“Lời thề mắc cạn”- hồn thơ giàu nữ tính

 Nguyễn Hiền Lương

         45 bài thơ trong “Lời thề mắc cạn”, tập thơ đầu tay của tác giả Vũ Thu Hương, NXB Hội Nhà văn, xoay quanh những ưu tư, trăn trở về tình yêu, cuộc đời và quê hương của một tâm hồn thơ giàu nữ tính. Trong đó mảng thơ về tình yêu chiếm tỷ lệ cao nhất. Bài thơ mở đầu Thu Hương đã đặt vấn đề: Em đổi cho anh làm phụ nữ một lần/ Cho thỏa khát khao được làm phái đẹp/ Để vui vẻ với áo quần giày dép/ Rồi lụa là, gương lược, phấn son… (Hoán đổi). Rồi nữa, đổi việc: Mang thai, trở dạ, chăm con, bếp núc, giặt dũ, cả việc chịu đựng những cơn say rượu của chồng… Nhưng tác giả lại kết bài: Gói truân chuyên gửi vào nỗi nhớ/ Nguyện làm người giữ lửa yêu thương. Nói thế thôi, chứ em không đổi đâu. Em nguyện làm người giữ lửa yêu thương. Cũng có nghĩa là em chấp nhận tất cả mọi thứ đã tiền định cho người phụ nữ vì đó là thiên chức. Đổi cho anh thì còn gì là em nữa. Như vậy, bài thơ không phải là một hợp đồng hoán đổi thiên chức mà là một cách để giãi bày, tâm sự, cho vợ chồng hiểu nhau hơn, sẻ chia nhau mọi niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc trong cuộc sống thường ngày. Đó là một cách nói hay, ý nhị, giàu sức thuyết phục. Theo tôi chất thơ, sức nặng bài thơ được vút lên ở 2 câu thơ kết: Gói truân chuyên gửi vào nỗi nhớ/ Nguyện làm người giữ lửa yêu thương. Nhìn vào bề mặt thì bài thơ nói về sự hoán đổi song chiều sâu của nó lại là nói về thiên chức. Người phụ nữ khi yêu là đã nghĩ đến hôn nhân, đến thiên chức làm vợ, làm mẹ và sẵn sàng đón nhận tất cả những điều ấy. Xét cả về phương diện thái độ và cách nói của nhân vật trữ tình “Em” trong bài thơ đều đáng yêu, đáng quý.

Tập thơ Lời thề mắc cạn của tác giả Vũ Thu Hương

Cùng chủ đề và cách nói với “Hoán đổi” còn có một loạt các bài khác. Ở bài “Tự hỏi”, tác giả đã tự chất vấn mình: Từ bao giờ em không biết nữa/ Chúng mình rất gần mà lại rất xa…Thực ra tự hỏi cũng chỉ một cách tạo tình huống để tự trả lời: Quạnh quẽ xế chiều, lưng chừng dốc/ Vẫn rất cần những khoảnh khắc ngày xưa. Bài “Món quà vô giá” cũng vậy. Mở đầu: Anh đừng lo chuyện quà tặng em… Kết bài: Thứ em cần là anh- không ai khác/… Ngày lễ không quà nhưng em luôn mỉm cười/ Bởi với em anh là món quà vô giá. Qua đây, có thể thấy tác giả luôn tạo tình huống để từ đó cảm xúc được bộc lộ một cách tự nhiên. Tư tưởng của bài thơ thường nằm ở kết bài: Hãy nắm chặt tay em anh nhé/ Dẫu thế nào xin hãy đừng buông (Hãy nắm tay em đi qua mùa nhớ); Dẫu mạnh mẽ đến nhường nào/ Em cũng chỉ là người phụ nữ… Mạnh mẽ tới đâu cũng cần một người đàn ông trong đời… (Em chỉ là phụ nữ thôi anh); Em không đủ mạnh mẽ/ Phận đàn bà mỏng manh/ Cần có anh dỗ dành/ Cho em bờ vai tựa (Cơn mưa mùa hạ); Xin đừng bao giờ so sánh em/ Với bất cứ người đàn bà trên thế gian nào khác… Nhưng nếu phải so sánh em bằng mọi giá/ Thì so sánh đi anh để nhìn lại chính mình (So sánh); Đừng bỏ rơi em lâu quá được không/ Em sợ mình trở thành người phản bội/ Đừng biến em thành người có lỗi/ Lỗi với tình yêu và tội với chính mình (Đừng bỏ rơi em lâu quá được không?); Hãy cho em làm người tình chồng nhé/ Làm vợ lâu em thấy mệt rồi… (Thỉnh cầu).

Trong cuộc đời, không phải cuộc tình nào cũng được trọn vẹn. Bước lên xe hoa về nhà chồng là chia tay với những mối tình cũ, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn người con gái vẫn có một chút lưu luyến, bâng khuâng, bùi ngùi với những cái đã qua. Đó cũng là lẽ tự nhiên. Vấn đề là có dũng cảm nói ra điều ấy không và nói như thế nào? Tôi rất trân trọng sự bộc bạch, phơi mở tâm hồn, sẻ chia này của Thu Hương: Anh bận gì không tới/ Để cải ngồng trổ hoa/ Đông gói rét làm quà/ Gom hoa đan áo cưới/ Khắp làng trên xóm dưới/ Tiễn mùa đi lấy chồng…/ Ngày em bước sang sông/ Thương lời thề mắc cạn (Lời thề mắc cạn). Bài thơ được lấy làm tên tập thơ là bài thơ ngắn nhất trong tập, vỏn vẹn có 50 từ nhưng lại nói được nhiều về tâm trạng của cô gái về nhà chồng. Khi yêu nhau người ta thường thề nguyền sẽ gắn bó bên nhau đến trọn đờì, nhưng vì nhiều lý do, có tình yêu bị tan vỡ, lời thề vì thế mà đứt gánh giữa chừng. Thơ viết về việc không giữ được lời thề trong tình yêu có khá nhiều. Trăng vàng đêm ấy, bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may... (Phạm Công Trứ); Lời thề hôm ấy của em/ Thơm như cốm ướp hương Sen giữa mùa/ Không ngờ, anh thật không ngờ/ Lá Sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu? (Nguyễn Đăng Luận). Hình ảnh “gỡ lời thề cỏ may”, “lá sen rách” đã để lại ấn tượng sâu đậm với bạn đọc. Không ngờ Thu Hương lại có hình ảnh “Lời thề mắc cạn”. Tôi cho rằng đây là một cách nói hay, hình ảnh ấn tượng, kiệm lời mà đa nghĩa. Tác giả đã gắn cái siêu hình (lời thề) với cái hữu hình (mắc cạn), 2 sự vật quen thuộc  thành một hình ảnh mới vừa mang tính thẩm mỹ vừa tạo ra nghĩa mới. Chất thơ được cất cánh từ đây: Ngày em bước sang sông/ Thương lời thề mắc cạn. Bài thơ đọc một lần đã găm vào tâm hồn bạn đọc. Càng thấy thơ hay không cần phải nhiều lời. Dòng cảm xúc này còn được thể hiện trong nhiều bài thơ khác:  Lá rụng nảy chồi xanh/ Lộc biếc sẽ cho anh/ Em là mùa thu cũ (Mùa thu cũ); Chúng mình có duyên mà không có nợ/ Hãy cất những dang dở vào miền nhớ/… Trong tình yêu không có thắng thua (Hạnh phúc); Đừng giận em anh nhé/… Có những lời hẹn thề/ Làm trăng non chao đảo/ Nhưng chẳng đủ dệt áo/ Em mặc ngày vu quy/ Xin là đóa Dã quỳ/ Thắp màu vàng rực rỡ (Đừng giận em). Bài “Anh là người chỉ để nhớ mà thôi” lại thể hiện thái độ, tâm trạng trong một tình huống khác: tình huống xao lòng, “say nắng”. Trong cuộc sống con người không thể nào tránh khỏi những tình huống này. Thu Hương cũng đã thể hiện rất thật lòng mình: Anh là người chỉ để nhớ mà thôi/ Không phải yêu để mà hy vọng/… Nên chẳng thể cầm tay nhau bước dạo/…  Em cũng chỉ là người đàn bà cũ/ Cần chốn bình yên cho trái tim trú ngụ…  Có thể thấy Thu Hương luôn trăn trở về tình yêu bằng một trái tim đa cảm, giàu nữ tính nhưng cũng không kém phần lý trí.

Bên cạnh những trăn trở về tình yêu là sự ưu tư về cha mẹ và cuộc đời. Tôi thích cái cách Thu Hương thể hiện nỗi nhớ cha mẹ qua những chi tiết, hình ảnh bình dị, dân dã mà vẫn gợi nhiều cảm xúc cho người đọc: Cây húng vịt bàn tay cha cấy/ Giờ đơm hoa phủ trắng trên đầu… (Nhớ cha); Mấy quả ổi với vài cái bánh/ Dáng mong manh quẩy ngược gió chiều… (Nhớ mẹ). Hình ảnh cũng giúp Thu Hương thể hiện khá thành công ưu tư về cuộc đời: Lớn lên rồi em tự hỏi mình sẽ về đâu/ Khi giấc mơ bạt ngàn hoa lau trắng… (Tự khúc ngày sinh); Nếu có kiếp sau xin làm cây lá…, xin làm con suối, xin làm vách đá, xin làm câu hát, điệu then, cây nêu, bếp lửa… (Nếu có kiếp sau). Nhiều hình ảnh đã ám ảnh bạn đọc, có những ưu tư đã chạm đến trái tim bạn đọc. Song cũng có những lúc tác giả sợ bạn đọc không hiểu nên phải dài lời phân bua. Ví dụ trường hợp tác giả tạo ra tình huống nếu có kiếp sau: Nếu có kiếp sau xin làm cây lá. Rồi viện dẫn tới 3 lý do: Cạnh rừng già từ thuở hoang sơ/ Nụ hoa xinh chúm chím đợi chờ/ Trong giấc mơ ngàn năm không tuổi. Đấy không phải là cách nói hay của thơ. Thơ hay chỉ cần gợi mở để dành khoảng trống cho người đọc suy ngẫm. Ta hãy xem Nguyễn Công Trứ cũng thể hiện cái ước kiếp sau được làm cây lá: Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo. Thế thôi. Người đọc sẽ phải tự mình tìm kiếm câu trả lời tại sao ông lại ước, lại khuyên như thế. Ngôn ngữ trong thơ kiệm lời, hàm ẩn, “ý tại ngôn ngoại” là như thế.

Trong tập thơ “Lời thề mắc cạn” còn có chùm bài thơ thể hiện cảnh vật và con người miền núi, như các bài: “Dòng sông Chảy quê em”,  “Phố núi đầu đông”, “Đường về bản”, “Chợ phiên”, “Về quê”, “Tiếng chim trên nương”, “Tiếng khèn mùa xuân”, “Tháng ba”, “Đi hội cùng em nhé”, “Mời anh đến thăm quê em”… Trong đó nổi bật là bài thơ “Po ơi!”. Thu Hương hóa thân vào cô gái dân tộc, dùng những hình ảnh rất đặc trưng, cách nói hồn nhiên, của đồng bào để thể hiện tâm trạng khát khao tình yêu của người con gái miền núi: Không có người ấy/ Con như dao cùn vất nơi xó bếp/ Như chim rừng ăn phải hạt ráy xanh…/ Giờ con biết đun củi đằng gốc/ Không dùng cặp tre gõ mặt kiềng/… Cây trên rừng còn biết đan vào nhau/… Po ơi! Con muốn đan sọt/ Con muốn dệt đệm bông/ Pơ ơi! Con muốn lấy chồng. Ở những bài thơ khác, có một hiện tượng lặp lại, tác giả luôn tạo ra tình huống đang nói, đang khoe, đang hỏi, đang kể, với “anh” để diễn tả về miền quê núi của mình: Có dòng sông nào không chảy đâu anh/ Nhưng dòng sông quê em có tên là sông Chảy (Dòng sông Chảy quê em); Anh có về phố núi chiều nay (Phố núi đầu đông); Hội Gầu Tào anh có qua chơi (Đi hội cùng  em nhé), Người ở đâu người ơi/ Về chợ phiên em đợi (Chợ phiên), Mời anh tới quê em tháng chín (Mời anh đến thăm quê  em), Đường về bản em con xa lắm (Đường về bản)… Cách tạo ra tình huống giao tiếp giữa anh và em làm cho những cảnh vật và con người được nói tới thân thương, gần gũi hơn, dễ đi vào lòng người. Tác giả cũng tạo ra được nhiều hình ảnh mang tính thẩm mỹ: Dòng sông Chảy bên vách núi cheo leo/ Cái dáng gầy hai bên bờ lau trắng…(Dòng sông Chảy quê em); Chiều tàn rơi! Vương gùi em xuống núi (Phố núi đầu đông); Ngước mắt lên anh thấy cả trời sao/ Đang rơi xuống đậu trên vòng bạc trắng (Đi hội cùng em nhé); Về đi anh nghe câu Cọi nhớ nhung/ Nghe câu Then vắt cầu thang ngóng đợi (Về quê). Song cũng có những hình ảnh cần phải xem lại. Trong bài thơ “Quê hương”, Tế Hanh so sánh: Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng. Cánh buồm giương to (có nghĩa là no gió) được so sánh với “mảnh hồn làng”. Một vật thể hữu hình “cánh buồm” được so sánh với cái trừu tượng, vô hình, “mảnh hồn làng”. So sánh này khá độc đáo, vì thông thường người ta hay so sánh cái vô hình, trừu tượng với cái hữu hình, cụ thể, giúp người đọc nhận biết cái vô hình. Tế Hanh lại làm ngược lại. Nhưng chính nhờ đó mà hình ảnh cánh buồm no gió biển khơi giản dị, quen thuộc hằng ngày bỗng trở nên thiêng liêng, thơ mộng, biểu cảm. Thu Hương cũng so sánh sông Chảy (cái cụ thể) với cái vô hình, trừu tượng (mảnh hồn làng) nhưng xem ra không ổn lắm vì trong biện pháp tu từ so sánh, giữa cái so sánh và cái được so sánh phải có nét tương đồng nào đó. Cánh buồm no gió làm cho con thuyền phăng phăng rẽ sóng ra khơi tương đồng với tâm hồn phóng khoáng, khỏe khoắn của những chàng trai làng biển nên cánh buồm nên nó được so sánh với hồn làng. Thực ra sông Chảy là tên Nôm, còn Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn gọi là sông “Lôi hà”, trong Đại Đồng phong cảnh phú, Nguyễn Hãng gọi là Lôi thủy (Sông Lôi thủy quanh co nhiễu tả).

Đây đó trong tập thơ còn có điều cần bàn thêm, song vẫn có thể xem đây là một tập thơ khá. Điều đáng quý là Thu Hương đã thể hiện cá tính sáng tạo của mình. Với cá tính này tác giả sẽ còn đi xa hơn. Xin chia vui với tác giả và trân trọng giới thiệu với bạn đọc “Lời thề mắc cạn”.

 

                                                                      N.H.L 

Các tin khác:

Louvre - Bảo tàng nghệ thuật danh giá nhất thế giới

ĐỖ NGỌC DŨNG

Nằm bên hữu ngạn sông Seine ở Thủ đô Paris của nước Pháp, Louvre là một bảo tàng lớn nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới, với khối kiến trúc tráng lệ và là nơi lưu trữ những kiệt tác, tinh hoa nghệ thuật vô giá của Pháp và thế giới. Nơi đây được chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1793.

ĐỖ NGỌC DŨNG

Nằm bên hữu ngạn sông Seine ở Thủ đô Paris của nước Pháp, Louvre là một bảo tàng lớn nhất và nổi tiếng nhất trên thế giới, với khối kiến trúc tráng lệ và là nơi lưu trữ những kiệt tác, tinh hoa nghệ thuật vô giá của Pháp và thế giới. Nơi đây được chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1793.

Là một họa sĩ, từ lâu cái tên bảo tàng Louvre tôi đã được nghe nhắc nhiều lần, cũng được biết sơ sơ qua màn ảnh nhỏ. Vì thế, chuyến Tây Âu lần này, là cơ hội để tôi được đặt chân đến địa chỉ văn hóa đặc biệt này.

Một ngày nghỉ tự do ở Thủ đô Paris, nhờ sự hỗ trợ của cán bộ sứ quán đặt vé qua mạng trước đó hai ngày, chúng tôi đã có mặt tại sân chính mang tên Hoàng đế Napoleon của bảo tàng, ngước nhìn xung quanh là ba tòa nhà dài tráng lệ với nhiều tượng và phù điêu được trạm trổ tinh xảo. Không may cho chúng tôi, lúc này trời bắt đầu mưa nặng hạt, nhưng cùng với dòng người kiên nhẫn xếp thành 4 hàng dài cả trăm mét, để vào bảo tàng qua 2 cửa của mô hình Kim tự tháp bằng kính.

Qua tìm hiểu được biết: Louvre đầu tiên được xây dựng như một pháo đài để bảo vệ thành phố khỏi những cuộc tấn công theo mệnh lệnh của hoàng đế Phillipe-Auguste. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử xã hội Pháp, đến thế kỉ thứ 16, Louvre được trùng tu làm cung điện hoàng gia và sau đó vào năm 1793, nó được điều chỉnh và chính thức trở thành một bảo tàng nghệ thuật hàng đầu ở Paris. Louvre còn trải qua một cuộc đại trùng tu nữa ở giữa thế kỷ 19, để nó có diện mạo đẹp như ngày nay.

Louvre đúng như một cung điện đồ sộ với tổng diện tích là 210.000 m2, trong đó diện tích trưng bày là 60.600 m2. Cấu trúc độc đáo bao gồm 3 tổ hợp kiến trúc tinh xảo.

Louvre không chỉ độc đáo bởi các sưu tập hiện vật trưng bày mà còn độc đáo ở kiến trúc, điêu khắc, đặc biệt sự góp mặt của mô hình Kim Tự Tháp bằng kính (Pyramid) nằm ở chính giữa sân Napoléon của bảo tàng. Kim Tự Tháp bằng kính này do Kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ gốc Hoa Leoh Ming Pei thiết kế, bắt đầu xây dựng năm 1983 và hoàn thành vào năm 1989 (dưới thời Tổng Thống Francois Mitterand). Bao bọc xung quanh Kim tự tháp chính là bảy đài phun nước hình tam giác hướng lối vào cho khách tham quan xuống tiền sảnh dưới tầng hầm.

Qua Kim tự tháp bằng kính, ánh sáng chiếu xuống sáng rõ những phòng trưng bày phía dưới và ở mỗi cánh Kim tự tháp đều có cửa riêng dẫn khách.

Không gian nghệ thuật bên trong

Dù dưới thời đệ nhất đế chế Pháp, nhờ những cuộc chinh phạt của Napoleon, nhiều tác phẩm nghệ thuật và hiện vật khảo cổ có giá trị được chuyển về Louvre. Tuy nhiên sau thất bại của Napoleon trong trận Waterloo, nhiều cổ vật được trở về với những quốc gia chủ nhân của nó.

Bảo tàng Louvre hiện đang lưu giữ khoảng 380.000 hiện vật, trong đó tại hệ thống trưng bày chỉ trưng bày, giới thiệu khoảng 35000 tác phẩm chia thành 8 bộ sưu tập tương ứng với 8 phần trưng bày. Là những bộ sưu tập khổng lồ về hiện vật từ cổ xưa nhất của Ai Cập cổ đại đến thế giới hiện đại, nghệ thuật Hy Lạp, La Mã, nghệ thuật Hồi giáo, hội họa, điêu khắc tạo hình và trang trí… Ngoài 8 bộ sưu tập chính, Louvre còn một khu trưng bày lịch sử của chính cung điện và một bộ sưu tập nghệ thuật Châu Á, Phi, Mỹ và Châu Đại dương.

Khu vực phương Đông cổ đại; gồm 100.000 hiện vật của nền văn minh cổ thuộc các nước Trung Cận Đông từ 8000 năm trước Công nguyên cho đến thời kỳ Hồi giáo.

Khu vực Ai Cập cổ đại; gồm 50.000 hiện vật giới thiệu chứng tích về các nền văn minh nối tiếp hai bờ sông Nin, từ thời Tiền sử tới thời Cơ đốc giáo.

Khu vực Hy Lạp, La Mã và Etruria cổ đại; với 45.000 hiện vật, dành cho các tác phẩm của ba nền văn minh Hy Lạp, La Mã và Etruria.

Khu nghệ thuật Hồi giáo; với 10.000 hiện vật, bao gồm các hiện vật được lấy cảm hứng từ Hồi giáo, trải dài suốt 1300 năm lịch sử của ba châu lục.

Khu vực hội họa; gồm 11.900 hiện vật, giới thiệu tất cả các trường phái phương tây từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19.

Khu vực điêu khắc; gồm 6.500 hiện vật là những tác phẩm thời Trung cổ, thời Phục hưng và hiện đại.

Khu vực nghệ thuật họa hình; gồm 137.479 hiện vật là những tác phẩm vẽ trên giấy, tranh phấn màu, tiểu họa, bản in, bản khắc, in thạch bản… và các chất liệu gỗ, da…

Khu vực nghệ thuật trang trí; gồm 20.704 hiện vật gồm các đồ vật của thời Trung cổ đến nửa đầu thế kỷ 19, hiện vật đa dạng, đồ trang sức, thảm đồng hồ, với nhiều chất liệu đồng, kim loại quý, ngà voi…

10 kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng của bảo tàng

Louvre có hàng ngàn kiệt tác nghệ thuật vô giá nhưng hãy tạm chọn ra 10 tác phẩm tiêu biểu nổi tiếng nhất và có lẽ xếp theo thứ tự như sau:

1. Bức tranh “Mona Lisa” (hay còn gọi là La Giocondo) của đại Danh họa Leonardo da Vinci. Đây là một trong những bức chân dung nổi tiếng nhất thế giới, được vẽ bằng sơn dầu trên một tấm gỗ dương tại Florence vào thế kỷ 16, trong thời kì Phục hưng Italy.

Lịch sử bức tranh Mona Lisa được vẽ từ năm 1503 đến 1506 (thế kỷ 16), khi Leonardo da Vinci đang đi tìm người bảo trợ cho bức tranh. Tuy nhiên, Ông đã không vẽ xong bức tranh này nên không được trả tiền, và cuối cùng ông mang theo nó khi đến Pháp 10 năm sau đó. Bức tranh này được đưa vào bộ sưu tập của vua Francis I, người bảo trợ cuối cùng của Da Vinci và là một trong những tác phẩm nguyên bản được trưng bày ở bảo tàng Louve từ năm 1797 theo thông kê của bảo tàng, mỗi năm có hàng chục triệu du khách đến đây để chiêm ngưỡng bức tranh thần bí này.

Mấy chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian, thậm chí còn bị lạc nhau khi mải mê xem những tác phẩm nguyên bản trưng bày trong bảo tàng. Đặc biệt là mãi mới tìm đến được nơi lưu giữ bức tranh này ở tầng 2 khu trưng bày. Cũng như mọi du khách chúng tôi cố gắng để có bức ảnh kỉ niệm trước bức tranh nổi tiếng này, mặc dù tất cả đều phải đứng cách bức tranh tầm trên 3m bởi một hàng rào đặc biệt.

2. Tượng thần chiến thắng "Nike of Samothrace" hay "Winged Victory". Đây là một tác phẩm điêu khắc Hy Lạp cổ bằng đá cẩm thạch, mô tả nữ thần Nike, vị thần tượng trưng cho chiến thắng. Bức tượng được nhà ngoại giao người Pháp Charles Champoiseau phát hiện năm 1863, tại đảo Samothrace, phía Đông Hy Lạp, trong tình trạng bị vỡ thành nhiều mảnh. Các mảnh vỡ được gửi về Paris, ghép lại và trưng bày ở bảo tàng Louvre. Mặc dù không còn nguyên vẹn nhưng Tượng thần chiến thắng Samothrace vẫn được xem như một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng bậc nhất.

3. Bức họa "Chiếc bè của chiến thuyền Méduse" (Le Radeau de la Méduse/ The Raft of the Medusa) của danh họa Théodore Géricault- một trong những người khai sáng ra chủ nghĩa lãng mạn trong hội hoạ. Đây là bức tranh làm bùng nổ một vụ scandal chấn động nước Pháp và cả thế giới những năm đầu thế kỷ 19. Bức tranh mô tả một nhóm người tuyệt vọng cùng cực trên một chiếc bè đang trôi nổi lênh đênh giữa biển khơi, đang vẫy gọi cầu cứu một con tàu xuất hiện nhỏ xíu ở tít đằng xa phía chân trời trong sự tuyệt vọng. Théodore Géricault vẽ bức họa này năm ông 27 tuổi. Phần máu trong tranh là kết quả tìm tòi không ngừng nghỉ của Géricault trong nhiều nhà xác.

4. Bức cẩm thạch "Psyche Revived by Cupid’s Kiss" (Psyche hồi sinh sau nụ hôn của Thần Ái tình). Tuyệt tác về tình yêu đích thực này được tạo ra vào năm 1787 bởi nhà điêu khắc tài hoa người Ý Antonio Canova theo trường phái Tân cổ điển. Trên một nền đá cẩm thạch, Canova dựng lại câu chuyện tình thần thoại của Thần Ái tình (kích thước xấp xỉ người thật) và nàng Psyche. Nữ thần Venus khiến Psyche bất tỉnh và ngủ vùi cho tới khi thần Cupid tới hôn lên môi Psyche. Sau đó nàng công chúa trần gian này uống một ly nước tiên và có thể sống bất tử với Cupid như những vị thần khác.

5. Bức họa "Death of Sardanapalus" (Cái chết của Sardanapalus) của Eugène Delacroix. Bức họa vẽ năm 1827 lấy đề tài từ vở kịch thơ “Sarnadapalus” của Byron. Vở kịch này lấy bối cảnh Assyria thời cổ với nhà vua anh hùng do đắm chìm trong một cuộc sống kiêu sa dâm dật, lại chuyên quyền tàn bạo. Sau đó vị vua này ra lệnh tiêu hủy toàn bộ tài sản của ông khi ông biết quân đội dưới quyền thất bại. Danh họa Delacroix chọn phần hay nhất của câu chuyện để vẽ - khi tất cả các thê thiếp và nàng hầu bị đem đi giết. Bức họa có đủ tính bạo lực, xa hoa quyền thế và gợi dục, núp dưới lớp vỏ "tranh lịch sử". Hiện bức tranh này được xem là tác phẩm đẹp nhất của viện bảo tàng mỹ thuật Louvre, hàng ngày nó hấp dẫn vô số người đến xem.

 

6. Tranh sơn dầu "Liberty Leading the People" của danh họa Eugène Delacroix, vẽ năm 1830. Cuộc cách mạng tháng 7 của dân chúng Paris đánh đuổi vua Charles X chính là điều thôi thúc Delacroix vẽ bức họa này. Ông đặt cô gái nửa lõa thể xinh đẹp vào vị trí nổi bật nhất của bức tranh, để cho nàng một tay đưa cao lá cờ tam sắc tượng trưng cho tự do, còn tay kia thì siết chặt khẩu súng có lưỡi lê tượng trưng cho cách mạng. Goethe từng ca ngợi Delacroix là người đã thực hiện “Sự hòa hợp một cách kỳ lạ giữa thiên đường và nhân gian”. Hình tượng của vị Nữ thần Tự do này làm say mê nhiều người nhất trong hội họa của nước Pháp. Nó đã cùng với Khải hoàn môn và tháp Eiffel trở thành tượng trưng cho nước Pháp và nền văn hóa Pháp.

7. Tranh "The Moneylender and His Wife" của danh họa Quentin Metsys, vẽ năm 1514. Quentin mô tả chính xác tới từng chi tiết mọi nét tính toán của người chồng tham lam làm nghề cho vay tiền và người vợ "cùng hội cùng thuyền". Người ta có thể thấy hai con ngươi mắt họ đếm từng đồng xu và cẩn thận ghi chú trọng lượng của chỗ vàng trên bàn.

8. Tượng thần Vệ Nữ, ra đời khoảng 130-100 trước Công Nguyên. Từ tượng điêu khắc Venus de Milo này mà người ta được biết những tượng điêu khắc bên trời Tây Âu đã dùng làm tiêu chuẩn để tạc đàn bà khỏa thân. Khuôn mặt thụ động trung dung, khác hẳn với đường cong mềm mại uyển chuyển của thân hình, điển hình khuôn mặt Hy lạp.

9. Bức họa nổi tiếng "The Coronation of Napoleon I and Coronation” của Josephine in the Cathedral of Notre-Dame de Paris on 2 December 1804" của Jacques-Louis David, vẽ năm 1806- 1807. Bức tranh vẽ về lễ Đăng quang của Napoleon, rộng 10m và cao 6m- là một trong những kỉ lục tuyệt vời trong lịch sử hội họa nước Pháp.

10. Tranh sơn dầu "La Grande Odalisque" của Jean Auguste Dominique Ingres, vẽ năm 1814. Bức tranh vẽ một vị cung phi với những chi tiết thon dài có chủ ý của họa sĩ. Nhiều người đương thời cho rằng họa sĩ Ingres đã miêu tả một nàng cung phi có hình thể thiếu tính hiện thực trong giải phẫu. Bức tranh đã gặp phải nhiều chỉ trích trong lần ra mắt đầu tiên.

Bảo tàng Louvre đã đi vào lịch sử như là một công trình kiến trúc độc đáo, một biểu tượng của nước Pháp. Và đã được du khách thế giới đánh giá là một trong những công trình kiến trúc có nhiều cái nhất:

- Là bảo tàng lớn nhất thế giới.

- Là cung điện của nhiều triều đại nhất.

- Là biểu tượng của sức mạnh và sự giàu có nhất.

- Là bảo tàng sở hữu nhiều bộ sưu tập khổng lồ, những kiệt tác vô giá nhất.

- Là bảo tàng được truy cập nhiều nhất thế giới (qua website).

- Là bảo tàng đón nhiều khách tham quan nhất thế giới.

- Là bảo tàng có kiến trúc độc đáo nhất.

- Là bảo tàng có kim tự tháp bằng kính độc đáo nhất.

- Là bảo tàng phát sáng nhất (nhờ sử dụng 3200 bóng đèn led kết hợp với sự phản chiếu từ 673 tấm kính của kim tự tháp kính).

Hàng năm Bảo tàng Louvre đón hàng chục triệu lượt khách du lịch từ khắp mọi nơi trên thế giới đến thưởng ngoạn.

Đ.N.D

 

11-15 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter