Kiến trúc nông thôn Việt Nam – Phát triển và hội nhập

Nông thôn Việt Nam trải dài từ Bắc đến Nam, từ đồng bằng ven biển đến trung du miền núi, hải đảo với dân số chiếm hơn 65 % dân số cả nước – là nơi tạo ra hầu hết những giá trị văn hóa kiến trúc mang bản sắc văn hóa Việt, vẫn còn được lưu giữ trong các cấu trúc quần cư làng bản buôn truyền thống, trong các kiến trúc dân gian. Đó là những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng cần được bảo tồn và phát huy của các vùng, miền, của dân tộc Việt trong quá trình phát triển và hội nhập.

Kiến trúc nông thôn đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thể hiện ở Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008, của BCHTW khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết 26, cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đã thực sự là một cơ hội lớn và thúc đẩy sự thay đổi trên nhiều mặt ở các vùng nông thôn, tạo nên những đột phá trong lịch sử phát triển nông thôn ở Việt Nam từ trước và sau đổi mới.

Nhà ở ven sông hoặc kênh rạch thường là nhà tạm sử dụng vật liệu thiếu bền chắc

Mô hình phát triển nông thôn mới (NTM) gắn với quá trình ĐTH, HĐH, CNH; Nhiều mô hình Làng văn hóa du lịch, Làng NTM với mỗi xã một sản phẩm theo chương trình OCOP, xuất hiện ở các địa phương. Ý thức giữ gìn bảo tồn làng nghề, nhà cổ, chăm sóc cảnh quan nông thôn (đường hoa, bích họa,…), phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với kinh tế du lịch được quan tâm. Hơn 50 % trong số 4.662 xã trong cả nước đạt chuẩn NTM.

Kiến trúc công trình công cộng (CTCC) hầu như được quan tâm đầu tư và phủ kín các hạng mục (Trường học, trạm y tế, UBND, Nhà văn hóa,…) tại các thôn xã. Bên cạnh các kiểu nhà ở dân gian truyền thống, làng truyền thống, xuất hiện nhiều hình thức kiến trúc mới với vật liệu kiểu dáng hiện đại. Đặc biệt, một số cấu trúc quần cư và mẫu nhà dân gian truyền thống đã được phát huy và tạo nên những giá trị mới trong các mô hình làng du lịch, làng văn hóa, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng (nhà sàn của các dân tộc Thái, Mường, Tây Nguyên; nhà 3 gian hoặc 5 gian với nhiều chái của các vùng đồng bằng, nhà nổi và nhà miệt vườn ĐBSCL…).

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng sử dụng, lối sống văn minh hiện đại và phát triển bền vững, và đặc biệt duy trì, phát huy các giá trị mang bản sắc văn hóa đặc trưng vùng miền chưa thực sự được chú trọng từ tổ chức không gian quần cư đến kiến trúc CTCC và nhà ở nông thôn.

Mô hình ở, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, mật độ xây dựng, theo lối đô thị thiếu chọn lọc, đang từng ngày hiện hữu, lạc lõng, xa lạ trong không gian cảnh quan và môi trường văn hóa của nông thôn (bê tông hóa, chia lô, tách thửa, nhà phố, nhà ống chênh vênh…). Theo đó, đã che khuất/mai một dần những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc cần được bảo tồn và nhân rộng trong các vùng, miền, nông thôn Việt Nam.

Sử dụng đất khu vực ven đô, các khu vực tiềm năng về cảnh quan tự nhiên đang cảnh báo những bất lợi về kiểm soát phát triển, giảm dần các quỹ đất dự trữ – vùng đệm của đô thị, hệ sinh thái tự nhiên ven sông, ven biển, rừng đặc dụng, rừng bảo tồn…, tiềm ẩn những hệ lụy về thiên tai, môi trường sống.

Người dân nông thôn (khoảng 65% dân số cả nước) tự thiết kế xây dựng với những kinh nghiệm truyền thống, truyền khẩu. Kiến thức và nhận thức về lĩnh vực kiến trúc còn rất hạn chế, dẫn đến du nhập kiến trúc đô thị một cách vô thức, lãng phí so với điều kiện kinh tế, xa lạ với đặc trưng văn hóa của vùng miền.

Cùng với đó là những công nghệ mới, kỹ thuật xây dựng mới, sử dụng vật liệu mới, công nghệ tiên tiến, kết hợp với vật liệu tại chỗ chưa được nghiên cứu, phổ cập, nên rất hạn chế về tốc độ xây dựng, không đảm bảo về chất lượng và độ bền vững của công trình.

Kiến trúc CTCC xây dựng theo mẫu/ điển hình hóa/ tiêu chuẩn hóa, được nhân bản trên nhiều vùng nông thôn, thô cứng, sơ sài, thiếu tiện ích và vắng bóng tính nhân văn, tính bản địa.

Kiến trúc nông thôn đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường cảnh quan, thiên tai và biến đổi khí hậu. Thiết kế kiến trúc và đặc biệt những giá trị cần được bảo tồn và phát huy đang từng ngày bị lãng quên, đánh mất và xa dần với những giá trị cần có của kiến trúc nông thôn. Thực tế, nhiều năm qua, kiến trúc nông thôn chưa thực sự có được những hướng dẫn để người dân có thể cảm thụ được những giá trị về thẩm mỹ, để có thể tự mình tạo nên những công trình phù hợp với điều kiện tự nhiên của nơi ở, điều kiện kinh tế, điều kiện xây dựng, khả năng chống chịu với thiên tai… Cùng với đó là “lỗ hổng” rất lớn về hướng dẫn, kiểm soát quản lý.

 

Trước thực tế đó, xây dựng NTM gắn với đô thị hóa (ĐTH), theo hướng hiện đại, bên cạnh đáp ứng về số lượng, về tiêu chí NTM, cần đi vào chiều sâu về chất lượng; thích ứng với những chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, những biến đổi phù hợp với lối sống văn minh hiện đại; hiệu quả về sử dụng đất; bền vững về môi trường; thích ứng BĐKH và ứng phó với thiên tai; tiết kiệm năng lượng và tài nguyên tự nhiên. Và đặc biệt, phát huy được những giá trị đặc sắc của kiến trúc dân gian truyền thống, tạo dựng đặc trưng kiến trúc của từng vùng miền.

Xu hướng xây dựng CTCC theo mẫu thiết kế dược nhân bản trên nhiều khu vực dân cư nông thôn

Giải pháp kỳ vọng

1. Giữ gìn và phát huy những đặc sắc của kiến trúc dân gian truyền thống

    Nương tựa vào cảnh quan tự nhiên và tương tác thân thiện với tự nhiên.

    Thể hiện đặc trưng sắc tộc/ đặc trưng về văn hóa, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế.

    Thể hiện đặc trưng sắc tộc/ đặc trưng về văn hóa, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế.

2. Phát triển mới

Nhu cầu về số lượng, chất lượng ở thích ứng với những chuyển dịch, biến đổi về kinh tế, xã hội, phù hợp với lối sống văn minh hiện đại, đòi hỏi kiến trúc phải có cách tiếp cận mới, với những đột phá về các nhóm giải pháp từ tổ chức không gian sống, thiết kế, thi công, quản lý xây dựng, sử dụng vật liệu, áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến đến hướng dẫn, truyền thông, quản lý kiểm soát.

Phát triển mới cần dựa trên các nguyên tắc:

    Nương tựa và tương tác thân thiện với môi trường tự nhiên, không lấn át/chia cắt không gian mang tính truyền thống (làng cổ, làng truyền thống, công trình kiến trúc có giá trị phù hợp với đặc điểm vùng miền);

    Không chỉ chú trọng ở việc bảo tồn, tu bổ theo các giá trị nguyên gốc, không chỉ kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống trong các sáng tạo kiến trúc, mà còn phải tạo ra các giá trị kiến trúc mới thích ứng với những biến đổi của xã hội và môi trường sống đương đại. Đồng thời, tạo ra chất lượng cần thiết cho môi trường xây dựng trong điều kiện cụ thể của mỗi cộng đồng nông thôn cùng với sự triển khai chuyên nghiệp nhằm tăng cường các hoạt động đó;

    Tôn trọng và giữ gìn các điểm nhận biết/ dấu ấn của quần cư nông thôn như cổng làng, cây cổ, giếng cổ, cảnh quan vật thể tự nhiên và các kiến trúc, biểu tượng thể hiện nghệ thuật, kỹ thuật, công nghệ, vật liệu xây dựng trong các công trình kiến trúc… Từ đó, kiến trúc được tiếp nối các giai đoạn, kết nối truyền thống và đương đại, dẫn dắt tư duy từ quá khứ đến hiện tại, tạo nên dấu ấn lịch sử phát triển của nơi chốn.

Cổng làng cổ Đường Lâm và Đình Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây xây dựng vào thời kỳ Hậu Lê (thế kỷ 14),

Cấu trúc mạng lưới hạ tầng làng cổ Đường Lâm – nượng tựa vào cấu trúc địa hình tự nhiên

3. Thúc đẩy nhanh Chương trình phát triển kiến trúc nông thôn

Thực hiện các nghiên cứu, tổng hợp, hướng dẫn, cung cấp phổ biến thông tin đến với cộng đồng nông thôn, để người dân biết lựa chọn những giá trị kiến trúc, những giải pháp thiết kế, xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế, nơi ở cụ thể của từng khu vực vùng miền;

Phát triển sâu, rộng và hiệu quả nhà ở nông thôn (NƠNT) và CTCC tại vùng nông thôn ở Việt Nam, thông qua ứng dụng công nghệ. Từ đó, có thể dễ dàng cung cấp thiết kế và các hướng dẫn xây dựng tới từng người dân với giá thành hợp lý; ứng dụng các nghiên cứu khoa học trong việc sản xuất và chế tạo cấu kiện xây dựng để thi công nhanh, giá thành thấp và phù hợp với thẩm mỹ kiến trúc của từng vùng miền; đồng thời, từng bước tạo lập môi trường cảnh quan, kiến trúc mang sắc thái bản địa đến với từng vùng, miền nông thôn Việt Nam;

Thúc đẩy nhanh quá trình chuyên môn hóa thị trường tư vấn thiết kế NƠNT, CTCC bằng công nghệ số, theo đó, đáp ứng các khả năng biến đổi (về quy mô, cơ cấu hộ gia đình, công năng sử dụng, thiết bị, hình thức kiến trúc…); đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, giảm giá thành hoặc cung cấp miễn phí các mẫu thiết kế nhà ở nông thôn – không những có khả năng phục vụ thiết kế trên diện rộng mà còn hướng đến hiện đại hóa, công nghiệp hóa, giữ gìn bản sắc cho các vùng miền nông thôn trên cả nước;

Sử dụng vật liệu xây dựng theo hướng kết hợp vật liệu tại chỗ địa phương kết hợp vật liệu mới tiên tiến và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, việc sử dụng vật liệu mới và kết cấu mới nên được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với việc áp dụng công nghệ mới;

Lan tỏa các điểm sáng về thiết kế kiến trúc theo đặc trưng vùng miền, trở thành phổ biến trên diện rộng tới các vùng nông thôn trong cả nước.

4. Đột phá về phương thức tổ chức xây dựng theo hướng Hiện đại hóa, công nghiệp hóa, công nghệ mới tiên tiến

Ứng dụng công nghệ số, kỹ thuật xây dựng hiện đại và công nghệ mới trong thiết kế kiến trúc nhà ở và CTCC ở nông thôn, sẽ đáp ứng các khả năng biến đổi (về quy mô, cơ cấu hộ gia đình, công năng sử dụng, thiết bị, hình thức kiến trúc…); đồng thời đẩy nhanh tốc độ đa dạng hóa sản phẩm về nhà ở với giá thành rẻ, phục vụ diện rộng cho các vùng miền nông thôn trên cả nước;

Kết hợp sử dụng vật liệu tại chỗ với vật liệu mới tiên tiến và thân thiện với môi trường. Vật liệu truyền thống và kiểu dáng công trình địa phương tạo ra bản sắc vùng miền. Vật liệu xây dựng mới và hoàn thiện tiên tiến sẽ cải thiện độ bền theo thời gian, tái sử dụng vật liệu phế thải, thích ứng công nghệ thi công mới sẽ tạo nên tính đa dạng về hình thức.

Kết hợp truyền thống và đương đại Làng Mít – Sóc Sơn và dự án Serena – Hoà Bình

Nhà sàn dân tộc người Tày ở Hoà Bình

Nhà người H’mông – miền núi phía Bắc

Thay cho lời kết

Kiến trúc nông thôn là một vấn đề lớn trong bối cảnh phát triển và hội nhập. Khắc chế những tồn tại trong quá trình phát triển phát triển kiến trúc nông thôn trong những giai đoạn vừa qua, Chương trình phát triển kiến trúc nông thôn Việt Nam cần phải được triển khai nghiên cứu thực hiện sớm với các mục tiêu:

Coi trọng bảo tồn, duy trì và phát huy những giá trị đặc sắc của kiến trúc dân gian truyền thống, văn hóa lịch sử, cảnh quan tự nhiên, những nội dung cấu thành làm nên sự khác biệt giữa nông thôn và đô thị, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền;

Đẩy nhanh tốc độ đa dạng hóa sản phẩm về nhà ở và CTCC với chất lượng và giá thành rẻ, phục vụ quy mô diện rộng trên phạm vi cả nước;

Hiện đại hóa – công nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ số; ứng dụng kỹ thuật xây dựng hiện đại; kết hợp vật liệu địa phương tại chỗ với vật liệu mới tiên tiến và thân thiện với môi trường, trong thiết kế, xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc nông thôn.

                                                                                                KTS Lã Kim Ngân

                                                                          Viện Kiến trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam

                                                                                   (Theo Tạp chí Kiến trúc)

 

Các tin khác:

1-5 of 12<  1  2  3  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter