Nguyễn Thái Học và tiểu thuyết “Ngang trời mây đỏ”

Nhà thơ- Nhạc sĩ Ngọc Bái 

Đêm 9 rạng 10 tháng 2 năm 1930 đã được lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ghi lại. Trước đó, đã có nhiều cuộc khởi nghĩa của người Việt Nam chống các thế lực ngoại bang có mưu đồ xâm chiếm nước ta, các cuộc khởi nghĩa đã chứng tỏ tinh thần yêu nước bất khuất của dân tộc, đã được nuôi dưỡng lâu bền.

Nối tiếp tinh thần yêu nước ấy, Khởi nghĩa Yên Bái 1930 đã đánh dấu một mốc son oanh liệt, trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc, do Nguyễn Thái Học và những người đồng sự tiến hành. Phải khẳng định tinh thần yêu nước của người Việt đã trở thành máu thịt. Ngay từ tuổi thiếu niên, mới học bậc tiểu học ở Vĩnh Yên, khi nhà trường nô dịch của Pháp ra đề bài “Hãy nói rõ sự nghiệp của Jules Ferry”, Nguyễn Thái Học đã viết vào bài làm rằng “Người Việt Nam không hề biết người này”. Rồi thản nhiên ra chơi! Nói điều đó để thấy Nguyễn Thái Học luôn nung nấu ý chí chống thực dân xâm lược. Nguyễn Thái Học với đồng sự đã tập hợp những người cùng chí hướng, cùng thế hệ nổi lên chống chế độ thực dân Pháp cai trị nước ta lúc ấy.

Nhà thơ- Nhạc sĩ Ngọc Bái bên tiểu thuyết "Ngang trời mây đỏ"

 

Cuộc khởi nghĩa Yên Bái diễn ra ngay trên đất Yên Bái, thôi thúc tôi tìm hiểu những gì liên quan tới cuộc nổi dậy này, để viết tiểu thuyết lịch sử “Ngang trời mây đỏ”. Đó cũng là biểu tượng nói lên tinh thần yêu nước bất khuất và anh linh của những người bỏ mình vì dân vì nước, là phản ánh sự thật lịch sử, sự trường tồn mang tính lịch sử.

Để ghi dấu sự kiện bi hùng này, cuối năm 1996 Tỉnh ủy Yên Bái đã tạo điều kiện thuận lợi tổ chức hội thảo “Khởi nghĩa Yên Bái 2-1930, một số vấn đề lịch sử” do Viện sử học Việt Nam và sở Văn hóa Thông tin Yên Bái chủ trì, với sự tham gia tham luận của nhiều nhà sử học có danh tiếng của quốc gia.

Cuộc hội thảo khoa học lịch sử đã đề cập khá rõ diễn tiến của cuộc khởi nghĩa, lực lượng tham gia khởi nghĩa, mục tiêu của cuộc khởi nghĩa, ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa, việc ám sát trùm mộ phu Bazin và thơ văn trước và sau khởi nghĩa. Tham luận đã đề cập tới sự tàn bạo của thực dân Pháp khi đô hộ nước ta và cuộc khai thác thuộc địa tàn độc, chính sách ngu dân và đàn áp người Việt. Các cuộc bắt bớ, tù đày, phát vãng, khiến người Việt cùng khổ, chết chóc. Sử sách đã ghi lại, sau khởi nghĩa Yên Bái hàng ngàn người bị bắt, nhiều người bị án chém, người thì đi tù Côn Đảo, và hàng trăm người bị tống xuống tàu chở sang tận Guyane thuộc địa của Pháp ở Amazon, nơi nước độc, rừng rậm, thú dữ thường xuyên đe dọa tính mạng.

Phải nói tới vai trò của tổ chức và những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, đó là hình ảnh của Nam đồng Thư xã, nơi truyền bá những tư tưởng tiến bộ và cũng là nòng cốt của phong trào yêu nước cách mạng thời bấy giờ. Tập hợp xung quanh Nam Đồng Thư xã là những người có chí hướng, tên tuổi đã đi vào lịch sử: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Nhượng Tống, Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài, Hồ Văn Mịch, Nguyễn Ngọc Sơn và nhiều tên tuổi khác.

Để viết tiểu thuyết “Ngang trời mây đỏ”, tôi đã tiến hành các cuộc điền dã về Thổ Tang Vĩnh Tường, quê của Nguyễn Thái Học và những địa phương mà Nguyễn Thái Học và những đồng sự của ông đã từng hoạt động. Những miền quê ấy, giờ quá nhiều thay đổi, khó có thể hình dung những gian khó nghĩa sĩ phải vượt qua, khi phương tiện giao thông thời ấy rất hạn hẹp. Phải hoạt động bí mật nên Nguyễn Thái Học và đồng sự luôn di chuyển và thay đổi vị trí liên tục. Khi thì xuất hiện ở Vĩnh Phúc, thoắt đã có mặt ở Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình... Người đương thời ví Nguyễn Thái Học như có phép tàng hình!

Tôi đã đọc các tác phẩm của những người cùng sống với Nguyễn Thái Học như: nhà văn dịch giả Nhượng Tống, ông Hoàng Văn Đào, ông Nguyễn Nhật Thân, ông Tô Nguyệt Đình, nhà sử học Trần Huy Liệu... Đặc biệt tôi đọc thơ Louis Aragon, đọc tác phẩm Yên Bái- đêm rực lửa của tác giả Bốn Mắt (người Pháp), đọc cuốn Việt Nam bi thảm Đông Dương của nhà văn nhà báo Louis Roubaud- người chứng kiến Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông trên pháp trường Yên Bái. Ông đã viết: “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! Quê hương phương Nam! Tôi nghe thấy mười ba lần hô lên như vậy, mười ba người bị kết án tử hình đã thốt ra từ miệng kẻ này đến người kia, cách nhau hai thước trên dàn máy chém ở Yên Bái”. Tiếng hô “Việt Nam vạn tuế” vang động buổi sáng mà Nguyễn Thái Học và các đồng sự của ông lên đoạn đầu đài, còn in mãi vào tâm trí mọi thế hệ sau này.  

Vào năm 2000 tôi đã viết trường ca Lời cất lên từ đất và năm 2005 viết hợp xướng Tráng ca Khởi nghĩa Yên Bái. Đấy là lí do để tôi viết tiếp cuốn tiểu thuyết lịch sử Ngang trời mây đỏ.

Tôi đã cố gắng khắc họa hình ảnh những người thanh niên trai trẻ thời bấy giờ, đã đem tính mạng của mình đánh cược với lòng yêu nước, đấu tranh cho “dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Tinh thần bất  khuất của các nghĩa sĩ nổi bật, khi Nguyễn Thái Học thanh thản đọc câu thơ: “Chết vì Tổ Quốc chết vinh quang/ Lòng ta sung sướng chí ta nhẹ nhàng”. Phó Đức Chính thì nói: “Việc lớn không thành, chết có gì ân hận?” và trước pháp trường đã thản nhiên: “Cho ta nằm ngửa để xem lưỡi dao (tội ác của người Pháp) rơi xuống thế nào”. Còn Nguyễn Thị Bắc khi tòa đề hình của Pháp xử 78 người tại Yên Bái đã dõng dạc nói: “Nếu người Pháp xử ta, hãy về giật đổ tượng thánh nữ Jeanne d’Arc”.

 Tôi đã nói về những tên phản trắc trong nội bộ mà cuộc khởi nghĩa phải nhận mặt và xử lý. Tôi cũng không quên nhắc đến Hội nghị Võng La quyết định ngày Khởi nghĩa Yên Bái, khi tên Phạm Thành Dương phản bội, đã mật báo cho quân Pháp bao vây làng hòng diệt gọn những người yêu nước. Nguyễn Thái Học và đồng chí của ông được dân che chở đều thoát. Lính Pháp đã triệt hạ Võng La. Để tạo sự bất ngờ, Nguyễn Thái Học đã cho mở lại hội nghị ngay tại Võng La, quân Pháp không hề biết. Phạm Thành Dương đã bị Nguyễn Thái Nho, em ruột của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Xuân Huân bắn lòi ruột ở Cửa Đông- Hà Nội (30/5/1930).

Tôi cũng viết về những âm mưu thủ đoạn và sự tàn bạo của những tên thực dân khét tiếng lúc bấy giờ, như: Toàn quyền Đông Dương, Thống sứ Bắc kỳ, tên trùm mật thám Arnoux và những tên tay sai, phản bội tổ quốc, đã bị nghĩa sĩ trừng trị đích đáng.

Đặc biệt trong tiểu thuyết này tôi đã để nhiều tâm huyết viết về mối tình sử của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang cũng như viết về những nhân vật phụ nữ Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Tỉnh và một số nhân vật phụ nữ khác đã hết lòng cho cuộc Khởi nghĩa Yên Bái.            

Viết cuốn Ngang trời mây đỏ, tôi muốn khẳng định “Lòng yêu nước không bao giờ cũ”. Cho dù thời điểm nào thì người Việt Nam cũng là biểu tượng của tinh thần ái quốc. Lòng yêu nước mặc nhiên là tài sản lớn của người Việt chân chính. Tôi đã huy động khả năng tưởng tượng để viết tiểu thuyết này, mong các thế hệ tuổi trẻ sống xứng đáng với những bậc tiên liệt đã đổ máu hi sinh vì Độc lập Tự do của Tổ quốc.

 

N.B

 

Các tin khác:

36-40 of 66<  ...  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter