“Thiên thần nam mê” và thăm trầm của cái đẹp

 

Thế Quynh

Tôi vinh dự sớm được đọc bản khởi thảo tiểu thuyết “Thiên thần Nam Mê” của nhà văn Hoàng Thế Sinh. Và sau thời gian bổ sung, chỉnh sửa, cuốn sách đã ra đời (Nhà xuất bản Hội Nhà văn- Quý IV năm 2021). Đây là tiểu thuyết thứ chín trong sự nghiệp cầm bút của tác giả. Nếu như sự băng hoại những giá trị của cuộc sống do tác động của mặt trái kinh tế thị trường được nhà văn quan tâm miêu tả trong loạt tác phẩm gần đây, thì “Thiên thần Nam Mê” là phản ánh sâu sắc thăng trầm của cái đẹp.

Cái đẹp vốn được nghệ thuật từ thời cổ đại đến phục hưng và ngày nay tôn vinh. Những tượng thần Vệ Nữ, tranh nụ cười La Jocon, Leda và Thiên nga của họa sĩ thiên tài Leonardo Vinci… đến nàng Kiều “trong ngọc trắng ngà” của thi hào Nguyễn Du đều là biểu tượng của cái đẹp. Ở “Thiên thần Nam Mê”, Hoàng Thế Sinh xây dựng nhân vật cô gái Cái Thị Nam Mê như để chuyển tải những thông điệp về cái đẹp, về cái tôi nghệ thuật của người nghệ sĩ. Nàng gốc người cao nguyên đá Đồng Văn, có cụ nội là lính Pháp đóng quân trên núi Lô Cốt ở Đồng Văn, lấy vợ người Mông đẻ ra Hăngri Vương. Ông Vương buôn bán đường dài khắp vùng Tây Bắc, gặp và lấy cô gái Thái Mường Lò sinh ra mẹ nàng. Mẹ lấy chồng người Việt gốc Hoa tên là Cái Nam Thái nên khi sinh con gái mang mấy dòng máu lai mới xinh đẹp “Ôi nụ cười sao giống như hoa đào vừa hé nở, tươi thắm vô cùng! Nụ cười và gương mặt nàng, một gương mặt đẹp thánh thiện, đẹp mê hồn mà anh chỉ có thể hình dung là gương mặt của Thần Vệ Nữ, đẹp tuyệt trần”. Gặp chàng nghệ sĩ Sa Ngu, tình yêu sét đánh khiến anh và nàng như dính vào nhau không thể tách rời. Nên vợ nên chồng, những tưởng đây sẽ là cặp uyên ương hạnh phúc “một mái lều tranh hai trái tim vàng” với chồng tài hoa, vợ xinh đẹp và thằng con trai Sa Linh kháu khỉnh. Nhưng rồi bản tính giới “Đàn bà ai mà chẳng thích làm đẹp, làm sang cho mình, ai chẳng muốn khoe với thiên hạ rằng mình giàu có và sung sướng cơ chứ” hay chính sự cám dỗ vật chất đã khiến nàng thay đổi. Không bằng lòng cuộc sống tù hãm trong căn nhà với thiên chức của một ô sin và đàn dê mà sáng sáng phải lùa đi ăn “Bởi nàng trong trái tim đa tình của nhà điêu khắc Sa Ngu đã trở thành người đẹp chỉ để bày tủ kính và kiêm ô sin không hơn không kém”, Nam Mê gia nhập Hội Hoa Hồng của Ma Nương- thực chất là một tổ chức gái gọi. Rồi phấn son, đồ trang sức đắt tiền, những buổi du hý, tiệc tùng cùng đồng tiền khiến nàng bị Hứa Ky Ky cướp mất cái “trinh trắng”, để rơi vào “cạm bẫy người” của chúng. Sự tha hóa được giải thích bằng nguyên nhân “tại sao nghệ sĩ như anh Sa Ngu lại giam hãm cái đẹp, tại sao người đời không biết nâng niu cái đẹp, tại sao bọn đàn ông chỉ muốn chiếm đoạt cái đẹp, chỉ muốn ngấu nghiến hưởng thụ cái đẹp cho đến tan nát cái đẹp mới thôi, mẹ ơi, tại con người sống tàn ác hay tại cái số con gái xinh đẹp phải thế”. Đã có lúc thiện lương trong con người thức dậy, Nàng đau khổ mà tự vấn mình “Nàng rũ người gục xuống chân giường. Nàng thổn thức. Tại sao? Tại sao ta dại khờ thế! Ta ngu si thế! Ta mê muội thế! Ta đã mất tất cả. Ta không còn nữa sự trinh trắng của người đàn bà thủy chung. Ta không còn nữa sự kiêu hãnh của người đàn bà thủy chung. Ta không còn vẻ đẹp nguyên thủy và trong trắng nữa. Cái vẻ bề ngoài lung linh như Thiên thần của ta không che nổi sự nhơ bẩn bên trong con người ta”. Muốn hoàn lương, muốn trốn khỏi nơi ô nhục, Nàng bỏ về nơi cắt rốn chôn nhau cao nguyên đá, vào Mường Lò quê ngoại nhưng làm sao thoát khỏi lưới giăng của Ky Ky, Ma Nương với bầy tay chân Bốc, Xếch. Thậm chí nghĩ đến cái chết không xong và tác giả chọn cho người đẹp cách giải thoát bằng thay đổi giới tính “… có lẽ ta phải thay đổi, phải thay đổi, ta không muốn làm người đàn bà xinh đẹp mà yếu đuối, xinh đẹp mà bị giày xéo, xinh đẹp mà tội lỗi, ta phải thay đổi, ta sẽ làm một cuộc đổi đời, ta sẽ đổi thành con người khác, bọn đàn ông hãy chờ đấy”. Trải qua đớn đau phẫu thuật, cô Cái Thị Nam Mê thành Cái Nam Mê nam. Hình hài đàn ông đến nỗi không ai nhận ra song “thân xác con là đàn ông nhưng khối óc, trái tim con vẫn là của đàn bà”; và thẳm sâu ký ức vẫn là chồng Sa Ngu, con trai Sa Linh với bầu vú căng sữa quyện lời ru thuở lọt lòng. Đau khổ vì mất hạnh phúc, vì con chẳng nhận mẹ, Thiên thần trở lại chốn xưa. Tượng đá Thiên thần Nam Mê vẫn đó “còn mãi với rừng, với suối Po Mê xanh trong mát lành, còn mãi với núi Po hùng vĩ” mà Cái Thị Nam Mê đâu còn. Thiên nhiên nổi giận cuốn chàng Nam Mê đâu mất thì “hình như từ chân tượng Thiên thần Nam Mê bỗng hiện lên một con Bướm Vàng với đôi mắt lồi to đỏ như than lửa, cái vòi vàng chóe dài cong cong và đôi cánh vàng lấp lánh dang rộng như hai cánh buồm vàng, nhẹ nhàng vỗ cánh từ từ bay lên, nhập với đàn bướm xinh, bay mãi vào rừng già núi Po hùng vĩ”. Phải chăng “Người đẹp mang lại những điều tốt đẹp tuyệt vời nhưng cũng mang lại những điều vô cùng nguy hiểm cho cuộc sống” như suy nghĩ của Sa Ngu. Và câu hỏi tại sao cứ đeo bám người đọc để suy ngẫm mà tìm ra lời đáp.

Còn nghệ sĩ tạc tượng Sa Ngu là con ông Sa Thổ, học Đại học Mĩ thuật Hà Nội, tốt nghiệp không xin vào ngành Văn hóa theo ý muốn của bố mà tự mở Trại điêu khắc đá nghệ thuật Sa Ngu. Say nghề, anh mơ tạc “một bức tượng nghệ thuật với vẻ đẹp nguyên thủy sẽ mãi mãi giữa thiên nhiên hoang sơ kỳ thú”. Tâm niệm lời ông thầy dạy họa “Người đẹp là sự kết tinh kỳ diệu của tự nhiên/ Người đẹp là tài sản quí giá của nhân loại/ Người đẹp cần được tôn trọng, yêu thương và bảo vệ”, Sa Ngu lấy nguyên mẫu người vợ của mình để tạc tượng Thiên thần Nam Mê. Đem hết tài năng và đam mê hoàn thành công trình với mơ ước “thiên nhiên núi Po và rồi đây cả bức tượng Thiên thần Nam Mê nữa, có thể sẽ làm thành một bài thơ tuyệt hay! Nhưng trước hết, đó là một bức tranh tuyệt mỹ mà ở đấy người đời sẽ được thưởng thức như thưởng thức bản giao hưởng của đường nét đá cổ với sắc màu cây cỏ và hoa lá rừng già, của âm thanh muôn thuở suối ngàn, muông thú và gió núi, của sương giăng và mây phủ, của nắng chói và mưa tuôn, của hiện thực và kỳ bí”. Công trình nghệ thuật hoàn thành nhưng thần tượng của người nghệ sĩ không còn vì đã đánh mất sự trinh trắng “Vẻ đẹp nguyên thủy là một vẻ đẹp tự nhiên, không tô vẽ bằng bất cứ hình thức nào. Vẻ đẹp tự nhiên ấy có thể bị biến đổi theo thời gian hoặc của âm thanh muôn thuở suối ngàn bị tác động của ngoại cảnh nhưng nó vẫn phải là nó, giống như ánh sáng ban mai và ánh sáng ban chiều có khác nhau nhưng vẫn là ánh sáng. Và do đó vẻ đẹp tự nhiên ấy nó trong trắng vô ngần, trong trắng đến tận cùng dù ở cõi hư vô. Em đã làm mất vẻ đẹp nguyên thủy rồi. Em không còn là thiên thần Nam Mê của anh nữa”. Hơn thế nữa, đức tin “nghệ thuật sẽ là cứu cánh tương lai của nhân loại” trong anh cũng đổ vỡ để lại sự hoài nghi “Nghệ thuật là cứu cánh của nhân loại, hay lắm, thế còn ngày hôm nay của nhân loại thì cái gì cứu cánh đây?”. Một câu hỏi chưa lời đáp hay chính là sự lúng túngcủa người nghệ sĩ trước cuộc sống đầy biến động đã đẩy Sa Ngu xa rời nghệ thuật “Anh lặng đi vì chợt nghĩ ra một điều mới, rằng anh sẽ bỏ tạc tượng bởi Thiên thần Nam Mê đã bỏ anh rồi, bởi cái vẻ đẹp nguyên thủy và trong trắng của nàng không còn để nâng đôi cánh sáng tạo nghệ thuật cho anh nữa”. Trở lại cao nguyên đá, tìm đến tình yêu mới bên Vương Hương Giang “nàng Tiên núi”. Và “Sa Ngu không say điêu khắc đá nghệ thuật nữa rồi. Sa Ngu say rượu Tajama. Sa Ngu không còn tượng đá nghệ thuật để bán nữa. Sa Ngu bán rượu Tajama cho bố vợ Vương Chí Tài”. Nhưng nghệ thuật cái đẹp đã trở thành máu thịt của người nghệ sĩ nên mọi cám dỗ, trở lực không thể làm mất đi cảm hứng và mơ ước sáng tạo. Thiên thần Nam Mê vẫn tồn tại, cái đẹp- vẻ đẹp tâm hồn còn mãi như nó không thể nào quên nơi Sa Ngu: “TaJama ơi, rượu muôn năm ơi, ta mê mày thế là ta quên hết, quên điêu khắc nghệ thuật rồi, quên cả Thiên thần Nam Mê rồi, ơi Nam Mê, giờ này em ở đâu? Nỡ nào em bỏ anh? Nỡ nào em bỏ con trai Sa Linh? Nỡ nào em bỏ thân phận đàn bà giời cho để làm người đàn ông lắp ghép mà vẫn còn đấy trái tim đàn bà, trái tim yêu thương chồng con vốn quí giá vô ngần?”.

Nhân vật phản diện không xuất hiện nhiều mà tạo được ấn tượng mạnh về cái xấu, cái ác là Hứa Ky Ky. Con người coi trọng đồng tiền, đại gia máu dê “Người gì mà đeo mặt nạ kín mắt kín mày như người hát tuồng, như ma quỉ, vệt đen vệt vàng vệt đỏ loằng ngoằng, chẳng còn rõ mặt người nữa, chỉ thấy cái đầu to cắt bốc với đôi mắt một mí đỏ đọc, long sòng sọc và cái cổ to ụ đỏ như cổ gà chọi và ngay ức đầy ứ có xăm hình cái đầu con hổ to đậm đang nhe nanh, vênh râu, mắt lồi to, trông kinh dị và trên cái đầu con hổ là ba cái mụn ruồi to bằng ba hạt đỗ đen, mỗi mụn ruồi trổ ra một túm lông”. Một tay hắn đã hại đời bao cô gái nhà lành: Ma Thùy Nương cô diễn viên chèo làng Bóp- Thái Bình biến thành Tú Bà đời mới; Thiên thần Nam Mê trắng trong phút thành gái gọi… Cùng với đó là những anh Hai, anh Ba, anh Tư với mặt nạ bí mật, ham hố dục tình và lũ tay chân Ma Nương, Bốc, Xếch tiếp tay tàn hại cái đẹp. Hắn âm mưu thâu tóm nghệ thuật bằng tiền “ta thích nghệ thuật nhưng không biết sáng tạo nghệ thuật thì ta dùng tiền chơi nghệ thuật, cho biết đời”. Hứa Ky Ky đã dùng tiền và nhiều tiền để thâu tóm toàn bộ những tượng đá do Sa Ngu tạc ra cùng bản quyền tác giả. Dù sau này trở thành người mù song “mù mà vẫn cứ mở triển lãm tượng đá nghệ thuật, hay thật!”. Cùng với kể câu chuyện ông Tiến sĩ điện toán Hoàng Phê một đêm sáng tác 300 bài thơ như hiện tượng thơ thần, hẳn tác giả không khỏi nao buồn về sự trớ trêu: nghệ thuật bị bóp méo, bị lợi dụng như một món hàng hóa.

Mượn câu thơ trong truyện Kiều của Nguyễn Du làm đề dẫn cho cuốn sách “Biết thân chạy chẳng khỏi trời/ Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”, cũng là cách nhà văn Hoàng Thế Sinh hướng người đọc vào thân phận con người. Bên bức tượng phỏng theo tranh Leda và Thiên nga của họa sĩ thiên tài Leonardo da Vinci, Sa Ngu từng bị hút hồn “Nàng Leda bên con Thiên nga với lũ thiên nga con đang nở ra từ quả trứng thật giống như bản giao hưởng của sắc màu, của đường nét, của phì nhiêu, của sự sinh nở kì diệu tự nhiên, của sự kiêu hãnh Con người trên trần gian này. Không một thứ gì sánh được với Con người, không gì sánh được với mĩ nhân, kể cả thần thánh”. Con người là hiện thân của cái đẹp nhưng cũng chính con người đang bộc lộ những mặt xấu “Bởi vì con người lạ lắm, chẳng bao giờ bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình mà cứ đi tìm một cuộc sống khác lạ, một cuộc sống thỏa mãn ước vọng, lặn lội đi tìm vinh hoa phú quý, ham giàu sang, ham tiền bạc, ham chức tước, ham gái đẹp, thế nên có lúc con người tự phản bội mình, phản bội mọi người, tự biến mình thành kẻ đê hèn, tàn ác”. Chỉ ra nguyên nhân của sự tha hóa, đồng thời tác giả đưa ra giải pháp con đường hướng thiện “Con muốn giải thoát khỏi sự ám ảnh tội lỗi thì con hãy sống thành tâm, lương thiện, hãy sống vì mọi người, biết nâng đỡ và tha thứ cho những người yếu đuối và lầm lỗi, biết tha thứ cho chính mình nữa”. Dẫu có hơi hướng triết lý Phật giáo hay một chút Nguyễn Du “Thiện căn ở tại lòng ta” thì việc tìm về giá trị căn cốt của con người luôn là đích nghệ thuật cần đạt tới. Qua tác phẩm cũng đặt ra vấn đề: trách nhiệm của nghệ sĩ là làm cho sự thật và cái đẹp được hiển lộ; khi đối diện với càng nhiều cái xấu, cái ác thì cũng là cơ hội để nhận diện cái đẹp, càng trân quý hơn những điều tốt đẹp mà chúng ta đang có.

 

T.Q

 

 

 

 

 

Các tin khác:

6-10 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter