Tạo điều kiện cho công dân thụ hưởng quyền tự do ngôn luận, nhiều năm qua Đảng và Nhà nước Việt Nam không chỉ chú trọng đầu tư phát triển lĩnh vực báo chí, truyền thông, mà còn nỗ lực hoàn thiện hệ thống luật pháp để bảo vệ quyền tự do ngôn luận không bị xâm phạm, lợi dụng.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng xây dựng và công bố các văn bản có tính chất khuyến cáo, mà mới đây là Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành nhằm giúp mọi công dân bảo đảm quyền tự do ngôn luận, đồng thời thể hiện ý thức trách nhiệm, giữ gìn thuần phong mỹ tục, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người. Ở Việt Nam, Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định công dân có quyền tự do ngôn luận đồng thời nhấn mạnh “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Điều đó là tương ứng với yêu cầu được đặt ra trong các văn bản quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Như: Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người (Tuyên ngôn) xác định mọi người đều có quyền tự do quan niệm, tự do phát biểu quan điểm, tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến tin tức, ý kiến bằng phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia; đồng thời, Điều 29 Tuyên ngôn khẳng định khi thực hiện quyền này, mọi người phải tuân thủ những hạn chế do luật định nhằm bảo đảm việc thừa nhận, tôn trọng quyền của người khác, đáp ứng các đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.
Tương tự, khoản 2 Điều 19 Công ước Quốc tế về các quyền Chính trị và Dân sự khẳng định “Mọi người có quyền tự do ngôn luận”, đồng thời khoản 3 Điều 19 nhấn mạnh việc thực hiện quyền này kèm theo nghĩa vụ, trách nhiệm đặc biệt, phải chịu một số hạn chế được quy định trong pháp luật để tôn trọng quyền, uy tín của người khác, bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe, đạo đức…
Trong bối cảnh internet – nổi lên là mạng xã hội phát triển nhanh chóng song rất phức tạp, để quyền tự do ngôn luận của người dân được thực thi nghiêm túc và toàn diện, các luật, văn bản dưới luật về tự do ngôn luận đã ngày càng được hoàn thiện để vừa bảo đảm quyền của công dân, vừa giúp quyền đó thực hiện trên cơ sở luật pháp.
Cụ thể như: Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự (với Điều 117 “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, Điều 155 “Tội làm nhục người khác”, Điều 156 “Tội vu khống”, Điều 167 “Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin…”, Điều 331 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”…), Luật Viễn thông (Điều 12 “Các hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông” có khoản 4 là “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”), Bộ luật Dân sự (Điều 32 về “Quyền của cá nhân đối với hình ảnh”, Điều 34 về “Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín”…); Nghị định 72/2013/NĐ-CP về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng”, Nghị định 15/2020/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”… Để hưởng ứng, năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành “10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”, đến năm 2018, Hội Nhà báo tiếp tục ban hành “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam”.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, khi internet và các mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt, thì không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới đều phải đối diện với những thách thức đến từ sự phức tạp, khó kiểm soát về thông tin có nguồn gốc từ quan điểm coi tự do ngôn luận trên mạng xã hội là tuyệt đối, không có giới hạn. Xét từ quan hệ bản chất – hiện tượng, tự do – tất yếu, khách quan – chủ quan, trong rất nhiều trường hợp nếu không vượt qua, nếu không chế định được các thách thức, mọi người đều có thể bị xúc phạm, tiến công trên mạng xã hội mà khó có cơ hội đòi lại danh dự và công bằng. Thậm chí ở tầm quốc gia cũng có thể nguy cơ rơi vào tình trạng hỗn loạn về thông tin – yếu tố có thể gây rối loạn nhân tâm, rối loạn xã hội.
Vì thế, không chỉ Việt Nam, mà các nước trên thế giới cũng đều có biện pháp kiên quyết về pháp luật, vừa khuyến cáo công dân ứng xử văn minh trên mạng xã hội, để tự do ngôn luận vận hành tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển lành mạnh của xã hội, con người. Căn cứ sự lựa chọn đường hướng phát triển, truyền thống văn hóa, điều kiện, bối cảnh cụ thể,… mà mỗi quốc gia đều xây dựng hệ thống tiêu chí luật pháp riêng về tự do ngôn luận cho đất nước mình.
Như tại Singapore, với luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến, tin giả (fake news) được coi là đi ngược lợi ích và ổn định cộng đồng, làm tổn hại an ninh và an toàn cộng đồng, làm tổn hại sức khỏe, kích động sự hận thù giữa các nhóm xã hội, suy giảm niềm tin vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, làm tổn hại quan hệ giữa Singapore với các quốc gia khác; nếu bị phát hiện đưa tin giả lên mạng xã hội, khi nhà chức trách yêu cầu cải chính mà không chấp hành, có thể sẽ bị phạt đến 20.000 đô-la Singapore hoặc 12 tháng tù (hoặc cả hai). Singapore cũng có quy định về việc nói xấu, phỉ báng, vu khống trong sinh hoạt hằng ngày và trên mạng xã hội sẽ phải đối diện án phạt đến 100.000 đô-la Singapore hoặc phạt tù tới 3 năm (hoặc cả hai); tội vu khống, nói xấu được áp dụng mức phạt đến 20.000 đô-la Singapore hoặc phạt tù 12 tháng (hoặc cả hai).
Ở Mỹ, giới hạn về tự do ngôn luận thể hiện qua án lệ của tòa án, cho phép chính quyền có quyền ngăn chặn, trừng phạt phát ngôn có tính khiêu dâm, phỉ báng, tục tĩu, xúc phạm, gây hấn. Tối cao pháp viện Mỹ đã khẳng định tự do ngôn luận không có nghĩa là có quyền bịa chuyện vu khống, phỉ báng cá nhân. Ở Pháp, Đức,… các bộ luật liên quan tự do ngôn luận đều đặt ra những giới hạn, chế tài nghiêm khắc đối với hành vi lạm dụng tự do ngôn luận làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, đồng thời chống lại việc vu khống, bôi nhọ, phân biệt chủng tộc, tôn giáo, kích động bạo lực, gây hận thù, xâm phạm đời tư cá nhân… Việc bày tỏ quan điểm trên internet cũng chịu sự điều chỉnh của luật báo chí.
Ngoài ra còn có rất nhiều những quy định, quy tắc mang tính chế tài khác như Quy tắc hành nghề cho các nhà cung cấp nền tảng truyền thông xã hội trực tuyến ở Anh; Bộ Quy tắc ứng xử trên truyền thông xã hội và bình luận trực tuyến ở Australia… Không chỉ mỗi quốc gia riêng biệt, Liên minh châu Âu (EU) cũng ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên internet, Facebook, Twitter, Google cũng đã hỗ trợ thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử với cam kết bảo đảm tiếp cận nhanh chóng, đánh dấu và gỡ bỏ các phát ngôn thù địch cùng nội dung bất hợp pháp trên các nền tảng của họ. Đến năm 2020, mạng xã hội TikTok cũng đã gia nhập Bộ Quy tắc ứng xử này.
Tại Việt Nam dù đã có những quy định luật pháp cụ thể, các cơ quan chức năng đã nhiều lần khuyến cáo, và nhiều phát ngôn, hành vi vi phạm bị xử lý nghiêm khắc, song gần đây tình trạng sai phạm trong phát ngôn, bình luận, đưa tin, đề cập và bàn luận về tổ chức hoặc người khác trên một số mạng xã hội đang có chiều hướng gia tăng, thậm chí diễn ra khá phức tạp.
Trong khi nhiều người Việt Nam không phân biệt lứa tuổi, giới tính, sắc tộc, học vấn, vùng miền,… sử dụng mạng xã hội làm phương tiện kết nối với người thân, bạn bè cùng sở thích để chia sẻ, tâm sự, trao đổi, học hỏi, giúp đỡ trau dồi tri thức, truyền bá và nhân rộng các giá trị chân – thiện – mỹ,… thì vẫn còn không ít cá nhân đã ứng xử tùy tiện, thiếu văn hóa thậm chí tiêu cực trên mạng xã hội, khiến dư luận xã hội không khỏi bất bình, lên tiếng gay gắt. Dường như các công dân đó lầm tưởng mạng xã hội là nơi tự do ngôn luận không có giới hạn, không ở trong phạm vi hiệu lực của luật pháp quốc gia, không liên quan đến chuẩn mực văn hóa cộng đồng, nên họ ứng xử bất chấp luật pháp, chuẩn mực văn hóa? Rồi khi cơ quan chức năng khuyến cáo, xử lý, họ lại lớn tiếng cho rằng quyền tự do ngôn luận bị xâm phạm, tạo cớ để kẻ xấu lợi dụng vu cáo Việt Nam!
Về bản chất, khi đưa ra ý kiến, bình luận, chia sẻ nội dung,… trên mạng xã hội là tổ chức, cá nhân đã thực hiện một hành vi liên quan tự do ngôn luận. Ý kiến, bình luận, chia sẻ,… có ý nghĩa tích cực hay tiêu cực, văn hóa hay phản văn hóa, đều trực tiếp tác động đến người xem, nghe. Như vậy, hành vi nêu trên không còn ở trong giới hạn phạm vi cá nhân, mà là hoạt động cộng đồng, vì thế phải tuân thủ những giới hạn mà luật pháp cho phép. Vượt qua giới hạn đó, tổ chức, cá nhân sẽ tự đẩy mình đến chỗ vi phạm pháp luật, nên cần được khuyến cáo để tự điều chỉnh.
Vì thế việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (Bộ Quy tắc) với những tiêu chí: “tôn trọng, tuân thủ pháp luật; lành mạnh; an toàn bảo mật thông tin; trách nhiệm” là cần thiết, phù hợp. Cũng cần lưu ý, dù các tiêu chí không kết hợp yêu cầu về thưởng – phạt, chỉ là khuyến cáo nhưng từ ý thức trách nhiệm của công dân cũng như với cộng đồng, nếu mọi người tham gia mạng xã hội đều ứng xử theo tiêu chí của Bộ Quy tắc sẽ góp phần quan trọng để xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam.