NGỌC BÁI
Đội ngũ sáng tác và biểu diễn âm nhạc của Yên Bái hầu hết trưởng thành từ phong trào ca hát quần chúng. Từ thực tiễn cuộc sống, do sự vận động tự thân phi chuyên nghiệp, một số người đã rèn luyện và khổ công sáng tạo, trở thành tác giả, viết nên một số ca khúc được công chúng biết tới qua các phương thức truyền bá của địa phương và một số tác phẩm đã vượt qua biên giới cấp tỉnh. Lĩnh vực biểu diễn đã có một số nghệ sĩ được công chúng biết đến.
Lĩnh vực sáng tác, chủ yếu là ca khúc, các tác giả đã gắn bó với vùng đất đang sống để tạo nên những tác phẩm mang dấu ấn của vùng quê. Điều đó không chỉ thể hiện qua việc kể tên các địa danh, mà vượt lên, đó là hồn cốt, bản sắc mang dấu ấn văn hóa của dân tộc.
Một số tác giả đã có thành tựu trong sáng tác ca khúc của địa phương. Đã có những tác phẩm gắn với tên tuổi của tác giả. Nhắc đến tên tác phẩm là người ta nhở ngay tên nhạc sĩ. Có rất nhiều ví dụ về điều này. Trước đây, nhắc tới “Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên” hoặc “Về lại bến xưa” (thơ Địch Ngọc Lân) là mọi người nhớ ngay tới cố nhạc sĩ Ngọc Quang; nhắc tới “Tiếng chim queng qui” hay “Đêm Mường Lò” (thơ Vũ Quý) là người ta nhắc ngay đến cố nhạc sĩ Thanh Bình. Các tác giả qua tác phẩm đã khẳng định lao động nghệ thuật của mình, nhắc tới Dương Nhâm là mọi người nhớ tới “Tiếng hát giữa rừng biên cương”, “Tình yêu cô gái Dao”… Nhắc tới Bùi Huy Mai là nhắc tới “Đi chợ Mường Lò”; Hoàng Công Dung với “Suối Giàng ngàn xuân”; Âu Văn Hợp với “Yên Bái mưa”…
Đội ngũ sáng tác tuy ít, nhưng mỗi người đã đóng góp cho âm nhạc bằng chính tác phẩm tâm huyết. Những tác giả âm nhạc trở nên quen thuộc với công chúng của địa phương. Một số tác phẩm của họ đã đi vào đời sống ca hát của công chúng.
Qua các trại sáng tác âm nhạc do địa phương tổ chức, qua thực tiễn sáng tác, đã làm nên tên tuổi một số tác giả, ngoài những tác giả đã kể tên trên, đã thấy rõ: Đoàn Ngọc Bình, Quách Mạnh Hùng, Hoàng Xô, Xuân Vệ. Mỗi tác giả đang “thâm canh” trên mảnh đất sáng tạo của mình. Đoàn Ngọc Bình gắng làm mới mình bằng ngôn ngữ giai điệu, tạo cảm giác phiêu bồng. Quách Mạnh Hùng kiên trì lối viết trên cảm hứng sẵn có của dân ca. Hoàng Xô đắm đuối trong tìm tòi các bài thơ trữ tình để phổ thành ca khúc. Xuân Vệ chú mục cho những cảm xúc bất chợt, tạo nên những ca khúc mới mẻ. Bằng sự say mê ban đầu, các tác giả Kim Phụng, Lê Minh…đang chạy đua với thời gian, tích cực cho ra đời những đứa con tinh thần, mong muốn đóng góp cho nền ca khúc còn rất khiêm tốn của Yên Bái.
Lĩnh vực biểu diễn và đào tạo, đã có các hội viên chuyên ngành. Tuy nhiên, lĩnh vực này các diễn viên hoạt động rất tùy thuộc vào nhiệm vụ của Đoàn Nghệ thuật và của Nhà trường, cho nên chưa tạo nên sinh khí cần thiết cho sinh hoạt ca hát nảy nở.
Các sinh hoạt ca hát quần chúng cũng tạo nên một số hạt nhân biểu diễn ở cơ sở. Nhưng do không phải là hoạt động thường xuyên, lại do khó khăn tài chính, nên phong trào còn mờ nhạt, không tạo được những “ngôi sao” trong biểu diễn, dẫu chỉ là ngôi sao cấp địa phương.
Việc quảng bá của Đài Phát thanh – Truyền hình cũng có đóng góp nhất định cho hoạt động biểu diễn các ca khúc. Đài đã nhiều lần tổ chức thành công cuộc thi “Tiếng hát phát thanh – Truyền hình Yên Bái”. Đây là hoạt động định kỳ, các giọng tốt được giải trong các kỳ thi đã trở thành nòng cốt trong phong trào ca hát, nhưng không phải ai cũng có khả năng gắn bó với phong trào.
Bằng truy cầu tự thân, Yên Bái đã ra đời “chi hội Nhạc sĩ Việt Nam” (2010), khởi đầu với 5 Hội viên, ở các lĩnh vực: sáng tác, đào tạo và biểu diễn. Chi hội cũng đã có các hoạt động hằng năm tham gia các Liên hoan ca nhạc khu vực do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Tuy nhiên, những hạn chế do điều kiện vật chất, chi hội chỉ mới làm được bổn phận tổ chức tập hợp đội ngũ, các hoạt động hoàn toàn trông chờ ở sự cố gắng của từng Hội viên.
Do điều kiện tối thiểu và khả năng tự tại, phần khí nhạc hầu như còn rất mờ nhạt. Một số anh em được đào tạo từ nhạc viện chính qui chưa phát huy được vốn kiến thức tu nghiệp.
Hoạt động âm nhạc là lĩnh vực khó làm. Một ca khúc ra đời phải qua nhiều công đoạn: sáng tác, phối khí, nhạc công và người biểu diễn, người thu âm… mới hoàn thiện được tác phẩm. Người hoạt động âm nhạc phải có “thực lực”. Cho nên, rất cần sự hợp tác của các cá nhân và đơn vị chức năng. Điều đó rất cần một cơ chế, ít ra không làm cho các tác giả mất hào hứng trong sáng tác, đóng góp cho hoạt động âm nhạc của địa phương.
Ngày Âm nhạc Việt Nam, 3/9/2012
NGỌC BÁI