Ngọc Bái Người phác thảo “một vùng thơ”

 

Hà Lâm Kỳ

 

Trong bài “Người lính hôm qua, Nghệ sỹ hôm nay” in trên Tạp chí Văn nghệ Yên Bái số ra tháng 4 năm 2020, tôi viết, có đoạn; nay xin được trích dẫn lại:

"Những năm 1971, 1972, sinh viên các trường Đại học miền Bắc như đã ngập tràn lời ca hai ca khúc: Bài ca bên cánh võng của nhạc sĩ Nguyên Nhung, và Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây của nhạc sỹ Hoàng Hiệp, Lời thơ Phạm Tiến Duật. Cuối năm 1972, từ Trường sơ cấp Quân y Sư đoàn 304, tôi về Trung đoàn 246 để đi B, Thủ trưởng Khánh, người Thái Nguyên vừa ở chiến trường ra nhận quân. Đứng trước các chiến sĩ, Đại đội trưởng Khánh có đọc bài thơ, tôi nhập tâm loáng thoáng mấy câu: Rất nhiều vùng đất không tên/ Rất nhiều dấu võng bỏ quên giữa rừng.(*) Thì ra, “ Trường Sơn", “Cánh võng” mà lời ca đang làm rạo rực sinh viên, là thế. Gần 20 năm sau, 1989, tôi mới được đọc đầy đủ bài thơ ấy, bài Lời riêng của lính, từ sổ tay tác giả của nó - Nhà thơ Ngọc Bái - Nguyễn Ngọc Bái, chiến sĩ Quân giải phóng Mặt trận Khe Sanh. Lúc này ông đã đương kim Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Hoàng Liên Sơn”.

Tác phẩm đầu tay của nhà thơ Ngọc Bái, tôi chưa được rõ, nhưng có lẽ những bài thơ thành công đầu tiên là viết về người lính. Với 24 năm kinh nghiệm và nhiều năm sau là con người của dân sự, của cả đời thường, Ngọc Bái đã làm nên một sự nghiệp văn chương. Dẫu là binh nghiệp, quan chức dân sự, hay thường dân. Và dẫu là ngón nghề văn chương có nhiều ngã rẽ. Nhưng theo tôi làm ám ảnh người đọc nhất trong thơ ông, là những trang viết về người lính và những câu viết về sự chiêm nghiệm. Tôi không dám lạm bàn mà xin chấm phá đôi điều.

Phác thảo một vùng thơ như tiêu đề bài viết này, là tôi lấy ý tên một tập sách của nhà thơ Ngọc Bái, tập “Một vùng thơ chân dung phác thảo”, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2011. Ở đó có tới 45 bài viết về 45 “Vấn đề” thơ cùng tác giả của nó. Điều này xin được nhắc đến sau.

Lấy ý tên một tập sách của Ngọc Bái, nhưng tôi lại muốn giả định “một vùng thơ” ngay trong sự nghiệp thơ ca của chính ông: Vùng thơ về người lính.

Cái buổi đầu làm người lính, hay buổi đầu người lính Nguyễn Ngọc Bái làm thơ, trong hai mà một, thật dễ thương: Tiểu đội chúng tôi cả thảy chín người/ Năm người hát, bốn là khán giả/ Hát như thế chỗ nào cao quá/ Không ai bảo ai đều xuống bè trầm(*). Một người lính, nhà thơ Phạm Tiến Duật từng nhận xét về mấy cô thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn: “Nghe em hát mà anh buồn cười/ Nhạc với phách xem chừng sai cả/ Mồ hôi em ướt đầm trên má/ Anh với mọi người nhìn nhau khen hay!” Nhà thơ Tố Hữu khi vào chiến trường, ông cũng gặp những chuyện đáng yêu tương tự, nhà thơ viết trong Trường ca Nước non ngàn dặm: “Mấy chàng lính trẻ măng tơ/Ngêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi".  Chiến trường ác liệt và cuộc chiến dằng dặc, tuổi ấy không xúc động mới lạ: Viết rồi, rồi lại phân vân/ Từng câu phấp phỏng, nhịp vần bâng quơ/ Một thời hát chỉ vu vơ/ Buồn vui mình lại làm thơ cho mình (*).

Sức trẻ của người lính cùng với mục đích, lý tưởng thời đại đương nhiên tạo nên niềm tin, tạo nên yếu tố lạc quan và ý chí. Bốn cuộc chiến tranh: chống Pháp, chống Mỹ, Tây nam, Biên giới phía Bắc, nếu không có tiền đề này, thử hỏi hôm nay đất nước sẽ đang như thế nào?

Nhưng cũng trên cái nền tảng ấy, ta gặp trong “vùng thơ” về người lính của Ngọc Bái, lại là một chiêm nghiệm. Nó khác nhiều với cái sự mô tả trong thơ của hầu hết tác giả. Chiêm nghiệm, đồng nghĩa với suy tư, lý giải, thậm chí giằng xé để tìm kiếm một sự nhìn nhận.

Cả đời tôi lặn lội kiếm tìm

Tôi chưa khôn hơn phần tôi đã dại

Ngắt bông hoa với nửa phần ưu ái

Còn nửa phần, bất nhẫn với loài hoa.(*)

Với Ngọc Bái, chiêm nghiệm về người lính qua thơ. Nhưng đằng sau người lính ấy là cả một cuộc chiến. Thế hệ thời chống Mỹ làm thơ, là vậy. Những Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu, Y Phương... tôi trộm nghĩ, ở họ, làm thơ, không phải “thơ” thuần túy mà là để dẫn dắt nhận thức, dẫn dắt xã hội thông qua Thơ - loại hình cảm xúc nhân văn vào loại bậc nhất của văn học. Cùng trên một trục đường đi, một phương tiện đi, nhưng Ngọc Bái và đồng nghiệp cùng thời có khác với bậc đàn anh. Nếu như Chế Lan Viên từng giúp ta hóa giải: “Luận cương đến với Bác Hồ, và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi xuống chữ Lê Nin" (Người đi tìm hình của Nước). Nếu như Nguyễn Đình Thi đặt bút một lời kết: “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Bài thơ: Đất nước). Thì đây, Ngọc Bái nhìn, lại nói thay lớp tuổi cầm súng và cầm bút cầm súng thời ông: Niềm kiêu hãnh chất đầy ba lô cóc/ Thanh thản cười khỏa lấp xót xa(*). Chiến tranh và người lính; Đất nước, hạnh phúc với thương đau, nó đầy ắp, nó đằng đẵng trên bản đồ hình chữ S thế kỷ XX. Trong “Đôi điều về người lính”, Ngọc Bái tự sự với mình, tự sự với đời, nhưng cũng là tự sự với một ẩn số siêu linh nào đó mà chính mình chưa thể lý giải:Anh không nghĩ tới những điều phi thường/ Nhưng đôi khi tự hỏi vì sao mình can đảm thế(*). Và rồi: Tiếng súng im, đất trở về yên tĩnh, Anh trống lặng trong vinh quang(*). Vinh quang, mà người lính “trống lặng”? Điều này là hiện thực, nhưng có lẽ chỉ lịch sử mới giải mã nổi. Riêng mình, nhà thơ chọn giải pháp phải đạo nhất: Thời gian nhuộm xám mặt/ Cuối đầu lạy đất quê(*).

Trên mạch nguồn người lính, đúng hơn, người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, nhà thơ Ngọc Bái tiếp tục phác thảo “chân dung” một “vùng” cảm hứng sáng tạo nghệ thuật khác, dĩ nhiên sức khám phá và độ chiêm nghiệm có sức khái quát hơn, sâu sắc hơn. Trong một “Lời đầu sách”, Ngọc Bái viết: Tôi đi trên mặt đất và tôi phiêu diêu cùng những đám mây. Đấy cũng là con đường tôi đi tìm trong muôn vàn sắc điệu của thơ. Không rõ đây là lời Tự bạch, hay Tuyên ngôn về thơ của ông. Nhưng rõ ràng nhà thơ của quê hương đã chạm vào Lịch sử, cắt nghĩa những uẩn khúc của Lịch sử truyền thống giữ nước qua các trưởng ca để đời: Lời cất lên từ đất, (năm 2000), Vầng trăng và Cánh rừng (2015), thậm chí rẽ ngang, ngoại đạo với thơ để làm nên các tiểu thuyết tư liệu lịch sử: Ngang trời mây đỏ (2012), Lá chắn Vị Xuyên (2024).

Trở lại tập “Luận” Một vùng thơ chân dung phác thảo của tác giả Ngọc Bái do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2011. Tôi cho rằng đây là loại sách ít người viết, bởi nó chỉ chấm phá, điểm xuyết, cắt những lát cắt trúng tâm tác phẩm của một tác giả nào đó mà nhà thơ cảm xúc. Loại hình này tôi đã gặp ở nhà thơ Phạm Hổ, nhà văn Nguyên An khi các ông làm sách cho nhà trường, và gặp ở nhà thơ Vũ Quần Phương khi ông đi nói chuyện thơ. Ngọc Bái phân trần: Tôi mang cảm thụ của người làm thơ, đến với người làm thơ. Giản dị và chân thành là mong muốn của tôi([*]). Lời cảm tạ trong đầu tập sách ấy ngõ hầu không để bạn đọc và tác giả phàn nàn, rằng “Luận” chưa sâu, “Luận” chưađầy nghĩa! Không, nhà thơ không đặt ra điều này, mà chỉ hy vọng tạo được một cây cầu xinh xinh nối giữa tác phẩm và tác giả với người đọc “Thực hiện được đến đâu là tôi mừng đến đó” Ngọc Bái khiêm nhường viết vậy. Chính vì thế “Một vùng thơ chân dung phác thảo” tạm dừng lại ở 45 bài thơ chủ yếu của tác giả địa phương, tỉnh nhà Yên Bái. Tôi nghĩ, ngoài tác phẩm với bạn đọc, Ngọc Bái còn muốn tạo “Cây cầu” tình nghĩa giữa ông, một người làm thơ, với đồng nghiệp văn chương. Ẩn ý này thật đáng quý.

Ngọc Bái, người phác thảo một vùng thơ, đã rất thành công. Nhưng với ông, nhà thơ Ngọc Bái, còn phác thảo chân dung của âm nhạc, của văn xuôi, của hội họa, và của cả luận bàn văn học nữa. Dẫu phác thảo ấy chưa toàn hình khuôn mặt nhưng cũng đủ để giới ngành trân trọng, lưu danh.

 

                                                                                                Tháng 4/2025

HLK



([*]) Những câu thơ in nghiêng là của Ngọc Bái, tác giả bài viết rút trong tập: Ngọc Bái – Tác phẩm Văn học được Giải thưởng Nhà nước – NXB Hội Nhà văn, 2015

 

Các tin khác:

1-5 of 92<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter