Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật

PGS. TS. NGUYỄN NGỌC THIỆN

1. Những phương thức và hình thức chủ yếu mà ta đã sử dụng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực VHNT

- Những phương thức và hình thức chủ yếu để bảo vệ và đấu tranh đã được triển khai trên các lĩnh vực của VHNT. Đó là:

Về sáng tác: Nhắc nhở văn nghệ sĩ gắn bó với thực tế đời sống xã hội, nâng cao ý thức chính trị, lập trường tư tưởng phục vụ đất nước, phụng sự nhân dân, sáng tác những tác phẩm có giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao. Phê phán những khuynh hướng sáng tác lệch lạc, thoát ly đời sống hiện thực, đi sâu vào cái tôi cá nhân và chủ nghĩa hình thức, xem VHNT chủ yếu để thực hiện chức năng giải trí, là một trò chơi, thử nghiệm một cuộc chơi cho thấy “bản lĩnh, cá tính” độc đáo của nghệ sĩ là chính (?)

- Về lý luận, phê bình: Coi trọng công tác lý luận, phê bình trên nền tảng của tư duy mỹ học Mácxít - Lêninnít, đường lối văn hóa- văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật… nhằm định hướng các hoạt động sáng tạo, tiếp nhận, quảng bá tác phẩm VHNT đến với đông đảo quần chúng, góp phần xây dựng con người mới, phát triển và ổn định xã hội văn minh, theo các mục tiêu của Chân, Thiện, Mỹ.

Tổ chức các hội thảo, tranh luận học thuật trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng (internet, mạng xã hội) để trao đổi làm rõ những vấn đề bức xúc đang đặt ra cho sự phát triển VHNT, phê phán những biểu hiện sai trái lệch lạc (thơ của nhóm Mở miệng, Luận văn của Nhã Thuyên; khuynh hướng phủ nhận thành tựu của văn nghệ cách mạng; đề cao sự tự trị độc lập tuyệt đối của VHNT thoát ly sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; chú mục những tìm tòi thiên về hình thức thuần túy; cổ xúy cho sự thành lập các tổ chức xã hội dân sự trong VHNT: văn đoàn Việt Nam độc lập, hội nhà báo Việt Nam độc lập, các hội VHNT chỉ cần là những tổ chức xã hội- nghề nghiệp đặc thù không liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước…

- Tăng cường, phát huy, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đảng lãnh đạo VHNT bằng đường lối, thông qua đường lối và sự lãnh đạo của tổ chức Đảng các cấp. Từng bước hoàn thiện đường lối văn hóa, văn nghệ từ Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) đến các Nghị quyết, Chỉ thị, Cương lĩnh… ban hành trong các giai đoạn lịch sử của cách mạng, đảm bảo sự nhất quán và tiếp tục phát triển, bổ sung đáp ứng yêu cầu của tình hình mới trong nước và quốc tế. Nâng cao văn hóa Đảng, gắn việc xây dựng và phát triển văn hóa với việc xây dựng Đảng như một nhiệm vụ then chốt, đảm bảo cho Đảng hoàn thành sứ mệnh trong lãnh đạo văn hóa, văn học nghệ thuật- lĩnh vực chủ yếu của văn hóa, tinh tế và phức tạp.

Các tổ chức của nhà nước phải quan tâm đến việc ban hành các chế độ, chính sách, cải tiến cơ chế quản lý, triển khai các Nghị quyết của Đảng về VHNT trở thành những nguồn lực thúc đẩy xã hội phát triển, hoàn thiện nhân cách con người.

Tăng cường đầu tư cho văn hóa, VHNT, xem đó là đầu tư cho sự phát triển.

- Trong công tác tổ chức, đào tạo, cán bộ phải chú ý bố trí cán bộ các cấp, đặc biệt cán bộ cấp chiến lược vào các vị trí phù hợp để họ phát huy trình độ và năng lực trong lãnh đạo, điều hành và quản lý sự nghiệp VHNT đạt kết quả.

Trong các cơ sở đào tạo, chú ý đến xây dựng chương trình học tập, giáo dục các kiến văn về văn học, nghệ thuật, nâng cao lòng tự hào về văn hiến, văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đào tạo các thế hệ công dân và các lớp cán bộ kế cận, hội nhập văn hóa Việt Nam với văn minh nhân loại (đào tạo cán bộ ở trong nước, đào tạo ở nước ngoài; trao đổi chuyên gia đầu ngành trên phạm vi quốc tế và khu vực…).

Thực hiện sự đoàn kết rộng rãi các lực lượng tham gia vào công cuộc xây dựng văn hóa, VHNT của đất nước, không phân biệt thành phần xuất thân, dân tộc đa số hay thiểu số, người Việt trong nước, hay ở nước ngoài.

Thực hành đoàn kết, đại đoàn kết, khoan dung văn hóa, như lời Bác Hồ: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác, đều dòng dõi của Tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”(1).

Chủ trương hòa hợp dân tộc, không thành kiến với quá khứ của con người, vẫn trân trọng tinh thần dân tộc của kiều bào trí thức, văn nghệ sĩ, chúng ta vẫn cho in lại những tác phẩm lành mạnh có giá trị nhân bản của họ xuất bản ở miền Nam giai đoạn 1954- 1975; những tác phẩm họ mới viết, và thu hút họ như những cộng tác viên gần gũi trên chiến tuyến xây dựng và bảo vệ văn hóa dân tộc, hướng về đất nước thống nhất (các trường hợp: Nam Dao, Nguyễn Văn Tùng ở Canada, Nguyễn Mộng Giác, Thu Tứ, Hoàng Duy Hùng ở Mỹ…).

2. Những khó khăn, thách thức đặt ra từ thực trạng, phương thức và hình thức bảo vệ, đấu tranh

- Chúng ta đang ở thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong bối cảnh quốc tế phức tạp với những xung đột quốc gia, khu vực, nhóm lợi ích về: chủ quyền lãnh thổ, lợi ích kinh tế, trình độ phát triển, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, môi trường sinh thái, nhân quyền, quyền dân tộc tự quyết…

Cuộc cách mạng 4.0 đưa con người bước vào kỷ nguyên số trong một “thế giới phẳng”, với sự lên ngôi của văn hóa- nghe nhìn, internet, các phương tiện truyền thông xã hội (mạng xã hội). Bên cạnh thiết chế quyền lực của các chính phủ quốc gia, là các quyền lực “mềm” của báo chí (quyền lực thứ tư), của các phương tiện truyền thông thuộc không gian mạng (quyền lực thứ năm) đã chi phối tư tưởng, hành động, các quan hệ của con người với thiên nhiên, với xã hội và với đồng loại.

Mặt khác, trong lịch sử dựng nước mấy ngàn năm, ở vị thế một quốc gia bán đảo trên ngã ba đường khu vực Đông Nam Á, phải kiên trì đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, với các thế lực ngoại xâm hùng mạnh để bảo vệ nền độc lập dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc, quốc gia Việt Nam bước vào lịch sử hiện đại có phần chậm hơn một số quốc gia khác. Trong đó, một số nét của tâm lý truyền thống của dân tộc tích tụ tự bao đời sẽ là cản trở ít nhiều trên con đường hiện đại hóa: thói cầu an, “dĩ hòa vi quý”, “chín bỏ làm mười”, “đóng cửa bảo nhau”, duy tình, vụ lợi và thiển cận…

Truyền thống nhân ái, trọng nghĩa tình, đùm bọc trong cộng đồng là những nét đẹp của truyền thống dân tộc, ngày nay vẫn cần tiếp tục phát huy; song những nét tâm lý dân tộc nói trên lại là một điểm yếu, ngăn cản người ta vươn tới một xã hội hiện đại cần đề cao cả hai mặt: cảm tính và lý tính; tôn trọng đạo đức, nhân cách lương thiện nhưng cũng cần thượng tôn lẽ phải, pháp luật. Tư duy phản biện, theo đuổi lý trí để nói thẳng, rốt ráo, cạn lẽ, nói đến cùng ý kiến cá nhân về một vấn đề cần tranh luận, còn là một vấn đề chúng ta phải làm quen dần trong trao đổi học thuật, đấu tranh tư tưởng, cọ sát các quan điểm khoa học, nhân sinh. Phần nhiều, trong tranh luận, người ta có phần e ngại khi bị đối phương xem mình là người hiếu thắng, ưa lý sự đúng sai huỵch toẹt, mà thường nhũn nhặn chỉ tự giới hạn trong khuôn khổ nhận diện ý kiến, quan điểm của hai bên mà thôi, còn phải trái ra sao hãy chờ công luận phán xét, phân định (!)

Vì vậy, trong đấu tranh tư tưởng, thực hiện “tự phê bình và phê bình” một cách đầy đủ không phải là điều bao giờ cũng dễ dàng. Người ta có thể tự phê bình, tự chỉ trích bản thân, không ngần ngại sám hối về những sai lầm, khuyết điểm của bản thân (như trong các cuộc chỉnh huấn, hội nghị kiểm điểm), nhưng còn phê bình người khác ư, thì thật là khó, bởi e mất lòng nhau, “cạn tình, đoạn nghĩa”, làm mất mặt nhau thì đâu còn lối đi lại nữa. Bởi thế thường né tránh đấu tranh, phê bình nhau, hoặc làm qua quýt cho xong, cho có lệ.

Và không phải ngẫu nhiên trong Thi nhân Việt Nam 1932-1941, đối với Hoài Thanh “cái điều tôi ngại nhất là sẽ mang tên nhà phê bình. Hai chữ phê bình sao nghe nó khó chịu quá! Nó khệnh khạng như một ông giáo gàn. Bình thì cũng còn được Nhưng phê. Sao lại phê?” Và ông băn khoăn về nghệ danh gọi mình, phải chăng là nên gọi là tiểu luận gia, như gợi ý của học giả Đào Duy Anh?(2)

Nhưng với Bác Hồ thì khác. Người luôn luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “khéo dùng cách phê bình và tự phê bình”, “không để mặc kệ. Mà ra sức đấu tranh sửa chữa những khuyết điểm, không để nó phát triển ra, không để nó có hại cho Đảng”. Muốn vậy, phải dũng cảm “phân tích rõ ràng cái gì đúng, cái gì sai”, “phê bình mình cũng như phê bình người khác phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”. “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất…”(3).

Đó là những vấn đề nguyên tắc trong đấu tranh tư tưởng, trong phê bình và tự phê bình được Bác Hồ chỉ ra mà chúng ta cần quán triệt thực hiện tốt hơn nữa để hoàn thành có kết quả công việc, nhiệm vụ của mình.

3. Đề xuất ý tưởng vĩ mô và những nội dung cụ thể về phương thức mới, hình thức mới trong bảo vệ, đấu tranh

- Cần có chiến lược và sách lược trước mắt cũng như lâu dài để triển khai công việc này. Tăng cường đầu tư của Nhà nước để tổ chức bộ máy với các trang thiết bị, nhân sự có trình độ chuyên nghiệp cao, làm chủ các kỹ thuật hiện đại về thông tin và truyền thông do cách mạng 4.0 đem lại.

Phải xem rằng, trong kỷ nguyên số, bên cạnh vẫn tiếp tục huy động sự tham gia của báo chí, sách, tài liệu in giấy thì môi trường mạng đang ngày càng trở thành mặt trận chính trong cuộc đấu tranh ý thức hệ chống lại, phản bác những luận điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn ảnh hưởng xấu của chúng về “diễn biến hòa bình”, “tự chuyển hóa”, thoái hóa, biến chất vào trong nội bộ ta.

- Làm chủ và có kế hoạch tốt điều hành báo chí in chính (Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ Công an, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Đại đoàn kết, Tạp chí Cộng sản, Người đại biểu nhân dân, các báo của các tổ chức quần chúng, tổ chức chính trị- xã hội… phối hợp với mạng xã hội làm tốt công tác thông tin và công tác tuyên truyền, thực hành chức năng tư tưởng cùng với chức năng thông tin. Đặt lên hàng đầu tính chân thực, khách quan, xác thực, thực tiễn, cập nhật kịp thời của hoạt động thông tin tuyên truyền định hướng rõ ràng.

- Vừa đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch làm rõ đúng/sai về nhận thức, quan điểm, vừa chú trọng nêu gương những điển hình tốt, tiên tiến nhằm khơi dậy tính tích cực của xã hội, làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, giúp vào việc tăng cường sức đề kháng trước tác động tiêu cực của thông tin xấu, độc hại trên internet, mạng xã hội.

- Kiện toàn bộ máy tham mưu giúp việc, và bộ phận điều phối thông tin, hệ thống thư điện tử bảo mật, “ngân hàng” cơ sở tư liệu chung… để thực thi nhiệm vụ một cách thường trực, hệ thống, có hiệu quả nhất.

- Đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành, liên báo trong đào tạo và trọng dụng đội ngũ biên tập viên, cộng tác viên có trình độ nhận thức, chuyên môn và nghiệp vụ căn bản và chuyên sâu tốt, những nhà tư tưởng, những cây bút chính luận sắc sảo có khả năng đấu tranh kịp thời, có sức thuyết phục bởi lý lẽ xác đáng, tư cách đảm bảo, uy tín xã hội cao.

- Tăng cường các chuyên mục và các thể tài báo chí phù hợp như bình luận, tư liệu, tiểu phẩm… viết ngắn gọn, sinh động, có phong cách, dấu ấn nghệ thuật riêng của tác giả. Trong đó tập trung nêu và giải quyết gọn một vấn đề cụ thể, bức xúc, cập nhật với cách trình bày lôi cuốn, hấp dẫn, gợi mở vấn đề để đông đảo công chúng cùng theo dõi, tham gia bàn luận, hưởng ứng làm theo.

- Đảm bảo văn hóa trong tranh luận, thông tin, bình luận. Tránh thói “tự cao cộng sản” luôn luôn xem mình là đúng, chụp mũ người khác, dùng ngôn ngữ đao to búa lớn, đả kích thô thiển, phản cảm, thiếu sức thuyết phục cộng đồng. Cần phải thẳng thắn mà chân tình, có lý, có tình khiến người nghe, người đọc phải “tâm phục, khẩu phục” được cảm hóa.

 

N.N.T

 

 

 

 
 
 

 


(1) “Thư gửi đồng bào Nam bộ trước khi sang Pháp đàm phán”, 31.5.1946. Trong: Hồ Chí Minh- Về độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, H., 1970, tr.65-66.

(2) Hoài Thanh- “Nhỏ to”  trong Thi nhân Việt Nam (1932-1941), Nxb. Văn học tái bản, H., 1989, tr.374-375.

(3)  X.Y.Z- Sửa đổi lối làm việc, xuất bản lần thứ 7, Nxb. Sự thật, H., 1959, tr.8, tr.47.

Các tin khác:

1-5 of 21<  1  2  3  4  5  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter