Một tấm lòng thơ trong trẻo, tin yêu

Ngọc Chấn

 

Mỗi người đến với thơ bằng một con đường, với Trịnh Thoại trước khi làm thơông đã làm lính “Cụ Hồ” trong kháng chiến chống Pháp. Sinh ra ở Nghệ Tĩnh, mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, ngay từ thuở ấu thơ, những câu hò, điệu ví, khúc dân ca đằm thắm trữ tình đã tạo nên một hồn thơ đau đáu nỗi niềm nơi sông Lam, núi Hồng, biển rộng. Dù đi đâu về đâu, xa quê vời vợi ông vẫn nghĩ về quê hương, nơi sinh ra Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, và ông tự dặn mình: Nhớ lời Bác dặn chẳng mờ phai/ Nghe Bác bao năm vẫn miệt mài/ Ba lô sách nặng, mòn vai khoác/ Lội suối trèo non đến mọi nhà/ Tìm trò dạy chữ yêu đất nước/ Canh cánh bên lòng mỗi giây qua.

Hình ảnh cao đẹp của Bác luôn in đậm trong trái tim ông, trái tim ấy không một khoảnh khắc nào quên lời Bác dạy: Sáu mươi năm “Đoàn kết”/ Khắp bản làng xa gần/ “Tăng gia” và sản xuất. Không phải ngẫu nhiên, trong một tập thơ, mang tên “Tiếng vọng suối ngàn”, với 48 bài thơ thì Trịnh Thoại đã có tới 6 bài thơ nhắc tới lời Bác dặn. Khi ở Lào Cai lúc về Yên Bái, suốt những năm dài dạy học ở vùng cao, bao giờ trong ý nghĩ của thầy giáo Trịnh Thoại cũng ghi sâu lời Bác để tự nhủ mình phấn đấu hy sinh, học tập đạo đức Hồ Chí Minh, không một ngày ngưng nghỉ.

Thơ Trịnh Thoại là thơ của một người với Đảng tin yêu. Cả một đời theo Đảng, tuổi 85 ông đã có 60 năm tuổi Đảng, với ông Đảng kỳ luôn tỏa sáng niềm tin chân lý: Rực cháy bao trái tim/ Dưới sắc hồng cờ Đảng/ Trọn đường đi năm tháng/ Ửng nắng trời thu xanh. Ông quan niệm, mỗi việc làm nhỏ bé của mình luôn là nhữngcánhhoa để dâng lên Đảng. Vì thế, mỗi độ xuân về, ông lại thêm vững tin, phấp phỏng trong lòng, mừng vui khôn xiết, để tiếp tục con đường: Rừng xanh cao không làm ta chùn bước/ Biển thẳm sâu không cạn chí vững vàng.

Lòng sao thơ vậy, thơ Trịnh Thoại luôn hướng thiện, trong mất mát đau thương ông luôn tìm đến nhữngđiều nhân ái, tốt lành: Trăn trở trong tình mẹ/ Bên anh như bao người/ Quên mình vì xứ sở/ Tin điều lành mẹ ơi. Với ông, người đã đi qua những thăng trầm, nếm trải cay đắng, ngọt bùi nhưng vẫn giữ cho mình lòng trong, hy vọng: Hồn thơ soi lại chuỗi ngày xanh/ Men say ý tưởng giữ trọn mình. Vốn là người đa cảm nên đọc thơ ông, ta bắt gặp những cuộc đời đi cùng năm tháng. Ký ức thời gian chẳng thể phai mờ, khi ông gặp lại người bạn cũ giữa Sài Gòn hoa lệ: Anh ra đi bao nỗi niềm thương nhớ/ Người đợi chờ day dứt lúc chia xa/ Sao bâng khuâng như thể mới hôm qua/ Nơi cội nguồn hiện hình trên trang viết.

Nhân vật trữ tình được ông khắc họa trong thơ, không phải là ai khác, mà chính là những người lính thời bình giữ biên giới, biển đảo thân yêu: Đồng đội bên nhau hiền như hoa rừng/ Canh giữ đất trời sẵn sàng tung hoa lửa/ Đồn anh chốt giữ biên cương/ Quyện sắc màu bất tử quê hương.

Tập thơ “Tiếng vọng suối ngàn”, lưu lại trong bạn đọc khá nhiều trang viết về thầy giáo và mái trường, nét đẹp thân thương của học sinh vùng cao biên giới, dù trải qua tháng năm xa cách nhưng tình nghĩa thầy trò vẫn thắm đượm, thuỷ chung như hương rừng, gió núi: Bằng lăng ơi đã hết những mùa trăng/ Tình học trò cháy trong mùa phượng vĩ/ Nắng chiều hôm lặng yên niềm suy nghĩ/ Ve sầu buông in dấu mỗi con tim.

Nỗi nhớ da diết trong thơ Trịnh Thoại thấp thoáng những kỷ niệm về mảnh đất Hoàng Liên Sơn, nơi ông gắn bó nửa cuộc đời cho nghề dạy chữ, ông đã từng có những năm tháng làm hiệu trưởng trường cấp III Lào Cai, bên dòng sông Hồng và núi: Hoàng Liên, mây gió mờ sương/ Hằn sâu nỗi nhớ tuổi thơ mái trường.

Sinh ra ở miền trung gió Lào, cát trắng, nhưng cuộc đời ông lại gắn bó với mảnh đất Lào Cai nơi đầu sông, đầu suối. Vì thế, nhiều địa danh thiên nhiên và phong cảnh núi rừng biên giới đã đi vào thơ ông với những phác họa khó quên: Phố Tèo soi bóng Nậm Thi/ Ngã ba sông đỏ nơi ga cuối chiều.

Đến Sa Pa ông gặp: Đêm Tả Van trở gió/ Bên cầu Mây bãi đá cổ chơ vơ/ Thác Bạc trắng rì rào trong nỗi nhớ/ Tiếng tháp chuông lay động Sa Pa. Ông đã đặt chân đến miền biên ải: Pha Long đồn rực cháy/ Dốc Chín Quai ngựa thồ. Và đã chứng kiến: Sao quên được trời Bảo Nhai nắng lửa/ Đàn ngựa thồ vang vọng núi non/ Mảng nứa dại vượt lũ tràn sông Chảy. Lào Cai trong ông, đọng biết bao kỷ niệm, có cả niềm vui và mất mát hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Hình ảnh liệt sĩ nhà báo Bùi Nguyên Khiết còn mãi trong thơ: Anh nằm lại Tả Ngải Chồ ngày ấy/ Rừng Pơ mu thay lá mấy mùa sương/ Trang viết dở đã phai dòng máu chảy.

Với thành phố Yên Bái, nơi cuộc đời ông đã dừng chân, kết tinh trong ông những kỷ niệm xa, gần, những phút giây phân vân cùng năm tháng: Nước mắt buồn hồ biếc cứ xanh trong/ Vòng quanh bờ nguyên sơ trong khoảng lặng/ Từ thẳm sâu ai nối mạch khơi dòng. Dừng chân bên hồ Cô Giang công viên Nguyễn Thái Học ông viết: Tên người đẹp mãi tên phường phố/ Tình người lan mãi sóng mênh mang.

Với Trịnh Thoại sau những bài thơ, những câu thơ viết về đất nước, con người, “Tiếng vọng suối ngàn” của ông ra đời khi ông tròn tuổi 85. Ở tuổi ấy, thơ ấy mới có nhiều chiêm nghiệm. Thật bất ngờ khi ông có những câu thơ dồn nén, chứa chất nỗi niềm trắc ẩn: Tôi tìm bóng phải đời tôi/ Giọt sương ngưng đọng bụi đời thoáng qua/ Ửng hồng sắc nắng kiêu sa/ Màu xanh ở lại sân ga cuối trời/ Tôi tìm bóng trái đời tôi/ Giữ hương đất mới sinh sôi nhựa hồng.

Gặp ông lần đầu, mới đọc thơ ông, nhìn vào đôi mắt trong sáng của ông, người ta dễ tưởng thơ ông luôn hướng ngoại nặng về kể và tả, nhưng đọc kỹ ông có những câu thơ trăn trở, nghĩ suy, đau đáu chuyện đời: Một mình chẳng phải một mình/ Khoảng sau đỉnh núi bồng bềnh mây bay/ Xanh rờn rủ bóng hàng cây/ Mây vờn thung lặng men say tấc lòng.

Thơ Trịnh Thoại có nhiều câu rất đa cảm: Dẫu đi qua cơn mưa hạ ướt mèm/ Ký ức nhỏ rối trong chiều khác lạ/ Đẫm mắt buồn phượng hồng chia xa. Trước thiên nhiên ông cũng dạt dào cảm xúc, tươi trẻ: Thênh thang trời Khau Phạ/ Ngắm dù bay nhẹ vòng/ Phập phồng theo hạt gió/ Nương đồi cũng lâng lâng.

Tập thơ “Tiếng vọng suối ngàn”, Trịnh Thoại có những câu thơ tinh tế mà sâu lắng, dịu dàng mà lay động: Nhìn trời qua lòng nước/ Đôi mắt cũng lung linh/ Ngắm nhau từ lòng suối/ Lớp rong che giấu mình. Ông có nhiều bài thơ viết về suối, bài nào cũng có những câu thơ gợi sự liên tưởng: Đếm sao được giọt suối/ Bởi cơn mưa đại ngàn. Hay: Suối ru em ngủ/ Rì rào rì rào/ Đâu có sóng vỗ/ Mà lòng xôn xao. Đến bài: Điệp khúc chiều thì dòng suối trong ông bỗng ray rứt thực sự: Suối mơ chiều khô cạn/ Sỏi đá phơi trắng dòng/ Gió ngàn cứ vần vũ/ Phiêu lãng đóa phù dung.

Tuổi càng cao ông càng có nhiều suy ngẫm, những lúc vui nhất thơ ông vẫn phảng phất nỗi buồn: Lờ lững thời gian bông gạo trắng/ Xạc xào bờ cỏ lá nghiêng rơi/ Rạo rực vào xuân trời ấm nắng/ Thấm giọt suơng thu lạnh lẽ đời.

Tuy vậy, tập thơ ra đời ở độ tuổi 80 đây đó vẫn còn có những bài, những câu thơ thô ráp, sáo mòn, ít chắt lọc, nhất là những bài phục vụ chính trị chưa tạo được hiệuứng vang ngân trong “Tiếng vọng suối ngàn”.

Thơ là tiếng lòng. Tiếng lòng trong thơ ông đồng vọng với thời gian, như suối ngàn chảy mãi. Lòng dạ tin yêu, mây chiều lặng gió, ngõ nhỏ thân quen, chuyện đời giản dị, luôn thắp sáng lên những vần thơ thao thức, hoài vọng qua mỗi cung bậc của tình yêu năm tháng, đợi chờ. Và ước mơ khát vọng còn mãi trong ông.

                                                                                                       N.C

 

Các tin khác:

16-20 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter