Khai thác đề tài miền núi dân tộc cần hiểu miền núi dân tộc

Ngọc Bái 

Nhiều năm làm công tác văn hoá, tôi chiêm nghiệm điều này, ở Việt Nam nếu thiếu vắng các dân tộc thiểu số thì nền văn hoá sẽ rất đơn điệu và nghèo nàn. Chỉ cần đến với ngày lễ hội các dân tộc đủ thấy sự đa dạng trong màu sắc hoa văn trang phục, trong ngôn ngữ, trong các lễ thức dân gian, trong các điệu múa cổ truyền, trong ẩm thực... Sự phong phú ấy phần nào nói lên tính đa dạng trong bản sắc dân tộc. Đấy là diện mạo bề ngoài, nếu đi sâu vào văn hoá của từng tộc người càng thấy sự trầm tích về lịch sử được ghi dấu ấn qua lời ăn tiếng nói, qua phong tục tập quán và phương cách ứng xử. Dân tộc nào cũng có những nét riêng về văn hoá. Đấy là cái đặc sắc của mỗi dân tộc. Mất đi điều đó sẽ là sai lầm không thể sửa chữa của quá trình phát triển xã hội. Trong thời kỳ công nghiệp và hiện đại, sức tàn phá môi trường thiên nhiên ghê gớm, kéo theo cả sự tàn phá môi trường văn hoá, là điều đang báo động cấp bách. Ngày trước, ngả một cây gỗ bằng rìu tay, phải mất vài buổi. Bây giờ cưa điện chỉ vài chục phút là đi tong một cây rừng có trăm năm tuổi. Ngày trước, bắt cá suối bằng đơm xúc, bây giờ bằng mìn và xung điện. Cá chết từ trong trứng. Ngày trước, bắt thú bằng bẫy. Bây giờ bằng AK liên thanh! Tốc độ tàn phá thiên nhiên ngày càng tăng tiến. Rừng đang bị thu hẹp lại. Những cánh rừng già cũng chỉ còn cái vẻ ngoài, dần tàn tạ. Cổ thụ bị hành quyết. Gỗ quý bị săn lùng. Thú rừng bị săn bắt, nhiều loài đã tuyệt chủng. Đấy là hiện thực. Nguy cơ tàn phá môi trường tự nhiên thật khó lường. Nguy cơ mai một về môi trường xã hội càng khó lường hơn. Những băng đĩa híp hóp đã len lỏi về tận bản làng heo hút, lấn át sinh hoạt văn hoá bản địa. Liệu cái vẻ trữ tình mộc mạc, ý nhị của những làn điệu dân ca dân tộc còn được giữ gìn bao lâu? Những hoa văn thổ cẩm kỳ công, tài hoa của những bàn tay sơn nữ liệu còn được truyền nối? Những tinh tuý mất đi, đang nhường chỗ cho những thứ xô bồ tràn ngập. Sự giao lưu mở rộng đang đồng thời với vốn dân ca dân vũ bị thu hẹp. Ta không bảo thủ khăng khăng giữ lấy những gì cổ hủ. Nhưng để mất đi những vẻ đẹp tinh tuý của dân tộc sẽ là có tội với nguồn cội tổ tiên. Ta không phóng đại nguy cơ. Nhưng những gì đang mất đi, đang méo mó đi chắc chắn những người có lương tâm với văn hoá dân tộc không thể không suy nghĩ. Văn học nghệ thuật làm được gì trước hiện trạng của miền núi và dân tộc? Hiểu biết các dân tộc thông qua văn hoá của từng tộc người là yếu tố quan trọng để tạo dựng nên tác phẩm văn học nghệ thuật hiện đại. Các tác giả người dân tộc có lợi thế hơn là hiểu biết dân tộc mình. Đó là điều đương nhiên. Tự hiểu mình, các tác giả người dân tộc tạo được thế mạnh trong ngôn ngữ thể hiện tác phẩm. Nhiều khi, các tác giả chỉ việc đem nguyên mẫu những câu nói của đồng bào mình, gọt rũa đi đôi chút, đã thấy lạ, thấy độc đáo. Chẳng hạn câu “quả ớt dẫu cay cũng ăn cả vỏ/ quả chuối dẫu ngọt cũng bỏ vỏ ngoài”, là kết tinh của kinh nghiệm sống và thật đắc dụng về ngôn ngữ hình ảnh. Một câu khác trích ở trường ca “Kó lau slam” của dân tộc Cao Lan: “Con khỉ chết vì tham ăn bắp/ chim gáy chết vì tham ăn vừng/ cành cây gẫy vì tham lắm quả...”. Cái tình huống thật bất ngờ, cách nói thật lạ. Nói về tình yêu, người Tày bảo: “Yêu nhau chẻ chuối làm đuốc vẫn cháy/ yêu nhau nước đựng trong sàng không lọt...”, cách nói khoa trương ấy mới lột tả hết được sự bốc lửa của tình yêu. Dân ca Mông cũng đầy tình tứ: “Nước chảy được thì nước cứ chảy/ Đá không chảy được thì đá ở lại bên suối chờ”. Người Thái thì mãnh liệt: “Không lấy được nàng ta làm giặc giữa bản/ Không lấy được em, anh làm loạn giữa Mường/ Không lấy được nhau mùa hạ ta sẽ lấy nhau mùa đông/ Không lấy được nhau thời trẻ ta sẽ lấy nhau khi goá bụa về già...”. Những câu ca tinh tế chứa đầy hồn cốt của từng dân tộc, chịu khó tìm sẽ thấy trong kho tàng văn hoá dân gian phong phú của tổ tiên để lại. Có điều, các tác giả dân tộc đích thực hầu như đã sống ở đô thị, ít người còn bám trụ ở quê. Ngày nay thật hiếm người có nhiệt tâm cùng ăn ở, cùng nương rẫy, cùng ấm lạnh với đồng bào vùng cao, để ghi chép nghiên cứu, sưu tầm lời ăn tiếng nói của đồng bào các dân tộc. Rất hiếm những ông Doãn Thanh, Minh Khương (Tây Bắc), Triều Ân (Việt Bắc), Y Điêng (Tây Nguyên)... suốt cả đời coi văn hoá dân tộc như chính máu thịt mình. Bây giờ hầu hết việc sưu tầm đều dẫm lên bước chân người đi trước. Các nhà văn hoá hiện đại hầu như chỉ lo khai thác những gì đã được thế hệ trước công phu đưa lên mặt giấy. Vậy mà nhiều khi khai thác cũng chưa thấu đáo. Địa phương nào cũng nhăm nhăm chào hàng bằng đội văn nghệ trình diễn, đóng thế, cốt làm dịch vụ thu hút khách du lịch. Lấy trình diễn làm chính nên không thấy được bản sắc tinh tuý của dân tộc. Tương tự như vậy, trong sáng tạo văn học cũng hiếm người gắn bó với đề tài miền núi và dân tộc đã có nhiều thành công như các ông Mạc Phi, Hoàng Hạc, Ma Văn Kháng... Các ông đã thực sự có đời sống, có vốn liếng dồi dào về đề tài này. Các ông đã lao động nhiệt tâm và thiện chí mới tạo nên được những tác phẩm giàu tính dân tộc. Nói như thế không có nghĩa đề tài này thời nay bị bỏ trống. Nhưng các tác giả hiện nay chưa làm được điều gì khiến công chúng yêu quý văn học về đề tài miền núi dân tộc phải giật mình. Điều này chắc chắn còn phải chờ đợi. Yêu cầu của đời sống xã hội hôm nay cũng khác. Sự tù đọng trong nghèo khó, đói rét, tật bệnh của người dân đang được khắc phục. Sự trói buộc của những tập tục lạc hậu trong những bản làng heo hút đang được nới bỏ. Đường sỏ đã vươn tới vùng cao thay thế những lối mòn hoang vắng. Những chặng xưa phải cuốc bộ thì nay chí ít cũng có xe ôm. Đang có một thực tế khác, đang diễn ra trong đời sống đồng bào dân tộc và miền núi, cũng đang là đối tượng của văn học nghệ thuật. Có đến tận nơi mới biết người dân còn phải vật lộn với cuộc sống ra sao, họ còn có những mong muốn gì. Còn bao nhiêu điều chưa thể thay thế được, như: nạn tảo hôn, nạn mù chữ, nạn phá rừng, nạn hút sách... Có nghĩa là còn có nhiều góc khuất của miền núi và dân tộc được gói bọc bên trong những cái được phô ra, được nhìn thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng. Muốn hiểu đời sống thực của người miền núi và dân tộc phải có đời sống thực của người trong cuộc. Phải tới tận nơi và quan sát bằng óc, bằng thiện chí. Không đâu xác thực bằng hiểu biết từ lời ăn tiếng nói, phong ngôn mỹ tục của từng dân tộc. Và phải nói cho đúng với ngôn ngữ của dân tộc đó. Không ít trường hợp cứ viết về miền núi là phải nói tới uống rượu, đến chợ tình. Cứ viết về miền núi là lẫn lộn lung tung ngôn ngữ của miền núi Tây Nguyên với miền núi phía Bắc. Ví dụ dân Tây Nguyên gọi choé rượu thì khi viết về uống rượu cần ở miền núi phía Bắc cũng dùng choé rượu. Người Mông trước đây uống rượu bằng bát kia mà! Hoặc người Tây Nguyên gọi Trời là Giàng, khi viết về miền núi phía bắc nhiều người cũng gán cho trời là Giàng. Suối Giàng là suối trời chẳng hạn! Đặt vấn đề khai thác hiện thực cuộc sống đồng bào miền núi dân tộc để làm nên tác phẩm văn học là thiện chí của người cầm bút. Nhưng thực hiện điều đó quả không dễ dàng. Bởi thời nay ít ai bỏ ra hàng tháng hàng năm để thâm nhập thực tế. Chuyến đi một vài ngày chỉ đủ giao đãi chứ không thể hiểu biết được đời sống thực của đồng bào dân tộc. Hoặc giả có người nào đó đủ quỹ thời gian để đi thực tế những chuyến dài ngày thì biết lấy đâu nguồn kinh phí để đi? Cho nên việc đưa ra được giải pháp thực hiện mới là quan trọng. Còn việc bàn nhiều khi vẫn là kiểu tính cua trong lỗ. Nhưng cứ nêu vấn đề, biết đâu địa phương nào đó, hoặc Uỷ ban Dân tộc miền núi nghe thấy đây là điều cần thiết mà “mủi lòng” dành ra một số kinh phí giúp đỡ các nhà văn đi thực tế để hiểu biết đời sống đồng bào dân tộc miền núi, xây dựng nên những tác phẩm văn học để lại cho mai sau thì tốt biết bao! Nhưng điều đó chỉ là để thử thách niềm hy vọng của các nhà văn.

 

 N.B

Các tin khác:

6-10 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter