Xây dựng Đảng mạnh từ gốc - Thực tiễn sinh động của Yên Bái - Bài 2: Đi trước về tư duy, quyết liệt trong hành động

 Vận hành công tác xây dựng Đảng, Yên Bái đã có những bước đi tiên phong và sáng tạo trong cách làm; thể hiện rõ tư tưởng “trọng cơ sở” và hành động hướng về cơ sở - dồn sức lãnh đạo và ưu tiên các nguồn lực giúp tổ chức cơ sở đảng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Lãnh đạo Thị ủy, UBND thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) thăm mô hình kinh tế hiệu quả cao trên địa bàn

>>Xây dựng Đảng mạnh từ gốc - thực tiễn sinh động của Yên Bái - Bài 1: Mạnh từ mỗi tế bào của Đảng

 

"Đi tắt đón đầu” về tư duy

"Mỗi chi bộ mạnh, tổ chức cơ sở đảng mạnh thì Đảng bộ tỉnh Yên Bái sẽ mạnh. Bởi vậy, ngay từ sớm, Tỉnh ủy đã đặc biệt quan tâm, chăm lo, ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương, giải pháp lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh”-đồng chí Chu Đình Ngữ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định. Nói rồi, đồng chí đưa cho chúng tôi xem Nghị quyết số 37-NQ/TU ngày 20-4-2021 về "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, trọng tâm là cấp ủy cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” như để minh chứng cho ý kiến của mình.

Quả thật, khi nghiên cứu Nghị quyết 37, rất dễ để cảm nhận được tinh thần chủ động, đi trước đón đầu cả về tư duy, ý chí và hành động của đội ngũ lãnh đạo tỉnh Yên Bái trong nỗ lực chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nhằm hiện thực hóa quan điểm: Xây dựng Đảng vững mạnh từ gốc! Cách làm này thật sự mang đến sự khác biệt, khẳng định rõ tinh thần sáng tạo, bởi tính từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, chỉ ít địa phương trong cả nước chủ động xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng tổ chức cơ sở đảng như ở Yên Bái. Cơ quan chức năng của Ban Tổ chức Trung ương cũng đánh giá, ghi nhận về việc Yên Bái đi trước nhiều nơi, kể cả với cấp trên trong việc hoạch định chủ trương lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng; thể hiện rõ tư tưởng trọng cơ sở và nhất quán nhận thức về vị trí, vai trò công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt-nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng hàng đầu.

Sự quan tâm, tâm huyết dành cho công tác xây dựng Đảng ở đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp của Yên Bái một lần nữa được thể hiện sinh động thông qua chuyến khảo sát của Báo Quân đội nhân dân tại địa phương này. Để cung cấp chất liệu cho loạt bài viết, riêng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã dành trọn hai buổi chiều làm việc với đoàn công tác vào thời điểm bắt đầu và kết thúc chuyến khảo sát dài ngày. Không khí làm việc rất cởi mở nhưng cũng hết sức nghiêm túc, với tinh thần nói thẳng, nói thật, nói cho bằng hết những cái được và chưa được. Khi chúng tôi đặt vấn đề về sự "ưu ái thời gian” của lãnh đạo tỉnh, đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái vui vẻ giải thích: "Khi bàn về công tác xây dựng Đảng mà Bí thư Tỉnh ủy, bí thư cấp ủy thiếu quan tâm, không nhiệt huyết vào cuộc, không trăn trở, tâm huyết thì công tác xây dựng Đảng ở địa phương ấy, nơi ấy liệu có thực chất?”.

Và có lẽ, tinh thần đó của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trao truyền, lan tỏa đến đội ngũ bí thư cấp ủy các cấp. Suốt dọc dài núi rừng hùng vĩ, đến với 4 đảng bộ huyện, thị xã; 3 đảng bộ ban, sở, ngành; 9 đảng bộ xã, phường và hàng chục chi bộ thôn, bản, ở bất cứ đâu, các đồng chí bí thư cùng nhiều đồng chí trong cấp ủy các cấp đều dành thời gian để chia sẻ thông tin, cùng đi về thôn, bản, đến với dân để khảo sát, kiểm tra mọi mặt công tác xây dựng Đảng.

Chính từ việc thống nhất nhận thức và quyết liệt hành động chăm lo công tác xây dựng Đảng một cách chủ động, tâm huyết, trách nhiệm của những người đứng đầu đã tạo sức lan tỏa sâu rộng đến mọi cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị, tầng lớp nhân dân. Không có bất kỳ ai đứng ngoài, vô can, vô cảm, vô trách nhiệm đối với công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Yên Bái. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, vị trí công tác, từng tổ chức, cán bộ, đảng viên, người dân phải có sản phẩm đóng góp xây dựng Đảng một cách cụ thể, thiết thực; được lượng hóa, trở thành tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên; là tiêu chí bình xét thi đua yêu nước đối với mỗi tổ chức, cá nhân.

Nỗ lực trong công tác xây dựng Đảng được thể hiện rõ bằng tư duy lãnh đạo xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ đại hội và các thế hệ lãnh đạo tỉnh Yên Bái, với yêu cầu ngày càng cao, giải pháp ngày càng quyết liệt, đồng bộ. Theo đó, Đảng bộ tỉnh Yên Bái xác định: Muốn đưa địa phương bứt phá đi lên mạnh mẽ thì việc quan trọng hàng đầu là phải làm tốt công tác xây dựng Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đảng bộ có vững mạnh thì mới có đường lối đúng, đủ sức lãnh đạo để sự nghiệp đổi mới đi đến thành công; đội ngũ cán bộ có chất lượng thì mới "chèo lái” được thực tiễn đa dạng và phong phú; làm hạt nhân kết nối sức mạnh đoàn kết các dân tộc; hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển, đổi mới.

Minh chứng là, ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, tỉnh tập trung mọi nỗ lực nhằm quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội; trong đó phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng Yên Bái "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”; đến năm 2025 trở thành tỉnh khá, năm 2030 là tỉnh phát triển ở nhóm tốp đầu khu vực Tây Bắc. Trong 19 chỉ tiêu chủ yếu được đại hội xác định có 2 chỉ tiêu về công tác xây dựng Đảng. Và để đạt được mục tiêu trên, Yên Bái đưa ra 3 đột phá chiến lược, 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là về công tác xây dựng Đảng. Trong chương tình hành động, Đảng bộ tỉnh Yên Bái xác định rõ từng nhiệm vụ, chỉ tiêu, lộ trình (thời gian) hoàn thành các nội dung, phần việc, lĩnh vực của công tác xây dựng Đảng; trong đó, dung lượng hành động xây dựng tổ chức cơ sở đảng rất rõ ràng, phân công cụ thể đến từng đầu mối các đảng bộ trực thuộc, với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, toàn diện.

Hướng về cơ sở và hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành 11 nghị quyết chuyên đề, trong đó nghị quyết đầu tiên là về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng. Ban Thường vụ ban hành 47 nghị quyết, chỉ thị; HĐND, UBND ban hành 41 đề án, chính sách đã bao trùm hầu khắp các lĩnh vực và tất cả các văn kiện, văn bản này đều thể hiện rất rõ tinh thần của các cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương là: Xây dựng Đảng không phải là vấn đề chung chung, trừu tượng, mà phải được cụ thể hóa, thể chế hóa, lượng hóa tất cả các chỉ tiêu, mục tiêu cần đạt được. Có nghĩa là phải "chốt” được đầu việc cần làm, cần tập trung sức lãnh đạo để bứt tốc, góp phần hoàn thành nhiệm vụ "then chốt” của Đảng.

Ví như, cụ thể hóa 6 nhiệm vụ xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng bộ tỉnh Yên Bái chọn trọng tâm, trọng điểm cho từng nhiệm vụ để cụ thể hóa sát với thực tiễn cơ sở, rồi xác định các nhóm chủ trương, giải pháp cụ thể: Tăng cường sự lãnh đạo về công tác đảng viên; về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vấn đề thực hiện văn hóa đạo đức trong Đảng; việc thực hành nêu gương của cán bộ, đảng viên... Cùng với đó, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng còn được cụ thể hóa thành các đề án cụ thể: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng chi bộ kiểu mẫu; nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ; phát triển chi bộ thôn, bản; tạo nguồn, phát triển cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số...

Giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm

Điểm ấn tượng trong chuyến công tác lần này là khi trao đổi với chúng tôi, từ Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đến bí thư các huyện ủy, đảng ủy xã đều nhắc đến việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc. Trong đó, các cấp nhấn mạnh yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo phải cụ thể, rõ người, rõ việc, gắn với kết quả và sản phẩm cụ thể cho từng cấp, từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị và cá nhân người đứng đầu.

Được biết, từ năm 2018 đến nay, hằng năm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái đều ban hành các chương trình hành động về thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, với các nhiệm vụ, chỉ tiêu toàn diện trên các lĩnh vực: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo, an sinh xã hội... theo chủ đề của từng năm và thực hiện cơ chế lãnh đạo theo hướng "giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”. "Có nghĩa, khi triển khai một nghị quyết, một chủ trương, nội dung, lĩnh vực, nhiệm vụ lãnh đạo, cấp ủy đảng sẽ phân công, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng tổ chức, cá nhân có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kiến nghị, đề xuất giải pháp kế tiếp để chủ trương, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Đặc biệt, cùng với giao nhiệm vụ, cấp ủy và cơ quan có thẩm quyền đồng thời "khoán sản phẩm” một cách công khai, minh bạch cho từng tổ chức, cá nhân, với đầy đủ các tiêu chí về chất lượng, tiến độ, lộ trình cụ thể...”-đồng chí Lê Trí Hà, Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ giải thích.

Nhất trí với ý kiến của cấp dưới, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng: "Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay cần theo hướng cụ thể hóa, trước hết việc xây dựng nghị quyết phải cụ thể. Đảng không làm thay chính quyền nhưng việc giao nhiệm vụ của Đảng phải đúng người, đúng việc, rõ người, rõ việc, có sản phẩm đầu ra, có người chịu trách nhiệm. Bất cứ nơi nào khó, vướng, gặp các yếu tố khách quan thì cử cán bộ về giúp đỡ, giao khoán việc rõ ràng”.

Khảo sát ở huyện Văn Chấn cho thấy, việc giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc, có sản phẩm đầu ra được thể hiện khá sinh động từ một số trường hợp thuộc diện luân chuyển cán bộ. "Sản phẩm đầu ra” chính là sự phát triển đột phá của những địa phương mà trước đó thuộc diện đặc biệt khó khăn hoặc thuộc nhóm "trung bình” nhưng thiếu tiềm năng, triển vọng bứt phá.

Tháng 1-2019, đồng chí Phạm Nguyên Bình đang là Phó chánh văn phòng Huyện ủy Văn Chấn, được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lương, với "đầu bài” được Huyện ủy đặt ra là trong vòng 3 năm phải đưa Sơn Lương cán đích nông thôn mới. Nếu hoàn thành "sản phẩm” theo "đơn khoán" của tổ chức thì tập thể Huyện ủy sẽ xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền bố trí đồng chí Bình phát triển lên vị trí cao hơn, phù hợp với năng lực, sở trường.

Khi đồng chí Phạm Nguyên Bình về nhận nhiệm vụ mới, xã Sơn Lương mới chỉ đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới. Bấy giờ, đồng chí gặp vô số khó khăn khi chưa nắm thật chắc địa bàn; chưa rõ các mối quan hệ công tác; chưa hiểu sâu kỹ đặc điểm, trình độ, nền nếp công tác của cán bộ địa phương. Để lấp những "khoảng trống” đó, đồng chí tăng cường bám cơ sở, làm quen, nắm bắt tình hình từ xã đến thôn, từ hệ thống chính trị tới từng hộ, từng người dân.

Khó khăn khách quan nảy sinh, thời điểm đồng chí Phạm Nguyên Bình về nhận nhiệm vụ mới cũng là lúc xã Sơn Lương vừa hứng chịu đợt mưa lũ khiến 3 người chết, 7 người bị thương, 15 nhà bị trôi, sập hoàn toàn... Vượt lên tất cả, Bí thư Đảng ủy Phạm Nguyên Bình đã cùng tập thể cấp ủy tìm đất tái định cư cho bà con; rà roát, di dời các hộ dân ở vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn; tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ, từng bước ổn định cuộc sống cho nhân dân. Từ đó, khu tái định cư cho hơn 40 hộ dân dần hình thành, với đường giao thông, điện, nước sạch đầy đủ. Đồng thời, nhờ tạo được sự đồng thuận, đồng lòng, đoàn kết trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nông thôn mới ở Sơn Lương ngày càng rõ hình hài. Đến tháng 9-2021, xã hoàn thành 19/19 tiêu chí và đến tháng 10 cùng năm, Sơn Lương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ghi nhận sự phấn đấu, cống hiến, trưởng thành của Phạm Nguyên Bình, tháng 1-2022, đồng chí được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn.

Đồng chí Bùi Thị Doan cũng là "nhân vật chính” trong một câu chuyện tương tự. Từ vị trí Giám đốc Trung tâm Thông tin huyện Văn Chấn, sau khi được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Tú Lệ, chị đã góp phần đưa địa phương này từ một xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới, đồng thời trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch của Yên Bái nói chung, Văn Chấn nói riêng. Hiện nay, chị đã được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Sơn Thịnh; được công tác trên địa bàn gần gia đình như lời hứa của các đồng chí lãnh đạo huyện đã "giao kèo” với chị trước khi về Tú Lệ nhận công tác.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp cá biệt không hoàn thành nhiệm vụ, không có hoặc không đủ "sản phẩm” như tổ chức giao phó thì việc luân chuyển cán bộ có thể phải "đi ngang” hoặc "đi xuống”. Có nghĩa, trước khi luân chuyển, cán bộ giữ vị trí công tác khá cao, nhưng sau khi đi cơ sở rồi trở về, cơ quan chức năng chỉ bố trí vị trí tương đương, thậm chí là thấp hơn vị trí trước khi luân chuyển. Theo đồng chí Mai Mộng Tuân, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn

Chấn, thì ở Đảng bộ địa phương đã có những trường hợp như thế. Dù đó là câu chuyện chẳng ai mong muốn, nhưng Huyện ủy Văn Chấn phải vận hành nghiêm túc, thể hiện rõ sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; góp phần cảnh tỉnh những cán bộ khác, buộc họ phải quyết tâm và phấn đấu không ngừng.

Với nỗ lực rèn luyện cán bộ bằng thực tiễn, đồng thời hỗ trợ, tăng cường nguồn nhân lực cho cơ sở, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, từ nhiệm kỳ đại hội đảng bộ cấp cơ sở 2020-2025 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Trấn Yên đã thực hiện luân chuyển 9 cán bộ chuyên trách về xây dựng Đảng đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng ủy các xã: Báo Đáp, Tân Đồng, Quy Mông, Y Can, Vân Hội, Việt Cường, Hưng Khánh, Hưng Thịnh và thị trấn Cổ Phúc... Tương tự, tại huyện Văn Yên, đồng chí Vũ Minh Huê, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết, Đảng bộ địa phương thực hiện luân chuyển đối với 23 đồng chí cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, trong đó từ huyện xuống xã 13 đồng chí, từ xã sang xã 10 đồng chí. Tuy thời gian chưa dài, song công tác luân chuyển cán bộ được cán bộ, đảng viên và nhân dân khẳng định là chủ trương đúng, hợp lý và đạt được những kết quả tích cực. 

Vì có "giao nhiệm vụ” và "khoán sản phẩm” cụ thể, rõ ràng, nên đội ngũ cán bộ được luân chuyển không ngừng nỗ lực, từng bước trưởng thành, thể hiện được năng lực, sở trường, tích lũy được kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra; vừa góp phần tháo gỡ những khó khăn trong công tác cán bộ, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, vừa góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Yên Bái thực hiện luân chuyển 189 lượt cán bộ. Công tác luân chuyển cán bộ được gắn với công tác nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và nhân sự HĐND, UBND nhiệm kỳ 2021-2026, nhằm tạo sự chủ động, chặt chẽ và nâng cao chất lượng nguồn cán bộ, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ.

 

(còn nữa)

 

(Theo QĐND) 

Các tin khác:

1-5 of 22<  1  2  3  4  5  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter