Khai thác đề tài miền núi dân tộc cần hiểu miền núi dân tộc

Ngọc Bái 

Nhiều năm làm công tác văn hoá, tôi chiêm nghiệm điều này, ở Việt Nam nếu thiếu vắng các dân tộc thiểu số thì nền văn hoá sẽ rất đơn điệu và nghèo nàn. Chỉ cần đến với ngày lễ hội các dân tộc đủ thấy sự đa dạng trong màu sắc hoa văn trang phục, trong ngôn ngữ, trong các lễ thức dân gian, trong các điệu múa cổ truyền, trong ẩm thực... Sự phong phú ấy phần nào nói lên tính đa dạng trong bản sắc dân tộc. Đấy là diện mạo bề ngoài, nếu đi sâu vào văn hoá của từng tộc người càng thấy sự trầm tích về lịch sử được ghi dấu ấn qua lời ăn tiếng nói, qua phong tục tập quán và phương cách ứng xử. Dân tộc nào cũng có những nét riêng về văn hoá. Đấy là cái đặc sắc của mỗi dân tộc. Mất đi điều đó sẽ là sai lầm không thể sửa chữa của quá trình phát triển xã hội. Trong thời kỳ công nghiệp và hiện đại, sức tàn phá môi trường thiên nhiên ghê gớm, kéo theo cả sự tàn phá môi trường văn hoá, là điều đang báo động cấp bách. Ngày trước, ngả một cây gỗ bằng rìu tay, phải mất vài buổi. Bây giờ cưa điện chỉ vài chục phút là đi tong một cây rừng có trăm năm tuổi. Ngày trước, bắt cá suối bằng đơm xúc, bây giờ bằng mìn và xung điện. Cá chết từ trong trứng. Ngày trước, bắt thú bằng bẫy. Bây giờ bằng AK liên thanh! Tốc độ tàn phá thiên nhiên ngày càng tăng tiến. Rừng đang bị thu hẹp lại. Những cánh rừng già cũng chỉ còn cái vẻ ngoài, dần tàn tạ. Cổ thụ bị hành quyết. Gỗ quý bị săn lùng. Thú rừng bị săn bắt, nhiều loài đã tuyệt chủng. Đấy là hiện thực. Nguy cơ tàn phá môi trường tự nhiên thật khó lường. Nguy cơ mai một về môi trường xã hội càng khó lường hơn. Những băng đĩa híp hóp đã len lỏi về tận bản làng heo hút, lấn át sinh hoạt văn hoá bản địa. Liệu cái vẻ trữ tình mộc mạc, ý nhị của những làn điệu dân ca dân tộc còn được giữ gìn bao lâu? Những hoa văn thổ cẩm kỳ công, tài hoa của những bàn tay sơn nữ liệu còn được truyền nối? Những tinh tuý mất đi, đang nhường chỗ cho những thứ xô bồ tràn ngập. Sự giao lưu mở rộng đang đồng thời với vốn dân ca dân vũ bị thu hẹp. Ta không bảo thủ khăng khăng giữ lấy những gì cổ hủ. Nhưng để mất đi những vẻ đẹp tinh tuý của dân tộc sẽ là có tội với nguồn cội tổ tiên. Ta không phóng đại nguy cơ. Nhưng những gì đang mất đi, đang méo mó đi chắc chắn những người có lương tâm với văn hoá dân tộc không thể không suy nghĩ. Văn học nghệ thuật làm được gì trước hiện trạng của miền núi và dân tộc? Hiểu biết các dân tộc thông qua văn hoá của từng tộc người là yếu tố quan trọng để tạo dựng nên tác phẩm văn học nghệ thuật hiện đại. Các tác giả người dân tộc có lợi thế hơn là hiểu biết dân tộc mình. Đó là điều đương nhiên. Tự hiểu mình, các tác giả người dân tộc tạo được thế mạnh trong ngôn ngữ thể hiện tác phẩm. Nhiều khi, các tác giả chỉ việc đem nguyên mẫu những câu nói của đồng bào mình, gọt rũa đi đôi chút, đã thấy lạ, thấy độc đáo. Chẳng hạn câu “quả ớt dẫu cay cũng ăn cả vỏ/ quả chuối dẫu ngọt cũng bỏ vỏ ngoài”, là kết tinh của kinh nghiệm sống và thật đắc dụng về ngôn ngữ hình ảnh. Một câu khác trích ở trường ca “Kó lau slam” của dân tộc Cao Lan: “Con khỉ chết vì tham ăn bắp/ chim gáy chết vì tham ăn vừng/ cành cây gẫy vì tham lắm quả...”. Cái tình huống thật bất ngờ, cách nói thật lạ. Nói về tình yêu, người Tày bảo: “Yêu nhau chẻ chuối làm đuốc vẫn cháy/ yêu nhau nước đựng trong sàng không lọt...”, cách nói khoa trương ấy mới lột tả hết được sự bốc lửa của tình yêu. Dân ca Mông cũng đầy tình tứ: “Nước chảy được thì nước cứ chảy/ Đá không chảy được thì đá ở lại bên suối chờ”. Người Thái thì mãnh liệt: “Không lấy được nàng ta làm giặc giữa bản/ Không lấy được em, anh làm loạn giữa Mường/ Không lấy được nhau mùa hạ ta sẽ lấy nhau mùa đông/ Không lấy được nhau thời trẻ ta sẽ lấy nhau khi goá bụa về già...”. Những câu ca tinh tế chứa đầy hồn cốt của từng dân tộc, chịu khó tìm sẽ thấy trong kho tàng văn hoá dân gian phong phú của tổ tiên để lại. Có điều, các tác giả dân tộc đích thực hầu như đã sống ở đô thị, ít người còn bám trụ ở quê. Ngày nay thật hiếm người có nhiệt tâm cùng ăn ở, cùng nương rẫy, cùng ấm lạnh với đồng bào vùng cao, để ghi chép nghiên cứu, sưu tầm lời ăn tiếng nói của đồng bào các dân tộc. Rất hiếm những ông Doãn Thanh, Minh Khương (Tây Bắc), Triều Ân (Việt Bắc), Y Điêng (Tây Nguyên)... suốt cả đời coi văn hoá dân tộc như chính máu thịt mình. Bây giờ hầu hết việc sưu tầm đều dẫm lên bước chân người đi trước. Các nhà văn hoá hiện đại hầu như chỉ lo khai thác những gì đã được thế hệ trước công phu đưa lên mặt giấy. Vậy mà nhiều khi khai thác cũng chưa thấu đáo. Địa phương nào cũng nhăm nhăm chào hàng bằng đội văn nghệ trình diễn, đóng thế, cốt làm dịch vụ thu hút khách du lịch. Lấy trình diễn làm chính nên không thấy được bản sắc tinh tuý của dân tộc. Tương tự như vậy, trong sáng tạo văn học cũng hiếm người gắn bó với đề tài miền núi và dân tộc đã có nhiều thành công như các ông Mạc Phi, Hoàng Hạc, Ma Văn Kháng... Các ông đã thực sự có đời sống, có vốn liếng dồi dào về đề tài này. Các ông đã lao động nhiệt tâm và thiện chí mới tạo nên được những tác phẩm giàu tính dân tộc. Nói như thế không có nghĩa đề tài này thời nay bị bỏ trống. Nhưng các tác giả hiện nay chưa làm được điều gì khiến công chúng yêu quý văn học về đề tài miền núi dân tộc phải giật mình. Điều này chắc chắn còn phải chờ đợi. Yêu cầu của đời sống xã hội hôm nay cũng khác. Sự tù đọng trong nghèo khó, đói rét, tật bệnh của người dân đang được khắc phục. Sự trói buộc của những tập tục lạc hậu trong những bản làng heo hút đang được nới bỏ. Đường sỏ đã vươn tới vùng cao thay thế những lối mòn hoang vắng. Những chặng xưa phải cuốc bộ thì nay chí ít cũng có xe ôm. Đang có một thực tế khác, đang diễn ra trong đời sống đồng bào dân tộc và miền núi, cũng đang là đối tượng của văn học nghệ thuật. Có đến tận nơi mới biết người dân còn phải vật lộn với cuộc sống ra sao, họ còn có những mong muốn gì. Còn bao nhiêu điều chưa thể thay thế được, như: nạn tảo hôn, nạn mù chữ, nạn phá rừng, nạn hút sách... Có nghĩa là còn có nhiều góc khuất của miền núi và dân tộc được gói bọc bên trong những cái được phô ra, được nhìn thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng. Muốn hiểu đời sống thực của người miền núi và dân tộc phải có đời sống thực của người trong cuộc. Phải tới tận nơi và quan sát bằng óc, bằng thiện chí. Không đâu xác thực bằng hiểu biết từ lời ăn tiếng nói, phong ngôn mỹ tục của từng dân tộc. Và phải nói cho đúng với ngôn ngữ của dân tộc đó. Không ít trường hợp cứ viết về miền núi là phải nói tới uống rượu, đến chợ tình. Cứ viết về miền núi là lẫn lộn lung tung ngôn ngữ của miền núi Tây Nguyên với miền núi phía Bắc. Ví dụ dân Tây Nguyên gọi choé rượu thì khi viết về uống rượu cần ở miền núi phía Bắc cũng dùng choé rượu. Người Mông trước đây uống rượu bằng bát kia mà! Hoặc người Tây Nguyên gọi Trời là Giàng, khi viết về miền núi phía bắc nhiều người cũng gán cho trời là Giàng. Suối Giàng là suối trời chẳng hạn! Đặt vấn đề khai thác hiện thực cuộc sống đồng bào miền núi dân tộc để làm nên tác phẩm văn học là thiện chí của người cầm bút. Nhưng thực hiện điều đó quả không dễ dàng. Bởi thời nay ít ai bỏ ra hàng tháng hàng năm để thâm nhập thực tế. Chuyến đi một vài ngày chỉ đủ giao đãi chứ không thể hiểu biết được đời sống thực của đồng bào dân tộc. Hoặc giả có người nào đó đủ quỹ thời gian để đi thực tế những chuyến dài ngày thì biết lấy đâu nguồn kinh phí để đi? Cho nên việc đưa ra được giải pháp thực hiện mới là quan trọng. Còn việc bàn nhiều khi vẫn là kiểu tính cua trong lỗ. Nhưng cứ nêu vấn đề, biết đâu địa phương nào đó, hoặc Uỷ ban Dân tộc miền núi nghe thấy đây là điều cần thiết mà “mủi lòng” dành ra một số kinh phí giúp đỡ các nhà văn đi thực tế để hiểu biết đời sống đồng bào dân tộc miền núi, xây dựng nên những tác phẩm văn học để lại cho mai sau thì tốt biết bao! Nhưng điều đó chỉ là để thử thách niềm hy vọng của các nhà văn.

 

 N.B

Các tin khác:

Louvre - Bảo tàng nghệ thuật danh giá nhất thế giới

ĐỖ NGỌC DŨNG

Nằm bên hữu ngạn sông Seine ở Thủ đô Paris của nước Pháp, Louvre là một bảo tàng lớn nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới, với khối kiến trúc tráng lệ và là nơi lưu trữ những kiệt tác, tinh hoa nghệ thuật vô giá của Pháp và thế giới. Nơi đây được chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1793.

ĐỖ NGỌC DŨNG

Nằm bên hữu ngạn sông Seine ở Thủ đô Paris của nước Pháp, Louvre là một bảo tàng lớn nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới, với khối kiến trúc tráng lệ và là nơi lưu trữ những kiệt tác, tinh hoa nghệ thuật vô giá của Pháp và thế giới. Nơi đây được chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1793.

Là một họa sĩ, từ lâu cái tên bảo tàng Louvre tôi đã được nghe nhắc nhiều lần, cũng được biết sơ sơ qua màn ảnh nhỏ. Vì thế, chuyến Tây Âu lần này, là cơ hội để tôi được đặt chân đến địa chỉ văn hóa đặc biệt này.

Một ngày nghỉ tự do ở Thủ đô Paris, nhờ sự hỗ trợ của cán bộ sứ quán đặt vé qua mạng trước đó hai ngày, chúng tôi đã có mặt tại sân chính mang tên Hoàng đế Napoleon của bảo tàng, ngước nhìn xung quanh là ba tòa nhà dài tráng lệ với nhiều tượng và phù điêu được trạm trổ tinh xảo. Không may cho chúng tôi, lúc này trời bắt đầu mưa nặng hạt, nhưng cùng với dòng người kiên nhẫn xếp thành 4 hàng dài cả trăm mét, để vào bảo tàng qua 2 cửa của mô hình Kim tự tháp bằng kính.

Qua tìm hiểu được biết: Louvre đầu tiên được xây dựng như một pháo đài để bảo vệ thành phố khỏi những cuộc tấn công theo mệnh lệnh của hoàng đế Phillipe-Auguste. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử xã hội Pháp, đến thế kỉ thứ 16, Louvre được trùng tu làm cung điện hoàng gia và sau đó vào năm 1793, nó được điều chỉnh và chính thức trở thành một bảo tàng nghệ thuật hàng đầu ở Paris. Louvre còn trải qua một cuộc đại trùng tu nữa ở giữa thế kỷ 19, để nó có diện mạo đẹp như ngày nay.

Louvre đúng như một cung điện đồ sộ với tổng diện tích là 210.000 m2, trong đó diện tích trưng bày là 60.600 m2. Cấu trúc độc đáo bao gồm 3 tổ hợp kiến trúc tinh xảo.

Louvre không chỉ độc đáo bởi các sưu tập hiện vật trưng bày mà còn độc đáo ở kiến trúc, điêu khắc, đặc biệt sự góp mặt của mô hình Kim Tự Tháp bằng kính (Pyramid) nằm ở chính giữa sân Napoléon của bảo tàng. Kim Tự Tháp bằng kính này do Kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ gốc Hoa Leoh Ming Pei thiết kế, bắt đầu xây dựng năm 1983 và hoàn thành vào năm 1989 (dưới thời Tổng Thống Francois Mitterand). Bao bọc xung quanh Kim tự tháp chính là bảy đài phun nước hình tam giác hướng lối vào cho khách tham quan xuống tiền sảnh dưới tầng hầm.

Qua Kim tự tháp bằng kính, ánh sáng chiếu xuống sáng rõ những phòng trưng bày phía dưới và ở mỗi cánh Kim tự tháp đều có cửa riêng dẫn khách.

Không gian nghệ thuật bên trong

Dù dưới thời đệ nhất đế chế Pháp, nhờ những cuộc chinh phạt của Napoleon, nhiều tác phẩm nghệ thuật và hiện vật khảo cổ có giá trị được chuyển về Louvre. Tuy nhiên sau thất bại của Napoleon trong trận Waterloo, nhiều cổ vật được trở về với những quốc gia chủ nhân của nó.

Bảo tàng Louvre hiện đang lưu giữ khoảng 380.000 hiện vật, trong đó tại hệ thống trưng bày chỉ trưng bày, giới thiệu khoảng 35000 tác phẩm chia thành 8 bộ sưu tập tương ứng với 8 phần trưng bày. Là những bộ sưu tập khổng lồ về hiện vật từ cổ xưa nhất của Ai Cập cổ đại đến thế giới hiện đại, nghệ thuật Hy Lạp, La Mã, nghệ thuật Hồi giáo, hội họa, điêu khắc tạo hình và trang trí… Ngoài 8 bộ sưu tập chính, Louvre còn một khu trưng bày lịch sử của chính cung điện và một bộ sưu tập nghệ thuật Châu Á, Phi, Mỹ và Châu Đại dương.

Khu vực phương Đông cổ đại; gồm 100.000 hiện vật của nền văn minh cổ thuộc các nước Trung Cận Đông từ 8000 năm trước Công nguyên cho đến thời kỳ Hồi giáo.

Khu vực Ai Cập cổ đại; gồm 50.000 hiện vật giới thiệu chứng tích về các nền văn minh nối tiếp hai bờ sông Nin, từ thời Tiền sử tới thời Cơ đốc giáo.

Khu vực Hy Lạp, La Mã và Etruria cổ đại; với 45.000 hiện vật, dành cho các tác phẩm của ba nền văn minh Hy Lạp, La Mã và Etruria.

Khu nghệ thuật Hồi giáo; với 10.000 hiện vật, bao gồm các hiện vật được lấy cảm hứng từ Hồi giáo, trải dài suốt 1300 năm lịch sử của ba châu lục.

Khu vực hội họa; gồm 11.900 hiện vật, giới thiệu tất cả các trường phái phương tây từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19.

Khu vực điêu khắc; gồm 6.500 hiện vật là những tác phẩm thời Trung cổ, thời Phục hưng và hiện đại.

Khu vực nghệ thuật họa hình; gồm 137.479 hiện vật là những tác phẩm vẽ trên giấy, tranh phấn màu, tiểu họa, bản in, bản khắc, in thạch bản… và các chất liệu gỗ, da…

Khu vực nghệ thuật trang trí; gồm 20.704 hiện vật gồm các đồ vật của thời Trung cổ đến nửa đầu thế kỷ 19, hiện vật đa dạng, đồ trang sức, thảm đồng hồ, với nhiều chất liệu đồng, kim loại quý, ngà voi…

10 kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng của bảo tàng

Louvre có hàng ngàn kiệt tác nghệ thuật vô giá nhưng hãy tạm chọn ra 10 tác phẩm tiêu biểu nổi tiếng nhất và có lẽ xếp theo thứ tự như sau:

1. Bức tranh “Mona Lisa” (hay còn gọi là La Giocondo) của đại Danh họa Leonardo da Vinci. Đây là một trong những bức chân dung nổi tiếng nhất thế giới, được vẽ bằng sơn dầu trên một tấm gỗ dương tại Florence vào thế kỷ 16, trong thời kì Phục hưng Italy.

Lịch sử bức tranh Mona Lisa được vẽ từ năm 1503 đến 1506 (thế kỷ 16), khi Leonardo da Vinci đang đi tìm người bảo trợ cho bức tranh. Tuy nhiên, Ông đã không vẽ xong bức tranh này nên không được trả tiền, và cuối cùng ông mang theo nó khi đến Pháp 10 năm sau đó. Bức tranh này được đưa vào bộ sưu tập của vua Francis I, người bảo trợ cuối cùng của Da Vinci và là một trong những tác phẩm nguyên bản được trưng bày ở bảo tàng Louve từ năm 1797 theo thông kê của bảo tàng, mỗi năm có hàng chục triệu du khách đến đây để chiêm ngưỡng bức tranh thần bí này.

Mấy chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian, thậm chí còn bị lạc nhau khi mải mê xem những tác phẩm nguyên bản trưng bày trong bảo tàng. Đặc biệt là mãi mới tìm đến được nơi lưu giữ bức tranh này ở tầng 2 khu trưng bày. Cũng như mọi du khách chúng tôi cố gắng để có bức ảnh kỉ niệm trước bức tranh nổi tiếng này, mặc dù tất cả đều phải đứng cách bức tranh tầm trên 3m bởi một hàng rào đặc biệt.

2. Tượng thần chiến thắng "Nike of Samothrace" hay "Winged Victory". Đây là một tác phẩm điêu khắc Hy Lạp cổ bằng đá cẩm thạch, mô tả nữ thần Nike, vị thần tượng trưng cho chiến thắng. Bức tượng được nhà ngoại giao người Pháp Charles Champoiseau phát hiện năm 1863, tại đảo Samothrace, phía Đông Hy Lạp, trong tình trạng bị vỡ thành nhiều mảnh. Các mảnh vỡ được gửi về Paris, ghép lại và trưng bày ở bảo tàng Louvre. Mặc dù không còn nguyên vẹn nhưng Tượng thần chiến thắng Samothrace vẫn được xem như một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng bậc nhất.

3. Bức họa "Chiếc bè của chiến thuyền Méduse" (Le Radeau de la Méduse/ The Raft of the Medusa) của danh họa Théodore Géricault- một trong những người khai sáng ra chủ nghĩa lãng mạn trong hội hoạ. Đây là bức tranh làm bùng nổ một vụ scandal chấn động nước Pháp và cả thế giới những năm đầu thế kỷ 19. Bức tranh mô tả một nhóm người tuyệt vọng cùng cực trên một chiếc bè đang trôi nổi lênh đênh giữa biển khơi, đang vẫy gọi cầu cứu một con tàu xuất hiện nhỏ xíu ở tít đằng xa phía chân trời trong sự tuyệt vọng. Théodore Géricault vẽ bức họa này năm ông 27 tuổi. Phần máu trong tranh là kết quả tìm tòi không ngừng nghỉ của Géricault trong nhiều nhà xác.

4. Bức cẩm thạch "Psyche Revived by Cupid’s Kiss" (Psyche hồi sinh sau nụ hôn của Thần Ái tình). Tuyệt tác về tình yêu đích thực này được tạo ra vào năm 1787 bởi nhà điêu khắc tài hoa người Ý Antonio Canova theo trường phái Tân cổ điển. Trên một nền đá cẩm thạch, Canova dựng lại câu chuyện tình thần thoại của Thần Ái tình (kích thước xấp xỉ người thật) và nàng Psyche. Nữ thần Venus khiến Psyche bất tỉnh và ngủ vùi cho tới khi thần Cupid tới hôn lên môi Psyche. Sau đó nàng công chúa trần gian này uống một ly nước tiên và có thể sống bất tử với Cupid như những vị thần khác.

5. Bức họa "Death of Sardanapalus" (Cái chết của Sardanapalus) của Eugène Delacroix. Bức họa vẽ năm 1827 lấy đề tài từ vở kịch thơ “Sarnadapalus” của Byron. Vở kịch này lấy bối cảnh Assyria thời cổ với nhà vua anh hùng do đắm chìm trong một cuộc sống kiêu sa dâm dật, lại chuyên quyền tàn bạo. Sau đó vị vua này ra lệnh tiêu hủy toàn bộ tài sản của ông khi ông biết quân đội dưới quyền thất bại. Danh họa Delacroix chọn phần hay nhất của câu chuyện để vẽ - khi tất cả các thê thiếp và nàng hầu bị đem đi giết. Bức họa có đủ tính bạo lực, xa hoa quyền thế và gợi dục, núp dưới lớp vỏ "tranh lịch sử". Hiện bức tranh này được xem là tác phẩm đẹp nhất của viện bảo tàng mỹ thuật Louvre, hàng ngày nó hấp dẫn vô số người đến xem.

 

6. Tranh sơn dầu "Liberty Leading the People" của danh họa Eugène Delacroix, vẽ năm 1830. Cuộc cách mạng tháng 7 của dân chúng Paris đánh đuổi vua Charles X chính là điều thôi thúc Delacroix vẽ bức họa này. Ông đặt cô gái nửa lõa thể xinh đẹp vào vị trí nổi bật nhất của bức tranh, để cho nàng một tay đưa cao lá cờ tam sắc tượng trưng cho tự do, còn tay kia thì siết chặt khẩu súng có lưỡi lê tượng trưng cho cách mạng. Goethe từng ca ngợi Delacroix là người đã thực hiện “Sự hòa hợp một cách kỳ lạ giữa thiên đường và nhân gian”. Hình tượng của vị Nữ thần Tự do này làm say mê nhiều người nhất trong hội họa của nước Pháp. Nó đã cùng với Khải hoàn môn và tháp Eiffel trở thành tượng trưng cho nước Pháp và nền văn hóa Pháp.

7. Tranh "The Moneylender and His Wife" của danh họa Quentin Metsys, vẽ năm 1514. Quentin mô tả chính xác tới từng chi tiết mọi nét tính toán của người chồng tham lam làm nghề cho vay tiền và người vợ "cùng hội cùng thuyền". Người ta có thể thấy hai con ngươi mắt họ đếm từng đồng xu và cẩn thận ghi chú trọng lượng của chỗ vàng trên bàn.

8. Tượng thần Vệ Nữ, ra đời khoảng 130-100 trước Công Nguyên. Từ tượng điêu khắc Venus de Milo này mà người ta được biết những tượng điêu khắc bên trời Tây Âu đã dùng làm tiêu chuẩn để tạc đàn bà khỏa thân. Khuôn mặt thụ động trung dung, khác hẳn với đường cong mềm mại uyển chuyển của thân hình, điển hình khuôn mặt Hy lạp.

9. Bức họa nổi tiếng "The Coronation of Napoleon I and Coronation” của Josephine in the Cathedral of Notre-Dame de Paris on 2 December 1804" của Jacques-Louis David, vẽ năm 1806- 1807. Bức tranh vẽ về lễ Đăng quang của Napoleon, rộng 10m và cao 6m- là một trong những kỉ lục tuyệt vời trong lịch sử hội họa nước Pháp.

10. Tranh sơn dầu "La Grande Odalisque" của Jean Auguste Dominique Ingres, vẽ năm 1814. Bức tranh vẽ một vị cung phi với những chi tiết thon dài có chủ ý của họa sĩ. Nhiều người đương thời cho rằng họa sĩ Ingres đã miêu tả một nàng cung phi có hình thể thiếu tính hiện thực trong giải phẫu. Bức tranh đã gặp phải nhiều chỉ trích trong lần ra mắt đầu tiên.

Bảo tàng Louvre đã đi vào lịch sử như là một công trình kiến trúc độc đáo, một biểu tượng của nước Pháp. Và đã được du khách thế giới đánh giá là một trong những công trình kiến trúc có nhiều cái nhất:

- Là bảo tàng lớn nhất thế giới.

- Là cung điện của nhiều triều đại nhất.

- Là biểu tượng của sức mạnh và sự giàu có nhất.

- Là bảo tàng sở hữu nhiều bộ sưu tập khổng lồ, những kiệt tác vô giá nhất.

- Là bảo tàng được truy cập nhiều nhất thế giới (qua website).

- Là bảo tàng đón nhiều khách tham quan nhất thế giới.

- Là bảo tàng có kiến trúc độc đáo nhất.

- Là bảo tàng có kim tự tháp bằng kính độc đáo nhất.

- Là bảo tàng phát sáng nhất (nhờ sử dụng 3200 bóng đèn led kết hợp với sự phản chiếu từ 673 tấm kính của kim tự tháp kính).

Hàng năm Bảo tàng Louvre đón hàng chục triệu lượt khách du lịch từ khắp mọi nơi trên thế giới đến thưởng ngoạn.

Đ.N.D

 

11-15 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter