• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Tiếng trống muộn
Ngày xuất bản: 29/06/2022 2:01:11 SA

 

Ký của HOÀNG XUÂN LÝ

 

Tôi về thăm Trường Mầm non Minh An cùng những cơn gió ù ù đầu hè. Đèo Bẳn dù đã quá quen với con dốc gần như dựng đứng, gió càng mạnh, khiến việc đi lại không hề dễ dàng. Con ngựa sắt ì ạch mãi mới vượt được dốc. Gặp những khúc cua tay áo phải về số 1 mới qua được đèo. Xuôi hết dốc là tới phố Mỵ, tôi tiếp tục vượt qua hàng chục cây số đường dốc quanh co, hiểm trở nữa mới đến được Minh An. Có đi mới thấy sự vất vả của những thầy cô giáo vùng cao luôn bám bản gieo chữ. Ấy vậy mà hàng tháng, hàng tuần, thậm chí hàng ngày họ vẫn vượt qua những con dốc “bẳn mù” như thế này để mang ánh sáng cho bản làng.

Đến điểm trường trung tâm Trường Mầm non Minh An, vào đúng giờ các con đang nghỉ trưa. Sau những rộn ràng của tiếng hát cười, tiếng đọc chữ ê a… khu trường trở nên tĩnh lặng dưới bóng những cây long não non tơ xanh mướt mát. Điểm trường chia làm 3 khu. Khu I: là hai căn nhà hai tầng, xếp thành chữ L. Nhà 1 có 4 phòng học, bên cạnh mỗi phòng học là phòng ngủ khép kín có cửa thông sang; nhà 2 dành cho khu hiệu bộ, gồm phòng họp HĐGD, phòng đa năng, phòng làm việc của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, kế toán tài vụ và một số phòng chức năng khác. Khu 2 là căn nhà dài một tầng dành cho bếp, nhà kho, nhà ăn. Khu III: một hệ thống sân chơi, bãi tập, vườn hoa, cây cảnh khang trang. Đây thực sự là ngôi trường thân thiện, sạch sẽ, an toàn và hiện đại. Trường xây dựng năm 2020, sử dụng tháng 2 năm 2021.

Tiến vào khu nhà Hiệu bộ, tôi xin phép được gặp cô giáo Hiệu trưởng. Một cô giáo khá xinh nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên, giây lát cô chỉ sang căn nhà số 1:

- Thưa anh, cô Mai Hiệu trưởng đang cho các con nghỉ trưa bên đó.

Nói rồi, cô giáo trẻ dẫn tôi qua dãy hành lang, đến phòng nghỉ của các con nhóm trẻ 24 đến 36 tháng. Tôi đưa mắt tìm chị khắp lối mà chưa thấy. Chỉ nghe tiếng ve dạo nhạc và tiếng hát ru êm nhẹ trong như tiếng suối Ngòi Nặm: “Cái ngủ mày ngủ cho ngoan, mẹ còn đi cấy đồng Sang chưa về…”.

- Tiếng chị Mai Hiệu trưởng đó. Mời anh vô phòng- Cô giáo trẻ nói rồi đi về phòng trực.

Không để ý đến sự có mặt của tôi, chị Mai vẫn say sưa những câu “ạ ời” và kéo tấm chăn mỏng phủ ngang ngực cháu gái nằm gần chiếc quạt treo tường. Tôi liền đánh tiếng:

- Cô cho tôi báo suất cơm.

- Dạ. Mời anh sang nhà ăn. Giờ mới tới lượt tụi em ăn trưa đây- Vừa trả lời Mai vừa tiến đến chỗ tôi đứng, bỗng dưng khựng lại rồi cười phá lên:

- Trời đất! Là anh ư. Hơn bẩy năm rồi mới gặp. Lại chọc em rồi!

- Được làm chủ cái cơ ngơi này phải khao thôi. Có bao nhiêu “mẹ” và mấy trăm “đứa con” cả thảy?- Tôi cười chọc tiếp.

- Cũng khá đấy anh ạ. Trường vẫn 4 khu. 30 mẹ và 287 người con. Nhà đông miệng ăn, các “mẹ” phải tất bật nuôi dưỡng. “Mẹ” nào cũng nhoài ra.

Vừa đáp, Mai vừa ngoắc tay làm hiệu cho cô giáo phụ trách nhóm trẻ điều gì đó rồi dắt tôi đi. Chắc là tiếp tôi trong căn phòng Hiệu trưởng ở tầng hai khu Hiệu bộ. Tôi thầm nghĩ thế. Nào ngờ, cô dắt tôi vào một phòng nhỏ, gọn có cửa thông sang phòng họp HĐGD. Mai vui vẻ giới thiệu:

- Phòng tiếp khách của em đây. Tôi đưa mắt quan sát cách bài trí đơn sơ mà trang nghiêm của căn phòng thì cô trực ban khi nãy bước vào:

- Chị Mai ơi, có đoàn của Trường Mầm non Hoa Huệ ngoài thành phố vào liên hệ kết nghĩa và tặng quà cho các con.

Mai vui ra mặt. Cô đứng bật dậy, một chút e ngại:

- Xin cảm phiền anh.

Tôi vui vẻ:

- Em cứ đi công việc. Hôm nay anh có khá nhiều thời gian. Mới lại mình là người cùng nhà mà.

Mai ra khỏi phòng. Nắng xiên qua kẽ lá, rơi xuống từng chùm tạo thành những bông hoa lạ nhảy nhót. “Hạnh phúc thường đến bất ngờ và bắt nguồn từ những việc làm nhỏ bé, bình dị”, tôi nghĩ thế, rồi lững thững dạo gót đi thăm cái cơ ngơi được mệnh danh là “tiếng trống muộn” của ngành Giáo dục Văn Chấn. Nói như vậy thật chẳng ngoa chút nào.

Trường Mầm non Minh An, vốn sinh ra từ Trường PTCS Minh An. Mới ra “ở riêng” tháng 2 năm 2021. Nhớ năm 2000, năm đó tôi đang phụ trách trường ở đây. Theo nguyện vọng của đồng bào Dao Minh An, tôi đánh “liều” mở 1 lớp mẫu giáo 5 tuổi, rồi hậu báo cáo. Buổi đầu khai sơ lớp có 16 cháu. Giáo viên là cô Bùi Thị Dung, vừa tốt nghiệp Cao đẳng Mầm non Trung ương. Do mở “chui” nên giáo viên không có lương. Tiền thù lao 100% phụ huynh giúp đỡ, nhà túm gạo, người mớ rau… ủng hộ, thiếu bao nhiêu cô về xin tiền mẹ. Lớp học thành công, tiếng lành đồn xuống huyện. Năm sau, Phòng giáo dục Văn Chấn cho mở thêm 2 lớp: Liên Thành một, Đồng Quẻ một. Đường vào Liên Thành, điểm trường xa nhất cách trung tâm xã hơn 12 cây số. Dù đi dọc hay về ngang đều phải qua điểm trường Đồng Quẻ, gửi xe đạp ở nhà anh Bàn Văn Lượng, thương binh chống Mỹ loại 4/4 mà tháo dép, gò lưng gùi sách vở lội bì bõm hơn 4 cây số dọc suối Thiềng mới tới đầu bản. Tiếng là điểm trưởng nhưng thực chất Liên Thành chỉ có một lớp 1: 19 học sinh. Thôi thì đủ các độ tuổi từ 6 đến 13, giáo viên cắm bản là thầy Hà Đình Độ và một lớp mẫu giáo 18 cháu mới mở, cô Hoàng Thị Yến phụ trách. Điểm trường chưa có quỹ đất, đồng bào liền ngăn đôi cái nhà kho cũ rích của HTX, cột bằng gỗ lũa cắm thẳng xuống nền đất, mái lợp cỏ tranh thủng lỗ chỗ làm hai phòng học. Trời nắng thì còn tạm. Vào mùa mưa, ôi thôi thầy trò sun thành một đống. Lại đội mưa chuyển bàn ghế lên nhà trưởng thôn học nhờ. Bản chưa có điện lưới, đông về phòng học tối như hũ nút. Thương các con quá, Trưởng thôn Lý Kim Doanh ra tiền mua hẳn cái máy phát điện 2 KW đưa lên núi đón lõng nước suối Thiềng và thả hơn nửa cây số đường dây dẫn ánh sáng về lớp. Điểm trường chưa có nhà công vụ nên cô Yến, thầy Độ đành “quấy quả” ở nhà trưởng thôn.

Hai năm học, mở 3 lớp mẫu giáo ở ba điểm trường có trên 90% người Dao là việc làm không dễ. Huyện vui, xã mừng, phụ huynh phấn khởi, các con chăm ngoan. Nhờ bước đột phá táo bạo này, năm học 2002- 2003 Trường Mầm non Minh An ra đời. Hai năm sau, Trường Tiểu học, Trường THCS Minh An cùng lúc tách làm hai. Vẫn căn nhà xây hai tầng 6 phòng học kiên cố và 9 phòng học tạm mái nứa đơn sơ; vẫn một quả trống đại rung ngân gọi hoa và nắng... Một lần ra tỉnh tập huấn, chú Hoàng Nhâm, báo Yên Bái hỏi: “Anh ở trường nào?” Tôi tếu táo: “Mình ở Minh An. Một cổng ba trường”. Nghĩa là: đi chung cổng, học chung phòng, ăn chung vạc... Hai năm, sau khi tách trường tôi đi tăng cường đơn vị bạn nhưng vẫn luôn theo dõi sự trưởng thành của mái ấm “ba cùng”.

Minh An hôm nay đã là xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Trường ra trường, lớp ra lớp. Các điểm lẻ đều có nhà xây kiên cố. Nói như đồng bào: trường cách trường tới “bẩy quăng dao”. Đường liên thôn, liên xóm đổ bê tông đến từng ngõ ngách. Mới đó đã hai mươi năm.

Hai mươi năm nhìn lại một chặng đường: từ 3 lớp, 44 học sinh, giáo viên giữ con số “vững như kiềng”. Thương các con, sáng đến trường, trưa về nhà cơm rau qua quýt, bữa đói, bữa no không ai chăm sóc vì cha mẹ phải đi làm cả ngày. Chiều không đến trường, trẻ bơ vơ lem luốc, đầu trần, chân đất rủ nhau ra men suối, bìa rừng vô cùng nguy hiểm. Những hình ảnh ấy luôn trăn trở, thôi thúc Mai và nhà trường phải suy nghĩ: làm thế nào để có được một bếp ăn bán trú? Để các cháu nhìn thấy được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” góp phần chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn của các con cùng đồng bào mình.

Ở cái tuổi “máu đang sôi”, hừng hực những ước mơ cháy bỏng trong sự nghiệp “trồng người”. Thế là Mai đi khắp nơi học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp, những mô hình tiên tiến để áp dụng chia sẻ. Đốm lửa nhiệt tình trong cô đã được Phòng giáo dục đồng thuận. Năm học 2005- 2006, Trường Mầm non Minh An mở lớp Mẫu giáo bán trú tại khu trung tâm, thu nạp học sinh thuộc 4 thôn: Khe Bút, Khe Bịt, Tân An, An Bình. Đây là lớp bán trú đầu tiên của xã vùng cao đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh những phụ huynh nhiệt tình ủng hộ việc học bán trú, thì vẫn còn những gia đình không thể gửi con vì không đủ tiền nộp ăn trưa và quà xế dù chỉ 6.000 đồng/ngày/cháu. Có phụ huynh ban đầu giơ cả hai tay, nhưng đến kỳ nộp tiền thì đổi ý, với lý do rất thật: “Nhà mình đông con. Không đủ tiền mua vở, nói gì nộp ăn cho con” hoặc “Mấy ngày nay tôi bệnh, không đi làm được, tiền mua thuốc chưa có, lấy đâu nộp ăn”… “Mình chưa bán được cây. Thôi cho con về nhà ăn nhì nhằng qua quýt”, “Mình cho con ra ăn nợ quán, bán được gà trả sau…” Thôi thì đủ thứ lý do.

Trước tình cảnh đó, Mai và chị em giáo viên phải thay nhau “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền vận động, giải thích cho đồng bào nghe những thiệt hơn của việc gửi trẻ cả ngày. Nếu cha mẹ không đủ tiền nộp tháng thì nộp tuần, nộp ngày. Nhà nào thực sự khó khăn đã có các cô quyên góp giúp đỡ hoặc cô phụ trách lớp sẵn sàng cho mượn đồng tiền lương ít ỏi của mình. Sự cần mẫn tận tâm của tập thể giáo viên đã làm rung động trái tim đồng bào nghèo. Chỉ khi cái lý, cái tình rơi trúng bụng thì 100% phụ huynh mới thực sự tin tưởng, gửi gắm con em mình trên lớp cả ngày. Từ đó tiếng trống trường lại vang lên mỗi buổi, khi điểm giờ ăn, lúc nhắc giờ ngủ rộn rã như tiếng nhạc rừng. Lớp học lại râm ran từ sáng đến chiều. Niềm hy vọng của các cô đã được thắp lên bằng tình thương và trách nhiệm.

Vẫn biết, mở bán trú là thêm việc, với bao lo toan, nhưng với tình thương yêu con trẻ bằng cái tâm của “nghề cao quý”, Mai và tập thể giáo viên đã biến vất vả, lo toan thành niềm vui. Cô vui, trò vui, phụ huynh phấn khởi bởi trẻ học bán trú 2 buổi ở trường được Chính phủ hỗ trợ tiền ăn. Cha mẹ yên tâm gửi con cả ngày để lên rẫy. Từ khi học bán trú, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm hẳn. Các con được nói tiếng Việt ở mọi nơi, mọi lúc trong ngày với bạn, với cô. Qua việc rèn kỹ năng sống, tỉ lệ bé khỏe, bé ngoan, bé chuyên cần ngày một tăng, đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tiếng lành đồn xa, chưa hết học kỳ II mà nghe lao xao chuyện đồng bào nói về cái lợi của việc gửi trẻ cả ngày. Thế là phụ huynh ở các điểm trường: Khe Phưa, Liên Thành, Đồng Quẻ cũng đón bằng được Mai về thôn họp cùng bà con và “đòi” cho con họ được học bán trú như điểm trường trung tâm xã. Hiệu trưởng Trịnh Thị Mai, Hiệu Phó Hoàng Thị Bình và nhà trường lại một phen đắn đo, suy nghĩ đến… mất ngủ và rồi hứa với đồng bào sẽ quyết tâm thực hiện vào đầu năm học mới.

Đã hứa là phải làm. Năm học 2006- 2007, Trường Mầm non Minh An mở thêm hai lớp bán trú ở điểm trường Đồng Quẻ và Khe Phưa. Hai điểm này chỉ cách trung tâm 5 cây số, xe máy chạy vào tận sân. Bàn đi tính mãi, tạm thời dùng phương án đưa cơm từ trung tâm lên cho trẻ ăn trưa và vận chuyển bằng xe máy. Ngày đầu tiên, cô Bùi Dung và cô Bình đích thân chở cơm canh. Cô Dung phụ trách Đồng Quẻ “ôm” 20 suất; Cô Bình Hiệu Phó lên Khe Phưa ship 17 hộp. Còn Mai, cô ở nhà với tâm trạng đầy lo âu, cả trường hồi hộp chờ đợi. Đúng 11 giờ 50 thì hai cô giáo trở về, cô Bình phấn khởi báo tin: “Ngon rồi các chị ơi! Chuyến đưa cơm đầu tiên an toàn. Thấy xe cơm đậu trước sân, bọn trẻ háo hức ngồi quây tròn bên bàn. Chúng ăn ngon miệng lắm!”. Cô Dung treo vội chiếc mũ lên giá, hào hứng: “Bên Đồng Quẻ, trò nào cũng ăn hết suất. No rồi các con leo lên chõng ngáy ò ò! Nhiều phụ huynh đứng xem gật đầu lia lịa. Mấy mẹ người Dao còn rớm nước mắt, vì rất hài lòng…”.

Phải mất dòng mấy tháng, trời nắng cũng như trời mưa, đúng 10 giờ 5 là các cô lại thay phiên nhau “rời bến”. Cô Dung còn kể: có lần đưa cơm đến Ngầm Ông Huê thì nước ống về, không sang được phải nhờ trai bản khỏe gánh cơm vượt lũ…  Đó là những chuyến xe chở cả yêu thương và niềm vui hạnh phúc lên đỉnh núi cao nuôi học trò nghèo.

Tiếng lành thường đồn xa. Mỗi lần xuống huyện hội họp, Mai được đồng nghiệp hỏi thăm. Lãnh đạo khen ngợi, ai nấy đều vui mừng. Nhưng Mai thì khác, cô vui mà niềm vui chưa trọn vẹn. Bởi lẽ, còn điểm trường Liên Thành khó khăn ngập khó khăn, cả cơ sơe vật chất lẫn đường đi, lối về đang ngày đêm mong đợi… Các con hằng ngày phải tự đi về không người đưa đón. Dốc cao, vực sâu biết bao lo nghĩ của người làm thầy. Cơm thì bữa trái bắp nướng, bữa củ khoai nương thất thường. “Có cái tra đầy bụng” là được, ngày đó, đồng bào mình nghĩ thế. Vì vậy phải phấn đấu mở lớp bán trú ở điểm trường cuối cùng để các con được nuôi dạy tốt hơn.

Dù hai hay một bữa, Liên Thành không thể đưa cơm lên dễ dàng như Khe Phưa, Đồng Quẻ. Bởi đường xá xa xôi, cách trở suối, đèo biết bao hiểm nguy rình rập. Ai sẽ là cấp dưỡng với khoản tiền thù lao một triệu đồng/tháng? Và cuối cùng thì cũng tìm ra. Đầu năm học 2007- 2008, nhà trường hợp đồng cấp dưỡng là người địa phương. Gạo, rau, thịt, cá… theo tiêu chuẩn, ship về tận bếp, cấp dưỡng chỉ việc cân đong, giao nhận. Giáo viên dành riêng cho việc đón dạy các con trên lớp. Nhà bếp, phòng ăn thì đồng bào góp công xây dựng; củi, đóm, xoong, nồi phụ huynh lo. Vậy là mong ước mở lớp bán trú ở Liên Thành đã thành sự thật. Niềm vui của cô trò và đồng bào được nhân thành ba, thành bẩy… Tiếng hát cười từ sáng sớm đến chiều tà lại lan tỏa khắp thung xa, xóm gần.

Những thước phim quay chậm về những tháng ngày đầy gian nan thử thách của các cô giáo Mầm non Minh An đột nhiên bị ngắt bởi tiếng xe máy ầm ào chạy vào khuôn viên trường mỗi lúc một đông… năm, sáu hơn ba mươi chiếc đậu trong ga ra. Thoạt đầu tôi cứ nghĩ phụ huynh đến hội họp gì gì đó. Té ra, chiều nay là buổi chiều “đặc biệt”, ba điểm trường lẻ được “lệnh” nghỉ nửa buổi về trường chính dự lễ ra mắt. Ở vùng cao, những công việc đặc biệt thường dành vào buổi chiều ngày cuối tuần của tháng. “Chẳng lẽ có mỗi tôi mà phải gọi giáo viên về?” Nghĩ thế, rồi tôi xua đi. Bởi quên khuấy đoàn công tác của Trường Mầm non Hoa Huệ. Chiếc xe 16 chỗ của họ đậu dưới tán cây kia. Và những gói quà đang được chuyển từ xe lên.

Tôi trở về phòng họp. Sự mới mẻ ở đây thể hiện ở cách trang trí nội thất, trên từng cái bàn, cái ghế. Từ thiết bị đèn chiếu đến âm thanh ánh sáng, xem cứ như một hội trường đặc biệt và tôi lại bắt gặp Mai đang hướng dẫn trang trí lễ kết nghĩa với Trường Mầm non Hoa Huệ. Tôi thầm nghĩ “Đúng là một Hiệu trưởng đa năng”. Mai vội tiến đến thanh minh:

- Đón khách xong, em quay lại tìm thì chẳng thấy anh đâu nên tranh thủ sang đây…

- Anh biết chứ, phòng khách của em ở cạnh phòng họp mà.

Như chợt nhớ ra, Mai vui vẻ xen lẫn sự tôn trọng:

- Kính mời anh chiều nay dự lễ kết nghĩa với hai nhà trường.

Tôi gật đầu và không quên mở sổ ghi chép tiếp những thông tin treo trên tường. Được biết, cái cơ ngơi hoành tráng này được Sở Giáo dục- Đào tạo Yên Bái trao cho nhà trường đúng vào dịp trường đón Chuẩn Quốc gia, xã đón Bằng chuẩn Nông thôn mới năm 2021. Đủ sức đón cùng lúc 200 trẻ ở các độ tuổi vào lớp học hai buổi/ngày. Còn như hiện nay, học sinh khu trung tâm mới có 125 cháu. Trong đó, mẫu giáo 3- 5 tuổi 3 lớp, 1 nhóm trẻ 24- 36 tháng tuổi. Theo điều tra phổ cập, trẻ 24- 36 tháng ra lớp đạt 99%; trẻ 3- 5 tuổi ra lớp 100%. Còn gì vui hơn khi toàn trường có: 10 lớp, với 287 học sinh. Tiền ăn mỗi tháng chỉ 240.000 đồng/trẻ, trong đó có 140.000 đồng trẻ được cấp nhờ chính sách hỗ trợ ăn trưa của Chính phủ. Nơi đây, hôm nay đã có 25 cán bộ, giáo viên trong biên chế, 5 cấp dưỡng hợp đồng kỳ hạn. Hạt nhân lãnh đạo là một Chi bộ 16 đảng viên hầu hết đều rất trẻ cũng do Mai làm Bí thư. Nhiệm kỳ 2021- 2025, Mai được đồng bào sáng suốt lựa chọn, cô trúng cử đại biểu HĐND xã với lá phiếu rất cao. Nay ở tuổi 47, cái nấc bập bênh chưa sang già mà cũng không còn trẻ, Hiệu trưởng Đinh Thị Mai vẫn luôn chân, luôn tay miệng nói là làm. Từ sáng sớm cho đến chiều tối, lẫn trong tiếng chổi tre của cô nhân viên có tiếng chổi kiên quyết, dứt khoát của Mai. Chỗ nào cũng có bước chân và bàn tay Mai hướng dẫn nhắc nhở.

Phải chăng, Mai xuất thân từ gia đình quân nhân, rồi công nhân. Bố, một cựu sĩ quan thời kháng chiến chống Pháp. Giải phóng Điện Biên ông không trở về quê hương năm tấn mà cùng đoàn quân tập kết xây dựng Nông trường chè Trần Phú, nay là Thị trấn Nông trường Trần Phú. Mẹ, cô gái nhân công hỏa tuyến. Và rồi cô sinh ra trên mảnh đất này. Tuy là con gái út được nuông chiều, nhưng vốn dĩ mang dòng máu con “nhà nòi” nên Mai hay lam hay làm và sớm lo toan ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.  

Đúng như câu nói: “Cô giáo như mẹ hiền”, chỉ khi cô giáo coi học sinh như những đứa con thân yêu thì những người mẹ ấy mới làm nên những điều kỳ diệu. Và chỉ khi chúng ta cho đi, chúng ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế. Trên sân khấu, tiếng nhạc reo rộn rã. Tôi gấp vội cuốn sổ, cùng mọi người hướng lên đúng lúc hai đội văn nghệ của hai nhà trường, 6 cô giáo trẻ xinh đẹp, duyên dáng phối hợp mở màn chào mừng với tiết mục múa: Tiếng trống cơm. Chẳng biết họ khớp luyện từ bao giờ mà uyển chuyển đến thế? Rồi tiết mục múa, hát của các bé. Và tôi thật sự tin rằng: “Cô vui, học sinh vui, đồng bào gật đầu. Đó là hạnh phúc!” Tôi vui với niềm vui của họ. Từ thành thị đến vùng núi cao hẻo lánh, mọi người đã nắm chặt tay nhau cùng bước trên con đường hạnh phúc.

 

                                                                                                                                            H.X.L   

                                                                    

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter