Nhớ Nhà văn Hoàng Hạc

 Nhớ Nhà văn Hoàng Hạc

                                                HOÀNG THẾ SINH

 

Tháng năm, tu hú kêu, vải đỏ chín trùm cây.

Tôi nghe tu hú kêu, thấy vải chín thì bỗng nhớ nhà văn Hoàng Hạc.

Thực lòng, tôi nhớ nhà văn Hoàng Hạc như nhớ một người anh, một người chú, một người thầy. Nhớ mãi, những năm Tám mươi của thế kỷ Hai mươi, tôi làm nghề dạy học ở thị xã Yên Bái, cũng hí hoáy viết truyện, làm thơ, nên hay giao du với các văn nghệ sĩ, đến mức thân mến, nên tôi gọi anh Hoàng Hạc.

     Ngày ấy, cái gian phòng tập thể chừng 6m2, một chiều mùa hè, Hoàng Hạc rải chiếc chiếu cói nhỏ xuống nền gạch bát nâu, rồi lại rải tờ báo văn nghệ vào giữa chiếu, rồi đặt ngay ngắn chai 65 rượu trắng bên cạnh, tất bật bày biện lên tờ báo mấy gói lạc húng lìu, vài quả ổi ương, mấy lát chuối xanh, cả một chùm vải chín đỏ mà Hoàng Hạc mang từ quê ra nữa. Ây dà, rõ là một bữa tiệc, chẳng kém chi anh Chí Phèo làng Vũ Đại, còn hơn hẳn anh Chí cái khoản lạc húng lừu và chùm vải chín đỏ kia nhé. Tôi và Hoàng Hạc đang chén chú chén anh thì nghe bên phòng hành chính có tiếng điện thoại reo vang, Hoàng Hạc đặt chén rượu xuống chiếu, đi vội sang nghe điện thoại. Một lúc, Hoàng Hạc về, ngồi khoanh chân, cầm chén rượu cạch với tôi, cạn, rồi ngồi ngây, ngẩng mặt, đưa mắt hướng về nơi xa xăm. Thấy lạ, tôi hỏi có việc gì quan trọng? Hoàng Hạc không nói gì, tay cầm chai rượu, rót thêm vào mỗi chén một chút, lại cạch, hết. Khà khà! Bỗng Hoàng Hạc bật cười, cười chảy nước mắt, rồi chậm rãi nói: "Lão Mã đi họp Hà Nội, cưỡi chiếc Rumani, về đến Việt Trì thì Rumani vừa đi vừa đẩy, sướng đời Mã nhé!". A, thì ra Hoàng Hạc nghe điện thoại của nhà văn Mã A Lềnh- Phó Chủ tịch hội, báo cáo về việc cái Rumani chết máy, nên không về được. Hoàng Hạc bảo, quan trọng đếch gì mà phải báo cáo chứ? Tớ thỉnh thoảng cưỡi cái Rumani đi họp hành, thì nó cũng hành tớ, thỉnh thoảng chết giấc một hồi, còn lạ gì nữa. Ờ, Mã ơi, giá có con ngựa cưỡi còn sướng hơn nhỉ? Mã cưỡi ngựa mà xuống chơi với Long Vương, mà về Kinh Đô chơi với bạn văn chương còn nhanh hơn là cưỡi cái Rumani cà khổ kia, có phải thế không? Khề khà một hồi, tay nâng nâng chỏm mũ nồi, Hoàng Hạc im lặng, một lúc, rồi bỗng cất tiếng hát bằng tiếng Tày à ới, véo von, trầm bổng. Khi Hoàng Hạc dừng hát, tôi ngồi ớ ra, miệng lẩm bẩm, ơ, hát gì mà hay thế, cứ như chim hót ríu ran sớm mai, cứ rì rào như suối chảy, cứ như gió cuốn mây bay trùng trùng núi núi, cứ như thú kêu gọi đàn giữa rừng già mênh mông. Tôi khen: "Anh hát tiếng Tày, nghe hay quá, nhưng em chẳng hiểu gì cả!". Hoàng Hạc nâng chén rượu cạch với tôi, một ngụm nhỏ, rồi bảo: "Tớ cọi ấy mà. Dân ca Tày đệ nhất nước Nam đấy. Tớ cọi một bài tình yêu gửi gió đưa về Việt Trì tặng cho nhà văn họ Mã mau nổ máy được cái Rumani mà về Yên Bái, chứ mạn xuôi ấy là nhiều gái đẹp lắm, chàng Mã mê tít thì khó mà dứt, khà khà!". Tôi cười, và hỏi: "Nhưng bài cọi ý gì chứ?". Hoàng Hạc không nói gì, ngước kính trắng nhìn về xa xăm. Tôi thoáng cảm nhận như Hoàng Hạc đang nhớ về cái thời xa xưa trai trẻ đêm trăng rủ bạn thót vào bản hát tán gái chứ chẳng phải hát gửi gió cho Mã A Lềnh đâu. Một lúc, tôi tự cạn chén, đưa ngón tay vuốt ria, nài nỉ: "Hoàng Hạc ơi! Anh cho em chép lại bài cọi cả tiếng Tày và lời dịch ra tiếng Kinh nhé. Em cũng sẽ cọi tán gái Tày, cho sướng!", "Khà khà!- Hoàng Hạc đưa ngón tay nâng nâng kính trắng cao lên mũi, ngó tận mặt tôi, giọng vui- Ây dà! Mai anh sẽ cho chú mày chép hết, rồi tập hát nhé. Có nhẽ chú mày phải ăn hết cả một lều nương đầy cum lúa kén thì mới cọi được đấy. Cọi được thì thích lắm! Gắng lên nhé!". Ôi giời, nói được câu ấy, Hoàng Hạc cười thoải mái, hồn nhiên, khoái chá. Tôi hiểu ý Hoàng Hạc vì tôi từng sống với người Tày gần cả đời rồi, nên tôi cũng cười tít tít. Tôi hứng khởi, cạn hẳn chén rượu, hì hì. Hoàng Hạc cũng cạn chén, cười tít mít. Tôi biết, tính Hoàng Hạc là thế. Ở cái thời quan liêu bao cấp, cả nước đói khổ, chứ chẳng riêng gì cơ quan văn nghệ đương trong thời kỳ vận động thành lập. Cái thời đói khổ thế mà còn biết bao nhiêu chuyện vui buồn nhân tình thế thái. Con người tự nhiên nảy thói hư tật xấu là việc gì cũng tranh nhau, người người tranh nhau xếp hàng mua lương thực, thực phẩm, tranh nhau lên tầu xe, tranh nhau hàng phân phối cá khô, mắm tôm, nước mắm, ma-ri, áo may ô, xích líp, xăm lốp xe đạp, kim khâu, đá lửa..., lại còn tranh nhau khen thưởng, tăng lương, tranh nhau cả mấy cái chức còm từ tổ phó, tổ trưởng, trưởng phòng, phó phòng, ủy viên thường trực, vân vân. Xung quanh cái hội văn nghệ đang manh nha thành lập cũng vậy, nhưng Hoàng Hạc không hề hấn gì, không mảy may bận lòng. Và Hoàng Hạc cứ tận tụy, làm việc hết trách nhiệm dù giữ chức vụ Ủy viên Thường trực, Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội. Cùng đó, Hoàng Hạc cứ âm thầm, mải miết viết cả ngàn trang văn thật văn đẹp về quê hương bản quán mình, cứ rủ rỉ rù rì kin lẩu (uống rượu) chai trắng nút lá chuối cùng bạn văn chương với chuối xanh, ổi xanh, lạc rang húng lừu, cứ sống hồn nhiên, nhân hậu như cội nguồn người tộc Tày từng sống vậy. Nói đến văn chương, tôi bái phục Hoàng Hạc đức tính cần mẫn, vô cùng cầu thị và có trách nhiệm với từng con chữ, với từng chi tiết hiện thực đời sống. Tôi từng đọc Hoàng Hạc qua các trang viết đây đó trên báo và tạp chí văn nghệ, rồi đọc mấy lần Hoàng Hạc- Tuyển tập văn xuôi (Nxb Văn hóa Dân tộc, 1998), phát khiếp vì thái độ lao động của nhà văn tiền bối. Thì đấy, truyện Ké Nàm, viết năm 1963, chữa lại năm 1971, những 8 năm mới ổn. Chỗ ngoặt của một đoạn đường, Mùa thu 1984, Mùa thu 1987, những 3 năm. Nơi ấy những kỷ niệm, Yên Bái 11/1986 và Đại Lải 11/1987, những 2 năm. Xứ lạ mường trên, Yên Bái 1977 và Mỹ Lâm 1984-1985 và Yên Bái thu đông 1986, những 9 năm. Sông Gọi, Thác Bà 1965 và Quảng Bá 1968 và Đà Lạt 1982, những 17 năm. Còn nữa. Nội dung các truyện ngắn, truyện ký và bút ký của Hoàng Hạc, thì khỏi nói, nó chân thật đến tận cùng chân thật, như các nhà lý luận phê bình văn học bây giờ gọi là văn học phi hư cấu ấy mà. Vẫn biết hư cấu mới là sứ mạngquyền năng tối thượng của mỗi nhà văn để có thể xây dựng nên những hình tượng nhân vật có tính khái quát cao mang tầm thời đại và tầm nhân loại, nhưng có những nhà văn, bằng thiên bẩm và sức sáng tạo lạ thường thì vẫn có thể viết những tác phẩm với phong cách phi hư cấu mà vẫn xây dựng nên những nhân vật điển hình bất hủ, viết nên những áng văn đẹp làm lay động lòng người. Với Hoàng Hạc, sự chân thật trong bút pháp phi hư cấu đã tạo nên những trang văn thật văn đẹp, làm lay động lòng người. Không kể Khảm hải, Then bách điểu là tác phẩm sưu tầm, biên dịch, và bên cạnh những bút ký mang đậm nét văn thật văn đẹp, như: Bắc Hà đêm nay, Gương ngọc chân núi, Trận mưa rào tháng hai, Biển cá vào xuân, Thao thức vùng biên, vân vân, tôi đặc biệt chú ý cái bộ ba truyện ký của Hoàng Hạc, là Ké Nàm, Xứ lạ mường trênSông gọi.

Như trong Ké Nàm, một lão nông nghĩ khôn, cái ngày chuyển cư nhường đất quê hương bản quán cho thủy điện Thác Bà, định bỏ dân bản ngấm ngầm sang Tuyên Quang nhờ vả người thân để xin đất ở, đất làm ruộng, rồi chuyển nhà sang đấy chắc ăn, cho đỡ vất vả. Nhưng rồi, một lần đến thăm con gái cùng thanh niên bản xung phong đi xây dựng quê mới, ké Nàm thấy quê mới sao mà đẹp, cũng có đất làm nhà, cũng có ruộng cấy lúa, cũng có nương trồng ngô, sắn, lại được con gái khích là lão bỏ bản, bỏ hàng xóm láng giềng, chỉ biết lo cho mình, khiến lão nghĩ ngợi rất nhiều về cái tình dân bản từng cả đời tối lửa tắt đèn có nhau. Về nhà, gặp vợ bên bờ ao, mắt lão không rời đàn cá đang bơi, nói bải ra: "Thương hại nó, ta để tất lại thôi. Mai kia chỗ này thành biển, nó tha hồ quẫy đuôi từ đây xuống Thác Bà rồi lại lên..."! Ké Nàm điển hình cho loại nhân vật lão nông miền núi biết nghĩ khôn cho mình, nghĩ tư lợi, nhưng rồi vì tình thân với dân bản mà biết nghĩ lại, theo cái đẹp của tình người, theo cái mới của cuộc sống quần tụ dân dã.

Như trong Sông gọi, những nhân vật nổi bật khiến bạn đọc nhớ mãi là Bí thư huyện ủy Phượng, Chủ tịch huyện Thăng, cha cố Đồng, những người gánh trách nhiệm nặng nề nhất, lo toan nhiều nhất, phải giải quyết những việc phức tạp, rắc rối, khó khăn nhất trong việc tuyên truyền, vận động và đưa dân di cư khỏi quê hương bản quán đến quê mới ở Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên. Công việc chuyển cư nhường đất cho Nhà máy thủy điện Thác Bà- đứa con thủy điện đầu lòng của Chủ nghĩa xã hội, là một công việc khổng lồ, khổng lồ về tư tưởng, tình cảm, khổng lồ về lao động chân tay, lao động cơ giới. Việc di dân đã vất vả, nhưng việc di dời nhà thờ, chùa chiền, miếu mạo, mồ mả cha ông còn vất vả hơn nhiều. Nên nhớ rằng, bốc khỏi lòng hồ Thác Bà- nơi cả ngàn héc-ta được gọi "bờ xôi ruộng mật" cùng với nền văn hóa ngàn năm của người Kinh, người Tày, người Dao, người Nùng huyện Yên Bình, là hơn 5 vạn dân, hơn 3 vạn mồ mả cha ông, dòng tộc, 40 đền thờ miếu mạo, 30 nhà thờ Chúa, thời gian di dời kéo dài gần mười năm đằng đẵng. Vô cùng mệt mỏi và tốn kém! Kết quả là, Nhà máy thủy điện Thác Bà mọc lên sừng sững như một chàng tráng sĩ khổng lồ dang hai cánh tay lực lưỡng nối núi Cao Biền với núi Hoàng Thy, và các dòng thủy sinh thuộc lưu vực sông Chảy đã tụ về làm nên biển hồ xanh biếc mênh mông, với 1.300 hòn đảo xinh đẹp, và biển hồ xối dòng nước xanh biếc xuống các tua-bin mà làm ra 120 MW cho điện sáng bừng cả miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Thật là vĩ đại! Thật là kỳ diệu! Một người dân thường sinh ra, lớn lên, rồi theo cách mạng, rồi làm cán bộ văn hóa, làm cán bộ văn nghệ, một nhà văn tiền bối như Hoàng Hạc làm sao không hết lòng cổ xúy cho công trình thủy điện vô cùng quan trọng mang tầm thế kỷ kia chứ! Thực sự, nhà văn Hoàng Hạc đã có công lao to lớn khắc ghi vào lịch sử văn học Việt Nam hiện đại những trang văn hết sức chân thật, cảm động và hào hùng về một công cuộc lao động sáng tạo và đức hy sinh vô cùng to lớn của tất thảy nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình và những công nhân, kỹ sư Việt Nam- Liên Xô, những người tiên phong làm thủy điện vì quốc kế dân sinh tiến bộ của Chủ nghĩa xã hội.

Nói đến văn chương, tôi không thể không nói dài một tí về Xứ lạ mường trên của Hoàng Hạc. Theo tôi thì, Xứ lạ mường trên thể hiện được sự chân thực độc đáo, mang nét rất riêng của văn Hoàng Hạc. Nét rất riêng văn Hoàng Hạc là ở cái nhìn trực cảm, sử dụng ngôn ngữ giản dị, giầu hình ảnh, cách diễn đạt đậm chất Tày. Hãy nhớ lại chuyện Chậu nước tắm ngày sinh con, cái chuyện tự cắt rốn, rồi tắm cho con mới sinh trong cái chậu sành, mà tắm bằng nước suối núi Ngàng trong lành hòa với muối mặn biển cả, mặc cho con khóc thật to, để cho con hít thở khí trời rừng núi, như thế, mai ngày con sẽ lớn lên cường tráng, thì thật là chỉ có chuyện sinh nở xửa xưa theo kiểu hoang dã, dân dã, chỉ dân gian mới thế. Chuyện cứ như thần thoại ấy. Còn ngày Ra tháng của trẻ thì, các lễ vật được bày trang trọng trên bàn thờ tổ tiên... "Giờ đây, cặp bánh dày màu hồng kia là tấm ngực hồng của mẹ. Hai chiếc bánh dày nửa trắng nửa đỏ là hai bầu vú căng sữa của mẹ. Hai nửa quả trứng đặt úp lên cặp bánh dày kia là hai núm vú phơi trần của mẹ". Nhà văn kể tên các lễ vật cúng tế ngày "Ra tháng" của trẻ vừa rất thật, vừa quê kiểng, rất gần gũi với đời sống thường nhật, nhưng vô cùng ý nghĩa ở chỗ, lễ vật bánh dày kia tượng trưng cho ngực hồng của mẹ, là hai bầu vú căng sữa của mẹ, là hai núm vú phơi trần của mẹ, toàn những thứ dành để nuôi con lớn lên từng ngày mà thành người, cũng là cách dạy trẻ biết ơn cha mẹ sinh thành. Rồi Đêm hội cốm, trăng vẫn thênh thang trên bầu trời trong kia, thì những lời hát mời với giọng thanh thanh đầy quyến rũ, cất lên: "Mời cô nàng thướt tha/ Ơ mời cô nàng Sọt, nàng Trăng/ Xuống khua máng gỗ vác/ Xuống gõ nhạc chày chủ/ Xuống chơi bạn tình nơi thế gian... Và rồi, vang lên tiếng chày "kum, kum, kum" nện vào thành máng, báo hiệu bắt đầu một bản nhạc gõ Keéng loỏng... Dưới ngòi bút "phù thủy" của nhà văn thì, điệu chày Kéng loỏng như gợi nên "thấp thoáng đâu đó cảnh chiều tà mùa đông nắng vàng rực rỡ tràn trên những thửa ruộng bậc thang la liệt gốc rạ. Thấp thoáng trong cảnh ấy, những bàn chân nhảy nhót đan lấy nhau. Những tà áo tung bay như những cánh bướm sặc sỡ. Hàng ngàn trống cái, trống con bập bùng ngân xa"... Phải nói, nhà văn Hoàng Hạc tả cái cảnh giã cốm đêm trăng trên nhà sàn bản Tày thậtđẹp đến nỗi ta như nhìn thấy nghe thấy tận mắt và cảm nhận như đang hòa với cánh nam thanh nữ tú bản làng cùng giã cốm, cảm giác mê vui. Những cảnh sinh hoạt đậm chất dân gian Tày như thế không phải hiếm trong văn Hoàng Hạc. Như thế, mới thấy Hoàng Hạc yêu thương con người bản mình, yêu bản mình, yêu quê núi của mình nhiều lắm. Thì chính Hoàng Hạc- nhân vật "tôi" trong Xứ lạ mường trên, đã được sinh ra dưới chân núi Ngàng, được tắm nước nguồn suối Ngàng trong mát pha lẫn muối mặn biển cả, lớn lên, được cha mẹ cho đi học chữ Nho, tự học chữ Quốc ngữ, lại được cha truyền dạy cho những câu dân ca khắp, cọi, quan làng, luyện cho Khảm hải (Vượt biển)- một trường ca của dân tộc Tày với hình thức diễn xướng thâu đêm, là "hất pụt" cùng với bộ nhạc gỗ và nhạc dây cổ sơ gắn liền với tín ngưỡng dân gian và những tưởng tượng huyền ảo về thế giới thần linh xửa xưa, Khảm hải cuồng nhiệt, trữ tình và bi tráng. Hoàng Hạc lớn lên, từng chứng kiến bao nhiêu chuyện vui buồn, tắm mình trong bao nhiêu nét riêng độc đáo và đẹp của phong tục tập quán Tày, gắn bó thân thương, cùng với bao nhiêu chuyện biến đổi thời cuộc ở bản mình, ở quê hương mình. Tất tật đã được Hoàng Hạc chuyển vào tác phẩm của mình với một tình cảm sâu nặng vô cùng. Dù không được "tẩm ướp lí luận văn học" gì ráo, nhưng những trang văn của Hoàng Hạc thấm đẫm hiện thực và nhân văn. Theo đòi Hoàng Hạc, tôi cũng là người chỉ tôn thờ hiện thực và nhân văn mà thôi. Vậy nên, Hoàng Hạc đã là người thầy văn chương của tôi rồi! Lan man mãi, tôi lại nhớ cái ngày xa kia, nhà thơ Hà Phạm Phú với tư cách Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam, cùng với em Chính, em Thiệu là biên tập viên Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, tôi nữa, chạy thuyền máy xuyên lòng hồ Thác Bà đến Xuân Lai để làm phim tài liệu về nhà văn Hoàng Hạc. Cảm động lắm khi chúng tôi đặt chân lên cầu thang ngôi nhà sàn gỗ mái lá xôn xao gió rừng và ríu rít tiếng chim hót, lại thoảng mùi hoa rừng đâu đây nữa. Và chợt buồn, khi chúng tôi thấy Hoàng Hạc không còn nhìn được nữa. Ngồi bên chiếc bàn con kia, Hoàng Hạc gy nhỏ, giản dị áo sơ-mi, vẫn chiếc mũ nồi đen tí núm, mắt nhắm, miệng mím mím, một tay giữ chiếc thước kẻ đặt ngang cuốn vở, một tay cầm bút bi viết run run, chữ lên chữ xuống như đồi như núi, như ruộng bậc thang ở cái bản mình vậy. Giời ạ! Vẫn một Hoàng Hạc âm thầm viết, lặng lẽ viết, mải miết viết, cho đến tận bao giờ chứ! Mà vẫn viết những trang văn thật văn đẹp như xửa xưa vẫn thế. Ôi, thương lắm, nhà văn Hoàng Hạc ơi! Mà Hoàng Hạc cũng chẳng còn biết cái phim tài liệu của bạn văn Hà Phạm Phú cùng em Chính, em Thiệu làm thế nào nữa, chắc là hay lắm, Hoàng Hạc xin tạ ơn và chỉ ghi nhớ trong lòng thôi. Ây dà, nhân nhắc chuyện cũ, tôi lại nhớ, ngày Rằm tháng Giêng năm nào, bạn văn nghệ sĩ Chi hội Văn học Nghệ thuật Dân tộc thiểu số Yên Bái vượt gần trăm cây số đường quanh hồ Thác Bà, đến thăm hội viên Hoàng Tương Lai. Anh chị em văn nghệ sĩ đương mải chuyện trò, ngắm nghía phong cảnh quê hương Xuân Lai, thì tôi gọi riêng Tương Lai đến bên bàn thờ, nói nhỏ với Lai mấy điều, Lai gật đầu, rồi tôi đặt phong bì tiền lên đĩa hoa quả và thắp hương, hai tay chắp trước ngực, nhắm mắt, thành tâm, rì rầm khấn: "Thưa nhà văn Hoàng Hạc! Hôm nay ngày lành tháng tốt, em là nhà văn Hoàng Thế Sinh, thắp nén hương thơm tưởng nhớ anh, chúc anh nơi vĩnh hằng an lành và không quên viết văn nhé. Thưa anh, em với thằng Lai cùng lính chiến đấu ở Cánh Đồng Chum, Lào đã kết bạn tồng, nên từ hôm nay em xin phép chính thức được gọi Hoàng Hạc bằng chú. Vâng, cháu thưa chú Hoàng Hạc yêu quí!"... Tôi cúi đầu, vái ba vái, nước mắt chan hòa. Một lúc, trở ra, tôi đã thấy cỗ bày khắp dưới sàn, trên sàn, cùng nhiều hoa quả, đồ cúng tế, có cả một đội đẹp trai vừa hát vừa nhạc nữa. Tôi hơi ngạc nhiên, thì Lai bảo, đầu năm mới, theo phong tục cổ tuyền người Tày, hôm nay nhà Lai làm cỗ cúng mừng năm mới, cúng giải hạn, cúng cầu lộc, cầu may, cầu phúc. Nhà sàn chật người, chật cả tiếng nói, tiếng cười, tiếng nhạc, tiếng cầu khấn. Các bạn văn nghệ sĩ đang mải xem cúng thì nhà văn Hà Lâm Kỳ bấm tay tôi, nháy mắt, rồi kéo tôi xuống cầu thang, đi ra sau nhà. Hai chúng tôi rẽ cỏ, bước vào ven đồi. Nhà văn Hà Lâm Kỳ chỉ nấm mồ Hoàng Hạc. Nấm mồ lùm lùm giữa đám cỏ xanh rì, phía trên là rừng xanh ngút ngát. Thật mát mẻ! Hai chúng tôi cùng thắp hương, khấn vái. Không biết Kỳ khấn gì, còn tôi, trước vong linh nhà văn tiền bối mà tôi ngưỡng mộ, yêu quí, khấn gì đây, thôi thì, tôi cọi vậy, tôi cọi cái bài Lai dạy tôi ngày ở Nhà sáng tác Nha Trang năm xưa, bài cọi nói về mùa xuân trăm hoa đua nở, xin dâng tặng người xửa xưa. Tôi thì thầm: À à à ơi ơi ơi ời ời ời.../ Pí pền cần tàng quây mà lót/ Lại chầm thâng suôn bioóc bách va/ Lọi lọi rùng mà tha hom tỏa/ Bách thức bioóc va quả phông ban/ Bioóc nghè cắp bioóc cam rùng cáng/ Bioóc mặn phông soong háng tin suông/ Bioóc tào rùng tỏn xuân pí mấư/ Bioóc chanh phông tẩư nạu bioóc nghè*...

Gió rừng thoảng hương thơm,

thì thầm hoa lá,

rưng rưng búp non tơ,

bóng ai thấp thoáng sương mờ núi,

Chứ lai,** nhà văn Hoàng Hạc ơi!

 

                                                                             H.T.S

 

-------------------

(*) À à à ơi ơi ơi ời ời ời.../ Anh là người cách dặm đường xa/ Mừng vườn trăm thứ hoa đua nở/ Mọi thứ hoa hương tỏa ngát thơm/ Hoa cùng quả trong vườn vô số/ Quýt cùng cam hoa nở đầy cành/ Góc vườn trắng mỏng manh hoa mận/ Hoa đào tươi thắm nụ đón xuân/ Hoa chanh nở dưới gần hoa quýt/...   

(**) Nhớ lắm.

 

 

 

 

 

 

 

Các tin khác:

16-20 of 66<  1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  ...  >

Văn nghệ Yên Bái

Văn nghệ Yên Bái vùng cao

Thư viện Video

cuộc thi Văn học nghệ thuật

YÊN BÁI CHUNG TAY PHONG CHỐNG DỊCH COVID-19

Giá sách văn nghệ

Lượt view

Visitor Counter