• Loading...
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII vào cuộc sống
 
Trần Cao Đàm- Một đời nghề báo với nghiệp văn
Ngày xuất bản: 29/06/2022 2:09:54 SA

 

Ký của NGUYỄN TÂM

 

Trong số những cây bút gạo cội của báo chí cũng như văn chương, Trần Cao Đàm là một trong những vị tiền bối mà tôi đặc biệt nể trọng và quý mến. Là nhà báo gắn bó với sự nghiệp báo chí của tỉnh từ thuở hàn vi gian khó, cả cuộc đời, Trần Cao Đàm luôn sống hết mình với những đam mê của nghề báo, nhưng cũng không nỡ từ bỏ đa mang mà nặng lòng vương vấn với văn chương. Dù chưa được cùng làm việc nhưng qua các tác phẩm báo chí, văn học của Trần Cao Đàm, tôi cảm nhận được từ ông sự chân chất, trách nhiệm, tận tụy và say mê trong từng trang viết.

Ghé qua thăm ông trong buổi chiều mưa đầu hạ, tôi gặp được ông đang một mình ngồi lật giở lại đống sổ ghi chép, tài liệu và hình ảnh- gia tài còn lại của mình sau mấy chục năm miệt mài với nghề báo. Cái dáng vốn đã cao, gầy, nay thêm liêu xiêu bởi tuổi tác và thời gian, ông ra tận cửa đón tôi với một nụ cười hiền và gần gũi rất đỗi quen thuộc với chúng tôi lâu nay. Trong câu chuyện có nhớ, có quên của nhà báo lão thành ở tuổi 80 có lẻ, Trần Cao Đàm đã kể cho tôi nghe chuyện đời, chuyện nghề và cả chuyện nghiệp viết lách văn chương của mình. Sinh ra trong một gia đình lao động, tại Nghĩa Lộ phố (nay là thị xã Nghĩa Lộ), mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và đậm đà bản sắc văn hóa vùng lòng chảo Mường Lò đã hun đúc, bồi đắp tâm hồn Trần Cao Đàm từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Năm 1965, vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, Trần Cao Đàm được tuyển vào làm phóng viên tại Đài Phát thanh Nghĩa Lộ, nghề báo đã sớm gắn bó với ông ngay từ ngày đó. Công tác vừa được 2 năm, sức trẻ cùng tình yêu quê hương đã thôi thúc ông xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tân binh tại Mộc Châu (Sơn La), cả Tiểu đoàn 927, Đoàn 766 của ông nhận lệnh hành quân sang chiến đấu giúp nước bạn Lào. Hoàn thành nghĩa vụ quân tình nguyện trên nước bạn cuối năm 1971, Trần Cao Đàm trở về với nhiệm vụ của anh phóng viên trẻ tràn đầy nhiệt huyết và say nghề. Năm 1974, ông được Đài cử đi học lớp Báo A- lớp báo chí thứ 2 được Trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Phân viện Báo chí và Tuyên truyền) tổ chức. Chưa kịp ra trường, Giám đốc Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn bấy giờ là Hồ Thức, vì muốn chiêu mộ ông về (thời điểm này phóng viên được đào tạo chính quy, nhất là bậc đại học vô cùng hiếm), nên đã ký chuyển vợ ông từ Đài Truyền thanh Nghĩa Lộ về tỉnh công tác, đồng thời ký công văn xin Trường cho ông về Đài. Tốt nghiệp trở về, giữa bộn bề khó khăn của nhà Đài, cơ sở vật chất thiếu thốn, gia đình 4 người của ông được xếp cho ở trong nửa gian nhà lá giữa khu đất của Đài. Nhận công tác được mấy ngày, còn chưa kịp làm quen với tình hình cơ sở rộng lớn của Hoàng Liên Sơn mới qua vài năm sáp nhập thì ông được Trưởng phòng Nguyễn Văn Xuân (Xuân Nguyên) phân công lên biên giới công tác với lời phân phó “Phóng viên của Đài ít quá, phóng viên trai tráng lại càng hiếm. Chú còn trẻ, được học hành, đã qua chiến trường, theo dõi địa bàn trên ấy là phù hợp nhất”. Nhận lệnh lên đường, ông cùng 2 đồng nghiệp là Văn Công và Như Phương có mặt ở vùng biên giới Lào Cai khi trời đã tối. Suốt một ngày một đêm nhịn ăn, thiếu ngủ, đang nhẩm tính lấy tiền, tem gạo ra nộp để báo cơm thì cán bộ phụ trách nhà khách huyện Bảo Thắng đã nói khéo “Chúng tôi mới sơ tán về, còn khó khăn quá, lại đêm tối thế này, các anh tự túc ăn uống giúp…”. Trước cảnh tan hoang, tiêu điều của mảnh đất vừa trải qua chiến tranh, quán xá không có, thực phẩm cũng không, 3 anh phóng viên đài tỉnh đành muối mặt đến nhà người quen xin cơm nguội ăn tạm cho qua cơn đói.

Giữa bộn bề khó khăn chung của đất nước vừa trải qua chiến tranh, những gian khó của anh em nhà Đài ở tỉnh miền núi nghèo nhiều đến không bút nào tả xiết. Cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị làm việc cũng gần như chẳng có gì nhiều. Chìa cho tôi xem mấy tấm ảnh chụp tác nghiệp khi ông theo đoàn công tác của Tổng Bí thư Đỗ Mười để thu thập tư liệu đưa tin, ông chỉ vào chiếc máy ghi âm là chiếc đài cassette cũ màu trắng to bằng cả thếp giấy A4 đeo trước bụng của mình trong ảnh và bảo: “Thời ấy, vật bất ly thân của phóng viên chỉ có bút và giấy, có được chiếc đài radio cassette Sharp này để vừa ghi âm, vừa nghe đài là oách lắm rồi”. Ngoài máy ghi âm, trên cổ ông còn đeo nặng trĩu, lỉnh kỉnh những chiếc túi. Ông giải thích với tôi rằng, phóng viên các ông ngày ấy đi tác nghiệp như đi ra chiến trường, nhất là những chuyến tác nghiệp theo các đoàn công tác của lãnh đạo cấp cao thì lúc nào cũng phải sẵn sàng trong tư thế của lính dã chiến. Ngoài vật dụng tác nghiệp thì hành lý, tư trang cũng luôn được đem theo để bất cứ lúc nào đoàn khởi hành, các ông cũng không để mình bị bỏ lại. Ngày ấy còn chế độ bao cấp, cán bộ nhân viên được nhà nước cấp cho mọi thứ, nhưng thiếu đói là điều không tránh khỏi. Để cuộc sống anh em bớt khổ, đã có lúc Đài còn phải đi mượn đất ở mãi Hưng Khánh, Cường Thịnh để tăng gia chăn nuôi, trồng cấy. Cùng với việc đảm bảo công tác chuyên môn, các phòng chia thành từng đợt thay nhau vào trại lao động sản xuất. Làm việc không kể vất vả, nguy hiểm nhưng có khi sau cả vụ, thu hoạch về chia nhau mỗi công cũng chỉ được năm lạng cả bồm, cả thóc lép… Khó khăn trăm bề là thế nhưng anh em trong Đài ai cũng làm việc nhiệt tâm, hết mình với nghề, nhất là những người làm phóng viên, đi cơ sở, tiếp xúc với nhân dân, trực tiếp tạo nên những bài viết hay, những thông tin hữu ích được nhân dân đón nhận như ông. Cũng bởi sự nhiệt tâm ấy mà suốt mấy chục năm tận tụy với nghề, về hưu rồi, từ nguồn tư liệu đã khai thác được, ông vẫn cặm cụi nghiên cứu, cặm cụi viết ra những bài báo mà lớp hậu sinh như tôi có muốn cũng không thể nào viết được.

Mấy chục năm làm báo thì Trần Cao Đàm cũng có mấy chục năm “gian díu” với văn chương. Nhắc đến cái sự viết lách và nghiệp văn chương đã trở thành tâm giao với ông bấy lâu nay, Trần Cao Đàm bảo rằng, ngày nay, chuyện nhà báo viết văn, nhà văn làm báo đã là chuyện quá đỗi bình thường, thậm chí nhiều cây bút đã trở thành “thiện xạ” ở cả làng báo lẫn làng văn, đạt nhiều thành tựu ở cả 2 lĩnh vực. Nhưng ở thời của ông, đây là điều đặc biệt cấm kị bởi người ta cho rằng, là nhà báo mà viết văn, đem ngôn ngữ văn học, đem sự tưởng tượng, sự hư cấu vào báo chí thì hỏng, thì báo chí không còn là báo chí. Chẳng thế mà ông đã từng mang tiếng là đa mang, là “ngoại tình” với văn chương khi thỉnh thoảng, truyện ngắn của ông lại được đăng trên Tạp chí Văn nghệ của tỉnh và cả báo văn nghệ của Trung ương. Ông kể, ngay từ trước khi mới về Đài công tác, cây bút đàn anh, cũng chính là Trưởng phòng Xuân Nguyên đã khiến ông kính trọng, nể phục không chỉ bởi bản lĩnh, tài năng trong công tác, mà còn bởi cái tài xoay sở giữa báo chí với văn chương. Ông bảo: “Làm việc dưới sự quản lý của cán bộ phòng hiểu biết thực tế, đã giúp ích cho tôi rất nhiều, anh còn là một cây bút có kinh nghiệm, viết nhanh. Có lần, lên biên giới về, tôi có bài viết “Người mẹ bên suối Lũng Pô”. Sau đó, anh đã tập hợp thành tập truyện ngắn, được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành ngay trong năm 1980. Cứ cần cù viết, tận tình công tác, từ Trưởng phòng Biên tập, anh trưởng thành là Phó Giám đốc, phụ trách nội dung của đài tỉnh. Sau này, do điều động của tỉnh, anh chuyển sang làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hoàng Liên Sơn. Dù khác cơ quan, tôi với anh vẫn có quan hệ thân thiết, gần gũi. Và tôi cũng theo anh, tập đọc viết văn. Tôi còn nhớ, có lần tôi liều gửi một tác phẩm viết về biên giới, nhan đề “Hương ngải bên rừng” về báo văn nghệ, mà không dám đề thể loại gì, nào ngờ được sử dụng. Anh Nguyên đọc báo, thấy bài viết của tôi, anh thân mật bảo: “Dưới Trung ương họ đang cần tác phẩm viết về biên giới, dân tộc. Chú thấy có thể viết được gì cứ viết. Mình có điều kiện cứ mạnh dạn rồi sẽ quen và trưởng thành”. Rồi tôi gặp may, vào dịp kỷ niệm 44 năm Chiến thắng Lịch sử Điện Biên Phủ, tôi được báo Nhân dân đăng bài “Trở lại Âu Lâu”. Rất may nữa, bài này lại được nhà văn Dương Duy Ngữ, Trưởng phòng Biên tập Văn nghệ, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân đọc. Anh đã gọi điện lên Đài để gặp tôi. Anh động viên: Đọc “Trở lại Âu Lâu”, tôi biết anh có nhiều tư liệu về bến phà lịch sử này, có thể viết thành sách được không? Thực lòng, tư liệu quả thực tôi có sẵn nhưng trước giờ tôi chỉ viết được báo, cố lắm thì có truyện ngắn, chứ chưa dám nghĩ đến sách bao giờ. Thế là Dương Duy Ngữ ghi danh và mời tôi tham gia Trại sáng tác của Nhà xuất bản tổ chức tại Yên Bái. Đi dự trại, tôi được anh Nguyễn Tiến Hải, rồi anh Bùi Giang Long tận tình đọc bản thảo, góp ý và giúp tôi ra được sách. Cũng kể từ đấy, tôi càng có thêm điều kiện, và sự tự tin đi theo con đường văn chương của cây bút đàn anh Xuân Nguyên.”

Trải nghiệm cuộc sống từ nơi chiến trường đạn bom khốc liệt cho đến công cuộc dựng xây quê hương giữa bộn bề gian khó, Trần Cao Đàm sớm rèn cho mình thói quen và sở thích đọc sách. Bất kể là sách, là tư liệu phục vụ công tác hay chỉ là những tìm hiểu, khám phá cuộc sống cũng đều khiến ông say mê đọc. Đọc càng nhiều, đi càng nhiều và nghe được rất nhiều câu chuyện mà một bài báo không thể chuyển tải hết những gì cần nói, cần viết, thì ông lại biến nó thành ký, thành truyện và thành tiểu thuyết. Ban ngày lăn lộn đi cơ sở, miệt mài viết báo nhưng khi đêm về, ông như được là chính mình bởi lại được mê mải với những trang văn, trang ký. Những câu chuyện gom nhặt trên đường đi viết báo đã thành nhiều truyện ngắn hay, được Hội Văn nghệ giúp ông in thành tập truyện ngắn “Lẽ đời”. Từ cuối những năm 1990, sau khi rời vị trí phóng viên để làm công tác quản lý, nhận nhiệm vụ Trưởng Phòng Phát thanh của Đài, nhất là sau khi đi dự Trại sáng tác của Nhà xuất bản Quân đội, Trần Cao Đàm đã chính thức dấn sâu vào nghiệp viết. Tập tiểu thuyết đầu tay “Bến Ngòi” ra đời vào năm 1999 đã đánh một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp sáng tác văn học của ông. Là người trầm tĩnh, đa cảm, luôn kiên định với thái độ sống đầy trách nhiệm và tình yêu sâu nặng với quê hương, hầu hết các sáng tác của Trần Cao Đàm đều khai thác về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng. Sau “Bến Ngòi”, Trần Cao Đàm đã liên tiếp cho ra đời nhiều tiểu thuyết về đề tài này. Ngoài “Pa Thí mù sương”- tập tiểu thuyết viết về những tháng ngày sống , chiến đấu gian khổ của ông và đồng đội nơi chiến trường Pa Thí, Sầm Nưa Lào những năm 1967- 1971, các tiểu thuyết còn lại đã tái hiện những tháng ngày lầm than, đau khổ của dân tộc ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật; những ngày nhân dân các dân tộc Yên Bái cùng với nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng vùng lên giành chính quyền, giải phóng quê hương. Từ “Bến Ngòi” đến “Âu Lâu bến lửa”, dưới ngòi bút chân chất và nhất mực trân trọng sự thật của mình, Trần Cao Đàm đã làm sống lại cả một giai đoạn lịch sử trong thời kì vận động làm nên Cách mạng Tháng Tám, ghi dấu chiến công của quân và dân Yên Bái; sống lại hình ảnh của một bến lửa Âu Lâu anh hùng, với những người nông dân quê núi chất phác, hiền lành, nhỏ bé mà can đảm, kiên trung và anh dũng vô cùng. Trước khi tiếp tục cho ra đời tập truyện ký “Âm vang Ngòi Vần”, viết về những nỗ lực cùng những thành tựu đầu tiên trong hành trình vận động, xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng kháng chiến của các chiến sĩ cách mạng, chiến sĩ Cộng sản trên đất Yên Bái, Trần Cao Đàm đã dành trọn một tập tiểu thuyết dày hơn 250 trang để viết về Mường Lò- nơi sinh ra và nuôi dưỡng ông suốt những năm tháng còn thơ ấu. Trần Cao Đàm từng tự sự trong một bài viết của mình rằng, Mường Lò gắn với đời ông, tâm hồn ông như một định mệnh. Có lẽ bởi cái định mệnh ấy mà ông đã thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của một người con yêu quê hương bằng cách đặc biệt này. Viết về quê hương, về đồng bào mình trong những tháng ngày gian khổ, can trường chống giặc ngoại xâm, “Đất Mường thời dông lũ” tái hiện lại hiện thực cuộc sống đau thương, cùng cực của người dân Nghĩa Lộ phố trước ách áp bức của thực dân, của bọn bang tá, thống lý tay sai, trước những hi sinh, mất mát bởi thời tao loạn của chiến tranh. Viết về Mường Lò, Trần Cao Đàm có nhiều lợi thế bởi sự gắn bó máu thịt, bởi các nhân chứng lịch sử vẫn còn và đều thân thuộc với ông. Hơn thế, vốn hiểu biết về vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán cùng những kinh nghiệm, tích lũy, gom nhặt trong suốt cuộc đời làm báo đã giúp ông thổi vào tác phẩm của mình sự chân thực, sinh động cho nhân vật; lột tả sâu sắc bản chất tốt đẹp của những người con đất Mường và những người cán bộ cách mạng.

Cả một đời tận tụy, miệt mài với nghiệp báo, nghiệp văn, ngoài 5 tập tiểu thuyết, truyện ký và 1 tập truyện ngắn, Trần Cao Đàm không thể nhớ hết mình đã từng viết, từng đem đến cho công chúng bao nhiêu bài báo, ký, phóng sự, nghiên cứu sưu tầm. Cả cuộc đời, ông cũng không nhớ nổi mình đã từng đoạt bao nhiêu giải thưởng về báo chí cũng như văn học. Chỉ biết 10 năm trở lại đây, kể từ khi biết ông thì tôi chứng kiến tác phẩm của ông đã được gọi tên vinh danh trong rất nhiều giải thưởng lớn của Trung ương và địa phương, như: Giải A cuộc thi sáng tác về quê hương Yên Bái do UBND tỉnh Yên Bái phát động năm 2011; giải A cuộc thi sáng tác kỷ niệm 70 năm Quân khu II; giải B- Giải thưởng Văn học nghệ thuật Yên Bái 5 năm lần thứ Nhất, Giải C của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, năm 2015; giải B- Giải thưởng Văn học nghệ thuật Yên Bái năm 2017… Trong lời tự sự với độc giả của tập truyện ký “Âm vang Ngòi Vần”, Trần Cao Đàm có viết rằng ông vốn định nghỉ ngơi, thôi viết lách từ sau khi xuất bản tiểu thuyết “Đất Mường thời dông lũ”. Nhưng rồi, bởi trân trọng những tư liệu quý của những người trong cuộc và niềm tin họ trao khi tìm đến với mình đã khiến Trần Cao Đàm không thể dừng bút. Tại thời điểm này, một tập tiểu thuyết mới của ông đang được Nhà xuất bản Công an nhân dân tiến hành xuất bản, nhưng tôi biết, đây chắc chắn chưa phải là tác phẩm cuối cùng bởi kho tư liệu quý trong tay ông vẫn còn dồi dào; những điều ông còn trăn trở, những nhân vật nên viết, đáng viết cũng còn rất nhiều. Tự cảm thấy việc viết là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mình với những người đi trước, với quê hương, đất nước nên ông luôn tâm niệm rằng, chỉ cần còn sức, ông sẽ còn viết. Không chỉ viết để thỏa niềm đam mê cái nghiệp “giời đày” như Nhà văn Hoàng Thế Sinh từng nói; là để trải những tình cảm sâu đậm, thiêng liêng trong lòng; hay để dự phòng cho những lẽ thường của quy luật tự nhiên mà quan trọng hơn cả là ông muốn viết để lưu giữ lại những trang sử hào hùng của quê hương, của dân tộc cho các thế hệ mai sau.

 

                                                                                                         N.T         

Văn nghệ Yên Bái số mới

Đất và người Yên Bái qua ảnh

Thư viện video

Các cuộc thi Văn học nghệ thuật

Lượt truy cập

Visitor Counter