dưới bóng hàng nhãn nhà chị. Hóng làn gió nồm Nam quyện cùng hương lúa từ cánh đồng làng thổi lên mát rượi, cùng chị tán dóc cười đùa vui hết cỡ. Chị Chiến làm tính nhẩm rất nhanh mà nghe nói chị chỉ học hết có lớp bốn. Cuối tháng tôi đem sổ ghi điểm của gia đình đến nhà chị so điểm với sổ của đội. Chị nhẩm nhoay nhoáy, trong khi tôi cứ phải đếm đốt ngón tay mãi mới xong. Có lần cộng đi, cộng lại thấy chị tính sai cho gia đình tôi. Tôi liền thắc mắc thì chị nói sẽ xem lại sau. Mãi đến khi mọi người về hết, chị cốc vào mạnh vào đầu tôi đau điếng và nói:

- Thật thà thế nhỉ, đấy là chị tính bù lại cho cậu những điểm bị chiết ấy mà.

Nghe chị nói thế, mặt tôi nóng ran lên mà chỉ cười chừ thầm biết ơn chị.

Sau đám cưới của chị, tôi thấy trong lòng mình đầy ngổn ngang. Những ánh mắt, những câu đùa vu vơ của mọi người làm tôi sợ. Mà cũng chẳng biết mình sợ gì nữa. Ngược lại chị Chiến tỏ rõ sự biết ơn tôi bằng nụ cười và ánh mắt đằm thắm. Thậm chí có lần chị còn nói với mọi người:

- Ôi! Cậu Thiện càng lớn càng đẹp trai. Giá cậu ấy cùng lứa tuổi với em, dứt khoát em sẽ lấy cậu ấy làm chồng chứ không thèm cái ông Lộc mãi chẳng thấy về.

Chị nói rồi cùng mọi người cười ngặt nghẽo, làm tôi xấu hổ nóng ran cả người. Mọi người được thể tán tếu như không muốn dứt. Điều đó càng làm tôi muốn rời xa chị hơn. Cũng phải mất một thời gian dài tôi mới lại lấy được thăng bằng.

Thế rồi những chiều hè vừa tắt nắng, chúng tôi rủ nhau đi cất vó tôm quanh bờ  hồ thủy lợi của thôn Đình. Cái hồ rất nhiều tôm, cá. Cứ mỗi lần cất cái vó bằng xô màn lên khỏi mặt nước là nghe thấy những con tôm bật tanh tách rào rào trong lòng vó. Nhiều hôm chúng tôi mải mê đến quên cả nỗi mệt nhọc của một ngày lao động. Thật là “tôm nhấp nhóa, cá rạng đông”. Đương nhiên ngoài lũ trẻ con chúng tôi thì bao giờ cũng có chị Chiến. Hôm đó không hiểu sao chỉ có tôi và chị Chiến đi cất vó tôm. Tôi đi nhanh về chỗ mà thường ngày vẫn đặt vó. Thảy nắm cám rang thơm phức xuống lòng vó và chờ đợi. Hơn chục cái vó được tôi rải đều một đoạn khá dài theo bờ hồ. Tiếng những chú cá lao xao đớp mồi nổi trên mặt nước.

Cứ thế tôi cất hết lượt này đến lượt khác. Cái rỏ đựng tôm trên tay tôi đã nặng dần. Lúc đó tôi mới thấy bụng bắt đầu sôi ùng ục vì đói. Mảnh trăng non đã lấp ló trên những ngọn tre cuối làng, hắt xuống lòng hồ ánh sáng bàng bạc. Tôi chủ động thu vó và đi nhanh về phía chị Chiến. Đến bên chị thì lạ thay, chị không hề đặt vó cất như mọi hôm. Chị ngồi im nhìn ra mặt hồ. Khi tôi rủ về thì chị thở dài và nói:

- Ừ, ngồi xuống đây đi Thiện, lát nữa về, chị buồn quá!

Nghe chị nói tôi biết chị buồn vì nhớ anh Lộc. Từ hôm làm đám cưới vắng anh cho đến nay anh vẫn chưa được về lần nào. Một mình chị Chiến đơn chiếc vò võ chờ anh. Hai người chị gái chồng đã đi xây dựng gia đình ở xã bên. Chị với bố mẹ chồng và hai đứa em cô sống trong ngôi nhà sàn rộng thênh thang càng làm cho nỗi nhớ tăng lên. Ngày đi làm đồng chị vui cười, tán tếu với mọi người. Mỗi lần nhận thư, chị nói cười như thể anh Lộc bằng xương bằng thịt đang hiện hữu. Chúng tôi vui lây vì được chị cho đọc thư anh Lộc. Chính vì thế chúng tôi biết anh đảm nhiệm lái ca nô trở quân qua sông Sêrêpôk. Chiều nay chị lên xã, khi về không thấy chị khoe thư. Tôi nghĩ chắc vì thế mà chị buồn. Tôi lặng lẽ ngồi xuống bên nhằm an ủi chị. Trong ánh trăng non tôi nhìn thấy đôi bờ vai chị rung rung. Chị khóc. Khi đang tần ngần lựa lời để an ủi thì chị kéo tay tôi về phía mình. Thế rồi đột nhiên chị chồm lên người tôi. Bị bất ngờ nên tôi bị ngã ngửa ra. Chị đã cởi hết hàng cúc áo và áp bộ ngực ấm nóng lên ngực tôi. Người tôi run lên bần bật, miệng ú ớ, hai tay càng đẩy ra thì chị càng ghì chặt hơn. Chị cũng run rẩy, hổn hển hôn tới tấp lên mặt, lên cổ tôi. Những giọt nước mắt của chị cũng theo đó chảy xuống. Thế rồi chị vuốt ve mơn chớn làm  cơ thể tôi cương cứng như muốn nổ tung ra. Tôi như bất lực không thể đủ sức đẩy chị ra khỏi người được nữa. Nhận biết của thằng con trai mới lớn cọ sát với người khác giới trong tôi bắt đầu bừng tỉnh. Tôi cũng bắt đầu đáp trả những cái vuốt ve của chị. Bỗng dưng cảm giác tội lỗi trong tôi bùng lên. Tôi lấy hết sức bình sinh đẩy chị ra. Cú đẩy khá mạnh làm chị ngã nhào sang bên cạnh. Tôi ngồi bật dậy trách:

- Chị làm cái trò gì vậy?

Chị cũng ngồi dậy, không nói gì và cứ sụt sùi khóc. Tôi bực tức đứng phắt dậy bỏ về. Đi được một quãng xa, tôi đứng lại hít một hơi dài. Chợt nghĩ hành động của mình như vậy là quá ác với chị. Thế là tôi tần ngần quay lại. Chị vẫn ngồi khóc. Tôi rủ mãi chị mới lặng lẽ đứng dậy.    

Đêm ấy, khuya lắm rồi mà tôi không thể chợp mắt được. Đã thế tiếng tích tắc của cái đồng hồ treo tường như to hơn mọi hôm. Thỉnh thoảng con thạch sùng trên xà nhà tắc lưỡi, rồi tiếng rít của con dế phía cửa sổ dai dẳng. Tiếng sủa ồm ồm của con Tun ngay phía đầu nhà hòa âm với lũ chó hàng xóm. Dàn âm thanh đêm muộn cứ dội vào tai càng làm cho tôi trằn trọc hơn. Nghĩ mãi về hành động của chị làm lòng tôi trào lên sự giận hờn pha lẫn thương hại chị. Thế là tôi bước ra sân với một ý nghĩ trong đầu vừa lóe lên.

Biết tôi viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Mẹ đã khóc. Đang đêm mẹ dựng bố dậy bắt phải lên xã rút lá đơn tôi vừa nộp. Bố tôi thì thào trong giọng ngái ngủ:

- Sao lại phải rút đơn của nó chứ?

- Nó đã đủ tuổi đâu mà ông cho nó đi?

- Năm nay nó mười bảy rồi, tính cả tuổi đẻ là mười tám. Nó đi thì có sao đâu nào!- Bố tôi nói với vẻ cương quyết.

- Ông không đi thì mai tôi đi vậy. Mới tí tuổi đầu mà ông đã đẩy nó vào chỗ hòn đạn, mũi tên chứ?- Mẹ tôi vừa sụt sịt vừa nói.

- Không được! Đi hay ở là quyền của nó. Bà mà làm thế là vi phạm chính sách Nhà nước đấy!

Tôi nằm giường ngoài lặng im nghe bố mẹ nói chuyện. Một lúc sau tôi nghe rõ tiếng nấc của mẹ từ trong buồng vọng ra. Bố mẹ đâu có biết nguyên do tôi phải viết đơn tình nguyện.

Vậy là tôi nhập ngũ. Bố tôi len lỏi qua những người đưa tiễn tân binh đến bên tôi. Đặt hai tay lên vai và nhìn thẳng vào mắt tôi, ông thủ thỉ theo phong cách của hai người đàn ông:

- Thiện! Con cố gắng rèn luyện bằng chúng bằng bạn nhé. Bố tin ở con!

Tôi khẽ gật đầu và ôm chặt lấy bố để nhận hơi ấm từ người cha thân yêu của mình truyền sang. Cạnh đó là mẹ và mấy đứa em tôi cùng chị Chiến nước mắt giàn giụa không nói nên lời. Tôi cố kìm lòng mình bước tới cầm tay mẹ và nói:

- Mẹ và các em đừng khóc, chiến thắng con sẽ về!

Thế rồi tôi nhập vào hàng quân hùng dũng bước đi. Tiếng khóc nức nở của người thân cứ vọng mãi ở phía sau lưng chúng tôi.

***

Theo lời chị nhắn, cơm chiều xong tôi chở đứa con trai đến nhà chị chơi. Nhà chị và nhà tôi đã chuyển vào chân núi cách nhau hơn ba cây số. Nhường lại phần đất bằng phẳng cho khai hoang ruộng. Chính vì vậy sau khi phục viên về tôi lấy vợ và chị em ít có dịp gặp nhau. Nghe có tiếng xe máy đỗ trước sân, một thằng bé tầm chín, mười tuổi chạy ra cửa khoanh tay lễ phép chào. Bố con tôi vừa bước vào ngôi nhà xây nhỏ xinh xinh, gọn ghẽ của chị. Chị Chiến vẫn nhanh nhẹn như xưa nhưng già và gầy đi nhiều. Mái tóc chị đã bạc quá nửa, làn da xạm và những vết chân chim hằn sâu nơi khóe mắt. Nhưng nét đẹp xưa kia vẫn phảng phất trên dáng người thon gọn của chị. Chị chủ động bắt chuyện:

- Lâu rồi không gặp cậu, hôm nay chị có chút việc.

- Chuyện gì vậy chị?- Tôi hồi hộp hỏi.

- Chuyện dài lắm, thong thả để chị kể cho cậu nghe.

Với giọng nói chầm chậm đều đều, chị đã kể cho tôi nghe về quãng thời gian tôi xa chị. Chị nói rõ cho tôi biết hành động của cái ngày hai chị em đi cất vó tôm ấy. Chính buổi chiều hôm đó chị lên xã và nhận được tin anh Lộc hy sinh. Chị đã đề nghị xã không tổ chức báo tử với lý do bố chồng đang ốm. Đồng thời chị cũng muốn kéo dài thời gian để chờ một phép màu nào đó dù mơ hồ và hết sức mong manh. Vì quá đau buồn và xúc động, nên đã có hành động gây cho tôi hiểu lầm về chị. Đã có lúc muốn thổ lộ cùng tôi, nhưng chị không thể nói được. Thấy tôi tình nguyện nhập ngũ, chị rất hoang mang và ân hận. Đến lúc tôi về phục viên sau khi đất nước thống nhất, nỗi ân hận trong lòng chị mới được giải tỏa. Còn đối với gia đình nhà chồng, chị cố gắng kìm lòng. Chị lao vào làm việc cho quên đi tất cả. Những đứa em gái của chồng chị lần lượt đi xây dựng gia đình, một mình chị phụng dưỡng bố mẹ già đến lúc họ về với tổ tiên. Trước khi nhắm mắt, ông Thọ nắm tay chị dặn dò: “Bố không thể chờ được thằng Lộc nữa, khi nào nó về con nói với nó cho bố xin lỗi nhé”. Thấy chị một mình sống trong ngôi nhà hắt hiu. Các chị em gái nhà chồng đã khuyên chị đi bước nữa. Đã có nhiều người đàn ông muốn đến với chị nhưng đều bị từ chối. Chị nguyện sẽ suốt đời ở vậy để thờ phụng tổ tiên và anh Lộc. Chị ngừng kể, thở dài nhìn về phía đứa trẻ đang chơi với thằng con tôi. Chị cho biết mấy năm trước vợ chồng người em họ của anh Lộc không may bị tai nạn xe máy qua đời, để lại đứa con trai năm tuổi. Biết xã chủ trương làm thủ tục để gửi cháu lên Trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi của tỉnh, chị Chiến đã chủ động nhận cháu về làm con nuôi. Đến nay cháu đã được mười tuổi, ngoan ngoãn và học hành tiến bộ. Tôi trầm ngâm dõi theo lời kể của chị. Thế rồi chị nhìn xoáy vào mắt tôi và nói:

- Cậu nguyền rủa chị lắm phải không? Thực tình trên đời này chị chỉ yêu anh Lộc và cậu thôi. Chị chưa từng biết được cái nắm tay của anh Lộc. Trong lúc đau khổ, hụt hẫng nhất của đời mình, chị muốn cậu thay anh Lộc. May mà… chị chưa làm hại đời trai trong trắng của cậu. May hơn nữa là cậu được bình yên trở về. Chị đã có chồng, chị chưa được sinh ra những đứa con. Nhưng dù sao trong đời chị đã được ôm một người đàn ông vào lòng, thế là chị mãn nguyện lắm rồi. Chị thành thực xin lỗi cậu- Chị nói và đôi dòng nước mắt đùng đục tràn trên gò má.

- Thôi mà chị! Chuyện đã xảy ra lâu lắm rồi- Tôi chìa hai tay về phía chị và nắm chặt hai bàn tay chị an ủi-  Em xin được chia sẻ cùng chị.

Tiễn bố con tôi về. Chị bế đứa con tôi ngồi lên yên xe. Chị cúi xuống hôn chụt chụt vào hai bên má bầu bĩnh của thằng bé.

 

P.L.Đ

 

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter