Hà Lâm Kỳ, nhà văn nặng tình quê núi

Hoàng Thế Sinh 

Hà Lâm Kỳ sinh năm 1952 ở làng Làn, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn- quê hương cách mạng của tỉnh Yên Bái, trong một gia đình và dòng tộc họ Hà có truyền thống cách mạng và hiếu học, một dòng họ có nhiều cử nhân, tiến sĩ và cả quan chức cao cấp nữa.

Ở quê, anh học hết phổ thông, rồi vào Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Đại học Thái Nguyên). Năm 1972 nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh cùng các bạn sinh viên gác bút nghiên lên đường, vào tít chiến trường Tây Nguyên chiến đấu. Năm 1976 khi đất nước hòa bình thống nhất, anh được giải ngũ, trở lại trường đại học tiếp tục học tập. Tốt nghiệp ra trường, anh về quê hương tham gia giảng dạy môn ngữ văn Trường Cao đẳng Sư phạm, rồi làm Phó bí thư Tỉnh đoàn Hoàng Liên Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, chuyên viên Văn phòng Tỉnh ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái. Dù qua nhiều đơn vị công tác, rất bận, nhưng anh vẫn dành thời gian viết văn cho thiếu nhi. Mới đầu thì anh cũng chỉ viết theo cảm tính, do sở thích, về sau nhờ mối quan hệ rộng rãi với giới văn chương, lại được qua các trại sáng tác, anh mới thực sự có ý thức về công việc sáng tác văn học của mình. Nhất là, cuộc gặp gỡ với Nhà thơ Nông Quốc Chấn - người sáng lập và làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, ông dặn Hà Lâm Kỳ, rằng: "Mình là người miền núi, mình nên viết về miền núi, về dân tộc. Viết được nhiều, được ít, đều quý, miễn sao những gì làm ra phải giúp ích cho đồng bào mình". Như chắp cánh ước mơ và được định hướng sáng tác, Hà Lâm Kỳ thêm vững tin và càng say mê sáng tác văn học. Số là, cả một thời thơ ấu sống gắn bó với quê núi, nào rừng Gốc Dọc, khe Ba Răng, đèo Yên Ngựa, gò Mãnh Ma, vực Đội Đèn, suối Dường Cầu, Đồng Mương, đình thờ thấn núi Đáy...; nào lớp học mái lá i a bài thầy giảng, mưa rừng ào ạt, gió núi xôn xao, sương giăng trắng đỉnh đèo, ấm áp ngọn lửa nhà sàn cùng với những câu chuyện xửa xưa ông bà cha mẹ kể, mỗi ban mai sơn ca hót ríu ran rừng xanh, dòng suối rì rào như hát mãi bài hát muôn thuở của suối đá, với củ sắn lùi bùi thơm, với ngọn măng rừng đắng ngọt, với hạt gạo kén nương dẻo thơm..., thì tâm trí Hà Lâm Kỳ đã khắc ghi ăm ắp biết bao nhiêu kỷ niệm, biết bao nhiêu chuyện trẻ thơ gắn với núi rừng. Chẳng thế mà anh viết khá nhiều truyện thiếu nhi, như: Đi tìm chú Cuội, Cái Chổi Bông, Mèo Con đi dự hội, Đặt tên cho Cún Đốm, Cánh Cam kiêu sa, Hoa Trạng nguyên, Chiếc vương miện bằng lá, A Ly không xuống chợ, Bìm Bìm kết bạn, Làng nhỏ... Đấy, cái Làng nhỏ miền núi cao mà có biết bao nhiêu chuyện về cội nguồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, có biết bao nhiêu chuyện về phong tục tập quán đẹp và riêng biệt của người Tày, chuyện làm ăn, sinh sống, vui bun, chuyện xưa đánh giặc Pháp giải phóng quê hương... Các nhân vật và hình ảnh trong truyện của Hà Lâm Kỳ rất gần gũi với tuổi thơ quê núi, nào mèo con, gà rừng, nghé vàng, thỏ trắng, dê bé, chim ri, cánh cam, cả con dán nâu bé xíu luôn ẩn nấp trong xó tối nữa, rồi cây núc nắc, cây giang, cây nứa, cây vầu, cây sấu, cây kẹn, dây bìm bìm, rồi hoa phong lan, hoa chuối, hoa dẻ, hoa chít, hoa lau, hoa trạng nguyên, hoa gió, hoa dổi. Truyện nào nội dung cũng thật ngắn gọn, giản dị, trong sáng, nêu ra một bài học nho nhỏ và đẹp đẽ về đạo đức nhằm răn dạy các em sống có tình có nghĩa với gia đình, bạn bè và quê hương. Vun vén chữ nghĩa cho thiếu nhi, Hà Lâm Kỳ tập hợp những truyện lẻ in thành tập: Những đứa con lên núi (1994), Con trai bà Chúa Nả (1996), Quả nhạc xòe của mẹ (2006) và một truyện dài Thủ lĩnh Nàng Han (2017). Vượt lên tất cả những truyện đồng thoại, là truyện dài Kỷ vật cuối cùng, truyện vừa Chim ri núi. Nhân vật trong hai truyện này đều có thật, là thiếu niên Thọ, Thảo, Dần, Lồng, Uyên, Liên, Tính... - những thiếu niên được sinh ra ở Đại Lịch, sinh ra phải thời giặc Pháp gây chiến tranh, xâm chiếm quê hương, đất nước, gây bao tội ác với dân lành, những thiếu niên ấy sớm giác ngộ cách mạng, không chỉ làm liên lạc, làm giao liên, làm tuyên truyền, mà còn trực tiếp tham gia đánh giặc Pháp. Đấy là những thiếu niên tiêu biểu cho lớp trẻ miền núi Tây Bắc giàu lòng yêu nước, biết căm thù giặc Pháp, thông minh và dũng cảm đánh giặc Pháp, và cũng rất giàu tình thương yêu bạn bè, dân bản, thương yêu các chiến sĩ cách mạng. Nổi bật trong đội ngũ thiếu niên là Hoàng Văn Thọ- Đội trưởng Đội thiếu niên Đại Lịch, một chàng trai trẻ có tình yêu thầm kín, nồng nàn, cảm động và rất trẻ thơ với Thảo. Một lần, trong trận chiến không cân sức ở đèo Din núi Báng mù sương (20/11/1947), Thọ xông ra cướp súng của một tên giặc Pháp, chẳng may anh trúng đạn phản kích bị thương và bị giặc Pháp chặt đầu treo lên cây sâng hòng mai phục bắt du kích. Thọ hy sinh lúc chưa đầy mười sáu tuổi. Cái chết bi tráng của thiếu niên Hoàng Văn Thọ khiến người đọc đau xót và thương cảm vô cùng. Câu chuyện Hà Lâm Kỳ kể như cuốn phim tài liệu chân thật đến chi tiết. Từng đọc Kỷ vật cuối cùng, nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét: "Hà Lâm Kỳ rất thông thuộc cảnh trí, sinh hoạt, tâm lí con người vùng quê Đại Lịch. Có cảm giác anh viết thật thoải mái. Câu chuyện liền mạch, sự việc nối tiếp sự việc, không ngưng nghỉ, trong một dòng chảy, thật tự nhiên, tạo nên một lực hấp dẫn rất đáng kể. Tuy vậy, tôi nhận ra, anh vẫn rất kiệm lời!". Có được Kỷ vật cuối cùng như nhận xét của nhà văn Ma Văn Kháng cũng là bởi Hà Lâm Kỳ từng bao lần trèo đèo lội suối tìm gặp các bậc cao niên, các vị lão thành cách mạng ở khắp vùng quê, ghi chép tỉ mỉ tình tiết, sự việc, làm tư liệu quí cho câu chuyện. Truyện Chim ri núi cũng là một truyện có nội dung tốt nhưng chỉ là sự nối tiếp của truyện Kỷ vật cuối cùng, và chính Kỷ vật cuối cùng (NXB Kim Đồng, 1991) đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, đã đem về niềm vinh quang sáng tác văn học thiếu nhi cho nhà văn Hà Lâm Kỳ.

Nhà văn Hà Lâm Kỳ phát biểu tham luận tại buổi Tọa đàm "Văn học nghệ thuật với nữ chiến sĩ Trường Sơn"

Không kể việc biên soạn, khảo cứu, sưu tầm, làm thơ, cùng với viết truyện thiếu nhi, nhà văn Hà Lâm Kỳ còn viết truyện lịch sử, như: Gió Mù Căng, Cánh cung đỏ. Nói riêng về Cánh cung đỏ, tôi lặng nghĩ, rằng làm sao anh dày công đọc và tra cứu tài liệu nhiều đến thế; anh gặp gỡ nhân chứng và ghi chép tỉ mỉ, cẩn thận, nhiều đến thế; anh dành thời gian những hai mươi năm ấp ủ với hai năm để viết, mà viết tay gần nghìn trang, chữ thì rõ mà nét chữ thì li ti, lất phất, lây dây và dành tình cảm nhiều đến thế cho cuộc cách mạng và kháng chiến của nhân dân các dân tộc Yên Bái và quê hương anh- Đại Lịch anh hùng. Vẫn biết, viết tiểu thuyết lịch sử khó lắm! Vì thể loại tiểu thuyết này đòi hỏi ở nhà văn một tình yêu lớn, một sự kiên trì, nhẫn nại và một bản lĩnh vững vàng vượt lên cả không gian, thời gian, nhất là phải vượt qua những cái "đã có rồi, đã thấy rồi, đã nghe rồi" trong lịch sử, trong sách vở, trong dân gian. Thế mới biết, nhà văn viết truyện lịch sử thật là ngại, thật đáng sợ! Mà Cánh cung đỏ không chỉ ghi lại, mà hơn thế, khác sách sử, rằng tiểu thuyết đã kể lại, đã mô tả một cách cụ thể và sinh động về những chiến sĩ cộng sản, những chiến sĩ cách mạng âm thầm, kiên trì và dũng cảm với một niềm tin tất thắng ngay trong những ngày đầu đi tuyên truyền, vận động, tổ chức lực lượng cách mạng và kháng chiến ở vùng dân tộc, miền núi xa xôi Yên Bái; rằng tiểu thuyết đã kể lại, đã mô tả một cách cụ thể, hấp dẫn và sinh động về những người nông dân miền núi- người Kinh, người Tày, người Mông, người Dao, người Thái... được giác ngộ cách mạng, đi theo cách mạng, theo Đảng và Bác Hồ, làm cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập cho dân tộc và tham gia kháng chiến giữ gìn nền độc lập dân tộc, những người được giác ngộ cách mạng đã bước từ bóng tối ra ánh sáng, từ bùn đen đứng dậy sáng lòa (ý thơ Nguyễn Đình Thi), những người cùng nhân dân cả nước đứng lên làm cách mạng, đã chiến đấu, hy sinh vô cùng dũng cảm để lật đổ cả một chế độ thực dân phong kiến tàn bạo, thối nát, lật trang mới lịch sử cho chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hình ảnh những chiến sĩ cách mạng âm thầm đi gieo mầm cách mạng như Ngô Minh Loan, Đào Đình Bảng, Trần Quý Kiên, Nguyễn Quang Trạch, Nguyễn Duy Thân, Trần Đức Sắc, Nguyễn Phúc, Nguyễn Bình Phương..., những người con của núi rừng Yên Bái đi theo cách mạng, đã hoạt động và chiến đấu dũng cảm như Hà Thiết Hùng, Đào Tiến Lộc, Bùi Đức Lạc, Quản Văn Tình, Trần Quốc Mạnh, Nguyễn Duy Sinh, Hoàng Minh Lưu, Hà Thị Thuần..., những chức sắc của chế độ cũ được giác ngộ, đi theo cách mạng, có nhiều công lao đóng góp cho cách mạng như Trần Đình Khánh, Hoàng Văn Cừ, Đặng Bá Lâu..., còn bao nhiêu bộ đội, bao nhiêu những người dân bình thường yêu nước khác nữa, những con người vì nước quên thân ấy sẽ còn mãi trong lòng nhân dân, còn mãi trong trang sử vàng dân tộc. Tiểu thuyết Cánh cung đỏ của nhà văn Hà Lâm Kỳ thực sự đã để lại một bài học lớn cho mọi thế hệ về lòng yêu nước thương nòi, về hoài bão dấn thân, hy sinh vì nghĩa lớn, về sức mạnh vô song của sự đoàn kết nhân dân, đoàn kết dân tộc, về tinh thần chiến đấu dũng cảm vì công cuộc giải phóng dân tộc, giành và giữ gìn độc lập dân tộc. Cánh cung đỏ có "chất văn chương", từ kết cấu đến việc sắp xếp các chương hợp lý theo dòng thời gian và sự kiện. Cách xây dựng nhân vật có vẻ "lướt" nhưng khá ấn tượng. Ngôn ngữ truyện giản dị, trong sáng, gần gũi với ngôn ngữ dân tộc miền núi. Lối dẫn dắt truyện chậm rãi, mạch lạc. Nhiều hình ảnh trong truyện được mô tả khá sinh động, đậm chất núi rừng Yên Bái. Truyện có hư cấu văn học nhưng vẫn giữ được tính chân thật lịch sử, đấy là điều khó nhất của tiểu thuyết lịch sử mà nhà văn Hà Lâm Kỳ đã vượt qua. Nói về nhân vật, tôi biết nhà văn Hà Lâm Kỳ đã tận tâm đưa vào tiểu thuyết Cánh cung đỏ tới 63 nhân vật, mà tất cả là nhân vật có thật trong lịch sử, chưa kể nhiều nhân vật phụ khác, xem ra có vẻ nhiều, nên truyện hơi bị dàn trải, các nhân vật được dàn ra suốt từ năm 1942 đến năm 1952, một quãng thời gian và không gian rộng lớn, nên chẳng có nhân vật chính, nhân vật điển hình như trong truyện thường thấy. Băn khoăn lắm! Nghĩ mãi, tôi chợt hiểu ra, là, không hẳn như vậy? Vì tôi từng đọc kỹ các truyện thiếu nhi của Hà Lâm Kỳ, nhớ lại, nghĩ lại, mới thấy nhà văn Hà Lâm Kỳ rất nặng tình với quê hương. Chẳng thế mà anh đã đặt bút đề tựa cho Cánh cung đỏ bằng những lời như chắt ra từ trái tim: "Làng sinh tôi trong khói lửa chiến tranh/ Tôi nặng nợ với Làng, trăm năm không trả hết". Vâng, lời đề tựa ấy còn có thể đề tựa cho cả cuộc đời công tác và cả sự nghiệp văn chương của nhà văn Hà Lâm Kỳ nữa, mới xứng! Bởi thế, anh không nỡ lòng quên bất cứ ai, anh muốn tri ân với tất cả những người từng dâng hiến cuộc đời, từng chiến đấu hy sinh cho quê hương, đất nước. Đấy là tình người! Đấy là giá trị nhân văn cao đẹp của nhà văn Hà Lâm Kỳ. Còn nhân vật chính, nhân vật điển hình của tiểu thuyết Cánh cung đỏ là nhân vật nào vậy? Như thiển nghĩ của tôi, tiểu thuyết Cánh cung đỏ có mấy nhân vật chính, có ý nghĩa điển hình là những "nhân vật tập thể": Nhân vật chiến sĩ cộng sản. Nhân vật nhân dân miền núi. Nhân vật giác ngộ. Nhân vật bộ đội Cụ Hồ. Nhân vật phản cách mạng. Nếu còn gì băn khoăn, thì đấy là chuyện, trong Cánh cung đỏ, sau Phần một- Cách mạng, và sau Phần hai- Kháng chiến, có mục Lời kếtChương không số, đã làm "tắc mạch" và hơi "nhiễu sự" bố cục và kết cấu của tác phẩm. Bỏ qua! Dù sao thì Cánh cung đỏ cũng là một thành công mỹ mãn của nhà văn Hà Lâm Kỳ bởi anh đã "công đức" cho quê hương Yên Bái một tác phẩm hòa điệu Sử- Văn, ca ngợi cuộc kháng chiến cứu quốc anh dũng của các dân tộc Yên Bái. Có lẽ nhờ thế mà Cánh cung đỏ đã đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác VHNT, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng năm 2020.

Nhà văn Hà Lâm Kỳ vốn hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, sống kín đáo và ý tứ, vui bạn thì nhâm nhi ly cà phê chứ ngại ngần lắm cái sự nhậu nhẹt, chẳng bao giờ vung tay chém gió, hết sức tránh va chạm với ai đó, rất mẫn cán và vt vả với các chức trách công tác, tuy thế có lúc anh phải cố làm "dáng" và chịu "nín nín"?! Khó chịu lắm! May thay, văn chương đã níu giữ anh, giành lại cho anh sự trong trẻo của tâm hồn, sự điềm đạm của tính cách, biết nhẫn và có duyên..., để còn là một nhân cách Tày mộc mạc, giản dị, chân thành, sống thân thiện với núi rừng và giàu lòng thương yêu con người. Viết văn, nhà văn Hà Lâm Kỳ thực sự đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi, đấy là sự thành công của một nhà văn suốt đời sống gắn bó, dành hết trí lực và tâm hồn cho quê núi. Tuy nhiên, nhà văn Hà Lâm Kỳ viết tiểu thuyết lịch sử, kể cả truyện lịch sử viết cho thiếu nhi, anh còn quá lệ thuộc vào "chính sử", tất nhiên điều này là rất cần phải nghiêm túc, nhưng riêng tôi cứ thấy "thế nào ấy?", bởi vì tiểu thuyết đòi hỏi nhà văn một sự "hư cấu" vô cùng. Muốn cho tiểu thuyết lịch sử thật sự sinh động và hấp dẫn, theo tôi, nhà văn không nên bỏ qua những "góc khuất', những "khoảng tối", những "điểm mờ" của lịch sử để rộng tay mà "bịa như thật"! Mà thôi, cái tạng của mỗi nhà văn khác nhau lắm! Có điều, tôi nhận ra thứ quí giá nhất ở nhà văn Hà Lâm Kỳ là, hễ viết văn là anh nghĩ đến quê mình, nghĩ đến người quê mình, nghĩ nhiều, nghĩ kỹ, nghĩ mãi, viết mãi, ấy là cái tình quê núi- cái tình người như những mạch sinh thủy muôn thuở của núi rừng, như dòng máu đỏ chảy mãi trong trái tim nhà văn Hà Lâm Kỳ.

 

H.T.S

 

Các tin khác:

1-5 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter