Bảo vệ và phát huy Nghệ thuật xoè Thái theo công ước UNESCO

ThS. NGUYỄN THỊ HẠNH

Nghệ thuật Xòe Thái là loại hình múa truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống của đồng bào Thái vùng Tây Bắc của Việt Nam trong các lễ hội cộng đồng, tang ma hay trong sinh hoạt hàng ngày… Đến nay, Xòe Thái đã thực sự trở thành tài sản văn hóa, là sợi dây gắn kết cộng đồng không chỉ bởi những đặc điểm độc đáo mà còn được các thế hệ người Thái tiếp tục gìn giữ.

Tại phiên họp Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp) vào chiều 15/12/2021, di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong khuôn khổ các cam kết, với mỗi địa phương lưu giữ di sản cần nêu cao tinh thần, tham gia để bảo vệ và phát huy nghệ thuật Xòe Thái theo Công ước UNESCO. Trong đó phải kể đến các mục tiêu, hoạt động triển khai nhiệm vụ bảo vệ, phát huy di sản Nghệ thuật Xòe Thái ở tỉnh Yên Bái sau khi được UNESCO ghi danh.

1. Công ước UNESCO 2003 và thuật ngữ bảo vệ, phát huy

Hầu hết các nước trên thế giới đều đã thông qua các đạo luật nhằm bảo vệ di sản văn hóa. Kể từ khi thành lập, UNESCO đã hỗ trợ các nước thành viên trong việc bảo vệ di sản văn hóa. Để hỗ trợ các nước thành viên trong việc bảo vệ di sản văn hóa, UNESCO đã xây dựng và thông qua Công ước năm 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (còn gọi là Công ước UNESCO năm 2003). Công ước UNESCO 2003 đã được thông qua với mục đích: bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản văn hóa phi vật thể của các cộng đồng, các nhóm người và các cá nhân có liên quan; để từ đó đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau trong lĩnh vực này; tạo ra sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế.

Thuật ngữ bảo vệ, phát huy: thuật ngữ bảo vệ safeguarding)- là thuật ngữ mà UNESCO thường dùng trong khoảng hơn 1 thập niên gần đây. Theo Công ước của UNESCO năm 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, khái niệm bảo vệ (safeguarding) có nghĩa rộng hơn thuật ngữ bảo tồn (preservation). Mục 3, Điều 2 của Công ước 2003 ghi rõ: “Bảo vệ là các biện pháp có mục tiêu đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm việc nhận diện, tư liệu hóa, nghiên cứu, bảo tồn, bảo vệ, phát huy, củng cố, chuyển giao, đặc biệt là thông qua hình thức giáo dục chính thức hoặc phi chính thức cũng như việc phục hồi các phương diện khác nhau của loại hình di sản này”. Như vậy, khái niệm bảo vệ theo quan niệm của UNESCO là rộng hơn bảo tồn và đã phần nào bao gồm cả nghĩa của từ phát huy (1). Thuật ngữ phát huy là một cách diễn đạt bổ sung với khái niệm bảo vệ. Phát huy các giá trị di sản văn hóa không đồng nghĩa với bảo tồn mà nghĩa là mở rộng, làm giàu thêm bản sắc văn hóa, tăng cường giao lưu văn hóa và làm thăng hoa giá trị văn hóa trong bối cảnh đương đại (2).

Trong khuôn khổ các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, mỗi quốc gia thành viên cần phải nỗ lực để đảm bảo khả năng tham gia tối đa của các cộng đồng, nhóm người và cần phải tích cực lôi kéo họ tham gia vào công tác quản lý (3). Vì thế, việc nhận diện, tư liệu hóa, nghiên cứu, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “nghệ thuật Xòe Thái” đệ trình UNESCO đưa vào các danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại chính là một biện pháp nhằm nâng tầm quảng bá và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam lên tầm quốc tế. Đồng thời, qua đó để nâng cao nhận thức, nhất là đối với thế hệ trẻ, về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể này và hoạt động bảo vệ chúng.

2. Giá trị của di sản nghệ thuật Xòe Thái như tài sản văn hóa chung của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc, Việt Nam

Di sản văn hóa nghệ thuật Xòe Thái được hiểu là tài sản văn hóa phi vật thể khi nó thuộc về một nền văn hóa riêng và có vị trí nổi bật, bởi tính nghệ thuật cao và bởi chúng mang nét đặc trưng của nền văn hóa dân tộc Thái ở Việt Nam. Nghệ thuật Xòe Thái sẽ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của tất cả các dân tộc và tăng cường sự tôn trọng giữa các quốc gia.

Chủ thể của di sản văn hóa nghệ thuật Xòe Thái là dân tộc Thái. Người Thái ở Việt Nam có vai trò quan trọng, góp phần làm phong phú, đa dạng, sáng tạo trong bản sắc văn hóa dân tộc. Xòe Thái là loại hình múa truyền thống của người Thái có đặc điểm riêng về nguồn gốc và đặc trưng văn hóa, nghệ thuật trình diễn. Xòe được dịch ra theo tiếng Thái ghi trong cuốn Quam tố mương (tức Chuyện bản mường của người Thái đen Tây Bắc) có nghĩa là xe, xòe cổ là xe cáu ké nhằm chỉ một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tập thể của đồng bào dân tộc Thái. Xòe được thực hành tại các bản của người Thái ở 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên, trong đó trung tâm của Xòe có thể được coi ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên), Thuận Châu, Quỳnh Nhai (Sơn La). Xòe có nhiều hình thái khác nhau, dùng trong sinh hoạt cộng đồng để kết giao bạn bè, làm phương tiện diễn đạt các ý tưởng về cội nguồn và tâm linh. Xòe được trình diễn trong nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng. Xòe có ba loại chính: xòe nghi lễ, xòe vòng, xòe biểu diễn. Nghệ thuật Xòe Thái mang tính tộc người, tính cộng đồng, thể hiện bản sắc của người Thái. Nghệ thuật Xòe Thái đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

Theo số liệu kiểm kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam năm 2018 (4) về các dịp diễn ra múa xòe, 94,9% các thành viên cộng đồng được hỏi cho biết thường xuyên múa xòe trong các lễ cưới và lễ mừng nhà mới; 86,2% thường xuyên múa xòe trong các ngày lễ do chính quyền tổ chức; 70,4% thường xuyên múa xòe trong các dịp lễ hội truyền thống; các dịp lễ khác cũng thường có múa xòe như các sinh hoạt đoàn thể (63,6%); theo lịch sinh hoạt của các câu lạc bộ, đội văn nghệ (60,2%); trong các dịp lễ tiết (54,1%). Tỷ lệ ít hơn trong các lễ cúng truyền thống, chỉ có 12,4% có thường xuyên xòe trong các lễ cúng; 8,4% có xòe trong các nghi lễ vòng đời người; đặc biệt hiếm có xòe trong các lễ tang (hiện nay chỉ còn 3 thôn/ bản thuộc huyện Vân Hồ, Sơn La và 2 thôn/bản thuộc thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái là còn thực hành xòe trong tang ma).

Nghệ thuật Xòe Thái là sự tổng hợp, hòa quyện trong âm nhạc của người Thái (gồm lời hát, nhạc khí và điệu múa). Âm nhạc trong đời sống sinh hoạt của người Thái không thể thiếu tiếng hát, gọi chung là khắp, bao gồm cả hát, hò, ngâm thơ và ca. Nhạc khí của người Thái gồm 3 loại: nhạc gẩy, nhạc hơi và nhạc gõ. Về nhạc gẩy phải kể đến loại đàn tính. Đàn tính có hai dây, dây thanh thể hiện giai điệu, còn dây trầm phần lớn để làm một âm trì tục, hay dây buông. Đàn tính để đệm cho hát múa và để độc tấu. Nhạc hơi thường sử dụng lưỡi lam như đàn môi, pí (sáo, tiêu), kén (khèn, kèn). Bộ gõ thể hiện nhịp điệu của nhạc Thái và điều khiển động tác múa Thái, gồm có chống, chiêng, chũm chọe và nhạc. Trống, chiêng, chũm chọe là bộ ba nhạc khí hòa trộn âm hưởng vào nhau. Trống có 2 loại gồm: Cống - là loại thường dùng hơn, có tiếng đục và vọng gần; Cong - là loại to và dài hơn, có tiếng trong và vang xa. Chiêng bằng đồng, mua ở dưới xuôi, thường dùng hai hoặc ba chiếc. Chũm chọe làm bằng đồng thau. Trống được gõ theo nhịp 2/4, chiêng đệm vào thành tiếng “cùm, kính, coong” hoặc “coong, kính, cùm” hòa với tiếng chũm chọe đập rung liên tiếp tạo nên âm hưởng rộn ràng, lôi cuốn.

Nếu xòe vòng chỉ là múa sinh hoạt thì múa trong lễ Kin pang then là một hệ thống múa lễ thức. Kin pang then được mở khi hoa mạ nở rộ để bà then cúng ma, cầu pháp thuật nhưng cũng là để cầu mùa và mừng hoa. Phát triển hơn một bước là những điệu múa biểu diễn “xé lảng”, “xé pẻn” (múa mộc, múa khiên). Về sau, những điệu múa khăn, múa nón, múa hái rau... đã ra đời, tuy vẫn còn đơn giản, mộc mạc. Điệu “xé cắp” (múa cạm bẫy) mà người múa nhảy ra, nhảy vào giữa hai đòn tre được gõ và sập theo nhịp 2/4 chính là cơ sở của múa sạp nổi tiếng sau này. Trong cuốn Giáo trình Văn học Thái xuất bản tháng 1-1995, của Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc (nay là Trường Đại học Sư phạm Tây Bắc), có viết: Năm 1968, Sở Văn hóa Khu tự trị Tây Bắc đã sưu tầm được 36 điệu múa dân gian Thái, trong đó có múa xòe. Điều ấy có nghĩa là ngoài múa xòe, vốn dân vũ Thái còn nhiều điệu múa khác. Như vậy, các điệu múa Xòe Thái phát triển không ngừng từ 3 điệu, hay 6 điệu Xòe Thái cổ ban đầu đã phát triển thành 36 điệu múa xòe biểu diễn như hiện nay và còn phát triển hơn thế nữa. Điều đó làm cho di sản nghệ thuật Xòe Thái vừa phong phú, đa dạng, vừa có bản sắc riêng mà vẫn bảo lưu được tính nguyên gốc.

Giá trị của xòe biểu diễn nói riêng và múa Thái nói chung là điệu múa của người nữ. Người đàn ông Thái không biểu diễn múa, họ chỉ đệm đàn cho múa. Múa Thái không có loại múa tình tiết, mà hầu hết là múa đồng diễn nhiều người. Hầu hết các động tác múa đều có đạo cụ. Động tác gắn bó khá mật thiết với âm nhạc, mỗi bài nhạc phần nhiều chỉ đệm cho một động tác. Điệu múa, điệu xòe, âm nhạc, lời hát đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đặc trưng của dân tộc Thái.

3. Cộng đồng người Thái ở tỉnh Yên Bái - chủ thể di sản tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát huy nghệ thuật Xòe Thái theo công ước UNESCO

Nghệ thuật Xòe Thái là tài sản văn hóa cần phải được bảo vệ mọi nơi, mọi lúc, trong mọi điều kiện hoàn cảnh văn hóa tộc người. Trong đó, quan trọng phải kể đến một số hoạt động của chính quyền, ban ngành, cộng đồng người Thái ở tỉnh Yên Bái tham gia để bảo vệ và phát huy di sản Nghệ thuật Xòe Thái sau khi được UNESCO ghi danh (năm 2021).

Mục tiêu của các hoạt động bảo vệ, phát huy:

Bảo vệ và phát huy nghệ thuật Xòe gắn với phát triển kinh tế- xã hội (mũi nhọn là du lịch) với mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc ở tỉnh Yên Bái;

Bảo vệ và phát huy nghệ thuật Xòe gắn với phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người toàn diện, bằng hệ thống giá trị, chuẩn mực văn hoá của cộng đồng;

Bảo vệ và phát huy nghệ thuật Xòe phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như chương trình “Lễ hội văn hóa - du lịch Mường Lò”.

Nội dung hoạt động bảo vệ, phát huy:

Từ năm 2016, tỉnh Yên Bái chủ trì, phối hợp với những cơ quan chức năng và các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên xây dựng hồ sơ quốc gia Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO ghi danh tại danh sách DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đến năm 2022, cộng đồng người Thái ở tỉnh Yên Bái đã tích cực tham gia để bảo vệ và phát huy di sản Nghệ thuật Xòe Thái sau khi được UNESCO ghi danh. Thực hiện chương trình hành động như đã cam kết trong Hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO; đồng thời, nâng cao nhận thức, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và của mỗi người dân trong việc bảo vệ nghệ thuật Xòe Thái, cũng như khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy thế hệ trẻ quan tâm hơn đến Di sản; nêu cao ý thức và hành động thiết thực để bảo vệ sức sống của di sản văn hóa phi vật thể- nghệ thuật Xòe Thái tại cộng đồng.

Cộng đồng người Thái cùng nhau gánh vác trách nhiệm và có vai trò khác nhau trong việc tổ chức thực hành xòe, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Xòe Thái. Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết: “… Yên Bái có 6 điệu xòe cổ; Sơn La, Lai Châu, Điện Biên có những sáng tạo riêng khi trình diễn. Dù ở đâu, bà con người Thái đều tôn trọng sự đa dạng đó, không vì sự khác biệt mà thay đổi bản sắc ở cộng đồng của địa phương”[1].

Về phía cộng đồng các bản người Thái ở vùng núi Tây Bắc, từ các đội xòe cấp cơ sở thôn, bản, xã, phường đến đội xòe chuyên nghiệp cấp huyện, tỉnh; từ nghệ nhân múa không chuyên hay nghệ nhân dân gian, ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp không biết mệt mỏi của các bà, các mẹ, các cô và tất cả thành viên cộng đồng Xòe Thái, trong việc trình diễn, thực hành, sáng tạo di sản “nghệ thuật Xòe Thái”, phục vụ hữu ích trong quá trình lập hồ sơ như: ghi hình, chụp ảnh và cung cấp thông tin phiếu kiểm kê, phỏng vấn...

Biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm khuyến khích và tăng cường sự tôn trọng di sản nghệ thuật Xòe Thái ở 4 tỉnh của Việt Nam đã và đang được thực hiện. Bằng việc bảo tồn tại chỗ, kết hợp thực hiện các dự án, chủ trương, chính sách của chính quyền địa phương đối với di sản và mở các lớp truyền dạy tại cộng đồng bản mường người Thái, tiêu biểu phải kể đến hoạt động giáo dục di sản nghệ thuật Xòe Thái ở tỉnh Yên Bái.

Giáo dục di sản nghệ thuật Xòe Thái ở tỉnh Yên Bái

Di sản Nghệ thuật Xòe Thái ở tỉnh Yên Bái tiêu biểu là của cộng đồng tộc người Thái đen ở thị xã Nghĩa Lộ (Mường Lò). Giá trị di sản ấy luôn được duy trì và phát huy trong cộng đồng, mà tiêu biểu là ở lễ hội xòe Mường Lò. Lễ hội nổi bật với sáu điệu xòe cổ (hay được gọi theo tiếng Thái là xé cáu ké) bao gồm: xòe vòng (xé vòng), vòng tròn vỗ tay (ỏm lọm tốp mư), tung khăn (nhôm khăn), bổ bốn (phá xí), tiến lùi (đổn hôn), nâng khăn mời rượu (khắm khăn mơi lảu). Những điệu xòe cổ Mường Lò không chỉ là tài sản riêng của người Thái đen mà đã trở thành di sản vô giá của nhân dân các dân tộc Mường Lò và dân tộc Thái vùng Tây Bắc nói chung. Vì thế, năm 2012, sáu điệu xòe cổ của người Thái ở (Mường Lò) đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2015, nghệ thuật Xòe Thái ở Mường Lò cũng được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ năm 2019, thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng được 48 đội xòe nòng cốt với 384 người thuộc 6 lứa tuổi, là hội viên các cấp hội tại 7 xã, phường là: Hội người cao tuổi, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 2 đội nhạc công nòng cốt gồm 20 người (xã Nghĩa An: 10 người; Trung tâm Văn hóa- Thể thao: 10 người). Hàng năm, vào các dịp lễ kỷ niệm, thị xã Nghĩa Lộ luôn tổ chức các hội thi xòe cấp cơ sở, phong trào này góp phần thu hút đông đảo đồng bào Thái tham gia.

4. Các thách thức đặt ra và một số kiến nghị, đề xuất

Hiện nay, ở một số địa phương của tỉnh Yên Bái nói riêng, bên cạnh những điệu Xòe truyền thống diễn ra trong sinh hoạt cộng đồng thì đã xuất hiện và đan xen những điệu nhảy và âm nhạc hiện đại, ít nhiều đã phá vỡ tính nguyên bản của Nghệ thuật Xòe truyền thống. Cùng với đó là sự biến đổi về âm nhạc, nhiều nơi đã thay thế nhạc truyền thống bằng âm nhạc hiện đại. Thế hệ trẻ khi Xòe thấy rất rõ không thể hiện được động tác nhịp nhàng, tinh tế như những người cao tuổi. Có nhiều điệu Xòe hiện nay chỉ còn đọng lại trong trí nhớ của một số người đam mê, am hiểu về múa và những người cao tuổi, ít khi được thực hành rộng rãi.

Trong đề xuất các phương án bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật Xòe Thái, TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng: Các biện pháp bảo vệ nghệ thuật Xòe Thái cần tập trung vào sự chuyển giao tri thức và kiến thức, các kỹ năng biểu diễn, chế tác nhạc cụ và thúc đẩy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa các nghệ nhân và những người học nghề. Tôn trọng và củng cố sự tinh tế của một bài hát, các động tác của một điệu múa và các hình thức biểu đạt trong trình diễn Xoè Thái[2].

Tác giả bài viết đề xuất một số kiến nghị như sau:

Các cơ quan chuyên môn, các ban, ngành của tỉnh Yên Bái cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng một cách bài bản các điệu xòe cổ của dân tộc Thái qua từng thời kỳ. Tư liệu hóa và phổ biến, truyền dạy trong cộng đồng người Thái, lưu trữ thành những tập tài liệu di sản có giá trị về sau.

Chính quyền và các ban ngành tỉnh Yên Bái cần khôi phục, xây dựng, tạo lập môi trường trình diễn nghệ thuật Xòe Thái gần hơn với âm nhạc truyền thống. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức đầy đủ, toàn diện cho thế hệ trẻ về giá trị của nghệ thuật Xòe Thái thông qua các hình thức truyền dạy trực tiếp trong cộng đồng.

Chính quyền và các ban ngành tỉnh Yên Bái cần đẩy mạnh các chương trình phối hợp, lồng ghép, triển khai đưa nghệ thuật trình diễn dân gian, trong đó có Xòe Thái vào các chương trình học ngoại khóa của nhà trường.

Ngành Du lịch tỉnh Yên Bái có di sản cần duy trì, đẩy mạnh kết hợp trình diễn nghệ thuật Xòe Thái với du lịch cộng đồng, phục vụ khách du lịch tham gia và trải nghiệm.

Tỉnh Yên Bái cần có kế hoạch và thường xuyên đưa nghệ thuật Xòe Thái vào thực hành trong các sự kiện văn hóa, xã hội trong tỉnh, vừa giúp tuyên truyền, quảng bá di sản, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, cán bộ và du khách cùng gìn giữ và bảo vệ, phát huy di sản.

Tóm lại, nghệ thuật dân gian Xòe Thái là sự chắt lọc tinh hoa của phong tục tập quán mang tính tích cực của nền văn hóa dân tộc. Từ lâu, Xòe Thái đã trở thành món ăn tinh thần, nét văn hóa đặc trưng, là “tài sản văn hóa” chung của đồng bào 20 dân tộc anh em sống trên vùng núi cao Tây Bắc của Việt Nam. Năm 2021, Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần nâng tầm giá trị di sản; qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương trong việc tiếp tục lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc trong vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái nói riêng, tính đa dạng, đậm đà bản sắc của văn hóa Việt Nam nói chung. Đồng thời, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với việc phát triển loại hình nghệ thuật này, để Xòe Thái trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với vùng văn hóa Tây Bắc của Việt Nam nói chung.

N.T.H

________________
1, 2. Đỗ Thị Thanh Thủy, Văn hóa ven biển Nam Trung Bộ - Bảo vệ và phát huy giá trị, Báo cáo tổng hợp đề tài nghiên cứu KH&CN cấp Bộ, 2016, tr.18, 19.

3. Điều 15, Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003unesco.org.

4. Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Báo cáo kiểm kê di sản Nghệ thuật Xòe Thái tại 4 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái.

Tài liệu tham khảo

1. Cộng đồng Thái - Kadai Việt Nam - Những vấn đề phát triển bền vững, Hội nghị quốc gia Thái học Việt Nam lần thứ VII- Lai Châu 2015, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2015.

2. Lò Thị Huân, Múa xòe nét văn hóa đặc trưng của người Thái, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 10, 2006, tr.97-99.

3. Vũ Khánh, Người Thái ở Tây Bắc, Nxb Thông tấn, Hà Nội, 2008.

4. Lâm Lô Tộc, Xòe Thái (Công trình này chủ yếu dựa vào kết quả những cuộc khảo sát tại Phong Thổ), Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1985.

 



[1] Nghệ thuật Xòe Thái chính thức được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. https://www.yenbai.gov.vn/noidung/tintuc/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=27660&l=Tintrongtinh. Ngày 16/12/2021.

 

[2] Hà An (2019). Bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội đương đại: Gìn giữ hồn cốt văn hóa của người Thái. https://bvhttdl.gov.vn/bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-nghe-thuat-xoe-thai-trong-xa-hoi-duong-dai-gin-giu-hon-cot-van-hoa-cua-nguoi-thai-20191007134441671.htm.  Ngày 07/10/2019.

Các tin khác:

1-5 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter