• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Mùa xuân ở Yên Thành
Ngày xuất bản: 27/03/2023 8:41:51 SA

Ký của HOÀNG TƯƠNG LAI

 

            Ngày ấy- khi những bầy máy báy của giặc Mỹ ngày đêm điên cuồng mang bom đạn ra bắn phá miền Bắc, cứ độ 4 giờ sáng tiếng phụp lung cung... phụp lung cung cứ vang xa vọng đến từ phía động(1) Cối Máy của người Dao Quần trắng ở xã Yên Thành và động Đèo Quân ở xã Xuân Lai. Hỏi ra mới biết: đó là tiếng chầy khua vào máng giã lúa nương được bó gọn thành từng cum phơi khô từ trên nương mang về. Những đôi vợ chồng trẻ dậy sớm giã luống, giã theo nhịp chầy đung đưa, quấn quýt, giòn tan, náo nức vang xa mấy con đèo núi, vọng khắp bản làng. Cả động người Dao, những đôi vợ chồng trẻ dậy sớm giã lúa cum hợp thành một bản hòa tấu, báo hiệu một mùa lúa nương bội thu, gửi gạo thơm ngon ra tiền tuyến giữ cho bản làng yên vui, no ấm. Những người già dỏng tai nghe tiếng chày khua luống biết ngay đôi vợ chồng trẻ con cháu nhà mình yêu nhau đến nhường nào. Họ giã thành gạo rồi nấu để có cơm nắm mang lên nương, gói bánh cho con rồi nấu nồi cháo thơm lừng cho người già ăn sáng. Lớn thành trai trẻ, tôi bắt gặp những câu thơ:...

            "Phụp lung cung... phụp lung cung

             Cái chày đang nói chuyện với máng

             Leng keng chen tiếng nhạc vòng tay...

            Ơi tiếng chày khua mang nỗi nhớ

             Dọc bờ sông Chảy động Cầu Mai

             Anh yêu quê như yêu hát Ái Dủng

            Ngân nga sông nước lúc quăng chài

            Ơi! Mảnh đất lũ đầy bờ cũng lội

             Ấm tình xôi nóng gói dong tươi....."(2) )

            Ấy vậy mà đã mấy chục năm qua đi. Hôm nay, buổi sáng của mùa xuân được cùng Chủ tịch UBND xã Yên Thành của huyện Yên Bình Nguyễn Văn Yên rong ruổi từ Cối Máy, Ngòi Khương, Ngòi Ẩm, Ngòi Di, Khe Ngang, Khe Cạn. Đường bê tông trải dài uốn lượn qua mọi ngõ ngách bản làng của người Dao quần trắng của xã ra tận mép hồ Thác Bà. Tôi hỏi Chủ tịch xã Nguyễn Văn Yên:

            - Xã mình dân tộc Dao là đông nhất phải không anh?

            - Dân tộc Dao quần trắng chiếm 94,4% anh ạ! Còn lại là dân tộc Kinh, Tày, Cao Lan cùng sống xen kẽ.

            - Hộ và khẩu có nhiều không?

            Không cần phải giở sổ, chủ tịch xã nói cả con số lẻ như trong lòng bàn tay:

            - Toàn xã hiện có 1.064 hộ với 5.378 khẩu anh ạ!

            Trên đường đi, hai bên đường toàn những nếp nhà sàn đẹp, nhà gỗ, nhà cột bê tông phần lợp lá cọ, phần lợp mái tôn màu, cột, xà, kèo sơn màu gỗ trông như gỗ Pơ mu nơi vùng cao ấy. Tôi biết Yên Thành có nhiều rừng và giàu lên từ rừng từ rất lâu rồi. Thế mạnh đi lên từ rừng đã khiến Yên Thành giàu lên nhanh chóng. Với diện tích tự nhiên 4.514,3 ha, thì đất nông nghiệp mới có 370,2 ha, trong khi đó diện tích rừng hiện có là 2879,2 ha. Rừng trồng mới năm 2022 là 120 ha. Sản lượng gỗ rừng trồng năm 2022 đạt 9.720 mét khối, ước đạt thu nhập từ lâm nghiệp năm 2022 trên khẩu là 13.608.000 đồng. Được biết ở Yên Thành là nơi có những người thợ sáng tạo ra khuôn để đúc cột, xà, kèo làm nên những nếp nhà sàn bằng bê tông vững chãi quay ra hồ Thác Bà đón gió. Đến nay có hơn chục đội thợ lành nghề chuyên đúc nhà sàn bê tông. Những đội thợ ấy làm khắp, làm hết những nếp nhà sàn ở xã rồi lại sang xã khác làm. Giờ thì những đội thợ làm nhà sàn bê tông đang rong ruổi khắp các tỉnh như Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai. có đội còn vào tận Tây Nguyên để làm nên những nếp nhà sàn bằng cột kèo bê tông ở trong ấy.

            Tôi hỏi chủ tịch xã:

            - Diện tích mặt nước hồ Thác Bà xã mình quản lý có nhiều không anh?

            - Xã dược giao quản lý 1.728 héc ta anh ạ!

            - Mình đã cho dân khai thác, làm gì trên diện tích đó?

            - Nuôi cá lồng bè và khai thác tự nhiên tạo việc làm và thu nhập cho dân, hiện có mấy chục lồng cá, trồng tre măng Bát độ trên đảo. Riêng sản lượng đánh bắt cá năm 2022 đạt 184,5 tấn.

            Những đồi ngày xưa trồng lúa nương bây giờ không còn nữa, nay chỉ thấy những cánh rừng keo, bồ đề, bạch đàn trải dải với màu xanh ngút mắt. Những chiếc chày khua vào máng được đưa lên sân khấu để bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc nơi đây. Hiện nay Yên Thành không có cánh đồng lúa nào rộng quá 2 héc ta, chỉ là những thửa ruộng, khu ruộng nằm theo các khe dọc giữa những đồi, những núi như bát úp. Ấy thế mà sản lượng lương thực năm 2022 đạt 553,9 tấn. Lại còn 10 héc ta diện tích ruộng dưới cốt 58, hàng năm cho bao nhiêu là ngô, lúa, đậu, lạc và dưa hấu nữa.

            Cùng chủ tịch xã rong ruổi qua những những đồi bưởi, những mô hình chăn nuôi đại gia súc. Toàn những con số biết nói. Cùng chủ tịch xã Nguyễn Văn Yên về trụ sở làm việc. Cạnh trụ sở vừa xây mới hai tầng là nếp nhà sàn bằng gỗ lợp lá cọ, sàn lát ván để đón khách đến giao lưu hoặc nghỉ lại. Tôi giở sổ ghi tiếp những con số mà chủ tịch xã cho biết:

            - Mấy vườn bưởi anh em vừa đi qua có tổng diện tích là 12,5 héc ta. Còn những hộ nuôi nhiều trâu, bò có 05 mô hình, mỗi hộ nuôi từ 10 con trở lên, còn cơ sở nuôi gà thịt có một ngàn con. Cả xã có 11 mô hình chăn nuôi hàng hóa và du lịch cộng đồng. Tôi hỏi về kinh phí hỗ trợ của nhà nước- Chủ tịch xã giở sổ:   - Có anh ạ! Số kinh phí được nhà nước hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2020 cho cây có múi là 100 triệu đồng, hỗ trợ cho phát triển chăn nuôi là 220 triệu đồng. Hỗ trợ cho việc phát triển và nuôi cá lồng là 220 triệu đồng. Hỗ trợ cho giảm nghèo bền vững theo chương trình 135 của chính phủ là 2.250 triệu đồng. Trên địa bàn xã hiện nay có 01 hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp với 10 thành viên và 18 tổ hợp tác.

            Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 này là bao nhiêu?- Tôi hỏi Chủ tịch xã Nguyễn Văn Yên.

            - Với việc phát triển ổn định, đời sống người dân được cải thiện, nên thu nhập năm 2022 đã đạt 39,17 triệu đồng/người.

             Tôi thầm nghĩ; so với điểm xuất phát từ một xã còn khó khăn, nhiều năm dài thuộc diện 135, có được như vậy là cả một sự cố gắng vượt bậc của Đảng ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân nơi đây.

            Chủ tịch xã Nguyễn Văn Yên cho biết thêm: theo đề án xây dựng nông thôn mới trong quy hoạch xã xây dựng thành 5 phân khu; Khu Trung tâm nằm cạnh tỉnh lộ chạy qua với đầy đủ, tập trung các cơ sỏ chức năng hành chính như Trụ sở Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, UBND xã, nhà làm việc của Công an, xã đội, hội trường văn hóa xã, trạm y tế, chợ trung tâm xã, trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở, bưu điện, sân vận động trung tâm xã. Tất cả đều được quy hoạch và xây dựng khang trang.

            Các phân khu nữa, đó là: Khu 1 gồm thôn Ngòi Di và thôn Khe Ngang; Phân khu số 2: Gồm một phần của khu Trung tâm và một phần của thôn Khe Ngang nằm ở phía Đông Bắc xã; Phân khu số 3 là: Thôn Cối Máy và thôn Máy Đựng; Phân khu số 4: có thôn Khe Cạn, Ngòi Khương ra đến hồ Thác Bà xã quản lý. Mỗi phân khu có đề án phát triển theo từng năm và tầm nhìn đến năm 2030 về quy hoạch tổng thể về dân cư, đất đai, phát triển kinh tế, giao thông, văn hóa xã hội... Được hỏi về nhà tạm, nhà dột nát, chủ tịch xã cho biết: đến cuối năm 2021 xã còn có 23 nhà tạm, nhà dột nát chiếm 2,18%, nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, huyện và giúp nhau trong cộng đồng dân cư đến cuối năm 2022 không còn nhà tạm, nhà dột nát nữa. Được biết xã Yên Thành trở dậy từ điểm xuất phát về xóa hộ nghèo và cận nghèo là một việc làm đầy cố gắng và quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền cùng các cấp nơi đây. Cụ thể năm 2011 có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo là 42% đến năm 2022 còn 12,6%. Để đạt được việc thoát nghèo bền vững: vốn ngân sách từ Trung ương, tỉnh hỗ trợ 4.671 triệu đồng; vốn vay ngân hàng 68.297 triệu đồng; vốn dân tự có 25.753 triệu đồng. Đó là một sự chung lưng, góp sức để có được sự thoát nghèo bền vững. Cuộc sống nơi đây đã thật sự đổi mới đi lên.

            Về giáo dục Yên Thành đã đạt được bước tiến quan trọng. Từ trường mầm non đến cấp trung học, tiểu học đều đạt chuẩn phổ cập. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục đi học trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp đạt 72%.

            Có được như ngày nay, từ nhiều năm trước Yên Thành đã chú ý tới khâu đào tạo về chiến lược nguồn cán bộ. Hiện nay đội ngũ cán bộ công chức xã có trình độ đại học là 16 người chiếm 84,2%. Cán bộ công chức có trình độ đại học chiếm 10,5%. Về chính trị: cán bộ có trình độ trung cấp chính trị - hành chính chiếm 88,2%. Từ 11 thôn qua chia tách sát nhập nay còn 7 thôn có 7 chi bộ nông thôn, 03 chi bộ nhà trường, 01 chi bộ công an. Các thôn trước đây cứ gọi theo con số từ thôn 1 đến thôn 10, nay được đặt tên theo địa danh xưa như Khe Ngang, Ngòi Di, Khe Cạn... Đảng bộ và chính quyền, các đoàn thể nhiều năm liền được cấp trên công nhận là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

            Để đạt đầy đủ các tiêu chí về đích nông thôn mới, Yên Thành đã nỗ lực cố gắng hết sức mình. Bí thư Đảng ủy xã Lý Ánh Dương tâm sự: được Huyện ủy Yên Bình điều động đương là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cảm Nhân xuống nhận công tác và được bầu vào Ban Chấp hành Đảng ủy rồi được bầu là Bí thư Đảng ủy xã. Lúc đầu cảm thấy rất khó khăn bởi địa bàn cũng khá rộng, hơn 90% là dân tộc Dao. Anh lo những hủ tục nơi đây còn nặng nề. Nhưng đến đây bắt tay vào công việc, đến với người dân nơi đây, anh ngạc nhiên thấy mọi sự tiến bộ, chuyến biến khác với suy nghĩ ban đầu của mình. Nhưng điều đáng mừng nhất là đã loại bỏ được những hủ tục như tảo hôn, ở rể nhiều năm, sinh nhiều con, ma chay tốn kém. Dân tộc Dao nơi đây còn lưu giữ được những nét đặc trưng văn hóa của dân tộc mình, như lễ Cấp sắc cho người trưởng thành, nhiều làn điệu dân ca, dân vũ như: Mười hai con giáp được lưu diễn ở tỉnh và khu vực miền Bắc. Từ tiếng nói đến trang phục, nhà ở, mọi nét sinh hoạt còn giữ được những nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa để lại. Mừng nữa là đội ngũ cán bộ đoàn kết, nhân dân đồng lòng với chủ trương nghị quyết của Đảng bộ đề ra. Yên tâm nữa là đội ngũ cán bộ được đào tạo khá bài bản, ví như Chủ tịch xã Nguyễn Văn Yên, anh trước là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã nhiều năm, trước đó anh làm cán bộ văn hóa rồi trưởng công an xã. Là người Dao sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, anh hiểu rõ mọi nét sinh hoạt, làm ăn, tín ngưỡng văn hóa của dân tộc mình nên anh là người có kinh nghiệm được rèn luyện từ phong trào nhiều năm và trưởng thành từ cơ sở nên làm việc gì cũng đúng và trúng với ý nguyện của dân. Mừng nữa là Yên Thành luôn được sự quan tâm của tỉnh của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân cùng các ban ngành chức năng của huyện Yên Bình đã chú trọng quan tâm tới một xã vùng sâu vùng xa của Yên Thành và sự đoàn kết đồng lòng, góp sức của toàn Đảng toàn dân để có được như ngày hôm nay

            Trước thềm đón mùa xuân mới- năm 2023, tất cả các tiêu chí đều về đích xã đạt chuẩn nông thôn mới.

            Sáng nay, đứng trên đỉnh Đèo Di nhìn lại phía Yên Thành, bắt gặp những đợt gió xuân cùng thổi đến từng đợt khiến cho những lá bồ đề non tơ xanh mơn mởn lật lên trăng trắng như sóng cuộn trên những khoảnh đồi xa tít tắp kéo dài lên đỉnh núi. Tết Qúy Mão đang về, lòng người, mùa xuân ấm áp. Tết đến rồi tết lại đi, chỉ có mùa xuân đang về với Yên Thành mãi mãi.

            Yên Thành hôm nay mở hội giữa ngày đầu xuân. Từ sáng sớm cờ, biểu ngữ giăng khắp mọi nẻo đường. Khắp bản làng tới trung tâm xã được quét dọn sạch sẽ. Mọi người đổ ra đường trong bộ trang phục mới nhất. Các cô gái Dao như những nàng tiên lộng lẫy vừa từ trong động tiên bước ra xếp hàng đón các vị khách vào trụ sợ xã làm lễ đón nhận bằng của tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tiếng trống, tiếng loa, tiếng nhạc rộn vang khắp mọi nẻo đường. Nét mặt mọi người ai cũng hân hoan phấn khởi. Trên sân khấu, nghệ nhân ưu tú người Dao Hoàng Hữu Định đưa chiếc kèn bằng những ngọn nứa xắp lại lên môi thổi báo hiệu một ngày vui náo nức. Các cô gái áo viền cổ tay thêu hoa cùng những vòng bạc, ngực yếm thêu hoa trám, quần trắng, chân quấn xà cạp trắng, đầu đội chiếc mũ thêu hoa có những tua màu rủ xuống đung đưa như hôm xuống bãi đi làm dâu, tay đưa chiếc chuông đồng múa quay vòng rung lắc uyển chuyển theo tiếng nhạc leng keng huyền ảo. Rồi tiếng hát Ái Dủng cất lên, một đôi trai gái đang hát đối nhau như hôm nào ở cầu thang trong lễ cưới:

                 ...."Cái gì gắp được không gắp nướng được

                        Cái gì nướng được không gắp được

                        Con gì đẻ ra không thấy mẹ

                        Con gì đẻ ra không ăn bú

                        Con gì đánh sắt trên đầu đá

                        Con gì mặc váy đợi người yêu

            Chàng trai hát đáp lại:

                        ..." Em à! Lá cọ lợp nhà gắp được không nướng được

                        Hòn đá làm kiềng nướng được không gắp được

                        Con vịt đẻ ra không thấy mẹ

                        Con gà đẻ ra không ăn bú

                        Con cua đánh sắt trên đầu đá

                        Con tôm mặc váy đợi người yêu..."

            Một tràng vỗ tay náo nhiệt vang lên khiến hội trường sôi động. Rồi một giọng Ái Dủng trong trẻo cất lên, một cô gái trẻ hát:

                         .... “Ngày xưa mỗi người một đỉnh núi

                         Thương nhau mà chẳng đến được nhau

                         Ngày nay đường rộng chung lối bước

                         Sớm tối đi về nụ cười trao...."

            À, ra thế. Có cả cái cũ của dân gian và cái mới hôm nay đưa lên sân khấu. Tuyệt. Bí thư Đảng ủy xã Lý Ánh Dương cùng mọi người lên tặng hoa. Tiếng vỗ tay lại rộ lên không ngớt.

            Niềm vui tưởng như kéo dài bất tận. Đúng là mùa xuân đang đến với Yên Thành trong niềm vui trọn vẹn.

 

 

                                                                               H.T.L.

           

 

 

Chú thích:

(1) Động: là nơi quần tụ người Dao thành bản thành làng riêng.

(2) Thơ của cố nhà văn Hoàng Hạc

(3) Ảnh của Vũ Chiến

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter