Bác Hồ trong trái tim thi sĩ Yên Bái

Thế Quynh 

Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam từ lâu đã trở thành hình tượng đẹp trong văn học- nghệ thuật, đặc biệt thi ca. Đối với người làm thơ Yên Bái càng trở nên thân thương. Trong Hợp tuyển thơ ca các dân tộc Yên Bái “Người ở núi thương nhớ Bác Hồ” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2021), tác giả Hoàng Việt Quân viết “Công ơn của Bác Hồ như biển rộng trời cao. Tình cảm của Bác bao trùm mọi kiếp người. Vì thế có biết bao thơ ca của các tầng lớp nhân dân ca ngợi công lao, tài đức của Bác, nguyện thi đua học tập và làm theo lời khuyên của Bác”.

Đọc thơ ca truyền miệng trên địa bàn tỉnh Yên Bái ta bắt gặp khá nhiều câu ca hay. Tác giả dân gian lấy hình ảnh vũ trụ bao la: núi cao, biển rộng, sông dài, sao sáng… để so sánh với công ơn của Bác “Trên trời có bao nhiêu sao sáng/ Cũng không bằng công đức Bác Hồ”. Còn Giàng A Cua, một người viết dân tộc Mông thì lại có cái nhìn khai sáng đối với các dân tộc thiểu số vùng cao “Có Cụ Hồ về/ Người Mèo ta tinh thông chính sách/ Hoa nở rộ đầy núi đồi/ Ta xây bản, xây mường sáng tươi”. Nhà thơ Ngọc Bái cùng với bài thơ “Nà Lừa” từng khẳng định “Nà Lừa truyền tích/ ánh lửa/ xua tan sương giá/ Hồ Chí Minh/ bước ra/ bừng sáng đức tin/ ung dung nền Dân chủ cộng hòa”. Thì trong trường ca “Vầng trăng và cánh rừng” hơn 1300 câu thơ cũng phác thảo thành công tâm thế và phong thái của lãnh tụ Hồ Chí Minh thời kỳ ở chiến khu Việt Bắc “trằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thành” vì lo cho dân, cho nước:

Chín năm ròng kháng chiến

Bao người đi biền biệt

Mồ hôi hòa cây rừng

nào ai thấu những đêm Người trằn trọc

mặt trận chiến sĩ ăn độn, ngủ hầm

dân công ăn độn, ngủ hầm…

Nhất là từ khi Người thăm tỉnh nhà và nói chuyện cùng đồng bào các dân tộc vào tháng 9 năm 1958. Dịp này, nhà thơ Vũ Chấn Nam đã có bài thơ “Bác về Yên Bái chiều thu ấy”. Lên thăm Yên Bái trong hoàn cảnh khi “Đất nước vừa ra khỏi chiến tranh”. Tất cả vẫn ngổn ngang khó khăn “Thị xã còn tranh tre, nứa lá/ Vùng cao còn bao người mù chữ/ Đất rộng, người thưa chưa đủ ăn”. Nhưng cũng  trong bối cảnh đó, chân dung người cầm lái vĩ đại được khắc họa rõ nét hơn bao giờ hết:

Phòng Bác vào khuya vẫn sáng đèn

Rạng ngày Bác đến với nhân dân

Người dân mong Bác như mong mẹ

Lời Bác như lời cha với con.

Hết lòng lo toan việc nước, chăm chút đến hạnh phúc của nhân dân, vì vậy sự tin yêu của người dân đối với Bác ngày được nhân lên, không còn ở mức bình thường mà là niềm tin mang tính chất gia đình, phụ tử. Vượt lên nghi thức “lễ đài đơn sơ” thì “Chiếc áo len màu ghi Bác mặc” cùng bài nói chuyện chân phương mà sâu sắc đã tạo nên một hình ảnh cao đẹp, một tượng đài sống mãi trong lòng nhân dân “Bóng Người lồng lộng trước sân Căng”. Ở Yên Bái, Vũ Chấn Nam được coi là người viết nhiều nhất về Bác Hồ. Nhiều lần đến với lán Nà Lừa ở Tuyên Quang hay lên Cao Bằng thăm Pác Bó, lần nào cũng có thơ. Tại đỉnh mốc 108, nơi Bác lần đầu trở về Tổ quốc sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, cảm xúc nhà thơ viết:

Ôi có phải nơi đây bùng ngọn lửa

Mặt trời lên thung lũng ngát hương mơ

Trong bão tố vụt trưởng thành khu Đỏ

Bác đã về dân tộc sáng đường đi

                                                                             (Về Pác Bó)

Còn với một số tác giả thơ vốn là những nhà giáo nghe theo tiếng gọi của Đảng xung phong lên phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo miền núi thì buổi gặp và nghe Bác Hồ nói chuyện tại hội trường Trường bổ túc văn hoá Công Nông Trung ương đã để lại ấn tượng sâu sắc. Không ai có thể quên lời dặn dò của vị cha già dân tộc “Đã xung phong phải xung phong đến nơi đến chốn”. Già nửa thế kỷ trôi qua, lời Bác là động lực, là ánh sáng soi đường, chỉ lối suốt cuộc đời “Soi đường chúng tôi đi/ Lời Bác khuyên năm ấy”. Những thầy giáo Nguyễn Thanh Đàm, Trịnh Thoại… và nhất là cố tác giả Đinh Hội đã viết những câu thơ thật xúc động:

Hành trang cuộc đời tôi

Là trái tim nhân nghĩa

Vốn có của đời tôi

Hiến dâng thời trai trẻ.

                                                  (Lời Bác khuyên năm ấy)

Năm 1969, Bác Hồ ra đi về thế giới người hiền gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin. Cả nhân loại xúc động khi nghe tin, đồng bào cả nước tiếc thương Người. Nơi núi rừng Yên Bái, từ già đến trẻ không cầm nổi nước mắt. Nhớ Bác, nhớ về những phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác, tác giả Quang Bách gửi gắm tâm tình qua thơ:

Nhớ Bác lòng con mãi ngẩn ngơ

Giản dị chân tình lưu đức sáng

Công minh chính trực quét tâm” mờ

                                          (Nhớ Bác Hồ)

Biến đau thương thành hành động cách mạng, các địa phương, đoàn thể, cá nhân Yên Bái đều có những việc làm thiết thực biểu hiện lòng thương nhớ Bác. Ông Bàn Văn Cát, dân tộc Dao quần trắng ở Yên Bình được gặp Bác hai lần, nghe tin Bác Hồ mất ông nghẹn ngào khóc và tự mình xuôi về Hà Nội để viếng Bác. Ông Nguyễn Gia Tân bỏ công sức từ năm 1969 đến năm 1990 để biên khảo cuốn “Tiểu sử và đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. Một số nơi như xã Viễn Sơn, Đại Sơn (huyện Văn Yên) trồng đồi quế Bác Hồ; xã Nậm Búng (huyện Văn Chấn) tổ chức lễ phát thẻ đảng viên và đón đuốc Bác Hồ… Cũng từ hiện thực đó, tác giả Thế Quynh viết:

Bốn mươi năm cây quế lớn lắm rồi

Hạt giống quí gieo mầm xanh ngút ngát.

Trăng sáng lung linh trong lời em đang hát

Người Dao Viễn Sơn có rừng quế Bác Hồ.

                                             (Cây quế Bác Hồ)

Còn với tác giả Hoàng Việt Quân bằng cách nói mộc mạc, chân chất của người vùng cao đã thể hiện tình cảm của họ với người cha, người thầy của mình thật cảm động. Bài thơ “Người ở núi thương nhớ Bác Hồ” như lời gan ruột gửi gắm đến Bác, nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức trong sáng của Người: “Người ở núi thương Bác chỉ muốn khóc/ Người ở núi nhớ Bác chỉ muốn làm/ Người ở núi yêu Bác chỉ muốn hát/ Người ở núi ghét nhất/ Người nào không học theo Bác/ Người nào không làm theo Bác/ Coi như là người bỏ đi.

Thuộc lớp đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam lâu năm, cố tác giả Phạm Sĩ Quang luôn nhớ lời dạy của Bác “đảng viên đi trước”. Chính vì vậy ông thường tự nhắc nhở mình, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ đến lứa bạn bè cao niên cùng các thế hệ con cháu hãy:

Khó khăn đừng tụt lại đằng sau

Thuận lợi chớ nên chạy đứng đầu

Đất nước thăng trầm bao biến cố

Lời vàng Bác dạy mãi ghi sâu

                            (Nhớ lời Bác khuyên)

Còn nhiều nữa các bài thơ của tác giả chuyên và không chuyên thuộc nhiều giới, nhiều ngành nghề, nhiều thế hệ viết về Bác Hồ. Mùa xuân này, nhân kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 81 năm ngày Bác Hồ về nước lãnh đạo cách mạng và cũng là khi toàn Đảng, toàn dân đang triển khai “Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đọc những vần thơ của người làm thơ Yên Bái viết về lãnh tụ kính yêu, tâm nguyện của mỗi chúng ta luôn hướng về Người “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi/ Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn” (Tố Hữu).

 

T.Q

Các tin khác:

6-10 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter