• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Ngôi nhà hạnh phúc
Ngày xuất bản: 20/04/2023 8:00:16 SA

Truyện ngắn dự thi của THÚY HỢP

                                              

Nhà Tuấn ở ven đường quốc lộ. Sau nhà là những quả đồi xanh biếc đủ các loại hoa quả, vườn cây, ao cá, quanh năm mùa nào quả ấy lại thêm vài sào chè xanh non mướt. Tuấn và mẹ đang ở ngôi nhà xây cấp bốn ba gian, một gian buồng còn hai gian nhà ngoài. Gian buồng anh Toàn kê cho Tuấn một cái giường mới đẹp, anh bảo:

- Em nằm giường này mai sau lấy vợ về cứ thế ở thôi không phải chạy chỗ nữa.

Gian giữa anh kê bộ bàn ghế xa lông đời mới sang trọng, trên bàn lắp kính, dưới là mặt gỗ và gian cuối anh đóng cái giường cho mẹ, kê ngay ngắn.

Anh Toàn nói với Tuấn:

- Mẹ già rồi, anh đóng cho mẹ cái giường hẳn hoi, mẹ khổ nhiều rồi. Lúc anh còn bé. Mùa hè cả nhà bốn người phải nằm ngang cái chõng tre. Mùa đông về cùng nằm cái ổ bằng rơm. Khi anh em mình lớn lên, anh đi bộ đội khi chưa giúp được gì cho bố mẹ, lúc anh bị thương trở về thì em lại nhập ngũ rồi. Nhìn cảnh nhà tan hoang sắp đổ, chân cột mối hết, anh thấy bất lực quá. Anh khập khiễng lên ủy ban, xin mua lò gạch, xây lại căn nhà.

Ngày ấy, nhà còn con lợn nếu bán cũng được năm mươi nghìn đồng. Anh Toàn    mười một đồng tiền trợ cấp xuất ngũ, nếu mua cả lò gạch, cũng chỉ nợ hợp tác xã ba chín nghìn đồng. Suy đi tính lại mãi anh quyết định lên ủy ban xã làm đơn đề nghị mua lò gạch sắp ra, nhưng phải chịu lại ba mươi chín nghìn đồng. Ông chủ tịch xã đồng ý giúp đỡ, ký đơn sang phòng kế toán đóng tiền.

 Anh Toàn chào cô kế toán rồi bỏ tiền ra. Hai má anh Toàn nóng ran, trước  mặt anh Toàn là một cô gái xinh đẹp. Anh ngập ngừng vì phải nợ ủy ban đến hơn ba mươi chín ngàn đồng. Anh đưa giấy mua nợ gạch do ông chủ tịch xã vừa ký. Cô kế toán xem qua rồi đứng phắt dậy cầm tờ giấy của ông chủ tịch xã vừa ký mang đến phòng chủ tịch. Anh Toàn đi theo sau cô kế toán, bỗng nhiên, mồ hôi Toàn ròng ròng chảy xuống nền nhà, anh nghe rõ từng câu cô kế toán nói với ông chủ tịch xã:

- Anh có tin được cái ông chân rưỡi ấy mà trả được trong nửa năm ba chín nghìn không? Hay chết cái thân em đi đòi nợ?

Ông chủ tịch xã mắng cô kế toán:

- Này, cô ăn nói cẩn thận nhé. Cô có biết vì đâu mà người ta chân rưỡi không? Người ta chân rưỡi để cho tôi và cô được sống bình yên ở nhà đấy.

Lúc ấy cô kế toán mới thừ người ra nghĩ. Đó là một thương binh 1/4 mới về được xuất ngũ, lẽ ra anh được ở trại an dưỡng, nhưng anh Toàn không cam chịu nhìn mẹ già lam lũ một mình trong căn nhà siêu vẹo. Khi anh nhập ngũ cả hai bố mẹ tiễn anh ra tận đầu làng lúc màn sương còn phủ kín cánh đồng lúa đỏ đuôi. Trên đồi cây, sương mù còn bám chặt trắng mờ. Ngày anh Toàn về, chỉ còn mình mẹ một bóng một đèn. Bố anh mất đã mấy năm sau ngày Tuấn nhập ngũ, nhìn cảnh quê hương còn chưa đủ ăn đủ mặc, là một thương binh, nhưng  anh Toàn không ỉ lại mà xin về nhà, tự lo cho bản thân và giúp đỡ mẹ già. Anh định liều lên xã mua lò gạch lung, đồng chịu, đồng trả rồi anh tích cóp đồng trợ cấp của mình và hai mẹ con chịu khó chăn nuôi thêm, cuối năm bằng mọi giá anh sẽ trả nợ cho ủy ban xã. Nhưng sự thật quá phủ phàng. Anh Toàn không nói gì, tập tễnh ra về, không ngoảnh lại, vừa đi vừa tự cười mình quá tự tin. Cứ thế cái bóng dài của anh đi qua vạt cỏ may vương trắng ống quần. Anh Toàn ngồi bệt xuống cái nạng bằng gỗ ven đồi. Xa xa đàn cò trắng đang lặn lội kiếm mồi. Sau dãy núi, ngổn ngang đống rơm rạ khô, lũ trẻ con đang chơi trò chơi tập trận, cũng như anh và Tuấn ngày còn nhỏ. Tự nhiên anh nghĩ về mẹ, anh quyết tâm tìm cách nào đó để có cuộc sống no ấm hơn, để mẹ đỡ khổ. Anh nghĩ về chiến trường, đồng đội của anh đang chiến đấu, ngoài Bắc vẫn hành quân vào giải phóng miền Nam. Anh phải về hậu phương đúng lúc chiến trường còn đang chiến đấu ác liệt. Sau trận 81 ngày đêm tại Quảng Trị anh bị thương và trở về quê nhà an dưỡng. Càng nghĩ Toàn càng phải có trách nhiệm nhiều hơn khi anh đang ở hậu phương, làm sao thay đổi được giống cây trồng trên đồi, ở dưới chăn nuôi gì để người nông dân đỡ khổ.

Người miền núi quê anh vất vả nương rẫy quanh năm, anh thương mẹ vất  vả, chỉ mong làm lại ngôi nhà phục dưỡng mẹ khi tuổi đã xế chiều và để Tuấn yên tâm ở chiến trường, giải phóng miền Nam. Sau hồi suy nghĩ miên man, anh Toàn đứng dậy bước từng bước nhọc nhằn với đôi chân còn nhiều mảnh đạn chưa lấy ra trở về nhà.

Chiều đã xế, mặt trời đang khuất dần sau những quả đồi phủ kín cỏ non, dây leo chằng chịt. Khi vạt nắng chiều đang nhạt dần sau dãy núi, anh Toàn về đến bờ ao. Nói là cái ao chứ thực ra là dòng suối chảy qua khe nhỏ trước nhà, được bố anh và dân làng đắp lại, cùng nhau thả cá, khi bắt được cả dân làng chia nhau mỗi gia đình một hai cân, tùy theo lượng cá bắt được. Nghĩ rồi anh sững lại, một lát, mặt anh hồn nhiên như ngày anh còn nhỏ, anh khẽ mỉm cười rồi rẽ vào nhà. Cái ao khiến cho anh nhớ lại tuổi thơ một thời lặn lội, anh Toàn để em Tuấn ngồi trên bờ ôm khư khư cái xoong nhọ nhem, chờ anh lấy rổ súc vào rễ bèo.  Mỗi mẻ xúc được mấy con cua, có hôm được cả nồi canh cua nấu với mồng tơi ăn mát ruột. Nhưng cứ mỗi lần đi xúc cua hai anh em lại bị bố mẹ mắng vì sợ cả hai lăn tùm xuống ao. Hai anh em lại chờ bố mẹ đi làm, ở trần mang rổ ra ao. Nhiều lúc xa bờ không đưa cho Tuấn được, anh Toàn phải dắt đầy vành quần. Bị cua cắp vào sườn, cứ tưởng rắn cắn, anh Toàn kêu giẫy nẩy, vội bò lên bờ gỡ cua ở vành quần ra. Anh Toàn xuýt xoa, nhăn nhó, rồi hai anh em rủ nhau về. Hai anh em lại ra bờ rào, hái rau mồng tơi chờ mẹ đi làm về nấu canh cua với mớ cá rô đồng, thêm ít măng nứa tép bố bẻ được ở đồi về, thế là cả nhà được bữa cơm ngon đủ chất.

Trong nhà có tiêng người lạ. Mẹ thấy anh Toàn về đến ngõ, chạy ra tận nơi bám vai anh Toàn dìu anh vào nhà. Anh toàn dựng cái nạng định ngồi xuống ghế thì đập vào mắt anh là cô gái xinh đẹp, kiêu ngạo vừa lúc chiều nhìn anh bằng nửa con mắt, cô ta xem anh như một trò đùa, gọi anh là người chân rưỡi. Anh Toàn không giận việc cô ấy xem mình thế nào, mà anh chỉ nghĩ liệu mình có làm được mà trả nợ không? Dự tính của anh Toàn là an cư mới lạc nghiệp, nên anh định làm cái nhà cho mẹ rồi anh sẽ chăn nuôi, đào ao thả cá, cuối năm thu nhập rồi trả nợ cho ủy ban. Có lẽ cô kế toán nói đúng. Còn một chân lành, chân què thì làm có nổi không mà nợ của ủy ban xã đến ba chín nghìn cơ chứ. 

Toàn thoáng nghĩ miên man thì cô kế toán ủy ban đon đả giới thiệu:

- Em tên là The, nhà em ở xóm ngoài, em là kế toán ủy ban xã nhà. Em vừa nghe anh Hùng chủ tịch xã giới thiệu anh là thương binh mới về làng giờ mới biết ạ. Em có gì sai sót với anh, xin anh tha lỗi cho em.

Rồi cô The nói tiếp:

- Bố em là Bí thư xã, sau khi di cư từ lòng hồ lên đây để xây đập thủy điện Thác Bà, vừa làm nhà cửa cho mẹ con em xong, thì huyện lại gọi bố đi tăng cường vào chiến trường miền Nam. Mà không biết bố em đã gần bốn mươi tuổi còn đi chiến trường làm gì không biết?

Giọng của The như trùng xuống. Vẫn cái giọng đỏng đảnh của cô gái nửa phố nửa quê; nói đến bố cô vào Nam, khi đã gần bốn mươi, anh Toàn khẽ cười  nói với The:

- Chiến trường đang gấp rút giải phóng miền Nam. Bố cô The còn sức khỏe, có kinh nghiệm chiến đấu nên bác tình nguyện tái ngũ thôi.

The nghe anh Toàn nói đến đâu cô tự thấy mình sai đến đó, vì từ nhỏ cô được nuông chiều, bà nội của The là người Hà Nội chính gốc, nên lúc thì ở với bà ở Hà Nội, lúc lại về quê, ở với bố mẹ. Học xong phổ thông The được bà nội cho đi học kế toán tại Hà Nội, vừa ra trường, thì Mĩ mang bom ra đánh phá Hà Nội, bà nội lại chuyển The về Yên Bái, ở với bố mẹ của The. Ngày ấy bác Bình, bố The là bộ đội đóng quân tại làng, sau xuất ngũ rồi lấy vợ ở xã luôn. Có năng lực lãnh đạo đảng viên tốt nên bác Bình đã được xã đề bạt làm Bí thư Đảng ủy của xã. Nay tổng động viên bác Bình một lần nữa lại cầm súng ra chiến trường đánh giặc. Cô con gái mới lớn chưa hiểu nhiều về sự hy sinh của cha ông mình, được nghe anh Hùng Chủ tịch xã giáo huấn rồi về đây lại nghe anh Toàn thủ thỉ giải thích những thắc mắc sai lầm của mình The thấy mặt mình nóng ran, cô thèn thẹn nói với anh Toàn:

- Em đến đây trước là xin lỗi anh vì em nói không phải với anh ở ngoài ủy ban, sau em mang giấy xem anh có bao nhiêu tiền rồi, anh còn nợ bao nhiêu để anh ký vào đơn, khi nào gạch ra lò xã sẽ cho người chở gạch vào tận nhà cho anh.

Anh Toàn vừa bối rối vừa thấy ngại ngùng, biết đâu dự định của anh không thành thì lấy đâu tiền mà trả nợ. Chưa kịp trả lời thì The nằn nì thỏ thẻ:

- Nếu anh không nhận là em sẽ bị Chủ tịch xã khiển trách đấy. Anh không được tự ái đâu.

Anh Toàn suy nghĩ một lát rồi mang sáu mốt nghìn đồng ra nộp và ký vào giấy nợ ủy ban xã là ba chín nghìn đồng. The vui vẻ hẳn lên và mong anh Toàn thành công trong ước mơ xây được ngôi nhà cấp bốn và đào được ao thả cá. Nói rồi The nhìn xuống cái nạng bằng gỗ rồi nhìn vào đôi chân bị thương của anh Toàn, lòng đầy cảm phục. The vừa động viên anh Toàn vừa nói như khẳng định:

- Anh Toàn cứ tiến hành. Em không có tiền để giúp anh nhưng khi anh xây nhà hoặc đào ao thả cá, em sẽ đến và mời đoàn thanh niên đến làm giúp anh.

The nói rồi tươi cười chào mẹ và anh Toàn ra về.

Anh Toàn đứng dậy cầm cái nạng gỗ tiễn The ra đầu ngõ. The chạy lại đỡ nạng giúp anh. Cái nạng gỗ kẹp trong nách, anh Toàn đi từng bước nhẹ nhàng bên The. Hơn lúc nào hết, anh quên cả mảnh đạn còn ở chân, quên cả nỗi đau mỗi lần anh đứng dậy như đứa trẻ chập chững biết đi. Vừa mới đây thôi, anh chẳng được vui, thế mà giờ đây anh đi bên The, kể chuyện gì đó với người con gái đang tuổi dậy thì, đôi má ửng hồng. Cô gái nhìn theo bàn tay anh chỉ về phía chân đồi. Có lẽ anh đang kể cho The nghe về cái tuổi chăn trâu bắt bướm của anh ngày nào, chẳng khác gì lũ trẻ đang vui đùa chơi tập trận kia làm cho The như lạc vào tuổi thơ cô đã trải qua. Có lúc cả hai người cùng cười rồi chụm đầu, nhìn lên bầu trời xanh biếc. Cánh diều bay cao vút quá ngọn đồi xanh ngút ngàn, tiếng sáo diều bay vi vu trong làn gió heo may. Vì đôi chân còn đạn nên anh Toàn chưa dám ước mơ làm kinh tế trên đồi. Trước mắt anh chỉ ước đào được cái ao thả cá và xây cho mẹ ngôi nhà cấp bốn như mơ ước của bố. Ngày anh còn bé tí, mỗi khi gió mùa tràn về, cả nhà nằm trong cái ổ rơm là bố lại mong sao các con chóng lớn, làm ăn may mắn, mấy bố con tập trung xây một ngôi nhà cấp bốn, không to lắm nhưng ấm áp vào mùa đông, gió to không lo nhà bị đổ. Anh Toàn đã giấu ước mơ trong lòng cho đến hôm nay, dù thân thể  không còn lành lặn nhưng anh quyết tâm biến ước mơ của bố thành sự thật. 

Vài ngày sau gạch ra lò, xã đã thuê xe bò chở đủ gạch cho anh. Họ hàng nội ngoại, bạn bè, hàng xóm mỗi người một tay giúp anh chuyển gạch xuống dưới sân nhà. Rồi cứ thế mỗi ngày anh xây vài hàng gạch, lên đến hàng cao anh không xây lên được nữa thì hàng xóm cùng anh em gia đình đến giúp anh, đặc biệt là cô The.

Từ ngày đầu anh Toàn đặt móng nhà, cô The đã cùng anh chuyển từng viên gạch rồi The kêu gọi mọi người đến xây giúp anh lên những hàng gạch trên cao. The đã giúp anh Toàn đặt cái móng nhà thật may mắn và chắc chắn. Ai cũng bảo The không phải con nhà giầu lắm nhưng được bà nội dưới tận Hà Nội cưng chiều, chẳng mấy khi phải làm việc nặng. Vậy mà khi anh Toàn làm nhà, bao nhiêu viên gạch xây nên ngôi nhà là bấy nhiêu viên gạch do tay của The  chuyển vào cho anh xây. Lúc này The như người phụ hồ cho anh Toàn vậy, tuy chưa làm bao giờ, chỉ nghe anh Toàn chỉ bảo. The đã biết trộn vữa, xách tới chỗ Toàn xây. Mỗi sáng trước khi lên ủy ban làm việc The sang nhà anh Toàn trộn một mẻ vữa to đủ để anh xây đến trưa. The còn chọn mua đôi xô nhỏ, vừa sức mẹ để mẹ ở nhà xách vữa giúp anh Toàn, được phần nào hay phần ấy. Ngôi nhà, làm dần bằng chính đôi bàn tay của anh thương binh đã hoàn tất. Nhà không to nhưng gọn gàng, người làng trong xóm ngoài ai cũng khen và mong sẽ làm được ngôi nhà như thế. The thấy vui khi mình đã giúp anh thương binh trong xã mình có một ngôi nhà mơ ước và cũng từ cái ngày gặp anh thương binh ấy The thấy mình đã thay đổi và yêu đời hơn. Cuộc sống có giá trị khi mình nói và làm  được điều tốt cho những người xung quanh cần được giúp đỡ.

Ngôi nhà mơ ước của anh Toàn đã hoàn tất. Hôm lên nhà mới, anh Toàn mời tất cả thôn đến chia vui với bát nước chè xanh trong vườn. Ai cũng thì thầm hỏi: 

- Ngày quan trọng thế này mà chưa thấy cô The đến uống nước chè xanh  anh Toàn nhỉ? 

Anh Toàn bối rối nói:

- Cháu đã mời cô The rồi, có lẽ vì việc chung nên cô The chưa đến được ạ? Thế là, mỗi người một câu nói đùa, thật là rôm rả.

Đã lâu lắm rồi từ cái đêm chia tay lên đường nhập ngũ cho đến ngày xuất ngũ anh Toàn mới được gặp nhiều người thế này. Mùi hoa muống rồng ngoài rừng thoang thoảng thơm ngát đưa hương vào ngôi nhà nhỏ thật là dễ chịu. Mọi người đến chúc cho sự cố gắng của anh thương binh có nghị lực làm được ngôi nhà nhỏ khang trang như mơ ước. Họ lần lượt ra về thì cũng là lúc anh cùng đoàn thể chuẩn bị kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Điều kiện chiến tranh còn nghèo, anh cũng đóng góp tháng trợ cấp đầu tiên anh được hưởng cho hai mẹ liệt sĩ trong làng. Ai cũng ái ngại việc làm của anh vì anh còn phải gom góp trả nợ tiền gạch cho xã. Anh nói “Mình cũng từ chiến trường về đây, cái sống, cái chết cận kề nhưng mình vẫn hơn đồng đội; dù thương tích nhưng đã mang được xác về với mẹ với quê hương! Còn bao nhiêu đồng đội đã phải nằm lại ở chiến trường và không bao giờ về được nữa. Họ mãi tuổi 20 ở núi rừng Trường Sơn và rải rác trên các chiến trường…”. Anh Toàn nói rồi ngoảnh nhìn về phía chân đồi xa xa. Hai tiếng đồng đội luôn thường trực trong trái tim khiến giọt nước mắt nhạt nhòa của anh lại rơi vào đúng ngày tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Anh quyết tâm đào bằng được cái ao thả cả, tận dụng dòng suối cạn, anh đắp con đập nhỏ, chặn dòng suối cạn bắt nước từ con suối lớn vào thành một cái ao hàng mẫu chứ chả đùa. Có những lúc đau điếng người vì cái chân còn đạn va chạm vào hòn đá, rễ cây, anh ngồi thụp xuống giấu nước mắt vào trong để mẹ không biết nỗi đau anh chịu đựng. Thỉnh thoảng The sang nhà chơi, nhìn anh Toàn hì hục mồ hồ ướt hết áo quần, The ngẩn ngơ đứng từ lâu mà anh Toàn không biết. Cô thương anh đội nắng chịu mưa để cho cuộc sống ấm no hơn. Trước anh Toàn, The thấy mình nhỏ bé quá. Cô nhìn anh Toàn mà rưng rưng xúc động. Anh Toàn lấy tay áo gạt mồ hôi rồi ngẩng lên, bất chợt gặp những giọt nước mắt đang lăn trên gò má The.

Anh Toàn tự nhìn xuống mồ hôi ướt đầm, anh gọi mẹ mời The vào nhà chờ anh một lát. Mẹ mời The bát nước chè xanh, thơm ngon, có vị chát, vị ngòn ngọt, đọng lại trong miệng mà The không thể cảm nhận được chỉ nghĩ đến cái vị chan chát mằn mặn của những giọt mồ hôi đầm đìa trên thân thể người thương binh. Lúc này thì The không thể chờ được nữa, The muốn cùng anh Toàn san sẻ nỗi nhọc nhằn và cùng anh gánh vác việc gia đình, khi Tuấn vẫn đang ở chiến trường miền Tây Nam của Tổ quốc. Làm nhà xong rồi, có đôi bàn tay The anh đã có cái ao to. Tiền trợ cấp anh tằn tiện gom góp mua cá giống thả, nửa năm sau đã cho thu hoạch hàng tấn cá sạch. Bán và trả nợ tiền gạch xây nhà cho xã xong, anh lại nhân rộng giống cây ăn quả trong khu đất của nhà. Mỗi ngày cây lên xanh, chỉ vài năm đã đơm hoa kết trái. Lúc nhìn lên ngôi nhà nhỏ và khu vườn mà niềm vui ngập tràn, nỗi nhọc nhằn nay đã được đền đáp thì cùng là lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng. Niềm vui nhân lên gấp bội, niền vui chung của đất nước, xen lẫn niềm hạnh phúc của riêng mình, anh Toàn và The đã làm đám cưới. Cô kế toán hôm nào nay đã là cô dâu, vợ của một anh thương binh đầy nghị lực cùng sống trong ngôi nhà nhỏ khang trang, vườn rau xanh bốn mùa cây trái xum xuê, trĩu quả.

 Hạnh phúc ngập tràn trong ngôi nhà nhỏ, tiếng trẻ bi bô sớm tối bên bố mẹ và bà nội nhưng anh Toàn chưa vui lắm vì đất nước đã hòa bình mà chưa có tin tức gì của Tuấn. Anh tìm đến những bạn cùng nhập ngũ với Tuấn, người trở về sau chiến tranh, người nằm lại chiến trường. Anh lên Lục Yên, vào xã Yên Thế, gặp hết bạn bè cùng nhập ngũ với Tuấn, xuống cả Yên Dũng- Bắc Giang, gặp đại đội trưởng cũ của Tuấn và nhờ đại đội trưởng hỏi bạn bè cùng đơn vị của anh xem có tin tức gì của Tuấn thì báo cho gia đình. Toàn để lại địa chỉ rồi ra về.

Anh đi bao nhiêu vùng quê, mỗi vùng quê có cây trồng đặc thù riêng của  vùng quê đó. Những người lính can trường trở về sau chiến tranh, người nào cũng chịu thương chịu khó, tự xây dựng cho mình một mô hình làm kinh tế. Anh lên Yên Thế- Lục Yên, bạn của Tuấn mới trở về nhưng đã có những đồi cây non vươn lên thay cho vùng đồi khô cằn sỏi đá đã mở ra cho anh một lối đi để anh bước tiếp. Năm ấy cây keo, cây bạch đàn là loại cây trồng mới, có giá trị kinh tế thay cho cây bồ đề mỡ không có hiệu quả lâu năm, thu nhập thấp. Còn ở Bắc Giang thì những đồi vải, đồi nhãn sai trĩu quả làm cho Toàn vui lây với những người lính quả cảm trong chiến đấu, xung kích đi đầu làm kinh tế giỏi. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn trong lòng, cả chuyến đi ròng rã Toàn vẫn chưa biết em đang ở đâu?

Về đến nhà anh đặt ba lô nằm soài nhìn mẹ mắt ngấn lệ. Mong chờ tin Tuấn từng ngày, Toàn gần như bất lực thì may quá một tin vui lại đến. Một tuần sau anh Lê đại đội trưởng cũ của Tuấn, người Bắc Giang gọi điện báo cho Toàn biết Tuấn bị thương nặng đang điều trị ở Viện Quân y và chỉ vài ngày nữa Tuấn sẽ chuyển về trại an dưỡng.

Toàn mừng quá vội báo tin cho mẹ biết. Là lính nên anh hiểu tâm tư của người lính, nếu không tìm gặp có lẽ bao giờ Tuấn khỏi mới báo tin cho gia đình vì sợ làm phiền đến mẹ và anh, mà nặng quá thì coi như anh không trở về nữa. Anh Toàn dặn mẹ và vợ mấy việc rồi tức tốc lên đường theo chuyến tầu Thống nhất đi tìm em. Anh âu yếm nhìn người vợ mảnh mai, xinh đẹp tự nguyện mang theo trái tim đầy yêu thương đến với anh. Toàn cầm tay The thủ thỉ: “Em có ân hận khi làm vợ anh không?”. The mắng yêu anh: “Đã là vợ chồng thì cùng chung lưng đấu cật, chia sẻ với nhau lúc khó khăn chứ có gì đâu mà anh rào mấy rỡ. Em chỉ mong anh khỏe mạnh, việc tìm em Tuấn thuận lợi rồi về gia đình mình xum họp”.

Tiếng còi tàu báo chuẩn bị chuyển bánh. Toàn rời tay vợ về chỗ ngồi, anh vẫn nhìn thấy đôi tay thon trắng mảnh mai vẫy theo đoàn tàu chạy. 

Nửa tháng sau Tuấn báo tin về, anh Toàn đang ở cùng Tuấn chờ ngày xuất viện về trại điều dưỡng rồi anh Toàn sẽ đưa Tuấn qua nhà.     

Sau vài tuần Toàn xin phép bệnh viện đưa Tuấn về. Cả làng vui mừng đến chung vui cùng gia đình. Mẹ mừng không thể rơi nước mắt nhìn đứa con trai mà trong lòng không dám tin còn được trở về. Sau giải phóng miền Nam, Tuấn cùng đồng đội đánh đuổi bọn tàn quân Phun Rô rồi bị thương nặng, mất cả hai tay và hỏng một mắt, đi lại khó khăn nên Tuấn định khi nào mắt anh nhìn rõ đường đi thì anh mới trở về, nhưng Toàn đã lặn lội tìm bằng được và đưa Tuấn về nhà. Toàn luôn động viên em về trại điều dưỡng cho khỏe lại rồi anh lại đón về cùng mẹ, anh chị và các cháu. Toàn chỉ lên ngôi nhà nhỏ chắc chắn nói với  Tuấn: “Cái nhà này là của em. Anh chị sẽ làm nhà khác rộng hơn vì các cháu còn phải lớn”. Tuấn chỉ biết rơi nước mắt, vì Tuấn biết đây là thành quả trong sự cố gắng không biết mệt mỏi của anh trai mình. Tuấn chỉ biết nghẹn ngào cám ơn anh trai đã yêu thương đùm bọc mình trong những ngày khó khăn nhất.

Sau những ngày về thăm nhà, hết phép Toàn lại đưa em Tuấn về trại điều dưỡng, dặn dò em rồi anh trở về nhà. Anh bàn với vợ rồi bắt tay ngay vào làm nương rẫy, phát nương trồng sắn, trồng lúa nương lấy ngắn nuôi dài. Vợ chồng anh vừa khai phá, vừa mua những đám nương nhỏ của các hộ gia đình bên cạnh trồng lúa, ngô, khoai. Thật là may, đất không phụ công người chịu khó lao động. Năm ấy anh chị thu hoạch hàng tấn lúa nương, vài ba tấn sắn, vừa phơi khô để chăn nuôi, vừa bán cho xe chở về nhà máy làm bột. Có được ít tiền từ bán sắn bán lợn, anh lại vét ao, có thêm số vốn anh vừa mua thêm cá thả vừa mua cây keo, bạch đàn trồng. 

Anh Toàn học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm bón cây non của những người công nhân lâm nghiệp trên địa bàn và những người có kinh nghiệm làm rừng nên anh nắm vững cách chăm sóc vun trồng cho cây. Anh còn học hỏi thêm kinh nghiệm những người đồng đội thương binh có mô hình làm kinh tế trước anh. Đồi cây của anh trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên lớn nhanh, xanh tốt, mượt mà. Chỉ sau sáu năm anh cho khai thác, số tiền thu hoạch từ gỗ và cây trái đủ cho anh xây một ngôi nhà khang trang to đẹp. Anh lại bỏ mấy sào ruộng cấy đổ, thêm đất trồng bưởi, trồng chanh tứ thì bán quanh năm và đào ao thả cá. Vào nhà anh Toàn, không khác lạc vào viễn cảnh, sơn thủy hữu tình. Trên thì đồi cây lấy gỗ, keo tai tượng lá to cây chắc, dưới bạch đàn, anh khai thác rồi lại chăm sóc cho mầm non của gốc. Chỉ sau bốn năm lại được khai thác mầm lần nữa mới phải trồng cây con. Anh Toàn còn ra tận những quả đồi nhỏ ngoài hồ Thác Bà khai phá trồng thêm đến hàng chục ha rừng lấy gỗ. Mọi  người trong làng nói đùa anh Toàn:

- Ngày mới xuất ngũ, chú Toàn chỉ mong làm được ngôi nhà mơ ước cho mẹ. Thấm thoắt mới chục năm trời mà chú đã có hai ngôi nhà mới khang trang. Nhất bản làng này rồi.

 

Hai vợ chồng anh Toàn đang cắm cúi xới cỏ cho những gốc chanh non mới trồng, anh lấy tay áo gạt mồ hôi rồi nhìn sang bên vạt đồi, anh nói với mọi người:

- Quả đồi gần kia khi em xuất ngũ về chỉ dây leo, cỏ dại mọc. Làm nhà cửa, đào ao xong, em thấy nó vẫn chỉ là cái đồi hoang, em tiếc, mỗi ngày ra phát dọn một ít, thế là thành quả đồi to tròn đẹp. Lúc đi tìm em Tuấn, nhìn mô hình của những anh cùng thương binh như mình, em học hỏi kinh nghiệm về mua cây giống trồng thử. Lúc đầu chỉ bốn ha, sau vợ chồng em tiếp tục khai phá và trồng thêm cây lấy gỗ, dưới ven thấp thì em trồng chanh tứ thì và bưởi Đoan Hùng. Còn dưới nữa em tận dụng suối cạn bắt nước vào làm ao thả cá. Năm vừa qua em bán được cả tấn cá trắm trắng, còn cá tạp nhỏ không tính đến các bác ạ.

Anh Toàn khiêm tốn mời các bác hàng xóm cao tuổi và bạn bè đến chung vui chén rượu gạo nhà nấu với con cá to nhất bắt dưới ao lên đãi khách. Ai cũng kính nể người thương binh giầu nghị lực “tàn nhưng không phế”. Anh Toàn không chỉ lo cho việc riêng gia đình vợ con mà anh còn rất có trách nhiệm với mẹ và em Tuấn. Sau mấy năm về trại điều dưỡng ổn định sức khỏe, anh Toàn lại xuống trại điều dưỡng xin cho Tuấn về cùng với gia đình. Nếu Tuấn ở trại sẽ được chăm sóc chu đáo bữa ăn giấc ngủ nhưng anh Toàn nói với trưởng trại điều dưỡng rằng chính tay anh sẽ chăm sóc chu đáo cho em, còn phần ở lại nhường cho các anh em thương binh không có điều kiện.

 Rồi anh Toàn nhờ người mai mối cho Tuấn. Hồng, một cô gái mồ côi cùng xóm đã đồng ý lấy người thương binh nặng làm chồng. Anh Toàn bàn giao lại cho vợ chồng Tuấn ngôi nhà mơ ước của anh. Cái ao vẫn còn mặn mồ hôi của anh rơi xuống, đồi vườn cây ăn quả bốn mùa xanh tốt cũng là nhờ anh vun trồng, chăm bón mà có.

Là em trai của Toàn, Tuấn thấy mình quá may mắn có được người anh biết chăm lo cho mẹ, cho em, biết vun đắp hạnh phúc cho người khác. Trong mắt Tuấn, anh Toàn cũng là một người hạnh phúc vì anh cùng là thương binh 1/4 như Tuấn nhưng anh hơn Tuấn là còn đôi tay và con mắt. Anh đã không suy tính thiệt hơn, ngôi nhà anh xây cho mẹ và cho Tuấn là bằng cả nhiệt huyết, tình cảm của người con, người anh trong gia đinh. Nhà của anh trồng cây gì thì anh cũng trồng cho vợ chồng Tuấn cây đó. Khi vợ Tuấn sinh cháu gái đầu lòng, anh Toàn đón mẹ về ở với vợ chồng anh vì các con anh đã lớn, mẹ anh sẽ có không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi.

Ngôi nhà anh Toàn để lại cho vợ chồng Tuấn, với anh Toàn là ngôi nhà mơ ước, còn với Tuấn đó chính là ngôi nhà hạnh phúc nhất…

 

                                                                                                                       T.H

 

 

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter