“Lời thề mắc cạn”- hồn thơ giàu nữ tính

 Nguyễn Hiền Lương

         45 bài thơ trong “Lời thề mắc cạn”, tập thơ đầu tay của tác giả Vũ Thu Hương, NXB Hội Nhà văn, xoay quanh những ưu tư, trăn trở về tình yêu, cuộc đời và quê hương của một tâm hồn thơ giàu nữ tính. Trong đó mảng thơ về tình yêu chiếm tỷ lệ cao nhất. Bài thơ mở đầu Thu Hương đã đặt vấn đề: Em đổi cho anh làm phụ nữ một lần/ Cho thỏa khát khao được làm phái đẹp/ Để vui vẻ với áo quần giày dép/ Rồi lụa là, gương lược, phấn son… (Hoán đổi). Rồi nữa, đổi việc: Mang thai, trở dạ, chăm con, bếp núc, giặt dũ, cả việc chịu đựng những cơn say rượu của chồng… Nhưng tác giả lại kết bài: Gói truân chuyên gửi vào nỗi nhớ/ Nguyện làm người giữ lửa yêu thương. Nói thế thôi, chứ em không đổi đâu. Em nguyện làm người giữ lửa yêu thương. Cũng có nghĩa là em chấp nhận tất cả mọi thứ đã tiền định cho người phụ nữ vì đó là thiên chức. Đổi cho anh thì còn gì là em nữa. Như vậy, bài thơ không phải là một hợp đồng hoán đổi thiên chức mà là một cách để giãi bày, tâm sự, cho vợ chồng hiểu nhau hơn, sẻ chia nhau mọi niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc trong cuộc sống thường ngày. Đó là một cách nói hay, ý nhị, giàu sức thuyết phục. Theo tôi chất thơ, sức nặng bài thơ được vút lên ở 2 câu thơ kết: Gói truân chuyên gửi vào nỗi nhớ/ Nguyện làm người giữ lửa yêu thương. Nhìn vào bề mặt thì bài thơ nói về sự hoán đổi song chiều sâu của nó lại là nói về thiên chức. Người phụ nữ khi yêu là đã nghĩ đến hôn nhân, đến thiên chức làm vợ, làm mẹ và sẵn sàng đón nhận tất cả những điều ấy. Xét cả về phương diện thái độ và cách nói của nhân vật trữ tình “Em” trong bài thơ đều đáng yêu, đáng quý.

Tập thơ Lời thề mắc cạn của tác giả Vũ Thu Hương

Cùng chủ đề và cách nói với “Hoán đổi” còn có một loạt các bài khác. Ở bài “Tự hỏi”, tác giả đã tự chất vấn mình: Từ bao giờ em không biết nữa/ Chúng mình rất gần mà lại rất xa…Thực ra tự hỏi cũng chỉ một cách tạo tình huống để tự trả lời: Quạnh quẽ xế chiều, lưng chừng dốc/ Vẫn rất cần những khoảnh khắc ngày xưa. Bài “Món quà vô giá” cũng vậy. Mở đầu: Anh đừng lo chuyện quà tặng em… Kết bài: Thứ em cần là anh- không ai khác/… Ngày lễ không quà nhưng em luôn mỉm cười/ Bởi với em anh là món quà vô giá. Qua đây, có thể thấy tác giả luôn tạo tình huống để từ đó cảm xúc được bộc lộ một cách tự nhiên. Tư tưởng của bài thơ thường nằm ở kết bài: Hãy nắm chặt tay em anh nhé/ Dẫu thế nào xin hãy đừng buông (Hãy nắm tay em đi qua mùa nhớ); Dẫu mạnh mẽ đến nhường nào/ Em cũng chỉ là người phụ nữ… Mạnh mẽ tới đâu cũng cần một người đàn ông trong đời… (Em chỉ là phụ nữ thôi anh); Em không đủ mạnh mẽ/ Phận đàn bà mỏng manh/ Cần có anh dỗ dành/ Cho em bờ vai tựa (Cơn mưa mùa hạ); Xin đừng bao giờ so sánh em/ Với bất cứ người đàn bà trên thế gian nào khác… Nhưng nếu phải so sánh em bằng mọi giá/ Thì so sánh đi anh để nhìn lại chính mình (So sánh); Đừng bỏ rơi em lâu quá được không/ Em sợ mình trở thành người phản bội/ Đừng biến em thành người có lỗi/ Lỗi với tình yêu và tội với chính mình (Đừng bỏ rơi em lâu quá được không?); Hãy cho em làm người tình chồng nhé/ Làm vợ lâu em thấy mệt rồi… (Thỉnh cầu).

Trong cuộc đời, không phải cuộc tình nào cũng được trọn vẹn. Bước lên xe hoa về nhà chồng là chia tay với những mối tình cũ, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn người con gái vẫn có một chút lưu luyến, bâng khuâng, bùi ngùi với những cái đã qua. Đó cũng là lẽ tự nhiên. Vấn đề là có dũng cảm nói ra điều ấy không và nói như thế nào? Tôi rất trân trọng sự bộc bạch, phơi mở tâm hồn, sẻ chia này của Thu Hương: Anh bận gì không tới/ Để cải ngồng trổ hoa/ Đông gói rét làm quà/ Gom hoa đan áo cưới/ Khắp làng trên xóm dưới/ Tiễn mùa đi lấy chồng…/ Ngày em bước sang sông/ Thương lời thề mắc cạn (Lời thề mắc cạn). Bài thơ được lấy làm tên tập thơ là bài thơ ngắn nhất trong tập, vỏn vẹn có 50 từ nhưng lại nói được nhiều về tâm trạng của cô gái về nhà chồng. Khi yêu nhau người ta thường thề nguyền sẽ gắn bó bên nhau đến trọn đờì, nhưng vì nhiều lý do, có tình yêu bị tan vỡ, lời thề vì thế mà đứt gánh giữa chừng. Thơ viết về việc không giữ được lời thề trong tình yêu có khá nhiều. Trăng vàng đêm ấy, bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may... (Phạm Công Trứ); Lời thề hôm ấy của em/ Thơm như cốm ướp hương Sen giữa mùa/ Không ngờ, anh thật không ngờ/ Lá Sen rách. Cốm bây giờ thơm đâu? (Nguyễn Đăng Luận). Hình ảnh “gỡ lời thề cỏ may”, “lá sen rách” đã để lại ấn tượng sâu đậm với bạn đọc. Không ngờ Thu Hương lại có hình ảnh “Lời thề mắc cạn”. Tôi cho rằng đây là một cách nói hay, hình ảnh ấn tượng, kiệm lời mà đa nghĩa. Tác giả đã gắn cái siêu hình (lời thề) với cái hữu hình (mắc cạn), 2 sự vật quen thuộc  thành một hình ảnh mới vừa mang tính thẩm mỹ vừa tạo ra nghĩa mới. Chất thơ được cất cánh từ đây: Ngày em bước sang sông/ Thương lời thề mắc cạn. Bài thơ đọc một lần đã găm vào tâm hồn bạn đọc. Càng thấy thơ hay không cần phải nhiều lời. Dòng cảm xúc này còn được thể hiện trong nhiều bài thơ khác:  Lá rụng nảy chồi xanh/ Lộc biếc sẽ cho anh/ Em là mùa thu cũ (Mùa thu cũ); Chúng mình có duyên mà không có nợ/ Hãy cất những dang dở vào miền nhớ/… Trong tình yêu không có thắng thua (Hạnh phúc); Đừng giận em anh nhé/… Có những lời hẹn thề/ Làm trăng non chao đảo/ Nhưng chẳng đủ dệt áo/ Em mặc ngày vu quy/ Xin là đóa Dã quỳ/ Thắp màu vàng rực rỡ (Đừng giận em). Bài “Anh là người chỉ để nhớ mà thôi” lại thể hiện thái độ, tâm trạng trong một tình huống khác: tình huống xao lòng, “say nắng”. Trong cuộc sống con người không thể nào tránh khỏi những tình huống này. Thu Hương cũng đã thể hiện rất thật lòng mình: Anh là người chỉ để nhớ mà thôi/ Không phải yêu để mà hy vọng/… Nên chẳng thể cầm tay nhau bước dạo/…  Em cũng chỉ là người đàn bà cũ/ Cần chốn bình yên cho trái tim trú ngụ…  Có thể thấy Thu Hương luôn trăn trở về tình yêu bằng một trái tim đa cảm, giàu nữ tính nhưng cũng không kém phần lý trí.

Bên cạnh những trăn trở về tình yêu là sự ưu tư về cha mẹ và cuộc đời. Tôi thích cái cách Thu Hương thể hiện nỗi nhớ cha mẹ qua những chi tiết, hình ảnh bình dị, dân dã mà vẫn gợi nhiều cảm xúc cho người đọc: Cây húng vịt bàn tay cha cấy/ Giờ đơm hoa phủ trắng trên đầu… (Nhớ cha); Mấy quả ổi với vài cái bánh/ Dáng mong manh quẩy ngược gió chiều… (Nhớ mẹ). Hình ảnh cũng giúp Thu Hương thể hiện khá thành công ưu tư về cuộc đời: Lớn lên rồi em tự hỏi mình sẽ về đâu/ Khi giấc mơ bạt ngàn hoa lau trắng… (Tự khúc ngày sinh); Nếu có kiếp sau xin làm cây lá…, xin làm con suối, xin làm vách đá, xin làm câu hát, điệu then, cây nêu, bếp lửa… (Nếu có kiếp sau). Nhiều hình ảnh đã ám ảnh bạn đọc, có những ưu tư đã chạm đến trái tim bạn đọc. Song cũng có những lúc tác giả sợ bạn đọc không hiểu nên phải dài lời phân bua. Ví dụ trường hợp tác giả tạo ra tình huống nếu có kiếp sau: Nếu có kiếp sau xin làm cây lá. Rồi viện dẫn tới 3 lý do: Cạnh rừng già từ thuở hoang sơ/ Nụ hoa xinh chúm chím đợi chờ/ Trong giấc mơ ngàn năm không tuổi. Đấy không phải là cách nói hay của thơ. Thơ hay chỉ cần gợi mở để dành khoảng trống cho người đọc suy ngẫm. Ta hãy xem Nguyễn Công Trứ cũng thể hiện cái ước kiếp sau được làm cây lá: Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo. Thế thôi. Người đọc sẽ phải tự mình tìm kiếm câu trả lời tại sao ông lại ước, lại khuyên như thế. Ngôn ngữ trong thơ kiệm lời, hàm ẩn, “ý tại ngôn ngoại” là như thế.

Trong tập thơ “Lời thề mắc cạn” còn có chùm bài thơ thể hiện cảnh vật và con người miền núi, như các bài: “Dòng sông Chảy quê em”,  “Phố núi đầu đông”, “Đường về bản”, “Chợ phiên”, “Về quê”, “Tiếng chim trên nương”, “Tiếng khèn mùa xuân”, “Tháng ba”, “Đi hội cùng em nhé”, “Mời anh đến thăm quê em”… Trong đó nổi bật là bài thơ “Po ơi!”. Thu Hương hóa thân vào cô gái dân tộc, dùng những hình ảnh rất đặc trưng, cách nói hồn nhiên, của đồng bào để thể hiện tâm trạng khát khao tình yêu của người con gái miền núi: Không có người ấy/ Con như dao cùn vất nơi xó bếp/ Như chim rừng ăn phải hạt ráy xanh…/ Giờ con biết đun củi đằng gốc/ Không dùng cặp tre gõ mặt kiềng/… Cây trên rừng còn biết đan vào nhau/… Po ơi! Con muốn đan sọt/ Con muốn dệt đệm bông/ Pơ ơi! Con muốn lấy chồng. Ở những bài thơ khác, có một hiện tượng lặp lại, tác giả luôn tạo ra tình huống đang nói, đang khoe, đang hỏi, đang kể, với “anh” để diễn tả về miền quê núi của mình: Có dòng sông nào không chảy đâu anh/ Nhưng dòng sông quê em có tên là sông Chảy (Dòng sông Chảy quê em); Anh có về phố núi chiều nay (Phố núi đầu đông); Hội Gầu Tào anh có qua chơi (Đi hội cùng  em nhé), Người ở đâu người ơi/ Về chợ phiên em đợi (Chợ phiên), Mời anh tới quê em tháng chín (Mời anh đến thăm quê  em), Đường về bản em con xa lắm (Đường về bản)… Cách tạo ra tình huống giao tiếp giữa anh và em làm cho những cảnh vật và con người được nói tới thân thương, gần gũi hơn, dễ đi vào lòng người. Tác giả cũng tạo ra được nhiều hình ảnh mang tính thẩm mỹ: Dòng sông Chảy bên vách núi cheo leo/ Cái dáng gầy hai bên bờ lau trắng…(Dòng sông Chảy quê em); Chiều tàn rơi! Vương gùi em xuống núi (Phố núi đầu đông); Ngước mắt lên anh thấy cả trời sao/ Đang rơi xuống đậu trên vòng bạc trắng (Đi hội cùng em nhé); Về đi anh nghe câu Cọi nhớ nhung/ Nghe câu Then vắt cầu thang ngóng đợi (Về quê). Song cũng có những hình ảnh cần phải xem lại. Trong bài thơ “Quê hương”, Tế Hanh so sánh: Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng. Cánh buồm giương to (có nghĩa là no gió) được so sánh với “mảnh hồn làng”. Một vật thể hữu hình “cánh buồm” được so sánh với cái trừu tượng, vô hình, “mảnh hồn làng”. So sánh này khá độc đáo, vì thông thường người ta hay so sánh cái vô hình, trừu tượng với cái hữu hình, cụ thể, giúp người đọc nhận biết cái vô hình. Tế Hanh lại làm ngược lại. Nhưng chính nhờ đó mà hình ảnh cánh buồm no gió biển khơi giản dị, quen thuộc hằng ngày bỗng trở nên thiêng liêng, thơ mộng, biểu cảm. Thu Hương cũng so sánh sông Chảy (cái cụ thể) với cái vô hình, trừu tượng (mảnh hồn làng) nhưng xem ra không ổn lắm vì trong biện pháp tu từ so sánh, giữa cái so sánh và cái được so sánh phải có nét tương đồng nào đó. Cánh buồm no gió làm cho con thuyền phăng phăng rẽ sóng ra khơi tương đồng với tâm hồn phóng khoáng, khỏe khoắn của những chàng trai làng biển nên cánh buồm nên nó được so sánh với hồn làng. Thực ra sông Chảy là tên Nôm, còn Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn gọi là sông “Lôi hà”, trong Đại Đồng phong cảnh phú, Nguyễn Hãng gọi là Lôi thủy (Sông Lôi thủy quanh co nhiễu tả).

Đây đó trong tập thơ còn có điều cần bàn thêm, song vẫn có thể xem đây là một tập thơ khá. Điều đáng quý là Thu Hương đã thể hiện cá tính sáng tạo của mình. Với cá tính này tác giả sẽ còn đi xa hơn. Xin chia vui với tác giả và trân trọng giới thiệu với bạn đọc “Lời thề mắc cạn”.

 

                                                                      N.H.L 

Các tin khác:

31-35 of 66<  ...  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter