Bình bài thơ “Chẳng hiểu em có nhìn lên giàn thiên lý không?” của Nhà văn Hoàng Thế Sinh

Thế Sinh

Chẳng hiểu

                em có nhìn lên giàn thiên lý không?

                             Tặng TT thân mến

                            

Em vẫn đi con đường ngang thành phố,

con đường qua bao lầu son gác tía,

con đường qua mưa nắng tơi bời...

 

Em đã teo tóp đi ngay giữa dòng đời,

đã khô nhựa của một thời khao khát,

em tự cho mình không còn gì để mà hiến dâng,

không còn gì đợi chờ ở chân trời phía trước,

mắt em nhìn khủng khiếp, cái màu đen thăm thẳm suy tư.

 

Tôi tìm đến em một buổi chiều mưa,

em đón tôi bằng cái tình gió bấc,

nhẽ ra tôi chẳng đến lại hơn,

mặc em buồn hay là em khóc,

cho vơi đi nỗi đau khổ trong lòng.

tôi tránh nhìn vào mắt em như tránh cơn giông

và lặng lẽ trước em như cái bóng.

 

Em tiễn tôi về,

im lặng,

chỉ có giàn thiên lí khẽ rung,

giàn thiên lí qua đông gió lạnh lùng bứt lá,

thân trụi trơ gầy guộc dưới mưa phùn,

Mùa Xuân về lại nảy chồi lấm chấm xanh non.

 

 Chẳng hiểu em có nhìn lên giàn thiên lí không?

 

Lời bình của Ngọc Bái

Tâm trạng của mỗi người là yếu tố cần thiết của thi ca. Bài thơ giàu tâm trạng thường nghiêng về phía trữ tình mà người làm thơ gửi gắm. Tâm trạng của tác giả, của thơ, được trải dài theo tuyến tính của thời gian, của thế sự. “Chẳng hiểu em có nhìn lên giàn thiên lý không?”, là câu hỏi lửng lơ, trả lời cũng được, mà không trả lời cũng không sao. Chỉ biết rằng thiên nhiên là vậy, con người trước thiên nhiên là vậy! Cái sự “chẳng hiểu” kia, ẩn chứa điều biết và điều không cần biết, cái cần nói và không cần nói. Đó là cái riêng có của tính người, của tư duy thi sĩ.

Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” ?! Cảnh tượng  “con đường qua mưa nắng tơi bời”“chiều mưa”“tình gió bấc”, gợi nỗi buồn da diết, nỗi buồn thiên thu không gì khỏa lấp. Thế Sinh đã mượn thiên nhiên làm thi liệu để nói tâm trạng đời người, để ngẫm về muôn mặt cuộc sống, để trải lòng tâm sự.

Phải là người nhập thế, luôn để tâm tới những biến cải tự nhiên, mới có những câu thơ “thăm thẳm suy tư”. “Em vẫn đi con đường ngang thành phố”, mở đầu cho bài thơ, mở đầu cho con đường sẽ đến, để liên tưởng về những gì đã qua và những gì đang “chân trời phía trước”. Em vẫn đi! Cuộc hành trình về phía trước không bao giờ ngừng nghỉ. Đó là sự khẳng định. Em vẫn đi! Vẫn đi! Vẫn đi! Những gì đáng cho qua thì cho qua! Tâm trạng dẫn dắt, đồng hành với người làm thơ::

Tôi tìm đến em một buổi chiều mưa

em đón tôi bằng cái tình gió bấc.

Hai câu thơ hai trạng huống. “Chiều mưa”“tình gió bấc” như thể nỗi buồn đồng điệu. Người làm thơ đã khéo tạo hoàn cảnh cho nỗi lòng người đang ngổn ngang xao động. Quan sát và rung cảm là phẩm chất cần thiết của thi sĩ. Thế Sinh đã dừng lại bên giàn thiên lý để thiên nhiên nói hộ:

Im lặng

chỉ có giàn thiên lý khẽ rung

giàn thiên lý qua đông gió lạnh lùng bứt lá

thân trụi trơ gày guộc dưới mưa phùn

Vô thanh thắng hữu thanh chính là chỗ vi diệu của thi ca! Và tinh thần lạc quan thấm đẫm trong câu “Mùa Xuân về lại nảy chồi lấm chấm xanh non”, báo hiệu một tương lai gần tất yếu. Đó là cái kết có hậu trong “Chẳng hiểu em có nhìn lên giàn thiên lý không?”.

 

N.B

 

                                                

                              

 

 

Các tin khác:

21-25 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter